Sách bài tập KHTN 9 Bài 40 (Kết nối tri thức): Dịch mã và mối quan hệ từ gene đến tính trạng

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 40: Dịch mã và mối quan hệ từ gene đến tính trạng sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT KHTN 9 Bài 40.

1 373 01/11/2024


Giải SBT KHTN 9 Bài 40: Dịch mã và mối quan hệ từ gene đến tính trạng

Bài 40.1 trang 105 Sách bài tập KHTN 9: Khẳng định nào dưới đây không đúng khi nói về mã di truyền

A. Mã di truyền là mã bộ ba.

B. Có nhiều mã di truyền cùng mang tín hiệu kết thúc dịch mã.

C. Mỗi loại amino acid chỉ được xác định bởi một mã di truyền.

D. Một amino acid có thể được mã hóa bởi nhiều bộ ba.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

C. Sai. Mỗi loại amino acid thường được xác định bởi nhiều hơn một mã di truyền, trừ amino acid mở đầu và amino acid tryptophan.

Bài 40.2 trang 105 Sách bài tập KHTN 9: Các codon nào dưới đây không mã hoá amino acid

A. UAA, UAG, UGA.

B. AAU, GAU, UAC.

C. AUA, UAA, UGC.

D. CUG, ACC, GUA.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong 64 codon, có 3 codon kết thúc (UAA, UAG và UGA) không mã hóa amino acid mà có vai trò kết thúc tổng hợp protein.

Bài 40.3 trang 105 Sách bài tập KHTN 9: Các mã di truyền khác nhau ở

A. số lượng và thành phần các nucleotide.

B. trình tự và thành phần nucleotide.

C. thành phần các nucleotide.

D. số lượng và trình tự nucleotide.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Các mã di truyền khác nhau ở trình tự và thành phần nucleotide còn giống nhau về số lượng nucleotide (mỗi mã di truyền đều có 3 nucleotide).

Bài 40.4 trang 106 Sách bài tập KHTN 9: Thành phần nào sau đây không tham gia quá trình dịch mã

A. RNA.

B. Ribosome.

C. DNA.

D. Amino acid.

Lời giải:

C

Mặc dù trình tự mã di truyền trên gene quy định thành phần và trình tự amino acid trên chuỗi polypeptide nhưng gene (DNA) không tham gia trực tiếp vào quá trình dịch mã mà bản phiên mã của gene (mRNA) mới là thành phần tham gia trực tiếp đóng vai trò là mạch khuôn.

Bài 40.5 trang 106 Sách bài tập KHTN 9: Dịch mã là quá trình

A. tổng hợp chuỗi polypeptide.

B. tái bản DNA.

C. truyền đạt thông tin di truyền từ gene đến mRNA.

D. duy trì thông tin di truyền qua các thế hệ.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Dịch mã là quá trình tổng hợp chuỗi polypeptide (protein) dựa trên trình tự nucleotide trên bản phiên mã của gene (mRNA).

Bài 40.6 trang 106 Sách bài tập KHTN 9: Sắp xếp các sự kiện sau theo đúng diễn biến của quá trình dịch mã

(1) Ribosome dịch chuyển từng mã bộ ba. Tại mỗi bộ ba, tRNA mang amino acid đến khớp mã trên mRNA. Sau khớp mã, các amino acid rời khỏi tRNA, các amino acid sau liên kết với nhau tạo thành chuỗi amino acid.

(2) Ribosome gắn vào bộ ba mở đầu. tRNA mang amino acid đến ribosome để khớp mã.

(3) Ribosome dịch chuyển đến bộ ba kết thúc, báo hiệu dừng dịch mã.

Lời giải:

Trình tự các sự kiện sau theo đúng diễn biến của quá trình dịch mã là:

(2) Ribosome gắn vào bộ ba mở đầu. tRNA mang amino acid đến ribosome để khớp mã.

(1) Ribosome dịch chuyển từng mã bộ ba. Tại mỗi bộ ba, tRNA mang amino acid đến khớp mã trên mRNA. Sau khớp mã, các amino acid rời khỏi tRNA, các amino acid sau liên kết với nhau tạo thành chuỗi amino acid.

(3) Ribosome dịch chuyển đến bộ ba kết thúc, báo hiệu dừng dịch mã.

Bài 40.7 trang 106 Sách bài tập KHTN 9: Cho đoạn trình tự nucleotide ở mạch khuôn của gene như sau

-A-G-G-G-T-T-G-C-T-C-C-T-

a) Xác định trình tự nucleotide ở mạch bổ sung.

b) Xác định trình tự nucleotide ở mRNA được phiên mã từ mạch khuôn này. Có bao nhiêu codon trong bản phiên mã của đoạn gene trên?

c) Biết rằng các bộ ba mã hóa các amino acid như sau: GGA: glycine; UCC: serine; CAA: glutamine; CGA: arginine. Xác định trình tự amino acid được tạo thành sau dịch mã từ mạch khuôn trên.

Lời giải:

a) Hai mạch của gene liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung: A liên kết với T, G liên kết với C và ngược lại. Do đó:

Mạch khuôn: -A-G-G-G-T-T-G-C-T-C-C-T-

Mạch bổ sung: -T-C-C-C-A-A-C-G-A-G-G-A-

b) - Trong quá trình phiên mã, trình tự nucleotide trên mạch khuôn của gene quy định trình tự ribonucleotide trên mạch RNA theo nguyên tắc bổ sung: A liên kết với U, T liên kết với A, G liên kết với C và C liên kết với G. Do đó:

Mạch khuôn: -A-G-G-G-T-T-G-C-T-C-C-T-

mRNA: -U-C-C-C-A-A-C-G-A-G-G-A-

- Mỗi codon có 3 nucleotide, mà đoạn mRNA trên có 12 nucleotide → Có 4 codon ở bản phiên mã của đoạn gene trên.

c) Xác định trình tự amino acid được tạo thành sau dịch mã từ mạch khuôn trên:

mRNA: -U-C-C-C-A-A-C-G-A-G-G-A-

Chuỗi polypepetide: serine - glutamine - arginine - glycine

Bài 40.8 trang 106 Sách bài tập KHTN 9: Tìm các từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin về mối quan hệ giữa gene và tính trạng

Trình tự nucleotide trên gene (DNA) quy định trình tự nucleotide trên ...(1)... thông qua quá trình phiên mã. Sau đó, trình tự này quy định trình tự các ...(2)... trong chuỗi polypeptide thông qua quá trình ...(3)... . Từ chuỗi polypeptide quy định cấu trúc của protein, protein trực tiếp tham gia cấu trúc và điều hòa hoạt động của tế bào, biểu hiện thành ...(4)...

Lời giải:

(1) mRNA; (2) amino acid; (3) dịch mã; (4) tính trạng.

Bài 40.9 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Thể hiện mối quan hệ giữa gene (DNA) và tính trạng thông qua sơ đồ

Lời giải:

Sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa gene (DNA) và tính trạng:

Thể hiện mối quan hệ giữa gene (DNA) và tính trạng thông qua sơ đồ trang 107 Sách bài tập KHTN 9

Bài 40.10 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: a) Dựa vào sơ đồ mối quan hệ giữa gene và tính trạng, cho biết nếu nucleotide trên gene thay đổi thì những cấu trúc nào bị thay đổi. Tính trạng do gene quy định có thay đổi không? Tại sao?

b) Nếu đưa vào trong tế bào một hợp chất hóa học ngăn không cho ribosome gắn vào mRNA trong dịch mã thì gene hay tính trạng bị thay đổi?

Lời giải:

a)

- Nếu nucleotide trên gene thay đổi thì trình tự nucleotide trên mRNA thay đổi, chuỗi polypeptide và tính trạng có thể thay đổi hoặc không tuỳ thuộc vào thay đổi trên DNA.

- Trường hợp nucleotide trên DNA thay đổi theo dạng thay thế một cặp nucleotide, nếu codon sau thay đổi (đột biến) và codon ban đầu cùng mã hóa một loại amino acid thì chuỗi polypeptide và tính trạng không thay đổi.

- Các trường hợp thay đổi khác trên DNA dẫn đến thay đổi trình tự amino acid trên chuỗi polypeptide sẽ dẫn đến thay đổi tính trạng do gene quy định.

b) Nếu đưa vào trong tế bào một hợp chất hóa học ngăn không cho ribosome gắn vào mRNA trong dịch mã thì không tổng hợp được chuỗi polypeptide, dẫn đến tính trạng thay đổi, gene không thay đổi.

Bài 40.11 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Tính trạng ở sinh vật do gene quy định, bên cạnh đó, yếu tố bên ngoài môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện tính trạng. Hãy tìm một số ví dụ minh họa cho khẳng định trên

Lời giải:

Một số ví dụ minh họa cho yếu tố bên ngoài môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện tính trạng:

- Một cây cẩm tú cầu có màu hoa khác nhau khi trồng ở các vùng đất có độ pH khác nhau.

- Cây hoa anh thảo có kiểu gene AA quy định hoa đỏ, khi trồng cây hoa đỏ này ở 20 °C thì cây có hoa đỏ, thế hệ con của cây hoa đỏ này trồng trong điều kiện 35 °C thì cây có hoa trắng.

- Một số loài thú ở xứ lạnh (cáo, thỏ) mùa đông có bộ lông dày, màu trắng; mùa hè lông của chúng thưa hơn, màu vàng hoặc xám.

Lý thuyết KHTN 9 Bài 40: Dịch mã và mối quan hệ từ gene đến tính trạng

Nội dung đang được cập nhật ...

1 373 01/11/2024