Xe đạp điện có cần đăng ký và lắp biển số xe không?

Xe đạp điện là một phương tiện phổ biến hiện nay đặc biệt là đối với học sinh, người lớn tuổi. Vậy theo pháp luật hiện hành xe đạp điện có cần đăng ký và lắp biển số xe không? Theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác về vấn đề này nhé!

1. Xe đạp điện có cần đăng ký và lắp biển số xe không? Nếu có thì hồ sơ, thủ tục thực hiện như thế nào?

Căn cứ Điều 1 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định như sau:

“Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: Đăng ký xe lần đầu; đăng ký sang tên, di chuyển xe; cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá (sau đây gọi chung là đăng ký xe); hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể; biểu mẫu, thời hạn sử dụng chứng nhận đăng ký xe, xác định năm sản xuất của xe và biển số xe.”

Bên cạnh đó, xe cơ giới được giải thích theo khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Do đó, đối chiếu theo quy định thì xe đạp điện không phải là xe cơ giới nên không được xếp vào xe cơ giới đồng nghĩa là xe đạp điện không phải đăng kí xe nhưng đối với xe máy điện thì phải tiến hành đăng ký xe và gắn biển số xe.

2. Xe đạp điện được xếp vào loại phương tiện giao thông nào?

Xe đạp điện được xếp vào loại phương tiện giao thông nào, thì theo khoản 17, 18, 19 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 có giải thích như sau:

“Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.”

Theo đó, xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện) theo điểm e khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Xe đạp điện có cơ cấu trợ lực bằng bàn đạp chân khi hết điện.

Do đó, xe đạp điện được xếp vào nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

3. Xe đạp điện có được đi vào đường cao tốc không?

Theo Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

“Giao thông trên đường cao tốc

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;

b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.

3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”.

Theo đó, xe đạp điện không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

4. Đi xe đạp điện có cần bằng lái không?

Trong thực tế, khi cần tham gia giao thông bằng các phương tiện như xe máy hay ô tô, việc có một bằng lái xe là điều kiện không thể thiếu. Tuy nhiên, mảng này trở nên phức tạp khi đề cập đến xe đạp điện, một hình thức vận chuyển ngày càng phổ biến mà hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc cần có hay không cần có bằng lái xe đối với người điều khiển xe đạp điện.

Khi tham gia giao thông với việc sử dụng xe đạp điện, quy định không đòi hỏi người điều khiển phải có bằng lái. Mặc dù vậy, điều quan trọng là người lái cần có ý thức và tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia giao thông.

5. Đi xe đạp điện có cần đội mũ bảo hiểm không?

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.

Theo quy định trên, người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy thì phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về giải thích từ ngữ:

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lĩnh vực giao thông đường bộ:

e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện)”.

Với quy định trên thì các quy định về xe đạp máy cũng được áp dụng chung cho xe đạp điện. Vậy nên, người tham gia giao thông bằng xe đạp điện sẽ phải đội mũ bảo hiểm.

6. Người đi xe đạp điện vi phạm bị xử phạt như thế nào?

Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý hành chính theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

i) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

k) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.”

Như vậy, bạn điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên theo Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì “Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;”

Theo đó, con bạn mới 17 tuổi nên mức phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm giảm xuống một nửa còn từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng.