Cùng với xu thế hội nhập của thế giới thì nhu cầu gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng ngày càng phát triển hơn. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập công ty tại Việt Nam để mở rộng kinh doanh. Vậy nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại hình công ty nào tại Việt Nam. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm những quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này nhé.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập loại hình công ty nào tại Việt Nam?

1. Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại hình công ty nào tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, tổ chức theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Cụ thể, khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 về nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo pháp luật Việt Nam.

Như vậy, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam là việc các nhà đầu tư ở nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) bỏ tài sản hoặc vốn đầu tư vào Việt Nam theo những hình thức mà pháp luật đề ra.

Những hình thức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam bao gồm 5 hình thức sau đây:

- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

- Thực hiện dự án đầu tư

- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định về thành lập tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điểm b, Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020 thì :

- Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020;

- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là tổ chức nước ngoài thì khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế (tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020).

Đồng thời, theo quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Điều 20, 21 và 22 Luật Doanh nghiệp 2020 đối với các loại hình sau công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì đã có quy định cụ thể trong hồ sơ thành lập phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

· Doanh nghiệp tư nhân.

· Công ty hợp danh.

· Công ty TNHH (Công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên).

· Công ty cổ phần.

Pháp luật hiện hành không giới hạn loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn khi đầu tư vào Việt Nam. Do đó, nếu tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam có thể tự do lựa chọn thành lập doanh nghiệp theo một trong những loại hình doanh nghiệp liệt kê bên trên để thực hiện dự án đầu tư của mình.

2. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến hoạt động thành lập công ty của nhà đầu tư nước ngoài

2.1 Người nước ngoài có được thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam không ?

Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập loại hình công ty nào tại Việt Nam?

Khoản 1,2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp như sau:

Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, có thể thấy người nước ngoài là đối tượng được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo pháp luật quy định.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:

Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Căn cứ vào quy định trên thì người nước ngoài vẫn được thành lập doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng các điều kiện về ngành nghề của doanh nghiệp.

2.2 Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được hưởng những ưu đãi gì ?

· Ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp: Các cơ sở sản xuất mới thành lập được miễn thuế 2 năm đầu, được giảm 50% trong 2 năm tiếp theo. Nếu đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề, vùng kinh tế được ưu đãi đầu tư sẽ hưởng mức thuế suất thấp hơn các dự án khác. Thời gian miễn giảm cao nhất là 13 năm (4 năm miễn, 9 năm giảm).

· Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu: Miễn hầu hết thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; Ưu tiên khuyến khích xuất khẩu hàng đã qua chế biến (thuế suất 0%).

· Ưu đãi về tài chính đất đai: Miễn giảm tiền thuê đất đến 50% đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng từ 20% đến 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

2.3 Các loại thuế suất áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập loại hình công ty nào tại Việt Nam?

Nhìn chung, có 4 loại thuế phổ biến, áp dụng đối với hầu hết các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam:

Thuế

Khoản phí phải nộp / Thuế suất

Thời hạn nộp

Lệ phí (thuế) môn bài

· Quy mô vốn từ 10 tỷ đồng trở xuống: 3 triệu/năm

· Quy mô vốn trên 10 tỷ đồng: 2 triệu/năm

· Chi nhánh, văn phòng đại diện,…: 1 triệu/năm

Chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

Thuế GTGT

Biểu thuế suất thuế GTGT phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh:

· Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

· Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

· Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

· Hoạt động kinh doanh khác: 2%

Đối với doanh nghiệp khai theo tháng: Hạn nộp là ngày thứ 20 của tháng sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

Đối với doanh nghiệp khai theo quý: Hạn nộp là ngày 30 hoặc 31 (ngày cuối cùng) của tháng đầu quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế suất là 20% tổng thu nhập chung.

Với DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí thuế suất có thể lên tới 32%-50%, với doanh nghiệp khai thác các tài nguyên quý hiếm khác là 40%-50% …

Nộp thuế TNDN theo quý, hạn nộp là ngày 30 của tháng đầu quý sau.

Thuế thu nhập cá nhân

Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x Thuế suất

Thuế suất tính theo biểu luỹ tiến từng phần.

Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm;

Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.

Ngoài ra, tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh cụ thể, có thể áp dụng các loại thuế khác như:

· Thuế tiêu thụ đặc biệt;

· Thuế tài nguyên;

· Thuế nhập khẩu;

· Thuế xuất khẩu;

· Thuế bảo vệ môi trường.

· Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

2.4 Những ngành nghề nào bị cấm đối với nhà đầu tư người nước ngoài?

Chính phủ Việt Nam quy định nhà đầu tư nước ngoài chưa được đầu tư vào 25 lĩnh vực sau:

1. Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục độc quyền nhà nước.

2. Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức.

3. Đánh bắt hoặc khai thác hải sản.

4. Dịch vụ điều tra và an ninh.

5. Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên.

6. Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

7. Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa.

8. Dịch vụ thu gom rác thải trực tiếp từ các hộ gia đình.

9. Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận).

10. Dịch vụ nổ mìn.

11. Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

12. Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

13. Dịch vụ bưu chính công ích.

14. Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

15. Kinh doanh tạm nhập tái xuất.

16. Thực hiện xuất nhập khẩu và phân phối đối với các hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện.

17. Thu, mua, xử lý tài sản công tại các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

18. Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự

19. Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ.

20. Dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải; dịch vụ khảo sát xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước, cảng biển…

21. Dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước và luồng hàng hải công cộng; dịch vụ thông tin điện tử hàng hải.

22. Dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận cho các phương tiện giao thông vận tải.

23. Dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên.

24. Nghiên cứu hoặc sử dụng nguồn gen giống vật nuôi mới trước khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đánh giá.

25. Kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.