Chương XVII Bộ luật Dân sự 2005: Những quy định chung
Số hiệu: | 33/2005/QH11 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Văn An |
Ngày ban hành: | 14/06/2005 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2006 |
Ngày công báo: | 01/09/2005 | Số công báo: | Từ số 1 đến số 3 |
Lĩnh vực: | Quyền dân sự | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2017 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11, gồm 36 chương và 777 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006, thay thế cho Bộ luật Dân sự ban hành năm 1995 và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989.
Bộ luật quy định: người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...
Bộ luật coi Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản...
Trong trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được sáp nhập với nhau tạo thành vật không chia được và không thể xác định tài sản đem sáp nhập là vật chính hoặc vật phụ thì vật mới được tạo thành là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó, nếu tài sản đem sáp nhập là vật chính và vật phụ thì vật mới được tạo thành thuộc chủ sở hữu vật chính, kể từ thời điểm vật mới được tạo thành, chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán cho chủ sở hữu vật phụ phần giá trị của vật phụ đó, nếu không có thoả thuận khác...
Đối với di sản thừa kế, khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng, nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật, nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật, nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia...
Về quyền sử dụng đất, khi thời hạn cho thuê quyền sử dụng đất đang còn, bên cho thuê vẫn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng phải báo cho bên thuê biết để bên thuê thực hiện nghĩa vụ với bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất...
Một điểm mới của Bộ luật là quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học...
Bộ luật Dân sự 2005 thay thế Bộ luật Dân sự 1995, nhưng hiện đã hết hiệu lực và bị thay thế cho Bộ luật Dân sự 2015.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các căn cứ sau đây:
1. Hợp đồng dân sự;
2. Hành vi pháp lý đơn phương;
3. Thực hiện công việc không có ủy quyền;
4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;
5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;
6. Những căn cứ khác do pháp luật quy định.
1. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.
2. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải được xác định cụ thể.
3. Chỉ những tài sản có thể giao dịch được, những công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của nghĩa vụ dân sự.
Bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
1. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận.
2. Trong trường hợp không có thoả thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự được xác định như sau:
a) Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản;
b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự không phải là bất động sản.
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn; chỉ được thực hiện nghĩa vụ dân sự trước thời hạn khi có sự đồng ý của bên có quyền; nếu bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận và pháp luật không quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý.
1. Chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết.
2. Bên chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.
1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.
2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.
1. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện theo thoả thuận nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Trong trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý.
3. Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.
1. Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao.
2. Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thoả thuận và nếu không có thoả thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.
3. Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận.
2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Nghĩa vụ phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó.
2. Nghĩa vụ không được thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó.
Nghĩa vụ dân sự được thực hiện theo định kỳ nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
1. Nghĩa vụ dân sự có đối tượng tuỳ ý lựa chọn là nghĩa vụ mà đối tượng là một trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau và bên có nghĩa vụ có thể tuỳ ý lựa chọn, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định dành quyền lựa chọn cho bên có quyền.
2. Bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về việc tài sản hoặc công việc được lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có quyền đã xác định thời hạn thực hiện nghĩa vụ được lựa chọn thì bên có nghĩa vụ phải hoàn thành đúng thời hạn.
3. Trong trường hợp chỉ còn một tài sản hoặc một công việc thì bên có nghĩa vụ phải giao tài sản đó hoặc thực hiện công việc đó.
Nghĩa vụ dân sự thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ dân sự đó.
Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ dân sự, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ với nhau thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình.
1. Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
3. Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
4. Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
1. Nghĩa vụ dân sự đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới.
3. Trong trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.
1. Nghĩa vụ dân sự phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ là vật chia được hoặc công việc có thể chia thành nhiều phần để thực hiện.
2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện từng phần nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Nghĩa vụ dân sự không phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ là vật không chia được hoặc là công việc phải được thực hiện cùng một lúc.
2. Trong trường hợp nhiều người cùng phải thực hiện một nghĩa vụ không phân chia được thì họ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.
1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
1. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định thì người có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.
2. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại thì phải thanh toán giá trị của vật.
3. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại cho bên có quyền thì ngoài việc thanh toán giá trị của vật còn phải bồi thường thiệt hại cho bên có quyền.
1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
2. Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
1. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
1. Việc chuyển giao quyền yêu cầu được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
1. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.
2. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trong trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.
1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
1. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thoả thuận khác.
1. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm:
a) Cầm cố tài sản;
b) Thế chấp tài sản;
c) Đặt cọc;
d) Ký cược;
đ) Ký quỹ;
e) Bảo lãnh;
g) Tín chấp.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.
1. Nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thoả thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại.
2. Các bên được thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
1. Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch.
2. Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.
Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
1. Các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
2. Quyền sử dụng đất được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
3. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về tài nguyên.
1. Giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 318 của Bộ luật này.
2. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định.
3. Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.
1. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
3. Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thoả thuận khác.
Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thoả thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
Thứ tự ưu tiên thánh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định như sau:
1. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;
2. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán;
3. Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.
Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố.
Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thoả thuận. Trong trường hợp không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Bên cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thoả thuận;
2. Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố;
3. Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên cầm cố tài sản có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên nhận cầm cố đình chỉ việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 333 của Bộ luật này, nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
2. Được bán tài sản cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý;
3. Được thay thế tài sản cầm cố bằng một tài sản khác nếu có thỏa thuận;
4. Yêu cầu bên nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
5. Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
Bên nhận cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố;
2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác;
3. Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý;
4. Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Bên nhận cầm cố tài sản có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó;
2. Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ;
3. Được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận;
4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Trong trường hợp cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ.
Việc cầm cố tài sản có thể bị hủy bỏ, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý.
Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.
Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.
Việc cầm cố tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
2. Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
3. Tài sản cầm cố đã được xử lý;
4. Theo thoả thuận của các bên.
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.
Tài sản đang cho thuê cũng có thể được dùng để thế chấp. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc cho thuê tài sản thuộc tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
1. Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp.
2. Bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả số tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán với bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ.
Bên thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp;
2. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
3. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp;
4. Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của Bộ luật này.
Bên thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
1. Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thoả thuận;
2. Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp;
3. Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.
4. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý.
5. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết;
6. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Bên nhận thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
1. Trong trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp;
2. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký trong các trường hợp quy định tại các điều 355, 356 và 357 của Bộ luật này.
Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của Bộ luật này phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;
2. Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;
3. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;
4. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;
5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
6. Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai;
7. Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 355 hoặc khoản 3 Điều 324 của Bộ luật này và được ưu tiên thanh toán.
Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;
2. Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp, trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 của Bộ luật này, nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;
3. Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thoả thuận.
Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây:
1. Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận;
2. Được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Bên thế chấp chỉ được thay thế tài sản thế chấp khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, nếu không có thoả thuận khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 349 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp thế chấp kho hàng thì bên thế chấp có thể thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
3. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì bên thế chấp trong một thời gian hợp lý phải sửa chữa tài sản thế chấp hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, nếu không có thoả thuận khác.
Việc thế chấp tài sản có thể bị hủy bỏ nếu được bên nhận thế chấp đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc thế chấp tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt;
2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
3. Tài sản thế chấp đã được xử lý;
4. Theo thoả thuận của các bên.
1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
2. Trong trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trừ tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.
1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.
3. Thủ tục gửi và thanh toán do pháp luật về ngân hàng quy định.
Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thoả thuận.
Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.
1. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
2. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.
1. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
2. Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.
Việc bảo lãnh có thể được hủy bỏ nếu được bên nhận bảo lãnh đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;
2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
4. Theo thoả thuận của các bên.
Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
Nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được hoàn thành;
2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác;
5. Nghĩa vụ được bù trừ;
6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một;
7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết;
8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân, chủ thể đó thực hiện;
9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân, chủ thể khác;
10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
11. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Nghĩa vụ dân sự được hoàn thành khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ nhưng phần còn lại được bên có quyền miễn cho việc thực hiện tiếp.
1. Khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là vật thì bên có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn vật hoặc có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền. Bên chậm tiếp nhận phải chịu rủi ro và mọi chi phí về gửi giữ.
Nghĩa vụ giao vật hoàn thành tại thời điểm vật đã được gửi giữ bảo đảm số lượng, chất lượng và các điều kiện khác mà các bên đã thoả thuận.
2. Trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là tiền hoặc giấy tờ có giá thì khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ, người có nghĩa vụ cũng có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền; nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành kể từ thời điểm gửi giữ.
Các bên có thể thoả thuận chấm dứt nghĩa vụ dân sự bất cứ lúc nào, nhưng không được gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
1. Nghĩa vụ dân sự chấm dứt khi bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Khi nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được miễn thì việc bảo đảm cũng chấm dứt.
1. Trong trường hợp các bên thoả thuận thay thế nghĩa vụ dân sự ban đầu bằng nghĩa vụ dân sự khác thì nghĩa vụ ban đầu chấm dứt.
2. Nghĩa vụ dân sự cũng chấm dứt, nếu bên có quyền đã tiếp nhận tài sản hoặc công việc khác thay thế cho tài sản hoặc công việc đã thoả thuận trước.
3. Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác.
1. Trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp giá trị của tài sản hoặc công việc không tương đương với nhau thì các bên thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch.
3. Những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền.
Nghĩa vụ dân sự không được bù trừ trong các trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ đang có tranh chấp;
2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
3. Nghĩa vụ cấp dưỡng;
4. Các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định.
Khi bên có nghĩa vụ lại trở thành bên có quyền đối với chính nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt.
Khi thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết thì nghĩa vụ chấm dứt.
Khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ phải do chính bên có nghĩa vụ thực hiện mà cá nhân chết hoặc pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.
Khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân, chủ thể khác là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.
Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn.
Các bên có thể thoả thuận thay thế vật khác hoặc bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp phá sản thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt theo quy định của pháp luật về phá sản.
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;
2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.
2. Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.
1. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:
a) Do bên đề nghị ấn định;
b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.
2. Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:
a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;
b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;
c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.
1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới.
Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;
2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
4. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
2. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời.
Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.
Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.
Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
2. Số lượng, chất lượng;
3. Giá, phương thức thanh toán;
4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
7. Phạt vi phạm hợp đồng;
8. Các nội dung khác.
Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.
1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.
2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:
1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau;
2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ;
3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ;
4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính;
5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó;
6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.
2. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
3. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.
2. Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.
3. Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.
4. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
5. Khi hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng.
6. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.
7. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
8. Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.
1. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
1. Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu.
2. Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.
3. Quy định tại khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được, nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.
Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;
2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Đối với hợp đồng đơn vụ, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thoả thuận; chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.
1. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thoả thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 415 và Điều 417 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
1. Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh.
2. Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.
1. Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận.
2. Bên cầm giữ có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Cầm giữ toàn bộ hoặc một phần tài sản trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ;
c) Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;
d) Yêu cầu bên có tài sản bị cầm giữ thanh toán các chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản đó.
3. Quyền cầm giữ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của các bên;
b) Bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;
c) Bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.
Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.
Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết.
Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.
Trong trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ.
Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.
1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.
3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.
1. Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó.
Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
Article 280.- Civil obligations
A civil obligation is a task under which a subject or more than one subject (hereinafter referred collectively to as the obligors) must transfer an object, transfer rights, pay money or return valuable papers, perform other tasks or refrain from doing certain tasks in the interest of one or a number of other subjects (hereinafter referred collectively to as the obligees).
Article 281.- Bases upon which civil obligations arise
A civil obligation shall arise on the following bases:
1. A civil contract;
2. A unilateral legal act;
3. Performance of a task without authorization;
4. Possession and use of property or enjoyment of benefits from property without a legal basis;
5. Causing damage by performing an illegal act;
5. Performance of a task without authorization;
6. Other bases specified by law.
Article 282.- Objects of civil obligations
1. An object of a civil obligation may be a property or a task which must or must not be performed.
2. An object of a civil obligation must be specifically determined.
3. Only those property which are be alienable and tasks which can be performed but are not prohibited by law and not contrary to social ethics may be objects of civil obligations.
Section 2. PERFORMANCE OF CIVIL OBLIGATIONS
Article 283.- The principle for performance of civil obligations
An obligor must perform his/her obligation in an honest manner, in the spirit of cooperation, in a manner faithful to his/her commitment and not contrary to law and social ethics.
Article 284.- Places for performance of civil obligations
1. The place for the performance of a civil obligation shall be agreed upon by the parties.
2. In cases where there is no agreement, the place for performance of a civil obligation shall be determined as follows:
a/ It is the location of the immovable property, if the object of the civil obligation is an immovable property;
b/ It is the place of residence or head office of the obligee, if the object of the civil obligation is not an immovable property.
When the obligee changes his/her place of residence or head office, he/she must notify the obligor of the change and must bear extra expenses resulting from the change of the place of residence or head office, unless otherwise agreed upon.
Article 285.- Time limit for performance of civil obligations
1. The time limit for performing a civil obligation shall be agreed upon by the parties or provided for by law.
The obligor must perform his/her civil obligation on time; may perform the civil obligation before the specified time limit only if the obligee so consents; if the obligor has performed the obligation before the specified time limit at his/her own will and the obligee has accepted such performance, the obligation shall be considered to have been performed on time.
2. In cases where the time limit for the performance of a civil obligation has not been agreed upon by the parties or specified by the law, the parties may perform the obligation or request the performance of the obligation at any time, but must notify each other in advance within a reasonable period of time.
Article 286.- Delay in performance of civil obligations
1. The delay in performance of a civil obligation means the obligation has not been performed yet or has been partially performed upon the expiration of the time limit for performance of the obligation.
2. The party that delays the performance of a civil obligation must immediately notify the obligee of the non-performance of the obligation on time.
Article 287.- Postponement of performance of civil obligations
1. When it is impossible to fulfill a civil obligation on time, the obligor must immediately inform the obligee thereof and propose the postponement of the performance of the obligation.
In case of failure to inform the obligee, the obligor must compensate for the arising damage, except in cases where it is otherwise agreed upon or the notification cannot be made due to objective causes.
2. The obligor may postpone the performance of an obligation if the obligee so agrees. The postponed performance of a civil obligation shall still be considered a timely performance.
Article 288.- Delay in acceptance of performance of civil obligations
1. The delay in acceptance of the performance of a civil obligation means that, upon the expiration of the time limit for the fulfillment of the civil obligation, the obligor has already fulfilled the civil obligation as agreed upon, but the obligee does not accept the performance of such obligation.
2. In case of delay in accepting the civil obligation's object being a property, the obligor must take necessary measures to preserve the property and shall be entitled to request the reimbursement of reasonable expenses.
3. With respect to a property which is in imminent danger of decay, the obligor shall have the right to sell such property and return the proceeds from the sale of such property to the obligee after deducting necessary expenses for the preservation and sale of such property.
Article 289.- Performance of the obligation to hand over objects
1. The person obliged to hand over an object must preserve and maintain the object until the hand-over thereof.
2. When the object to be handed over is a distinctive object, the obligor must hand over the exact object in the exact conditions as committed; if the object to be handed over is a fungible object, it must be handed over in the exact quality and quantity as agreed upon. If there is no agreement regarding the quality, the object to be handed over must be of average quality; if it is an integrative object, it must be handed over in sets.
3. The obligor must bear all expenses related to the hand-over of the object, unless otherwise agreed upon.
Article 290.- Performance of the obligation to pay money
1. The obligation to pay money must be performed in full amount, on time, at the right place and by the right mode agreed upon.
2. The obligation to pay money shall cover the payment of interests on principals, except otherwise agreed upon.
Article 291.- The obligation to perform or not to perform a task
1. The obligation to perform a task is the obligation under which the obligor is obliged to perform that very task.
2. The obligation not to perform a task is the obligation under which the obligor is obliged not to perform that very task.
Article 292.- Periodic performance of a civil obligation
A civil obligation can be performed periodically, if so agreed upon or provided for by law.
The delay in periodic performance of a civil obligation shall also be considered the delay in performance of the civil obligation.
Article 293.- Performance of a civil obligation through a third party
With the obligee's consent, the obligor may delegate a third party to perform the civil obligation on his/her/its behalf but shall still be accountable to the obligee if the third party does not perform or performs the civil obligation improperly.
Article 294.- Conditional performance of a civil obligation
In cases where the conditions for the performance of a civil obligation are agreed upon by the parties or provided for by law, the obligor must perform the obligation when such conditions arise.
Article 295.- Performance of a civil obligation with optional objects
1. A civil obligation with an optional object means an obligation with an object being one of many different properties or tasks, which the obligor may choose at his/her/its free will, unless where it is agreed upon or it is provided for by law that the right of choice is reserved for the obligee.
2. The obligor must notify the obligee of the property or task selected for the performance of the obligation. Where the obligee has determined the time limit for performance of the selected obliga-tion, the obligor must fulfill it on time.
3. In cases where only one property or one task is left, the obligor must hand over such property or perform such task.
Article 296.- Performance of a substitutable civil obligation
A substitutable civil obligation is an obligation whereby if the obligor cannot perform the original obligation, he/she/it may perform another obligation accepted by the obligee as a substitute for such civil obligation.
Article 297.- Separate performance of a civil obligation
When many obligors jointly perform a civil obligation but each obligor has a certain part of the obligation separate from each other's, each obligor shall only have to perform his/her/its own part of the obligation.
Article 298.- Performance of a joint civil obligation
1. A joint civil obligation is an obligation which must be performed by many obligors and the obligee may request any one of the obligors to perform the entire obligation.
2. In cases where an obligor has fulfilled the entire obligation, he/she/it shall have the right to request the other joint obligors to fulfill their respective parts of the joint obligation towards him/her/it.
3. In cases where the obligee has already designated one of the joint obligors to perform the entire obligation, but later exempts that obligor from performing that obligation, the remaining obligors shall also be exempted from performing the obligation.
4. In cases where the obligee exempts only one of the joint civil obligors from performing his/her/its own part of the obligation, the remaining obligors shall still have to fulfill their own parts of the obligation.
Article 299.- Performance of a civil obligation for joint obligees
1. A civil obligation for many joint obligees is an obligation whereby each obligee may request the obligor to perform the entire obligation.
2. The obligor may perform his/her/its own obligation toward any of the joint obligees.
3. In cases where one of the joint obligees exempts the obligor from performing the part of the obligation toward him/her/it, the obligor must still perform the remainder of the obligation toward the other joint obligees.
Article 300.- Performance of divisible civil obligations
1. A divisible civil obligation is an obligation whereby the object of the obligation is a divisible thing or a task which can be divided into parts for performance.
2. The obligor may perform the obligation part by part, unless otherwise agreed upon.
Article 301.- Performance of indivisible civil obligations
1. An indivisible civil obligation is an obligation whereby the object of the obligation is an indivisible thing or a task which must be performed simultaneously.
2. In cases where many obligors must jointly perform an indivisible obligation, they must perform the obligation simultaneously.
Article 302.- Civil liability for breach of civil obligations
1. An obligor that fails to perform or performs improperly his/her/its obliga-tion must bear civil liability to the obligee.
2. In cases where an obligor cannot perform a civil obligation due a force majeure event, he/she/it shall not have to bear any civil liability, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
3. The obligor shall not have to bear civil liability if he/she/it can prove that the failure to perform the obligation is due entirely to the fault of the obligee.
Article 303.- Civil liability for failure to perform the obligation to hand over objects
1. When the obligor fails to perform the obligation to hand over a distinctive object, the obligee is entitled to demand the obligor to hand over that exact object; if the object no longer exists or is damaged, the obligor must pay for the value of the object.
2. When the obligor fails to perform the obligation to deliver a fungible object, he/she/it must pay for the value of the object.
3. Where the obligor cannot perform the obligation as provided for in Clauses 1 and 2 of this Article and cause damage to the obligee, apart from paying for the value of the object, he/she/it must also pay compensation for damage to the obligee.
Article 304.- Civil liability for failure to perform an obligation to perform or not to perform a task
1. In cases where the obligor fails to perform a task he/she/it must perform, the obligee may request the obligor to keep performing it or perform the task him/her/itself or assign another person to perform such task and demand the obligor to pay for the reasonable expenses incurred and to pay compensation for damage.
2. When the obligor is not allowed to perform a task but still performs such task, the obligee is entitled to demand the obligor to terminate such performance, restore the initial condition and pay compensation for damage.
Article 305.- Civil liability for delayed performance of civil obligations
1. When the performance of a civil obligation is delayed, the obligee may extend the time limit so that the obligor can fulfill the obligation; if this time limit has expired and the obligation remains unfulfilled, the obligor must, at the request of the obligee, still perform the obligation and pay compensation for damage; if the performance of the obligation is no longer necessary to the obligee, the obligee shall have the right to refuse to accept the performance of the obligation and demand compen-sation for damage.
2. In cases where the obligor delays making payments, such obligor must pay the interests on the unpaid amount at the basic interest rate announced by the State Bank at the time of payment corresponding to the period of delayed payment, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
Article 306.- Civil liability for delayed acceptance of the performance of civil obligations
The obligee that delays accepting the performance of a civil obligation, thus causing damage to the obligor, must compensate the obligor for the damage and bear all the risks arising as from the time of delaying the acceptance, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
Article 307.- Liability to compen-sate for damage
1. The liability to compensate for damage includes the liability to compen-sate for material damage and the liability to compensate for mental damage.
2. The liability to compensate for material damage is the liability to make up for the actual material losses caused by the breaching party, which can be calculated in money and include the loss of property, reasonable expenses incurred in preventing, mitigating and/or redressing the damage and the actual loss or reduction of income.
3. A person causing mental damage to another person by infringing upon the life, health, honor, dignity or prestige of such person shall have to pay pecuniary compensation to the victim in addition to stopping the infringement, offering an apology and making public rectification.
Article 308.- Fault in civil liability
1. A person who does not perform or performs improperly a civil obligation must bear civil liability if he/she is at fault either intentionally or unintentionally, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
2. Intentionally causing damage means a situation in which a person is fully aware that his/her act will cause damage to another person and still performs the act, thereby allowing the damage to occur whether intentionally or unintentionally.
Unintentionally causing damage means a situation in which a person does not foresee that his/her act may cause damage, though he/she must have known or can know in advance that such damage will occur, or foresees that his/her act may act cause damage but believes that the damage would not occur or can be prevented.
Section 4. TRANSFER OF THE RIGHT TO DEMAND AND TRANSFER OF CIVIL OBLIGATIONS
Article 309.- Transfer of the right to demand
1. An obligee having the right to demand the improperly of a civil obligation may transfer that right to a transferee under agreement, except for the following cases:
a/ The right to demand support payment and to demand compensation for damage caused by infringement upon his/her life, health, honor, dignity or prestige;
b/ The obligee and the obligor have agreed not to transfer the right to demand;
c/ Other cases provided for by law.
2. When an obligee transfers the right to demand to a transferee, the later shall become the obligee holding the right to demand.
The transferor of the right to demand must notify the obligor in writing of the transfer of the right to demand. The transfer of the right to demand does not require the consent of the obligor, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
Article 310.- Forms of transfer of the right to demand
1. The transfer of the right to demand shall be expressed in writing or orally.
2. In cases where it is provided for by law that the transfer of the right to demand must be expressed in writing, notarized, or authenticated, registered or permitted, such provisions must be complied with.
Article 311.- The obligation to provide information and transfer papers
1. The transferor of the right to demand must provide necessary information and transfer the relevant papers to the transferee.
2. The transferor of the right to demand who breaches the obligation provided for in Clause 1 of this Article and causes damage shall have to compensate for the damage.
Article 312.- Non-liability after transferring the right to demand
The transferor of the right to demand shall not have to bear liability for the obligor's capability to perform the obliga-tion, unless otherwise agreed upon.
Article 313.- Transfer of the right to demand with measures to secure the performance of civil obligations
In cases where the right to demand the performance of civil obligations involves security measures, the transfer of the right to demand shall also include such security measures.
Article 314.- The obligor's right of refusal
1. In cases where the obligor is not notified of the transfer of the right to demand or the transferee cannot prove the authenticity of the transfer of the right to demand, the obligor shall have the right to refuse the performance of obligation toward the transferee.
2. In cases where the obligor is not notified of the transfer of the right to demand and has already performed the obligation toward the transferor of the right to demand, the transferee must not demand the obligor to perform the obligation toward him/her/it.
Article 315.- Transfer of civil obligations
1. The obligor may transfer a civil obligation to a substitute obligor, if it is so consented by the obligee, except in cases where the obligation is connected with the personal identity of the obligor or where it is provided for by law that such obligation must not be transferred.
2. When being transferred an obligation, the substitute obligor shall become the obligor.
Article 316.- Forms of transfer of civil obligations
1. The transfer of a civil obligation shall be expressed either in writing or orally.
2. Where it is provided for by law that the transfer of obligation must be expressed in writing, notarized or authenticated, registered or permitted, such provisions must be complied with.
Article 317.- Transfer of civil obligations with security measures
In cases where a secured civil obligation is transferred, the security measures shall terminate, unless otherwise agreed upon.
Section 5. SECURITY FOR THE PERFORMANCE OF CIVIL OBLIGATIONS
Article 318.- Measures to secure the performance of civil obligations
1. The measures to secure the performance of civil obligations include:
a/ Pledge of property;
b/ Mortgage of property;
c/ Deposit;
d/ Security collateral;
e/ Escrow account;
f/ Guaranty;
g/ Pledge of trust.
2. In cases where the security measures are agreed upon by the parties or provided for by law, the obligor must implement those security measures.
Article 319.- Scope of security for the performance of a civil obligation
1. A civil obligation may be partially or fully secured as agreed upon or as provided for by law; if the scope of security is not agreed upon or provided for by law, the obligation shall be regarded as fully secured, including the obligation to pay interests and compensation for damage.
2. The parties may agree on measures to secure the performance of civil obligations in order to secure the performance of assorted obligations, including current obligations, future obligations or conditional obligations.
Article 320.- Objects used to secure the performance of civil obligations
1. Objects used to secure the performance of civil obligations must be under the ownership rights of the securing party and be permitted for transaction.
2. Objects used to secure the performance of civil obligations are the existing objects or objects to be formed in the future. Objects to be formed in the future are movable property or immovable property under the ownership of the securing party after the time the obligations are established or the security transactions are entered into.
Article 321.- Monies, valuable papers used to secure the performance of civil obligations
Monies, bonds, shares, promissory notes and other valuable papers can be used to secure the performance of civil obligations.
Article 322.- Property rights used to secure the performance of civil obligations
1. Property rights owned by the securing party, including property rights arising from copyrights, industrial property rights, rights to plant varieties, the right to claim debts, the right to receive insurance indemnities for secured objects, property rights to capital amounts contributed to enterprises, property rights arising from contracts and other property rights of the securing party, may all be used to secure the performance of civil obligations.
2. Land use rights may be used to secure the performance of civil obligations in accordance with the provisions of this Code and the law on land.
3. The right to exploit natural resources shall be used to secure the performance of civil obligations in accordance with the provisions of this Code and the law on natural resources.
Article 323.- Registration of secured transactions
1. Secured transactions are civil transactions for which, as agreed upon by the parties or provided for by law, the application of security measures defined in Clause 1, Article 318 of this Code, is required.
2. The registration of secured transactions shall be carried out in accordance with the provisions of law on registration of secured transactions. The registration shall constitute a condition for secured transactions to be effective only in cases where it is so provided for by law.
3. Where secured transactions are registered under the provisions of law, such secured transactions shall be legally valid for a third party as from the time of registration.
Article 324.- Property used to secure the performance of many civil obligations
1. A property can be used to secure the performance of many civil obligations, if its value at the time of establishment of the secured transaction is greater than the total value of all secured obligations, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
2. In cases where a property is used to secure the performance of many obligations, the securing party must notify the subsequent secure that the security property is being used to secure the performance of another obligation. Each time of security must be made in writing.
3. In cases where property must be disposed of to secure the performance of a due obligation, the other obligations, though being undue, shall be considered being due and all the secures are entitled to participate in the disposal of the property. The secure that has notified the disposal of the property shall have to dispose of the property, unless otherwise agreed upon by the secures.
In cases where the parties wish to continue performing the undue obligations, they may reach agreement on the use of other property by the securing party to secure the performance of undue obligations.
Article 325.- Priority order of payment
The payment priority order under the disposal of security property shall be determined as follows:
1. In cases where the secured transactions are registered, the payment priority order upon the disposal of security property shall be determined according to the registration order;
2. In cases where one property is used to secure the performance of many civil obligations with registered secured transactions and unregistered secured transactions as well, priority shall be given to the payment of registered secured transactions;
3. In cases where one property is used to secure the performance of many civil obligations with all secured transactions being unregistered, the payment priority order shall be determined according to the order of establishment of secured transactions.
Article 326.- Pledge of property
The pledge of a property is a transaction in which a party (hereinafter referred to as the pledgor) hands over a property to the other party (hereinafter referred to as the pledgee) to secure the performance of a civil obligation(s).
Article 327.- Forms of pledge of property
The pledge of property must be established in writing, either in a separate document or incorporated in a principal contract.
Article 328.- Effect of pledge of property
A pledge of property shall take effect as from the time of handing over the property to the pledgee.
Article 329.- Duration of pledge of property
The duration of a pledge of property shall be agreed upon by the parties. In the absence of such agreement, the pledge duration shall be counted till the termination of the obligation secured by the pledge.
Article 330.- Obligations of the property pledgor
The property pledgor shall have the following obligations:
1. To hand over the pledged property to the pledgee as agreed upon;
2. To notify the pledgee of the right of a third party to the pledged property, if any; in the absence of such notification, the pledgee shall have the right to cancel the property pledge contract and demand compensation for damage, or to maintain the contract and accept the rights of the third party to the pledged property;
3. To pay the pledgee reasonable expenses incurred for maintaining and preserving the pledged property, unless otherwise agreed upon.
Article 331.- Rights of the property pledgor
The property pledgor shall have the following rights:
1. To demand that the pledgee suspend the use of the pledged property in the cases specified in Clause 3, Article 333 of this Code, if such use puts the pledged property in danger of loss or depreciation of its value;
2. To sell the pledged property, if so agreed by the pledgee;
3. To replace the pledged property with another property, if so agreed upon;
4. To demand that the pledgee that keeps the pledged property return the pledged property when the obligation secured by the pledge has terminated;
5. To demand that the pledgee compensate for damage caused to the pledged property.
Article 332.- Obligations of the property pledgee
The property pledgee shall have the following obligations:
1. To maintain and preserve the pledged property; if causing loss of, or damage to, the pledged property, to pay compensation for damage to the pledgor;
2. Not to sell, exchange, donate, lease, or lend the pledged property; not to use the pledged property to secure the performance of another obligation;
3. Not to exploit the utility of, or enjoy the yields and/or profits from, the pledged property, if not so consented by the pledgor;
4. To return the pledged property upon the termination of the obligation which is secured by the pledge or when it is replaced by another security measure.
Article 333.- Rights of the property pledgee
The property pledgee shall have the following rights:
1. To demand that the person unlawfully possessing or using the pledged property return the property;
2. To demand that the pledged property be disposed of in the manner as agreed upon or provided for by law for the performance of an obligation;
3. To exploit the utility of, and enjoy the yields and/or profits from, the pledged property, if so agreed upon;
4. To be paid reasonable expenses for the preservation of the pledged property when returning the pledged property to the pledgor.
Article 334.- Pledge of many properties
In cases where many properties are pledged to secure the performance of one civil obligation, each property shall be determined as securing the performance of the entire obligation. The parties may also agree that each property secures the performance of a part of the obligation.
Article 335.- Cancellation of pledge of property
The pledge of a property may be cancelled, if so consented by the pledgee.
Article 336.- Disposal of pledged property
In cases where the time for performing the civil obligation becomes due and the pledgor has failed to perform or has performed the obligation not in accordance with the agreement, the pledged property shall be disposed of by the mode agreed upon by the parties or be auctioned under the provisions of law for the performance of the obligation. The pledgee shall be given priority to receive payment from the proceeds of the sale of the pledged property.
Article 337.- Disposal of pledged property involving many objects
In cases where a pledged property comprises many objects, the pledgee may choose specific property for disposal, unless otherwise agreed upon. The pledgee may only handle a number of necessary property corresponding to the value of the secured obligation; in case of disposal in excess of the number of necessary property, causing damage to the pledgor, the pledgee must pay compensation therefor to the pledgor.
Article 338.- Payment of proceeds from the sale of pledged property
The proceeds from the sale of the pledged property shall be used for fulfillment of obligations toward the pledgee after deducting the expenses for preservation and sale of the property and other necessary expenses related to the disposal of the pledged property; in cases where the secured obligation is a loan, the payment shall be made to the pledgee in the order of principal, interest, fine and pecuniary compensation for damage, if any; the remaining proceeds, if any, must be returned to the pledgor; if the sale proceeds are insufficient, the pledgor must pay the deficit.
Article 339.- Termination of pledge of property
The pledge of property shall terminate in the following cases:
1. The obligation secured by the pledge has terminated;
2. The pledge of property has been cancelled or substituted by another security measure;
3. The pledged property has been disposed of;
4. It is so agreed by the parties.
Article 340.- Return of pledged property
When the pledge of property is terminated as provided for in Clauses 1 and 2 of Article 339 of this Code, the pledged property and ownership right certificates shall be returned to the pledgor. Yields and profits received from the pledged property shall also be returned to the pledgor, unless otherwise agreed upon.
Article 341.- Pledge of property at pawn shops
The pledge of property at pawn shops shall comply with the provisions of Articles 326 thru 340 of this Code and other legal documents regarding activities of pawn shops.
Article 342.- Mortgage of property
1. The mortgage of property means the use by a party (hereinafter referred to as the mortgagor) of his/her/its own property to secure the performance of a civil obligation toward the other party (hereinafter referred to as the mortgagee) without transferring such property to the mortgagee.
In cases where an entire immovable or movable property containing an auxiliary object is mortgaged, the auxiliary object of such immovable or immovable property shall also belong to the mortgaged property.
In cases where only part of the immovable or movable property containing an auxiliary object is mortgaged, the auxiliary object shall belong to the mortgaged property, unless otherwise agreed upon by the parties.
The mortgaged property can also be the property to be formed in the future.
2. The mortgaged property shall be held by the mortgagor. The parties may agree to let a third party keep the mortgaged property.
3. The mortgage of land use rights shall comply with the provisions of Articles 715 thru 721 of this Code and other relevant provisions of law.
Article 343.- Forms of property mortgage
The mortgage of property must be made in writing, either in a separate document or incorporated in a principal contract. Mortgage documents must be notarized, authenticated or registered, if so provided for by law.
Article 344.- Duration of mortgage
The parties shall agree on the duration of a mortgage of property; in the absence of such agreement, the mortgage shall last until the termination of the obligation secured by the mortgage.
Article 345.- Mortgage of property currently being leased
A property that is being leased may also be mortgaged. Yields and profits received from the lease of property shall belong to the mortgaged property, if it is so agreed upon or provided for by law.
Article 346.- Mortgage of insured property
1. In cases where a mortgaged property is insured, the insurance coverage shall also belong to the mortgaged property.
2. The mortgagee must notify the insurance organization that the insured property is being used as mortgage. The insurance organization shall pay the insurance indemnities directly to the mortgagee upon the occurrence of an insured incident. In cases where the mortgagee fails to notify the insurance organization that the insured property is being used as mortgage, the insurance organization shall pay indemnities under the insurance contract and the mortgagor is obliged to make payment to the mortgagee.
Article 347.- Mortgage of many properties to secure the performance of one civil obligation
In cases where many properties are mortgaged to secure the performance of one civil obligation, each property shall be determined as securing the performance of the entire obligation. The parties may also agree that each property secures the performance of part of the obligation.
Article 348.- Obligations of the property mortgagor
The property mortgagor shall have the following obligations:
1. To preserve and maintain the mortgaged property;
2. To apply necessary remedial measures, including the cessation of the exploitation of the utility of the mortgaged property, if due to such exploitation the mortgaged property is in the danger of loss or depreciation of its value;
3. To notify the mortgagee of a third party's rights to the mortgaged property, if any; in case of non-notification, the mortgagee may cancel the property mortgage contract and demand compensation for damage or maintain the contract and accept the third party's rights to the mortgaged property;
4. Not to sell, exchange or donate the mortgaged property, except for the cases specified in Clauses 3 and 4, Article 349 of this Code.
Article 349.- Rights of the property mortgagor
The property mortgagor shall have the following rights:
1. To exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the property, except in cases where the yields and profits also belong to the mortgaged property as agreed upon;
2. To invest so as to increase the value of the mortgaged property;
3. To sell, replace the mortgaged property if such property is a commodity circulated in the process of production and/or business;
In case of sale of the mortgaged property being a commodity circulated in the process of production and/or business, the right to demand the purchaser pay the money, the sale proceeds or the property formed from the sale proceeds shall become the mortgaged property in replacement of the sold property;
4. To sell, exchange or donate the mortgaged property other than a commodity circulated in the process of production and/or business, if so agreed by the mortgagee;
5. To lease, lend the mortgaged property but with the notification to the lessee or the borrower that the leased or lent property is being mortgaged, and to have to notify such to the mortgagee;
6. To reclaim the mortgaged property held by a third party, when the obligation secured by the mortgage is terminated or secured by another measure.
Article 350.- Obligations of the property mortgagee
The property mortgagee shall have the following obligations:
1. To return to the mortgagor the papers on the mortgaged property upon termination of the mortgage in cases where the parties agree that the mortgagee keeps the papers on the mortgaged property;
2. To request a state agency competent to register secured transactions to delete the registration in the cases specified in Articles 355, 356 and 357 of this Code.
Article 351.- Rights of the property mortgagee
The property mortgagee shall have the following rights:
1. To demand that the lessee or the borrower of the mortgaged property in the case specified in Clause 5, Article 349 of this Code terminate the use of the mortgaged property, if such use causes the loss or decrease of the value of such property;
2. To directly check and inspect the mortgaged property but not to hinder or cause difficulty to the use or exploitation of the mortgaged property;
3. To demand that the mortgagor supply information on the actual conditions of the mortgaged property;
4. To demand that the mortgagor apply necessary measures to preserve the property, the property value in cases where exists the danger of causing the loss or decrease of value of the property due to the exploitation and use thereof;
5. To demand that the mortgagor or a third party that keeps the mortgaged property return such property for disposal in cases where the time for fulfillment of the obligation becomes due while the obligagor fails to perform or improperly performs the obligation;
6. To supervise and inspect the process of property formation in case of mortgaging the property to be formed in the future;
7. To request the disposal of the mortgaged property in accordance with the provisions of Article 355 or Clause 3 of Article 324 of this Code and to be given priority in the settlement of payments.
Article 352.- Obligations of a third party holding mortgaged property
A third party holding the mortgaged property shall have the following obligations:
1. To maintain and preserve the mortgaged property; if causing loss of the mortgaged property, the loss or decrease of the value of the mortgaged property, to pay compensation therefor;
2. To discontinue the exploitation of the utility of the mortgaged property, in the case specified in Clause 1, Article 353 of this Code, if the continued exploitation thereof may put the mortgaged property in the danger of losing or decreasing its value;
3. To hand back the mortgaged property to the mortgagee or the mortgagor as agreed upon.
Article 353.- Rights of the third party holding mortgaged property
The third party holding the mortgaged property shall have the following rights:
1. To exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the mort-gaged property, if it is so agreed upon;
2. To be paid the remuneration and the expenses for maintenance and preservation of the mortgaged property, unless otherwise agreed upon.
Article 354.- Replacement and repair of mortgaged property
1. The mortgagor may replace the mortgaged property only when it is so consented by the mortgagee, unless otherwise agreed upon, except for the case specified in Clause 3, Article 349 of this Code.
2. In case of mortgage of a warehouse, the mortgagor may replace commodities in the warehouse, but must strictly ensure the value of the ware-housed commodities as agreed upon.
3. When the mortgaged property is damaged, the mortgagor must repair the mortgaged property within a reasonable time or replace the mortgaged property with a similar value, unless otherwise agreed upon.
Article 355.- Disposal of mortgaged property
In cases where the time for performing a civil obligation becomes due and the obligor has failed to perform or has improperly performed the obligation, the mortgaged property shall be disposed of in accordance with the provisions of Articles 336 and 338 of this Code.
Article 356.- Cancellation of property mortgage
A property mortgage may be cancelled if the mortgagee so consents, unless otherwise provided for by law.
Article 357.- Termination of property mortgage
A property mortgage shall terminate in the following cases:
1. The obligation secured by the mortgage has been terminated;
2. The property mortgage is cancelled or replaced with another security measure;
3. The mortgaged property has been disposed of;
4. It is so agreed upon by the parties.
1. Deposit is an act whereby one party transfers a sum of money or precious metals, gems or other valuable things (hereinafter referred to as the deposited property) to another party for a specified time limit to secure the entry into, or the performance of, a civil contract.
Deposit must be established in writing.
2. In cases where a civil contract is entered into or performed, the deposited property shall be returned to the depositor or deducted for the performance of a payment obligation; if the depositor refuses to enter into or perform the civil contract, the deposited property shall belong to the depositary; if the depositary refuses to enter into or perform the civil contract, he/she/it must return the deposited property and pay a sum of money equivalent to the value of the deposited property to the deposi-tor, unless otherwise agreed upon.
Article 359.- Security collateral
1. Security collateral is an act whereby a lessee of a movable property transfers a sum of money or precious metals, gems or other valuable things (hereinafter referred to as security collateral property) to the lessor for a specified time limit to secure the return of the leased property.
2. In cases where the leased property is returned, the lessee shall be entitled to reclaim the security collateral property after deducting the rental; if the lessee does not return the leased property, the lessor shall be entitled to reclaim the leased property; if the leased property is no longer available for the return, the security collateral property shall belong to the lessor.
1. Escrow account is an act whereby an obligor deposits a sum of money, precious metals, gems or valuable papers into a blocked bank account to secure the performance of a civil obligation.
2. In cases where the obligor has failed to perform or has improperly performed an obligation, the obligee shall be entitled to receive payment and compensation for damage caused by the obligor from the bank where the escrow account is effected, after deducting the bank service charges.
3. The procedures for deposit and payment shall be specified by the law on banking.
Guaranty is an act whereby a third party (hereinafter referred to as the guarantor) commits with the obligee (hereinafter referred to as the guarantee) to perform an obligation for the obligor (hereinafter referred to as the guaranteed), when the obligation becomes due and the guaranteed has failed to perform or has improperly performed the obligation. The parties may also agree that the guarantor shall only be liable to perform the obligation when the guaranteed is incapable of performing its obligation.
Article 362.- Forms of guaranty
The guaranty must be made in writing, either in a separate document or incorporated in the principal contract. Guarantee documents must be notarized or authenticated in cases where it is so provided for by law.
Article 363.- Scope of guaranty
A guarantor may undertake to guarantee a part or whole of the obligation for the guaranteed.
The guaranty obligation includes interest on the principal, fines and damages, unless otherwise agreed upon.
The guarantor shall be entitled to remuneration if so agreed upon between the guarantor and the guaranteed.
Article 365.- Joint guarantors
When more than one person undertake to guarantee an obligation, they must perform jointly the guaranty, except in cases where they agree or it is provided for by law that the guaranty shall be in independent shares; the obligee may demand that anyone of the joint guarantors perform the entire obligation.
When one of the joint guarantors has performed the entire obligation for the guaranteed, he/she/it shall have the right to demand that the other guarantors perform their shares of the obligation to him/her/it.
Article 366.- Relationship between the guarantor and the guarantee
1. The guarantee must not demand that the guarantor perform an obligation for the guaranteed when the obligation has not become due.
2. The guarantor shall not have to perform the guaranty obligation in cases where the guarantee can offset the obligation with the guaranteed.
Article 367.- The guarantor's right to demand
When the guarantor has fulfilled his/her/its obligation, he/she/it shall have the right to demand the guaranteed to perform his/her/its obligation towards guarantor within the scope of the guaranty, if not otherwise agreed upon.
Article 368.- Waiver of the performance of guaranty
1. In cases where the guarantee exempt the guarantor from the performance of obligation, the guaranteed shall still have to perform the obligation towards the guarantee, except in cases where it is agreed upon or provided for by law that the guaranty must be performed jointly.
2. In cases where one of the joint guarantors is exempted from performing his/her/its part of the guaranty, the other joint guarantors shall still have to perform their parts of the guaranty.
Article 369.- Disposal of the property of the guarantor
In cases when the time limit for performing the obligation for the guaranteed becomes due and the guarantor has failed to perform or has improperly performed the obligation, the guarantor must use his/her/its own property to make payments for the guarantee.
Article 370.- Cancellation of guaranty
A guaranty may be cancelled if the guarantee so consents, unless otherwise provided for by law.
Article 371.- Termination of guaranty
A guaranty shall be terminated in the following cases:
1. The obligation secured by the guaranty is terminated;
2. The guaranty is cancelled or is replaced by another security measure;
3. The guarantor has performed the guaranty obligation;
4. It is so agreed upon by the parties.
Article 372.- Pledge of trust guaranty by socio-political organizations
Local socio-political organizations may guarantee by way of pledge of trust for poor individuals and households to borrow sums of money from banks or other credit institutions for production, business or provision of services in accordance with regulations of the Government.
Article 373.- Forms of pledge of trust guarantee
Loans involving the pledge of trust security must be made in writing, clearly stating the loan amounts, purpose of the loans, terms of the loans, interest rates, rights, obligations and responsibilities of the borrowers, the lending banks or credit institutions and the guaranteeing organizations.
Section 6. TERMINATION OF CIVIL OBLIGATIONS
Article 374.- Bases for termination of a civil obligation
A civil obligation shall terminate in the following cases:
1. The obligation is fulfilled;
2. It is so agreed upon by the parties;
3. The obligee waives the performance of the obligation;
4. The obligation is replaced by another civil obligation;
5. The obligation is offset;
6. The obligee and the obligor merge;
7. The statute of limitations for exemption from the civil obligation has expired;
8. The obligor being an individual dies or the obligor being a legal person or other subject ceases to exist while that obligation must be performed by that very individual or legal person;
9. The obligee being an individual dies and whose right to demand does not belong to the inheritance or the obligee being a legal person ceases to exist and the right to demand must not be transferred to another legal person or subject;
10. A distinctive object, as the object of the obligation, ceases to exist and is replaced by another civil obligation.
11. Other cases provided for by law.
Article 375.- Fulfillment of civil obligations
A civil obligation shall be deemed completed when the obligor has performed the entire obligation or part of the obligation but the remaining parts are exempted by the obligee from the performance.
Article 376.- Fulfillment of a civil obligation in cases where the obligee delays accepting the object of the obligation
1. When the obligee delays accepting the object of an obligation, which is an object, the obligor must preserve the object or may deposit it for safekeeping at a place of bailment and must immediately notify the obligee thereof. The party delaying the acceptance must bear all risks and expenses relating to its bailment.
The obligation to deliver an object shall be completed at the time it is bailed in accordance with the quantity, quality and other conditions agreed upon by the parties.
2. In cases where the object of an obligation is money or valuable papers and the obligee delays accepting the object of the obligation, the obligor may also deposit such object at a place of bailment and must immediately notify the obligee thereof; the obligation shall be considered having been completed at the time of bailment.
Article 377.- Termination of civil obligations by agreement
The parties may agree to terminate a civil obligation at any time, provided that such does not harm State interests, public interests or legitimate rights and interests of other persons.
Article 378.- Termination of civil obligations due to waiver of the performance of obligations
1. A civil obligation shall terminate when the obligee waives the performance of obligation for the obligor, unless otherwise provided for by law.
2. When a secured obligation is waived, the security arrangement shall also terminate.
Article 379.- Termination of a civil obligation by substitution with another civil obligation
1. In cases where the parties agree to substitute the original civil obligation with another civil obligation, the original civil obligation shall terminate.
2. The civil obligation shall also terminate if the obligee has accepted another property or another task as a substitute for the property or the task previously agreed upon.
3. In cases where the civil obligation is an obligation to provide support payment, to pay compensation for damage due to infringement on the life, health, honor, dignity and reputation, or other personal obligation which cannot be transferred to other person, then it shall not be substituted with another obligation.
Article 380.- Termination of civil obligations by offsetting obligations
1. In cases where two parties have reciprocal obligations with respect to properties of the same type and both of which are due, they shall not have to perform obligations to each other and the obligations shall be deemed terminated, except otherwise provided for by law.
2. In cases where the values of the properties or the tasks are different, the parties shall pay the difference in value to each other.
3. Objects which can be valued in money may be used to offset the payment obligation.
Article 381.- Cases where civil obligations must not be offset
A civil obligation must not be offset in the following cases:
1. The civil obligation is in dispute;
2. The obligation is to compensate for damage to life, health, dignity, honor or reputation;
3. The obligation is to provide support payment;
4. Other obligations provided for by law.
Article 382.- Termination of civil obligations when the obligor and the obligee merge
When the obligor becomes the obligee with respect to that particular obligation, the civil obligation shall terminate.
Article 383.- Termination of civil obligations due to expiration of the statute of limitations for exemption from civil obligations
When the statute of limitations for exemption from civil obligations expires, the obligations shall terminate.
Article 384.- Termination of civil obligations when the obligor being an individual dies or being a legal person, or another subject ceases to exist
When it is agreed upon by the parties or provided for by law that the obligation must be performed by the obligor him/her/itself, but such individual has died or the legal person or other subject has ceased to exist, then that obligation shall terminate.
Article 385.- Termination of civil obligations when the obligee being an individual dies or being a legal person or other subject ceases to exist
When it is agreed upon by the parties or provided for by law that the obligation shall be performed only for the individual, the legal person or the other subject, that is the obligee, but such individual has died or such legal person or other subject has ceased to exist, then that obligation shall also terminate.
Article 386.- Termination of civil obligation when distinctive objects no longer exist
The obligation to hand over an object shall terminate in cases where the object to be handed over is a distinctive object which no longer exists.
The parties may agree on the substitution with another object or compensation for damage.
Article 387.- Termination of civil obligations in case of bankruptcy
In case of bankruptcy, civil obligations shall terminate in accordance with the provisions of law on bankruptcy.
Article 388.- Definition of civil contracts
A civil contract is an agreement between the parties to establish, change or terminate civil rights and/or obligations.
Article 389.- Principles for entering into civil contracts
The entry into a civil contract must adhere to the following principles:
1. Freedom to enter into the contract, provided that it is not contrary to law and social ethics;
2. Voluntariness, equality, goodwill, cooperation, honesty and good faith.
Article 390.- Offering to enter into civil contracts
1. Offering to enter into a contract means the expression of the intention to enter into the contract and to be bound on this offer of the offering party to the other specified party.
2. In cases where the offer to enter into a contract clearly state the time limit for reply and the offer or enters into the contract with a third party within such time limit, he/she/it must pay compensation for damage to the offeree and must not enter into the contract if damage is caused.
Article 391.- Time when an offer to enter into a civil contract takes effect
1. The time when an offer to enter into a civil contract takes effect shall be determined as follows:
a/ It is fixed by the offeror;
b/ If the offeror does not fix such time, the offer to enter into a civil contract shall take effect from the time the offeree receives such offer.
2. An offer to enter into a contract shall be considered having already been received in the following cases:
a/ The offer is transferred to the place of residence, if the offeree is an individual; to the headquarters, if the offeree is a legal person;
b/ The offer is introduced into the official information system of the offeree;
c/ When the offeree knew the offer to enter into the contract by another mode.
Article 392.- Modification, revocation of offers to enter into civil contracts
1. The offeror may modify or revoke his/her offer to enter into a contract in the following cases:
a/ If the offeree receives the notice on modification or revocation of offer before or simultaneously with the time of receiving the offer;
b/ The conditions for modification or revocation of the offer arise in cases where the offeror has clearly stated the eligibility for modification or revocation of the offer when such conditions arise.
2. When the offeror changes the contents of the offer, such offer shall be considered a new offer.
Article 393.- Cancellation of offers to enter into contracts
Where the offeror exercises the right to cancel the offer as such right has been clearly stated in the offer, he/she/it must notify the offeree thereof and such notification shall take effect only when it is received by the offeree before the offeree replies to accept the offer to enter into the contract.
Article 394.- Termination of offers to enter into contracts
An offer to enter into a contract shall terminate in the following cases:
1. The offeree replies not to accept the offer;
2. The time limit for reply of acceptance has expired.
3. When the notice on modication or revocation of the offer takes effect;
4. When the notice on cancellation of the offer takes effect;
5. It is so agreed upon by the offeror and the offeree within the time limit for reply by the offeree
Article 395.- Offer modification proposed by the offeree
When the offeree accepts to enter into a contract but states the conditions therefore or modifies the offer, he/she/it shall be considered having made a new offer.
Article 396.- Acceptance of offers to enter into contracts
The acceptance of an offer to enter into a contract is the offeree’s reply to the offeror on the acceptance of the whole contents of the offer.
Article 397.- Time limit for reply of acceptance of an offer to enter into a contract
1. When the offeror fixes a time limit for reply, the reply of acceptance shall be effective only when it is made within that time limit; if the offeror receives the reply when the time limit for reply has expired, the acceptance shall be considered a new offer of the party late in replying.
In cases where the notice on acceptance of an offer to enter into a contract arrives late for objective reasons which the offeror knew or would have known, such notice on acceptance of the offer to enter into the contract remains effective, except for cases where the offeror immediately replies not to agree with such acceptance of the offeree.
2. When the parties are in direct contact, including contacts via telephone or other means, the offeree must immediately reply whether to accept the offer or not, except for cases where there in an agreement on the time limit for reply.
Article 398.- Cases where offerors die or lose their civil act capacity
In cases where the offeror dies or loses his/her civil act capacity after the offeree accepts to enter into the contract, the offer to enter into the contract remains valid.
Article 399.- Cases where offerees die or lose their civil act capacity
In cases where the offeree dies or loses his/her civil act capacity after making his/her reply to accept the offer to enter into the contract, the reply of acceptance to enter into the contract remains valid.
Article 400.- Revocation of notice on acceptance to enter into contracts
The offeree may revoke his/her notice on acceptance to enter into a contract if such notice arrives before or simultaneously with the time the offeror receives the reply of acceptance.
Article 401.- Forms of civil contract
1. A civil contract can be made orally, in writing or by specific acts, unless a specific form for such type of contract is provided for by law.
2. In cases where it is provided for by law that a contract must be expressed in writing with notarization or authentication, must be registered or permitted, such provisions shall be complied with.
Contracts shall not be invalidated in case of form-related breaches, unless otherwise provided for by law.
Article 402.- Contents of civil contracts
Depending on each type of contract, the parties may agree on the following contents:
1. Object of the contract, which is a property to be handed over, or a task to be performed or not to be performed;
2. Quantity and quality;
3. Price and mode of payment;
4. Time limit, place and mode of performing the contract;
5. Rights and obligations of the parties;
6. Liability for breach of contract;
7. Sanction against breach of contract;
8. Other contents.
Article 403.- Places of entry into civil contracts
The place where a civil contract is entered into shall be agreed upon by the parties; in the absence of such agreement, the place of entry into a civil contract shall be the place of residence of the individual or the head-office of the legal person that has made the offer to enter into the contract.
Article 404.- Time of entry into civil contracts
1. A civil contract shall be entered into at the time when the offeror receives the reply of acceptance to enter into the contract.
2. A civil contract shall also be considered having been entered into when the time limit for reply has expired and the offeree remains silent, if it is agreed upon by the parties that silence means the reply of acceptance.
3. The time of entry into an oral contract shall be the time at which the parties have agreed on the contents of the contract.
4. The time of entry into a written contract shall be the time at which the last party signs the contract.
Article 405.- Effect of civil contracts
Contracts that are legally entered into shall take effect from the time they are entered into, unless otherwise agreed upon or provided for by law.
Article 406.- Main types of civil contract
Contracts shall have the following main types:
1. Bilateral contract, which is a contract under which a party has the obligation to the other;
2. Unilateral contract, which is a contract under which only one party has the obligation;
3. Principal contract, which is a contract the effect of which does not depend on the auxiliary contract;
4. Auxiliary contract, which is a contract the effect of which depends on the principal contract;
5. Contract for the benefit of a third party, which is a contract under which the contracting parties must perform their obligations and the third party shall enjoy benefits from the performance of such obligations;
6. Conditional contract, which is a contract the performance of which depends on the occurrence, change or termination of a certain event.
Article 407.- Standardized contracts
1. A standardized contract is a contract which contains provisions prepared by one party according to a standard contract and given to the other party for reply within a reasonable period of time; if the offeree gives its reply of acceptance, he/she/it shall be considered having accepted the entire content of the standardized contract offered by the offeror.
2. In cases where a standardized contract contains ambiguous provisions, the offeror of the standardized contract shall bear adverse consequences of the interpretation of such provisions.
3. In cases where a standardized contract contains provisions exempting the liability of the offeror of the standardized contract, while increasing the responsibility or abolishing legitimate interests of the other party, such provisions shall not be valid, unless otherwise agreed upon.
Article 408.- Appendices to contracts
1. Appendices may be attached to a contract to detail some provisions of the contract. Appendices shall be as effective as the contract. The contents of appendices shall not be contrary to the contents of the contract.
2. In cases where appendices contain provisions contrary to the contractual provisions, such provisions shall not be valid, unless otherwise agreed upon. In cases where the parties accept appendices with provisions contrary to contractual provisions, such contractual provisions shall be considered having been amended.
Article 409.- Interpretation of civil contracts
1. When a contract contains ambiguous provisions, the interpretation of such provisions shall be based not only on the wording of the contract but also on the mutual intentions of the parties.
2. When a contractual provision may be construed in several meanings, the meaning which makes the implementation of such provision most beneficial to the parties shall be selected.
3. When a contract contains wordings that may be construed in different meanings, such wordings must be interpreted according to the meaning which is most appropriate to the nature of the contract.
4. When a contract contains a provision or wording that is difficult to understand, such provision or wording must be interpreted according to practices at the place where the contract is entered into.
5. When a contract lacks some provisions, such provisions may be supplemented according to practices at the place where the contract is entered into.
6. The provisions of a contract must be interpreted in relation to each other, so that the meanings of such provisions conform to the whole contents of the contract.
7. In case of contradiction between the mutual intentions of the parties and the contractual wordings, the mutual intentions of the parties shall be used for interpretation of the contract.
8. In cases where the advantageous party includes in the contract the contents unfavorable for the disadvantageous party, the interpretation of the contract must be made along the direction of benefiting the disadvantageous party.
Article 410.- Invalid civil contracts
1. The provisions on invalid civil transactions in Articles 127 thru 138 of this Code shall also apply to invalid contracts.
2. The invalidation of principal contracts shall terminate the auxiliary contracts, except in cases where the parties agree that the auxiliary contracts can replace the principal contracts. This provision shall not apply to the security measures for performance of civil obligations.
3. The invalidation of the auxiliary contracts shall not terminate the principal contracts, except for cases where the parties agree that the auxiliary contracts constitute inseparable parts of the principal contracts.
Article 411.- Civil contracts invalidated due to the existence of objects which cannot be realized
1. In cases where a contract, right at the time it is entered into, contains an object which cannot be realized for objective reasons, such contract shall be invalidated.
2. In cases where a contract is entered into and a party knew or would have known that the contract contains an object which cannot be realized but fails to notify such to the other party that has, therefore, entered into the contract, the former must pay damages to the other party, except for cases where the other party knew or would have known the object which cannot be realized.
3. The provisions of Clause 2 of this Article shall also apply to cases where a contract contains one or many parts of an unrealizable object, while the remaining part of the contract remains legally valid.
II. PERFORMANCE OF CIVIL CONTRACTS
Article 412.- Principles for the performance of civil contracts
The performance of a civil contract must conform to the following principles:
1. It must be performed in accordance with the agreement on the object, quality, quantity, category, time limit, methods and other agreements;
2. It must be performed honestly and in the spirit of cooperation and in a manner that best benefits the parties and ensures mutual trust;
3. It must not infringe upon State interests, public interests or legitimate rights and interests of other persons.
Article 413.- Performance of unilateral contracts
With respect to unilateral contracts, the obligor must perform the obligation strictly as agreed upon and may only perform the obligation prior to or after the time limit, if the obligee so consents.
Article 414.- Performance of bilateral contracts
1. With respect to bilateral contracts where the parties have agreed upon the time limit for performing the obligations, each party must perform its obligations when they become due; must not delay the performance for the reason that the other party has not yet performed its obligations to the former, except for cases provided for in Article 415 and Article 417 of this Code.
2. In cases where the parties have no agreement on which party should perform his/her/its obligation first, the parties must concurrently perform their obligations to each other; if the obligations cannot be performed concurrently, the obligation the performance of which takes more time than others shall be performed first.
Article 415.- The right to post-pone the performance of civil obligations in bilateral contracts
1. The party that must perform its obligations first shall have the right to postpone the performance of such obligations, if the other party’s property has seriously depreciated to the extent that the obligations cannot be performed as committed until the other party has the capability to perform its obligations or has a guarantor.
2. The party that must perform its obligations later shall have the right to postpone the performance of due obligations if the party that must perform its obligations first has not yet performed its obligations when they are due.
Article 416.- Lien on property in bilateral contracts
1. Lien on property means that the obligee (hereinafter referred to as the lienor) who is legally possessing the property being an object of a bilateral contract is entitled to retain the property when the obligor fails to perform the obligations or has performed the obligations not strictly as agreed upon.
2. The lienor shall have the following rights and obligations:
a/ To retain the whole or part of the property in the cases defined in Clause 1 of this Article;
b/ To enjoy yields from the property subject to a lien and use them to offset the obligations;
c/ To keep and preserve the property subject to a lien;
d/ To request the owner of the property subject to a lien to pay necessary expenses for the keeping and preservation of such property.
3. A lien shall terminate in the following cases:
a/ It is so agreed upon by the parties;
b/ The lienor violates the obligation to keep and preserve the property subject to a lien;
c/ The owner of the property subject to a lien has fulfilled their obligations.
Article 417.- Non-performance of obligations due to the obligee’s fault
When a party to a bilateral contract is unable to perform its obligations due to the fault of the other party, the former shall have the right to demand that the other party still perform its obligations toward the former or to cancel the contract and demand compensation for damage.
Article 418.- Non-performance of obligations but not due to the faults of the parties
When a party to a bilateral contract is unable to perform its obligations but the parties are not at fault, the non-performer of the obligations shall have no right to demand that the other party perform its obligations toward him/her/it. In cases where a party has performed part of the obligations, it shall have the right to demand the other party perform the corresponding part of the obligations toward it.
Article 419.- Performance of a contract for the benefit of a third party
When a contract is performed for the benefit of a third party, the third party shall have the right to directly request the obligor to perform the obligation toward it; if there appears a dispute between the parties over the performance of the contract, the third party shall not have the right to demand the performance of the obligation until the dispute is settled.
The obligee may also demand that the obligor perform the contract for the benefit of the third party.
Article 420.- A third party's right to refuse
In cases where a third party refuses to enjoy its benefits before the obligor performs his/her/its obligations, the obligor shall not have to perform his/her/its obligations, but must notify the obligee thereof, and the contract shall be considered having been rescinded; the parties shall have to return to each other what they have received; if the third party refuses to enjoy its benefits after the obligor has performed his/her/its obligations, the obligations shall be considered having been fulfilled and the obligee must still fulfill his/her/its commitments toward the obligor.
Article 421.- No amendment or rescission of contracts for the benefits of a third party
Once the third party has agreed to enjoy the benefits, the parties to the contract must not amend or rescind the contract, even though the contract has not yet been performed, unless the third party so consents.
Article 422.- Performance of contracts with agreement on sanction against violations
1. Sanction against violation means an agreement between the contractual parties that the party violating the obligation must pay a sum of money to the violated party.
2. The sanctioning level shall be agreed upon by the parties.
3. The parties may agree that the violating party shall only pay a fine for the violation but not have to pay compensation for damage or shall have to pay both the fine for the violation and compensation for damage; in the absence of prior agreement on the level of compensation for damage, the compensation for the whole damage must be paid.
In cases where the parties have no agreement on compensation for damage, the violating party shall have to pay only the fine for the violation.
III. AMENDMENT AND TERMINATION OF CIVIL CONTRACTS
Article 423.- Amendment of civil contracts
1. The parties may agree to amend their contracts and resolve the consequences of such amendment, unless otherwise provided for by law.
2. In cases where a contract has been made in writing, notarized or authenticated, registered or permitted, the amendment of the contract must also conform to such form.
Article 424.- Termination of civil contracts
A contract shall terminate in the following cases:
1. The contract has been fulfilled;
2. It is so agreed upon by the parties;
3. The individual entering into the contract dies, or the legal person or other subjects entering into the contract cease to exist while the contract must be performed by that very individual, legal person or subjects;
4. The contract is rescinded or unilaterally suspended from performance;
5. The contract cannot be performed because its object no longer exists, and the parties may agree to substitute such object with another object or compensate for damage;
6. Other cases provided for by law.
Article 425.- Rescission of civil contracts
1. A party shall have the right to rescind a contract without having to compensate for damage if the breach of the contract by the other party is a condition for rescission, as agreed by the parties or provided for by law.
2. The party rescinding the contract must immediately notify the other party of the rescission; if failing to give notification, thereby causing damage, it shall have to pay compensation therefore;
3. When a contract is rescinded, it shall cease to be valid ad initio and the parties must return to each other the property they have received; if the property cannot be returned in kind, then it shall be paid for in money.
4. The party at fault in the rescission of the contract shall have to compensate for damage.
Article 426.- Unilateral termination of performance of civil contracts
1. A party shall have the right to unilaterally terminate the performance of a contract if so agreed upon by the parties or provided for by law.
2. The party that unilaterally terminates the performance of the contract must immediately notify the other party of the termination; if failing to give notification, thereby causing damage, it shall have to pay compensation therefore.
3. When the performance of a contract is unilaterally terminated, the contract shall terminate as from the time the other party receives the termination notice. The parties shall not have to continue to perform their obligations. The party that has already performed its obligations shall have the right to demand payment from the other party.
4. The party at fault in the unilateral termination of a contract must compensate for damage.
Article 427.- Statute of limitations for initiating lawsuits related to civil contracts
The statute of limitations for initiating lawsuits to request the courts to settle disputes over civil contracts shall be two years counting from the date legitimate rights and interests of individuals, legal persons or other subjects are infringed upon.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực