Đi xe máy 50 cc có bắt buộc có giấy phép lái xe không?
Đi xe máy 50 cc có bắt buộc có giấy phép lái xe không?

1. Đi xe máy 50 cc có bắt buộc có giấy phép lái xe không?

1.1. Thế nào là xe 50cc (50 cm3)?

Căn cứ theo Khoản 3.32 Điều 3 QCVN 41:2019/BGTVT, xe 50cc (50cm3) là dòng xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, thiết kế kiểu dáng nhỏ gọn với trọng lượng khoảng 100kg.

Theo quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...

Dòng xe 50cc hiện nay có đối tượng sử dụng rất đa dạng, ngay cả học sinh cấp 3 cũng được phép điều khiển tham gia giao thông.

1.2. Điều kiện đối với người lái xe khi tham gia giao thông được pháp luật quy định như thế nào?

Theo Khoản 1 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

“Điều 56. Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:

a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;

c) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;

d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi điều khiển phương tiện giao thông cần có Giấy phép lái xe đang còn điểm và phù hợp với loại xe đang điều khiển.

1.3. Đi xe máy 50 cc có bắt buộc có giấy phép lái xe không?

Căn cứ theo điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) cụ thể:

"Điều 57. Giấy phép lái xe

1. Giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW;"

Như vậy, Giấy phép lái xe hạng A1 sẽ được cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tíc xi-lanh đến 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11kW.

Dưới hạng A1 không còn Giấy phép lái xe hạng nào nữa. Tức là không có Giấy phép lái xe dành cho người lái xe máy 50cc.

2. Không có Giấy phép lái xe thì bị phạt bao nhiêu tiền mới nhất 2025?

2.1. Đối với hành vi không mang Giấy phép lái xe

Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

...

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.

[...]"

Như vậy, đối với hành vi không mang theo giấy phép lái xe, từ ngày 01/01/2025 người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

2.2. Đối với hành vi không có Giấy phép lái xe

Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
  • Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
  • Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).

Như vậy, trường hợp điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có Giấy phép lái xe, hoặc Giấy phép lái xe không hợp lệ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng

Đi xe máy 50 cc có bắt buộc có giấy phép lái xe không?
Đi xe máy 50 cc có bắt buộc có giấy phép lái xe không?

3. Từ 01/01/2025, 15 tuổi được điều khiển xe 50cc (50 cm3) không?

Khoản 3.32 Điều 3 QCVN 41:2019/BGTVT có quy định xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.

Căn cứ Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) có quy định về độ tuổi lái xe máy như sau:

"Điều 59. Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

[...]"

Theo đó, từ ngày 01/01/2025, độ tuổi thấp nhất được điều khiển xe máy 50cc là đủ 16 tuổi trở lên, người đủ 15 tuổi không được điều khiển xe máy 50cc.

4. Người đủ 15 tuổi điều khiển xe máy 50cc khi chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào?

Theo khoản 1, khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:

"Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.

[....]"

Theo đó, người đủ 15 tuổi nếu điều khiển xe máy, xe mô tô (kể cả xe điện) hoặc các loại xe khác tương tự sẽ bị phạt cảnh cáo.

5. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục và gia đình học sinh trong việc hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn?

5.1. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục

Căn cứ Khoản 4 Điều 6 Nghị định 151/2024/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/01/2025) quy định về trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh như sau:

Trách nhiệm của trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

  • Tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông;
  • Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

5.2. Trách nhiệm của gia đình học sinh

  • Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh;
  • Không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định;
  • Thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với nhà trường việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.
Trách nhiệm tuyên truyền giao thông của cơ sở giáo dục
Trách nhiệm tuyên truyền giao thông của cơ sở giáo dục

6. Hậu quả của hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi

Căn cứ theo quy định tại khoản 7, Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025):

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

...

7. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

[…]”

Như vậy, việc giao phương tiện giao thông cho người chưa đủ điều kiện là trái quy định của pháp luật. Hiện nay pháp luật đã quy định 2 loại chế tài điều chỉnh hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông cụ thể:

6.1. Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP:

  • Trường hợp giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô;
  • Đối với ô tô thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô.

6.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ:

  • Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Như vậy, theo đó nếu người giao xe máy cho người chưa đủ tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông chết người mà biết rõ người đó chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Theo đó, nếu người nào giao xe máy cho người chưa đủ tuổi điều khiển mà biết rõ người đó chưa đủ tuổi và gây tai nạn giao thông làm chết người trở lên có thể bị phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng.

Có thể thấy, pháp luật đã có chế tài điều chỉnh khá rõ ràng và nghiêm minh, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được Nhà nước quan tâm, vấn đề ở đây vẫn là ở ý thức của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Việc các bậc phụ huynh “cố tình” và “vô tư” giao xe cho con, em mình khi chúng không đủ điều kiện tham gia giao thông mà không lường đến hậu quả tai hại thì đó là hành vi không chỉ hại mình, mà còn hại cả người.

Để từng bước ngăn chặn tình trạng người không đủ điều kiện, nhất là đối tượng học sinh điều khiển xe máy, chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, ngành giáo dục cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh, để các em tự giác chấp hành. Cùng với đó, cần tiếp tục chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhằm tạo sự răn đe.

7. Các câu hỏi thường gặp

7.1. 15 tuổi có được chạy xe 50cc (50 cm3) không?

Căn cứ theo điểm a Khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định:

"Điều 59. Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;

[...]"

Theo quy định tại Khoản 3.32 Điều 3 QCVN 41:2019/BGTVT có quy định xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.

Như vậy, người dưới 16 tuổi không được lái xe 50cc (50 cm3).

7.2. Lớp 10 được đi xe 50cc không?

Theo các quy định đã phân tích ở trên, học sinh lớp 10 được đi xe 50cc (50 cm3) nếu từ đủ 16 tuổi trở lên, học sinh lớp 10 mà chỉ 15 tuổi thì cũng không được đi xe 50cc tham gia giao thông.

Khi điều khiển xe 50cc, học sinh cần phải có giấy tờ là Đăng ký xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Căn cước công dân đủ 16 tuổi trở lên.

7.3. Không đủ tuổi lái xe 50cc phạt bao nhiêu?

Theo khoản 1, khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, người đủ 15 tuổi chưa đủ tuổi lái xe máy sẽ bị phạt cảnh cáo khi điều khiển xe máy 50cc.