Bao nhiêu tuổi được đi xe 50cc? Đi xe máy khi chưa đủ tuổi bị phạt bao nhiêu?

Xe máy 50cc có kích thước nhỏ gọn, giúp học sinh dễ dàng di chuyển trong đô thị đông đúc và qua lại giữa các con đường hẹp. Do đó, xe máy 50cc được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm làm phương tiện di chuyển đi học của các bạn học sinh cấp 3. Vậy bao nhiêu tuổi có thể điều khiển xe 50cc? Đi xe máy khi chưa đủ tuổi sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

1. Người lái xe bao nhiêu tuổi được đi xe 50cc?

Xe 50cc là dòng xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, thiết kế kiểu dáng nhỏ gọn với trọng lượng khoảng 100kg.

Theo quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...

Tuy nhiên, Giấy phép lái xe hạng thấp nhất - hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 02 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cc - dưới 175cc, dưới hạng A1 không còn Giấy phép lái xe hạng nào nữa. Tức là không có Giấy phép lái xe dành cho người lái xe 50cc.

Bởi dòng xe 50cc không yêu cầu về bằng lái đối với người điều khiển nên đối tượng sử dụng rất đa dạng, ngay cả học sinh cấp 3 cũng được phép điều khiển tham gia giao thông. Hiện nay rất nhiều phụ huynh đã lựa chọn xe 50cc làm phương tiện di chuyển cho con học cấp 3.

Về độ tuổi của người lái xe, khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:

“Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

...”

Theo quy định trên, người đủ 16 tuổi trở lên thì được đi xe gắn máy dưới 50cc, học sinh lớp 10 mà chỉ 15 tuổi thì cũng không được đi xe 50cc tham gia giao thông.

Khi điều khiển xe 50cc, học sinh cần phải có giấy tờ là Đăng ký xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Căn cước công dân đủ 16 tuổi trở lên.

2. Đi xe máy khi chưa đủ tuổi bị phạt bao nhiêu?

Mức phạt đối với người lái xe khi chưa đủ tuổi được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô;

- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

- Phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô.

Như vậy, học sinh chưa đủ 16 tuổi đi xe 50cc sẽ bị phạt cảnh cáo. Trường hợp học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy trên 50cc thì bị phạt đến 600.000 đồng.

3. Đi xe máy 50cc có cần bằng lái không?

Giấy phép lái xe được phân thành 2 loại: giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn. Theo khoản 2, Điều 59, Luật Giao thông đường bộ 2008 giấy phép lái xe không thời hạn gồm các hạng sau:

- Hạng A1: Cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50cc đến dưới 175cc;

- Hạng A2: Cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cc trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

- Hạng A3: Cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

Như vậy, A1 là giấy phép lái xe hạng thấp nhất được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh với dung tích xi lanh từ 50cc đến dưới 175cc. Hiện nay, chưa có giấy phép lái xe nào dành cho loại xe máy có dung tích xy-lanh dưới 50cc. Điều này đồng nghĩa với việc, khi sử dụng xe máy 50cc, người lái xe sẽ không cần tới bằng lái.

4. Xe máy 50cc có cần mua bảo hiểm xe không?

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 103/2008/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, đối tượng áp dụng của nghị định này là chủ xe cơ giới tham gia giao thông. Trong khi đó, xe cơ giới bao gồm xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo), xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) có tham gia giao thông.

Theo quy định trên, xe máy dưới 50cm3, là xe gắn máy, bắt buộc phải mua bảo hiểm cho xe. Trong trường hợp, người điều khiển xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng - 120.000 đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

5. Những điều cần lưu ý khi điều khiển xe máy 50cc

Mặc dù không có nhiều quy định khắt khe về sử dụng xe máy 50cc nhưng người điều khiển xe vẫn cần chú ý và tuân thủ các nguyên tắc an toàn giao thông cần thiết như:

– Thứ nhất là thực hiện đăng ký xe và biển số xe theo đúng quy định của luật giao thông.

– Thứ hai là đối với thủ tục đăng ký xe và biển số cho xe 50 phân khối vẫn cần thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình như đối với những loại xe khác.

– Thứ ba khi di chuyển trên xe máy có dung tích 50cc cả người điều khiển lẫn người ngồi trên xe đều phải đội mũ bảo hiểm.

6. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ?

Căn cứ Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ, bao gồm:

- Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Đào, khoan, xẻ đường trái phép;

- Đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường;

- Đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường;

- Để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường;

- Mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính;

- Lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;

- Tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

- Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

- Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

- Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

- Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

- Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

- Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

- Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

- Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

- Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.

- Bấm còi, rú ga liên tục;

- Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

- Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới;

- Sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

- Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.

- Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn;

- Chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.

- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

- Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

- Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

- Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

- Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

- Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.