Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
Số hiệu: | 38/2015/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 24/04/2015 | Ngày hiệu lực: | 15/06/2015 |
Ngày công báo: | 10/05/2015 | Số công báo: | Từ số 543 đến số 544 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
10/01/2022 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quy định ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu
Từ 15/06/2015, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
Theo đó, tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày ký quỹ.
Số tiền ký quỹ được xác định dựa trên loại phế liệu và khối lượng phế liệu nhập khẩu, cụ thể như sau:
1. Sắt, thép phế liệu
- Dưới 500 tấn: 10% giá trị lô hàng
- Từ 500 đến dưới 1000 tấn: 15% giá trị lô hàng
- Từ 1000 tấn trở lên: 20% giá trị lô hàng.
2. Giấy, nhựa phế liệu
- Dưới 100 tấn: 15% giá trị lô hàng
- Từ 100 đến dưới 500 tấn: 18% giá trị lô hàng
- Từ 500 tấn trở lên: 20% giá trị lô hàng
3. Các loại phế liệu khác: 10% giá trị lô hàng
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2015/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu.
1. Nghị định này quy định về: Quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
2. Nghị định này không quy định về quản lý chất thải phóng xạ, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ.
3. Việc thu gom, vận chuyển chất thải từ khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được thực hiện thống nhất như đối với chất thải ngoài khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Nghị định này; không áp dụng quy định tại Chương VIII Nghị định này đối với phế liệu từ khu phi thuế quan, khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu trên lãnh thổ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
2. Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại.
3. Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
4. Chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
5. Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
6. Sản phẩm thải lỏng là sản phẩm, dung dịch, vật liệu ở trạng thái lỏng đã hết hạn sử dụng hoặc được thải ra từ quá trình sử dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Trường hợp sản phẩm thải lỏng được thải cùng nước thải thì gọi chung là nước thải.
7. Nguồn tiếp nhận nước thải là nơi nước thải được xả vào, bao gồm: Hệ thống thoát nước, sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, vùng nước biển ven bờ, vùng biển và nguồn tiếp nhận khác.
8. Khí thải công nghiệp là chất thải tồn tại ở trạng thái khí hoặc hơi phát sinh từ hoạt động sản xuất, dịch vụ công nghiệp.
9. Phân định chất thải là quá trình phân biệt một vật chất là chất thải hay không phải là chất thải, chất thải nguy hại hay chất thải thông thường và xác định chất thải đó thuộc một loại hoặc một nhóm chất thải nhất định với mục đích để phân loại và quản lý trên thực tế.
10. Phân loại chất thải là hoạt động phân tách chất thải (đã được phân định) trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải để có các quy trình quản lý khác nhau.
11. Vận chuyển chất thải là quá trình chuyên chở chất thải từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo hoạt động thu gom, lưu giữ (hay tập kết) tạm thời, trung chuyển chất thải và sơ chế chất thải tại điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển.
12. Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của chất thải.
13. Sơ chế chất thải là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của chất thải cho phù hợp với các quy trình quản lý khác nhau.
14. Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.
15. Thu hồi năng lượng từ chất thải là quá trình thu lại năng lượng từ việc chuyển hóa chất thải.
16. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.
17. Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
18. Cơ sở phát sinh chất thải là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải.
19. Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở phát sinh chất thải.
20. Khu công nghiệp là tên gọi chung cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.
21. Cơ sở xử lý chất thải là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải (kể cả hoạt động tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải).
22. Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
23. Chủ xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở xử lý chất thải.
24. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là giấy phép cấp cho chủ xử lý chất thải nguy hại để thực hiện dịch vụ xử lý, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại (có thể bao gồm hoạt động vận chuyển, trung chuyển, lưu giữ, sơ chế).
25. Sức chịu tải của môi trường nước là khả năng tiếp nhận thêm chất gây ô nhiễm mà vẫn bảo đảm nồng độ các chất ô nhiễm không vượt quá giá trị giới hạn được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận.
26. Hạn ngạch xả nước thải là giới hạn tải lượng của từng chất gây ô nhiễm hoặc thông số trong nước thải do cơ quan quản lý nhà nước ban hành đối với từng nguồn tiếp nhận nước thải nhằm bảo đảm việc xả nước thải không vượt quá sức chịu tải của môi trường nước.
27. Kiểm kê khí thải công nghiệp là việc xác định lưu lượng, tính chất và đặc điểm của các nguồn thải khí thải công nghiệp theo không gian và thời gian xác định.
28. Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu nộp một khoản tiền vào nơi quy định để đảm bảo cho việc giảm thiểu, khắc phục các rủi ro môi trường do hoạt động nhập khẩu phế liệu gây ra.
29. Lô hàng phế liệu nhập khẩu là lượng phế liệu nhập khẩu có cùng mã HS (mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu) hoặc nhóm mã HS do tổ chức, cá nhân nhập khẩu đăng ký kiểm tra một lần để nhập khẩu vào Việt Nam.Bổ sung
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.
3. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường có liên quan.
4. Nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng-phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường.
5. Khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cơ sở phát sinh trước khi thải ra môi trường.
6. Nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.
7. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
8. Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải phải tuân theo quy định của pháp luật.
1. Việc phân định chất thải nguy hại được thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại.
2. Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.
3. Nước thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở phát sinh thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải tại Chương V Nghị định này.
4. Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc chuyển đi xử lý.
1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường theo một trong các hình thức sau:
a) Lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (sau đây gọi là thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại);
b) Tích hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại và không phải thực hiện thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với một số trường hợp đặc biệt (trường hợp chủ nguồn thải có giới hạn về số lượng phát sinh, loại hình và thời gian hoạt động);
c) Đăng ký trực tuyến thông qua hệ thống thông tin với đầy đủ thông tin tương tự như việc lập hồ sơ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
2. Thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này chỉ thực hiện một lần (không gia hạn, điều chỉnh) khi bắt đầu có hoạt động phát sinh chất thải nguy hại. Sổ đăng ký chỉ cấp lại trong trường hợp có thay đổi tên chủ nguồn thải hoặc địa chỉ, số lượng cơ sở phát sinh chất thải nguy hại; thay đổi, bổ sung phương án tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở. Sau khi được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải, thông tin về chất thải được cập nhật bằng báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ.
3. Thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được tích hợp với việc đăng ký các phương án: tự tái sử dụng hoặc sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải.
1. Đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
2. Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý.
3. Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
4. Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
5. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm định kỳ 06 (sáu) tháng báo cáo về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp sau:
a) Chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi;
b) Chưa tìm được chủ xử lý chất thải nguy hại phù hợp.
6. Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
7. Khi chấm dứt hoạt động phát sinh chất thải nguy hại, phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng.
1. Việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
2. Các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
3. Việc sử dụng các phương tiện vận chuyển đặc biệt như công-ten-nơ, phương tiện đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển hoặc các phương tiện vận chuyển không được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và được sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Vận chuyển chất thải nguy hại phải theo lộ trình tối ưu về tuyến đường, quãng đường, thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố, phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông.
1. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như sau:
a) Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 bao gồm: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; văn bản thẩm định bản kê khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường; phiếu thẩm định đánh giá tác động môi trường; hoặc giấy tờ tương đương với các văn bản này;
b) Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động.
2. Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
4. Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
5. Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu như sau:
a) Một cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải có ít nhất 02 (hai) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học và được cấp chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại theo quy định;
b) Một trạm trung chuyển chất thải nguy hại phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;
c) Nhân sự nêu tại Điểm a, Điểm b Khoản này phải được đóng bảo hiểm xã hội, y tế theo quy định của pháp luật; có hợp đồng lao động dài hạn trong trường hợp không có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ tương đương) hoặc không thuộc ban lãnh đạo hoặc biên chế của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại;
d) Có đội ngũ vận hành và lái xe được đào tạo, tập huấn bảo đảm vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị.
6. Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị thu gom, vận chuyển (nếu có) và xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng) chất thải nguy hại.
7. Có phương án bảo vệ môi trường trong đó kèm theo các nội dung về: Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; kế hoạch an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ; chương trình quan trắc môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.
8. Có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động.
9. Điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Cơ sở xử lý chất thải đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải có phương án trình cơ quan cấp phép xử lý chất thải nguy hại để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai việc cải tạo, nâng cấp.
10. Các trường hợp sau đây không được coi là cơ sở xử lý chất thải nguy hại và không thuộc đối tượng cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại:
a) Chủ nguồn thải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, đồng xử lý, xử lý hoặc thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải nguy hại;
b) Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm;
c) Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (mô hình cụm).
11. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý đối với các trường hợp nêu tại Khoản 10 Điều này.
1. Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định này lập hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại, trình cơ quan có thẩm quyền.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc.
3. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại quy định rõ địa bàn hoạt động, số lượng và loại chất thải nguy hại được phép xử lý, các phương tiện, hệ thống, thiết bị cho việc vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), các yêu cầu khác đối với chủ xử lý chất thải nguy hại.
4. Thời hạn Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 03 (ba) năm kể từ ngày cấp.
5. Thủ tục cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thay thế các thủ tục: Kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường (hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương); xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong trường hợp cơ sở xử lý chất thải nguy hại kết hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường); các thủ tục về môi trường khác có liên quan đến giai đoạn hoạt động của cơ sở xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
6. Trong quá trình xem xét, cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại làm căn cứ tạm thời cho tổ chức, cá nhân thực hiện ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phục vụ việc vận hành thử nghiệm với thời hạn không quá 06 (sáu) tháng.Bổ sung
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
1. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp lại trong các trường hợp sau:
a) Giấy phép xử lý chất thải nguy hại hết thời hạn;
b) Đổi từ giấy phép quản lý chất thải nguy hại đã được cấp theo các quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực;
c) Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng.
2.Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được điều chỉnh khi có thay đổi về: Địa bàn hoạt động; số lượng và loại chất thải nguy hại được phép xử lý; các phương tiện, hệ thống, thiết bị cho việc vận chuyển và xử lý chất thải (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng); số lượng trạm trung chuyển; số lượng cơ sở xử lý chất thải nguy hại.
3. Quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này không áp dụng đối với việc cấp lại, điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều này.
4. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp lại, điều chỉnh với thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày cấp lại, điều chỉnh; trừ trường hợp chủ xử lý chất thải nguy hại chỉ đề nghị điều chỉnh một phần của Giấy phép và giữ nguyên thời hạn của Giấy phép đã được cấp.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cấp lại, điều chỉnh Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
1. Ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn hoạt động được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; tiếp nhận, vận chuyển, xử lý số lượng, loại chất thải nguy hại bằng các phương tiện, hệ thống, thiết bị được phép theo đúng nội dung hợp đồng, chứng từ chất thải nguy hại và Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
2. Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động mà không có khả năng xử lý. Trường hợp xử lý được hoàn toàn các chất thải nguy hại, chủ xử lý chất thải nguy hại không phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
3. Thực hiện đầy đủ các nội dung của hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận kèm theo Giấy phép. Hồ sơ này là căn cứ cụ thể cho hoạt động quản lý, giám sát môi trường đối với chủ xử lý chất thải nguy hại.
4. Thông báo bằng văn bản cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (bằng văn bản riêng hoặc tích hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ) trong trường hợp có lý do phải lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại mà chưa đưa vào xử lý sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày thực hiện chuyển giao ghi trên chứng từ chất thải nguy hại.
5. Đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có nhu cầu liên kết để vận chuyển các chất thải nguy hại không có trong Giấy phép của mình cho chủ xử lý chất thải nguy hại khác có chức năng phù hợp để xử lý.
6. Áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về Hệ thống quản lý môi trường (TCVN ISO 14001) trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; hoặc 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động.
7. Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Trường hợp chủ xử lý chất thải nguy hại đồng thời là chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì được tích hợp các báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký cho cả việc quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường.
8. Thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động, nộp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng kể từ khi chấm dứt hoạt động.
1. Thống nhất quản lý nhà nước về chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc và ban hành quy định về:
a) Danh mục, mã và ngưỡng chất thải nguy hại; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến các điều kiện để được cấp phép xử lý chất thải nguy hại và việc thực hiện trách nhiệm trong giai đoạn hoạt động của chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải nguy hại;
b) Trình tự, thủ tục về: Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp và thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; tích hợp và thay thế các thủ tục có liên quan đến đăng ký chủ nguồn thải, cấp phép xử lý chất thải nguy hại; cấp chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại;
c) Đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng; tổ chức thực hiện chức năng cơ quan thẩm quyền và đầu mối Công ước Basel tại Việt Nam;
d) Các trường hợp đặc thù: Trường hợp không thể thực hiện được việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển bằng các phương tiện, thiết bị được ghi trên Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải có số lượng phát sinh thấp hoặc các chủ nguồn thải ở vùng sâu, vùng xa và khu vực chưa đủ điều kiện cho chủ xử lý chất thải nguy hại trực tiếp thực hiện vận chuyển bằng các phương tiện được ghi trên Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, các chất thải nguy hại chưa có khả năng xử lý trong nước hoặc được quy định trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tái sử dụng chất thải nguy hại; vận chuyển chất thải nguy hại từ các công trình dầu khí ngoài biển và các trường hợp khác phát sinh trên thực tế.
2. Tổ chức quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các chủ xử lý chất thải nguy hại.
3. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải nguy hại; tổ chức, hướng dẫn việc triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ chất thải nguy hại và báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến; tổ chức việc tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
4. Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý chất thải nguy hại phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 94 Luật Bảo vệ môi trường.
1. Quản lý hoạt động và các hồ sơ, báo cáo, hợp đồng, chứng từ của các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong phạm vi địa phương mình (kể cả chủ nguồn thải được miễn thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại).
2. Cập nhật cơ sở dữ liệu về chất thải nguy hại và triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến tại địa phương; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử trong quá trình đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
3. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý chất thải nguy hại, việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thời hạn của báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
1. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau:
a) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);
b) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh);
c) Nhóm còn lại.
2. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp.
3. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi địa phương.
1. Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
2. Hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
3. Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.Bổ sung
1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp và điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.
3. Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ. Các thiết bị lưu chứa tại các khu vực công cộng phải bảo đảm tính mỹ quan,
4. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ.Bổ sung
1. Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định.
2. Thông báo rộng rãi về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư.
3. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
4. Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này.
5. Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
6. Đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
7. Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
8. Định kỳ hàng năm báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.Bổ sung
1. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:
a) Công nghệ chế biến phân hữu cơ;
b) Công nghệ đốt;
c) Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh;
d) Các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt;
đ) Các công nghệ khác thân thiện với môi trường.
2. Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các tiêu chí sau:
a) Về công nghệ:
- Khả năng tiếp nhận các loại chất thải rắn sinh hoạt, khả năng linh hoạt, phù hợp về quy mô, mở rộng công suất xử lý;
- Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;
- Ưu tiên công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam;
- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với trình độ, năng lực của nguồn nhân lực tại địa phương.
b) Về môi trường và xã hội:
- Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- Tiết kiệm diện tích đất sử dụng;
- Tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý;
- Đào tạo, sử dụng nhân lực tại địa phương.
c) Về kinh tế:
- Chi phí xử lý phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được cơ quan có thẩm quyền công bố;
- Khả năng tiêu thụ sản phẩm từ công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
3. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
1. Việc lựa chọn chủ đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đấu thầu.
2. Việc lựa chọn chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để quản lý, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước tuân thủ theo quy định của pháp luật về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
3. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư ngoài ngân sách thì chủ đầu tư trực tiếp quản lý, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn do mình đầu tư hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác làm chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các quy định của pháp luật.
1. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.
2. Có hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), khu vực lưu giữ tạm thời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
3. Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
4. Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.
5. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
6. Trước khi thực hiện vận hành thử nghiệm, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt về kế hoạch vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt không quá 06 (sáu) tháng.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với:
a) Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn liên tỉnh;
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với xử lý chất thải nguy hại (thay thế bằng Giấy phép xử lý chất thải nguy hại).
8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn nội tỉnh.
9. Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau:
a) Trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm;
b) Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều giai đoạn thì được nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho từng giai đoạn của dự án.
10. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ thì phải nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh, xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh xác nhận theo quy định.
11. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp thông thường thì việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được tích hợp với nhau.
12. Việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đi vào hoạt động và đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
b) Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
c) Tự sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở;
d) Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong môi trường thí nghiệm.
13. Quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1. Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
a) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 21 Nghị định này;
b) Thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hồ sơ đề nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kèm theo nội dung xác nhận. Hồ sơ này là căn cứ cụ thể cho hoạt động quản lý, giám sát môi trường đối với chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
c) Đối với trường hợp được quy định tại Khoản 13 Điều 21 thì phải có phương án trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 7, 8 Điều 21 Nghị định này để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai hoạt động;
d) Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước, các bên có liên quan trong trường hợp ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dịch vụ xử lý. Nội dung thông báo phải nêu rõ lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ đồng thời phải có phương án xử lý;
đ) Khi phát hiện sự cố môi trường phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý;
e) Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;
g) Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt hoặc phát sinh chất thải nguy hại tại cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Chương II Nghị định này.
2. Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quyền:
a) Được thanh toán đúng và đủ giá dịch vụ xử lý chất thải rắn theo hợp đồng đã ký kết;
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
1. Việc phục hồi, tái sử dụng diện tích sau khi đóng bãi chôn lấp phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Trước khi tái sử dụng mặt bằng phải tiến hành khảo sát, đánh giá các yếu tố môi trường liên quan;
b) Trong thời gian chờ sử dụng lại mặt bằng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, việc xử lý nước rỉ rác, khí gas vẫn phải tiếp tục hoạt động bình thường;
c) Theo dõi sự biến động của môi trường tại các trạm quan trắc sau khi chấm dứt hoạt động của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
2. Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
a) Xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 7, 8 Điều 21 của Nghị định này để phê duyệt trước khi đóng bãi chôn lấp. Đối với việc cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương phải trình phương án cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp;
b) Ngay sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường và cảnh quan khu vực đồng thời có các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo kế hoạch đã được phê duyệt;
c) Tổ chức giám sát môi trường định kỳ, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng ít nhất 05 (năm) năm kể từ ngày đóng bãi chôn lấp. Kết quả giám sát môi trường định kỳ phải được báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương;
d) Lập bản đồ địa hình của khu vực sau khi đóng bãi chôn lấp, chấm dứt hoạt động của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;
đ) Đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong những năm tiếp theo;
e) Lập hồ sơ bàn giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.
1. Các loại hợp đồng:
a) Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
b) Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
c) Hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
2. Bộ Xây dựng hướng dẫn mẫu hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
1. Chi phí thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp thông qua ngân sách địa phương.
2. Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cơ sở để xác định giá dịch vụ và là căn cứ để ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính đúng, tính đủ cho một đơn vị khối lượng chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện xử lý bao gồm:
a) Chi phí vận hành, duy trì;
b) Chi phí khấu hao, máy móc, nhà xưởng, công trình được đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm nước rỉ rác và khí thải nếu có) đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định;
c) Các chi phí, thuế và phí khác theo quy định của pháp luật.
3. Nguồn thu để chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm phí vệ sinh và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
1. Nguyên tắc và phương pháp định giá:
a) Gắn với chất lượng dịch vụ, công nghệ xử lý; bảo đảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng;
b) Việc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải căn cứ theo điều kiện hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách địa phương.
2. Trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
a) Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn một tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao các sở chuyên ngành lập phương án giá gửi Sở Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
b) Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư lập và trình phương án giá, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
c) Đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng, liên tỉnh, chủ đầu tư lập phương án giá gửi Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ, ngành liên quan thẩm định. Kết quả thẩm định của Bộ Tài chính là cơ sở để Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi dự án phê duyệt giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận, điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
b) Hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với trường hợp không yêu cầu xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 12 Điều 21 Nghị định này và các trường hợp khác phát sinh trên thực tế;
c) Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường;
d) Tổ chức quản lý, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường về quản lý chất thải rắn sinh hoạt;
đ) Chủ trì và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt, quản lý, khai thác, trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
b) Công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
c) Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt, quản lý, khai thác, trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam.
1. Tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
2. Ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Tổ chức chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
4. Xây dựng mức thu phí vệ sinh cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng về tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, thời điểm báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
6. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
1. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.
2. Việc phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.Bổ sung
1. Thực hiện trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
2. Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
3. Định kỳ báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
1. Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.
2. Các chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.
3. Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm chuyển giao chất thải cho cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được phép hoạt động theo quy định của pháp luật.Bổ sung
1. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.
2. Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
3. Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
4. Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.
5. Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
6. Trước khi thực hiện vận hành thử nghiệm, chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường về kế hoạch vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường không quá 06 (sáu) tháng.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với:
a) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh, giá tác động môi trường;
b) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn liên tỉnh;
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường kết hợp với xử lý chất thải nguy hại (thay thế bằng Giấy phép xử lý chất thải nguy hại).
8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của địa phương và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn nội tỉnh.
9. Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:
a) Không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm đối với dự án được phê duyệt báo cáo tác động môi trường;
b) Dự án có nhiều giai đoạn thì được nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cho từng giai đoạn của dự án.
10. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ thì phải lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh xác nhận theo quy định.
11. Việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đã đưa vào hoạt động và được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
b) Tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường;
c) Tự sơ chế, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở;
d) Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong môi trường thí nghiệm.
12. Quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Cơ sở xử lý chất thải đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1. Lập hồ sơ đăng ký để được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
2. Đối với trường hợp được quy định tại Khoản 12 Điều 32 thì phải có phương án trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 7, 8 Điều 32 Nghị định này để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai hoạt động.
3. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phù hợp với địa bàn hoạt động, công suất, loại chất thải, các hệ thống, thiết bị xử lý chất thải đã được đầu tư xây dựng, lắp đặt và xác nhận.
4. Trường hợp có phát sinh chất thải nguy hại từ cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
5. Thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và hồ sơ để nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường kèm theo nội dung Giấy xác nhận. Hồ sơ này là căn cứ cụ thể cho hoạt động quản lý, giám sát môi trường đối với chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
6. Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định, Trường hợp chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đồng thời là chủ xử lý chất thải nguy hại hoặc chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì được tích hợp các báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký cho cả việc quản lý chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường.
7. Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống quản lý môi trường (TCVN ISO 14001) trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ khi được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đối với cơ sở đang hoạt động.
8. Thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng kể từ khi chấm dứt hoạt động.
1. Thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn công nghiệp thông thường và ban hành quy định về:
a) Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và việc thực hiện trách nhiệm trong giai đoạn hoạt động của chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
b) Trình tự, thủ tục xác nhận, điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
c) Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với trường hợp không yêu cầu xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 11 Điều 32 Nghị định này và các trường hợp khác phát sinh trên thực tế.
2. Tổ chức quản lý, kiểm tra hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo liên quan đến chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo thẩm quyền.
3. Tổ chức xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
4. Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường.
1. Tổ chức quản lý, kiểm tra hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo liên quan đến các chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
3. Hàng năm thống kê, cập nhật về tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại địa phương và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi; thời hạn của báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
1. Nước thải phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Việc xả nước thải phải được quản lý kết hợp cả theo địa giới hành chính và theo lưu vực.
3. Tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải phải nộp phí, giá dịch vụ xử lý nước thải theo quy định của pháp luật.
4. Khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu, tái sử dụng nước thải.
1. Các khu công nghiệp phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh của các cơ sở trong khu công nghiệp và phải được xây dựng, vận hành trước khi các cơ sở trong khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp gần nhau có thể kết hợp sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải tập trung.
2. Các khu đô thị, khu dân cư tập trung, tòa nhà cao tầng, tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo các hình thức sau:
a) Tự xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của cơ sở đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường;
b) Bảo đảm yêu cầu nước thải đầu vào trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp hoặc làng nghề theo quy định của chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp hoặc làng nghề;
c) Chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý bên ngoài cơ sở phát sinh theo quy định: Đối với nước thải nguy hại thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này; đối với nước thải không nguy hại thì chỉ được phép chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.Bổ sung
1. Việc xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm thống nhất theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hoặc theo các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương.
2. Các nguồn nước thải xả vào nguồn tiếp nhận phải được điều tra, đánh giá thường xuyên.
3. Việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận được quản lý phù hợp với sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải theo quy định.
1. Hoạt động xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp phải được quan trắc định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật.
2. Các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát), phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
4. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả thải dưới 1.000 m3/ngày đêm (không bao gồm nước làm mát) và có nguy cơ tác hại đến môi trường lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động liên tục.
1. Nước thải sau xử lý phải được thu gom cho mục đích tái sử dụng hoặc xả vào nguồn tiếp nhận nước thải.
2. Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các quy định cụ thể cho từng mục đích sử dụng.
3. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý như sau:
a) Bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này;
b) Bùn thải không có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Chương IV Nghị định này.
1. Sức chịu tải của môi trường nước phải được đánh giá theo từng thông số ô nhiễm, làm căn cứ để kiểm soát tải lượng của thông số ô nhiễm đó trong tất cả các nguồn xả nước thải trên lưu vực, dựa theo các tác động tiêu cực ở mức cao nhất.
2. Sức chịu tải được xem xét đánh giá dựa trên đặc điểm mục đích sử dụng và khả năng tự làm sạch của môi trường tiếp nhận; quy mô và tính chất của các nguồn xả nước thải hiện tại và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
3. Hạn ngạch xả nước thải được xác định và phân bổ dựa trên sức chịu tải của môi trường nước tương ứng với giai đoạn của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
4. Sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải là một trong những căn cứ phục vụ lập hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư cho các dự án.
1. Nhà nước khuyến khích mọi hình thức đầu tư cho lĩnh vực quản lý nước thải theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Nguồn thu từ dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt phải từng bước bù đắp chi phí dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
3. Các nguồn thu đối với nước thải (sinh hoạt, công nghiệp) phải được sử dụng vào mục đích phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm do nước thải gây ra.
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Quy định yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý về: Tái sử dụng nước thải; quản lý nước làm mát; thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn đợt đầu có khả năng bị ô nhiễm trong khuôn viên cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chuyển giao nước thải để xử lý bên ngoài cơ sở; các đối tượng phải có hệ thống xử lý nước thải; quan trắc nước thải tự động liên tục đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn; điều kiện vật chất, hạ tầng kỹ thuật của cơ quan tiếp nhận số liệu quan trắc nước thải tự động liên tục và chế độ thông tin báo cáo;
b) Xây dựng, ban hành hướng dẫn đánh giá sức chịu tải của các nguồn tiếp nhận, phân vùng sử dụng và xác định hạn ngạch xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận; xây dựng, ban hành và phân bổ hạn ngạch xả nước thải đối với các lưu vực sông liên tỉnh; quản lý trao đổi hạn ngạch xả nước thải;
c) Hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải và thống nhất ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường về xả nước thải vào nguồn tiếp nhận;
d) Quan trắc, kiểm soát chất lượng nước tại các nguồn tiếp nhận thuộc các lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia;
đ) Xây dựng quy trình điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải trên các lưu vực sông; quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nước thải tại các lưu vực sông liên tỉnh và vận hành cơ chế chia sẻ thông tin các nguồn nước thải trên lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia.
2. Trách nhiệm của các Bộ trưởng liên quan về quản lý nước thải của một số nguồn thải đặc thù được thực hiện theo quy định tại Chương VII của Nghị định này.
1. Chỉ đạo, tổ chức việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
2. Quan trắc, kiểm soát chất lượng nước tại các nguồn tiếp nhận trên địa bàn tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận và quản lý kết quả quan trắc nước thải tự động liên tục.
3. Tổ chức đánh giá sức chịu tải, ban hành và phân bổ hạn ngạch xả nước thải đối với lưu vực sông nội tỉnh; công bố thông tin các nguồn tiếp nhận nước thải không còn khả năng tiếp nhận nước thải trên địa bàn quản lý.
4. Tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải, quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận nội tỉnh; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận có phạm vi liên tỉnh theo quy định.
5. Hàng năm báo cáo tình hình quản lý, xử lý nước thải cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi.
1. Chủ dự án, chủ cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định này phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp, trừ trường hợp chủ nguồn thải có hoạt động đồng xử lý chất thải thuộc đối tượng được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, đối tượng được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường.
2. Việc đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp được thực hiện khi cơ sở sản xuất vận hành chính thức hoặc khi cơ sở có kế hoạch thay đổi nguồn thải khí thải công nghiệp (tăng thải lượng, số lượng nguồn phát thải khí thải).
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải; thực hiện kiểm kê khí thải công nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải công nghiệp.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp và cấp Giấy phép xả khí thải công nghiệp đối với các cơ sở đang hoạt động thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định này, trừ trường hợp chủ nguồn thải có hoạt động đồng xử lý chất thải thuộc đối tượng được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, đối tượng được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường.
2. Thời hạn của Giấy phép xả khí thải công nghiệp là 05 (năm) năm. Trường hợp có sự thay đổi về nguồn thải khí thải (tăng thải lượng, số lượng nguồn phát thải khí thải), cơ sở phải lập hồ sơ đề nghị xem xét, cấp lại Giấy phép xả khí thải công nghiệp.
3. Việc cấp Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
1. Chủ nguồn thải khí thải công nghiệp thuộc danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định này phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương có trách nhiệm truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp, cấp Giấy phép xả khí thải công nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải công nghiệp; yêu cầu kỹ thuật, chuẩn kết nối dữ liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục.
1. Chất thải từ hoạt động y tế (trừ nước thải được đưa vào hệ thống xử lý nước thải của cơ sở y tế) phải được phân loại tại nguồn như sau:
a) Chất thải y tế nguy hại bao gồm: Chất thải lây nhiễm; chất thải nguy hại không lây nhiễm (phân loại riêng theo danh mục và quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này); chất thải phóng xạ (quản lý theo quy định về phóng xạ);
b) Chất thải y tế thông thường bao gồm: Chất thải rắn thông thường (kể cả chất thải rắn sinh hoạt); sản phẩm thải lỏng không nguy hại.
2. Chất thải lây nhiễm phải được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt với cấp độ cao nhất trong các cơ sở y tế, bảo đảm không phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
3. Trường hợp để lẫn chất thải lây nhiễm vào chất thải rắn sinh hoạt, chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.
4. Các cơ sở y tế căn cứ vào quy hoạch, yếu tố địa lý, điều kiện kinh tế và môi trường để lựa chọn áp dụng một trong các phương án xử lý chất thải y tế nguy hại như sau:
a) Cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế;
b) Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm);
c) Xử lý chất thải y tế nguy hại tại hệ thống, thiết bị xử lý trong khuôn viên cơ sở y tế.
5. Xử lý chất thải y tế nguy hại:
a) Ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm việc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp.
6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên các cơ sở y tế và chất thải phát sinh từ hoạt động mai táng, hỏa táng.
1. Chất thải rắn từ hoạt động xây dựng (kể cả cải tạo, phá dỡ công trình, gọi chung là chất thải rắn xây dựng) phải được phân loại và quản lý như sau:
a) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào cọc móng được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
b) Đất đá, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng) được tái chế làm vật liệu xây dựng hoặc tái sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng hoặc chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng;
c) Chất thải rắn có khả năng tái chế như thủy tinh, sắt thép, gỗ, giấy, chất dẻo được tái chế, tái sử dụng.
2. Hộ gia đình tại đô thị khi tiến hành các hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng phải có biện pháp thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định.
3. Hộ gia đình tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom chất thải khi tiến hành các hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng phải thực hiện quản lý chất thải xây dựng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và các nguồn nước mặt.
4. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải xây dựng.
1. Các chất thải nguy hại là bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
2. Các bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được làm sạch các thành phần nguy hại thì được quản lý như đối với chất thải thông thường.
3. Nước thải chăn nuôi được tái sử dụng để tưới cây hoặc dùng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong các hoạt động nông nghiệp.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp.
1. Chất thải phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ các phương tiện giao thông vận tải quốc tế được quản lý theo quy định của Nghị định này, không áp dụng quy định của pháp luật về nhập khẩu, thương mại.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, nước thải, khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, bảo đảm phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.Bổ sung
1. Bùn nạo vét (từ biển, sông, hồ, kênh, mương, hệ thống thoát nước và các vùng nước khác) phải được thu gom, vận chuyển, đổ thải, tái sử dụng, tái chế và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc quản lý bùn thải từ bể tự hoại (còn gọi là bể phốt, hầm cầu), bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và các công trình thủy lợi.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý bùn nạo vét từ biển, sông, hồ và các vùng nước khác.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định địa điểm đổ thải, xử lý bùn nạo vét.
1. Chủ nguồn thải có trách nhiệm tổ chức việc tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ sản phẩm thải lỏng không nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Trường hợp sản phẩm thải lỏng không nguy hại được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tại chỗ của cơ sở phát sinh hoặc khu công nghiệp thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải tại Chương V Nghị định này.
3. Trường hợp sản phẩm thải lỏng không nguy hại không xử lý được tại cơ sở phát sinh thì chỉ được chuyển giao cho cơ sở có chức năng để xử lý khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương) đối với cơ sở tiếp nhận xử lý.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý sản phẩm thải lỏng không nguy hại.Bổ sung
1. Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
2. Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
1. Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu
- Có hệ thống thu gom nước mưa; hệ thống thu gom và biện pháp xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
- Có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán.
- Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
- Có thiết bị phòng cháy chữa cháy (ít nhất gồm có bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa), sơ đồ thoát hiểm, ký hiệu hướng dẫn thoát hiểm đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
b) Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu
- Có hệ thống thu gom và biện pháp xử lý nước mưa đợt đầu chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán.
- Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.
- Có thiết bị phòng cháy chữa cháy (ít nhất gồm có bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa) đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
c) Công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định;
d) Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý;
đ) Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này;
e) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã đáp ứng đúng các quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này;
c) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
d) Không được phép lưu giữ phế liệu nhập khẩu trong trường hợp không có kho bãi đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều này; hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.Bổ sung
1. Việc ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu là để bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính.
a) Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam;
b) Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày ký quỹ.
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định như sau:
a) Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
c) Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định như sau:
a) Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
c) Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc.
2. Sau khi nhận ký quỹ, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu. Bản sao chứng thực của giấy xác nhận ký quỹ phải được nộp kèm theo hồ sơ thông quan đối với phế liệu nhập khẩu.
1. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ.
2. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo bản sao chứng thực của tờ khai hải quan có đóng dấu xác nhận thông quan hoặc bản sao chứng thực của tờ khai hải quan có đóng dấu xác nhận đã tái xuất phế liệu.
3. Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan hoặc không thể tái xuất, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý phế liệu vi phạm. Nếu số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu không đủ thanh toán toàn bộ các khoản chi phí để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này.
4. Trường hợp số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu còn thừa sau khi thanh toán để xử lý lô phế liệu nhập khẩu vi phạm, trong thời hạn 05 ngày làm việc, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xử lý vi phạm về việc hoàn thành quá trình xử lý phế liệu, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định trình tự, thủ tục và sử dụng số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm không thể tái xuất được.
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc nhập khẩu thử nghiệm phế liệu và điều chỉnh, bổ sung danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất hướng dẫn việc kiểm tra định kỳ hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, lập kế hoạch, tổ chức xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất để tiến hành xử lý vi phạm đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu.
1. Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
2. Thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu trong trường hợp số tiền ký quỹ không đủ để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
3. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo, tổ chức cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu phải báo cáo về tình hình nhập khẩu và sử dụng phế liệu trong năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.Bổ sung
1. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.
2. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép về quản lý chất thải nguy hại theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn hiệu lực ghi trên giấy phép.
3. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về quản lý chất thải và phế liệu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
4. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 12 Điều 21 Nghị định này) đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thì được thay thế bằng việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở đã được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và có nhu cầu xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì nộp hồ sơ theo quy định.
5. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thì được thay thế bằng việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở đã được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và có nhu cầu xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thì nộp hồ sơ theo quy định.
6. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trước khi Nghị định này có hiệu lực, được phép tiếp tục nhập khẩu phế liệu đến hết thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này; báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình phát sinh và quản lý chất thải theo thẩm quyền được phân công (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 hàng năm) về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2015.
2. Các điều (trừ Điều 7, 8, 9, 10, 11, 13, 15, 16, 17, 18) của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải rắn; Khoản 4 Điều 4, Khoản 6 Điều 4, Khoản 3 Điều 45 của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải; Điểm 1.3 Mục X Phần A Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành/.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NGUỒN THẢI KHÍ THẢI LƯU LƯỢNG LỚN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ)
STT |
Loại hình |
Đặc điểm |
1 |
Sản xuất phôi thép |
Sản lượng lớn hơn 200.000 tấn/năm |
2 |
Nhiệt điện |
Tất cả, trừ nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên |
3 |
Xi măng |
Tất cả |
4 |
Hóa chất và phân bón hóa học |
Sản lượng lớn hơn 10.000 tấn/năm |
5 |
Công nghiệp sản xuất dầu mỏ |
Sản lượng lớn hơn 10.000 tấn/năm |
6 |
Lò hơi công nghiệp |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No: 38/2015/NĐ-CP |
Hanoi, April 24, 2015 |
ON MANAGEMENT OF WASTE AND DISCARDED MATERIALS
Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;
Pursuant to the Law on Environment protection dated June 23, 2014;
At the request of the Minister of Natural Resources and Environment
The government promulgates the Decree on management of waste and discarded materials.
Article 1. Scope of regulation
1. This Decree stipulates for: Waste management including hazardous wastes, daily-life solid waste, ordinary industrial solid waste, liquid waste products, wastewater, industrial emissions and other particular wastes; environmental protection in discarded material imports.
2. This Decree shall not stipulate for management of radioactive waste, noise, vibration, light, radiation .
3. The collection and transportation of waste from free trade zones, processing and exporting zones, exporting and processing enterprises to inland shall be carried out uniformly as for wastes outside free trade zone, processing and exporting zones, exporting and processing under the provisions of this Decree; the provisions of Chapter VIII of this Decree shall not be applied to discarded materials from free trade zone, processing and exporting zones and exporting and processing enterprises.
This Decree shall be applied to domestic agencies, organizations, households and individuals, foreign organizations and individuals (hereinafter referred to as organizations and individuals) with activities related to waste and imported discarded materials on the Socialist Republic of Vietnam’s territory, including the mainland and islands, territorial waters and airspace.
Article 3. Interpretation of terms
In this Decree, the following terms shall be construed as follows:
1. Solid waste means waste in solid or paste form (also called waste sludge) discharged from production, business, service, daily life or other activities.
2. Ordinary waste means waste that is in the list of hazardous waste or in the list of hazardous waste of which risk factors are below hazardous waste level.
3. Daily-life solid waste (called also daily-life garbage) means solid waste in the daily life of people.
4. Industrial solid waste means waste generated from production, trading and services.
5. Wastewater means water altered characteristics and nature discharged from production, business, services, daily-life activities or other activities.
6. Liquid waste product means product, solution, materials in a liquid state expired or discharged from the use, production, business, services, daily-life activities, or other activities. In case the liquid waste product is discharged along with wastewater, it shall be called waste water.
7. Receiving water is the place the waste water is discharged into, including: Sewer, rivers, streams, ditches, canals, lakes, ponds, marshes, coastal waters, territorial waters and other receiving waters.
8. Industrial emission means waste existing in a gas or steam state generated from industrial production and services.
9. Waste delimitation is a process of distinguishing a material that is a waste or not a waste, a hazardous waste or an ordinary waste and determining such waste belonging to a type or a certain group of waste in order to classify and manage in reality.
10. Waste classification is waste separation (delimited) in reality in order to divide into categories or groups of waste to have different waste management procedures.
11. Waste transportation means transporting waste from generation place to treatment place, which may include the collection, temporary retention (or gathering), waste transfer and pre-processing of waste at collecting points or waste transfer stations.
12. Waste reuse means reuse of waste directly or after pre-processing which does not alter the nature of the waste.
13. Waste pre-processing is the use of merely mechanical-physical technical measures to change physical properties such as size, humidity and temperature to facilitate the classification, storage, transport, reuse, recycling, and co-treatment, treatment to blend or to separate the components of the waste in accordance with the different management processes.
14. Waste recycling is a process of using technological solutions and techniques to recover valuable components from waste.
15. Recovery of energy from waste is a process of recovery of energy from waste transformation.
16. Waste treatment is a process of using technological and technical solutions, (as opposed to pre-processing) to reduce, eliminate, isolate, burn, destroy, and burry waste and harmful components in waste.
17. Waste co-treatment is a combination of an existing manufacturing process for recycling, treatment and recovery of energy from waste in which the waste is used as raw materials, alternative fuels or is treated.
18. Waste generating facility is establishment of production, business and service of which waste is generated.
19. Waste generator is organizations and individuals owning or operating establishments generating waste.
20. Industrial zone is a common name for industrial zones, processing and exporting zones, hi-tech zones, industrial complexes.
21. Waste treatment facility is facility of service of waste disposal (including recycling, co-treatment, recovery of energy from waste).
22. Daily-life solid waste collectors, transporters are organizations, individuals doing services of collection and transport of daily-life solid waste as prescribed.
23. Waste treaters are organizations and individuals owning or operating establishments treating waste.
24. Hazardous waste treatment license is a license issued to the hazardous waste treaters to do services of treatment, recycling, co-treatment, recovery of energy from hazardous wastes (which may include transportation, transit, storage and pre-processing).
25. Load capacity of the water environment is ability to receive more pollutants while ensuring the concentration of pollutants not to exceed the limited values specified in environmental standards for the use purpose of receiving sources.
26. Wastewater discharge quotas is load limit of each pollutant or parameter in wastewater issued by State management agencies for each receiving waters to ensure the discharge of wastewater not to exceed the load capacity of the water environment.
27. Industrial emission inventory is determination of flow, nature and characteristics of the emission sources of industrial emissions under determined space and time.
28. Imported discarded material deposit means organizations and individuals importing discarded materials pay a sum of money to a prescribed place to ensure reduction and remedy environmental risks caused by discarded material import.
29. Imported discarded material shipment is amount of imported discarded materials that has the same HS code (classification code of import and export goods) or HS code group registered for one-time inspection by organizations or individuals to import into Vietnam.
Article 4. General principles of waste management
1. Organizations and individuals have the responsibility to enhance the application of measures of resources and energy save; use of natural resources, renewable energy and products, raw materials, clean energy that are environmental friendly; cleaner production; environmental audit for waste and other measures to prevent and minimize waste generation.
2. Organizations and individuals shall be responsible for classification of waste at its source in order to enhance the reuse, recycling, co-treatment, treatment and recovery of energy.
3. Investment in construction of waste treatment facilities must comply with relevant legal provisions on construction and environmental protection.
4. Waste water must be collected, processed, reused or transferred to units with suitable functions to reuse or treat to meet environmental standards before being discharged into the environment.
5. Emissions must be treated to meet environmental standards at the generating facilities before being released to the environment.
6. The State encourages socialization of collection, transportation, reuse, recycling, treatment of waste and energy recovery from waste.
7. Organizations and individuals that discharge waste shall be responsible for payment of charges and prices of services for the collection, transportation, management of waste as prescribed by law.
8. The application of waste treatment technologies that are environmentally friendly is encouraged. The use of bio-products in waste treatment must comply with the law.
Article 5. Delimitation, encoding, classification and storage of hazardous waste
1. The delimitation of hazardous waste must be carried out under codes, categories and levels of hazardous waste.
2. Hazardous waste must be classified according to the code of hazardous waste to be stored in packaging or appropriate storage instruments. It is permitted to use the same packaging or storage instruments for hazardous waste code of the same nature, being not likely to cause reactions, interact with each other and having the ability to be treated in the same method.
3. Hazardous waste water treated meeting environmental standards in sewage treatment system at the generating facility shall be managed under the provisions of wastewater management in Chapter V of this Decree.
4. Hazardous wastes must be classified starting from the time of being stored or transferred for treatment.
Article 6. Registration of hazardous waste generators
1. Waste generator of hazardous waste shall be responsible for registration with the Service of Natural Resources and Environment under one of the following forms:
Make an application for granting register of hazardous wastes generators (hereinafter referred to as registration procedures for hazardous wastes generator);
b) Integrate in report on hazardous waste management and do not carry out registration procedures for hazardous wastes generators for some special cases (in case of waste generator is limited on the generated amount, type and operation time);
c) Register online through the information system with complete information similar to making application as defined in Point a Paragraph 1 of this Article.
2. The registration procedure for hazardous waste generators as defined in Point a Paragraph 1 of this Article shall be carried out once (no renewal or adjustment) when hazardous waste is generated. The register is only regranted in case there is a change in generator’s name or address, quantity of hazardous waste generating facilities; change or supplementation of the plan for reuse, recycling, co-treatment, treatment and recovery of energy from hazardous waste at the facility. After being granted the Register of waste generators, waste information shall be updated with reports on hazardous waste periodical management.
3. Registration procedures for hazardous waste generators shall be integrated with the registration of the plans: self-reuse or pre-processing, recycling, co-treatment, treatment, recovery of energy from hazardous wastes meeting environmental standards in waste generating facility campus.
Article 7. Responsibilities of hazardous waste generators
1. Register with the Service of Natural Resources and Environment at the place of the hazardous waste generating facility as defined in Paragraph 1, Article 6 of this Decree.
2. Take measures to minimize hazardous waste generation; Be self-responsible for the delimitation, classification, quantification of hazardous waste reported and managed.
3. Have a temporary storage area for hazardous waste; store hazardous waste in packaging or storage instruments meeting the technical requirements and management process as prescribed.
4. Conclude a contract to transfer hazardous waste with organizations and individuals having appropriate license in case of failure of self-reuse, recycling, co-treatment, treatment and recovery of energy from hazardous waste at the facility.
5. Report every 06 (six) months on the storage of hazardous waste at the generating facility with the Service of Natural Resources and Environment in separate documents or in combination in the report on periodical hazardous waste management upon failure to transfer in the following cases:
Plans for feasible transport, treatment have not been made;
b) Suitable hazardous waste treaters have not been found.
6. Prepare, use, store and manage records for hazardous waste, hazardous waste management report (periodical and extraordinary) and dossiers, documents and diaries relating to the hazardous waste management as prescribed.
7. Notify in writing to the Service of Natural Resources and Environment at the place of the hazardous waste generating facilities within 06 (six) months upon termination of generation of hazardous waste.
Article 8. Collection and transportation of hazardous waste
1. The collection and transportation of hazardous waste shall be only allowed by organizations and individuals with Licenses for hazardous waste treatment.
2. The means and equipment for collection and transportation of hazardous waste must meet technical requirements and management procedures as prescribed. Transport means of hazardous waste must be stated in the License for hazardous waste treatment.
3. The use of special means of transport such as container, railway vehicles, inland waterways, seaway or means of transport not included in the License for hazardous waste treatment must meet the technical requirements, management process as prescribed by the Ministry of Natural Resources and Environment and must be approved by the Ministry of Natural Resources and Environment.
4. Transportation of hazardous waste must follow the optimal route in the route line, distance, time, traffic safety and emergency prevention and response in accordance with the provisions of the competent agencies on traffic separation.
Article 9. Conditions for licensing hazardous waste treatment
1. There is a report on environmental impact assessment approved by the Ministry of Natural Resources and Environment for investment projects in hazardous waste treatment facilities or replaced records, papers as follows:
a) A valid document on environment issued by competent State management agencies for hazardous waste treatment facilities come into operation before July 1, 2006 including: Certificate of environmental standard registration; verification document of declarations of production, business impacting on the environment; verification paper of environmental impact assessment; or documents equivalent to these documents;
b) A project for environmental protection approved by competent State management agencies as prescribed for hazardous waste treatment facilities put into operation.
2. Locations of hazardous waste treatment facilities (except where production facilities have hazardous waste co-treatment activities) shall be under the planning having contents on management, treatment of waste approved by competent agencies in provincial or higher level as prescribed by law.
3. Treatment systems and device (including pre-processing, recycling, co-treatment, recovery of energy), packaging, storage equipment, temporary storage or transit areas, transport means (if any) must meet technical requirements and management procedures as prescribed.
4. There are environmental protection works in hazardous waste treatment facilities meeting the technical requirements and management procedures as prescribed.
5. There is staff meeting the following requirements:
a) A hazardous waste treatment facility must have at least 02 (two) people responsible for management, executive, professional and technical guidance whose professional knowledge is in majors related to the environment or chemistry certified hazardous waste management as prescribed;
b) A hazardous waste transfer station must have at least 01 (one) person responsible for management, executive, professional and technical guidance whose professional knowledge is in majors related to the environment or chemistry;
c) Staff referred to in Point a, Point b of this Clause must be paid for social insurance, health care as prescribed by law; have long-term labor contracts in case of not being included in the Certificate of Business registration (or equivalent document) or not being in the leading board or not being staff of organizations and individuals registering for licensing of hazardous waste treatment;
d) There is a team of operators and drivers trained to ensure safe operation of means, systems and equipment.
6. There is a safe operation process of means, systems and equipment for collection, transport (if any) and treatment (including re-processing, recycling, co-treatment, recovery of energy) of waste hazardous.
7. There are environmental protection plans which include contents about: pollution control and environmental protection plan; labor safety and health protection plan; emergency response and prevention plan; periodical training plan; environmental observation programs, treatment operational monitoring and assessment of hazardous waste treatment effect.
8. There is a plan for pollution control and environmental remediation upon termination of operation.
9. The conditions stipulated in Paragraph 1 of this Article shall not be applied to the following cases:
a) Production establishments put into operation in accordance with the law wish to add the waste co-treatment based on available production technologies without making reports on environmental impact assessment;
b) Waste treatment facilities put into operation in accordance with law wishing to renovate and upgrade to more advanced technology to decrease or not to increase bad impact to environment, improving treatment efficiency, saving resources and energy without making reports on environmental impact assessment must have plans to request hazardous wastes treatment licensing agency for consideration and approval before commencement of the renovation and upgrade.
10. The following cases shall not be considered hazardous waste treatment facilities and shall not be subject to licensing hazardous waste:
a) Waste generators reuse, pre-process, recycle, have co-treatment, treat or recover energy from hazardous waste generated internally in the campus of hazardous waste generating facilities themselves;
b) Organizations and individuals research and develop technology for hazardous waste treatment in laboratory environment;
c) Medical facilities have hazardous medical waste treatment works in the campus to carry out self-treatment and collection and hazardous biomedical waste treatment for medical facilities in vicinity (group modal).
11. The Ministry of Natural Resources and Environment stipulates technical requirements and management procedures for the cases mentioned in Paragraph 10 of this Article.
Article 10. Licensing hazardous waste treatment
1. Organizations and individuals that meet the conditions stipulated in Article 9 of this Decree shall make an application for licensing hazardous waste treatment and request competent agencies.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall be competent agencies in licensing hazardous wastes treatment on a national scale.
3. A License for hazardous waste treatment shall specify operation areas, number and types of hazardous waste permitted to treat, the vehicles, system, equipment for the transport and treatment of hazardous waste (including pre-processing, recycling, co-treatment, recovery of energy), other requirements for hazardous waste treaters.
4. The time-limit for licensing hazardous waste treatment shall be 03 (three) years from the date of issuance.
5. Procedures for licensing hazardous waste treatment shall replace procedures for: inspection and certification of completion of the environmental protection works according to reports on environmental impact assessment, environmental protection projects (or equivalent records and document); confirmation of meeting environmental protection requirements for treatment facilities of daily-life solid waste and ordinary industrial solid waste (in case hazardous waste treatment facilities combine treatment of daily-life solid waste with ordinary industrial solid waste treatment); Other procedures for environment relevant to the operational stage of hazardous waste treatment facilities as prescribed by law.
6. During the consideration, granting the License for hazardous waste treatment, the Ministry of Natural Resources and Environment shall approve in writing the trial operation of hazardous waste treatment as a temporary base for organizations and individuals to conclude contracts of collection, transportation and treatment of hazardous waste serving the trial operation within 06 (six) months.
7. The Ministry of Natural Resources and Environment shall specify the procedures for licensing hazardous waste treatment.
Article 11. Re-issuance and adjustment of License for hazardous waste treatment
1. The License for hazardous waste treatment shall be reissued in the following cases:
a) The License for hazardous waste treatment expires;
b) It is changed from the license for hazardous waste management that has been granted under the provisions before this Decree takes affect;
c) The License is lost or damaged.
2. The License for hazardous waste treatment shall be adjusted when there are changes in: The operating areas; the amount and types of hazardous waste that are allowed treatment; means, systems and equipment for the transport and waste treatment (including pre-processing, recycling, co-treatment, recovery of energy); number of transfer stations; number of hazardous waste treatment facilities.
3. The provisions of Paragraph 2 of Article 9 of this Decree shall not be applied to the reissuance, adjustment as provided for in Paragraphs 1 and 2 of this Article.
4. The License for hazardous waste treatment shall be reissued or adjusted within 03 (three) years from the date of reissuance or adjustment; except where the hazardous waste treaters request to adjust only part of the License and maintain the term of the issued License.
5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall specify the procedures for reissuance or adjustment of the License for hazardous waste treatment.
Article 12. Responsibilities of hazardous waste treaters
1. Conclude contracts of collection, transportation and treatment of hazardous waste with hazardous waste generators in operation areas indicated in the License for hazardous waste treatment; receive, transport, treat the volume, types of hazardous waste by means, systems, equipment permitted under the contents of the contracts, hazardous waste documents and Licenses for hazardous waste treatment.
2. Fulfill responsibilities of hazardous waste generators for hazardous waste arising from the operation without treatment capabilities. In case hazardous waste is treated totally, the hazardous waste treaters shall not fulfill responsibilities of hazardous waste generators.
3. Implement fully the contents of the application for licensing hazardous waste treatment certified by the Ministry of Natural Resources and Environment enclosed with the License. This application shall be specific bases for environmental management and supervision for hazardous waste treaters.
4. Notify in writing to hazardous waste generators and report to the Ministry of Natural Resources and Environment (written separately do or integrated in periodic reports on hazardous waste management) in case there is reason for temporary storage of hazardous waste without treatment after 06 (six) months from the date of transfer written in hazardous waste records.
5. Register with the Ministry of Natural Resources and Environment as needed for association for the transportation of hazardous waste that is not in their License for other hazardous waste treaters who have appropriate functions to treat.
6. Apply National Standards for Environmental Management Systems (ISO 14001) within 24 (twenty four) months from the date of issuance of the License for hazardous waste treatment; or 24 (twenty four) months since this Decree takes effect to hazardous waste treatment facilities which are operating.
7. Prepare, use, store and manage records for hazardous waste, hazardous waste management report (periodical and extraordinary) and dossiers, documents and diaries relating to the hazardous waste management as prescribed. In case hazardous waste treaters are also ordinary industrial solid waste treaters or daily-life solid waste treaters, they are entitled to integrate reports, records, documents and diaries for both management of hazardous waste and daily-life solid waste or ordinary industrial solid waste.
8. Make plans for pollution control and environmental remediation upon termination of operation, return the License for hazardous waste treatment to the Ministry of Natural Resources and Environment within 06 (six) months from the termination of operation.
Article 13. Responsibilities of the Minister of Natural Resources and Environment in hazardous waste management.
1. Consent for state management of hazardous wastes on a national scale and promulgate regulations on:
a) List, code and level of hazardous waste; technical requirements, management process on the delimitation, classification, storage, transit, transportation, pre-processing, reuse, recycling, co-treatment, treatment and recovery of energy from hazardous wastes; technical requirements, management process related to the conditions to be licensed for hazardous waste treatment and the fulfilling responsibilities in operation stage of hazardous waste generators and treaters;
b) The procedures for: Registration for hazardous waste generators; issuance and revocation of Licenses for hazardous waste treatment; integration and replacement of procedures related to registration for waste generators, licensing for hazardous waste treatment; issuance of certification of hazardous waste management;
c) Registration for cross-border transport of hazardous waste under the Basel Convention on the Control of cross-border transport of hazardous wastes and destruction; implementation of functional authorities and focal points of the Basel Convention in Vietnam;
d) Particular cases: Failure of collection, transportation, storage and transfer by vehicles and equipment recorded in the License for hazardous waste treatment for waste generators with low waste generation quantity or generators in remote areas and areas that are not eligible for the hazardous waste treaters to transport directly by the means listed in the license for hazardous wastes treatment, hazardous wastes that are not capable of domestic treatment or specified in the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory; reuse of hazardous waste; transportation of hazardous waste from the offshore oil and gas projects and other cases arising in practice.
2. Manage, inspect the conditions, operations and records, contracts, reports, documents related to hazardous waste treaters.
3. Formulate and operate information systems, national database on hazardous waste; organize and guide the implementation of the waste generator registration, declaration of hazardous waste documents and reports on online management of hazardous waste; increase the use of information systems or electronic mail to notify, guide and exchange with organizations and individuals in the process of issuing the License for hazardous waste treatment.
4. Implement the contents of hazardous waste management serving the formulation and implementation of environmental protection planning as provided for in Article 94 of the Law on Environmental Protection.
Article 14. Responsibilities of the Service of Natural Resources and Environment in hazardous waste management.
1. Manage the operation and records, reports, contracts, documents of the hazardous waste generators within their local scope (including the case where waste generators are exempt from the registration procedures of hazardous waste generators).
2. Update the database of hazardous waste and commence the waste generator registration, declaration of hazardous waste documents, reports on hazardous waste online management at locality; increase the use of information systems or electronic mail in the registration process for hazardous waste generators.
3. Report to provincial People’s Committees and the Ministry of Natural Resources and Environment on hazardous waste management, waste generator registration of hazardous waste, the deadline of reports is before March 31 of the following year.
DAILY-LIFE SOLID WASTE MANAGEMENT
Article 15. Classification, storage of daily-life solid waste
1. Daily-life solid wastes are classified at their source in accordance with the purpose of management and treatment into the following groups:
a) Biodegradable organic group (leftovers, leaves, vegetable, fruit, animal carcasses);
b) Reusable and recycled group (paper, plastic, metal, rubber, plastic, glass);
c) The other group.
2. Daily-life solid waste after being classified shall be stored in the appropriate packaging or storage device.
3. The classification of daily-life solid waste must be managed, monitored, propagated and advocated organizations, individuals, households to comply with provisions, ensuring favorable requirements for collection, transport and treatment.
4. Provincial People’s Committees shall guide and organize the classification of daily-life solid waste in consistence with specific natural and socio-economic conditions of each locality.
Article 16. Responsibilities of organizations and individuals generating daily-life solid waste
1. Daily-life solid waste must be classified and stored as defined in Article 15 of this Decree.
2. Households and individuals must pay a sanitary fee for collection and transportation of daily-life solid waste as prescribed.
3. Daily-life solid waste generators shall be responsible for contracting the service of collecting, transporting and treatment; full payment of cost under the service contract.
Article 17. Collection and transportation of daily-life solid waste
1. Daily-life solid waste must be collected according to routes to be transported to the collecting points, transfer stations and daily-life solid waste treatment facilities under the planning approved by competent authorities.
2. On main streets, shopping malls, parks, squares, residential centralized location, transportation focus points and other public areas the appropriate storage device and daily-life solid waste collecting point must be arranged.
3. The storage devices of daily-life solid waste must have sizes suitable for the storage period. Storage devices in public areas must ensure aesthetics
4. In the process of transporting daily-life solid waste, it must ensure not to drop waste, causing emission of dust, odors, water leaks.
Article 18. Responsibilities of collectors and transporters of daily-life solid waste
1. Ensure sufficient manpower, means and equipment dedicated to the collection and transportation of daily-life solid waste in specified locations.
2. Notify publicly of the time, location, frequency and route of daily-life solid waste collection in residential areas.
3. Collect and transport daily-life solid waste to collecting points, transfer stations or treatment facilities by means of equipment meeting the technical requirements and management procedures as prescribed.
4. Manage under the provisions on hazardous waste management in Chapter II of this Decree for the classification of hazardous waste from daily-life solid waste at the collecting points, transfer stations.
5. Be responsible for the spillage state of daily-life solid waste, causing emission of dust, odor or water leaks causing negative environmental impact in the process of collection and transportation.
6. Train technically and provide personal protective equipment for workers collecting and transporting daily-life solid waste.
7. Organize periodical medical examination and ensure the policies for workers collecting and transporting daily-life solid waste as prescribed.
8. Report annually on the collection and transportation of daily-life solid waste as prescribed.
Article 19. Technology selection in daily-life solid waste treatment
1. Technology of daily-life solid waste treatment shall include:
a) Organic fertilizer processing technology ;
b) Combustion technology;
c) Sanitary landfill technology;
d) Technology for recycling, energy recovery, producing products from the useful composition of daily-life solid waste;
dd) Other environmentally friendly technologies.
2. Selection of the processing technology of daily life solid waste under the following criteria:
a) For technology:
- The ability of receipt of daily-life solid waste, flexibility, consistence in size, expansion of treatment capacity;
- The degree of automation, localization of equipment line; rate of treatment, reuse, recycling, landfill of daily-life solid waste ;
- Priority of technology assessed and verified by competent agencies meeting environmentally technical regulations and standards and be in accordance with conditions of Vietnam;
- Manage, operate and maintain in accordance with degree, capacity of local human resources
b) For environment and society:
- Guarantee of environmental technical regulations and standards;
- Save of use land;
- Save of energy, recovery capability in the treatment process;
- Training and using of local manpower.
c) For economy:
- Cost of treatment consistent with the affordability of locality or not exceeding the treatment cost declared by competent agencies;
- The ability to consume products from technologies of treatment, recycling of daily-life solid waste.
3. Based on the provisions of Paragraph 2 of this Article, the provincial People’s Committees or the investors shall choose the treatment technology of daily-life solid waste in accordance with their local conditions.
Article 20. Selection of investors, daily-life solid waste treaters.
1. The selection of investors of daily-life solid waste treatment facilities shall comply with law provisions on investment, construction and bidding.
2. The selection of daily-life solid waste treaters to manage and operate the daily-life solid waste treatment facilities invested by the State budget must comply with the provisions of the law on public service product supply.
3. In case daily-life solid waste treatment facilities are not invested by the budget, the investor shall directly manage and operate the daily-life solid waste treatment facilities invested by him/her or hire other organizations and individuals to work as daily-life solid waste treaters as stipulated by law.
Article 21. Environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities
1. There are reports on environmental impact assessment approved by competent agencies for investment project of waste treatment facility.
2. There are treatment systems and device (including pre-processing, recycling, co-treatment, recovery of energy), temporary storage meeting technical requirements and management procedures as prescribed.
3. There are the environmental protection projects in waste treatment facilities meeting technical requirements and management procedures as prescribed.
4. There are programs of environmental management and supervision.
5. Daily-life solid waste treaters must be certified by competent agencies meeting environmental protection requirements prior to official operation of daily-life solid waste treatment.
6. Prior to trial operation, daily-life solid waste treaters must report to competent agencies for certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities on the trial operation plan. Time for trial operation of daily-life solid waste treatment shall be within 06 (six) months.
7. The Ministry of Natural Resources and Environment shall certify or adjust the certification of meeting environmental protection requirements for:
a) Daily-life solid waste treatment facilities of which reports on environmental impact assessment are approved by the Ministry of Natural Resources and Environment;
b) Daily-life solid waste treatment facilities receiving daily-life solid waste treatment in inter-provincial areas;
c) Daily-life solid waste treatment facilities associated with hazardous waste treatment (replaced by the License for hazardous waste treatment).
8. The provincial People’s Committees shall certify or adjust the certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities under the approval competence of reports on environmental impact assessment and the facilities only receiving daily-life solid waste treatment facilities in the provincial areas.
9. The time for submission of registration application for certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities shall be as follows:
a) It shall be within 06 (six) months from the date of commencement of trial operation;
b) For projects of daily-life solid waste treatment that have many stages, registration application for certification of meeting environmental protection requirements shall be submitted for daily-life solid waste treatment facilities for each stage of the projects .
10. In case daily-life solid waste treatment facilities have changes in size, capacity, technology, they must submit an application for adjustment, certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities and request competent agencies for consideration and adjustment of certification as prescribed.
11. In case daily-life solid waste treatment facilities associate with ordinary industrial solid waste, the certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities and the certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial waste treatment facilities shall be typically integrated together.
12. The certification of meeting environmental protection requirements as defined in this Article shall not be applied to the following cases:
a) Daily-life solid waste treatment facilities that are not subject to reporting on environmental impact assessment as prescribed; Daily-life solid waste treatment facilities that have been put into operation and have been certified completion of environmental protection works as prescribed before this Decree takes effect;
b) The landfill of daily-life solid waste operating before this Decree takes effect;
c) Self-preprocessing, reuse, recycling, co-treatment, treatment or recover of energy from daily-life solid waste generated internally in the campus of facilities;
d) Research and development of technology for daily-life solid waste treatment in laboratory environment;
13. The conditions stipulated in Paragraph 1 of this Article shall not be applied to the following cases:
a) Production establishments that have been put into operation in accordance with the law wish to add the daily-life solid waste co-treatment based on available production technologies without making reports on environmental impact assessment;
b) Daily-life solid waste treatment facilities put into operation in accordance with law wish to renovate and upgrade to more advanced technology to decrease or not to increase bad impact to environment, improve treatment efficiency, save resources and energy without making reports on environmental impact assessment.
Article 22. Responsibilities and powers of daily-life solid waste treaters
1. Responsibilities of daily-life solid waste treaters:
a) Fully fulfill the requirements of environmental protection under the provisions of Article 21 of this Decree;
b) Fully implement contents of certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities and application for certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities enclosed with the certification content. This application shall be specific bases for environmental management and supervision for the daily-life solid waste treaters;
c) Must have a plan requested competent agencies as defined in Paragraph 7, 8, Article 21 of this Decree for consideration and approval before the operation for cases specified in Paragraph 13 of Article 21;
d) Notify in writing to State management agencies, parties involved in case of suspension of services to repair, renovate and upgrade the processing services. Contents of the notice must specify the reasons, suspension of the service and must have handing plans;
dd) Take emergency measures to ensure the safety of persons and property; rescue persons, property and promptly notify to investors, local governments or specialized agencies in environmental protection where the pollution or environmental incidents occur for cooperation in handling upon detection of environmental incidents;
e) Formulate, use, store, and manage reports, records, documents and diaries related to daily-life solid waste management as prescribed;
g) Manage under the provisions on hazardous waste management and fulfill responsibilities of hazardous waste generators as defined in Chapter II of this Decree for classification of hazardous waste generators from daily-life solid waste or generation of hazardous waste at daily-life solid waste treatment facilities.
2. Rights of daily-life solid waste treaters:
a) Be paid properly and sufficiently the service charges of solid waste treatment under the signed contracts;
b) Request competent State agencies for consideration, amendment and supplementation of regulations, technical standards and the technical and economic norms related to solid waste treatment ;
c) Exercise other rights as stipulated by law.
Article 23. Environmental renovation and remediation upon close of daily-life solid waste landfills
1. The remediation, reuse of areas after closing landfills must meet the following requirements:
a) Conduct survey and evaluation of relevant environmental factors prior to reuse the area;
b) Continue the treatment of waste water leaks, gas normally while waiting for the reuse of the area of daily-life solid waste landfill;
c) Monitor the environmental changes in monitoring stations after the termination of operation of daily-life solid waste landfills.
2. Responsibilities of investors, daily-life solid waste treaters:
a) Develop plans for environmental renovation and remediation when closing the daily-life solid waste landfills to request competent agencies provided for in Paragraphs 7, 8, Article 21 of this Decree for approval before closing the landfills. The plans for environmental renovation and remediation of the daily-life solid waste landfills using Central supportive budget must be submitted to the Ministry of Natural Resources and Environment for consideration and summary;
b) Carry out the renovation and remediation of the environment and landscape of the area and take measures to prevent environmental pollution in accordance with the approved plans immediately after the closure of daily-life solid waste landfills;
c) Supervise the environment periodically, monitor the environmental changes in daily-life solid waste landfills that have been closed at least 05 (five) years from the date of closing the landfills. Periodical environmental monitoring results must be reported to State management agencies on the local environment;
d) Establish a topography map of the area after the closure of landfills, termination of operation of the daily-life solid waste landfills;
dd) Propose measures for pollution control in the following years;
e) Compile dossiers of area transfer to competent State agencies for management.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with the Ministry of Construction to provide guidance on procedures and contents of environmental renovation and remediation of daily-life solid waste landfills and processes of closing the daily-life solid waste landfills after the termination of operation.
Article 24. Contracts of collection, transportation and treatment of daily-life solid waste
1. Types of contract:
Contracts of collection, transportation and treatment of daily-life solid waste
b) Contracts of collection and transportation of daily-life solid waste
c) Contracts of treatment of daily-life solid waste.
2. The Ministry of Construction shall provide guidance on the contract forms of collection, transportation and treatment of daily-life solid waste
Article 25. Expenses of collection, transportation and treatment of daily-life solid waste
1. The expenses of collection, transport and storage of daily-life solid wastes generated from the individuals, households and public places shall be covered through local budget.
2. The expenses of daily-life solid waste treatment shall be a basis for valuation of the services and a basis for contracting the services of daily-life solid waste treatment. The expenses of daily-life solid waste treatment shall be calculated properly and adequately for a unit volume of daily-life solid waste for treatment, including:
a) Expenses of operating and maintenance;
b) Expenses of depreciation, machinery, factories, projects invested for daily-life solid waste treatment (including leachate and emissions if any) meeting technical regulations and standards as prescribed;
c) Expenses, taxes and other fees as prescribed by law.
3. The revenues to pay for the collection, transportation and treatment of daily-life solid waste shall include cleaning fee and other revenues as prescribed by law.
Article 26. Service charge of daily-life solid waste treatment.
1. The principles and methods of valuation:
a) The valuation must be associated with service quality, treatment technology; must ensure that the volume of daily-life solid waste shall be treated in consistence with the technical process, meeting the environmental standards, contributing to improving environmental quality, public health protection;
b) The valuation of the service of daily-life solid waste treatment must be based on infrastructure conditions, socio-economic conditions and affordability of local budgets.
2. Responsibilities for the formulation, verification and approval of service charges of daily-life solid waste treatment:
a) For daily-life solid waste treatment facilities invested from the state budget in a province, the provincial People's Committee shall assign specialized departments to make price plans and submit to the Service of Finance for taking charge of verification and requesting provincial People’s Committees for approval;
b) For daily-life solid waste treatment facilities invested from capital outside the state budget capital, investors shall establish and submit the price plans, the Service of Finance shall take charge and cooperate with relevant agencies to verify and request provincial People’s Committees for approval;
c) For interregional and interprovincial projects of daily-life solid waste treatment, investors shall make price plans submitted to the Ministry of Finance for taking charge and cooperating with related Ministries and branches to verify. Verification results of the Ministry of Finance shall be a basis for the provincial People's Committees under the project scope to approve the treatment charge of daily-life solid waste.
Article 27. Responsibilities of Ministers in daily-life solid waste management
1. Responsibilities of the Minister of Natural Resources and Environment
a) Guide the procedures and application for certification and adjustment of certification of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities;
b) Guide techniques, management process in the classification, storage, gathering, transit, transportation, pre-processing, reuse, recycling, co-treatment, treatment and energy recovery from daily-life solid waste; technical requirements and management processes for cased not requesting the certification of meeting environmental protection requirements as defined in Paragraph 12 of Article 21 of this Decree and other cases arising in practice;
c) Implement the contents of daily-life solid waste management serving the formulation and implementation of environmental protection planning as provided for in Article 98 of the Law on Environmental Protection.
d) Manage and inspect environmental protection activities on daily-life solid waste management;
dd) Take charge and cooperate with the Minister of Construction to formulate the database on daily-life solid waste, management, development and exchange, providing information related to daily-life solid waste management.
2. Responsibilities of the Minister of Construction
a) Guide the management of construction investment of daily-life solid waste treatment facilities under the approved plan; method of preparation, cost management and service evaluation methods of daily-life solid waste treatment ;
b) Declare technical and economic norms on collection, transportation and treatment of daily-life solid waste; construction investment capital rate of daily-life solid waste treatment facilities;
c) Cooperate with the Minister of Construction to formulate the database on daily-life solid waste, management, development and exchange, providing information related to daily-life solid waste management.
3. Responsibilities of the Minister of Science and Technology: Take charge and cooperate with the Minister of Construction and the Minister of Natural Resources and Environment to verify daily-life solid waste treatment technologies that are newly researched and applied research for the first time in Vietnam.
Article 28. Responsibilities of provincial People’s Committees in daily-life solid waste management
1. Manage daily-life solid waste in the provincial administrative division, assign responsibilities for the professional bodies and decentralize to the People’s Committees at all levels on daily-life solid waste management under provisions.
2. Issue specific provisions on daily-life solid waste management; mechanisms of incentive and supportive policies to encourage the collection, transportation and investment of daily-life solid waste treatment facilities suitable for the conditions of socio-economic development of the locality.
3. Direct the formulation, verification, approval and organize the commencement of solid waste treatment planning, environmental protection planning within their competence; make annual plans for the collection, transportation and treatment of daily-life solid waste and arrange funding in accordance with the program, development plans of the economy and society in the locality.
4. Formulate the hygiene charge levels for household objects, individuals, establishments of production, business, services, organizations and request the provincial People’s Councils for decision.
5. Report annually to the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Construction on the daily-life solid waste management in the administrative division, the time of the report shall be before March 31 of following year.
6. Propagate and educate legislation on daily-life solid waste management; direct the inspection and handling of violations of the law on solid waste management in the administrative division.
ORDINARY INDUSTRIAL SOLID WASTE MANAGEMENT
Article 29. Delimitation, classification and storage of ordinary industrial solid wastes
1. Ordinary industrial solid wastes must be delimited, classified separately for hazardous waste, in case of failure to classify, they must be managed under the provisions on hazardous waste.
2. The delimitation, classification and storage of ordinary industrial solid wastes must meet technical requirements and management procedures as prescribed.
Article 30. Responsibilities of ordinary industrial solid waste generators
1. Fulfill responsibility of delimitation, classification, storage of ordinary industrial solid wastes as prescribed in Article 29 of this Decree.
2. Re-use, pre-process, recycle, treat, co-treat, recover energy by themselves or conclude the transfer contracts for functional units to transport, treat ordinary industrial solid waste.
3. Report periodically on the generation, management of ordinary industrial solid waste in periodically environmental monitoring reports.
Article 31. Collection and transportation of ordinary industrial solid wastes
1. The collection, transport and transfer of ordinary industrial solid wastes must not be dropped, caused emission of dust, odor or leakage of water and must meet the technical requirements, process management according to provisions.
2. The hazardous waste treaters that have been licensed hazardous waste treatment shall be allowed to collect and transport ordinary industrial solid wastes.
3. Organizations and individuals collecting and transporting ordinary industrial solid waste shall transfer the waste to ordinary industrial solid waste treatment facilities allowed to operate as prescribed by law.
Article 32. Environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities
1. There are reports on environmental impact assessment approved by competent agencies for investment project of waste treatment facility.
2. There are treatment systems and device (including pre-processing, recycling, co-treatment, recovery of energy), packaging, storage equipment, temporary storage or transit areas, transport means (if any) meeting technical requirements and management procedures as prescribed.
3. There are the environmental protection projects in waste treatment facilities meeting technical requirements and management procedures as prescribed.
4. There are programs of environmental management and monitoring.
5. Ordinary industrial solid waste treatment facilities must be certified by competent agencies meeting environmental protection requirements prior to official operation of ordinary industrial solid waste treatment.
6. Prior to test operation, the daily-life solid waste treaters must report to competent agencies for confirmation of meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities on the test operation plan. Time for test operation of ordinary industrial solid waste treatment shall be within 06 (six) months.
7. The Ministry of Natural Resources and Environment shall certify or adjust the certification of meeting environmental protection requirements for:
a) Ordinary industrial solid waste treatment facilities of which reports on environmental impact assessment are approved by the Ministry of Natural Resources and Environment;
b) Ordinary industrial solid waste treatment facilities receiving the treatment from the waste generation sources in the inter-provincial areas;
c) Ordinary industrial solid waste treatment facilities associated with hazardous waste treatment (replaced by the License for hazardous waste treatment).
8. The provincial People’s Committees shall certify or adjust the certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities under the approval competence of reports on environmental impact assessment and the facilities only receiving treatment from the generators in the provincial areas.
9. The time for submission of registration application for certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment shall be as follows:
a) Projects approved environmental impact reports shall be within 06 (six) months from the date of commencement of trial operation;
b) For projects that have many stages, registration application for certification of meeting environmental protection requirements shall be submitted for ordinary industrial solid waste treatment facilities for each stage of the projects .
10. In case ordinary industrial solid waste treatment facilities have changes in size, capacity, technology, they must submit an application for adjustment of the certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities and request competent agencies for consideration and adjustment of the certification as prescribed.
11. The certification of meeting environmental protection requirements as defined in this Article shall not be applied to the following cases:
a) Ordinary industrial solid waste treatment facilities that have been put into normal operation and certified completion of environmental protection works as prescribed before this Decree takes effect;
b) Re-use of ordinary industrial solid wastes;
c) Self-preprocessing, reuse, recycling, co-treatment, treatment or recover of energy from ordinary industrial solid waste generated internally in the campus of facilities;
d) Research and development of technology for ordinary industrial solid waste treatment in laboratory environment;
12. The conditions stipulated in Paragraph 1 of this Article shall not be applied to the following cases:
a) Production establishments that have been put into operation in accordance with the law wish to add ordinary industrial solid waste co-treatment based on available production technologies without making reports on environmental impact assessment;
b) Waste treatment facilities put into operation in accordance with law wish to renovate and upgrade to more advanced technology to decrease or not to increase bad impact to environment, improve treatment efficiency, save resources and energy without making reports on environmental impact assessment.
Article 33. Responsibilities of ordinary industrial solid waste treaters
1. Make an application for certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities.
2. Have a plan requested competent agencies as defined in Paragraph 7, 8, Article 32 of this Decree for consideration and approval before the operation for cases specified in Paragraph 12 of Article 32;
3. Treat ordinary industrial solid waste in accordance with the area of operation, capacity, type of waste, waste treatment systems and equipment constructed, installed and certified.
4. Fulfill responsibility of hazardous waste generators as prescribed in case hazardous waste is generated from ordinary industrial solid waste treatment facilities.
5. Fully implement contents of certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities and application for certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities enclosed with the Certification content. This application shall be specific bases for environmental management and supervision for the ordinary industrial solid waste treaters;
6. Prepare, use, store and manage reports, records, documents and diaries related to the management of ordinary industrial solid wastes as prescribed, In case ordinary industrial solid waste treaters are also hazardous waste treaters or daily-life solid waste treaters, reports, records, documents and diaries shall be integrated for the management of hazardous wastes or daily-life solid waste and ordinary industrial solid waste.
7. Apply National Standards for Environmental Management Systems (ISO 14001) within 24 (twenty four) months from the date of certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial waste treatment facilities; or 24 (twenty four) months since this Decree takes effect for facilities which are operating.
8. Make plans for pollution control and environmental remediation, and notify in writing to competent agencies for certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities within 06 (six) months after the termination of operation.
Article 34. Responsibilities of Minister of Natural Resources and Environment in ordinary industrial solid waste management.
1. Accord in state management of ordinary industrial solid waste and issue provisions on:
a) Technical requirements, management process in the classification, storage, transit, transportation, pre-processing, reuse, recycling, co-treatment, treatment and energy recovery from ordinary industrial solid waste; technical requirements, management process related to the environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities and fulfilling of responsibility in the operational stage of the ordinary industrial solid waste generators and treaters;
b) Procedures for certification and adjustment of certification of meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities;
c) Technical requirements and management process for cases not requesting certification of meeting environmental protection requirements as defined in Paragraph 11 of Article 32 of this Decree and other cases arising in practice.
2. Manage and inspect operation and records, contracts, reports relating to ordinary industrial solid waste treaters within their competence.
3. Formulate and operate the national database of ordinary industrial solid wastes; increase the use of information systems or electronic mail to inform, guide and exchange with organizations and individuals during certification of environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities.
4. Implement the contents of ordinary industrial solid waste management serving the formulation and implementation of environmental protection planning as provided for in Article 98 of the Law on Environmental Protection.
Article 35. Responsibilities of provincial People’s Committees in ordinary industrial solid waste management
1. Manage and inspect operation and records, contracts, reports relating to ordinary industrial solid waste treaters certified meeting environmental protection requirements by provincial People’s Committees.
2. Update national database of ordinary industrial solid wastes; increase the use of information systems or electronic mail to inform, guide and exchange with organizations and individuals during certification of environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities.
3. Annually prepare statistics, update on the generation and management of ordinary industrial solid waste in the locality and report to the Ministry of Natural Resources and Environment for summary and monitoring; The deadline of reporting is March 31 of following year.
Article 36. General principles of wastewater management
1. Wastewater must be managed through minimization, re-use, collection and treatment meeting environmental standards.
2. The discharge of wastewater must be managed according to both administrative boundaries and basin.
3. Organizations and individuals discharging wastewater must pay fees, service charges for wastewater treatment as prescribed by law.
4. Activities aimed at reducing and reusing wastewater are encouraged.
Article 37. Collection and treatment of wastewater
1. Industrial zones must have their own separate collection systems of rain water and concentrated wastewater collection and treatment system meeting environmental standards. Wastewater treatment systems must ensure enough capacity to treat the entire volume of the wastewater discharged of facilities in industrial zones put into operation. Industrial zones close to each other may combine general use of concentrated wastewater treatment system.
2. Urban areas, concentrated residential areas, buildings, building complexes of services and business must have rainwater collection system and collection, treatment of wastewater under the planning and comply with technical standards in the construction of technical infrastructural constructions.
3. Establishments of production, business, services must have rainwater collection system and collection and treatment of wastewater according to the following forms:
a) Self-treatment in wastewater treatment system of facilities meeting environmental standards before discharge into the environment;
b) Meeting the requirements for input wastewater before being put into concentrated wastewater treatment system of industrial zones or trade villages as stipulated by the owner of technical infrastructure system for industrial parks or trade villages;
c) Transferring to functional units for treatment outside generation facilities as prescribed: Hazardous wastewater shall be managed in accordance with regulations on hazardous waste management in Chapter II of this Decree; non-hazardous wastewater shall be transferred to appropriate functional units for treatment.
Article 38. Discharge of wastewater into receiving water
1. The discharge of wastewater of establishments of production, business and services into the receiving water must ensure uniformity in accordance with national technical standards on environment issued by the Ministry of Natural Resources and Environment issued or under environmental standards of locality.
2. The source of wastewater discharged into the receiving water must be investigated, evaluated regularly.
3. The discharge of wastewater into the receiving water must be managed in accordance with loading capacity of water environment and wastewater discharge quotas as prescribed.
Article 39. Monitoring of wastewater discharge
1. The wastewater discharge of establishments of production, business, services and industrial parks must be regularly monitored according to the approved reports on environmental impact assessment and the certified plans for environmental protection or equivalent records, document in accordance with the law.
2. Industrial zones must be installed continuous automatic wastewater monitoring system, and transmit directly data to the Service of Natural Resources and Environment.
3. Establishments of production, business, services outside industrial zones having discharge scale of 1,000 m3 / day or more (not including cooling water) must be installed the continuous automatic wastewater monitoring system and transmit data directly to the Service of Natural Resources and Environment in locality.
4. Establishments of production, business, services outside industrial zones having discharge scale of 1,000 m3 / day and night (not including cooling water) and being in danger of damage of environment are encouraged to install the continuous automatic wastewater monitoring equipment.
Article 40. Management wastewater and waste sludge after wastewater treatment
1. Wastewater after treatment must be collected for the purpose of reuse or discharge into receiving waters.
2. The re-use of treated wastewater must comply with specific provisions for each use purpose.
3. Waste sludge from wastewater treatment system shall be managed as follows:
Waste sludge with risk factors exceeding the hazardous waste level must be managed according to the provisions on hazardous waste management in Chapter II of this Decree;
b) Waste sludge without risk factors exceeding the hazardous waste level must be managed according to the provisions on ordinary industrial solid waste management in Chapter II of this Decree;
Article 41. Water environmental load capacity and wastewater discharge quotas
1. Load capacity of the water environment must be assessed by each pollution parameter, as a basis to control the load of such pollution parameter in all discharge sources of wastewater in the basin, according to the negative impact at the highest level.
2. Load capacity shall be considered based on the use purpose characteristics and self-cleaning ability of the receiving environment; the scale and nature of the current wastewater discharge sources and socio-economic development planning.
3. Wastewater discharge quota shall be determined and allocated based on water environmental load capacity corresponding to the period of socio-economic development planning.
4. Load capacity of water environmental and wastewater discharge quotas shall be bases for making or adjusting the socio-economic development planning and sector development planning; considering and approval of investment policies, investment certificate for the project.
Article 42. Resource for wastewater management
1. The State encourages all forms of investment in the field of wastewater management in accordance with legislation on investment.
2. Revenues from daily-life wastewater treatment must gradually offset the cost of concentrated daily-life wastewater treatment .
3. Revenues for wastewater (daily-life and industrial) must be used for purposes of prevention, restriction and control and remedy of pollution caused by wastewater.
Article 43. Responsibilities of Ministers in wastewater management
1. Responsibilities of the Minister of Natural Resources and Environment
a) Stipulate technical requirements and management process on : Reuse of wastewater; cooling water management; collection and treatment of runoff rainwater in first stage capable contaminated in the campus of establishment of production, business and services; transfer wastewater for treatment outside the establishments; objects must have wastewater treatment systems; continuously automatic wastewater monitoring for establishments potentially causing major environmental pollution; material conditions, technical infrastructure of agencies receiving continuously automatic wastewater monitoring data and report information regulations;
b) Formulate and promulgate guidelines for assessing the load capacity of the receiving water, zone use and determine wastewater discharge quotas into the receiving water; formulate and promulgate and allocate quotas for wastewater discharge interprovincial river basins; manage the wastewater discharge quota exchange.
c) Guide wastewater management and treatment and accord the promulgation of environmental standards on wastewater discharge into the receiving water;
d) Monitor and control water quality in the receiving water of interprovincial and international river basins;
dd) Develop the process of investigation, evaluation, formulation of database on wastewater in river basins; manage database of wastewater in the interprovincial river basin and operate the mechanism to share information on the wastewater sources in interprovincial and international river basins.
2. Responsibilities of the Ministers related to wastewater management of some specific waste sources shall be fulfilled under the provisions of Chapter VII of this Decree.
Article 44. Responsibilities of provincial People’s Committees in wastewater management
1. Direct and organize the collection and treatment of daily-life wastewater in the province.
2. Monitor and control of water quality in the receiving water in the province; invest facilities, technical infrastructure to receive and manage the results of continuously automatic wastewater monitoring.
3. Evaluate the load capacity, promulgate and allocate quotas for wastewater discharge for provincial river basins; disclose information of receiving waters that are no longer capable of receiving wastewater in the administrative division.
4. Invest, evaluate, formulate wastewater source database, manage, inspect and monitor wastewater into the receiving water in the province; cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment and the relevant localities to manage, inspect and monitor wastewater into receiving in interprovincial scope as prescribed.
5. Report annually on the wastewater management and treatment for the Ministry of Natural Resources and Environment for summary and monitoring.
INDUSTRIAL EMISSION MANAGEMENT
Article 45. Registration, inventory and formulation of database on industrial emissions
1. Project owners, facility owner under the list of emission sources of great discharge specified in the Appendix of this Decree must register for industrial emission generators, unless the generators have co-treatment operation licensed hazardous waste treatment, or certified meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities or ordinary industrial solid waste.
2. The registration of industrial emission generators shall be made when production establishments are put under officially operation or the establishments have plans for changes in industrial emission generating sources (increase in generation quantity, quantity of emission sources).
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall receive applications for waste generators; inventory industrial emission and formulate database on industrial emissions.
Article 46. Licensing of industrial emission discharge
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall consider the applications for industrial emission generators and grant the License for industrial emission discharge for establishments that are operating under the list of emission sources of great discharge specified in the Appendix of this Decree, unless the generators have co-treatment operation licensed hazardous waste treatment, or certified meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities or ordinary industrial solid waste.
2. Duration of the License for industrial emission shall be 05 (five) years. Where there is a change in emission sources (increase in emission quantity, quantity of emission source), the establishments must make applications for consideration and reissuance of License for industrial emissions.
3. The issuance of License for industrial emission shall be from January 01, 2018.
Article 47. Continuously automatic industrial emission monitoring
1. Generators of industrial emission in the list of emission sources of great discharge prescribed in the Appendix of this Decree must install continuously automatic emission monitoring equipment, transmit direct data to the local Service of Natural Resources and Environment.
2. The local Service of Natural Resources and Environment shall transmit the data of continuously automatic emission date to the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 48. Responsibilities of the Minister of Natural Resources and Environment in industrial emission management.
The Minister of Natural Resources and Environment shall stipulate the procedures for industrial emission registration and inventory, issue the License of industrial emissions; formulate database of industrial emissions, technical requirements, data connection standards of automatically and continuously industrial emissions monitoring.
MANAGEMENT OF SOME PARTICULAR WASTES
Article 49. Management of waste from medical activities
1. Waste from medical activities (except wastewater put into the wastewater treatment system of medical facility) must be classified at source as follows:
a) Hazardous medical wastes shall include: infectious wastes; hazardous waste not infectious (classified separately according to the list and provisions on hazardous waste management in Chapter II of this Decree); radioactive waste (managed under the provisions on radioactivity);
b) Ordinary medical waste shall include: conventional solid wastes (including daily-life solid waste); non-hazardous liquid waste.
2. Infection waste must be strictly managed with the highest level in medical facilities, ensuring no spread of pathogens affecting the environment and human health.
3. Where infectious wastes are put together with daily-life solid waste, ordinary solid waste, that waste mixture must be managed in accordance with regulations on hazardous waste.
4. Medical facilities shall base on the planning, geographic factors, economic conditions and environments to choose to apply one of the treatment plans for hazardous medical wastes as follows:
a) Concentrated medical waste treatment facilities or concentrated waste treatment facilities have items of medical waste treatment;
b) Hazardous medical wastes are treated under the model of medical facility cluster (medical waste of a cluster of medical facilities shall be collected and treated together in systems, process equipment of a facility in the cluster);
c) Hazardous medical wastes are treated in the system, processing equipment in the campus of medical facilities.
5. Treatment of hazardous medical waste shall be as follows:
a) The selection of non-combustion technologies which are environmental friendly shall be taken priority and the treatment meeting environmental standards must be ensured;
b) Infectious waste after disinfection shall be treated like ordinary waste by suitable methods.
6. The Minister of Natural Resources and Environment shall specify the transportation and treatment of medical wastes.
7. The Minister of Health shall take charge and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment to specify the classification, storage, medical waste management within campus of medical facilities and waste generated from burial, cremation.
Article 50. Management of solid waste from construction activities
1. Solid waste from construction activities (including renovation and demolition of works, called as construction solid waste) must be classified and managed as follows:
Soil, sludge from excavation, dredging topsoil, digging the foundation piles shall be used to cultivate the crop land or suitable land areas;
b) gravelly soil, solid waste from construction materials (brick, tile, grout, concrete, adhesives materials overdue) shall be recycled as construction materials or reused as backfill materials for the buildings or buried in construction solid waste landfill;
c) Recyclable solid waste such as glass, steel, wood, paper, plastics shall be recycled and reused.
2. Households in urban areas while carrying out renovation or demolition of buildings must take measures to collect and transport and treat construction solid waste as prescribed.
3. Households in rural and remote areas that have no waste collection system when renovating or demolishing buildings must manage construction waste under the guidance of the local authorities, must not pour wastes into roads, rivers, streams, canals and surface water sources.
4. The Minister of Construction shall take charge and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment to specify the classification, collection, reuse and recycling and treatment of construction waste.
Article 51. Management of waste from agricultural activities
1. Hazardous wastes being packages containing harmful chemicals or harmful chemical products used in agricultural and forestry production must be collected, stored, transported and treated in accordance with provisions on hazardous waste management.
2. Packages containing plant protection chemicals after use that have been cleaned of hazardous components shall be managed as for ordinary waste.
3. The breeding wastewater reused for watering plants or used in other agricultural production activities as prescribed by the Ministry of Agriculture and Rural Development and Ministry of Natural Resources and Environment.
4. The Minister of Agriculture and Rural development shall take charge and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment to provide detailed instructions on collection and storage of waste generated in agricultural activities.
5. The Minister of Natural Resources and Environment shall specify the treatment of the packaging, plant protection chemicals, fertilizers, veterinary medicines waste generated in agricultural activities.
Article 52. Management of waste from transportation activities
1. Waste generated within Vietnam’s territory from international means of transport shall be managed under the provisions of this Decree, shall not be applied the provisions of legislation on import and trade.
2. The Minister of Transport shall take charge and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment to specify technical requirements and management procedures for hazardous waste, ordinary solid waste, wastewater , emissions generated from transport activities in road, airway, seaway, inland waterway, railway, ensuring conformity with the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 53. Management of dredged sludge
1. Dredged sludge (from sea, rivers, lakes, canals, drainage systems and other waters) must be collected, transported, discharged, reused, recycled and treated as prescribed by law.
2. The Minister of Construction shall stipulate the management of sludge from septic tanks (also known as cesspool), sludge from urban drainage systems.
3. The Minister of Agriculture and Rural development shall stipulate the management of sludge dredged from canals and irrigation works.
4. The Minister of Natural Resources and Environment shall stipulate the management of mud dredged from the sea, rivers, lakes and other waters.
5. Provincial People’s Committees shall stipulate the dredged sludge discharge and treatment sites.
Article 54. Management of unhazardous liquid waste products
1. The generators shall be responsible for reuse, recycling, treatment, co-treatment, energy recovery from unhazardous liquid waste products meeting environmental standards.
2. Unhazardous liquid waste products treated in sewage treatment system on spot of the generating facility or industrial zones shall be managed under the provisions of wastewater management in Chapter V of this Decree.
3. Unhazardous liquid waste products are not treated at the generating facilities shall only be transferred to the functional facilities for treatment upon written approval of the approving agency of reports on environmental impact assessment, environmental protection projects, environmental protection plan (or equivalent records, papers) for treatment receiving facilities.
4. The Minister of Natural Resources and Environment shall stipulate technical requirements, management process on the delimitation, classification, storage, collection, transportation, reuse, recycling and treatment of unhazardous liquid waste products.
ENVIRONMENTAL PROTECTION IN DISCARDED MATERIAL IMPORT
Article 55. Entities permitted to import discarded materials from abroad to Vietnam
1. Organizations and individuals directly using discarded materials as raw materials for production.
2. Organizations and individuals entrusted to import by organizations and individuals using imported discarded materials as raw materials for production.
Article 56. Conditions on environmental protection in discarded material import
1. Organizations and individuals directly importing discarded materials as raw material for production must meet the following conditions:
a) Storage warehouse of imported discarded materials shall be as follows
- Have rainwater collection system; collection systems and treatment measures of wastewater generated in the process of storage of discarded materials meeting national technical regulation on environment.
- Have a foundation high level that is not flooded; the floor in storage area of discarded materials designed to prevent rainwater runoff from the outside; ensure tight floors with no cracks made from waterproofing materials which are durable enough to withstand the load of the highest volumes of waste as calculated.
- Have walls and partitions of incombustible materials. Be covered from rain and shine for the entire region storing incombustible discarded materials; Have measures or designs to restrict the direct inward wind.
- Have fire protection equipment (at least one foam and sand fire-extinguisher to put out the fire), exit diagrams, exit guidance signs in consistence with instructions of the competent agencies on fire protection under provisions of the legislation on fire protection.
b) Storage area of imported discarded materials shall be as follows
- Have rainwater collection system; treatment measures of first phase rainwater flowed over the imported discarded material area and wastewater generated in the process of storage of discarded materials meeting national technical regulation on environment.
- Have a foundation high level that is not flooded; the floors ensuring tightness with no cracks made from waterproofing materials which are durable enough to withstand the load of the highest volumes of waste as calculated.
- Have measures to minimize dust generating from storing areas of discarded materials.
- Have fire protection equipment (at least one foam and sand fire-extinguisher to put out the fire), in consistence with instructions of the competent agencies on fire protection under provisions of the legislation on fire protection.
c) Technology, equipment of recycling, reuse of discarded materials must meet technical requirements and management process as prescribed;
d) There are technologies and equipment for treatment of impurity accompanying the discarded materials meeting environmental standards. Where there is no technology and equipment for treatment of impurity, they must be transferred to the unit with appropriate functions to treat;
dd) Imported discarded materials must be deposited under the provisions of this Decree must be paid;
e) There is a written commitment on the re-export or treatment of discarded materials in case the imported discarded materials do not meet the requirements of environmental protection.
2. Organizations and individuals entrusted import must meet the following conditions:
a) Have an import entrustment contract concluded with organizations and individuals that use imported discarded materials as raw material for production meeting the provisions of Paragraph 1 of this Article;
b) Deposit discarded materials imported under the provisions of this Decree;
c) Have a written commitment on the re-export or treatment of discarded materials in case the imported discarded materials do not meet the requirements of environmental protection.
d) Must not store the imported discarded materials in case there is no warehouse meeting the conditions specified in Paragraph 1 of this Article.
3. The Minister of Natural Resources and Environment shall specify the procedures for certification of meeting environmental protection in discarded material import as raw material for production as defined in Paragraphs 1 and 2 of this Article; provide guidance on the technical requirements and environmental protection for technology, equipment of treatment of impurities accompanying imported discarded materials as prescribed in Point d, Clause 1 of this Article.
Article 57. Purposes and methods of deposit of imported discarded materials
1. The purpose of deposit of imported discarded materials is ensuring organizations and individuals importing discarded materials to be responsible for handling of risk, risk of environmental pollution that may arise from imported discarded material shipments.
2. Organizations and individuals importing discarded materials shall deposit in Vietnam environment protection funds or commercial banks where organizations and individuals open the main trading account.
3. Method of deposit:
a) The deposit shall be paid, reimbursed in Vietnam dong;
b) The deposit shall be entitled to demand interest rate from the date of deposit.
Article 58. Deposits of imported discarded materials
1. Organizations and individuals that import discarded iron and steel must deposit imported discarded materials with an amount as follows:
a) If the import volume is less than 500 tonnes, the deposit shall be 10% of the total value of imported discarded material shipments;
b) If the import volume is from 500 tonnes to less than 1.000 tonnes, the deposit shall be 15% of the total value of imported discarded material shipments;
c) If the import volume is 1.000 tonnes or more, the deposit shall be 20% of the total value of imported discarded material shipments;
2. Organizations and individuals that import discarded paper and plastic must deposit imported discarded materials with an amount as follows:
a) If the import volume is less than 100 tonnes, the deposit shall be 15% of the total value of imported discarded material shipments;
b) If the import volume is from 100 tonnes to less than 500 tonnes, the deposit shall be 18% of the total value of imported discarded material shipments;
c) If the import volume is 500 tonnes or more, the deposit shall be 20% of the total value of imported discarded material shipments;
3. Organizations and individuals importing discarded materials outside the provisions of Paragraph 1 and Paragraph 2 of this Article shall deposit for imported discarded materials with the defined amount of 10% of the total value of imported discarded material shipments.
Article 59. Depositing process of imported discarded materials
1. Organizations and individuals importing discarded materials must deposit prior to customs clearance procedures for imported discarded materials at least 15 working days.
2. After receiving the deposit, Vietnam environment protection Funds or commercial banks shall certify the depositing of organizations and individuals importing discarded materials. Authenticated copies of certificates of deposit must be submitted together with the customs clearance documents for imported discarded materials.
Article 60. Management and use of deposits of imported discarded materials
1. Vietnam environment protection funds or commercial banks where organizations and individual deposit imported discarded materials shall responsible for blockade of deposited amount.
2. Vietnam environment protection funds or commercial banks that have received deposits shall refund the deposit to the organizations and individuals importing discarded materials within 05 working days after receiving written requests of organizations and individuals importing discarded materials together with true certified copies of customs declarations stamped for customs clearance certification or true certified copy of the customs declarations stamped and certified re-exporting of discarded materials.
3. In case imported discarded materials are not granted customs clearance or cannot be re-exported, the deposited amount shall be used to pay the cost of violated discarded material treatment. If the deposited amount for discarded material import is insufficient to pay all of the costs for violated imported discarded material treatment, the organizations or individuals importing discarded materials shall have to pay these expenses.
4. If the deposited amount is left after payment for violated imported discarded material treatment, within 05 working days after receiving the written opinion of the provincial People’s Committees where the handling of violations of the fulfillment of waste treatment is carried out, Vietnam environment protection funds or commercial banks shall repay the remaining deposited amount to organizations and individuals importing discarded materials.
5. The Minister of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with the Minister of Finance to stipulate the procedures and use of the deposited amount for discarded material import for handling of imported discarded materials that cannot be re-exported.
Article 61. Responsibilities of the Minister of Natural Resources and Environment
1. Take charge and cooperate with relevant agencies to guide, inspect the importation of discarded materials as raw materials for production in accordance with the provisions of the Law on Environmental Protection.
2. Request the Prime Minister for consideration and decision on trial import of discarded materials and adjustment, supplement the list of discarded materials that are allowed to import from abroad as raw material for production.
Article 62. Responsibilities of provincial People’s Committees
1. Provincial People’s Committees where the production facilities of organizations or individuals are located shall provide guidelines on periodic inspection of environmental protection activities of organizations and individuals importing discarded materials and report to the Ministry of Natural Resources and Environment on the import and use of discarded materials and environmental issues related to imported discarded materials before March 31 of following year.
2. provincial People’s Committees at the place of violation shall have following responsibilities:
Direct, guide, make plans, and handle imported discarded material shipments;
b) Take charge and cooperate with the provincial People’s Committees where the production facilities of the organizations or individuals are located to handle violations for imported discarded material shipments.
Article 63. Responsibilities of organizations and individuals importing, using discarded materials
1. Comply with regulations on environmental protection in discarded materials imports.
2. Pay fully for costs of imported discarded material treatment in case the deposited amount is not enough to treat imported discarded material violating the regulations on environmental protection.
3. Report on the import and use of discarded materials in the year and submit to the Service of Natural Resources and Environment annually before January 15 of the following year.
Article 64. Transitional provisions
1. Organizations and individuals granted the Register of hazardous waste generators as prescribed before this Decree takes effect may continue to use it.
2. Organizations and individuals that have been licensed to manage hazardous waste as prescribed before this Decree takes effect may continue to use until the end of the validity period indicated on the license.
3. The applications received by competent State agencies for settlement under administrative procedures on waste and discarded material management before this Decree takes effect shall be settled according to the law at the receipt time.
4. Where daily-life solid waste treatment facilities (unless cases specified in Point b, Clause 12 of Article 21 of this Decree) have been approved the report on environmental impact assessment before this Decree takes effect but have not been inspected, certified completion of environmental protection works, it shall be replaced by the certification meeting environmental protection requirements. Where facilities have been inspected, certified completion of environmental protection works and demand for confirmation meeting environmental protection requirements for daily-life solid waste treatment facilities, the facilities shall submit an application as prescribed.
5. Where ordinary industrial solid waste treatment facilities have been approved the report on environmental impact assessment before this Decree takes effect but have not been inspected, certified completion of environmental protection works, it shall be replaced by the certification meeting environmental protection requirements. Where facilities have been inspected, certified completion of environmental protection works and demand for confirmation meeting environmental protection requirements for ordinary industrial solid waste treatment facilities, the facilities shall submit an application as prescribed.
6. Organizations and individuals granted Certificate for discarded material import before this Decree takes effect, shall be allowed to continue to import discarded material until the expiry of validity of the Certificate for discarded material import.
Article 65. Responsibility for guidance and implementation
1. The Ministry of Natural Resources and Environment within their functions, tasks, powers shall provide guidance and implement this Decree.
2. Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, the Presidents of People’s Committees of central-affiliated cities and provinces shall be responsible for implementation of this Decree; annually reporting on the situation arises and waste management within their assigned competence (reporting period is from January 01 to December 31 each year) to the Ministry of Natural Resources and Environment for summary and monitoring before March 31 of the following year.
1. This Decree shall take effect from June 15, 2015.
2. The articles (except Articles 7, 8, 9, 10, 11, 13, 15, 16, 17, 18) of the Government's Decree No. 59/2007 / ND-CP dated April 9, 2007 defining solid waste management; Paragraph 4 of Article 4, Paragraph 6 of Article 4, Paragraph 3 of Article 45 of the Government’s Decree No. 80/2014 / ND-CP dated August 6, 2014 on drainage and wastewater treatment; Point 1.3, Section X, Part A, detailed list of charges and fees enclosed herewith with the Government’s Decree No. 24/2006 / ND-CP dated March 6, 2006 amending and supplementing a number of articles of the Government’s Decree No. 57/2002 / ND-CP dated June 3, 2002 detailing the implementation of the Ordinance on Fees and Charges; the Government’s Decree No. 174/2007 / ND-CP dated November 29, 2007 on environmental protection charges for solid waste shall be invalid from the date this Decree takes effect /.
|
FOR. THE GOVERNMENT |
LIST OF EMISSION SOURCES WITH GREAT FLOW
(enclosed herewith the Government’s Decree No. 38/2015/NĐ-CP dated April 24, 2015)
No. |
Types |
Characteristics |
1 |
Steel Production |
Output of more than 200,000 tonnes / year |
2 |
Thermoelectric |
All, except for thermo-electric plants using natural gas fuel |
3 |
Cement |
All |
4 |
Chemicals and chemical fertilizers |
Output of more than 10,000 tonnes / year |
5 |
Petroleum production industry |
Output of more than 10,000 tonnes / year |
6 |
Industrial boiler |
Output of more than 20 tonnes / hour |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực