Giải KHTN 8 Bài 33 (Kết nối tri thức): Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người

Với lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 8 Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập KHTN 8 Bài 33.

1 2,954 22/10/2024


Giải KHTN 8 Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người

Giải KHTN 8 trang 135

Mở đầu trang 135 Bài 33 KHTN 8: Một người bị mất máu liên tục sẽ yếu dần và nguy hiểm đến tính mạng. Máu có vai trò gì đối với cơ thể? Máu lưu thông trong cơ thể như thế nào và tim có vai trò gì trong quá trình đó?

Trả lời:

- Vai trò của máu đối với cơ thể: Máu là dịch lỏng lưu thông trong hệ tuần hoàn; gồm huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Do đó, máu có vai trò vận chuyển các chất dinh dưỡng, các chất cần thiết khác và chất thải; vận chuyển oxygen và carbon dioxide; bảo vệ cơ thể nhờ hoạt động của các bạch cầu và làm đông máu của tiểu cầu.

- Máu lưu thông trong cơ thể nhờ sự hoạt động của hệ tuần hoàn. Trong quá trình đó, tim có vai trò như một chiếc bơm, vừa hút, vừa đẩy máu lưu thông trong hệ tuần hoàn.

B/ Câu hỏi giữa bài

Câu hỏi 1 trang 135 KHTN 8: Xác định tên và chức năng các thành phần của máu được đánh số trong Hình 33.1

Xác định tên và chức năng các thành phần của máu được đánh số trong Hình 33.1

Trả lời:

Tên và chức năng các thành phần của máu được đánh số trong Hình 33.1:

1. Tiểu cầu: Tham gia bảo vệ cơ thể nhờ cơ chế làm đông máu.

2. Hồng cầu: Vận chuyển oxygen và carbon dioxide trong máu.

3. Bạch cầu: Tham gia bảo vệ cơ thể.

4. Huyết tương: Duy trì máu ở trạng thái lỏng giúp máu dễ dàng lưu thông trong mạch; vận chuyển chất dinh dưỡng, các chất cần thiết khác và chất thải.

Câu hỏi 2 trang 135 KHTN 8: Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể chúng ta nếu thiếu một trong các thành phần của máu?

Trả lời:

- Nếu thiếu một trong các thành phần của máu thì cơ thể sẽ gặp các bệnh lý liên quan đến máu, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan, thậm chí tử vong.

- Ví dụ:

+ Nếu thiếu tiểu cầu sẽ gây tình trạng xuất huyết, khả năng đông máu và khả năng chống nhiễm trùng sẽ giảm.

+ Nếu thiếu hồng cầu có thể gây bệnh thiếu máu, hoặc có triệu chứng như khó thở, chóng mặt, da xanh, tim đập nhanh,…

+ Nếu thiếu bạch cầu thường khiến sức đề kháng của cơ thể yếu hơn, dễ nhiễm trùng

Giải KHTN 8 trang 136

Câu hỏi 1 trang 136 KHTN 8: Giải thích vì sao con người sống trong môi trường chứa nhiều vi khuẩn có hại nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh

Trả lời:

Con người sống trong môi trường chứa nhiều vi khuẩn có hại nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh vì cơ thể có khả năng nhận diện, ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh, đồng thời chống lại mầm bệnh khi nó đã xâm nhập vào cơ thể, đó gọi là khả năng miễn dịch của cơ thể.

Câu hỏi 2 trang 136 KHTN 8: Tiêm vaccine có vai trò gì trong việc phòng bệnh?

Trả lời:

Việc tiêm vaccine giúp con người chủ động tạo ra miễn dịch cho cơ thể: Mầm bệnh đã chết hoặc suy yếu,… trong vaccine có tác dụng kích thích tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể, kháng thể tạo ra tiếp tục tồn tại trong máu giúp cơ thể miễn dịch với bệnh đã được tiêm vaccine.

Giải KHTN 8 trang 137

Hoạt động 1 trang 137 KHTN 8: Thảo luận nhóm để thực hiện các yêu cầu và trả lời câu hỏi sau: Vẽ Hình 33.4 vào vở rồi hoàn thành sơ đồ truyền máu bằng cách đánh dấu chiều mũi tên để thể hiện mối quan hệ cho, nhận giữa các nhóm máu.

Thảo luận nhóm để thực hiện các yêu cầu và trả lời câu hỏi sau

Trả lời:

Sơ đồ truyền máu thể hiện mối quan hệ cho, nhận giữa các nhóm máu:

Thảo luận nhóm để thực hiện các yêu cầu và trả lời câu hỏi sau

Câu hỏi trang 137 KHTN 8: Thảo luận nhóm để thực hiện các yêu cầu và trả lời câu hỏi sau: Giả sử một người có nhóm máu A cần được truyền máu, người này có thể nhận những nhóm máu nào? Nếu truyền nhóm máu không phù hợp sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Trả lời:

- Nếu một người có nhóm máu A cần được truyền máu, người này có thể nhận nhóm máu A và nhóm máu O.

- Nếu truyền nhóm máu không phù hợp sẽ xảy ra hiện tượng kết dính làm phá hủy hồng cầu của máu truyền ngay trong lòng mạch máu, đồng thời, có thể gây ra hiện tượng sốc và nguy hiểm đến tính mạng người nhận máu.

Câu hỏi trang 138 KHTN 8: Nêu cấu tạo của hệ tuần hoàn và trình bày sự phối hợp các cơ quan thể hiện chức năng của cả hệ tuần hoàn.

Trả lời:

- Cấu tạo của hệ tuần hoàn gồm có tim và hệ mạch. Trong đó, hệ mạch gồm động mạch, mao mạch và tĩnh mạch; các mạch máu có dạng ống, hợp thành một hệ thống kín.

- Sự phối hợp các cơ quan thể hiện chức năng của cả hệ tuần hoàn:

+ Tim hoạt động như một chiếc bơm, vừa hút, vừa đẩy máu lưu thông trong hệ tuần hoàn.

+ Động mạch vận chuyển máu từ tim đến mao mạch để trao đổi nước, chất khí, các chất giữa máu và các tế bào; máu trao đổi tại mao mạch theo tĩnh mạch trở về tim.

Giải KHTN 8 trang 139

Hoạt động 1 trang 139 KHTN 8: Làm việc theo nhóm để thực hiện các yêu cầu sau: Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả của một số bệnh về máu, tim mạch.

Trả lời:

Tên bệnh

Nguyên nhân

Triệu chứng

Hậu quả

Thiếu máu

- Do không sản xuất đủ hoặc giảm số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin) dẫn đến máu giảm khả năng vận chuyển oxygen trong cơ thể.

- Hoặc do mất quá nhiều máu khi bị thương, khi đến kì kinh nguyệt.

Mệt mỏi, da xanh, tim đập nhanh, đau thắt ngực, ngất và khó thở khi gắng sức…

Khiến cơ thể mệt mỏi và suy giảm chất lượng cuộc sống; có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim kéo dài, ngất xỉu đột ngột, mẹ bầu có thể sinh non, thậm chí tử vong.

Huyết

áp cao

- Huyết áp tăng cao lúc đầu có thể do sau khi luyện tập thể dục, thể thao, khi tức giận hay khi bị sốt,… Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương cấu trúc thành động mạch và gây ra bệnh huyết áp cao.

- Do chế độ ăn nhiều đường và muối, thức ăn chứa nhiều chất béo,…

Nhức đầu, tê hoặc ngứa râm ran ở các chi, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, chảy máu cam, …

Có thể gây ra nhiều biến chứng như nguy hiểm về sau như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận,…

Xơ vữa động mạch

- Do chế độ ăn chưa hợp lí, hút thuốc lá, ít vận động,… dẫn đến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao kết hợp với Ca2+ ngấm vào thành mạch.

Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào vị trí động mạch bị xơ vữa như: Đau thắt ngực, tê bì tay chân hoặc cảm giác yếu ớt vô lực, khó nói hoặc nói lắp, mất thị lực tạm thời ở một mắt hoặc cơ mặt bị rủ xuống,…

- Làm hẹp lòng mạch, mạch bị xơ vữa, dẫn đến tăng huyết áp, giảm dòng máu, tạo thành các cục máu đông dẫn đến tắc mạch. Nếu các cục máu đông xuất hiện ở động mạch vành tim gây đau tim, còn ở động mạch não là nguyên nhân gây đột quỵ.

Hoạt động 2 trang 139 KHTN 8: Làm việc theo nhóm để thực hiện các yêu cầu sau: Vận dụng hiểu biết về các bệnh đã tìm hiểu, đề xuất biện pháp phòng bệnh, bảo vệ hệ tuần hoàn và cơ thể. Giải thích cơ sở của các biện pháp đó.

Trả lời:

Các biện pháp

Cơ sở khoa học

Có chế độ dinh dưỡng hợp lí, đủ chất; hạn chế thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối, đường hoặc dầu mỡ.

Bổ sung sắt và các chất cần thiết tốt cho hệ tuần hoàn. Hạn chế các tác nhân gây hại cho hệ tuần hoàn như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch,…

Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

Hạn chế tình trạng chất kích thích làm tăng huyết áp và làm tăng trọng lượng cơ thể.

Tạo cuộc sống vui tươi, thoải mái về tinh thần, giảm căng thẳng.

Giúp hệ tuần hoàn làm việc hiệu quả, hạn chế tăng huyết áp.

Rèn luyện thể dục, thể thao vừa sức, hợp lí.

Nâng dần sức chịu đựng của tim và cơ thể, tăng khả năng hoạt động của hệ tuần hoàn.

Khám sức khỏe định kì.

Nắm được các chỉ số của cơ thể, từ đó có kế hoạch cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, tiêu diệt các tác nhân truyền bệnh qua đường máu.

Giảm thiếu tối đa sự ảnh hưởng và gây hại của các tác nhân truyền bệnh qua đường máu.

Giải KHTN 8 trang 140

Câu hỏi trang 140 KHTN 8: Khi thực hiện biện pháp buộc dây garô cần lưu ý những điều gì?

Trả lời:

Khi thực hiện biện pháp buộc dây garô cần lưu ý:

- Cần dò tìm được vị trí động mạch để làm ngừng sự chảy máu ở vết thương.

- Buộc dây garô ở vị trí gần sát vết thương (cao hơn vết thương về phía tim).

- Buộc dây garô với lực ép đủ làm cầm máu, tránh trường hợp thắt quá chặt gây dập nát tổ chức phần mềm, gây liệt chi hoặc trường hợp thắt garô không đủ chặt làm máu tiếp tục chảy, đồng thời ứ tắc tĩnh mạch có thể gây tím thẫm.

- Ghi chú thời gian đặt garô, không buộc quá lâu vì có thể làm hoại tử phần cơ quan bên dưới chỗ thắt garô.

Câu hỏi trang 140 KHTN 8: Vì sao chỉ dùng biện pháp buộc dây garô để sơ cứu những vết thương chảy máu động mạch ở tay hoặc chân? Những vết thương chảy máu động mạch không phải ở tay, chân cần được xử lí như thế nào?

Trả lời:

- Chỉ dùng biện pháp buộc dây garô để sơ cứu những vết thương chảy máu động mạch ở tay hoặc chân vì: Tay và chân là những mô đặc nên biện pháp buộc dây garô mới có hiệu quả. Ở những vị trí khác (như bẹn, bụng, đầu, cổ) biện pháp buộc dây garô vừa không có hiệu quả cầm máu, vừa gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Những vết thương chảy máu động mạch không phải ở tay, chân cần được xử lí bằng cách: một mặt cho băng chặt vết thương, mặt khác lấy ngón tay ấn chặn vào phía đường đi của động mạch (phía trên vết thương đó). Nếu người sơ cứu không biết nghiệp vụ cấp cứu vết thương thì cần băng chặt vết thương để cầm máu tạm thời bằng mọi cách. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Giải KHTN 8 trang 141

Câu hỏi 1 trang 141 KHTN 8: Hiến máu có hại cho sức khỏe không? Vì sao?

Trả lời:

- Hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu thể tích máu hiến phù hợp với thể trạng cũng như tần suất hiến hợp lí.

- Giải thích:

+ Nếu hiến máu phù hợp thì mặc dù sau khi hiến máu, các chỉ số trong cơ thể có chút thay đổi nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lí bình thường, không gây ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của cơ thể.

+ Thậm chí, hiến máu còn được xem là một cơ hội giúp sức khỏe được tăng cường tốt hơn vì giúp kích thích khả năng tạo máu, thải sắt ứ trệ trong các cơ quan.

Câu hỏi 2 trang 141 KHTN 8: Những ai có thể hiến máu được và những ai không thể hiến máu?

Trả lời:

- Những người có thể hiến máu được là:

+ Người từ 18 – 60 tuổi, cân nặng ít nhất là 42 kg đối với nữ và 45 kg đối với nam. Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.

+ Người đã hiến máu lần gần nhất trước đó 12 tuần hoặc hiến thành phần máu lần gần nhất trước đó 3 tuần.

+ Phụ nữ không có thai hoặc không nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.

- Những người không thể hiến máu là:

+ Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.

+ Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C và các virus lây qua đường truyền máu.

+ Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp,…

Kiến thức trọng tâm KHTN 8 Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người

I. Máu

- Các thành phần của máu:

+ Huyết tương chiếm khoảng 55% máu, bao gồm nước và các chất tan. Huyết tương giúp duy trì trạng thái lỏng của máu, vận chuyển chất dinh dưỡng và chất thải trong cơ thể.

+ Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu chiếm khoảng 45% máu. Hồng cầu có chức năng vận chuyển oxygen và carbon dioxide trong máu. Bạch cầu bảo vệ cơ thể, trong khi tiểu cầu tham gia vào cơ chế đông máu.

II. Miễn dịch và vaccine

1. Miễn dịch

- Kháng nguyên là chất khi xâm nhập vào cơ thể kích thích cơ thể tạo kháng thể.

- Kháng thể là phân tử protein do tế bào lympho B tạo ra để chống lại kháng nguyên.

- Kháng nguyên và kháng thể tương tác theo cơ chế chìa khoá và ổ khoá để tạo phản ứng miễn dịch.

- Tế bào lympho B phân bào và biệt hoá thành tương bảo, tương bảo tạo ra kháng thể để tiêu diệt vi sinh vật hoặc làm bất hoạt độc tổ của chúng.

- Tế bào lympho B nhớ giúp cơ thể có khả năng miễn dịch.

2. Vaccine

- Vaccine sử dụng mầm bệnh đã chết hoặc suy yếu để kích thích tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể.

- Kháng thể tiếp tục tồn tại trong máu giúp cơ thể miễn dịch với bệnh đã được tiêm vaccine.

3. Nhóm máu và truyền máu

- Nhóm máu là nhóm các tế bào hồng cầu được xác định dựa vào các đặc tính kháng nguyên khác nhau.

- Hệ nhóm máu phổ biến nhất là hệ nhóm máu ABO gồm bốn nhóm máu A, B, AB, O.

Lý thuyết KHTN 8 Bài 33 (Kết nối tri thức): Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người (ảnh 1)

- Trong quá trình truyền máu, để tránh hiện tượng kết dính có thể xảy ra, máu của người cho cần cùng nhóm với máu của người nhận.

- Trong trường hợp không có máu trùng với nhóm máu của người nhận, có thể truyền máu khác nhóm nhưng đảm bảo nguyên tắc không để kháng thể trong máu của người nhận gây kết dính kháng nguyên trong máu được truyền.

Chức năng của hệ tuần hoàn:

II. Hệ tuần hoàn

- Vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất khí và các chất khác đến các tế bào và mô của cơ thể

- Lưu thông máu qua vòng tuần hoàn lớn và vòng tuần hoàn nhỏ để thực hiện chức năng trên

- Sự phối hợp của các cơ quan trong hệ tuần hoàn thể hiện chức năng của cả hệ tuần hoàn.

III. Một số bệnh về máu và tim mạch

1. Thiếu máu

- Tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin) dẫn đến máu giảm khả năng vận chuyển oxygen trong cơ thể.

- Triệu chứng thường gặp: mệt mỏi, da xanh, tim đập nhanh,...

- Nguyên nhân: chế độ ăn thiếu sắt, chảy máu khi bị thương, kinh nguyệt...

2. Huyết áp cao

- Tình trạng tăng huyết áp có nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Nguyên nhân có thể là kết quả nhất thời sau khi luyện tập thể dục, thể thao, khi tức giận hay khi bị sốt,...

- Nếu kéo dài, huyết áp cao có thể gây tổn thương cấu trúc thành động mạch và gây ra bệnh huyết áp cao.

- Nguyên nhân khác: chế độ ăn nhiều đường và muối, thức ăn chứa nhiều chất béo,...

3. Xơ vữa động mạch

Khi hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao sẽ kết hợp với Ca" ngắm vào thành mạch, làm hẹp lòng mạch, mạch bị xơ vữa, dẫn đến tăng huyết áp, giảm dòng máu, tạo thành các cục máu đông dẫn đến tắc mạch. Nguyên nhân có thể do chế độ ăn chưa hợp lí, hút thuốc lá, ít vận động,...

Sơ đồ tư duy KHTN 8 Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người

Lý thuyết KHTN 8 Bài 33 (Kết nối tri thức): Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người (ảnh 1)

Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 8 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Bài 1: Sử dụng một số hóa chất, thiết bị cơ bản trong phòng thí nghiệm

Bài 2: Phản ứng hóa học

Bài 3: Mol và tỉ khối chất khí

Bài 4: Dung dịch và nồng độ

Bài 5: Định luật bảo toàn khối lượng và phương trình hóa học

1 2,954 22/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: