Chuyên đề Lịch sử 12 (Chân trời sáng tạo) Một số tôn giáo ở Việt Nam

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 12 Một số tôn giáo ở Việt Nam sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 12.

1 310 22/07/2024


Giải Chuyên đề Lịch sử 12 Một số tôn giáo ở Việt Nam

Câu hỏi trang 13 Chuyên đề Lịch Sử 12: Phân tích những biểu hiện của Nho giáo trong đời sống văn hoá-xã hội Việt Nam.

Lời giải:

- Biểu hiện của Nho giáo trong đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam:

+ Người Việt gọi chữ Nho là chữ của Thánh hiền, Tứ thư, Ngũ kinh được xem là nền tảng tri thức của xã hội. Giáo dục Nho học theo tinh thần Nho giáo đã giữ vị trí chủ đạo trong nền giáo dục ở Việt Nam thời quân chủ. Từ nền giáo dục này đã đào tạo nên tầng lớp nho sĩ tích cực tham gia các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội,... của đất nước.

+ Trong quá trình tiếp nhận Nho giáo, các thế hệ người Việt Nam đã tìm cách biến đổi cho phù hợp với văn hoá truyền thống dân tộc. Từ đó, góp phần hình thành truyền thống tốt đẹp như: ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cá nhân đối với cộng đồng; truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, tích cực dấn thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Tuy nhiên, Nho giáo cũng tạo nên không ít biểu hiện tiêu cực như: tư tưởng gia trưởng; quan niệm tôn ti trật tự; tư tưởng trọng nam, khinh nữ; tư duy rập khuôn, giáo điều;...

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề Lịch Sử 12: Nêu những biểu hiện của Phật giáo trong đời sống văn hoá-xã hội qua trải nghiệm, tham quan sinh hoạt của các chùa ở địa phương em.

Lời giải:

- Biểu hiện của Phật giáo trong đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam:

+ Đạo Phật đi vào đời sống văn hoá-xã hội bằng sức sống mạnh mẽ, để lại dấu ấn khắp thành thị, nông thôn bằng hệ thống chùa, tháp. Các ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đóng vai trò là một trung tâm văn hoá hướng con người đến với các giá trị chân, thiện, mĩ.

+ Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đang hoạt động dưới sự quản lí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”. Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “là hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới”.

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Lịch Sử 12: Đọc thông tin trong bài học và từ trải nghiệm thực tế, nêu những biểu hiện của Cơ Đốc giáo trong đời sống văn hoá-xã hội.

Lời giải:

♦ Biểu hiện của Cơ Đốc giáo trong đời sống văn hoá - xã hội Việt Nam:

- Thờ phụng Chúa, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh,… Những hoạt động này có thể diễn ra ở nhà riêng, ở nhà thờ, do cá nhân tự thực hiện hoặc theo hội, nhóm. Vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật hằng tuần, tín đồ đến nhà thờ để cùng cầu nguyện, đọc, nghe giảng về Kinh Thánh, hát Thánh ca,...

- Thực hiện những điều luật của Kinh Thánh hoặc lời răn dạy của Chúa trong đời sống, hướng đến việc "kinh Chúa, yêu người", cụ thể như:

+ Thực hiện gia đình một vợ một chồng;

+ Hiếu thảo với cha mẹ, hoà thuận với anh chị em;

+ Đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng;

+ Làm việc thiện,...

- Tổ chức, tham gia những ngày lễ, dịp lễ quan trọng trong năm, nổi bật là lễ Giáng sinh (lễ Nô-en, kỉ niệm ngày chúa Giê-su ra đời) và lễ Phục sinh (kỉ niệm ngày chúa Giê-su sống lại sau khi bị đóng đinh và qua đời trên cây Thập giá)...

Câu hỏi trang 17 Chuyên đề Lịch Sử 12: Đọc thông tin trong bài và tìm hiểu thêm tư liệu từ sách báo, internet, trình bày biểu hiện của Đạo giáo trong đời sống văn hoá-xã hội.

Lời giải:

♦ Biểu hiện của Đạo giáo trong đời sống văn hoá - xã hội Việt Nam:

- Những ảnh hưởng của Đạo giáo đến đời sống văn hoá, xã hội vẫn còn biểu hiện qua nhiều hình thức: thuật phong thuỷ, các phương pháp dưỡng sinh, tu tiên,...

- Ở một số địa phương vẫn còn các đạo quán như Thăng Long tử quán (Trấn Vũ quán, Huyền Thiên quán, Đồng Thiên quán, Đế Thích quán) ở Hà Nội; Đế Thích quản, Chân Thánh quán ở Hưng Yên,...

Câu hỏi trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 12: Đọc thông tin mục e và chọn một tôn giáo trong mục này để chia sẻ với các bạn trong lớp về những nét chính của tôn giáo đó.

Lời giải:

(*) Lưu ý: HS lựa chọn trình bày một trong số những tôn giáo sau:

♦ Hồi giáo

- Nguồn gốc: Hồi giáo hay I-xlam giáo ra đời ở bán đảo A-rập vào thế kỉ VII, tôn thờ thánh A-la Đấng tối cao.

- Quá trình du nhập và phát triển:

+ Hồi giáo đã được truyền bá đến Đông Nam Á vào khoảng thế kỉ X, có ảnh hưởng nhất định trong đời sống dân cư xã hội Chăm. Nhưng phải đến thế kỉ XV, Hồi giáo hệ phái Sân-ni mới tìm được chỗ đứng trong một bộ phận cư dân Chăm. Sự dung hợp với Bà La Môn giáo và văn hoá bản địa đã hình thành hai dòng Hồi giáo I-xlam và Hồi giáo Bà-ni.

+ Hiện nay, cộng đồng Hồi giáo Việt Nam được chia thành hai nhóm chính là cộng đồng Chăm Bà-ni (tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận) và cộng đồng Chăm I-xlam (tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh An Giang và một số làng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận).

- Biểu hiện trong đời sống văn hóa – xã hội:

+ Tín đồ Hồi giáo thực hiện 5 trụ cột thực hành đức tin, gồm: tuyên xưng đức tin, cầu nguyện, ăn chay, bố thí, hành hương. Những hoạt động này chủ yếu thực hiện trong cộng đồng Chăm I-xlam. Đối với cộng đồng Chăm Bà-ni, các tín đồ chủ yếu đi lễ, dâng lễ ở thánh đường và giữ kiêng kị trong ăn uống.

+ Về lễ nghi, tín đồ Hồi giáo thực hiện một số lễ vòng đời quan trọng như lễ đặt tên, lễ thành niên, lễ cưới, lễ tang... Những lễ này thực hiện theo đúng quy định của giáo luật hoặc được cải biến ít nhiều.

+ Các lễ tết lớn của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam là tháng lễ Ra-ma-dan (tháng 9 lịch Hồi giáo), lễ cầu an Tô-lắc ba-la (tháng 2 lịch Hồi giáo), lễ kỉ niệm ngày sinh của Đức Mô-ha-mát (tháng 3 lịch Hồi giáo), tết Roi-y-a Ha-gi (tháng 12 lịch Hồi giáo),...

Đạo Cao Đài

- Đạo Cao Đài (tên gọi đầy đủ: Cao Đài Đại đạo Tam Kỳ phổ độ) là một tôn giáo thờ Thượng đế, ra đời ở tỉnh Tây Ninh năm 1926, với vai trò sáng lập của một số trí thức người Việt.

- Đạo Cao Đài hình thành trên cơ sở kết hợp tư tưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và tục cầu hồn, cầu tiên thịnh hành ở Nam Bộ đương thời.

- Biểu hiện:

+ Trong đời sống, tín đồ đạo Cao Đài thực hiện “Ngũ giới” như quy định của Phật giáo, đồng thời rèn luyện đạo đức theo “Tứ đại điều quy”, gồm: ôn hoà, cung kính, khiêm tốn, nhường nhịn. Các tín đồ đạo Cao Đài cũng hướng đến tinh thần gắn kết cộng đồng, tương trợ lẫn nhau.

+ Về lễ nghi, tín đồ đạo Cao Đài thực hiện ăn chay ít nhất 6 ngày trong tháng (lục trai), thực hiện 4 khoá lễ trong ngày.

+ Đạo Cao Đài có nhiều ngày lễ theo âm lịch, trong đó lớn nhất là lễ vía Đức Chí Tôn (9-1), lễ hội Yến Diêu Trì Cung (15-8).

Phật giáo Hoà Hảo

- Phật giáo Hoà Hảo (còn gọi là đạo Hoà Hảo) là một tông phải Phật giáo, do Huỳnh Phú Sổ - một nhà hoạt động xã hội - sáng lập năm 1939 tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

- Biểu hiện:

+ Trong đời sống, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo chú trọng “tu nhân” trên cơ sở thực hiện “tử ân”, gồm ân tổ tiên, cha mẹ; ân đất nước; ân đồng bào nhân loại; ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Bên cạnh đó là lòng yêu thương người nghèo khổ, giữ gìn đạo lí trong gia đình, không lười biếng, tránh tham lam, mê sĩ,...

+ Về lễ nghi, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thực hiện tu tại gia. Trong nhà có bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Trước sân lập bàn thông thiên để cúng Trời.

+ Ngoài những lễ tết chung của đạo Phật, đạo Hoà Hảo có hai ngày lễ quan trọng theo âm lịch là lễ Khai sáng Phật giáo Hoà Hảo (18-5) và lễ Đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ (25-11).

Luyện tập (trang 19)

Luyện tập 1 trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 12: Hoàn thành bảng thống kê các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam theo mẫu dưới đây vào vở:

Tín ngưỡng,

tôn giáo

Đối tượng thờ

Ý nghĩa

Lời giải:

Tín ngưỡng,

tôn giáo

Đối tượng thờ

Ý nghĩa

Tín ngưỡng

thờ cúng tổ tiên

Những người có cùng huyết thống đã mất trong gia đình, dòng họ (ông bà, cha mẹ,...)

Thực hành tin ngưỡng thờ cúng tổ tiên là cách các thế hệ sau bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên

Tín ngưỡng

thờ Quốc tổ

Hùng Vương

Các Vua Hùng (những người đứng đầu nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của người Việt)

Vừa thể hiện giá trị đạo đức truyền thống tưởng nhớ “các Vua Hùng có công dựng nước”, vừa thể hiện tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc.

Tín ngưỡng

thờ Mẫu

- Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng song đều nằm trong hai hệ thống: Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

- Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện triết lí tôn thờ người phụ nữ, người mẹ, là khát vọng duy trì nòi giống, cầu mong cuộc sống bình yên, có phúc, có lộc.

- Đây là tín ngưỡng chứa đựng giá trị văn hoá nghệ thuật phong phú, thể hiện tính đặc sắc trong văn hoá bản địa Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ

Thành hoàng làng

- Thần Thành hoàng - vị thần hộ mệnh, bảo vệ và ban phúc cho những người dân trong làng xã.

- Các vị thần, nhân vật được thờ làm Thành hoàng ở Việt Nam, gồm: nhiên thần và nhân thần.

- Tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt thể hiện lòng biết ơn những người có công, phản

ánh ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong của làng xã và tinh thần đoàn kết cộng đồng của nhân dân các địa phương.

Tín ngưỡng thờ

Anh hùng dân tộc

- Những người có công với quê hương, đất nước

- Tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc không chỉ giúp các thế hệ sau thể hiện lòng biết ơn tiền nhân mà còn giúp họ biết noi gương các bậc anh hùng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất đất nước hiện nay.

Nho giáo

Khổng Tử, Chu Công cùng các học trò và các nhà khoa bảng, các bậc danh nho….

- Thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Nho học.

- Góp phần hình thành nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Phật giáo

Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị Bồ tát, các vị thiền sư nổi tiếng…

- Hướng con người đến các giá trị Chân-thiện-mĩ

Đạo giáo

- Hệ thống thần linh phong phú, đa dạng, bao gồm cả nhiên thần và nhân thần.

- Để lại nhiều di sản, dấu ấn trong đời sống văn hóa-xã hội ở Việt Nam, như: thuật phong thuỷ, một số phương pháp dưỡng sinh, các môn võ thuật, hình thức cúng bái,...

Cơ Đốc giáo

Thiên Chúa ba ngôi gồm: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

- Để lại nhiều di sản, dấu ấn trong đời sống văn hóa-xã hội ở Việt Nam, như: hoạt động Thờ phụng Chúa, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh; Thực hiện những điều luật của Kinh Thánh hoặc lời răn dạy của Chúa trong đời sống…

Hồi giáo

Thánh A-la

- Để lại nhiều di sản, dấu ấn trong đời sống văn hóa-xã hội ở Việt Nam, như: thực hiện 5 trụ cột thực hành đức tin; thực hiện các lễ nghi,…

Luyện tập 2 trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 12: Phân tích những biểu hiện tích cực và hạn chế của Nho giáo trong đời sống văn hoá-xã hội Việt Nam.

Lời giải:

- Biểu hiện tích cực:

+ Giáo dục Nho học theo tinh thần Nho giáo đã giữ vị trí chủ đạo trong nền giáo dục ở Việt Nam thời quân chủ. Từ nền giáo dục này đã đào tạo nên tầng lớp nho sĩ tích cực tham gia các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội,... của đất nước.

+ Đạo lí của Nho giáo về hiếu, lễ, nghĩa, trung, tín,... hay quan niệm về “tam tòng, tứ đức” ít nhiều vẫn còn ảnh hưởng khá sâu sắc trong nhận thức và ứng xử của nhân dân, gắn với những ảnh hưởng tích cực như: lối sống trật tự, khuôn phép, “trên kính, dưới nhường”,…

+ Trong quá trình tiếp nhận Nho giáo, các thế hệ người Việt Nam đã tìm cách biến đổi cho phù hợp với văn hoá truyền thống dân tộc. Từ đó, góp phần hình thành truyền thống tốt đẹp như: ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cá nhân đối với cộng đồng; truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, tích cực dấn thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Hạn chế: Nho giáo cũng tạo nên không ít biểu hiện tiêu cực như: tư tưởng gia trưởng; quan niệm tôn ti trật tự; tư tưởng trọng nam, khinh nữ; tư duy rập khuôn, giáo điều;...

Vận dụng (trang 19)

Vận dụng trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 12: Viết một bài thuyết trình ngắn về tính đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống văn hoá-xã hội hiện nay, sau đó chia sẻ với các bạn cùng lớp.

Lời giải:

(*) Bài viết tham khảo:

► Tính đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Hệ thống tín ngưỡng ở Việt Nam vô cùng phong phú, bao gồm tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ các anh hùng....

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo cùng tồn tại và bình đẳng với nhau, gồm những tôn giáo có nguồn gốc du nhập từ bên ngoài (Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, Hồi giáo,... ) và cả những tôn giáo có nguồn gốc bản địa (đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo,... ).

Hiện nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ và 45 nghìn cơ sở tín ngưỡng đang hoạt động. Một số tín ngưỡng bản địa đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, như: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016)…

► Vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ nhất, tín ngưỡng, tôn giáo cung cấp một cách nhận thức để giải thích thế giới và các sự kiện hiện thực, đồng thời là điểm tựa tinh thần cho nhiều người trong xã hội hiện đại:

Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, tín ngưỡng, tôn giáo là một nguồn nhận thức. Các nhận thức luận của tín ngưỡng, tín ngưỡng, tôn giáo giúp người ta giải thích các sự kiện như nguồn gốc vạn vật, nguyên nhân đau khổ, bệnh tật, giàu nghèo của con người.

Trong xã hội hiện đại, với nhiều mối quan hệ chằng chịt nhưng đồng thời với nó cũng không ít mối quan hệ bị đổ vỡ, đứt gãy. Khi đó niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là một điểm tựa cần thiết cho nhiều người.

Với góc độ cá nhân, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo còn để giải quyết nhiều nhu cầu hiện sinh khác; hay trả lời những câu hỏi cơ bản mà đôi khi các khía cạnh vật chất của đời sống hiện đại không giải đáp nổi. Niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo tạo ra các cộng đồng luân lý chung và có tính chất đề kháng với những mặt trái của cơ chế thị trường, xuống cấp của đạo đức, cũng như các giá trị thế tục tiêu cực. Bởi vậy niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là một giá trị hiện tồn và cần thiết cho nhiều cá nhân cũng như các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo bên cạnh những giá trị thế tục khác. Hay nói cách khác, tín ngưỡng, tôn giáo với các niềm tin vào các đối tượng thiêng khác nhau vẫn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội hiện đại của con người.

Hiện nay có khoảng 25% dân số chính thức tự nhận thức rõ mình trực thuộc một tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo nào đó. Tính trung bình từ Đổi mới đến nay, số lượng tín đồ các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tăng khoảng 1,87 lần. Một cách chung nhất, các tín ngưỡng, tôn giáo đều tăng lượng tín đồ của mình theo hắng năm nhưng mức độ khác nhau ở từng tín ngưỡng, tôn giáo. Giai đoạn từ 2000 đến 2017 số lượng tín đồ tăng nhanh hơn giai đoan trước đó, 1990 - 2000. Và giai đoạn sau 1990 tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn 1975 - 1990. Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2013 cả nước có 24 triệu tín đồ (tăng 2,4 lần so với 1975); có 83.000 chức sắc (tăng 2,7 lần so với 1975); có 25.000 cơ sở thờ tự (tăng 1,2 lần so với 1975); có đến 120 tổ chức giáo hội đang hoạt động (tăng hơn 3 lần, chủ yếu là các hệ phái Tin lành mới phát triển đến).

Các con số trên đã phản ánh phần nào một thực tế là số người xác định mình là tín đồ của một tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tăng lên, đặc biệt là từ sau 1990 đến nay. Có nghĩa là tỷ lệ người có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cũng không ngừng tăng lên theo thời gian cùng với sự gia tăng dân số. Thực trạng đó nói lên rằng trong xã hội hiện đại, với sự tăng trưởng mạnh của kinh tế và các khía cạnh xã hội thì người dân Việt Nam vẫn dành một vị trí đáng kể cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo không hề biết mất hoặc giảm đi mà vẫn tồn tại với những biểu hiện sinh động trong đời sống xã hội.

Hiện nay có tâm thức của người dân khi về già, hoặc lúc về hưu vẫn thường hướng theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào đó. Với đa số người Việt thì tâm thức này thường hướng về Phật giáo. Bởi vậy nếu nói số người có cảm tình với Phật giáo, hay có tâm thức hướng phật thì con số không chỉ dừng lại ở khoảng 14 triệu tín đồ hiện này mà có thể lên tới vài chục triệu người.

Thứ hai, tín ngưỡng, tôn giáo cung cấp một hệ giá trị đạo đức cho xã hội:

Bất cứ tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng cần đến một hệ thống giáo dục để truyền tải và lưu giữ niềm tin cho các tín đồ của họ. Đồng thời giáo dục của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo còn hướng con người tới các thực hành đạo đức phù hợp với các tín điều mà tín ngưỡng, tôn giáo đó quy định. Chức năng giáo dục chính là hướng tới việc bảo lưu và phổ biến các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo đối với các cá nhân và cộng đồng xã hội.

Chức năng giáo dục của tín ngưỡng, tôn giáo được hướng tới hai khía cạnh. Trước hết điều quan trọng nhất là định hình và bồi dưỡng niềm tin cho người tín đồ, sau đó là hướng đến giáo dục nhân bản, tức đào tạo những nền tảng của một con người xã hội với các đặc trưng, đức tính phù hợp theo nhãn quan tín ngưỡng, tôn giáo. Trong hai khía cạnh trên thì chức năng giáo dục tín ngưỡng, tôn giáo được đặc biệt quan tâm hơn cả. Vì những người có một đời sống đạo tận tụy và nhiệt thành cũng thường được xem là những người đạo đức trong cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo của họ.

Một khía cạnh rất lớn của giá trị tín ngưỡng, tôn giáo khi tác động tới cá nhân đó là ý niệm về tội, hay các điều cấm kỵ, giữ giới luật. Các giá trị luân lý khi định ra thành khuôn mẫu của đời sống người tín đồ thì sẽ thành những quy ước hay thiết chế để điều chỉnh người tín đồ có một đời sống đạo và đời sống xã hội thường nhật hợp với tín điều.

Chẳng hạn, với Công giáo các việc như ngoại tình, trộm cắp, giết người, gian dối, khoái lạc… dù ở phạm vi của sinh hoạt đời sống nhưng đều liên quan đến một ý niệm của Công giáo về tội. Có thể nói suy nghĩ về tội không để họ yên. Có lẽ không có người Công giáo nào khi bị mắc tội mà vẫn có thể bình chân như vại. Tội làm cho họ nghĩ tới những quy luật sống mà đã được nhắc nhở từ thủa ấy thơ và họ vẫn thường xuyên rèn luyện cho mình. Tội nhắc nhở người tín đồ về việc đã từng đón nhận hay khước từ sự cấm đoán của cha mẹ và cộng đồng (họ hàng, giáo xứ, bè bạn…) như thế nào và hiện nay mình có còn đón nhận quyền bình này dưới mọi hình thức không. Ý niệm về tội cũng nhắc nhở người tín đồ về tự do và giới hạn của nó, những khát vọng thầm kín được bộc lộ đến đâu, tóm lại nó là một thứ thước đo để kiểm chứng xem họ đã trưởng thành hơn về mặt tâm lý chưa.

Giá trị đạo đức này đã tạo ra những cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo có tính đạo đức, cao có thể đề kháng với các mặt xấu của đời sống xã hội.

Thứ ba, tín ngưỡng, tôn giáo cung cấp các động lực để sáng tạo về mặt thẩm mỹ nghệ thuật:

Mối liên hệ giữa con người với thần thánh và các đối tượng thiêng là nguồn gốc để tạo ra các sáng tạo về mặt thẩm mỹ như kiến trúc nghệ thuật. Chẳng hạn chính mối liên hệ giữa người tín đồ với Thiên chúa đã nảy sinh mối quan hệ thẩm mỹ qua các diễn tả bởi nghi thức thờ phụng và các hình thức biểu đạt niềm tin khác. Chính mối quan hệ trên sẽ tạo ra các giá trị thẩm mỹ được phản ánh trong một hình thái đặc thù đó là nghệ Công giáo hay còn gọi là nghệ thuật thiêng, nghệ thuật thánh.

Tín ngưỡng, tín ngưỡng, tôn giáo tạo ra cho con người giá trị thẩm mỹ. Nó được khởi phát từ niềm tin của con người vào các đối tượng thiêng, lấy kinh sách và truyền thống làm chủ đề chính yếu để diễn tả, phát triển qua các hình thức thờ phượng và biểu đạt niềm tin khác nhau, được chuyển tải thành các giá trị nổi bật qua nghệ thuật thánh như hội họa, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc… Nghệ tín ngưỡng, tôn giáo có một nội dung khái quát và bao trùm là sáng tác về chủ đề là đối tượng thiêng mà cộng đồng tón đồ tôn vinh thờ phượng. Tuy nhiên cách diễn tả cụ thể về nội dung đó phải cần đến các hình thức nghệ thuật biểu đạt cụ thể khác nhau, trong các khung cảnh văn hóa, xã hội khác nhau.

Soi chiếu vào thực tế người Việt ta hiện nay cho thấy, đại đa số người Việt Nam theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tỷ lệ này chiếm hơn 70% dân số. Làng nào cũng có đình chùa, miếu để thờ người có công với làng hoặc các thần bảo trợ cho dân làng. Tuy nhiên nhìn vào tâm thức tín ngưỡng, tín ngưỡng, tôn giáo của đại đa số cư dân Việt ta ngày nay so với thời kỳ trước kia, rõ ràng đang có những chuyển biến đáng kể dưới tác động từ các giá trị của tín ngưỡng, thể hiện qua một số chỉ báo sau:

- Quá trình phục hồi gia phả dòng họ, cùng với việc xây dựng từ đường nhà thờ họ nở rộ ở nhiều nơi trên cả nước, biểu hiện một đời sống tâm linh gia tăng, phát triển hơn trước, ít nhất trên khía cạnh vật chất và hình thức.

- Đồng thời với nó là quá trình trùng tu tôn tạo, xây sửa mới các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của chính những cộng đồng cư dân này như: chùa, đền, miếu, phủ… Tại nhiều làng, cư dân không phải hoàn toàn là phật tử nhưng cũng đã đóng góp nhiều sức người và sức của để kiến thiết chùa của làng mình. Tạo ra các công trình tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị vật thể và phi vật thể.

Tóm lại, giá trị thẩm mỹ tín ngưỡng, tôn giáo chính là việc kích hoạt con người sáng tạo cái đẹp qua việc diễn tả ý niệm tín ngưỡng, tôn giáo bằng trí tuệ của của mình vào trong các giá trị nghệ thuật cụ thể. Chính niềm tin vào đối tượng thiêng (thần, thánh, Thiên chúa, Đức Phật…) là hạt nhân, cảm hứng và động lực để con người khám phá, tạo tác, trình diễn và trao truyền cái đẹp. Ở đây, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo như là một nguồn lực để khơi dậy trí tuệ con người về lĩnh vực cái đẹp. Cái đẹp được khám phá không chỉ dừng ở khía cạnh nghệ thuật mà còn là vẻ đẹp khám phá từ chính con người.

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là trong bối cảnh đa dạng các loại hình tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, dẫn đến sự đa dạng cạnh tranh và sự mở rộng của nhiều giá trị niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau ở Việt Nam làm sự trung tín với một niềm tin duy nhất ít nhiều bị ảnh hưởng. Nó được biểu hiện qua các hiện tượng như cải đạo, nhạt đạo, xu hướng thực tế trong diễn tả niềm tin, dẫn đến một số xu hướng lệch chuẩn trong đạo đức tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

1 310 22/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: