Giải Kinh tế pháp luật 11 Bài 12 (Cánh diều): Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo | KTPL 11

Với giải bài tập Kinh tế pháp luật 11 Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KTPL 11 Bài 12.

1 977 19/09/2024


Giải KTPL 11 Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Mở đầu trang 84 KTPL 11: Em hãy kể tên một số dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam và chia sẻ những điều em biết về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo đó.

Lời giải:

- Một số dân tộc ở Việt Nam: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao, H’mông, Khơ-me, Mường, Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Sán Chay, Sán Dìu, Cơ-ho, Cơ-tu, Tà-ôi,…

- Một số tôn giáo đang hoạt động ở Việt Nam: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo Tin lành, Hồi giáo,…

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 85

1. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc

Câu hỏi trang 85 KTPL 11: Em hãy xác định nội dung quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thông tin 1?

Lời giải:

Nội dung quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thông tin 1: Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Câu hỏi trang 85 KTPL 11: Ngoài những quy định của Hiến pháp về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, em còn biết đến những quy định nào khác của pháp luật về quyền này?

Lời giải:

Một số quy định khác: Các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển; Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bảo đảm quyền tự chủ của các dân tộc,...; thì đua khen thưởng phải được thực hiện bình đẳng, công bằng, khách quan, tôn trọng các dân tộc, tôn giáo,…

Câu hỏi trang 85 KTPL 11: Trong thông tin 2, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được biểu hiện như thế nào trong từng lĩnh vực? Em hãy lấy ví dụ để làm rõ những biểu hiện đó.

Lời giải:

- Về chính trị: Có quyền tham gia vào bộ máy nhà nước, quản lí xã hội, thảo luận, góp ý các vấn đề chung của đất nước;

- Về kinh tế: Có quyền tham gia các thành phần kinh tế, được tạo cơ hội phát triển kinh tế;

- Về văn hoá: có quyền dùng ngôn ngữ của mình, có quyền giữ gần giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Câu hỏi trang 85 KTPL 11: Em hãy sử dụng các quy định của pháp luật trong thông tin 1 để nhận xét hành vi của các phần tử trong trường hợp bên. Theo em, hành vi đó có thể bị xử lí như thế nào?

Lời giải:

Hành vi của các phần tử ở tỉnh X gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo Điều 116 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt cao nhất của khung hình phạt cơ bản đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết là hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 86

Câu hỏi trang 86 KTPL 11: Theo em, ý nghĩa của quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thể hiện trong thông tin trên như thế nào?

Lời giải:

Ý nghĩa: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc; củng cố, phát huy truyền thống dân tộc.

Câu hỏi trang 86 KTPL 11: Em hãy nêu ví dụ về những giá trị mà quyền bình đẳng giữa các dân tộc mang lại cho cá nhân và xã hội.

Lời giải:

Ví dụ: Nhà nước ta thấy được sự chênh lệch về kinh tế, xã hội giữa dân tộc thiểu số với dân tộc sinh sống ở khu vực phát triển nên đã có những chính sách cụ thể để nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi được ổn định đời sống và phát triển. Nhà nước đã quan tâm tạo điều kiện để tất cả dân tộc đều được bình đẳng như nhau.

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 88

2. Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo

Câu hỏi trang 88 KTPL 11: Dựa vào các quy định của pháp luật ở thông tin 1, em hãy trình bày những biểu hiện quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trong thông tin 3 và 4.

Lời giải:

Biểu hiện quyền bình đẳng giữa các tôn giáo:

+ Người có tôn giáo hoặc không có tôn giáo đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, tôn trọng nhau;

+ Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo, mọi công dân cần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau, mọi tôn giáo khi hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật,...

Câu hỏi trang 88 KTPL 11: Theo em, những nguy cơ được đề cập đến trong thông tin 3 là gì? Cần ngăn chặn như thế nào để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được thực hiện?

Lời giải:

- Về những nguy cơ: chính trị hoá tôn giáo, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để gây bạo loạn,...

- Cần có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, ví dụ như: tuyên truyền pháp luật, xử lí nghiêm minh,...

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 89

Câu hỏi trang 89 KTPL 11: Theo em, ý nghĩa của quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được thể hiện trong thông tin trên như thế nào?

Lời giải:

Ý nghĩa: Bình đẳng giữa các tôn giáo khuyến khích các tôn giáo học hỏi lẫn nhau, giúp tăng cường sự hiểu biết và thấu hiểu giữa các nhóm tôn giáo, giúp giảm thiểu những xung đột và tranh chấp, tạo ra môi trường thúc đẩy hoà bình.

Câu hỏi trang 89 KTPL 11: Em hãy nêu ví dụ về những lợi ích mà quyền bình đẳng giữa các tôn giáo mang lại cho đời sống con người và xã hội.

Lời giải:

Ví dụ: quyền bình đẳng giữa các tôn giáo là cơ sở, tiền đề quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy tình đoàn kết keo sơn gắn bó nhân dân Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng đất nước phồn thịnh.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 89 KTPL 11: Em đồng ý hay không đồng ý với nhận định nào dưới đây? Vì sao?

A. Các dân tộc ở Việt Nam tham gia quản lí nhà nước và xã hội là thể hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực chính trị.

B. Công dân tham gia một tôn giáo để Nhà nước dễ quản lí là quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo.

C. Đồng bào các dân tộc có cơ hội như nhau khi lựa chọn việc làm là thể hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

D. Tôn trọng lẫn nhau giữa công dân thuộc tôn giáo khác nhau hoặc không có tôn giáo là thể hiện quyền bình đẳng giữa các tôn giáo.

E. Bình đẳng giữa các tôn giáo là các tôn giáo khác nhau được hưởng quyền và có nghĩa vụ như nhau theo quy định của pháp luật.

Lời giải:

- Nhận định a. Đồng ý. Pháp luật Việt Nam quy định: Các dân tộc có quyền làm chủ đất nước; tham gia thảo luận, góp ý các vấn đề chung của đất nước; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tham gia vào bộ máy nhà nước.

- Nhận định b. Không đồng ý. Vì: nhà nước Việt Nam thừa nhận và bảo đảm cho công dân có hoặc không có tôn giáo đều được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân, không có sự phân biệt đối xử vì lí do tôn giáo.

- Nhận định c. Không đồng ý. Đồng bào các dân tộc có cơ hội như nhau khi lựa chọn việc làm là thể hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế.

- Nhận định d. Đồng ý. Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được thể hiện ở những phương diện sau: Người có tôn giáo hoặc không có tôn giáo đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, chấp hành pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Luyện tập 2 trang 89 KTPL 11: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo được thực hiện trong trường hợp nào dưới đây? Vì sao?

A. Các tôn giáo trên địa bàn huyện A được tham gia thảo luận, góp ý xây dựng các tiêu chí của mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hoá”.

B. Chỉ một số tôn giáo lớn mới có quyền truyền bá, thực hành giáo lí, giáo luật, lễ nghỉ và quản lí tổ chức của mình.

C. Uỷ ban nhân dân xã X phối hợp với Bộ đội biên phòng tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa

D. Chính quyền huyện M của tỉnh Y đã cấp đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung theo điểm nhóm cho đồng bào các dân tộc theo tôn giáo nhưng chưa được công nhận về mặt tổ chức.

Lời giải:

- Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo được thực hiện trong các trường hợp A, C và D.

- Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo không được thực hiện trong trường hợp B

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 90

Luyện tập 3 trang 90 KTPL 11: Em hãy nêu những việc làm để thực hiện quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo (nêu rõ những việc nên làm, những việc không nên làm).

Lời giải:

- Những việc nên làm: Tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, tôn giáo và phong tục tập quán của các dân tộc và tôn giáo khác nhau giúp các em hiểu và trân trọng sự đa dạng văn hoá của các cộng đồng, đồng thời tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa các dân tộc và tôn giáo.

- Những việc không nên làm: Phân biệt đối xử hoặc kì thị những người thuộc dân tộc, tôn giáo khác; lan truyền thông tin sai lệch mang tính kích động gây chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo, đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể gây hậu quả xấu.

Luyện tập 4 trang 90 KTPL 11: Em hãy xử lí các tình huống sau:

a. Bạn A cho rằng chỉ có Hiến pháp là đạo luật quan trọng nhất của Nhà nước mới cần lấy ý kiến của tất cả mọi người không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần. Còn với những dự thảo luật khác thì chỉ cần lấy ý kiến của một số dân tộc, tôn giáo có liên quan.

Em có đồng ý với ý kiến của bạn A không? Vì sao?

Lời giải:

Không đồng ý với ý kiến của A vì việc góp ý vào các văn bản pháp luật trong đó có Hiến pháp là thể hiện quyền bình đẳng về chính trị của các dân tộc, tôn giáo.

Luyện tập 4 trang 90 KTPL 11: b. Xã Q có nhiều đồng bào theo các tôn giáo khác nhau sinh sống. Gần đây, thấy tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn xã có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp nên lãnh đạo xã Q giao cho phòng Tư pháp tổ chức hoạt động phổ biển, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Trong cuộc họp bàn để xây dựng kế hoạch thực hiện, anh H cho rằng vì gần đây có một số tôn giáo mới đến nên tình trạng vi phạm pháp luật mới gia tăng. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chỉ cần khoanh vùng tập trung vào người dân thuộc những tôn giáo mới này là đủ.

Em nhận xét như thế nào về ý kiến của anh H? Nếu được tham gia cuộc họp đó, em sẽ phát biểu như thế nào?

Lời giải:

+ Ý kiến của anh H là thiếu đầy đủ và không chính xác vì khi đưa ra kết luận tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng do có sự xuất hiện của một số tôn giáo mới mà không có bằng chứng nào để chứng minh. Việc tuyên truyền, phổ biến chỉ cho những người thuộc những tôn giáo mới này là không đủ để giải quyết vấn đề.

+ Nếu tham gia cuộc họp, em sẽ đề nghị cần phải làm rõ nguyên nhân việc gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật (có thể do tình trạng kinh tế khó khăn, có thể do vấn đề mạng Internet, vấn đề an ninh,...), việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần áp dụng rộng rãi và công bằng đến tất cả các tôn giáo và tất cả người dân trong xã.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 90 KTPL 11: Em hãy cùng bạn lập kế hoạch tổ chức buổi tham quan một cơ sở tôn giáo theo gợi ý sau:

Lời giải:

* Lập kế hoạch:

- Xác định mục đích buổi tham quan,

- Chương trình và thời gian dự kiến,

- Nội dung các hoạt động triển khai tại cơ sở tôn giáo,

- Dự kiến về kinh phí, phương tiện đi lại, các lực lượng tham gia phối hợp,...

* Thuyết trình, giới thiệu kế hoạch trước lớp;

* Tổ chức thực hiện theo kế hoạch.

Lời giải:

- Học sinh trao đổi, thảo luận với các bạn để cùng thực hiện kế hoạch.

Vận dụng 2 trang 90 KTPL 11: Sưu tầm các văn bản pháp luật quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo và xây dựng thành bộ tư liệu số để sử dụng cho hoạt động tuyên truyền nhân ngày “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11” hằng năm.

Lời giải:

- Một số ăn bản pháp luật quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo:

+ Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.

+ Quyết định số 135/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

+ ….

Lý thuyết Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

1. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc

a. Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc

- Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Cụ thể:

+ Về chính trị: Các dân tộc có quyền làm chủ đất nước; tham gia thảo luận, góp ý các vấn đề chung của đất nước; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tham gia vào bộ máy nhà nước.

+ Về kinh tế: Các dân tộc có quyền tham gia vào các thành phần kinh tế; được tạo cơ hội, điều kiện để phát triển kinh tế.

+ Về văn hoá, giáo dục: Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của mình; được giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán, giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình; có cơ hội học tập và bình đẳng trong giáo dục.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Xây dựng, phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

- Mỗi dân tộc thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các dân tộc khác, giúp đỡ các dân tộc khác cùng phát triển, cùng xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Mọi hành vi kì thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc đều bị xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

b. Ý nghĩa của quyền bình đẳng giữa các dân tộc

- Quyền bình đẳng giữa các dân tộc góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc; củng cố, phát huy truyền thống dân tộc.

2. Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo

a. Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo

- Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được hiểu là các tôn giáo được Nhà nước công nhận đều bình đẳng trong việc hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lí.

- Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được thể hiện ở những phương diện sau:

+ Người có tôn giáo hoặc không có tôn giáo đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, chấp hành pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

+ Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận được bình đẳng trong hoạt động tôn giáo; sở hữu tài sản hợp pháp; thực hiện quan hệ đối ngoại;... theo quy định của pháp luật.

+ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc.

- Mọi công dân cần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau như:

+ Tôn trọng lễ hội, lễ nghi, nơi thờ tự của các tôn giáo, tín ngưỡng;

+ Không bài xích, chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa những người có tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau,...

+ Khi tham gia các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

b. Ý nghĩa của quyền bình đẳng giữa các tôn giáo

- Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo góp phần:

+ Phát huy lòng yêu nước, thúc đẩy tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào có tôn giáo và không có tôn giáo.

+ Là cơ sở tiền đề quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt 29 chức sắc, chức việc đại diện cho 17 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam (tháng 3/2018)

Xem thêm lời giải bài tập Kinh tế pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Bài 14: Quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử và ứng cử

Bài 15: Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo

Bài 16: Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc

Bài 17: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm

1 977 19/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: