Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - Tác giả tác phẩm - Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo
Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt NgaNgữ văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 9. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga- Ngữ văn 9
I. Tác giả văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) tục gọi là Đồ Chiểu
- Quê quán: sinh tại quê mẹ ở làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố HCM); quê cha ở xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
- Cuộc đời:
+ Năm 1843, ông thi đỗ tú tài năm 21 tuổi
+ Năm 1849, ông bị mù. Tuy nhiên không đầu hàng số phận, ông về Gia Định dạy học và bốc thuốc.
+ Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kì, ông tích cực tham gia vào phong trào kháng chiến
+ Khi cả Nam Kì rơi vào tay giặc, ông về sống tại Ba Tri (Bến Tre), nêu cao tinh thần bất khuất cho đến lúc mất
- Sự nghiệp văn chương
+ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc, ông đã để lại nhiều áng văn chương có giá trị nhằm truyền bá đạo lí làm người, lòng yêu nước và ý chí cứu nước...
+ Tác phẩm chính: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ- Hà Mậu, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thơ điếu Trương Định...
- Quan điểm sáng tác: Nguyễn Đình Chiểu sáng tác với quan điểm lấy ngòi bút làm vũ khí chiến đấu: “Chở bao nhiêu đạp thuyền không khẳm – Đâm mất thằng gian bút chẳng tà”
II. Tìm hiểu văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
1. Thể loại
- Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thuộc thể loại lục bát.
2. Xuất xứ
- Truyện Lục Vân Tiên là một truyện thơ nôm của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ 19, truyện có 2082 câu thơ lục bát.
- Phần văn bản được trích từ dòng thơ 123 đến dòng thơ 180.
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: biểu cảm.
4. Bố cục đoạn trích
- Phần 1 (14 câu đầu): Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, tiêu diệt tên cầm đầu Phong Lai.
- Phần 2 (còn lại): Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
5. Tóm tắt
Lục Vân Tiên quê ở huyện Đông Thành, khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ. Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài. Trên đường về nhà thăm cha mẹ, gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành, bức hại dân lành chàng vô cùng tức giận. Tiên nghĩ rằng, kẻ cướp ỷ thế mạnh hiếp đáp kẻ lành, quả là bọn bất nhân, chàng liền ra tay cứu giúp. Không có vũ khí, chàng đã bẻ cây làm gậy, dũng mãnh xông vào giữa bọn cướp. Kẻ cướp hung bạo, thấy chàng càng thêm dữ tợn, quyết trừng trị cho bằng được. Nào ngờ, chúng bị chàng đánh cho một trận, kẻ tử nạn, người trọng thương, bỏ chạy tán loạn. Đánh tan bọn cướp, chàng còn ân cần hỏi han người gặp nạn, mới biết rằng đó là Kiều Nguyệt Nga, một co gái đang trên đường cùng tỳ nữ trở về nhà thì gặp nạn. Nguyệt Nga cảm tạ ân công, muốn đền đáp xứng đáng nhưng Vân Tiên đều từ chối tất cả. Chàng cho rằng, đó là việc nghĩa, hành động phải làm của người quân tử, không cần phải báo đáp. Cảm ân đức ấy, lại thêm mến phục khí tiết trọng nghĩa khinh tài của Lục Vân Vân Tiên, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự tay vẽ một bức hình chàng giữ luôn bên mình. Còn Vân Tiên tiếp tục cuộc hành trình.
6. Giá trị nội dung
- Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật trung tâm: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na ân tình. Qua đó thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
7. Giá trị nghệ thuật
Đoạn trích thành công với thể thơ lục bát dân tộc, nghệ thuật kể chuyện, miêu tả rất giản dị, mộc mạc, giàu màu sắc Nam Bộ.
III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
1. Nhân vật Lục Vân Tiên
*Hình tượng nhân vật
- Lục Vân Tiên hiện lên là một chàng trai tài giỏi, trượng nghĩa, có học thức và trọng lễ giáo phong kiến.
- Đó là những phẩm chất của một người anh hùng.
- Điều đó được thể hiện qua hành động, lời nói của Vân Tiên.
- Phân tích một số chi tiết miêu tả hành động, lời nói của Lục Vân Tiên:
+ Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô: sự nhanh trí, gan dạ của Lục Vân Tiên.
+ Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân - bản lĩnh của một người quân tử, trước khi ra tay chàng đã nêu rõ lý do là vì chính nghĩa, không phải là hành vi đánh lén.
+ Trận đánh diễn ra cay cấn: bốn phía phủ vây bịt bùng vô cùng nguy hiểm đối với Lục Vân Tiên. Nhưng chàng vẫn tả xung hữu đột chẳng khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
* Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga
- Khi nghe tiếng khóc ở trong xe, Lục Vân Tiên hỏi: Ai than khóc ở trong xe này?
- Người bên trong trả lời rõ sự tình: Tôi thiệt người ngay/Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ. Lục Vân Tiên ngăn không cho hai cô gái ra ngoài: Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái ta là phận trai: giữ đúng chuẩn mực đạo đức, nam nữ thụ thụ bất thân.
- Lục Vân Tiên hỏi thăm tên tuổi, xuất thân và lý do vì sao gặp nạn trên đường. Khi nghe Kiều Nguyệt Nga bày tỏ mong muốn Lục Vân Tiên cùng đi đến gặp cha để đền ơn, Lục Vân Tiên nghe vậy từ chối: Làm ơn há dễ trông người trả ơn… Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
2. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga
- Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, thùy mị, có học thức. Điều đó được thể hiện qua:
+ Sau khi nghe lời lẽ của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga biết người cứu mình là một nam tử hán, liền kể rõ sự tình: Nàng cùng với tì tất tên là Kim Liên, quê ở quận Tây Xuyên, cha là tri phủ miền Hà Khê nhận được bức thư của cha đến đó để định việc hôn nhân: Trước xe quân tử tạm ngồi/Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.
+ Kiều Nguyệt Nga còn bộc lộ mong muốn Lục Vân Tiên đi cùng mình đến gặp cha để đền tạ công ơn: Gẫm câu báo đức thù công/Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
=> Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, là con người biết trước sau, hiếu nghĩa.
IV. Đọc văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”
Thưa rằng: “Tôi thiệt người ngay,
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.
Trong xe chật hẹp khôn phô,
Cúi đầu trăm lạy, cứu cô tôi cùng.”
Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Tiểu thư con gái nhà ai,
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ.
Chẳng hay tên họ là chi?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
Trước sau chưa hãn dạ nầy,
Hai nàng ai tớ, ai thầy nói ra?”
Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con này tì tất tên là Kim Liên.
Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
Sai quân đem bức thư về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
Làm con đâu dám cãi cha,
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành!
Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.
Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa:
Chút tôi liễu yếu đào thơ,
Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.
Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền không có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.”
Vân Tiên nghe nói liền cười:
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Này đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì?
Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”
V. Dàn ý Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
1. Mở bài:
Giới thiệu tác phẩm và đoạn trích:
- Truyện thơ Lục Vân Tiên của tác gia Nguyễn Đình Chiểu là một trong những truyện thơ Nôm đặc sắc của kho tàng thi ca Việt Nam.
- Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” nằm ở phần đầu của truyện, miêu tả cảnh Lục Vân Tiên lần đầu gặp Kiều Nguyệt Nga, cho thấy tinh thần trượng nghĩa của nam tử hán thời phong kiến.
2,. Thân bài
a, Tình huống gặp gỡ - Lục Vân Tiên đánh cướp:
- Chủ tớ Kiều Nguyệt Nga trên đường bị cướp chặn xe, Lục Vân Tiên tình cờ đi ngang qua, thấy vậy liền ra tay cứu giúp.
- Cảnh đánh cướp thể hiện tài năng võ thuật, sự mưu trí, khỏe khoắn của Lục Vân Tiên:
+ “Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”: câu thơ thể hiện sự gan dạ, không do dự lao tới cứu người.
+ “Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ!/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”: hai câu thơ cho thấy bản tính quân tử, minh bạch của Lục Vân Tiên. Trước khi ra tay, chàng tuyên bố lí do sự ra tay của chàng là vì chính nghĩa, việc ra tay cũng minh bạch, không phải đánh lén.
+ Trận đánh gay cấn, “bốn phía bủa vây bịt bùng” vô cùng nguy hiểm, nhưng càng cho thấy tài năng của Lục Vân Tiên: “tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”.
⇒ Hình ảnh so sánh Lục Vân Tiên với nhân vật anh hùng Triệu Tử, tả đột hữu xung, câu thơ với giọng điệu nhanh, dứt khoát, tất cả thể hiện sức mạnh của nhân vật.
- Kết quả của trận đánh: kẻ cướp thua tan tác, bỏ cả gươm giáo, thủ lĩnh Phong Lai bị Vân Tiên tiêu diệt.
⇒ Lời thơ như tiếng reo hò trước sự thắng lợi của công lí. Hình ảnh Lục Vân Tiên qua trận đánh trở thành hình ảnh một người anh hùng thượng võ, bênh vực kẻ yếu, trừ gian diệt ác cho nhân dân
b, Cảnh Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga:
Tính cách, phẩm chất của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga thể hiện qua màn đối đáp trả ơn.
- Khi thấy tiếng than khóc trong xe ngựa, Vân Tiên hỏi chuyện, “động lòng” trước cảnh hai cô gái gặp nguy, khẳng định đã trừ hết kẻ gian.
+ Ngăn không cho hai cô gái ra ngoài: tư tưởng nam nữ thụ thụ bất thân thời phong kiến.
+ Hỏi thăm tên tuổi và lí do hai người bị nạn giữa đường.
⇒ Từ ngôn ngữ mộc mạc, giản dị thể hiện tinh thần võ tướng khi tả cảnh đánh kẻ ác, tác giả chuyển qua sử dụng ngôn ngữ trang trọng để xây dựng đoạn hội thoại. Từ đó cho thấy cả hai nhân vật đều là người có học thức, trọng tôn ti trật tự.
- Khi biết người cứu mình là một trang nam tử hán, Kiều Nguyệt Nga đã kể rõ sự tình: nàng cùng tì thiếp lên đường đến nơi cha đang làm quan, giữa đường gặp cướp may nhờ Vân Tiên cứu. Tính cách và sự giáo dục của nàng thể hiện qua những câu:
+ Làm con đâu dám cãi cha: đặt chữ hiếu lên trước tiên, không quản khó khăn vất vả của bản thân.
+ Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi: quan trọng danh tiết.
+ Muốn lạy tạ ơn cứu mạng của Vân Tiên, mong chàng đi cùng để cha con nàng báo ơn
⇒ Qua đây ta thấy một nhân vật Kiều Nguyệt Nga biết trước sau, hiếu thuận, lễ tiết, là một tiểu thư khuê các có học thức, nghĩa tình.
- Khi nhận được ngỏ ý tạ ơn của Nguyệt Nga, Vân Tiên liền từ chối: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn/ Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
+ Tô đậm thêm phẩm chất con người trượng nghĩa.
+ Thể hiện một phương châm sống của đấng nam nhi thời phong kiến: thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là anh hùng
⇒ Tác giả thông qua nhân vật Lục Vân Tiên nhắc lại những đạo lí làm người cần có ở một trang nam nhi, thông qua Kiều Nguyệt Nga ca ngợi vẻ đẹp chính chuyên của người phụ nữ Việt Nam.
c, Nghệ thuật đoạn trích:
- Nghệ thuật miêu tả nhân vật sử dụng nhiều đối thoại, hành động, ít miêu tả ngoại hình, nội tâm, bởi tác giả sáng tác trong hoàn cảnh bị mù lòa, ông đọc để người khác ghi chép lại nên truyện mang tính chất truyền khẩu. Qua lời nói và hành động, nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất.
- Ngôn ngữ thơ mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày, đậm tính Nam Bộ. Thể thơ lục bát dễ nhớ.
- Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, điển tích, triết luận.
3. Kết bài:
- Kết luận về nội dung: đoạn thơ đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người Nam Bộ nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Đoạn thơ cũng là khởi đầu cho đoạn nhân duyên giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
- Nghệ thuật miêu tả nhân vật xuất sắc, ngôn ngữ giàu tính triết lí.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo