Lý thuyết Mở đầu – Hóa 10 Kết nối tri thức

Tóm tắt lý thuyết Hóa học 10 Bài: Mở đầu ngắn gọn, chi tiết sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Hóa học lớp 10.

1 6612 lượt xem
Tải về


Lý thuyết Hóa học 10 Bài: Mở đầu

A. Lý thuyết Mở đầu

I. Đối tượng nghiên cứu của hóa học

Hóa học nghiên cứu về thành phần, cấu trúc, tính chất, sự biến đổi của các chất và các hiện tượng kèm theo.

Hóa học có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu về chất và vật thể như vật lí, sinh học và địa chất.

Đối tượng nghiên cứu của hóa học bao gồm các chất hữu cơ, các chất vô cơ, các loại vật liệu tự nhiên và nhân tạo.

II. Vai trò của hóa học đối với đời sống và sản xuất

Hóa học có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và sản xuất. Cụ thể:

- Các chất hóa học có trong mọi thứ xung quanh ta như lương thực – thực phẩm; nhiên liệu; nguyên liệu, vật liệu để sản xuất; các loại thuốc chữa bệnh; …

- Ngành công nghiệp hóa học sản xuất các hóa chất từ đơn giản đến phức tạp.

Ví dụ: Sản xuất phân bón hóa học làm tăng năng suất cây trồng.

- Hóa học phóng xạ nghiên cứu và sử dụng sự phân rã hạt nhân cho các quá trình hóa lí, sinh hóa, …

- Các nhà khoa học có đóng góp rất lớn trong việc chế tạo vật liệu mới giúp tăng hiệu suất chuyển hóa năng lượng mặt trời (nguồn năng lượng được coi là vô tận đối với loài người).

III. Phương pháp học tập và nghiên cứu hóa học

1. Khi học tập môn Hóa học, học sinh cần thực hiện các hoạt động tìm kiếm thông tin, xử lí thông tin và nắm vững những thông tin cần thiết qua sách giáo khoa.

2. Để học tốt môn Hóa học, học sinh cần nắm vững và vận dụng các kiến thức đã học, đồng thời chú ý rèn các kĩ năng thực hiện thí nghiệm, phát hiện, giải quyết vấn đề, sáng tạo.

Học sinh làm thí nghiệm theo nhóm

3. Học, tìm hiểu và nghiên cứu hóa học có nhiều điểm chung với các môn khoa học tự nhiên khác, cụ thể là quy trình nghiên cứu cần thực hiện các bước dưới đây:

Bước 1: Quan sát và đặt câu hỏi

Bước 2: Đặt ra giả thuyết khoa học

Bước 3: Lập kế hoạch thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết khoa học

Bước 4: Tiến hành thí nghiệm

Bước 5: Phân tích kết quả thí nghiệm

Bước 6: So sánh kết quả với giả thuyết

Bước 7: Báo cáo kết quả

4. Phương pháp mô hình được sử dụng để mô tả, mô phỏng cấu tạo của các hạt quá nhỏ không quan sát được bằng mắt thường như phân tử, nguyên tử và các hạt nhỏ hơn. Từ đó suy ra cấu tạo các vật thể thật trong cuộc sống.

Ví dụ: Mô hình cấu tạo nguyên tử của Rutherford (Rơ-dơ-pho). Từ thực nghiệm bắn phá lá vàng bằng tia a, Rutherford phát hiện ra cấu tạo rỗng của nguyên tử, phát hiện ra lõi nguyên tử là hạt nhân có khối lượng xấp xỉ khối lượng nguyên tử. Rutherford đề xuất mô hình hành tinh nguyên tử, coi các electron quay xung quanh hạt nhân như các hành tinh quay xung quanh mặt trời.

5. Phương pháp thực nghiệm đóng vai trò cốt lõi của nghiên cứu hóa học. Các giả thuyết và mô hình hóa đều phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm và từ thực nghiệm người ta có thể mô hình hóa thành quy luật. Phương pháp thực nghiệm được sử dụng xuyên suốt toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông môn Hóa học.

Ví dụ: Sử dụng phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu chlorine:

- Từ hiểu biết về cấu tạo nguyên tử và liên kết hóa học để dự đoán tính chất hóa học đặc trưng của chlorine.

- Thực nghiệm các thí nghiệm cho chlorine tác dụng với kim loại, hydrogen, dung dịch muối của halogen để chứng minh dự đoán trên.

- Vận dụng tính chất hóa học của chlorine vào thực tế: dùng dung dịch nước chlorine, clorua vôi, … để tẩy trắng.

B. Trắc nghiệm Mở đầu

Câu 1. Hóa học nghiên cứu về

A. thành phần và cấu trúc của các chất trong cơ thể con người.

B. thành phần, cấu trúc, tính chất, sự biến đổi của các chất và các hiện tượng kèm theo.

C. môi trường sống của con người như đất, nước, biến đổi khí hậu, …

D. các loại năng lượng tự nhiên nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Đáp án: B

Giải thích: 

Hóa học nghiên cứu về thành phần, cấu trúc, tính chất, sự biến đổi của các chất và các hiện tượng kèm theo.

Câu 2. Chọn đáp án đúng nhất. Đối tượng nghiên cứu của hóa học bao gồm

A. các chất vô cơ và các vật liệu tự nhiên.

B. các chất hữu cơ, các chất vô cơ.

C. các loại vật liệu tự nhiên và nhân tạo.

D. các chất hữu cơ, các chất vô cơ, các loại vật liệu tự nhiên và nhân tạo.

Đáp án: D

Giải thích:

Đối tượng nghiên cứu của hóa học bao gồm các chất hữu cơ, các chất vô cơ, các loại vật liệu tự nhiên và nhân tạo.

Câu 3. Phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Các chất hóa học có trong mọi thứ xung quanh ta như lương thực – thực phẩm; nhiên liệu; nguyên liệu, vật liệu để sản xuất; các loại thuốc chữa bệnh; …

B. Mỗi năm, hàng triệu tấn các hóa chất cơ bản như sulfuric acid hay ammonia, phân bón, chất dẻo, … được sản xuất để phục vụ nhu cầu của đời sống và công nghiệp.

C. Hóa học chỉ có ứng dụng trong sản xuất hóa chất và trồng trọt.

D. Nguồn năng lượng được coi như vô tận đối với loài người là năng lượng từ Mặt Trời.

Đáp án: C

Giải thích:

Hóa học có vai trò quan trọng với đời sống và sản xuất như: sản xuất thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mĩ phẩm, năng lượng, hóa chất, vật liệu, môi trường, …

Câu 4. Hãy sắp xếp các hoạt động dưới đây theo các bước của quy trình nghiên cứu khoa học.

(1) Quan sát và đặt câu hỏi

(2) Lập kế hoạch thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết khoa học

(3) Đặt ra giả thuyết khoa học

(4) Phân tích kết quả thí nghiệm

(5) Tiến hành thí nghiệm

(6) So sánh kết quả với giả thuyết

(7) Báo cáo kết quả.

A. (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7).

B. (1), (3), (2), (5), (4), (6), (7).

C. (1), (2), (3), (5), (4), (6), (7).

D. (2), (3), (4), (1), (6), (5), (7).

Đáp án: B

Giải thích:

Học, tìm hiểu và nghiên cứu hóa học có nhiều điểm chung với các môn khoa học tự nhiên khác, cụ thể là quy trình nghiên cứu cần thực hiện các bước theo sơ đồ dưới đây:

Bước 1: Quan sát và đặt câu hỏi

Bước 2: Đặt ra giả thuyết khoa học

Bước 3: Lập kế hoạch thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết khoa học

Bước 4: Tiến hành thí nghiệm

Bước 5: Phân tích kết quả thí nghiệm

Bước 6: So sánh kết quả với giả thuyết

Bước 7: Báo cáo kết quả.

® Thứ tự các bước: (1), (3), (2), (5), (4), (6), (7).

Câu 5. Để nghiên cứu về tính chất hóa học của chlorine, người ta thực hiện các thí nghiệm cho chlorine tác dụng với kim loại, hydrogen, dung dịch muối của halogen. Phương pháp nào được áp dụng trong hoạt động trên?

A. Phương pháp thực nghiệm.          

B. Phương pháp mô hình.

C. Phương pháp phân tích.

D. Phương pháp so sánh.

Đáp án: A

Giải thích:

Để nghiên cứu về tính chất hóa học của chlorine, người ta thực hiện các thí nghiệm cho chlorine tác dụng với kim loại, hydrogen, dung dịch muối của halogen.

® Phương pháp thực nghiệm được áp dụng trong hoạt động trên.

Chú ý: Phương pháp thực nghiệm đóng vai trò cốt lõi của nghiên cứu khoa học. Các giả thuyết và mô hình hóa đều phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm và từ thực nghiệm người ta có thể mô hình hóa thành quy luật.

Câu 6. Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hay còn gọi là bệnh đường huyết. Người mắc bệnh này tức là trong máu nồng độ đường vượt quá 0,1%. Đây là loại đường gì?

A. Fructose.

B. Glucose.

C. Sucrose.

D. Maltose.

Đáp án: B

Giải thích:

Nếu lượng glucose trong máu giảm thì người bị mắc bệnh suy nhược. Ngược lại, nếu lượng glucose trong máu tăng lên thì sẽ bị thải ra ngoài theo đường tiểu tiện, gây nên bệnh tiểu đường.

Câu 7. Để có thể làm sạch các vết dầu mỡ dính trên tay, chúng ta có thể rửa tay với

A. nước lọc.

B. nước muối pha loãng.

C. xà phòng.

D. nước đường.

Đáp án: C

Giải thích:

Dầu ăn có cấu tạo gồm glycerol và acid béo. Các liên kết C – H trong acid béo là liên kết không phân cực, làm cho dầu ăn có tính kị nước, nên nước không hòa tan dầu ăn.

Xà phòng hòa tan được dầu ăn vì một đầu phân tử xà phòng rất ưa nước, nó tan trong nước và dính chặt vào các phân tử nước. Đầu kị nước của phân tử xà phòng gắn chặt với chất béo, nhờ đó hòa tan và tẩy bỏ vết bẩn chưa chất béo trên da.

Câu 8. Để làm giảm lượng hydrochloric acid (HCl) trong dạ dày, người ta dùng loại thuốc có thành phần chính là chất nào sau đây?

A. NaHCO3.

B. NaOH.

C. Ca(OH)2.

D. NaCl.

Đáp án: A

Giải thích:

NaHCO3 có thể làm giảm bớt lượng HCl trong dạ dày:

NaHCO3 + HCl à NaCl + CO2­+ H2O

Câu 9. Khí CO2 được coi là ảnh hưởng tới môi trường vì

A. rất độc.

B. không duy trì sự sống.

C. làm giảm lượng mưa.

D. gây hiệu ứng nhà kính.

Đáp án: D

Giải thích:

Khí CO2 được coi là ảnh hưởng tới môi trường vì gây hiệu ứng nhà kính.

Câu 10. Biện pháp nào duy trì nguồn cung cấp oxygen trong không khí?

A. Trồng cây gây rừng, chăm sóc cây xanh.

B. Thải các khí thải ra môi trường không qua xử lí.

C. Đốt rừng làm rẫy.

D. Xây dựng các khu công nghiệp.

Đáp án: A

Giải thích:

Trồng cây gây rừng, chăm sóc cây xanh để duy trì nguồn cung cấp oxygen trong không khí.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Hóa học 10 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 1: Thành phần của nguyên tử

Lý thuyết Bài 2: Nguyên tố hóa học

Lý thuyết Bài 3: Cấu trúc lớp vỏ electron nguyên tử

Lý thuyết Bài 4: Ôn tập chương 1

Lý thuyết Bài 5: Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

1 6612 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: