Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư
Số hiệu: | 108/2006/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 22/09/2006 | Ngày hiệu lực: | 25/10/2006 |
Ngày công báo: | 10/10/2006 | Số công báo: | Từ số 15 đến số 16 |
Lĩnh vực: | Đầu tư | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
27/12/2015 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005 về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam.
b) Hoạt động đầu tư ra nước ngoài; hoạt động đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
c) Hoạt động đầu tư gián tiếp theo các hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác, đầu tư chứng khoán và đầu tư thông qua định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không tham gia trực tiếp vào quản lý, điều hành tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.
d) Hoạt động đầu tư đặc thù được quy định trong pháp luật chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: nhà đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Đầu tư; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vốn đầu tư là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Tài sản hợp pháp gồm:
a) Cổ phần, cổ phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác;
b) Trái phiếu, khoản nợ và các hình thức vay nợ khác;
c) Các quyền theo hợp đồng, bao gồm hợp đồng chìa khóa trao tay, hợp đồng xây dựng, hợp đồng quản lý, hợp đồng phân chia sản phẩm hoặc doanh thu;
d) Các quyền đòi nợ và quyền có giá trị kinh tế theo hợp đồng;
đ) Công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, tên thương mại, nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ;
e) Các quyền chuyển nhượng, bao gồm các quyền đối với thăm dò và khai thác tài nguyên;
g) Bất động sản; quyền đối với bất động sản, bao gồm quyền cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp hoặc bảo lãnh;
h) Các khoản lợi tức phát sinh từ hoạt động đầu tư, bao gồm lợi nhuận, lãi cổ phần, cổ tức, tiền bản quyền và các loại phí;
i) Các tài sản và quyền có giá trị kinh tế khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đang thực hiện.
3. Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
4. Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lần đầu có dự án tại Việt Nam.
1. Việc áp dụng pháp luật đầu tư, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư.
2. Trường hợp pháp luật Việt Nam được ban hành sau khi Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế có quy định thuận lợi hơn so với quy định của điều ước quốc tế đó thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn việc áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam.
Hồ sơ dự án đầu tư và các văn bản chính thức gửi các cơ quan nhà nước Việt Nam đối với dự án đầu tư trong nước được làm bằng tiếng Việt; đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài được làm bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng. Trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài thì áp dụng bản tiếng Việt.
1. Nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này.
2. Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam:
a) Trường hợp có dự án đầu tư mới mà không thành lập tổ chức kinh tế mới thì thực hiện thủ tục đầu tư để cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này;
b) Trường hợp có dự án đầu tư mới gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế mới thì thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế và thủ tục đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức 100% vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
2. Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam được hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài mới.
3. Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
1. Nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với nhà đầu tư trong nước để đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
2. Doanh nghiệp thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này được liên doanh với nhà đầu tư trong nước và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
3. Doanh nghiệp thực hiện đầu tư theo hình thức liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
1. Trường hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài với một hoặc nhiều nhà đầu tư trong nước (sau đây gọi tắt là các bên hợp doanh) thì nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh phải có quy định về quyền lợi, trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên hợp doanh.
2. Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí và một số tài nguyên khác theo hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và Luật Đầu tư.
3. Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau để tiến hành đầu tư, kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế và pháp luật có liên quan.
4. Trong quá trình đầu tư, kinh doanh, các bên hợp doanh có quyền thoả thuận thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên hợp doanh thỏa thuận. Ban điều phối không phải là cơ quan lãnh đạo của các bên hợp doanh.
5. Bên hợp doanh nước ngoài được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để làm đại diện cho mình trong việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Văn phòng điều hành của bên hợp doanh nước ngoài có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp để tham gia quản lý hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp nhận sáp nhập, mua lại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Nhà đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam phải: thực hiện các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tỷ lệ góp vốn, hình thức đầu tư và lộ trình mở cửa thị trường; tuân thủ các quy định về điều kiện tập trung kinh tế của pháp luật về cạnh tranh và pháp luật về doanh nghiệp; đáp ứng điều kiện đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
1. Nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, trừ trường hợp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn tín dụng, đất đai và tài nguyên theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có quyền:
1. Thuê lao động trong nước, lao động nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Quyết định về tiền lương và mức lương tối thiểu của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có quyền:
1. Trực tiếp xuất khẩu, uỷ thác xuất khẩu; trực tiếp nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư nguyên liệu và hàng hoá cho hoạt động đầu tư; quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại hàng hoá liên quan đến hoạt động đầu tư theo quy định tại Điều 15 của Luật Đầu tư và quy định của pháp luật về thương mại.
2. Đầu tư trong lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối và dịch vụ thương mại khác phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thương mại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1. Doanh nghiệp chế xuất được mua hàng hoá từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu.
2. Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa hàng hóa sau:
a) Sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất và không thuộc diện cấm nhập khẩu;
b) Sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất mà thị trường nội địa có nhu cầu;
c) Phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất không thuộc diện cấm nhập khẩu hoặc thuộc diện được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại và pháp luật có liên quan.
3. Quan hệ mua, bán hàng hoá giữa doanh nghiệp chế xuất với thị trường nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
1. Nhà đầu tư được mở tài khoản đồng Việt Nam và tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận, nhà đầu tư được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài.
Điều kiện, thủ tục mở, sử dụng và đóng tài khoản tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam và ngân hàng ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và pháp luật có liên quan.
2. Nhà đầu tư được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
3. Chính phủ hỗ trợ cân đối ngoại tệ trong trường hợp các tổ chức tín dụng được phép không đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của nhà đầu tư đối với một số dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực sau:
a) Năng lượng;
b) Xử lý chất thải;
c) Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trong các lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều này. Bảo đảm cân đối ngoại tệ được quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất cho phát triển đầu tư.
2. Nhà đầu tư được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
1. Hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
2. Tiếp cận, sử dụng các dịch vụ và tiện ích công cộng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.
3. Lựa chọn hình thức đầu tư, quy mô đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư, quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
4. Tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách liên quan đến đầu tư, các dữ liệu của nền kinh tế quốc dân và của từng khu vực kinh tế, các thông tin kinh tế - xã hội khác liên quan đến hoạt động đầu tư.
5. Tham gia ý kiến đối với pháp luật, chính sách về đầu tư ngay từ quá trình soạn thảo theo quy định của pháp luật.
6. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
1. Ngoài các quyền quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này, nhà đầu tư đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế còn có các quyền sau:
a) Thuê hoặc mua nhà xưởng, văn phòng, kho bãi xây sẵn trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế để phục vụ sản xuất, kinh doanh;
b) Sử dụng có trả tiền các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, bao gồm hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, xử lý chất thải và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khác trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
c) Được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để xây dựng nhà xưởng, văn phòng và các công trình khác phục vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
2. Nhà đầu tư đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế có quyền:
a) Xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế để bán hoặc cho thuê;
b) Định giá cho thuê đất, giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; định mức phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ khác trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; định giá cho thuê, giá bán nhà xưởng, văn phòng, kho bãi và định mức phí dịch vụ;
c) Thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy định của Bộ Tài chính;
d) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất và cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
1. Trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng trước khi pháp luật, chính sách mới đó có hiệu lực thì nhà đầu tư được bảo đảm hưởng các ưu đãi như quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được giải quyết bằng một, một số hoặc các biện pháp sau:
a) Tiếp tục hưởng các quyền và ưu đãi;
b) Được khấu trừ phần thiệt hại vào thu nhập chịu thuế;
c) Được điều chỉnh mục tiêu của dự án;
d) Được xem xét bồi thường trong một số trường hợp cần thiết.
2. Đối với biện pháp bồi thường quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư do việc thay đổi pháp luật, chính sách có ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
1. Nghĩa vụ của nhà đầu tư:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung văn bản đăng ký đầu tư, nội dung Giấy chứng nhận đầu tư;
b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán và thống kê;
d) Thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, lao động; tôn trọng danh dự, nhân phẩm và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;
đ) Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập, tham gia tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật;
e) Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
g) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của nhà đầu tư:
a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung văn bản đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản thuộc hồ sơ dự án đầu tư;
b) Báo cáo về hoạt động đầu tư của mình theo quy định tại Nghị định này, pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung báo cáo;
c) Cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
1. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư bao gồm lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng ưu đãi đầu tư như dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Lĩnh vực đầu tư có điều kiện, lĩnh vực cấm đầu tư quy định tại các Điều 29 và 30 của Luật Đầu tư.
2. Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Nhà đầu tư có dự án đầu tư, kể cả dự án đầu tư mở rộng, thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định này được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
1. Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định này được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định này được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định này được miễn, giảm thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế.
1. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư đáp ứng điều kiện để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư đó và có quyền đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
2. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi đầu tư.
3. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện ưu đãi đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư về việc nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.
1. Nhà đầu tư đang được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Hợp tác xã và các luật thuế tiếp tục được các ưu đãi đầu tư đó.
2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư đang được triển khai và thuộc đối tượng quy định tại Điều 24 Nghị định này được hưởng ưu đãi đầu tư trong thời gian ưu đãi còn lại kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
3. Trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành có các quyền lợi và ưu đãi cao hơn so với quyền lợi và ưu đãi mà nhà đầu tư đã được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được hưởng các quyền lợi và ưu đãi mới trong thời gian ưu đãi còn lại (nếu có) kể từ ngày pháp luật, chính sách mới có hiệu lực.
4. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
1. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chuyển giao công nghệ, bao gồm cả việc góp vốn bằng công nghệ để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Giá trị của công nghệ được dùng để góp vốn hoặc giá trị của công nghệ chuyển giao do các bên thoả thuận và được quy định tại hợp đồng chuyển giao công nghệ.
2. Chính phủ khuyến khích việc chuyển giao vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn và các công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý và sử dụng công nghệ.
3. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã đầu tư vào nghiên cứu và triển khai chuyển giao công nghệ.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên chuyển giao công nghệ, trình tự và thủ tục chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
1. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư lập quỹ hỗ trợ đào tạo từ nguồn vốn góp và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài như sau:
a) Quỹ hỗ trợ đào tạo được thành lập không vì mục đích lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Chi phí đào tạo của tổ chức kinh tế được tính vào chi phí hợp lý làm căn cứ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Chính phủ hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho việc đào tạo lao động trong các tổ chức kinh tế thông qua chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực.
3. Chính phủ có kế hoạch, chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Chính phủ hỗ trợ đầu tư phát triển đối với dự án đáp ứng các điều kiện sau:
a) Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quan trọng trong chương trình kinh tế lớn có tác động trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững nhưng không được ngân sách nhà nước cấp phát và không được ngân hàng thương mại cho vay theo điều kiện thông thường vì có yếu tố rủi ro;
b) Phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Phù hợp với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Việc hỗ trợ tín dụng đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
3. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân không phân biệt thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ hỗ trợ đầu tư sau:
a) Tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý;
b) Tư vấn về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ;
c) Dạy nghề, đào tạo kỹ thuật và kỹ năng quản lý;
d) Cung cấp thông tin về thị trường, thông tin khoa học - kỹ thuật, công nghệ và các thông tin kinh tế, xã hội mà nhà đầu tư yêu cầu;
đ) Tiếp thị, xúc tiến đầu tư và thương mại;
e) Thành lập, tham gia các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;
g) Thành lập các trung tâm thiết kế, thử nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Chính phủ khuyến khích và có chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
2. Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) lập kế hoạch đầu tư và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
1. Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, nguyên tắc, hạn mức và hạng mục công trình được hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để cùng nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp và khu chế xuất.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất.
1. Việc đầu tư, kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất được thực hiện bởi một hoặc nhiều chủ đầu tư; phải bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của từng nhà đầu tư.
2. Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép thành lập đơn vị sự nghiệp có thu làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất.
1. Chính phủ dành nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để hỗ trợ đối với các trường hợp sau:
a) Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài các khu chức năng và các công trình dịch vụ công cộng quan trọng trong khu kinh tế;
b) Bồi thường giải phóng mặt bằng trong các khu chức năng và tái định cư, tái định canh cho các hộ gia đình bị thu hồi đất;
c) Đầu tư công trình xử lý nước thải và chất thải tập trung của các khu chức năng.
2. Chính phủ khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu kinh tế.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phương thức huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu kinh tế.
5. Việc hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao thực hiện theo quy định của pháp luật về khu công nghệ cao.
1. Các dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn, quy mô đầu tư trong những lĩnh vực sau:
a) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không;
b) Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia;
c) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; thăm dò, khai thác khoáng sản;
d) Phát thanh, truyền hình;
đ) Kinh doanh casino;
e) Sản xuất thuốc lá điếu;
g) Thành lập cơ sở đào tạo đại học;
h) Thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
2. Dự án đầu tư không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, không phân biệt nguồn vốn và có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng Việt Nam trở lên trong những lĩnh vực sau:
a) Kinh doanh điện; chế biến khoáng sản; luyện kim;
b) Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
c) Sản xuất, kinh doanh rượu, bia;
3. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sau:
a) Kinh doanh vận tải biển;
b) Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông và Internet; thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng;
c) In ấn, phát hành báo chí; xuất bản;
d) Thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập.
4. Trường hợp dự án đầu tư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
5. Trường hợp dự án đầu tư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt hoặc dự án không đáp ứng các điều kiện mở cửa thị trường quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư chủ trì, lấy ý kiến Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan khác có liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
6. Trường hợp dự án đầu tư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan khác có liên quan, để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sau:
1. Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, bao gồm cả các dự án đầu tư quy định tại Điều 37 Nghị định này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đối với những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (sau đây gọi là Ban Quản lý) thực hiện việc đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sau:
1. Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, bao gồm cả các dự án đầu tư quy định tại Điều 37 Nghị định này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn quy định tại Điều 38 Nghị định này.
2. Ban Quản lý tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn quy định tại Điều 39 Nghị định này.
3. Đối với dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn chưa quy định thuộc quản lý hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì hồ sơ dự án đầu tư được nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư đó.
4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án đầu tư và làm các thủ tục đầu tư theo quy định của Nghị định này.
1. Mẫu Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
2. Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của nhà đầu tư;
b) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; nhu cầu diện tích đất sử dụng;
c) Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;
d) Tổng vốn đầu tư;
đ) Thời hạn thực hiện dự án;
e) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư;
g) Xác nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có).
3. Nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì Giấy chứng nhận đầu tư có nội dung bao gồm nội dung quy định tại khoản 2 Điều này và nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Nhà đầu tư trong nước trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này có yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo như quy định tại khoản 3 Điều này.
1. Nhà đầu tư không phải đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
2. Nhà đầu tư trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có nhu cầu được xác nhận ưu đãi đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì thực hiện đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
1. Nhà đầu tư trong nước phải đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam đến dưới 300 tỷ đồng Việt Nam thuộc các trường hợp sau:
a) Dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư;
b) Dự án không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này.
2. Nhà đầu tư đăng ký đầu tư tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư quy định tại Điều 40 Nghị định này.
3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư trao giấy biên nhận ngay sau khi nhận được bản đăng ký đầu tư.
4. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc xác nhận ưu đãi đầu tư thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư căn cứ vào nội dung văn bản đăng ký đầu tư để cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản đăng ký đầu tư hợp lệ.
5. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan.
Dự án có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư như sau:
1. Hồ sơ đăng ký đầu tư gồm:
a) Văn bản đăng ký đầu tư (theo mẫu);
b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm).
2. Đối với trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
a) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
b) Hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký đầu tư, hồ sơ đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư) và cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà không được yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ nào khác.
4. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan.
1. Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo mẫu);
b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu: bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác; đối với nhà đầu tư là tổ chức: bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân đối với nhà đầu tư là cá nhân;
c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm);
d) Giải trình kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường;
đ) Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh;
2. Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục đăng ký kinh doanh, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
a) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
b) Hợp đồng liên doanh đối với hình thức thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
3. Nội dung thẩm tra:
a) Sự phù hợp với: quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.
Đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch hoặc chưa có trong quy hoạch nêu trên, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch;
b) Nhu cầu sử dụng đất: diện tích đất, loại đất và tiến độ sử dụng đất;
c) Tiến độ thực hiện dự án: tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án;
d) Giải pháp về môi trường: đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường.
1. Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm:
a) Hồ sơ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 44 Nghị định này;
b) Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Nội dung thẩm tra:
a) Thẩm tra khả năng đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành liên quan có chịu trách nhiệm thẩm tra khả năng đáp ứng các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp các điều kiện đầu tư đã được pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà không phải lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành liên quan;
b) Đối với dự án đầu tư trong nước, nếu dự án đã đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy trình đăng ký đầu tư quy định tại Điều 43 Nghị định này.
1. Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm :
a) Hồ sơ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 45 Nghị định này;
b) Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện tham gia thị trường quy định đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Nội dung thẩm tra theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và khoản 2 Điều 46 Nghị định này.
1. Nhà đầu tư nộp 10 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó ít nhất có 1 bộ hồ sơ gốc.
2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành liên quan.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
4. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương đầu tư.
5. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý, Văn phòng Chính phủ thông báo bằng văn bản ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư.
6. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
7. Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
8. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
1. Nhà đầu tư nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư 8 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư; nộp cho Ban Quản lý 4 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc đối với dự án do Ban quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của sở, ngành liên quan; trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Đối với dự án do Ban quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban quản lý tổng hợp ý kiến các cơ quan được hỏi ý kiến để quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
5. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan.
1. Các Bộ quản lý ngành thẩm tra việc đáp ứng điều kiện đầu tư, quy hoạch đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và Điều 82 của Luật Đầu tư.
2. Căn cứ vào quy định tại các Điều 29 và 82 của Luật Đầu tư, các Bộ quản lý ngành soạn thảo điều kiện đầu tư trình Chính phủ ban hành; xây dựng quy hoạch và phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.
Điều kiện đầu tư và quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư.
1. Khi điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức, vốn và thời hạn thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Việc điều chỉnh dự án đầu tư thực hiện theo một trong các quy trình sau:
a) Không phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh hoặc thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư;
c) Thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư.
3. Các dự án đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh hoặc thẩm tra điều chỉnh gồm:
a) Các dự án không điều chỉnh về mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn, hình thức, thời hạn;
b) Các dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;
c) Các dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thay đổi mục tiêu, địa điểm đầu tư.
1. Đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư:
a) Dự án thuộc diện đăng ký điều chỉnh gồm các dự án mà sau khi điều chỉnh về mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn, hình thức, thời hạn, dự án đó thuộc các trường hợp sau: dự án có vốn đầu tư nước ngoài mà sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án đó không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 51 Nghị định này; dự án đầu tư trong nước thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện mà sau khi điều chỉnh, dự án đó không thay đổi mục tiêu và vẫn đáp ứng các điều kiện đầu tư quy định đối với dự án đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 51 nghị định này;
b) Hồ sơ đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư gồm: văn bản đăng ký chứng nhận những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư; bản sao Giấy chứng nhận đầu tư; bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc điều lệ doanh nghiệp (đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài);
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cấp mới (đối với trường hợp chưa có Giấy chứng nhận đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư:
a) Dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra điều chỉnh gồm các dự án mà sau khi điều chỉnh về mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn, hình thức, thời hạn, dự án đó thuộc các trường hợp sau: dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau khi điều chỉnh thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư; dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án đó thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hồ sơ gồm thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư gồm: văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư; giải trình lý do điều chỉnh; những thay đổi so với dự án triển khai; báo cáo tình hình thực hiện dự án đến thời điểm điều chỉnh dự án; bản sao Giấy chứng nhận đầu tư; bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc điều lệ doanh nghiệp (đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài).
c) Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư thẩm tra những nội dung điều chỉnh và cấp mới (đối với trường hợp chưa có Giấy chứng nhận đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
d) Trường hợp dự án đầu tư sau khi điều chỉnh trở thành dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ mà không có trong quy hoạch hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng điều kiện đầu tư chưa được pháp luật quy định thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi cấp mới hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
đ) Trường hợp nội dung điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến thẩm tra của Bộ, ngành có liên quan trước khi cấp mới hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan.
Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, ngoài các nội dung hồ sơ quy định tại các Điều 44, 45, 45 và 47 Nghị định này thì nội dung của hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện theo quy định tại các Điều 54 và 55 Nghị định này.
Hợp đồng liên doanh phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân đầu tư tham gia liên doanh và người đại diện theo pháp luật của các bên liên doanh; tên, địa chỉ của doanh nghiệp liên doanh.
2. Loại hình doanh nghiệp.
3. Lĩnh vực, ngành nghề và phạm vi kinh doanh.
4. Vốn điều lệ, phần góp vốn của mỗi bên, phương thức, tiến độ góp vốn điều lệ.
5. Tiến độ thực hiện dự án.
6. Thời hạn hoạt động của dự án.
7. Địa điểm thực hiện dự án.
8. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên doanh.
9. Các nguyên tắc quản lý tài chính; phân chia lợi nhuận và xử lý lỗ trong kinh doanh.
10. Thể thức sửa đổi và chấm dứt hợp đồng, điều kiện chuyển nhượng, điều kiện chấm dứt hoạt động, giải thể doanh nghiệp.
11. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Ngoài các nội dung trên, các bên liên doanh có quyền thỏa thuận những nội dung khác trong hợp đồng liên doanh nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Hợp đồng liên doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên liên doanh ký tắt vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng liên doanh có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh có những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án.
2. Mục tiêu và phạm vi kinh doanh.
3. Đóng góp của các bên hợp doanh, việc phân chia kết quả đầu tư, kinh doanh, tiến độ thực hiện hợp đồng.
4. Tiến độ thực hiện dự án.
5. Thời hạn hợp đồng.
6. Quyền, nghĩa vụ của các bên hợp doanh.
7. Các nguyên tắc tài chính.
8. Thể thức sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, điều kiện chuyển nhượng.
9. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Ngoài các nội dung trên, các bên hợp doanh có quyền thỏa thuận những nội dung khác trong hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên hợp doanh ký tắt vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam quy định tại Điều 10 Nghị định này thực hiện thủ tục như sau:
1. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp đó làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
2. Trường hợp nhà đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư quy định tại các Điều 51 và 52 Nghị định này.
3. Trường hợp nhà đầu tư góp vốn để đầu tư thì phải làm thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sáp nhập, mua lại doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Nghị định này. Hồ sơ sáp nhập, mua lại doanh nghiệp gồm:
a) Văn bản đề nghị sáp nhập, mua lại doanh nghiệp gồm các nội dung: tên, địa chỉ và người đại diện của nhà đầu tư nước ngoài sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện, vốn điều lệ và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại; tóm tắt thông tin về nội dung sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; đề xuất (nếu có);
b) Quyết định của hội đồng thành viên hoặc của chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc của đại hội đồng cổ đông về việc bán doanh nghiệp;
c) Hợp đồng sáp nhập, mua lại doanh nghiệp bao gồm những nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ, trụ sở chính của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại; thủ tục và điều kiện sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; phương án sử dụng lao động; thủ tục, điều kiện và thời hạn chuyển giao tài sản, chuyển vốn, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập, mua lại; thời hạn thực hiện việc sáp nhập, mua lại; trách nhiệm của các bên;
d) Điều lệ của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại;
đ) Dự thảo Điều lệ của doanh nghiệp sau khi được phép sáp nhập, mua lại (nếu có sự thay đổi).
e) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài gồm: bản sao quyết định thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương khác đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế; bản sao hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân.
1. Nhà đầu tư có dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc đã được cấp Giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có quyền chuyển đổi hình thức đầu tư sang hình thức đầu tư khác theo quy định tại Điều 21 của Luật Đầu tư.
2. Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi theo quy định riêng của Chính phủ về đăng ký lại và chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
3. Thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Việc chuyển đổi hình thức đầu tư gắn với việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên hợp doanh phải gửi cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư hồ sơ chuyển đổi hình thức đầu tư: Hồ sơ chuyển đổi hình thức đầu tư bao gồm: văn bản đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư; quyết định của hội đồng thành viên hoặc của chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc của đại hội đồng cổ đông hoặc thoả thuận của các bên hợp doanh (đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh) về việc chuyển đổi hình thức đầu tư; dự thảo điều lệ doanh nghiệp chuyển đổi; hợp đồng hợp tác kinh doanh (đối với dự án đầu tư hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh);
c) Quyết định của hội đồng thành viên doanh nghiệp liên doanh hoặc quyết định của nhà đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài); thoả thuận của các bên hợp doanh (đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh) về việc chuyển đổi hình thức đầu tư phải thông báo cho các chủ nợ và người lao động biết trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định;
d) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm b khoản 3 Điều này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư và thông báo cho nhà đầu tư.
1. Dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước quy định dưới đây phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định chấp thuận sử dụng vốn nhà nước để đầu tư:
a) Vốn ngân sách nhà nước;
b) Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;
c) Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh;
d) Vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;
đ) Vốn đầu tư từ Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định tại Nghị định này để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Văn bản chấp thuận việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ thẩm tra đầu tư.
1. Cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng vốn ngân sách nhà nước tổ chức thẩm định và chấp thuận việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức thẩm định và quyết định dự án được hưởng tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
3. Bộ Tài chính tổ chức thẩm định và quyết định việc bảo lãnh nhà nước đối với dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng thuộc danh mục được Nhà nước bảo lãnh.
4. Hội đồng quản trị của tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khác hoặc tổng giám đốc, giám đốc của doanh nghiệp nhà nước không có hội đồng quản trị tổ chức thẩm định và quyết định đối với việc sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để đầu tư.
5. Thẩm quyền thẩm định chấp thuận việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết về quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư.
Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư gồm:
1. Văn bản đề nghị sử dụng vốn nhà nước của chủ đầu tư gửi cơ quan thẩm định tương ứng với từng nguồn vốn quy định tại Điều 59 Nghị định này.
2. Bản giải trình về đề nghị sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, gồm các nội dung chính sau:
a) Tên dự án;
b) Mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án;
c) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
d) Vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư; phần vốn nhà nước tham gia vào dự án;
đ) Thuyết minh về sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thuyết minh về sự phù hợp trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư;
e) Hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội;
g) Thuyết minh về khả năng thu hồi vốn đầu tư, khả năng hoàn trả vốn vay và phương án hoàn trả vốn vay (nếu có);
h) Thời hạn của dự án đầu tư;
i) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Nội dung thẩm định gồm:
1. Sự phù hợp của dự án đầu tư với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ (của cả nước hoặc của vùng hoặc của lãnh thổ) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sự phù hợp của việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước; mục tiêu đầu tư, hiệu quả đầu tư; phương thức quản lý phù hợp với từng nguồn vốn và loại dự án đầu tư.
3. Sự phù hợp với chính sách hỗ trợ đầu tư (nếu có).
4. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư; thời hạn của dự án đầu tư.
5. Khả năng thu hồi vốn đầu tư; khả năng hoàn trả vốn vay và phương án hoàn trả vốn vay (nếu có).
6. Hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đã cam kết và các quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư; tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, về môi trường, về lao động, về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư và pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án đầu tư có xây dựng công trình phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý xây dựng.
1. Nhà đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân để quản lý đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh theo yêu cầu hoạt động của mình.
2. Việc thuê tổ chức, cá nhân quản lý được thực hiện thông qua hợp đồng ký giữa nhà đầu tư với tổ chức, cá nhân.
Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân quản lý được quy định trong hợp đồng.
Phí quản lý do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, được tính vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
3. Việc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ quản lý phải bảo đảm phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ quản lý phải nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức kinh tế có quyền chuyển nhượng vốn của mình trong doanh nghiệp và thực hiện thủ tục đăng ký thành viên, đăng ký cổ đông trong sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi chuyển nhượng vốn doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư về việc chuyển nhượng vốn để điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Điều kiện chuyển nhượng vốn:
a) Bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định này và pháp luật có liên quan;
b) Bảo đảm tỷ lệ và các điều kiện phù hợp với quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
c) Việc chuyển nhượng vốn là giá trị quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy định pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
1. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng dự án do mình thực hiện cho nhà đầu tư khác. Điều kiện chuyển nhượng dự án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Nghị định này.
2. Trường hợp chuyển nhượng dự án của tổ chức kinh tế không gắn với việc chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng dự án sẽ tuân thủ các điều kiện và thủ tục chuyển nhượng vốn quy định tại Điều 65 Nghị định này.
3. Trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với việc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng dự án phải tuân thủ quy định về điều kiện, thủ tục sáp nhập, mua lại doanh nghiệp quy định tại Điều 56 Nghị định này.
4. Trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với việc chấm dứt hoạt động của tổ chức chuyển nhượng dự án và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án thì thực hiện thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này.
5. Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư gồm: văn bản đăng ký chuyển nhượng dự án; hợp đồng chuyển nhượng dự án; văn bản về tư cách pháp lý của Bên nhận chuyển nhượng; báo cáo tình hình hoạt động triển khai dự án.
6. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cấp mới (đối với trường hợp chưa có Giấy chứng nhận đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
1. Nhà đầu tư khi tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà làm thay đổi tiến độ thực hiện dự án đầu tư đã cam kết thì phải thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước quản lý đầu tư về lý do và thời hạn tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án chậm nhất 15 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
2. Trường hợp cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư không chấp nhận việc tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án thì phải có văn bản trả lời cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của nhà đầu tư.
Trường hợp hoạt động trở lại, nhà đầu tư thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước quản lý đầu tư.
1. Việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp quy định tại Điều 65 của Luật Đầu tư.
2. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án trong trường hợp:
a) Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại Điều 67 Nghị định này;
b) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật mà theo đó pháp luật quy định phải chấm dứt hoạt động.
3. Trường hợp theo bản án, quyết định của toà án, trọng tài về việc chấm dứt hoạt động dự án do vi phạm nghiêm trọng pháp luật, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư căn cứ vào quyết định, bản án của toà án, trọng tài để quyết định chấm dứt hoạt động.
4. Quyết định chấm dứt dự án đầu tư được gửi cho nhà đầu tư và lưu tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư căn cứ quyết định chấm dứt dự án đầu tư để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và thông báo cho các cơ quan có liên quan.
1. Trong quá trình hoạt động đầu tư nếu dự án đầu tư chấm dứt theo các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 65 của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư làm thủ tục thanh lý dự án đầu tư và nộp lại Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Thủ tục thanh lý dự án đầu tư như sau:
a) Trường hợp thanh lý dự án đầu tư mà không gắn với việc giải thể tổ chức kinh tế thì việc thanh lý thực hiện theo quy định pháp luật về thanh lý tài sản, thanh lý hợp đồng;
b) Trường hợp thanh lý dự án gắn với việc giải thể tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục giải thể tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
3. Thời hạn thanh lý dự án đầu tư không quá 6 tháng kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư. Trường hợp đựơc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thời hạn thanh lý dự án đầu tư được kéo dài nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Sau khi kết thúc việc thanh lý, nhà đầu tư phải thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư và nộp lại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.
4. Trường hợp các nhà đầu tư trong tổ chức kinh tế có tranh chấp dẫn tới không thực hiện được việc thanh lý dự án đầu tư trong thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này thì tranh chấp được đưa ra giải quyết tại toà án, trọng tài theo quy định của pháp luật.
5. Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu tổ chức kinh tế không có khả năng thanh toán các khoản nợ thì việc thanh lý sẽ chấm dứt và được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản.
1. Đối với khu chế xuất, khu công nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu được lập kho bảo thuế để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng hoá đưa vào kho bảo thuế thuộc diện chưa phải nộp thuế nhập khẩu.
Việc thành lập kho bảo thuế và điều kiện lập kho bảo thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Hàng hoá đưa vào kho bảo thuế không được bán tại thị trường Việt Nam. Trường hợp hàng hoá đó không thuộc diện cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, nếu bán tại thị trường Việt Nam thì nhà đầu tư phải làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan, nộp thuế nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
3. Hàng hoá đưa vào kho bảo thuế nếu bị hư hỏng, giảm phẩm chất không đáp ứng yêu cầu sản xuất thì phải tái xuất khẩu hoặc tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và pháp luật về môi trường.
1. Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư bao gồm:
a) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đầu tư phát triển để huy động và điều tiết các nguồn lực cho đầu tư phát triển;
b) Ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư; xây dựng các tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật liên quan đến hoạt động đầu tư; giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư; tổng hợp, kiến nghị hoặc huỷ bỏ các văn bản pháp luật không còn phù hợp hoặc do các cấp ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung không phù hợp;
c) Thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế, đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật về điều ước quốc tế;
d) Quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin quốc gia phục vụ hoạt động đầu tư;
đ) Cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư; quản lý thống nhất hoạt động đăng ký đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
e) Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đầu tư đối với hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư và hoạt động của nhà đầu tư;
g) Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và giải quyết những vướng mắc, yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư;
h) Đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế vĩ mô của hoạt động đầu tư;
i) Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quản lý hoạt động đầu tư;
k) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tăng cường năng lực quản lý đầu tư cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư các cấp;
l) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư theo thẩm quyền. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư hoặc xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư:
a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư trong phạm vi cả nước; chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế; ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư cho các Bộ, ngành và địa phương;
b) Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện luật pháp, chính sách về đầu tư; phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt quy hoạch; quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; quyết định hoặc cho phép thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình điều hành, quản lý hoạt động đầu tư vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương;
c) Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế có chương trình đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư;
d) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban Quản lý có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn hoạt động đầu tư trong lĩnh vực và địa bàn theo thẩm quyền; bảo đảm thủ tục đầu tư minh bạch, đơn giản, đúng thời hạn;
đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được ban hành các văn bản quy định lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các ưu đãi đầu tư không đúng với quy định của pháp luật.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và rà soát các văn bản pháp luật, chính sách về đầu tư. Hướng dẫn, phổ biến, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư. Ban hành các mẫu văn bản liên quan đến thủ tục đầu tư để áp dụng trong phạm vi cả nước.
2. Tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, tổng hợp trình Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển; quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập danh mục dự án quốc gia thu hút vốn đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tham mưu về việc bổ sung quy hoạch đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ không nằm trong quy hoạch; có ý kiến với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư về sự cần thiết của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ mà thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
4. Thẩm tra các dự án đầu tư quan trọng quốc gia và dự án đầu tư khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia về vận động xúc tiến đầu tư; phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; đặt đại diện tổ chức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; thực hiện quản lý quỹ xúc tiến đầu tư quốc gia.
6. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán và trình Chính phủ ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư; thực hiện hợp tác quốc tế về hoạt động đầu tư.
7. Tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường năng lực quản lý đầu tư cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư các cấp.
8. Phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức hoạt động thống kê về đầu tư theo quy định của pháp luật về thống kê; tổ chức, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia phục vụ hoạt động đầu tư.
9. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai và thực hiện dự án đầu tư.
10. Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động đầu tư.
11. Kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động đầu tư theo thẩm quyền; xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát liên ngành đối với hoạt động đầu tư; kiểm tra việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình đầu tư.
12. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, tổng hợp tình hình hoạt động đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư; hướng dẫn trình tự, thủ tục về hỗ trợ và hưởng ưu đãi đầu tư thuộc thẩm quyền.
2. Cấp phép hoạt động đối với dự án trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các dự án đã được cấp phép.
3. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến tài chính, bảo lãnh về tài chính của Chính phủ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và hải quan liên quan đến hoạt động đầu tư.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí, thủ tục hải quan, quản lý tài chính và hoạt động tài chính khác.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đến việc xây dựng pháp luật, chính sách về thương mại liên quan đến hoạt động đầu tư.
2. Cấp phép hoạt động đối với dự án trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các dự án đã được cấp phép.
3. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; công bố các điều kiện cam kết liên quan đến đầu tư trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thương mại liên quan đến hoạt động đầu tư.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động thương mại của dự án đầu tư.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách và hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý tài nguyên và môi trường liên quan đến hoạt động đầu tư.
2. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý tài nguyên và môi trường của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý tài nguyên và môi trường liên quan đến hoạt động đầu tư.
4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách và hướng dẫn thực hiện các quy định về khoa học công nghệ liên quan đến hoạt động đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao.
2. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến khoa học, công nghệ của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về khoa học và công nghệ liên quan đến hoạt động đầu tư.
4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của dự án đầu tư.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng.
2. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về xây dựng của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, quy phạm về xây dựng liên quan đến hoạt động đầu tư.
4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng đối với dự án đầu tư.
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách và hướng dẫn thực hiện các quy định về tín dụng và quản lý ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư.
2. Cấp phép hoạt động đối với dự án trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các dự án đã được cấp phép.
3. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến tín dụng và quản lý ngoại hối của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về tín dụng và quản lý ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tín dụng và quản lý ngoại hối của dự án đầu tư.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư đối với lĩnh vực được phân công, cụ thể như sau:
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và ban hành pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện.
3. Trình Chính phủ ban hành các điều kiện đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện thuộc ngành kinh tế - kỹ thuật.
4. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án thu hút vốn đầu tư của ngành; tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư chuyên ngành.
5. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện đầu tư, danh mục dự án thu hút vốn đầu tư của ngành.
6. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
7. Kiểm tra, thanh tra, giám sát chuyên ngành việc đáp ứng các điều kiện đầu tư và quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
8. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành liên quan và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư trong lĩnh vực thuộc chuyên ngành quản lý của mình.
1. Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập và công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương; tổ chức vận động và xúc tiến đầu tư.
2. Chủ trì tổ chức việc đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trước thời hạn đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
3. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư trên địa bàn ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo các nội dung chủ yếu sau:
a) Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, quan hệ lao động tiền lương, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ trì hoặc tham gia cùng các Bộ, ngành thực hiện thanh tra các dự án đầu tư trên địa bàn;
b) Tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giám sát việc sử dụng đất;
c) Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;
d) Đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư trên địa bàn.
4. Chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định của pháp luật về xây dựng.
5. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm, chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý tổng hợp để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hoạt động đầu tư trên địa bàn.
1. Tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
2. Thực hiện việc đăng ký đầu tư; thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
3. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, tiền lương; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
4. Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;
5. Đánh giá hiệu quả đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
6. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm gửi báo cáo về hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
1. Ban Quản lý là cơ quan quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương. Ban Quản lý là cơ quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ; chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác).
2. Các cơ quan chuyên ngành thương mại, tài chính, hải quan và các cơ quan cần thiết khác có đại diện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế để giải quyết các công việc liên quan tới lĩnh vực quản lý của mình.
3. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Ban Quản lý do Thủ tướng Chính phủ quy định.
1. Hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm các nội dung sau:
a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách thu hút đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế;
b) Thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư;
c) Tổ chức các cơ sở xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài để vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư tìm hiểu chính sách, quy định pháp luật về đầu tư và lựa chọn lĩnh vực, địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
d) Xây dựng danh mục dự án quốc gia thu hút vốn đầu tư; danh mục dự án thu hút vốn đầu tư của ngành và địa phương phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
2. Căn cứ vào chiến lược, kế hoạch, thu hút vốn đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp thực hiện.
3. Kinh phí xúc tiến đầu tư của các cơ quan nhà nước được cấp từ ngân sách và được thống nhất quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư và dự toán kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc lập kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư và quản lý tài chính về hoạt động xúc tiến đầu tư.
1. Phạm vi thanh tra đầu tư, tổ chức và hoạt động thanh tra đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và quy định pháp luật về thanh tra đối với hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư và dự án đầu tư.
2. Hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư và việc xử lý vi phạm về đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Dự án đầu tư trong nước đã thực hiện trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực không phải làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư; trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì làm thủ tục đăng ký theo quy định của Nghị định này.
2. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép đầu tư trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực, thực hiện theo quy định tại Điều 88 của Luật Đầu tư, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về đăng ký lại và chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Căn cứ vào quy định của Luật Đầu tư, Nghị định này và pháp luật về doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư thành lập doanh nghiệp tư nhân của nhà đầu tư nước ngoài; quy định về việc ký quỹ, bảo hiểm khách hàng đối với đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác có tác động đến công cộng.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Nghị định này bãi bỏ:
a) Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 về ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
b) Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2002 về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);
c) Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 quy định chi tiết Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Nghị định số 152/2004/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 quy định chi tiết Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
d) Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2005 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
đ) Các quy định khác về đầu tư trái với quy định của Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
DANH MỤC LĨNH VỰC ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ)
A. Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư
I. Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo
1. Sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.
2. Sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại đặc biệt, sắt xốp, phôi thép.
3. Đầu tư xây dựng cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh vật, địa nhiệt, thủy triều.
4. Sản xuất thiết bị y tế trong công nghệ phân tích và công nghệ chiết xuất trong y học; dụng cụ chỉnh hình, xe, dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật.
5. Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh.
6. Sản xuất máy tính, thiết bị thông tin, viễn thông, Internet, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
7. Sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện điện tử kỹ thuật cao; sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số; cung cấp các dịch vụ phần mềm, nghiên cứu công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
8. Đầu tư sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác; thiết bị, máy móc kiểm tra, kiểm soát an toàn quá trình sản xuất công nghiệp; rô bốt công nghiệp.
II. Nuôi trồng, chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làm muối; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới
10. Nuôi trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên đất hoang hoá, vùng nước chưa được khai thác.
11. Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.
12. Sản xuất giống mới, nhân và lai tạo giống cây trồng và vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
13. Sản xuất, khai thác, tinh chế muối.
III. Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao
14. Ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ mới chưa được áp dụng tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ sinh học.
15. Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường.
16. Thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
17. Nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao.
IV. Sử dụng nhiều lao động
18. Dự án sử dụng thường xuyên từ 5.000 lao động trở lên.
V. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án quan trọng
19. Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
VI. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục và thể thao
20. Đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy, cai nghiện thuốc lá.
21. Đầu tư thành lập cơ sở thực hiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh.
22. Đầu tư thành lập trung tâm lão khoa, hoạt động cứu trợ tập trung, chăm sóc người tàn tật, trẻ mồ côi.
23. Đầu tư xây dựng: trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao và đào tạo, huấn luyện thể thao cho người tàn tật; xây dựng cơ sở thể thao có thiết bị, phương tiện luyện tập và thi đấu đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải thi đấu quốc tế.
VII. Những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác
24. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 25% doanh thu trở lên.
25. Dịch vụ cứu hộ trên biển.
26. Đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên và xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.
B. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư
I. Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo
1. Sản xuất: vật liệu cách âm, cách điện, cách nhiệt cao; vật liệu tổng hợp thay thế gỗ; vật liệu chịu lửa; chất dẻo xây dựng; sợi thuỷ tinh; xi măng đặc chủng.
2. Sản xuất kim loại màu, luyện gang.
3. Sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm kim loại và phi kim loại.
4. Đầu tư xây dựng mới nhà máy điện, phân phối điện, truyền tải điện.
5. Sản xuất trang thiết bị y tế, xây dựng kho bảo quản dược phẩm, dự trữ thuốc chữa bệnh cho người đề phòng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.
6. Sản xuất thiết bị kiểm nghiệm độc chất trong thực phẩm.
7. Phát triển công nghiệp hoá dầu.
8. Sản xuất than cốc, than hoạt tính.
9. Sản xuất: thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh; thuốc phòng, chữa bệnh cho động vật, thủy sản; thuốc thú y.
10. Nguyên liệu thuốc và thuốc phòng chống các bệnh xã hội; vắc xin; sinh phẩm y tế; thuốc từ dược liệu; thuốc đông y;
11. Đầu tư xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá tính khả dụng của thuốc; cơ sở dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, bảo quản, kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng thuốc, nuôi trồng, thu hoạch và chế biến dược liệu.
12. Phát triển nguồn dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu; dự án nghiên cứu, chứng minh cơ sở khoa học của bài thuốc đông y và xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm bài thuốc đông y; khảo sát, thống kê các loại dược liệu làm thuốc; sưu tầm, kế thừa và ứng dụng các bài thuốc đông y, tìm kiếm, khai thác sử dụng dược liệu mới.
13. Sản xuất sản phẩm điện tử.
14. Sản xuất máy móc, thiết bị, cụm chi tiết trong các lĩnh vực: khai thác dầu khí, mỏ, năng lượng, xi măng; sản xuất thiết bị nâng hạ cỡ lớn; sản xuất máy công cụ gia công kim loại, thiết bị luyện kim.
15. Đầu tư sản xuất khí cụ điện trung, cao thế, máy phát điện cỡ lớn.
16. Đầu tư sản xuất động cơ diezen; đầu tư sản xuất và sửa chữa, đóng tàu thuỷ; thiết bị phụ tùng cho các tàu vận tải, tàu đánh cá; sản xuất máy, phụ tùng ngành động lực, thủy lực, máy áp lực.
17. Sản xuất: thiết bị, xe, máy xây dựng; thiết bị kỹ thuật cho ngành vận tải; đầu máy xe lửa, toa xe.
18. Đầu tư sản xuất máy công cụ, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp, máy chế biến thực phẩm, thiết bị tưới tiêu.
19. Đầu tư sản xuất thiết bị, máy cho ngành dệt, ngành may, ngành da, .
II. Nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới
20. Trồng cây dược liệu.
21. Đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm.
22. Sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp.
23. Sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
24. Dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
25. Sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng và vật nuôi.
III. Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao
26. Sản xuất thiết bị ứng phó, xử lý tràn dầu.
27. Sản xuất thiết bị xử lý chất thải.
28. Đầu tư xây dựng cơ sở, công trình kỹ thuật: phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; đầu tư thành lập viện nghiên cứu.
IV. Sử dụng nhiều lao động
29. Dự án sử dụng thường xuyên từ 500 lao động đến 5.000 lao động.
V. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng
30. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã và phục vụ đời sống cộng đồng nông thôn.
31. Đầu tư kinh doanh hạ tầng và đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn.
32. Xây dựng nhà máy nước, hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.
33. Xây dựng, cải tạo cầu, đường bộ, cảng hàng không, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, nơi đỗ xe; mở thêm các tuyến đường sắt.
34. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung ở địa bàn thuộc Phụ lục B ban hành kèm theo Nghị định này.
VI. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục, thể thao và văn hóa dân tộc
35. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các cơ sở giáo dục, đào tạo; đầu tư xây dựng trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo dân lập, tư thục ở các bậc học: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học.
36. Thành lập bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân.
37. Xây dựng: trung tâm thể dục, thể thao, nhà tập luyện, câu lạc bộ thể dục thể thao; cơ sở sản xuất, chế tạo, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện tập luyện thể dục thể thao.
38. Thành lập: nhà văn hoá dân tộc; đoàn ca, múa, nhạc dân tộc; rạp hát, trường quay, cơ sở in tráng phim, rạp chiếu phim; sản xuất, chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc; duy tu, bảo tồn bảo tàng, nhà văn hoá dân tộc và các trường văn hóa nghệ thuật.
39. Đầu tư xây dựng: khu du lịch quốc gia, khu du lịch sinh thái; khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí.
VII. Phát triển ngành nghề truyền thống
40. Xây dựng và phát triển các ngành nghề truyền thống về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, các sản phẩm văn hóa.
VIII. Những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác
41. Cung cấp dịch vụ kết nối, truy cập và ứng dụng internet, các điểm truy cập điện thoại công cộng tại địa bàn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
42. Phát triển vận tải công cộng bao gồm: vận tải bằng phương tiện tàu biển, máy bay; vận tải bằng đường sắt; vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên; vận tải bằng phương tiện thủy nội địa chở khách hiện đại, tốc độ cao; vận tải bằng công-ten-nơ.
43. Đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nội thị.
44. Đầu tư xây dựng chợ loại I, khu triển lãm.
45. Sản xuất đồ chơi trẻ em.
46. Hoạt động huy động vốn, cho vay vốn của Quỹ tín dụng nhân dân.
47. Tư vấn pháp luật, dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
48. Sản xuất các loại nguyên liệu thuốc trừ sâu bệnh.
49. Sản xuất hoá chất cơ bản, hoá chất tinh khiết, hoá chất chuyên dùng, thuốc nhuộm.
50. Sản xuất nguyên liệu chất tẩy rửa, phụ gia cho ngành hoá chất.
51. Sản xuất giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản trong nước; sản xuất bột giấy.
52. Dệt vải, hoàn thiện các sản phẩm dệt; sản xuất tơ, sợi các loại; thuộc, sơ chế da.
53. Dự án đầu tư sản xuất trong các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
DANH MỤC ĐỊA BÀN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ)
STT |
Tỉnh |
Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn |
Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn |
1 |
Bắc Kạn |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
2 |
Cao Bằng |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
3 |
Hà Giang |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
4 |
Lai Châu |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
5 |
Sơn La |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
6 |
Điện Biên |
Toàn bộ các huyện và thành phố Điện Biên |
|
7 |
Lào Cai |
Toàn bộ các huyện |
Thành phố Lào Cai |
8 |
Tuyên Quang |
Các huyện Na Hang, Chiêm Hóa |
Các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn và thị xã Tuyên Quang |
9 |
Bắc Giang |
Huyện Sơn Động |
Các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa |
10 |
Hoà Bình |
Các huyện Đà Bắc, Mai Châu |
Các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Yên Thủy |
11 |
Lạng Sơn |
Các huyện Bình Gia, Đình Lập, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan |
Các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng |
12 |
Phú Thọ |
Các huyện Thanh Sơn, Yên Lập |
Các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, Sông Thao, Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy |
13 |
Thái Nguyên |
Các huyện Võ Nhai, Định Hóa |
Các huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ |
14 |
Yên Bái |
Các huyện Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu |
Các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ |
15 |
Quảng Ninh |
Các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, huyện đảo Cô Tô và các đảo, hải đảo thuộc tỉnh. |
Huyện Vân Đồn |
16 |
Hải Phòng |
Các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cát Hải |
|
17 |
Hà Nam |
|
Các huyện Lý Nhân, Thanh Liêm |
18 |
Nam Định |
|
Các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng |
19 |
Thái Bình |
|
Các huyện Thái Thụy, Tiền Hải |
20 |
Ninh Bình |
|
Các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Tam Điệp, Yên Mô |
21 |
Thanh Hoá |
Các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lạc, Như Thanh, Như Xuân |
Các huyện Thạch Thành, Nông Cống |
22 |
Nghệ An |
Các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Anh Sơn |
Các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương |
23 |
Hà Tĩnh |
Các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang |
Các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc |
24 |
Quảng Bình |
Các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch |
Các huyện còn lại |
25 |
Quảng Trị |
Các huyện Hướng Hóa, Đắc Krông |
Các huyện còn lại |
26 |
Thừa Thiên Huế |
Huyện A Lưới, Nam Đông |
Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang |
27 |
Đà Nẵng |
Huyện đảo Hoàng Sa |
|
28 |
Quảng Nam |
Các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Núi Thành và đảo Cù Lao Chàm |
Các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên |
29 |
Quảng Ngãi |
Các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Bình Sơn, Tây Trà và huyện đảo Lý Sơn |
Các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh |
30 |
Bình Định |
Các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn |
Các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ |
31 |
Phú Yên |
Các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Phú Hòa |
Các huyện Sông Cầu, Tuy Hòa, Tuy An |
32 |
Khánh Hoà |
Các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc tỉnh |
Các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Ninh Hòa, thị xã Cam Ranh |
33 |
Ninh Thuận |
Toàn bộ các huyện |
|
34 |
Bình Thuận |
Huyện đảo Phú Quý |
Các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam |
35 |
Đắk Lắk |
Toàn bộ các huyện |
|
36 |
Gia Lai |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
37 |
Kom Tum |
Toàn bộ các huyện và thị xã |
|
38 |
Đắk Nông |
Toàn bộ các huyện |
|
39 |
Lâm Đồng |
Toàn bộ các huyện |
Thị xã Bảo Lộc |
40 |
Bà Rịa - Vũng Tàu |
Huyện đảo Côn Đảo |
Huyện Tân Thành |
41 |
Tây Ninh |
Các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu |
Các huyện còn lại |
42 |
Bình Phước |
Các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp |
Các huyện Đồng Phú, Bình Long, Phước Long, Chơn Thành |
43 |
Long An |
|
Các huyện Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Đức Hòa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng. |
44 |
Tiền Giang |
Huyện Tân Phước |
Các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây |
45 |
Bến Tre |
Các huyện Thạnh Phú, Ba Chi, Bình Đại |
Các huyện còn lại |
46 |
Trà Vinh |
Các huyện Châu Thành, Trà Cú |
Các huyện Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần |
47 |
Đồng Tháp |
Các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười |
Các huyện còn lại |
48 |
Vĩnh Long |
|
Huyện Trà Ôn |
49 |
Sóc Trăng |
Toàn bộ các huyện |
Thị xã Sóc Trăng |
50 |
Hậu Giang |
Toàn bộ các huyện |
Thị xã Vị Thanh |
51 |
An Giang |
Các huyện An Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn, Tân Châu, Tịnh Biên |
Các huyện còn lại |
52 |
Bạc Liêu |
Toàn bộ các huyện |
Thị xã Bạc Liêu |
53 |
Cà Mau |
Toàn bộ các huyện |
Thành phố Cà Mau |
54 |
Kiên Giang |
Toàn bộ các huyện và các đảo, hải đảo thuộc tỉnh |
Thị xã Hà Tiên, thị xã Rạch Giá |
55 |
Địa bàn khác |
Các khu công nghệ cao, khu kinh tế hưởng ưu đãi theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ |
Các khu công nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
DANH MỤC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÓ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ)
1. Phát thanh, truyền hình.
2. Sản xuất, xuất bản và phân phối các sản phẩm văn hoá.
3. Khai thác, chế biến khoáng sản.
4. Thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, truyền dẫn phát sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.
5. Xây dựng mạng bưu chính công cộng; cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát.
6. Xây dựng và vận hành cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, sân bay.
7. Vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa.
8. Đánh bắt hải sản.
9. Sản xuất thuốc lá.
10. Kinh doanh bất động sản.
11. Kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối.
12. Giáo dục, đào tạo.
13. Bệnh viện, phòng khám.
14. Các lĩnh vực đầu tư khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cam kết hạn chế mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực đầu tư quy định tại Phụ lục này phải phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
DANH MỤC LĨNH VỰC CẤM ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ)
I. Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng
1. Sản xuất, chế biến các chất ma túy;
2. Đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra.
II. Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam
4. Các dự án xây dựng trong khuôn viên của các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; các dự án làm ảnh hưởng xấu đến kiến trúc, cảnh quan của các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.
5. Sản xuất các sản phẩm văn hóa đồi trụy, mê tín dị đoan.
6. Sản xuất đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
7. Kinh doanh mại dâm; buôn bán phụ nữ, trẻ em.
8. Thử nghiệm sinh sản vô tính trên người.
III. Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường
9. Sản xuất hóa chất bảng 1 (theo Công ước Quốc tế).
10. Sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc không được phép sử dụng tại Việt Nam.
11. Sản xuất các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vắc-xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
IV. Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo quy định của các điều ước quốc tế
12. Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hoặc sử dụng các tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
V. Các dự án đầu tư khác bị cấm đầu tư theo quy định của pháp luật.
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 108/2006/ND-CP |
Hanoi, September 22, 2006 |
DETAILING AND GUIDING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE INVESTMENT LAW
THE GOVERNMENT
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Law on Investment;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment;
DECREES:
Article 1.- Scope of regulation and subjects of application
1. Scope of regulation
a/ This Decree details and guides the implementation of a number of articles of the November 29, 2005 Law on Investment regarding investment activities for business purposes; rights and obligations of investors; guarantees for legitimate rights and interests of investors; investment encouragement and incentives; and state management of investment in Vietnam;
b/ Offshore investment; investment activities in the forms of build-operate-transfer contract, build-transfer-operate contract and build-transfer contract shall comply with separate regulations of the Government;
c/ Indirect investment activities in the forms of purchase of shares, share certificates, bonds and other valuable papers, investment in securities and investment through other intermediary financial institutions without direct participation of investors in managing and running economic organizations shall comply with the law on securities and relevant laws;
d/ Specific investment activities provided in a specialized law shall comply with that law.
2. This Law applies to investors defined in Clause 4, Article 3 of the Law on Investment; organizations and individuals involved in investment activities.
Article 2.- Interpretation of terms
In this Decree, the terms below are construed as follows:
1. Investment capital means amounts in Vietnam dong or freely convertible foreign currencies and other lawful assets used for carrying out investment activities in the form of either direct or indirect investment. Lawful assets include:
a/ Shares, share certificates or other valuable papers;
b/ Bonds, liabilities and other forms of debt;
c/ Rights under contracts including turn-key contracts, construction contracts, management contracts, product or revenue sharing contracts;
d/ Rights to recover debts and contractual rights of economic value;
e/ Technology and intellectual property rights, including trade marks, industrial designs, inventions, trade names, origin or appellation of origin of goods;
f/ Rights of assignment, including rights to exploration and exploitation of natural resources;
g/ Immovables, rights to immovables, including rights to lease, to transfer, to make capital contribution, to mortgage and to provide guarantee;
h/ Profits generated from investment activities, including profits, share interests, dividends, royalties and assorted charges;
i/ Assets and other rights of economic value as provided for by law and treaties to which Vietnam is a contracting party.
2. New investment project means a project executed for the first time or an investment project independent from a currently operating project.
3. Expansion investment project means an investment project for the development of a currently operating investment project in order to expand scale, increase output or business capacity, renew technology, improve product quality and mitigate environmental pollution.
4. Foreign investor investing in Vietnam for the first time means a foreign investor who for the first time has an investment project in Vietnam.
Article 3.- Application of investment law, treaties, foreign laws and international investment practice
1. The application of investment law, treaties, foreign laws and international investment practice shall comply with the provisions of Article 5 of the Investment Law.
2. When a Vietnamese law that is promulgated after Vietnam becomes a contracting party to a treaty contains provisions which are more favorable than those of the treaty, investors are entitled to select the application of the treaty or the Vietnamese law.
The dossier of an investment project and official documents sent to Vietnamese state agencies must be in Vietnamese for domestic investment projects; for foreign investment projects, they must be in Vietnamese or in both Vietnamese and a common foreign language. If there is a disparity between the Vietnamese and the foreign language versions, the Vietnamese one shall be applied.
Article 5.- Forms of investment
Investors shall carry out investment activities in Vietnam in the forms of investment provided in Articles 21, 22, 23, 24, 25 and 26 of the Investment Law and the provisions of this Decree.
Article 6.- Establishment of economic organizations and execution of investment projects
1. Domestic investors that have an investment project associated with the establishment of an economic organization shall carry out procedures for business registration in accordance with the Enterprise Law and relevant laws and shall carry out investment procedures in accordance with the Investment Law and this Decree.
2. Foreign investors investing in Vietnam for the first time must have an investment project and shall carry out investment procedures in order to be granted an investment certificate under the provisions of the Investment Law and this Decree. The investment certificate is concurrently the business registration certificate.
3. For foreign investors that have been granted an investment certificate in Vietnam:
a/ If they have a new investment project but do not establish a new economic organization, they shall carry out investment procedures so as to be granted an investment certificate under the provisions of the Investment Law and this Decree;
b/ If they have a new investment project associated with the establishment of a new economic organization, they shall carry out investment procedures under the provisions of Clause 2 of this Article.
Article 7.- Establishment of economic organizations with 100% capital of investors
1. Domestic investors and foreign investors may invest in the form of 100% of their own capital to establish limited liability companies, joint-stock companies, partnerships or private enterprises under the provisions of the Enterprise Law and relevant laws.
2. Enterprises with 100% foreign investment capital which have been established in Vietnam may cooperate with one another and with foreign investors to establish new enterprises with 100% foreign investment capital.
3. An enterprise with 100% foreign investment capital shall have the legal person status under Vietnamese law, be established and operate from the date of grant of the investment certificate.
Article 8.- Establishment of joint-venture economic organizations between domestic and foreign investors
1. Foreign investors may enter into joint ventures with domestic investors to establish limited liability companies with two or more members, joint-stock companies or partnerships under the provisions of the Enterprise Law and relevant laws.
2. An enterprise established under the provisions of Clause 1 of this Article may enter into a joint venture with domestic investors and foreign investors to invest in the establishment of a new economic organization under the provisions of the Enterprise Law and relevant laws.
3. An enterprise investing in the form of a joint venture shall have the legal person status under Vietnamese law, be established and operate from the date of grant of the investment certificate.
Article 9.- Investment in the form of business cooperation contract
1. In the case of investment in the form of business cooperation contract between one or more foreign investors and one or more domestic investors (hereinafter referred to as business cooperation parties for short), the business cooperation contract must stipulate the interests and responsibilities of, and the sharing of business results to, each business cooperation party.
2. Business cooperation contracts in the domain of prospecting, exploration for and exploitation of oil and gas and some other natural resources in the form of product sharing contract must comply with the provisions of relevant laws and the Investment Law.
3. A business cooperation contract signed between domestic investors for investment and business purposes must comply with the provisions of law on economic contracts and relevant laws.
4. In the process of investment and business, the business cooperation parties may agree to establish a coordination board for the performance of the business cooperation contract. The functions, tasks and powers of the coordination board shall be as agreed by the business cooperation parties. The coordination board is not a leadership body of the business cooperation parties.
5. A foreign business cooperation party may set up an executive office in Vietnam to act as its representative in the performance of the business cooperation contract.
The executive office of a foreign business cooperation party shall have a seal; may open accounts, recruit employees, sign contracts and conduct business activities within the scope of its rights and obligations defined in the investment certificate and the business cooperation contract.
Article 10.- Investment in the form of contribution of capital to, purchase of shares from, merger with or acquisition of enterprises
1. Investors are entitled to contribute capital to, purchase shares from, merge with or acquire enterprises in order to participate in management of investment activities under the provisions of the Enterprise Law and relevant laws. Merging or acquiring enterprises shall take over the rights and obligations of merged or acquired enterprises, unless otherwise agreed by the parties.
2. When an investor contributes capital to, purchases shares from, merges with or acquires an enterprise in Vietnam, the investor shall comply with the provisions of treaties to which Vietnam is a contracting party on the ratio of capital contribution, forms of investment and the market opening roadmap; shall observe the provisions of the competition law and enterprise law on conditions for economic concentration; and shall meet investment conditions, if the investment project is in a conditional investment domain.
RIGHTS AND OBLIGATIONS OF INVESTORS
Article 11.- Right to investment and business autonomy
1. Investors are entitled to investment and business autonomy as provided in Article 13 of the Investment Law, except for investment and business in the domains banned by law from investment and business.
2. For conditional investment domains, investors are entitled to investment and business autonomy if they meet investment conditions as required by law.
Article 12.- Right to access and use credit capital sources, land and natural resources
Investors have equal rights to access and use credit capital sources, land and natural resources in accordance with law.
Article 13.- Right to hire and employ laborers and set up trade unions
Investors are entitled to:
1. Hire domestic and foreign laborers as managers, technicians and specialists in accordance with the requirements of production and business. If a treaty to which Vietnam is a contracting party contains different provisions, the provisions of that treaty shall be applied.
2. Decide on salaries and minimum salary level for laborers in accordance with the labor law.
3. Set up trade unions in enterprises in accordance with law.
Article 14.- Rights to import, export, advertise, conduct marketing, conduct processing and re-processing related to investment activities
Investors are entitled to:
1. Directly export or entrust the export of, directly import or entrust the import of, equipment, machinery, supplies, raw materials and goods for investment activities; advertise, conduct marketing, process and re-process goods related to investment activities under the provisions of Article 15 of the Investment Law and the provisions of the commercial law.
2. Invest in the domains of importation, exportation, distribution and other commercial services in accordance with the investment law, the commercial law and treaties to which Vietnam is a contracting party.
Article 15.- Right to buy and sell goods between export processing enterprises and the domestic market
1. Export processing enterprises may buy goods from the domestic market for production, processing, re-processing or assembly of export goods or for export, except for goods banned from export.
2. Export processing enterprises may sell into the domestic market the following goods:
a/ Products made by export processing enterprises and not banned from import;
b/ Products made by export processing enterprises and needed by the domestic market;
c/ Scraps and defective products collected in the process of production which are not banned from import or are permitted for import under the commercial law and relevant laws.
3. The relationship of purchase and sale of goods between export processing enterprises and the domestic market shall be as provided for in the commercial law.
Article 16.- Right to open bank accounts and buy foreign currencies
1. Investors may open Vietnam dong and foreign currency accounts at credit institutions located in Vietnam in accordance with the law on foreign exchange management. If obtaining approval of the State Bank of Vietnam, investors may open accounts at overseas banks.
The conditions and procedures for opening, using and closing accounts at credit institutions located in Vietnam and overseas banks shall be as provided for in the law on foreign exchange management and relevant laws.
2. Investors may purchase foreign currencies from credit institutions licensed to deal in foreign currencies to meet the requirements for current transactions, capital transactions and other permitted transactions in accordance with the law on foreign exchange management.
3. The Government shall support foreign exchange balancing when licensed credit institutions cannot fully satisfy the demand for foreign currency of investors for a number of important investment projects in the following domains:
a/ Energy;
b/ Waste treatment;
c/ Construction of traffic infrastructure.
4. The Prime Minister shall decide to guarantee the foreign currency balancing for investors having investment projects in the domains specified in Clause 3 of this Article. A guarantee of foreign currency balance shall be stated in the investment certificates.
Article 17.- Right to access land funds, to mortgage land use rights and assets attached to land
1. Provincial-level Peoples Committees shall make public land use plannings and plans already approved by competent authorities so that investors can access land funds for investment development.
2. Investors may mortgage land use rights and assets attached to land with credit institutions licensed to operate in Vietnam to borrow capital for executing investment projects in accordance with the land law and relevant laws.
Article 18.- Other rights of investors
1. To enjoy investment preferences in accordance with the investment law and relevant laws.
2. To access and use public services and utilities on the principle of non-discrimination among investors.
3. To select forms of investment, scale of investment and ratio of investment capital, and to determine their investment and business activities. If a treaty to which Vietnam is a contracting party contains different provisions, the provisions of the treaty shall be applied.
4. To access legal documents and policies on investment; data on the national economy and each economic sector, and other socio-economic information relating to investment activities.
5. To give comments on investment law and policies right at the drafting stage in accordance with law.
6. To lodge complaints, denunciations or initiate lawsuits in accordance with law against any organizations or individuals that commit acts in violation of the investment law.
7. To exercise other rights as provided for by law.
Article 19.- Rights of investors in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones
1. In addition to the rights specified in Articles 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 and 18 of this Decree, investors investing in production and business activities in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones have the following rights:
a/ To lease or purchase workshops, offices, storehouses and storing yards already built in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones for production and business purposes;
b/ To use, with payment of charges, technical infrastructure works and service facilities, including systems of roads, electricity supply, water supply, water drainage, communication, wastewater treatment, waste treatment and other public works and utilities in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones;
c/ To transfer and receive the transfer of the rights to use, lease or sublease land on which technical infrastructure works have been built within industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones for building workshops, offices and other works for production and business purposes in accordance with the land law and the real estate business law.
2. Investors investing and commercially operating infrastructures in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones have the following rights:
a/ To build workshops, offices, storehouses and storing yards in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones for sale or lease;
b/ To determine charge rates for lease or sub-lease of land areas with technical infrastructure; to determine charge rates for use of technical infrastructure works and other service facilities in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones; and to fix charge rates for lease or selling prices of workshops, offices, storehouses and storing yards, and to determine service charge rates;
c/ To collect charges for the use of infrastructure works, service facilities and public utilities in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones in accordance with regulations of the Ministry of Finance;
d/ To transfer to other investors the rights to use, lease and sub-lease land areas with technical infrastructure in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks or economic zones in accordance with the land law and the real estate business law.
Article 20.- Right to investment guarantee in case of changes in law and policy
1. When a newly promulgated law or policy adversely affects legitimate interests to which investors are entitled before the new law or policy takes effect, investors shall be guaranteed either entitlement to the preferences stated in their investment certificates or application of one or some of the following measures:
a/ Continued enjoyment of the existing rights and preferences;
b/ Deduction of losses from taxable income;
c/ Adjustment of the objectives of the project;
d/ Consideration for compensation in some necessary cases.
2. With regard to the measure of compensation referred to at Point d, Clause 1 of this Article, the investment certificate-granting agency shall submit to the Prime Minister for decision the guarantee of the investors interests upon any change in law or policy adversely affecting the investors legitimate interests.
Article 21.- Obligations and responsibilities of investors
1. Obligations of investors:
a/ To comply with the investment law; and conduct investment activities in accordance with the contents of investment registration documents and investment certificates;
b/ To fulfill all financial obligations in accordance with law;
c/ To observe the laws on accountancy, audit and statistics;
d/ To perform obligations in accordance with the insurance and labor laws; to respect the honor, dignity and ensure legitimate rights and interests of laborers;
e/ To respect political or socio-political organizations and create favorable conditions for laborers to found or participate in political or socio-political organizations in accordance with law;
f/ To observe the environment law;
g/ To perform other obligations as provided for by law.
2. Responsibilities of investors:
a/ To be liable for the accuracy and truthfulness of the contents of investment registration documents, investment project dossiers and for the legality of documents in investment project dossiers;
b/ To report on their investment activities under the provisions of this Decree and relevant laws and be liable for the accuracy and truthfulness of the contents of their reports;
c/ To supply documents, materials and information relating to the contents of examination, inspection and supervisions of investment activities to competent state agencies in accordance with law.
DOMAINS AND GEOGRAPHICAL AREAS ENTITLED TO INVESTMENT PREFERENCES; INVESTMENT PREFERRECENS AND SUPPORTS
Section I. INVESTMENT PREFERENCES
Article 22.- Domains and geographical areas entitled to investment preferences
1. The list of domains entitled to investment preferences, including domains entitled to special investment preferences and domains entitled to investment preferences, is included in Appendix I to this Decree.
2. The list of geographical areas entitled to investment preferences, including geographical areas facing extremely difficult socio-economic conditions and geographical areas with difficult socio-economic conditions, is included in Appendix II to this Decree.
3. Investment projects in the domains entitled to special investment preferences defined in Appendix I to this Decree are eligible for investment preferences like investment projects located in geographical areas with extremely difficult socio-economic conditions defined in Appendix II to this Decree.
Article 23.- Conditional investment domains and domains banned from investment
1. Condition investment domains and domains banned from investment are defined in Articles 29 and 30 of the Investment Law.
2. The list of conditional investment domains applicable to foreign investors is included in Appendix III to this Decree. The list of domains banned from investment is included in Appendix IV to this Decree.
Article 24.- Subjects entitled to investment preferences
Investors having investment projects, including expansion investment projects, in domains or geographical areas entitled to investment preferences defined in this Decree are entitled to investment preferences in accordance with the Investment Law and relevant laws.
Article 25.- Enterprise income tax and import duty preferences
1. Investors having investment projects in domains or geographical areas entitled to investment preferences defined in this Decree are entitled to enterprise income tax preferences in accordance with the law on enterprise income tax.
2. Investors having investment projects in domains or geographical areas entitled to investment preferences defined in this Decree are entitled to import duty preferences for imports in accordance with the law on import and export duties.
Article 26.- Preferences related to land use tax, land use levy, land rent and water surface rent
Investors to whom the State assigns land without collection of land use levies, assigns land with collection of land use levies or the State leases land and who have investment projects in domains or geographical areas entitled to investment preferences defined in this Decree are entitled to exemption from or reduction of land use tax, land use levy, land rent or water surface rent in accordance with the land law and the taxation law.
Article 27.- Procedures for implementation of investment preferences
Procedures for implementation of investment preferences shall be as provided in Article 38 of the Investment Law.
Article 28.- Adjustment and supplementation of investment preferences
1. If, during execution of an investment project, an investor satisfies conditions for enjoying more investment preferences, the investor is entitled to these investment preferences and has the right to request the investment certificate-granting agency to adjust and supplement investment preferences defined in the granted investment certificate.
2. If, during execution of an investment project, an investor fails to satisfy conditions for enjoying investment preferences, the investor is not entitled to these investment preferences.
3. The state management agency implementing investment preferences shall notify in writing the investment certificate-granting agency of the investors failure to satisfy the conditions for entitlement to investment preferences.
Article 29.- Application of investment preferences
1. An investor currently entitled to investment preferences under the provisions of the Law on Domestic Investment Promotion, the Law on Foreign Investment in Vietnam, the Cooperatives Law and tax laws continues to be entitled to these investment preferences.
2. An investor who has a currently operating investment project and falls into the subject defined in Article 24 of this Decree continues to be entitled to investment preferences for the remaining preference period following the effective date of this Decree.
3. When a newly promulgated law or policy provides benefits and preferences higher than those that an investor are currently enjoying, the investor is entitled to the new benefits and preferences for the remaining preference period (if any) following the effective date of the new law or policy.
4. If a treaty to which Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of Clauses 1, 2 and 3 of this Decree, the provisions of Article 3 of this Decree shall be applied.
Section II. INVESTMENT SUPPORTS
Article 30.- Technology transfer supports
1. The Government shall create favorable conditions for and shall ensure legitimate rights and interests of technology transfer parties, including capital contribution in technology to execute investment projects in Vietnam in accordance with the intellectual property law and the technology transfer law.
The value of a technology used for capital contribution or of a transferred technology shall be as agreed by the parties and stated in the technology transfer contract.
2. The Government shall encourage the transfer into Vietnam of advanced technology, source technology and other technologies for the creation of new products, raising of production capability, competitiveness, product quality, conservation and efficient use of raw materials, fuels, energy and natural resources; and shall encourage investment in technology renewal, improvement of management capability and use of technology.
3. On the basis of socio-economic development objectives, the Government shall adopt policies to support small- and medium-sized enterprises and cooperatives to invest in research and development of technology and technology transfer.
4. The rights and obligations of technology transfer parties and the process and procedures for technology transfer shall be as provided in the technology transfer law.
Article 31.- Training supports
1. The Government shall encourage and support investors to set up training support funds from capital contributions and aid from organizations and individuals at home and abroad as follows:
a/ Training support funds shall be set up and operate for non-profit purposes, and are eligible for tax exemption and reduction in accordance with the taxation law;
b/ Training expenses paid by economic organizations shall be accounted as reasonable expenses when determining taxable enterprise income.
2. The Government shall provide supports from the budget for the training of laborers in economic organizations through the human resource training support programs.
3. The Government shall adopt plans and programs to support the training of human resources for small- and medium-sized enterprises.
Article 32.- Supports for development investment and investment services
1. The Government shall provide development investment supports for projects that satisfy the following conditions:
a/ Projects in important branches or domains under major economic programs which directly affect economic restructuring or accelerate sustainable economic growth but where the State does not grant and commercial banks do not provide loans on normal conditions because of risk factors;
b/ Projects complying with the provisions of law;
c/ Projects complying with the provisions of treaties to which Vietnam is a contracting party.
2. Credit support for investment development shall be provided in accordance with the law on the States credit for development investment.
3. The Government shall encourage and support organizations and individuals, irrespective of their economic sector, to provide the following investment support services:
a/ Investment consultancy, management consultancy;
b/ Intellectual property consultancy, technology transfer consultancy;
c/ Vocational training, technical and management skills training;
d/ Supply of market information, scientific, technical and technological information and socio-economic information upon request of investors;
e/ Marketing, investment and trade promotion;
f/ Establishment of and participation in social and socio-professional organizations in accordance with law;
g/ Establishment of design centers and testing centers to support the development of small- and medium-sized enterprises.
Article 33.- Supports for investment in the construction of infrastructure outside the fences of industrial parks, export processing zones and hi-tech parks
1. The Government shall encourage and adopt preferential policies for all economic sectors to invest in building technical infrastructure works and social infrastructure outside the fences of industrial parks, export processing zones and hi-tech parks.
2. On the basis of the Prime Minister-approved master plan on development of industrial parks, export- processing zones, hi-tech parks and economic zones, ministries, branches and Peoples Committees of provinces and centrally run cities (below referred to as provincial-level Peoples Committees) shall work out investment plans and organize the building of technical infrastructure works and social infrastructure outside the fences of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones.
3. Provincial-level Peoples Committees shall balance local budgets to support investment in the building of technical infrastructure works and social infrastructure outside the fences of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones.
Article 34.- Supports for investment in infrastructure systems inside the fences of industrial parks and export processing zones
1. The Prime Minister shall stipulate the conditions, principles, limits and construction components eligible for central budget supports in some localities with difficult socio-economic conditions and in geographical areas with extremely difficult socio-economic conditions so that local administrations can join investors in investing in the development of technical infrastructure systems inside the fences of industrial parks and export processing zones.
2. Provincial-level Peoples Committees shall balance local budgets to support investors to invest in the development of technical infrastructure systems inside the fences of industrial parks and export processing zones.
Article 35.- Modes of investment in technical infrastructure systems in industrial parks and export processing zones
1. One or more investors may invest in and commercially operate technical infrastructure systems in industrial parks or export processing zones. They shall ensure compliance and consistence with the detailed plannings on the building of industrial parks and export processing zones already approved by competent authorities; and shall clearly define the rights and obligations of each investor.
2. For geographical areas with extremely difficult socio-economic conditions, on the basis of the practical local conditions, provincial-level Peoples Committees shall submit to the Prime Minister for permission the establishment of revenue-generating non-business units to act as investors of investment projects on building and commercial operation of technical infrastructures in industrial parks or export processing zones.
Article 36.- Supports for investment in developing technical infrastructure systems in economic zones and hi-tech parks
1. The Government shall provide supports from the investment capital source of the budget for the following cases:
a/ Investment in developing technical infrastructure systems and social infrastructures outside functional zones and important public service facilities in economic zones;
b/ Compensation for ground clearance within functional zones, resettlement and re-sedentarization for households whose land is recovered;
c/ Investment in concentrated wastewater and waste treatment facilities of functional zones.
2. The Government shall encourage and adopt preference policies for investors of all economic sectors to invest in developing technical infrastructure systems and social infrastructure in economic zones.
3. The Prime Minister shall decide on modes of mobilizing capital from other sources for investment in developing technical infrastructure systems and social infrastructures in economic zones.
4. Supports for investment in developing infrastructure systems in hi-tech parks shall be provided in accordance with the law on hi-tech parks.
PROCEDURES FOR DIRECT INVESTMENT
Section I. COMPETENCE TO APPROVE AND GRANT INVESTMENT CERTIFICATES
Article 37.- Projects for which the Prime Minister shall approve the investment policy
1. Investment projects in the following domains, irrespective of the source of capital and the scale of investment:
a/ Building and commercial operation of airports; transportation by air;
b/ Building and commercial operation of national seaports;
c/ Exploration for, exploitation and processing of oil and gas; exploration for and exploitation of minerals;
d/ Radio and television broadcasting;
e/ Casino business;
f/ Production of cigarettes;
g/ Establishment of university-level training establishments;
h/ Establishment of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones.
2. Investment projects other than those defined in Clause 1 of this Article, irrespective of the source of capital, and having an investment capital of VND 1,500 billion or more in the following domains:
a/ Electricity business; mineral processing; metallurgy;
b/ Building of railway, road and inland waterway infrastructure;
c/ Production and business of alcohol and beer.
3. Foreign investment projects in the following domains:
a/ Ocean shipping business;
b/ Establishment of networks for and provision of postal, delivery, telecommunications and Internet services; establishment of wave transmission networks;
c/ Press printing and distribution; publishing;
d/ Establishment of independent scientific research institutions.
4. When an investment project defined in Clause 1, 2 or 3 of this Article is included in the planning approved by the Prime Minister or by a person authorized by the Prime Minister and satisfies the conditions required by law and treaties to which Vietnam is a contracting party, the investment certificate-granting agency shall carry out procedures for granting a investment certificate to the project without having to submit the project to the Prime Minister for decision on the investment policy.
5. When an investment project defined in Clause 1, 2 or 3 of this Article is not included in the planning approved by the Prime Minister or by a person authorized by the Prime Minister or does not satisfy conditions for opening the market in treaties to which Vietnam is a contracting party, the investment certificate-granting agency shall assume the prime responsibility for consulting the branch-managing ministry, the Ministry of Planning and Investment and other concerned agencies, sum up their opinions and submit the project to the Prime Minister for decision on the investment policy.
6. When an investment project defined in Clause 1, 2 or 3 of this Article is in a domain which has no planning yet, the investment certificate-granting agency shall consult the branch-managing ministry, the Ministry of Planning and Investment and other concerned agencies, sum up their opinions and submit the project to the Prime Minister for decision on the investment policy.
Article 38.- Projects for which provincial-level Peoples Committees shall grant investment certificates
Provincial-level Peoples Committees shall make investment registration and grant investment certificates for the following projects:
1. Investment projects outside industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones, including also investment projects defined in Article 37 of this Decree and for which the Prime Minister has approved the investment policy.
2. Investment projects on development on infrastructures in industrial parks, export processing zones or hi-tech parks in localities which have not yet set up industrial park, export processing zone and hi-tech park management boards.
Article 39.- Projects for which industrial park, export processing zone, hi-tech park and economic zone management boards shall grant investment certificates
Industrial park, export processing zone, hi-tech park and economic zone management boards (hereinafter referred to as management boards) shall make investment registration and grant investment certificates for the following projects:
1. Investment projects within industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones, including also investment projects defined in Article 37 of this Decree and for which the Prime Minister has approved the investment policy.
2. Investment projects on development of infrastructures in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones.
Article 40.- Agencies receiving investment project dossiers
1. Provincial/municipal Planning and Investment Services shall receive dossiers of investment projects defined in Article 38 of this Decree to be executed in their localities .
2. Management boards shall receive dossiers of investment projects defined in Article 39 of this Decree to be executed in their localities.
3. For an investment project to be executed in a locality not yet covered by the administrative management of a province or a centrally run city or an investment project to be executed in more than one province or centrally run city, its dossier shall be submitted to the Planning and Investment Service of the locality where the investor has opened or intends to set up the head office or branch or executive office in order to execute the investment project.
4. Agencies receiving investment project dossiers shall guide and check the validity of investment project dossiers and carry out investment procedures under the provisions of this Decree.
Article 41.- Contents of investment certificates
1. The form of investment certificate shall be prescribed by the Ministry of Planning and Investment for uniform application nationwide.
2. An investment certificate contains the following major details:
a/ Name and address of the investor;
b/ Location of execution of the investment project; the land area requirement;
c/ Objectives and scale of the investment project;
d/ Total investment capital;
e/ Project execution duration;
f/ Execution schedule of the investment project;
g/ Certification of investment preferences and supports (if any).
3. For a foreign investor who has an investment project associated with the establishment of an economic organization, the investment certificate contains the details specified in Clause 2 of this Article and the details of a business registration certificate provided in the Enterprise Law. The investment certificate is concurrently the business registration certificate.
4. An investment certificate with the contents stipulated in Clause 3 of this Article shall be granted to a domestic investor defined in Clause 1, Article 6 of this Decree who wishes to carry out investment procedures at the same time with procedures for establishment of an economic organization.
Section II. CERTIFICATION OF INVESTMENT
Article 42.- Domestic investment projects not subject to investment registration
1. Investors are not required to make investment registration for domestic investment projects capitalized at under VND 15 billion and outside conditional investment domains.
2. When an investor defined in Clause 1 of this Article wishes to obtain certification of investment preferences or an investment certificate, the investor shall make investment registration so as to be granted an investment certificate under the provisions of Article 43 of this Decree.
Article 43.- Investment registration for domestic investment projects
1. Domestic investors shall make investment registration for domestic investment projects capitalized at between VND 15 billion and under VND 300 billion and falling into the following cases:
a/ Being outside conditional investment domains defined in Article 29 of this Decree;
b/ Being other than those specified in Clause 1, Article 37 of this Decree.
2. The investor shall make investment registration with the investment project dossier-receiving agency defined in Article 40 of this Decree.
3. The agency receiving investment project dossiers shall hand over receipt slips upon receipt of investment registration documents.
4. When an investor wishes to have an investment certificate or certification of investment preferences, the investment certificate-granting agency shall base itself on the investment registration document to issue an investment certificate within 15 working days after the date of receipt of the valid investment registration document.
5. Within 7 working days after the date of grant of an investment certificate, the investment certificate-granting agency shall send its copies to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, the State Bank of Vietnam, the branch-managing agency and concerned agencies.
Article 44.- Investment registration for foreign investment projects
The procedures for investment registration of foreign investment projects defined in Article 46 of the Investment Law shall be carried out as follows:
1. An investment registration dossier comprises:
a/ Investment registration document (made according to a set form);
b/ Business cooperation contract, for investment under a business cooperation contract;
c/ Report on the financial capability of the investor (which is made by the investor and for which the investor shall bear responsibility).
2. For an investment project associated with the establishment of an economic organization, in addition to the dossier referred to in Clause 1 of this Article, the investor shall also submit:
a/ The business registration dossier corresponding to the type of enterprise as provided for in the enterprise law and relevant laws;
b/ The joint venture contract, for investment in the form of establishment of a joint-venture economic organization between a domestic investor and a foreign investor.
3. Within 15 working days after the date of receipt of the valid investment registration dossier and business registration dossiers, the investment certificate-granting agency shall check the validity of the investment registration dossier or the business registration dossier (in case of establishment of an economic organization associated with an investment project) and grant an investment certificate. It may not require any additional papers.
4. Within 7 working days after the date of grant of an investment certificate, the investment certificate-granting agency shall send its copies to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, the State Bank of Vietnam, the branch-managing agency and concerned agencies.
Article 45.- Examination of investment projects capitalized at VND billion 300 or more and outside conditional investment domains
1. An investment examination dossier comprises:
a/ An application for an investment certificate (made according to a set form);
b/ Written certification of the legal status of the investor: copy of the establishment decision or business registration certificate or a document of equivalent validity, for investors being organizations; copy of the passport or peoples identity card, for investors being individuals;
c/ Report on the investors financial capability (which is made by the investor and for which the investor shall bear responsibility).
d/ Econo-technical exposition containing the following major details: objectives, scale and location of investment; investment capital; project execution schedule; land use requirements; and technological and environmental solutions;
e/ Business cooperation contract, for investment under a business cooperation contract.
2. In order to carry out investment procedures at the same time with business registration procedures, in addition to the dossier referred to in Clause 1 of this Article, the investor shall also submit:
a/ The business registration dossier corresponding to the type of enterprise as stipulated in the enterprise law and relevant laws;
b/ Joint venture contract, for investment in the form of establishment of a joint-venture economic organization between a domestic investor and a foreign investor.
3. Examination contents:
a/ Conformity with: the technical infrastructure planning; the land use planning; the construction planning; the planning on prospecting, exploitation and processing of minerals and other natural resources.
For an investment project in a domain with no planning yet or which is not included in any of the aforesaid plannings, the investment certificate-granting agency shall consult state management agencies with planning competence;
b/ Land use requirements: land area, land category and land use schedule;
c/ Project execution schedule: investment capital disbursement schedule, construction schedule and schedule of achievement of project objectives;
d/ Environmental solutions: assessment of environmental impact factors and treatment solutions in accordance with the environment law.
Article 46.- Examination of investment projects capitalized at under VND billion 300 and in conditional investment domains
1. An examination dossier comprises:
a/ Papers referred to in Clauses 1 and 2, Article 44 of this Decree;
b/ Exposition on the capability to satisfy the conditions which the project is required by law to satisfy, for investment projects in conditional investment domains defined in Article 29 of the Investment Law and Appendix III to this Decree.
2. Examination contents:
a/ Capability to satisfy the conditions required by the Investment Law and relevant laws;
Concerned ministries and branches shall examine the capability to satisfy the conditions which the investment project is required by law to satisfy, for investment projects in conditional investment domains defined in Article 29 of the Investment Law and Appendix III to this Decree;
When investment conditions are provided by law or a treaty to which Vietnam is a contracting party, the investment certificate-granting agency shall decide to grant an investment certificate without having to gather examination opinions of concerned ministries and branches;
b/ For a domestic investment project that satisfies the investment conditions as required by law, the investment certificate-granting agency shall grant an investment certificate according to the investment registration procedures defined in Article 43 of this Decree.
Article 47.- Examination of investment projects capitalized at VND billion 300 or more and in conditional investment domains
1. An examination dossier comprises:
a/ Papers referred to in Clauses 1 and 2, Article 45 of this Decree;
b/ Exposition on the capability to satisfy the market entry conditions required for investment projects in conditional investment domains defined in Article 29 of the Investment Law and Appendix III to this Decree.
2. The examination contents shall be as stipulated in Clause 3 of Article 45 and Clause 2 of Article 46 of this Decree.
Article 48.- Process of examination of investment projects falling within the approving competence of the Prime Minister
1. An investor shall submit 10 sets of the investment project dossier, including at least one original set.
2. Within 3 working days after the date of receipt of an investment project dossier, the dossier-receiving agency shall check its validity and send it to concerned ministries and branches for examination opinions.
For an invalid dossier, the dossier-receiving agency shall notify the investor thereof for revision and supplementation of the dossier.
3. Within 15 working days after the date of receipt of an investment project dossier, the consulted agency shall give written examination opinions and take responsibility for the projects matters under its management.
4. Within 25 working days after the date of receipt of a complete and valid dossier, the investment certificate-granting agency shall make an examination report and submit it to the Prime Minister for decision on the investment policy.
5. Within 7 working days after the date of receipt of the examination report submitted by a provincial-level Peoples Committee or a management board, the Government Office shall notify the Prime Ministers opinion on the investment project.
6. Within 5 working days after the date of receipt of the approval of the Prime Minister, the provincial-level Peoples Committee or management board shall grant an investment certificate.
7. When the investment project is disapproved, the investment project dossier-receiving agency shall send a written notice to the investor, clearly stating the reason for disapproval.
8. Within 7 working days after the date of grant of an investment certificate, the investment project dossier-receiving agency shall send its copies to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, the State Bank of Vietnam, the branch-managing agency and concerned agencies.
Article 49.- Process of examination of investment projects subject to examination for grant of investment certificates
1. The investor shall submit to the provincial-level Planning and Investment Service 8 sets of the investment project dossier, including one original set, for projects for which the provincial-level Peoples Committee shall grant investment certificates; or submit to the management board 4 sets of the investment project dossier, including one original set, for projects for which the management board shall grant investment certificates.
2. Within 3 working days after the date of receipt of an investment project dossier, the dossier-receiving agency shall check its validity and send it to concerned provincial-level services and branches for examination. When necessary, it shall send the dossier to concerned ministries and branches for opinions
For an invalid dossier, the dossier-receiving agency shall notify the investor thereof for revision and supplementation of the dossier.
3. Within 15 working days after the date of receipt of an investment project dossier, the consulted agency shall give written examination opinions and take responsibility for the projects matters under its management.
4. Within 20 working days after the date of receipt of a complete and valid dossier, the provincial-level Planning and Investment Service shall make an examination report and submit it to the provincial-level Peoples Committee for decision. Within 5 working days after the date of receipt of the examination report, the provincial-level Peoples Committee shall grant an investment certificate.
When the investment project is disapproved, the investment project dossier-receiving agency shall send a written notice to the investor, clearly stating the reason therefor.
5. Within 7 working days after the date of grant of an investment certificate, the investment project dossier-receiving agency shall send its copies to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, the State Bank of Vietnam, the branch-managing agency and concerned agencies.
Article 50.- Competence of branch-managing ministries to examine the grant of investment certificates
1. Branch-managing ministries shall examine the satisfaction of investment conditions and the conformity with plannings by investment projects in conditional investment domains defined in Article 29 of the Investment Law, Appendix III to this Decree and Article 82 of the Investment Law.
2. Pursuant to the provisions of Articles 29 and 82 of the Investment Law, branch-managing ministries shall prepare investment conditions and submit them to the Government for promulgation; formulate and approve plannings or submit them to competent agencies for approval.
After being promulgated by competent authorities, investment conditions and plannings be publicized on the mass media and posted at the head offices of investment project dossier-receiving agencies.
Section III. ADJUSTMENT OF INVESTMENT PROJECTS
Article 51.- Adjustment of investment projects
1. When adjusting an investment projects objectives, scale, location, form, capital or execution schedule, the investor shall carry out procedures to adjust the investment certificate.
2. The adjustment of an investment project may be made in one of the following processes:
a/ Procedures for adjustment registration or adjustment examination are not required;
b/ The adjustment is subject to registration;
c/ The adjustment is subject to examination.
3. Investment projects for which adjustment registration or examination procedures are not required include:
a/ Projects adjusted but not changing their objectives, scale, location, form, capital or execution schedule;
b/ Domestic investment projects which, after adjustment, are capitalized at under VND 15 billion and outside conditional investment domains;
c/ Domestic investment projects which, after adjustment, are capitalized at under VND 300 billion and do not change their investment objectives and location.
Article 52.- Registration and examination of adjustments to investment projects
1. Registration of adjustments to investment projects
a/ Projects subject to adjustment registration include projects which, after adjustment of their objectives, scale, location, form, capital or execution schedule, fall in the following cases: foreign investment projects which, after adjustment, are capitalized at under VND 300 billion and outside conditional investment domains; domestic investment projects which, after adjustment, are not in any conditional investment domains, except for those specified in Clause 3, Article 51 of this Decree; domestic investment projects which, after adjustment, are still in a conditional investment domain, do not change their investment objectives, and still satisfy the investment conditions specified for those projects, except for those specified in Clause 3, Article 51 of this Decree;
b/ A dossier of registration of adjustments to an investment project comprises: written registration of certification of the adjusted contents of the investment project; a copy of the investment certificate; the revised version of the joint-venture contract or business cooperation contract or enterprise charter (for foreign investment projects);
c/ Within 15 working days after the date of receipt of a complete and valid dossier, the investment certificate-granting agency shall grant a new investment certificate (for a project not yet granted an investment certificate) or adjust the granted one.
2. Examination of adjustments to investment projects:
a/ Investment projects subject to adjustment examination include projects which, after adjustment of their objectives, scale, location, form, capital or execution schedule, fall into the following cases: foreign investment projects which, after adjustment, are subject to examination for grant of investment certificates; domestic investment projects which, after adjustment, are in a conditional investment domain, except for those specified at Point a, Clause 1 of this Article;
b/ A dossier of examination of adjustments to an investment project comprises: written request for adjustments to the investment project; exposition on the adjustment reason; changes in the ongoing project; a report on the project execution by the time of adjustment; a copy of the investment certificate; the revised version of the joint-venture contract or business cooperation contract or enterprise charter (for foreign investment projects);
c/ Within 30 working days after the date of receipt of a complete and valid dossier, the investment certificate-granting agency shall examine the adjustments and grant a new investment certificate (for a project not yet granted an investment certificate) or adjust the granted one;
d/ When an investment project, after adjustment, falls within the approving competence of the Prime Minister but is not included in the planning or falls into a conditional investment domain where investment conditions have not yet been provided for by law, the investment certificate-granting agency shall collect examination opinions of concerned ministries and branches and submit the case to the Prime Minister for decision before granting a new investment certificate or adjusting the granted one;
e/ When adjustments are related to a conditional investment domain, the investment certificate-granting agency shall collect examination opinions of concerned ministries and branches before granting a new investment certificate or adjusting the granted one.
3. Within 7 working days after the date of grant of an adjusted investment certificate, the investment certificate-granting agency shall send its copies to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, the State Bank of Vietnam, the branch-managing agency and concerned agencies.
Section IV. OTHER PROVISIONS ON FOREIGN INVESTMENT PROJECTS
Article 53.- Contents related to dossiers of foreign investment projects
A foreign investment project executed in the form of joint venture or business cooperation contract must, in addition to the documents defined in Articles 44, 45, 46 and 47 of this Decree, have a joint venture contract or a business cooperation contract with the contents stipulated in Articles 54 and 55 of this Decree.
Article 54.- Contents of a joint-venture contract
A joint-venture contract contains the following principal details:
1. Names and addresses of investing organizations or individuals participating in the joint venture and representatives at law of joint venture parties; name and address of the joint venture enterprise.
2. Type of enterprise;
3. Business domains, lines and scope.
4. Charter capital, contributed capital portion of each party, mode and schedule of charter capital contribution.
5. Project execution schedule.
6. Operational duration of the project.
7. Project execution location.
8. Rights and obligations of the joint venture parties.
9. Principles of financial management; sharing of profits and handling of losses in business.
10. Modes of revision and termination of the contract, conditions for the transfer, termination of operation and dissolution of the enterprise.
11. Liabilities for breach of contract, mode of settlement of disputes.
Apart from the above details, the joint venture parties may reach agreement on other details in their joint-venture contract which are not contrary to law.
Competent representatives of the joint venture parties shall initial on every page and sign at the end of their contract. A joint venture contract takes effect on the date of grant of the investment certificate.
Article 55.- Details of a business cooperation contract
A business cooperation contract contains the following principal details:
1. Names, addresses and competent representatives of the parties to the business cooperation contract; contact address or address of the project execution location.
2. Business purposes and scope.
3. Contributions of the business cooperation parties, sharing of investment and business results, contract performance schedule.
4. Project execution schedule.
5. Term of the contract.
6. Rights and obligations of the business cooperation parties.
7. Financial principles.
8. Modes of revision and termination of the contract, transfer conditions.
9. Liabilities for breach of contract, mode of settlement of disputes.
Apart from the above details, the business cooperation parties may reach agreement on other details in their business cooperation contract which are not contrary to law.
Competent representatives of business cooperation parties shall initial on every page and sign at the end of their contract. A business cooperation contract between a Vietnamese party and a foreign party takes effect on the date of grant of the investment certificate.
Article 56.- Procedures for direct investment in the form of contribution of capital to, purchase of shares from, merger with or acquisition of enterprises
An investor contributing capital to, purchasing shares from, merges with or acquires an enterprise in Vietnam under the provisions of Article 10 of this Decree shall carry out procedures as follows:
1. When a foreign investor purchases shares of a Vietnamese enterprise, that enterprise shall carry out business registration procedures in accordance with the enterprise law.
2. When an investor purchases shares of a foreign-invested enterprise currently operating in Vietnam, the investor shall carry out procedures to adjust an investment project under the provisions of Articles 51 and 52 of this Decree.
3. When an investor contributes capital for investment, the investor shall carry out investment procedures in accordance with the investment law.
4. When a foreign investor merges with or acquires an enterprise currently operating in Vietnam, the investor shall carry out investment procedures so as to be granted an investment certificate under the provisions of this Decree. A dossier of enterprise merger or acquisition comprises:
a/ Written proposal for merger with or acquisition of the enterprise indicating the name, address and representative of the foreign investor merging with or acquiring the enterprise; name, address, representative, charter capital and operation domain of the merged or acquired enterprise; brief information on the enterprise merger or acquisition; and proposals (if any);
b/ Decision of the members council or the enterprise owner or the shareholders general meeting on the sale of the enterprise;
c/ The enterprise merger or acquisition contract. This contract contains the following principal details: name, address of the head office of the merged or acquired enterprise; procedures and conditions for the merger or acquisition; plan on the use of laborers; procedures, conditions and deadline for the transfer of assets, capital, shares and bonds of the merged or acquired company; deadline for the merger or acquisition; and responsibilities of the parties;
d/ Charter of the merged or acquired enterprise;
e/ Draft charter of the enterprise after the merger or acquisition is permitted (if there are changes);
f/ Written certification of the legal status of the foreign investor: a copy of the establishment decision or the paper of equivalent validity, for investors being economic organizations; a copy of the passport, for investors being individuals.
Article 57.- Procedures for conversion of investment form of foreign investment projects
1. An investor having a project which has been granted an investment certificate or which has been granted an investment license under the provisions of the Law on Foreign Investment in Vietnam is entitled to convert the form of investment of the project into another form of investment under the provisions of Article 21 of the Investment Law.
2. An investor who has been granted an investment license under the provisions of the Law on Foreign Investment in Vietnam shall conduct the conversion under separate regulations of the Government on re-registration and conversion of foreign-invested enterprises.
3. Procedures for conversion of the form of investment of a foreign investment project shall be carried as follows:
a/ The conversion of the investment form associated with the transformation of the type of enterprise must comply with the provisions of the enterprise law;
b/ A foreign-invested enterprise or the business cooperation parties shall send to the investment certificate-granting agency a dossier of conversion of the investment form. This dossier comprises: written proposal for conversion of the investment form; decision of the members council or enterprise owner or shareholders general meeting or the agreement of the business cooperation parties (for an investment project in the form of business cooperation contract) on the conversion of the investment form; draft charter of the converted enterprise; the business cooperation contract (for an investment project in the form of business cooperation contract);
c/ The decision of the members council of the joint venture enterprise or the decision of the investor (for enterprises with 100% foreign investment capital); the agreement of the business cooperation parties (for business cooperation contracts) on the conversion of the investment form must be notified to creditors and laborers within 15 working days after the date of the decision;
d/ Within 30 working days after the date of receipt of a complete and valid dossier referred to at Point b, Clause 3 of this Article, the investment certificate-granting agency shall adjust the investment certificate and notify the investor thereof.
Section V. SOME PROVISIONS ON PROCEDURES FOR USE OF STATE CAPITAL FOR INVESTMENT AND BUSINESS
Article 58.- Investment and business using state capital
1. Investment projects must obtain approval of competent authorities when using the following state capital for investment:
a/ State budget capital;
b/ Development investment credit of the State;
c/ State-guaranteed credit;
d/ Development investment capital of state enterprises;
e/ Investment capital of the State Capital Investment and Trading Corporation.
2. After the use of state capital for investment is appraised and approved by a competent agency, the investor shall carry out investment procedures under the provisions of this Decree so as to be granted an investment certificate. Written approval of the use of state capital for investment is a mandatory document in the investment registration dossier or the investment examination dossier.
Article 59.- Agencies appraising and approving the use of state capital for investment
1. Agencies competent to decide on the use of state budget capital shall appraise and approve the use of state capital for investment by investment projects funded with state budget capital.
2. The Vietnam Development Bank shall appraise and decide on projects eligible for development investment credit of the State.
3. The Ministry of Finance shall appraise and decide on state guarantees for investment projects funded with credit capital that are on the list of state-guaranteed investment projects.
4. The management board of an economic group, a state corporation or other state enterprise or the general director or director of a state enterprise without a management board shall appraise and decide on the use of development investment capital by the state enterprise for investment.
5. The competence of the State Capital Investment and Business Corporation to appraise and approve the use of state capital for investment shall be decided by the Prime Minister.
6. Appraisal agencies shall organize appraisal and notify the investors of their approval or disapproval of the use of state capital for investment.
Article 60.- Dossiers of appraisal of investment projects funded with state capital
A dossier of appraisal of an investment project comprises:
1. The investors written proposal for the use of state capital addressed to the appraisal agency in charge of the relevant capital source as defined in Article 59 of this Decree.
2. Written justification of the proposal for the use of state capital for investment, containing the following details:
a/ Name of the project;
b/ Investment objectives and scale of the project;
c/ Location of execution of the investment project;
d/ Investment capital amount; investment capital source; and state capital portion in the project;
e/ Exposition on the projects conformity with the socio-economic development strategy, planning and plan already approved by competent authorities; exposition on the appropriateness of the use of investment capital;
f/ Investment benefits, including financial and socio-economic benefits;
g/ Exposition on the capability to recover investment capital; the capability to repay loans and the loan repayment plan (if any);
h/ Duration of the investment project;
i/ Execution schedule of the investment project.
Article 61.- Contents of appraisal of investment projects funded with state capital
The appraisal contents include:
1. The investment projects conformity with the socio-economic development strategy, planning and plan already approved by competent authorities in each period (of the whole country, the region or the territory concerned).
2. Appropriateness of the investment and business with state capital; investment purposes and benefits; method of management appropriate to each source of capital and type of investment project.
3. Conformity with the investment support policy (if any).
4. Execution schedule and duration of the investment project.
5. The capability to recover investment capital; the capability to repay loans and the loan repayment plan (if any).
6. Investment benefits, including financial and socio-economic benefits.
PROVISIONS ON EXECUTION OF INVESTMENT PROJECTS AND ORGANIZATION OF BUSINESS ACTIVITIES
Article 62.- Execution of investment projects
Investors shall execute investment projects according to the committed objectives, contents and schedules and the provisions of their investment certificates. While executing investment projects, they shall observe the provisions of law on land, environment, labor, business registration and investment registration, and relevant laws.
Article 63.- Execution of investment projects associated with construction
When executing an investment project involving the construction of works, the investor shall comply with the provisions of law on construction management.
Article 64.- Hire of management
1. Investors may hire organizations or individuals to manage investment and business activities to meet the investors operation requirements.
2. The hiring of a management organization or individual shall be effected under a contract signed between the investor and that organization or individual.
The rights and obligations of the investor and the management organization or individual shall be defined in the contract.
Management charges shall be as agreed between the parties in the management contract and shall be accounted as management expenses of the enterprise.
3. The hiring of an organization or individual to provide management services must comply with the provisions of treaties to which Vietnam is a contracting party.
4. Organizations or individuals providing management services shall pay taxes and perform financial obligations in accordance with the taxation law and relevant laws.
Article 65.- Transfer of capital
1. An economic organization is entitled to transfer its capital in the enterprise and carry out procedures of registration of members or shareholders in the register of members or shareholders in accordance with the enterprise law and relevant laws.
A foreign-invested enterprise, when transferring its capital, shall notify the investment certificate-granting agency thereof for adjusting its investment certificate.
2. Conditions for the transfer of capital:
a/ Assurance of requirements provided for in the Enterprise Law, this Decree and relevant laws;
b/ Assurance of ratios and conditions provided for in treaties to which Vietnam is a contracting party;
c/ The transfer of capital being land use right value must comply with the provisions of law on land and relevant laws.
Article 66.- Transfer of projects
1. An investor is entitled to transfer a project that the investor is executing to another investor. Conditions for transfer of a project shall be as stipulated in Clause 2, Article 65 of this Decree.
2. When the transfer of a project of an economic organization is not associated with the termination of operation of the transferring economic organization, the transfer of the project must comply with the conditions and procedures for capital transfer defined in Article 65 of this Decree.
3. When the transfer of a project is associated with the termination of investment and business operations of the transferring economic organization, the transfer of the project must comply with the conditions and procedures for merger or acquisition of enterprises defined in Article 56 of this Decree.
4. When the transfer of an investment project is associated with the termination of operation of the transferring economic organization and the transferee establishes an economic organization to continue executing the investment project, the transfer of the project must be conducted according to investment procedures defined in this Decree.
5. A dossier of transfer of an investment project comprises: written registration of the project transfer; project transfer contract; document on the legal status of the transferee; and report on the execution of the project.
6. Within 10 working days after the date of receipt of a complete and valid dossier, the investment certificate-granting agency shall grant a new investment certificate (if an investment certificate has not yet been granted) or adjust the granted investment certificate.
Article 67.- Temporary cessation or extension of execution of investment projects
1. When an investor temporarily ceases or extends the execution of an investment project, resulting in a change in the committed project execution schedule, at least 15 working days before the date of such temporary cessation or extension, the investor shall notify the investment state management agency of the reason for and the duration of temporary cessation or extension of the project execution.
2. When the investment certificate-granting agency does not approve the temporary cessation or extension of the project execution, within 15 working days after the date of receipt of the investors notice, it shall issue a written reply to the investor.
Upon resumption of operation, the investor must notify in writing the state management agency in charge of investment thereof.
Article 68.- Termination of operation of investment projects
1. The termination of operation of an investment project shall be as stipulated in Article 65 of the Investment Law.
2. The investment certificate-granting agency is entitled to decide on the termination of operation of a project in the following cases:
a/ The project has been granted an investment certificate but at the expiration of a period of 12 months the investor fails to commence executing the project or the project is executed over 12 months behind its execution schedule indicated in the investment certificate, except for permitted temporary cessation or extension of the project execution stipulated in Article 67 of this Decree;
b/ Serious violations of law that are subject to operation termination in accordance with law.
3. When, under a court judgment or ruling or an arbitral award, the operation of a project must be terminated due to serious violations of law, the investment certificate-granting agency shall decide to terminate the projects operation as determined in the court judgment or ruling or the arbitral award.
4. The decision on termination of an investment project shall be sent to the investor concerned and preserved at the investment certificate-granting agency.
Pursuant to the decision on termination of the investment project, the investment certificate-granting agency shall revoke the investment certificate and notify related agencies thereof.
Article 69.- Liquidation of investment projects
1. If, during the process of investment activities, the investment project is terminated under the conditions defined in Clauses 1, 2 and 3, Article 65 of Investment Law, the investor shall notify the investment certificate-granting agency thereof, carry out procedures for liquidation of the investment project, and return the investment certificate.
2. Procedures for liquidation of an investment project are as follows:
a/ When the liquidation of an investment project is not associated with the dissolution of the economic organization, the liquidation shall be conducted in accordance with the law on liquidation of assets or contracts;
b/ When the liquidation of an investment project is associated with the dissolution of the economic organization, the investor shall carry out the procedures for the dissolution of the economic organization in accordance with the enterprise law and relevant laws.
3. The time limit for liquidation of an investment project must not exceed 6 months counting from the date of decision on the termination of operation of the investment project. If permitted by a competent state agency, the time limit for liquidation of an investment project may be extended but it must not exceed 12 months.
At the end of the liquidation, the investor shall notify the investment certificate-granting agency thereof and return the granted investment certificate.
4. When an investment project cannot be liquidated within the time limit defined in Clause 3 of this Article because of a dispute among investors in the economic organization concerned, the dispute shall be brought to a court or an arbitration for settlement according to the provisions of law.
5. If, during the liquidation of an investment project, the economic organization cannot pay its debts, the liquidation shall terminate and be handled in accordance with the bankruptcy law.
Article 70.- Bonded warehouses
1. In export processing zones or industrial parks, economic organizations producing exports may set up bonded warehouses to serve export and import activities. Goods delivered into bonded warehouses are not liable to import duty.
The setting up of and conditions for setting up a bonded warehouse shall be as stipulated in the Governments Decree No. 154/2005/ND-CP of December 15, 2005, detailing a number of articles of the Customs Law on customs procedures, inspection and supervision.
2. Goods delivered into bonded warehouses may not be sold in the Vietnamese market. For those goods that are not subject to import ban or temporary import cessation, if selling them in the Vietnamese market, the investor shall carry out import procedures at the customs office, pay import duties and perform other financial obligations in accordance with law.
3. If goods delivered into bonded warehouses are damaged or deteriorated in quality and fail to meet production requirements, they must be re-exported or destroyed. Their destruction must comply with the provisions of law on customs, taxation and environment.
STATE MANAGEMENT OF INVESTMENT
Article 71.- Contents, powers and responsibilities of state management of investment
1. Contents of state management of investment:
a/ Formulating, and directing the implementation of, strategies, plannings, plans and policies on development investment with a view to mobilizing and regulating resources for development investment;
b/ Promulgating, disseminating, guiding, and organizing the implementation of, policies and laws on development investment; elaborating technical standards and regulations on investment activities; supervising the promulgation of legal documents on investment; reviewing, proposing the cancellation of, or canceling legal documents which are no longer appropriate, are promulgated ultra vires or contain inappropriate provisions;
c/ Performing state management of international cooperation, negotiating and concluding treaties relating to investment activities in accordance with these treaties;
d/ Performing state management of investment promotion activities; building a national information system to serve investment activities;
e/ Granting, adjusting and revoking investment certificates; uniformly managing investment registration activities and the grant of investment certificates;
f/ Examining, inspecting and supervising the implementation of the provisions of the investment law on the state management of investment and investors activities;
g/ Guiding and supporting investors to execute investment projects and settling their problems and requests during investment activities;
h/ Assessing macro economic impacts and benefits of investment activities;
i/ Collaborating with state management agencies at all levels in managing investment activities;
j/ Conducting professional training and retraining to enhance investment management capacity of investment state management agencies at all levels;
k/ Settling according to competence complaints and denunciations of organizations and individuals related to investment activities. Commending and rewarding organizations and individuals that make achievements in investment activities or handling organizations and individuals committing law-breaking acts.
2. Powers and responsibilities of state management of investment:
a/ The Government shall perform uniform state management of investment activities nationwide; direct the formulation and implementation of strategies, plannings and plans on development investment in all branches, sectors and economic regions; promulgate policies and legal documents on investment; and decentralize the state management of investment to ministries, branches and localities;
b/ The Prime Minister shall direct ministries, branches and localities to implement laws and policies on investment; approve, or decentralize the approval of plannings; decides on investment guidelines for investment projects under his/her competence; decide or permit the establishment of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones; direct the settlement of problems that arise in the course of administration of investment activities and fall beyond the competence of ministries, branches or localities.
c/ The Prime Minister, ministries, branches, provincial-level Peoples Committees, management boards of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones shall adopt programs on talks with the community of enterprises and investors;
d/ Ministries, ministerial-level agencies, provincial-level Peoples Committees and management boards shall manage and guide investment activities in the domains and geographical areas under their respective management; ensure transparent, simplified investment procedures and comply with time limits;
e/ Ministries, ministerial-level agencies, provincial-level Peoples Committees may not promulgate documents determining domains banned from investment, conditional investment domains and investment preferences in violation of the provisions of law.
Article 72.- Powers and responsibilities of the Ministry of Planning and Investment
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, formulating and reviewing legal documents and policies on investment. To guide, disseminate, monitor and examine the implementation of legal documents on investment. To promulgate forms of documents related to investment procedures for nationwide application.
2. To organize and coordinate with other ministries, branches and localities in the formulation and synthesis for submission to the Government of development investment plannings and plans; a national master plan on development of industrial parks, export processing zones and economic zones.
3. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, drawing up a list of national projects calling for investment capital and submit it to the Prime Minister for approval; to give advice on the addition to the plannings of investment projects falling under the approving competence of the Prime Minister but not yet included in any planning; to give opinions to investment certificate-granting agencies on the necessity of investment projects falling within the approving competence of the Prime Minister and in domains that do not yet have any plannings for submission to the Prime Minister for approval.
4. To examine important national investment projects and other investment projects according to decisions of the Prime Minister.
5. To perform state management of investment promotion activities; to formulate programs and plans and organize the implementation of national programs on investment mobilization and promotion; to coordinate with other ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in organizing investment promotion activities; to open investment promotion offices in foreign countries; to manage the national investment promotion fund.
6. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries and branches in, negotiating and submitting international agreements on investment activities to the Government for signing or accession; to perform international cooperation on investment activities.
7. To conduct professional training and retraining to enhance investment management capacity of investment state management agencies at all levels.
8. To coordinate with the General Office of Statistics in organizing the making of statistics on investment in accordance with the statistics law; to organize and build a national information system to serve investment activities.
9. To coordinate with other ministries, branches and localities in settling matters arising in the process of formation, preparation and execution of investment projects.
10. To assess socio-economic impacts of investment activities.
11. To examine, supervise and inspect investment activities according to its competence; to develop programs and plans on inter-branch examination and supervision of investment activities; to examine the grant, adjustment and revocation of investment certificates by investment certificate-granting agencies under the provisions of the Investment Law and this Decree; to examine and supervise the observance of plannings already approved by competent authorities in the course of investment.
12. Biannually and annually, to review the situation of investment activities and report it to the Prime Minister.
Article 73.- Powers and responsibilities of the Ministry of Finance
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries and branches in, formulating laws and policies on investment supports and preferences; to provide guidance on the order and procedures for enjoying investment supports and preferences within its competence.
2. To license projects in the domain within its competence; to examine, inspect and supervise activities of licensed projects.
3. To examine and give written opinions on matters related to finance and financial guarantee of the Government in investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains.
4. To examine, inspect and supervise the implementation of the finance, accounting, tax and customs laws in investment activities.
5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, settling investors difficulties and problems in the domains of taxes, charges, fees, customs procedures, financial management and other financial activities.
Article 74.- Investment state management responsibilities and powers of the Ministry of Trade
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and branches in, formulating commercial laws and policies on investment activities.
2. To license projects in the domain within its competence; to examine, inspect and supervise activities of licensed projects.
3. To examine and give written opinions on matters related to commercial activities of investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains; to publicize investment-related conditions committed in treaties to which Vietnam is a contracting party.
4. To examine, inspect and supervise commercial activities related to investment activities.
5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, settling difficulties and problems in commercial activities of investment projects.
Article 75.- Investment state management responsibilities and powers of the Ministry of Natural Resources and Environment
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and branches in, formulating laws and policies, and guiding the implementation of regulations on land management, ground clearance compensation, management of natural resources and environment related to investment activities.
2. To examine and give written opinions on matters related to land, ground clearance compensation, management of natural resources and environment in investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains.
3. To examine, inspect and supervise the implementation of regimes and policies on land, ground clearance compensation, management of natural resources and environment related to investment activities.
4. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, settling investors difficulties and problems in the domains of land, ground clearance compensation, extraction and use of natural resources and environmental protection.
Article 76.- Investment state management responsibilities and powers of the Ministry of Science and Technology
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and branches in, formulating laws and policies, and guiding the implementation of regulations on science and technology related to investment activities; to submit to the Prime Minister a master plan on development of hi-tech parks.
2. To examine and give written opinions on matters related to science and technology in investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains.
3. To examine, inspect and supervise the implementation of regimes and policies on science and technology related to investment activities.
4. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, settling investment projects difficulties and problems in the domain of science and technology.
Article 77.- Investment state management responsibilities and powers of the Ministry of Construction
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and branches in, formulating laws and policies, and guiding the implementation of regulations on construction.
2. To examine and give written opinions on matters related to state management of construction in investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains.
3. To examine, inspect and supervise the implementation of regimes, policies, standards and regulations on construction related to investment activities.
4. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, settling investment projects difficulties and problems in the domain of construction.
Article 78.- Investment state management responsibilities and powers of the State Bank of Vietnam
1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and branches in, formulating laws and policies, and guiding the implementation of regulations on credit and foreign exchange management related to investment activities.
2. To license projects in the domain within its competence; to examine, inspect and supervise activities of licensed projects.
3. To examine and give written opinions on matters related to credit and foreign exchange management in investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains.
4. To examine, inspect and supervise the implementation of regimes and policies on credit and foreign exchange management related to investment activities.
5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, settling investment projects difficulties and problems in the domain of credit and foreign exchange management.
Article 79.- Investment state management responsibilities and powers of branch-managing ministries
Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their respective tasks and powers, perform state management of investment in their assigned domains, specifically as follows:
1. To coordinate with the Ministry of Planning and Investment, related ministries and branches in formulating and promulgating laws and policies related to investment activities.
2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and branches in formulating and promulgating laws, policies and technical standards and regulations, and guide the implementation thereof.
3. To submit to the Government for promulgation investment conditions for conditional investment domains in econo-technical branches.
4. To formulate their branches plannings, plans and lists of projects calling for investment capital; to organize investment mobilization and promotion for their respective branches.
5. To publicize their branches plannings, plans, technical standards, investment conditions and lists of projects calling for investment capital.
6. To examine and give written opinions on the capability to meet conditions required for investment projects with respect to investment projects within the approving competence of the Prime Minister and projects in conditional investment domains.
7. To conduct specialized examination, inspection and supervision of the satisfaction of investment conditions and perform state management of investment projects within their respective competence.
8. To assume the prime responsibility for, and coordinate with provincial-level Peoples Committees and related ministries and branches in, settling investment projects difficulties and problems in the domains under their specialized management.
Article 80.- Investment state management responsibilities and powers of provincial-level Peoples Committees
1. On the basis of the socio-economic development plannings, to coordinate with related ministries and branches in drawing up and publicizing lists of local projects calling for investment; to organize mobilization and promotion of investment.
2. To assume the prime responsibility for organizing investment registration, examination, grant, adjustment and revocation of investment certificates, decide on early termination of operation of investment projects within their competence.
3. To perform state management of investment projects in their localities which are located outside industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones according to the following principal contents:
a/ Monitoring, supervising and examining the realization of investment objectives indicated in investment certificates, the capital contribution and project execution progress; supervising and examining the fulfillment of financial obligations, labor relations, wages, the protection of legitimate rights and interests of laborers and labor users, activities of socio-economic organizations, and the protection of the ecological environment; assuming the prime responsibility for or joining ministries and branches in inspecting investment projects in their localities;
b/ Organizing ground clearance work; granting land use right certificates and supervising land use;
c/ Settling investors difficulties and problems; for those beyond their competence, reporting them to the Prime Minister or related ministries or branches for settlement;
d/ Evaluating the impacts of investment activities in their localities.
4. To direct the formulation of detailed plannings on the construction of industrial parks and export processing zones, and approve detailed plannings on the construction of industrial parks and export processing zones under the provisions of law on construction.
5. Quarterly, biannually and annually, to assume the prime responsibility for, and coordinate with the management boards in reviewing investment activities in their localities before reporting to the Ministry of Planning and Investment.
Article 81.- Investment state management responsibilities and powers of management boards of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones
1. To contribute opinions to ministries, branches and localities in the formulation of legal documents, polices and plannings related to investment activities and development of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones.
2. To register investment; to examine investment projects within their competence and grant, adjust and revoke investment certificates of these investment projects.
3. To examine, inspect and supervise the realization of investment objectives indicated in the investment certificates, the capital contribution and project execution progress; to coordinate in supervising and examining the observance of laws on labor and wages; the protection of legitimate rights and interests of laborers and labor users, activities of socio-economic organizations, and the protection of the ecological environment in investment projects in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones.
4. To settle difficulties and problems of investors in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones; for those beyond their competence, reporting them to the Prime Minister or related ministries, branches or provincial-level Peoples Committees for settlement.
5. To evaluate the impacts of investment activities in industrial parks, export processing zones and economic zones.
6. Quarterly, biannually and annually, to send reports on investment activities in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones to provincial-level Peoples Committees and the Ministry of Planning and Investment.
Article 82.- Organizational apparatus of management boards
1. The management board is a body managing industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones within a province or centrally run city. It is established under decision of the Prime Minister at the proposal of the provincial-level Peoples Committee president and the Minister of Home Affairs; and submits to the direction and management by the provincial-level Peoples Committee in the management boards organization, payroll, work program and operation fund (unless otherwise stipulated by the Prime Minister).
2. The specialized trade, finance, customs agencies and other agencies, if necessary, shall arrange their representatives in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones to deal with matters under their respective management.
3. Specific functions, tasks and powers, organizational structure and operation regulation of management boards shall be decided by the Prime Minister.
Article 83.- State management of investment promotion
1. Investment promotion covers the following contents:
a/ Formulating strategies, plans and policies on attraction of domestic and foreign investment capital; creating conditions for mobilizing investment capital of all economic sectors;
b/ Implementing programs on propaganda, popularization, introduction and supply information on the investment environment, potential and opportunities;
c/ Organizing investment promotion establishments in Vietnam and foreign countries to mobilize, support and assist investors in understanding investment policies and laws and in selecting domains and locations for executing investment projects;
d/ Drawing up a list of national projects calling for investment capital and lists of projects calling for investment capital in branches and localities in conformity with the socio-economic development plannings and orientations in each period.
2. On the basis of strategies and plans on attraction of investment capital, investment state management agencies shall make annual investment promotion plans and send them to the Ministry of Planning and Investment for coordination in their implementation.
3. The investment promotion funds of state management agencies are allocated from the budget and comply with regulations and guidance of the Ministry of Finance.
Annually, ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial-level Peoples Committees shall formulate investment promotion plans and estimate funds for investment promotion activities.
The Ministry of Finance shall coordinate with the Ministry of Planning and Investment in guiding the estimation of funds for investment promotion activities and perform financial management of these activities.
Article 84.- Inspection of investment activities and handling of investment-related violations
1. The scope of investment inspection, organization and activities of investment inspection shall be as provided for in the Investment Law and the provisions of law on inspection of state management of investment and investment projects.
2. Acts in violation of investment law and the handling of investment-related violations shall be as provided for by law.
Article 85.- Settlement of disputes
The settlement of disputes over investment activities shall be as provided in Article 12 of the Investment Law and relevant laws.
Article 86.- Application of laws to investment projects executed before the Investment Law takes effect
1. For domestic investment projects that are executed before the Investment Law takes effect, investment registration or examination procedures are not required; an investor that wishes to have an investment certificate shall carry out registration procedures under the provisions of this Decree.
2. Foreign investment projects that are granted investment licenses before the Investment Law takes effect shall comply with the provisions of Article 88 of the Investment Law, Article 170 of the Enterprise Law and the Governments regulations on re-registration and transformation of foreign-invested enterprises.
Article 87.- Application of investment to foreign investors that establish private enterprises; investment in education, training, health and other domains affecting the public
Pursuant to the provisions of the Investment Law, this Decree and the enterprise law, the Prime Minister shall provide for investment in the establishment of private enterprises by foreign investors; payment of deposits and customers insurance for investment in education, training and health and other domains affecting the public.
Article 88.- Implementation provisions
1. This Decree takes effect 15 days after its publication in CONG BAO.
2. This Decree supersedes:
a/ Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000, detailing the implementation of the Law on Foreign Investment in Vietnam; Decree No. 27/2003/ND-CP of March 19, 2003, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000, detailing the implementation of the Law on Foreign Investment in Vietnam; and Decree No. 36/CP of April 24, 1997, promulgating the Regulation on industrial parks, export processing zones and hi-tech parks;
b/ Decree No. 51/1999/ND-CP of July 8, 1999, detailing the implementation of the Law on Domestic Investment Promotion (amended); Decree No. 35/2002/ND-CP of March 29, 2002, amending and supplementing Lists A, B and C included in the appendices to Decree No. 51/1999/ND-CP of July 8, 1999, detailing the implementation of the Law on Domestic Investment Promotion (amended);
c/ The list of domains and geographical areas entitled to investment preferences stipulated in Decree No. 164/2003/ND-CP of December 22, 2003, detailing the Law on Enterprise Income Tax; Decree No. 152/2004/ND-CP of August 6, 2004, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 164/2003/ND-CP of December 22, 2003, detailing the Law on Enterprise Income Tax;
d/ The list of domains and geographical areas entitled to investment preferences stipulated in Decree No. 149/2005/ND-CP of December 8, 2005, detailing the implementation of the Law on Import Duty and Export Duty;
e/ Other regulations on investment contrary to this Decree.
3. Ministers, heads of ministerial-level agencies and government-attached agencies and presidents of provincial-level Peoples Committees shall, within the scope of their respective functions and tasks, guide and implement this Decree.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
LIST OF DOMAINS ENTITLED TO INVESTMENT PREFERENCES
(Promulgated together with the Governments Decree No. 108/2006/ND-CP of September 22, 2006)
A. LIST OF DOMAINS ENTITLED TO SPECIAL INVESTMENT PREFERENCES
I. MANUFACTURE OF NEW MATERIALS AND PRODUCTION OF NEW ENERGY; MANUFACTURE OF PRODUCTS OF HIGH TECHNOLOGY, OF BIO-TECHNOLOGY AND OF INFORMATION TECHNOLOGY; MECHANICAL MANUFACTURING
1. Manufacture of composite materials, light construction materials, precious and rare materials.
2. Manufacture of high-quality steel, alloys, special metal, porous iron and steel billet.
3. Investment in the construction of establishments using solar energy, wind energy, biogas, geothermic and tidal energy.
4. Production of medical equipment for analytical and extractive technology in the medical sector; orthopaedic equipment, specialized vehicles and equipment for the disabled.
5. Application of advanced technology, bio-technology for production of medicines for human use up to international GMP standard; production of antibiotic materials.
6. Production of computers, telecommunication and communication and Internet equipment and key information technology products.
7. Production of semi-conductors and hi-tech electronic components; production of software products, items of digital information; provision of services on software, research into information technology and training of human resources for information technology.
8. Investment in the production and manufacture of precision mechanical engineering equipment; equipment and machines for examination and control of industrial manufacturing safety; industrial robots.
II. BREEDING, REARING, GROWING AND PROCESSING AGRICULTURAL, FOREST AND AQUACULTURE PRODUCTS; SALT MAKING; PRODUCTION OF ARTIFICIAL STRAINS, NEW PLANT VARIETIES AND LIVESTOCK BREEDS
9. Afforestation, tending of forests.
10. Breeding, rearing and growing agricultural, forest and aquaculture products on uncultivated land, unexploited waters.
11. Fishery in offshore sea waters.
12. Production of artificial strains, new plant varieties and livestock breeds of high economic value.
13. Production, mining and refining of salt.
III. USE OF HIGH TECHNOLOGY AND MODERN TECHNIQUES; PROTECTION OF THE ECOLOGICAL ENVIRONMENT; RESEARCH, DEVELOPMENT AND NURSERY OF HIGH TECHNOLOGY
14. Application of high technology or new technology which has not yet been used in Vietnam; application of bio-technology.
15. Treatment of pollution and protection of environment; production of equipment for pollution treatment and equipment for observation and analysis of the environment.
16. Collection and treatment of wastewater, waste gas and solid waste; recycling or reuse of waste.
17. Research, development and nursery of high technology.
IV. LABOR INTENSIVE INDUSTRIES
18. Projects employing 5,000 or more employees on a regular basis.
V. CONSTRUCTION AND DEVELOPMENT OF INFRASTRUCTURES AND IMPORTANT PROJECTS
19. Investment in the construction and commercial operation of infrastructures of industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones or important projects falling within the deciding competence of the Prime Minister.
VI. DEVELOPMENT OF EDUCATION, TRAINING, HEALTH CARE, PHYSICAL TRAINING AND SPORTS
20. Investment in the construction of facilities for treatment of tobacco or drug addiction.
21. Investment in the establishment of facilities for epidemic prevention and control.
22. Investment in the establishment of geriatric centers or centers for relief and care of the disabled and orphans.
23. Investment in the construction of centers of training for high-achievement sports, sport training for the disabled; the construction of sport facilities with training and competition equipment satisfying requirements for organization of international tournaments.
VII. OTHER MANUFACTURING AND SERVICE SECTORS
24. Investment in research and development (R & D) accounting for 25% or more of the revenue.
25. Salvage operations at sea.
26. Investment in the construction of apartment buildings for workers working in industrial parks, export processing zones, hi-tech parks and economic zones; investment in the construction of dormitories for students and of residential houses for social policy beneficiaries.
B. LIST OF DOMAINS ENTITLED TO INVESTMENT PREFERENCES
I. MANUFACTURE OF NEW MATERIALS AND PRODUCTION OF NEW ENERGY; MANUFACTURE OF PRODUCTS OF HIGH-TECHNOLOGY, OF BIO-TECHNOLOGY OR OF INFORMATION TECHNOLOGY; MECHANICAL MANUFACTURING
1. Production of soundproof, electricity insulated or high heat-insulated materials; synthetic materials used as a substitute for wood; fire-proof materials; construction plastics; glass fiber; special-use cement.
2. Production of non-ferrous metals and refining of cast iron.
3. Production of molds and prototypes for metal and non-metal products.
4. Investment in the construction of new power plants, in power distribution and transmission.
5. Production of medical supplies and equipment, construction of warehouses for preservation of pharmaceutical products, reserves of medicines for human use in case of natural disasters and dangerous epidemics.
6. Production of equipment used for testing toxic substances in foodstuffs.
7. Development of the petrochemical industry.
8. Production of coke and active coal.
9. Production of plant protection drugs, pesticides, preventive and curative drugs for animals and aquatic creatures; veterinary drugs.
10. Materials for production of medicines or medicines for prevention or treatment of social diseases; vaccines; biological products; medicines produced from pharmaceutical materials; eastern medicines.
11. Investment in the construction of facilities for biological experiment, assessment of the availability of medicines; pharmaceutical establishments satisfying GMP standards in producing, preserving, testing, and carrying out clinical tests of medicines, planting, rearing or harvesting and processing of pharmaceutical materials.
12. Development of sources of pharmaceutical materials and production of medicines from pharmaceutical materials; projects for research or substantiation of scientific grounds for prescriptions for eastern medicines and formulation of standards for testing of prescriptions for eastern medicines; survey and statistics of types of pharmaceutical materials used for production of medicines; collection, inheritance and application of prescriptions for eastern medicines, finding, exploitation and use of new pharmaceutical materials.
13. Production of electronic appliances.
14. Production of machines, equipment and detail assemblies for the following sectors: oil and gas exploitation, mining, energy and cement; production of large-sized lifting equipment; production of machine tools for metal processing and metallurgy equipment.
15. Investment in the manufacture of high and medium voltage electric devices or generators of large capacity.
16. Investment in the production of diesel engines; investment in the repair or building of ships; equipment and spare parts for transportation ships and fishing ships; production of dynamic and hydraulic machinery and spare parts and compressing machines.
17. Production of equipment, vehicles and machinery for construction; technical equipment for the transportation sector; locomotives and carriages;
18. Investment in the manufacture of machine tools, machinery, equipment and components for agricultural and forest production; machinery for food processing; irrigation equipment.
19. Investment in the production of equipment, machinery for textiles, garments and leather industries.
II. BREEDING, REARING, GROWING AND PROCESSING OF AGRICULTURAL, FOREST AND AQUACULTURE PRODUCTS; SALT MAKING; PRODUCTION OF ARTIFICIAL STRAINS, NEW PLANT VARIETIES AND LIVESTOCK BREEDS
20. Growing of plants for pharmaceutical purposes.
21. Investment in post-harvest preservation of agricultural products, preservation of agricultural and aquaculture products and foodstuffs.
22. Production of bottled or canned fruit juices.
23. Production and refining of feed for cattle, poultry and aquatic resources.
24. Technical services for planting industrial and forest trees, husbandry, aquaculture, protection of plants and livestock.
25. Production, multiplication or crossbreeding for new plant varieties or livestock breeds.
ILL. USE OF HIGH TECHNOLOGY AND MODERN TECHNIQUES; PROTECTION OF THE ECOLOGICAL ENVIRONMENT; RESEARCH, DEVELOPMENT AND NURSERY OF HIGH TECHNOLOGY
26. Manufacture of equipment for responding to and dealing with oil spills.
27. Manufacture of equipment for waste treatment.
28. Investment in the construction of technical facilities and works: laboratories and experimental stations to apply new technology to production; investment in the establishment of research institutes.
IV. LABOR INTENSIVE INDUSTRIES
29. Projects regularly employing between 500 and 5,000 employees.
V. CONSTRUCTION AND DEVELOPMENT OF INFRASTRUCTURES
30. Construction of infrastructures serving production and business of cooperatives and life of communities in rural areas.
31. Investment in and commercial operation of infrastructures and investment in the production in industrial complexes, industrial spots, complexes of rural trade villages.
32. Construction of water plants and water supply systems for civil and industrial use; investment in the construction of water drainage systems.
33. Construction and upgrading of bridges, roads, terminals, airports, seaports, railway stations, bus stations and parking lots; establishment of new railway routes.
34. Construction of technical infrastructures of concentrated population areas in the geographical areas in Appendix II to this Decree.
VI. DEVELOPMENT OF EDUCATION, TRAINING, HEALTH CARE, PHYSICAL TRAINING, SPORTS AND NATIONAL CULTURE
35. Investment in the construction of infrastructures for education and training establishments; investment in the construction of people-founded and private schools and education and training establishments at the levels of pre-school education; general education, vocational high-school education and tertiary education.
36. Establishment of people-founded and private hospitals.
37. Construction: physical training or sport centers, training facilities and physical training and sports clubs; establishments for production, manufacture and repair of equipment, supplies and equipment for physical training and sports.
38. Establishment of national cultural houses; national dance, music and song troupes; theaters, film studios, cinemas; establishments for production, manufacture and repair of national musical instruments; maintenance and preservation of museums, national cultural houses and culture and arts schools.
39. Investment in the construction of national tourist sites, ecological tourist sites and cultural parks for sports, entertainment and recreation activities.
VII. DEVELOPMENT OF TRADITIONAL TRADES AND OCCUPATIONS
40. Building up and development of traditional trades and occupations for production of fine-art and handicraft goods, processing of agricultural products and foodstuffs and cultural products.
VIII. OTHER MANUFACTURING AND SERVICE SECTORS
41. Provision of Internet connection, access and application services and points for accessing public telephones in areas in Appendix II to this Decree.
42. Development of mass transit including: transportation by ships, aircraft; railway transportation; road transportation of passengers by cars with 24 seats or more; transportation of passengers by modern and high-speed vehicles by inland waterway; container transportation.
43. Investment in the relocation of production establishments to non-urban areas.
44. Investment in the construction of class-I marketplaces and exhibition centers.
45. Production of childrens toys.
46. Activities in mobilizing capital and lending capital of peoples credit funds.
47. Legal consultancy, services of consultancy on intellectual property and technology transfer.
48. Production of various types of materials for production of pesticides.
49. Production of base chemicals, purified chemicals, special-use chemicals and dyes.
50. Production of materials for production of detergents and additives for the chemical industry.
51. Production of paper, cartons, artificial planks from domestic agricultural and forest materials; production of pulp.
52. Weaving and fashioning of textile products; production of silk and fibers of all types; tanning and processing of leather.
53. Investment projects on production activities in industrial parks established under decisions of the Prime Minister.
LIST OF GEOGRAPHICAL AREAS ENTITLED TO INVESTMENT PREFERENCES
(Promulgated together with the Governments Decree No. 108/2006/ND-CP of September 22, 2006)
Ordinal number |
Province |
Areas with extremely difficult socio-economic conditions |
Areas with difficult socio-economic conditions |
1 |
Bac Kan |
All districts and towns |
|
2 |
Cao Bang |
All districts and towns |
|
3 |
Ha Giang |
All districts and towns |
|
4 |
Lai Chau |
All districts and towns |
|
5 |
Son La |
All districts and towns |
|
6 |
Dien Bien |
All districts and Dien Bien city |
|
7 |
Lao Cai |
All districts |
Lao Cai City |
8 |
Tuyen Quang |
Na Hang and Chiem Hoa districts |
Ham Yen, Son Duong and Yen Son districts and Tuyen Quang town |
9 |
Bac Giang |
Son Dong district |
Luc Ngan, Luc Nam, Yen The and Hiep Hoa districts |
10 |
Hoa Binh |
Da Bac and Mai Chau districts |
Kim Boi, Ky Son, Luong Son, Lac Thuy, Tan Lac, Cao Phong, Lac Son and Yen Thuy districts |
11 |
Lang Son |
Binh Gia, Dinh Lap, Cao Loc, Loc Binh, Trang Dinh, Van Lang and Van |
Bac Son, Chi Lang and Huu Lung districts |
12 |
Phu Tho |
Thanh Son and Yen Lap districts |
Doan Hung, Ha Hoa, Phu Ninh, Song Thao, Thanh Ba, Tam Nong and Thanh Thuy districts |
13 |
Thai Nguyen |
Vo Nhai anh Dinh Hoa districts |
Dai Tu, Pho Yen, Phu Luong, Phu Binh and Dong Hy districts |
14 |
Yen Bai |
Luc Yen, Mu Cang Chai and Tram Tau districts |
Tran Yen, Van Chan, Van Yen and Yen Binh districts and Nghia Lo town |
15 |
Quang Ninh |
Ba Che and Binh Lieu districts, Co To island district, islands and offshore islands under provincial authority |
Van Don district |
16 |
Hal Phong |
Bach Long Vy and Cat Hal island districts |
|
17 |
Ha Nam |
|
Ly Nhan and Thanh Liem districts |
18 |
Nam Dinh |
|
Giao Thuy, Xuan Truong, Hai Hau and Nghia Hung districts |
19 |
Thai Binh |
|
Thai Thuy and Tien Hai districts |
20 |
Ninh Binh |
|
Nho Quan, Gia Vien, Kim Son, Tam Diep and Yen Mo districts |
21 |
Thanh Hoa |
Muong Lat, Quan Hoa, Ba Thuoc, Lang Chanh, Thuong Xuan, Cam Thuy, Ngoc Lac, Nhu Thanh and Nhu Xuan districts |
Thach Thanh and Nong Cong districts |
22 |
Nghe An |
Ky Son, Tuong Duong, Con Cuong, Que Phong, Quy Hop, Quy Chau and Anh Son districts |
Tan Ky, Nghia Dan and Thanh Chuong districts |
23 |
Ha Tinh |
Huong Khe, Huong Son and Vu Quang districts |
Duc Tho, Ky Anh, Nghi Xuan, Thach Ha, Cam Xuyen and Can Loc districts |
24 |
Quang Binh |
Tuyen Hoa, Minh Hoa and Bo Trach districts |
Other districts |
25 |
Quang Tri |
Huong Hoa and Dac Krong districts |
Other districts |
26 |
Thua Thien Hue |
A Luoi and Nam Dong districts |
Phong Dien, Quang Dien, Huong Tra, Phu Loc and Phu Vang districts |
27 |
Da Nang |
Hoang Sa island district |
|
28 |
Quang Nam |
Dong Giang, Tay Giang, Nam Giang, Phuoc Son, Bac Tra My, Nam Tra My, Hiep Duc, Tien Phuoc and Nui Thanh districts and Cu Lao Cham island |
Dai Loc and Duy Xuyen districts |
29 |
Quang Ngai |
Ba To, Tra Bong, Son Tay, Son Ha, Minh Long, Binh Son and Tay Tra districts and Ly Son island district |
Nghia Hanh and Son Tinh districts |
30 |
Binh Dinh |
An Lao, Vinh Thanh, Van Canh, Phu Cat and Tay Son districts |
Hoai An and Phu My districts |
31 |
Phu Yen |
Song Hinh, Dong Xuan, Son Hoa and Phu Hoa districts |
Song Cau, Tuy Hoa and Tuy An districts |
32 |
Khanh Hoa |
Khanh Vinh and Khanh Son districts, Truong Sa island district and islands under provincial management |
Van Ninh, Dien Khanh and Ninh Hoa districts and Cam Ranh town |
33 |
Ninh Thuan |
All districts |
|
34 |
Binh Thuan |
Phu Quy island district |
Bac Binh, Tuy Phong, Duc Linh, Tanh Linh, Ham Thuan Bac and Ham Thuan Nam districts |
35 |
Dak Lak |
All districts |
|
36 |
Gia Lai |
All districts and towns |
|
37 |
Kon Tum |
All districts and towns |
|
38 |
Dak Nong |
All districts |
|
39 |
Lam Dong |
All districts |
Bao Loc town |
40 |
Ba Ria - Vung Tau |
Con Dao island district |
Tan Thanh district |
41 |
Tay Ninh |
Tan Bien, Tan Chau, Chau Thanh and Ben Cau districts |
Other districts |
42 |
Binh Phuoc |
Loc Ninh, Bu Dang and Bu Dop districts |
Dong Phu, Binh Long, Phuoc Long and Chon Thanh districts |
43 |
Long An |
|
Duc Hue, Moc Hoa, Tan Thanh, Duc Hoa, Vinh Hung and Tan Hung districts |
44 |
Tien Giang |
Tan Phuoc district |
Go Cong Dong and Go Cong Tay districts |
45 |
Ben Tre |
Thanh Phu, Ba Chi and Binh Dai districts |
Other districts |
46 |
Tra Vinh |
Chau Thanh and Tra Cu districts |
Cau Ngang, Cau Ke and Tieu Can districts |
47 |
Dong Thap |
Hong Ngu, Tan Hong, Tam Nong and Thap Muoi districts |
Other districts |
48 |
Vinh Long |
|
Tra On district |
49 |
Soc Trang |
All districts |
Soc Trang town |
50 |
Hau Giang |
All districts |
Vi Thanh town |
51 |
An Giang |
An Phu, Tn Ton, Thoai Son, Tan Chau and Tinh Bien districts |
Other districts |
52 |
Bac Lieu |
All districts |
Bac Lieu town |
53 |
Ca Mau |
All districts |
Ca Mau city |
54 |
Kien Giang |
All districts, islands and offshore islands under provincial management |
Ha Tien and Rach Gia towns |
|
Other localities |
Hi-tech parks and economic zones entitled to preferences under establishment decisions of the Prime Minister |
Industrial parks established under decisions of the Prime Minister |
LIST OF CONDITIONAL INVESTMENT DOMAINS APPLICABLE TO FOREIGN INVESTORS
(Promulgated together with the Governments Decree No. 108/2006/ND-CP of September 22, 2006)
1. Broadcasting and television.
2. Production, publishing and distribution of cultural products.
3. Exploitation and processing of minerals.
4. Establishment of infrastructures for telecommunications networks, transmission and provision of Internet and telecommunications services.
5. Establishment of public postal networks and provision of postal services and delivery services.
6. Construction and operation of river ports, seaports, airports and airfields.
7. Transportation of goods and passengers by rail, air, land and sea and inland waterways.
8. Catching of marine resources.
9. Production of cigarettes.
10. Real estate business.
11. Investment in import, export and distribution.
12. Education and training.
13. Hospitals and clinics.
14. Other investment domains in treaties to which Vietnam is a contracting party and which restrict the opening of the market to foreign investors.
Investment conditions applicable to foreign investors with investment projects in the domains specified in this Appendix must conform with the provisions of treaties to which Vietnam is a contracting party.
LIST OF DOMAINS BANNED FROM INVESTMENT
(Promulgated together with the Governments Decree No. 108/2006/ND-CP of September 22, 2006)
I. PROJECTS WHICH ARE DETRIMENTAL TO NATIONAL DEFENSE AND SECURITY AND PUBLIC INTERESTS
1. Production and processing of narcotics.
2. Investment in and commercial operation of secret investigation services infringing upon state interests, legitimate rights and interests of organizations and individuals.
3. Investment in the field of private detective and investigation.
II. PROJECTS WHICH ARE HARMFUL TO HISTORICAL AND CULTURAL RELICS, MORALITY AND VIETNAMESE FINE CUSTOMS
4. Projects on construction of works within the premises of national historical or cultural relics; projects adversely affecting the architecture and landscape of national historical cultural relics.
5. Production of depraved cultural or superstitious products.
6. Production of dangerous toys or toys which are harmful to personality education and health of children or security, social order and safety.
7. Prostitution business; trafficking of women and children.
8. Experiments of human cloning.
ILL. PROJECTS WHICH ARE HARMFUL TO THE PEOPLES HEALTH, OR WHICH DESTROY NATURAL RESOURCES AND THE ENVIRONMENT.
9. Production of schedule 1 chemicals (in accordance with the International Convention).
10. Production of veterinary drugs, plant protection drugs which are banned from use or are not permitted for use in Vietnam.
11. Production of medicines for human use, vaccines, medical biological products, cosmetics, chemicals and preparations used for killing insects or bacteria which are not permitted for use in Vietnam.
IV. PROJECTS ON TREATMENT OF HAZARDOUS WASTE BROUGHT FROM OVERSEAS INTO VIETNAM; PROJECTS ON MANUFACTURE OF TOXIC CHEMICALS OR ON USE OF TOXIC AGENTS PROHIBITED UNDER TREATIES
12. Projects on treatment of hazardous waste brought from overseas into Vietnam; projects on manufacture of toxic chemicals or on use of toxic agents prohibited under treaties to which Vietnam is a contracting party.
V. OTHER PROJECTS BANNED FROM INVESTMENT IN ACCORDANCE WITH LAW.-
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Điều 3. Áp dụng pháp luật đầu tư, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế
Điều 11. Quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh
Điều 23. Lĩnh vực đầu tư có điều kiện, lĩnh vực cấm đầu tư
Điều 27. Thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư
Điều 43. Đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước
Điều 44. Đăng ký đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Điều 50. Thẩm quyền của Bộ quản lý ngành đối với việc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Điều 57. Thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Điều 68. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
Điều 69. Thanh lý dự án đầu tư
Điều 85. Giải quyết tranh chấp
Điều 86. Áp dụng pháp luật đối với dự án đang thực hiện đầu tư trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực