Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 1 (Kết nối tri thức): Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 11 KNTT Chuyên đề 1.

1 2,457 20/09/2023


Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam

I. Nghệ thuật thời Lý, thời Trần

Mở đầu trang 6 Chuyên đề Lịch Sử 11: Hình dưới đây là một trong những thành tựu tiêu biểu về kiến trúc và điêu khắc truyền thống Việt Nam. Trải qua các thời kì từ Lý, Trần đến Nguyễn, Việt Nam còn có những thành tựu tiêu biểu nào khác về kiến trúc, điêu khắc, mĩ thuật và âm nhạc? Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về một trong các thành tựu đó. Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua các triều đại có sự phát triển, khác biệt như thế nào?

Hình dưới đây là một trong những thành tựu tiêu biểu về kiến trúc trang 6 SGK Chuyên đề lịch sử 11 (ảnh 1)

Lời giải:

- Một số thành tựu tiêu biểu:

+ Về kiến trúc: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); thành nhà Hồ (Thanh Hóa); chùa tháp Phổ Minh (Nam Định); chùa Tây Phương (Hà Nội); chùa Keo (Tháo Bình),…

+ Về điêu khắc: tượng phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); tượng các vị La hán chùa Tây Phương (Hà Nội); Rồng đá ở điện Kính Thiên tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội),…

+ Về mĩ thuật: tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh dân gian hàng Trống (Hà Nội); tranh Kim Hoàng (Hà Nội); tranh làng Sình (Huế),…

+ Về âm nhạc: Nhã nhạc cung đình; Dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh,…

- Chia sẻ hiểu biết: rồng đá ở thềm trước Điện Kính Thiên uốn 7 khúc. Đầu rồng nổi bật, dáng vẻ uy nghiêm, oai hùng, mạnh mẽ, đôi mắt rồng lồi, chiếc mũi gồ cao, đôi sừng nhọn khép lại đằng sau theo tư thế rồng ngẩng lên chầu vua. Đôi bờm dài và 5 móng rồng được coi là biểu tượng của rồng đế vương.

Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam có sự phát triển qua các triều đại, ở mỗi triều đại đều có những nét đặc trưng riêng về phong cách nghệ thuật.

1. Nghệ thuật thời Lý

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 8

Câu hỏi 1 trang 8 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét chính về kiến trúc và điêu khắc thời Lý.

Lời giải:

- Kiến trúc thời Lý:

+ Kiến trúc phát triển mạnh và chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

+ Các công trình cung điện, lâu đài, chùa, tháp,... được xây dựng với quy mô lớn. Việc xây dựng một số công trình chùa, tháp đã phản ánh sự phát triển của Phật giáo.

- Điêu khắc thời Lý:

+ Chủ yếu được thể hiện trên gỗ, gốm, đá với các đề tài về: mây, sóng nước, hoa sen, lá đề,... đặc biệt là hình tượng rồng thể hiện trình độ thẩm mĩ và ước mơ về cuộc sống thịnh vượng của cư dân.

+ Đặc điểm chung của điêu khắc thời Lý là: sự khắc họa chân thực, đơn giản, uyển chuyển với tượng tròn, phù điêu sống động, mềm mại; nhiều linh vật được tạc thành tượng, khắc họa rõ nét văn hoá bản địa dù có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Trung Hoa và Ấn Độ.

+ Một số tác phẩm điêu khắc, hiện vật tiêu biểu như: tượng chim uyên ương, tượng sư tử, tượng tiên nữ Ápsara....

Câu hỏi 2 trang 8 Chuyên đề Lịch Sử 11: Kể tên một số công trình kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu thời Lý mà em biết.

Lời giải:

- Một số công trình kiến trúc tiêu biểu:Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); chùa Một Cột, chùa Thắng Nghiêm, chùa Chân Giáo, tháp Báo Thiên (Hà Nội); chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam),...

- Một số tác phẩm, hiện vật điêu khắc tiêu biểu:tượng chim uyên ương, tượng sư tử, tượng tiên nữ Ápsara; gạch trang trí hình rồng....

2. Nghệ thuật thời Trần

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 10

Câu hỏi 1 trang 10 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Trần.

Lời giải:

- Kiến trúc thời Trần:

+ Có sự kế thừa, phát triển phong cách kiến trúc thời Lý và đạt nhiều thành tựu.

+ Bên cạnh việc tu sửa các công trình kiến trúc có từ thời Lý, Vương triều Trần cho xây dựng mới một số công trình tại Hoàng cung Thăng Long và một số nơi khác. Ví dụ như: xây dựng cung Tức Mặc ở Thiên Trường (Nam Định); hành cung Lỗ Giang ở Thái Bình, hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình,...

+ Chùa, tháp thời Trần được xây dựng rải rác ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc, nhưng tập trung nhất vẫn ở ven các triền sông vùng Đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.

+ Đa số các chùa, tháp thời kì này được trùng tu hoặc xây dựng lại từ các công trình đã có từ thời Lý với quy mô nhỏ hơn như: chùa, tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), chùa Thái Lạc (Hưng Yên),... Riêng khu chùa, tháp Yên Tử (Quảng Ninh) được xây dựng mở rộng để trở thành trung tâm Phật giáo.

- Điêu khắc thời Trần:

+ Nghệ thuật điêu khắc thời Trần là sự nối tiếp thời Lý, nhưng phong cách tạo hình thể hiện sự khoáng đạt, khỏe khoắn hơn.

+ Hoa văn trang trí chủ yếu trên đồ gốm, đình, chùa là: hoa sen, hoa cúc, hình rồng, chim phượng, hổ, hình người....

+ Một số tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của thời kì này như: Tiên nữ dâng hoa - tấu nhạc (chùa Thái Lạc, Hưng Yên), vũ nữ múa trên bệ đá (chùa Hoa Long, Thanh Hoá), bộ cửa điêu khắc hình rồng (chùa Phổ Minh, Nam Định),…

Câu hỏi 2 trang 10 Chuyên đề Lịch Sử 11So sánh về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc giữa thời Trần và thời Lý.

Lời giải:

♦ So sánh nghệ thuật kiến trúc thời Lý và thời Trần:

- Giống nhau:

+ Chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

+ Có sự phát triển và đạt được nhiều thành tựu ở cả 2 loại hình: kiến trúc cung đình và kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian.

- Khác nhau:

+ Kiến trúc thời Trần phát triển dựa trên sự kế thừa phong cách kiến trúc thời Lý.

+ So với thời Lý, phạm vi xây dựng chùa, tháp thời Trần đã được mở rộng về phía nam, đến Thanh Hóa, Nghệ An.

♦ So sánh nghệ thuật điêu khắc thời Lý và thời Trần:

- Giống nhau:

+ Các tác phẩm hoặc hiện vật điêu khắc được thể hiện trên nhiều chất liệu, ví dụ như: gỗ, gốm, đá,…

+ Đa dạng, phong phú về đề tài và hoa văn trang trí.

+ Dù chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Trung Hoa, Ấn Độ, song các tác phẩm điêu khắc thể hiện rõ tính bản địa.

- Khác nhau:

+ Thời Lý: phong cách điêu khắc thể hiện sự chân thực, đơn giản, uyển chuyển, mềm mại.

+ Thời Trần: phong cách tạo hình thể hiện sự khoáng đạt, khỏe khoắn,…

II. Nghệ thuật thời Lê Sơ, thời Mạc

1. Nghệ thuật thời Lê sơ

Câu hỏi trang 12 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu những nét chính về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lê sơ và nhận xét.

Lời giải:

♦ Nét chính về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lê sơ:

- Kiến trúc:

+ Các công trình kiến trúc tập trung chủ yếu ở Đông Đô (Thăng Long) và Tây Đô (Thanh Hoá) với những công trình tiêu biểu như: điện Kính Thiên, điện Cần Chánh, cung Vạn Thọ tại Đông Đô và điện Lam Kinh tại Tây Đô….

+ Việc xây dựng mới các chùa, tháp bị hạn chế nhưng hoạt động tu bổ vẫn được coi trọng. Nhà nước đã cho trùng tu nhiều chùa như: chùa Minh Độ (Hải Dương); chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), chùa Kim Liên (Hà Nội), Tháp chùa Hoa Yên (Quảng Ninh),…

- Điêu khắc: bao gồm: điêu khắc lăng mộ, văn bia, thành bậc bằng đá,...

+ Đầu thời Lê sơ, các pho tượng ở lăng mộ được sắp xếp với bố cục và kích thước đều nhau phỏng theo hình mẫu của bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh. Từ thời vua Lê Thánh Tông, phong cách điêu khắc có sự thay đổi theo chiều hướng hoa mĩ, cầu kì hơn.

+ Văn bia trong lăng mộ phản ánh rõ phong cách điêu khắc thời kì này. Trong đó, bia Vĩnh Lăng là một trong những tấm bia mộ tiêu biểu còn nguyên vẹn đến ngày nay.

+ Nghệ thuật chạm khắc, trang trí thời Lê sơ rất tinh xảo. Các thành bậc bằng đá, bia đá đều được chạm khắc các cảnh sinh hoạt như: đấu vật, đánh cờ, chèo thuyền,... Trong đó, hình rồng trên bia đá có vẻ đẹp sống động, tự nhiên, khỏe mạnh và dữ tợn hơn so với rồng thời Lý, thời Trần; tượng trưng cho quyền lực chuyên chế của vua.

♦ Nhận xét:

- Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lê sơ có đặc điểm chung là quy mô vừa phải, vừa mang tính khuôn thước, mẫu mực theo tinh thần Nho giáo, vừa mang nét giản dị, đậm tính dân gian.

- Trong kiến trúc, so với thời Lý – Trần, loại hình kiến trúc tôn giáo (nhất là Phật giáo) dưới thời Lê sơ kém phát triển, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức tu sửa các công trình đã xây dựng trước đó; rất hạn chế việc xây dựng các công trình mới.

- Trong điêu khắc, hình tượng rồng thời Lê sơ có điểm khác biệt so với thời Lý, Trần:

+ Thời Lý – Trần: hình tượng rồng được thể hiện bằng những đường nét mềm mại, cân đối, uyển chuyển;

+ Thời Lê sơ: hình tượng rồng thể hiện bằng những đường nét sắc nhọn, mạnh mẽ, khỏe khắn, gợi lên sự uy nghiêm, dữ tợn tượng trưng cho quyền lực chuyên chế của nhà vua.

2. Nghệ thuật thời Mạc

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 13

Câu hỏi 1 trang 13 Chuyên đề Lịch Sử 11Kể tên những thành tựu nghệ thuật chính thời Mạc.

Lời giải:

- Một số công trình kiến trúc tiêu biểu thời Mạc là:

+ Thành nhà Mạc (được xây dựng ở Cao Bằng, Tuyên Quang; Lạng Sơn);

+ Lăng mộ ở Dương Kinh (Hải Phòng);

+ Đình Tây Đằng (Hà Nội); chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Cập Nhất (Hải Dương),…

- Một số tác phẩm, hiện vật điêu khắc tiêu biểu thời Mạc là:

+ Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung tại chùa Trà Phương (Hải Phòng);

+ Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn tại chùa Trà Phương (Hải Phòng);

+ Mảng chạm khắc gỗ hình người nuôi gia súc ở đình Tây Đằng (Hà Nội);

+ Mảng chạm khắc gỗ hình mẹ gánh con ở đình Tây Đằng (Hà Nội);

+ Tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Đa Tốn (Hà Nội).

Câu hỏi 2 trang 13 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày những nét cơ bản về kiến trúc và điêu khắc thời Mạc.

Lời giải:

- Kiến trúc thời Mạc:

Các công trình kiến trúc thời Mạc bao gồm: cung điện và thành quách, chùa, tháp, đình, quán, đền, miếu,...

▪ Ở Thăng Long, nhà Mạc kế thừa các cung điện thời Lê sơ để lại, không xây thêm nhiều và cũng ít tu bổ.

▪ Dấu tích kiến trúc đình, chùa thời Mạc còn lưu lại ở một số nơi như: chùa Bối Khê (Hà Nội), mộ bà chúa Mạc ở chùa Phổ Minh (Nam Định), đình Tây Đằng (Hà Nội) và đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang),…

+ Kiến trúc thời Mạc chịu ảnh hưởng rõ rệt của Đạo giáo. Một số đạo quán được trùng tu và xây dựng như: Thụy Ứng (Hưng Yên), Tiên Phúc (Hải Dương),...

- Điêu khắc thời Mạc:

+ Điêu khắc thời Mạc rất phát triển với chất liệu gỗ, đá.

+ Các loại hình tượng phổ biến là: tượng Phật, Thánh được tiện bằng gỗ và tượng nhân vật được tạc bằng đá.

+ Loại hình hoa văn trong điêu khắc thời Mạc rất phong phú, đa dạng. Ví dụ như: hình tiên nữ, hình các loài vật, hình ảnh sóng nước, mây trời, hoa lá,…

+ Một trong những thành tựu tiêu biểu về nghệ thuật điêu khắc thời Mạc là loại hình chân đèn gốm hoa lam.

III. Nghệ thuật thời Lê Trung Hưng

1. Kiến trúc

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 14

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét chính về kiến trúc thời Lê trung hưng.

Lời giải:

Thời Lê trung hưng, loại hình kiến trúc cung đình, lăng mộ của vua chúa có sự tiếp nối phong cách kiến trúc các thời kì trước, trong khi kiến trúc dân gian lại phát triển theo hướng cởi mở, phóng khoáng hơn.

- Trong các thế kỉ XVII - XVIII, đình làng đã được xây dựng phổ biến, nhất là ở Đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu như các đình: Chu Quyến (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc),…

- Nhiều ngôi chùa được xây dựng mới hoặc trùng tu trên nền những ngôi chùa trước đó. Phong cách kiến trúc chùa gần gũi với cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống đời thường.

- Nhà thờ Công giáo là loại hình kiến trúc tôn giáo mới xuất hiện từ thời Lê trung hưng. Hầu hết các nhà thờ đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gô-tích, tiêu biểu là nhà thờ Phố Hiến (Hưng Yên) được xây dựng vào cuối thế kỉ XVII

2. Điêu khắc

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét chính về điêu khắc thời Lê trung hưng.

Lời giải:

- Nghệ thuật điêu khắc cung đình thời kì này có xu hướng đơn giản hoá, kết hợp với phong cách điêu khắc dân gian.

- Nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao, phản ánh sinh động đời sống và thể hiện ước mơ, khát vọng về cuộc sống bình yên của nhân dân.

- Điêu khắc trên gỗ đạt đến trình độ điêu luyện, tiêu biểu là: tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, Bắc Ninh), tượng Phật Tuyết Sơn và 18 vị La Hán (chùa Tây Phương, Hà Nội),...

3. Mĩ thuật

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 15

Câu hỏi 1 trang 15 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét cơ bản về thành tựu và đặc điểm mĩ thuật thời Lê Trung Hưng.

Lời giải:

Thành tựu: Bên cạnh dòng tranh dân gian khắc in trên giấy, thời Lê trung hưng còn xuất hiện dòng tranh vẽ và in trên gỗ, lụa.

+ Dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất là: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng (Hà Nội)…

+ Dòng tranh lụa thường khắc họa chân dung các nhân vật lịch sử tiêu biểu như: Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Ích,...

Đặc điểm: họa tiết mĩ thuật thời Lê trung hưng có phần đơn giản nhưng rất sinh động và giàu tính hiện thực.

Câu hỏi 2 trang 15 Chuyên đề Lịch Sử 11Phân tích những điểm mới về nghệ thuật thời Lê trung hưng.

Lời giải:

- Một số điểm mới trong nghệ thuật thời Lê trung hưng:

+ Kiến trúc cung đình có sự mở rộng, thể hiện ở hệ thống cung vua Lê, phủ chúa (bao gồm cả phủ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và phủ chúa Nguyễn ở Đàng Trong).

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có sự phát triển hơn so với thời Lê sơ, điều này thể hiện ở việc: hàng loạt các công trình đình, chùa, nhà thờ,… được sửa sang, tu bổ hoặc xây mới.

+ Xu hướng hòa nhập giữa nghệ thuật cung đình với nghệ thuật dân gian trở thành xu hướng chủ đạo, thậm chí nghệ thuật dân gian còn lấn át nghệ thuật cung đình.

+ Nghệ thuật thời Lê trung hưng đã bước đầu có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây, thể hiện qua việc: xuất hiện các nhà thờ Thiên Chúa giáo theo phong cách kiến trúc Gô-tích,…

+ Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật thời Lê trung hưng là tính nhân bản và tinh thần dân tộc được đẩy lên rất cao. Những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa hay âm nhạc đều phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của các tầng lớp xã hội vừa hiện thực, vừa đậm đặc tính dân gian.

IV. Nghệ thuật thời Nguyễn

1. Kiến trúc

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét chính về kiến trúc thời Nguyễn.

Lời giải:

- Kiến trúc thời Nguyễn là sự tiếp nối, phát triển của kiến trúc truyền thống và chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây.

+ Tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc cung đình thời kì này là kinh thành Huế. Đây là quần thể có sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam với kiến trúc quân sự phương Tây, bao gồm Hoàng thành, các cung điện,...

+ Ở Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long được xây dựng lại theo kiểu vô-băng của Pháp, quy mô nhỏ hơn trước song có hệ thống công sự, ụ súng phòng thủ theo kiến trúc phương Tây.

+ Ở khu vực Nam Bộ, nhà Nguyễn xây dựng thành Gia Định với sự kết hợp giữa kiểu kiến trúc thành vô-băng của phương Tây với phong cách truyền thống.

- Nét đặc sắc trong kiến trúc thời Nguyễn còn được thể hiện ở hệ thống lăng tẩm. Các lăng tẩm thường được xây dựng từ khi các vị vua còn trị vì, có phong cảnh hữu tình, với lối chạm khắc tinh xảo và hài hoà với thiên nhiên.

- Dưới thời Nguyễn, chùa chủ yếu được xây dựng mới ở Huế. Trong đó, chùa Thiên Mụ được coi là biểu tượng của kinh đô. Trong khi đó, ở Thăng Long, các công trình đền, chùa ít được đầu tư xây dựng, nhưng vẫn có một số kiệt tác như đền Ngọc Sơn, chùa Báo Ân,...

2. Điêu khắc

Câu hỏi trang 17 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét cơ bản về điêu khắc thời Nguyễn.

Lời giải:

- Nghệ thuật điêu khắc chủ yếu thể hiện qua các tác phẩm chạm khắc tinh xảo, đa dạng trong các lăng tẩm và di tích.

+ Điêu khắc lăng tẩm thời Nguyễn nhìn chung khá chặt chẽ về quy phạm, các chi tiết được làm giống như thật, đặc tả hiện thực.

+ Ở khu vực Bắc Bộ, các công trình điêu khắc Phật giáo tiếp tục phát triển với nhiều chùa, tượng…... song tính sinh động giảm sút so với thời kì trước.

- Trong các công trình điêu khắc thời Nguyễn, Cửu đỉnh được coi là kiệt tác tiêu biểu nhất.

+ Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế miếu.

+ Trên mỗi Cửu đỉnh có 18 hình khắc, chạm nổi các hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh mang đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên Cửu đỉnh bao gồm: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền.

+ Cửu đỉnh được xem là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam.

3. Mĩ thuật

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 18

Câu hỏi trang 18 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày những nét nổi bật về mĩ thuật thời Nguyễn.

Lời giải:

- Mĩ thuật thời Nguyễn bao gồm mĩ thuật cung đình và mĩ thuật dân gian.

+ Hầu hết các bộ phận bằng gỗ trong cung điện đều được sơn son thếp vàng và trở thành phong cách trang trí chủ đạo của kiến trúc cung đình, làm cho các công trình thêm rực rỡ nhưng vẫn thể hiện sự tôn nghiêm.

+ Mĩ thuật dân gian thời Nguyễn là sự kế thừa và phát triển mĩ thuật của các thời kì trước. Ngoài các dòng tranh dân gian đã có, thời kì này còn xuất hiện dòng tranh làng Sình (Huế). Một số bức vẽ trên các công trình kiến trúc cho thấy bước đầu có sự ảnh hưởng của hội hoạ phương Tây.

- Điểm độc đáo của mĩ thuật thời Nguyễn là sự ảnh hưởng, tác động qua lại giữa mĩ thuật dân gian và mĩ thuật cung đình.

+ Những họa tiết trang trí trong các đình làng xung quanh Huế như: Kim Long, Lại Thế, Dương Nỗ,... có nhiều đặc điểm gần với kiến trúc và mĩ thuật cung đình.

+ Ở vùng phụ cận Huế, thợ thủ công mĩ nghệ đã có công không nhỏ trong việc chạm khảm thành quách, lăng tẩm, thêu gấm trang phục, trang trí nội thất cho các công trình của vua và quan lại.

4. Âm nhạc

Câu hỏi 1 trang 18 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những nét cơ bản về âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian thời Nguyễn.

Lời giải:

- Âm nhạc cung đình có vai trò quan trọng trong các nghi lễ của triều đình cũng như đời sống của quan lại, quý tộc.

+ Nhã nhạc là thể loại nhạc chính thống của quốc gia với tổ chức dàn nhạc và tiết mục ca múa nhạc có quy mô lớn, có sự trình diễn của nhiều diễn viên, nhạc công.

+ Thể loại âm nhạc cung đình này có sự biến tấu linh hoạt và tính bác học cao. Dưới triều Nguyễn, nhã nhạc cung đình đạt đến trình độ uyên bác, thể hiện bước phát triển vượt bậc so với các thời kì trước.

- Âm nhạc dân gian tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự hoàn thiện của các loại hình âm nhạc truyền thống như lí, hò, hát bội.... Trong quá trình phát triển, âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình đã có sự dung hòa nhất định tiêu biểu như loại hình ca Huế.

Câu hỏi 2 trang 18 Chuyên đề Lịch Sử 11: Chỉ ra những điểm mới của nghệ thuật thời Nguyễn.

Lời giải:

- Một số điểm mới của nghệ thuật thời Nguyễn:

+ Nghệ thuật thời Nguyễn phát triển đa dạng và có sự tiếp thu thành tựu nghệ thuật Trung Hoa và phương Tây. Ví dụ: kiến trúc kinh Thành Huế có sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của Việt Nam, kiến trúc cung đình Trung Hoa và kiến trúc quân sự phương Tây.

+ Các công trình nghệ thuật thời Nguyễn có kết cấu tổng thể chặt chẽ, ý tưởng sáng tạo, phương pháp biểu đạt mạch lạc, quy chuẩn.

+ Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc thời Nguyễn có sự phát triển vượt bậc so với các giai đoạn trước đó, để lại cho hậu thế một di sản to lớn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị về nhiều mặt.

Luyện tập và Vận dụng (trang 19)

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 19

Luyện tập 1 trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 11Thông qua hoạt động thực tế, sưu tầm tư liệu, hoàn thành bảng thống kê những thành tựu chính về nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua các thời kì (theo gợi ý dưới đây).

Thời kì

Công trình kiến trúc

tiêu biểu

Công trình (tác phẩm)

điêu khắc tiêu biểu

Thời Lý

   

Thời Trần

   

Thời Lê sơ

   

Thời Mạc

   

Thời Lê trung hưng

   

Thời Nguyễn

   

Lời giải:

Thời kì

Công trình kiến trúc

tiêu biểu

Công trình (tác phẩm)

điêu khắc tiêu biểu

Thời Lý

- Thành Thăng Long (Hà Nội)

- Chùa Một Cột (Hà Nội)

- Chùa Dạm (Bắc Ninh),…

- Gạch trang trí hình rồng;

- Tượng chim uyên ương;

- Tượng tiên nữ Ápsara,…

Thời Trần

- Cung Tức Mặc (Nam Định);

- Hành cung Lỗ Giang (Thái Bình);

- Tháp Phổ Minh (Nam Định),…

- Bức điêu khắc Tiên nữ dâng hoa, tấu nhạc ở chùa Thái Lạc;

- Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ;...

Thời Lê sơ

- Điện Lam Kinh (Thanh Hóa);

- Điện Kính Thiên (Hà Nội);…

- Bia Vĩnh Lăng (Thanh Hóa);

- Rồng đá ở Điện Kính Thiên;…

Thời Mạc

- Thành nhà Mạc (Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn);

- Đình Tây Đằng (Hà Nội);

- Đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang);…

- Tượng công chúa Mạc Ngọc Lâm ở chùa Phổ Minh (Nam Định);

- Chân đèn gốm hoa lam,…

Thời Lê trung Hưng

- Chùa Keo (Thái Bình);

- Chùa Côn Sơn (Hải Dương);

- Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh);

- Chùa Thái Lạc (Hưng Yên);

- Nhà thờ Phố Hiến (Hưng Yên),…

- Tượng phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh);

- Tượng 18 vị La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội);…

Thời Nguyễn

- Kinh thành Huế (Thừa Thiên Huế)

- Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế);

- Đàn Xã tắc (Thừa Thiên Huế);…

- Cửu đỉnh (Thừa Thiên Huế);

- Ấn ngọc “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỉ”,…

Luyện tập 2 trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu điểm mới của nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam qua các thời kì về chất liệu, chủ đề và họa tiết trang trí.

Lời giải:

Thời kì

Đặc điểm nghệ thuật điêu khắc

Chất liệu

Chủ đề, họa tiết

Phong cách tạo hình

Gỗ, gốm, đá,…

- Hoa lá (sen, cúc…)

- Tượng linh vật (rồng…)

- Chân thực, đơn giản, uyển chuyển, mềm mại.

Trần

Gỗ, gốm, đá,…

- Cảnh sắc thiên nhiên, hoa lá (mây, lá đề,…)

- Tượng linh vật (rồng,…)

- Hình người, tiên nữ…

- Khoáng đạt, khỏe khoắn

Lê sơ

Chủ yếu là điêu khắc trên đá

- Loại hình: điêu khắc lăng mộ, văn bia, thành bậc bằng đá,…

- Hình tượng:

+ Linh vật (rồng, rùa,…)

+ Cảnh sinh hoạt (đấu vật, đánh cờ,…)

- Quy mô vừa phải, vừa mang tính khuôn thước, mẫu mực theo tinh thần Nho giáo, vừa mang nét giản dị, đậm tính dân gian.

Mạc

Gỗ, đá, gốm,…

- Tượng Phật, Thánh,…

- Tượng nhân vật

- Tượng linh vật

- Cảnh sinh hoạt của người lao động

- Có sự kế thừa và kết hợp giữa: nét mềm mại thời Lý; sự dung dị, khỏe khoắn thời Trần; sự hồn hậu, nhân văn thời Lê.

Lê trung hưng

Gỗ, đá, đồng,…

- Tượng phật

- Tượng linh vật

- Cảnh sinh hoạt của người lao động

- Điêu khắc cung đình có xu hướng đơn giản hóa.

- Kết hợp giữa phong cách cung đình và dân gian.

Nguyễn

Gỗ, đá, đồng, gốm men, ngà voi, vàng, bạc, ngọc…

- Tượng thần, Phật;

- Tượng người;

- Tượng linh vật

- Cảnh sinh hoạt của người lao động

- Chặt chẽ về quy phạm, các chi tiết được làm giống như thật, đặc tả hiện thực.

Vận dụng 1 trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 11Sưu tầm tư liệu từ sách, báo và internet, hãy viết một đoạn văn ngắn (dưới 300 chữ) về một tác phẩm điêu khắc (hội họa) đã được công nhận Bảo vật quốc gia mà em ấn tượng nhất.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Giới thiệu về Cửu đỉnh

Cửu đỉnh là bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại Kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Việc đúc Cửu đỉnh được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành đầu năm 1837. Đỉnh được coi là biểu tượng uy quyền của triều đình quân chủ, tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời bền vững.

Ngày 4/3/1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ khánh thành và an vị cho Cửu đỉnh dưới sự chủ lễ của vua Minh Mạng. Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng thành (Đại Nội - Kinh thành Huế). Các đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Cửu đỉnh được xếp một hàng ngang, đối diện với 9 gian thờ trong Thế Tổ miếu, tương ứng với 9 vị vua được thờ trong miếu. Riêng chiếc đỉnh lớn nhất (Cao đỉnh) là chiếc đỉnh ứng với vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn, được đặt chính giữa và nhô về phía trước so với 8 chiếc còn lại.

Cửu đỉnh được coi là "bộ bách khoa thư của Việt Nam" được các học sĩ thời phong kiến soạn một cách tổng quát, phong phú. Cửu đỉnh gắn liền với số 9 - được coi là con số linh thiêng, may mắn trong văn hóa phương Đông. Trên mỗi đỉnh có 18 hình khắc theo cách chạm nổi, ngoại trừ một hình khắc tên của đỉnh thì 17 hình còn lại là hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình khắc trên đỉnh được chia làm 3 tầng, mỗi tầng 6 hình xen kẽ với mảng trống, xếp trên dưới so le với nhau. Các hình này được phân thành các nhóm, mỗi nhóm có 9 hình khắc trên 9 đỉnh như: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền...

Cửu đỉnh cũng được coi là "bộ sách địa chí của Việt Nam", với những danh thắng tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện tư tưởng hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên 3 chiếc đỉnh lớn nhất. Đó là hình ảnh của Đông Hải (biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), Nam Hải (vùng biển phía nam - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây - khắc trên Chương đỉnh).

Cửu đỉnh được đúc theo phương thức thủ công truyền thống. Khuôn đúc bằng đất sét cũng được tạo tác thủ công vô cùng tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, tất cả khuôn đúc được phá bỏ để tránh sự sao chép. Tạo hình các đỉnh, cũng như các hình khắc, hoa văn, họa tiết trên Cửu đỉnh vô cùng tinh xảo và độc đáo, chưa từng có trong các công trình, tác phẩm mỹ thuật đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam.

Từ khi an vị ở sân Thế Tổ miếu - Hoàng thành Huế (năm 1837) tới nay, Cửu đỉnh chưa từng được di dời đi nơi khác và cũng chưa từng phải duy tu, sửa chữa. Trải qua gần 200 năm, qua khói lửa chiến tranh, Cửu đỉnh vẫn tồn tại và xứng đáng là một kiệt tác điêu khắc của người xưa, niềm tự hào của triều Nguyễn và nay là báu vật của đất nước.

Năm 2012, bộ Cửu đỉnh nhà Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 1). Năm 2021, sau hai năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.

Vận dụng 2 trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 11Thiết kế một bài giới thiệu để quảng bá giá trị của một công trình (tác phẩm) nghệ thuật truyền thống (thể hiện dưới dạng poster, infographic...).

Lời giải:

(*) Tham khảo

Thiết kế một bài giới thiệu để quảng bá giá trị của một công trình (tác phẩm) nghệ thuật (ảnh 2)

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Lịch sử lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 2: Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX

Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

1 2,457 20/09/2023


Xem thêm các chương trình khác: