Chuyên đề Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Chiến tranh lạnh

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 11 Chiến tranh lạnh sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 11.

1 1720 lượt xem


Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chiến tranh lạnh

1. Nguyên nhân, đặc điểm

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác các tư liệu 3, 4 và thông tin trong mục, nêu những nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh lạnh.

Khai thác các tư liệu 3, 4 và thông tin trong mục nêu những nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh lạnh (ảnh 1)

Lời giải:

♦ Nguyên nhân: Chiến tranh lạnh xuất phát từ nguyên nhân cơ bản là sự đối lập sâu sắc về hệ tư tưởng; mục tiêu, chiến lược; về quyền lực giữa Mỹ và Liên Xô trong trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Sự đối đầu về hệ tư tưởng giữa Mỹ với Liên Xô đã bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

- Về mục tiêu, chiến lược:

+ Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới.

+ Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ vươn lên trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất. Lo ngại ảnh hưởng to lớn của Liên Xô đe dọa tham vọng bá chủ toàn cầu của mình, Mỹ tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

=> Từ liên minh chống phát xít, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai cường quốc Liên Xô và Mĩ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu.

♦ Những sự kiện dẫn đến chiến tranh lạnh

- Tháng 3/1947, Tổng thống Mỹ Truman đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ, nêu lên thông điệp: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mỹ, đồng thời nêu rõ phải “ngăn chặn nguy cơ của chủ nghĩa cộng sản”.

- Tháng 6/1947, Mỹ tiếp tục đưa ra kế hoạch tái thiết châu Âu với tên gọi Kế hoạch phục hưng châu Âu (còn gọi là Kế hoạch Mác-san). Với kế hoạch này, Mỹ đã đưa ra khoản viện trợ 17 tỉ USD để giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế, mở rộng ảnh hưởng của Mỹ; đồng thời tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh chống Liên Xô.

- Tháng 1/1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) nhằm tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa.

- Tháng 4/1949, Mỹ thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh chính trị, quân sự của các nước tư bản phương Tây nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

- Để đối trọng với NATO, tháng 5/1955, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu kí kết Hiệp ước Vácsava, thành lập Tổ chức Hiệp ước Vácsava - một liên minh chính trị, quân sự mang tính chất phòng thủ.

=> Sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vácsava đánh dấu sự xác lập của Trật tự thế giới hai cực do Mỹ và Liên Xô đứng đầu mỗi cực. Sự đối đầu giữa hai khối quân sự trở thành mặt trận chính yếu của cuộc Chiến tranh lạnh.

Câu hỏi trang 31 Chuyên đề Lịch Sử 11Nêu những đặc điểm của Chiến tranh lạnh.

Lời giải:

♦ Chiến tranh lạnh có những đặc điểm khác biệt so với các cuộc chiến tranh đã từng diễn ra trong lịch sử.

Thứ nhất, Chiến tranh lạnh là cuộc chiến tranh không nổ súng, không có xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô nhưng thế giới luôn ở tình trạng căng thẳng do cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt giữa hai siêu cường.

+ Cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu từ thập kỉ 50 của thế kỉ XX, lên tới đỉnh cao vào thập kỉ 70.

+ Cùng với việc tăng cường khối lượng khổng lồ các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh, thành lập các liên minh quân sự ở các khu vực trên thế giới, hai nước ráo riết chạy đua chế tạo, sản xuất vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, Chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm, trải qua những giai đoạn căng thẳng cao độ (thể hiện ở cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba - tháng 10/1962) nhưng cuối cùng không dẫn tới một cuộc “chiến tranh nóng” trực tiếp giữa hai khối quân sự cũng như hai cường quốc đứng đầu hai khối.

- Thứ ba, trong thời kì Chiến tranh lạnh, các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự xảy ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

+ Ở châu Á, chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (1979 - 1989),... là những cuộc chiến tranh cục bộ tiêu biểu.

+ Ở khu vực Trung Đông, chiến tranh Trung Đông giữa Ixraen (với sự hỗ trợ của Mỹ) và các nước Arập (có sự giúp đỡ của Liên Xô) bắt đầu từ năm 1948 và kéo dài trong nhiều năm.

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề Lịch Sử 11Đánh giá những hậu quả của Chiến tranh lạnh đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Lời giải:

Hậu quả của Chiến tranh lạnh đối với thế giới

+ Thứ nhất, trong suốt hơn 4 thập niên (1947 - 1989), thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Việc các cường quốc chi một khối lượng khổng lồ về tiền của và sức người để sản xuất các loại vũ khí huỷ diệt, xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới.

+ Thứ hai, Chiến tranh lạnh tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị của thế giới.

Thứ ba, Chiến tranh lạnh đã khiến cho hàng triệu người chết và tàn phế vì các cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra ở khắp các khu vực trên thế giới.

Hậu quả của Chiến tranh lạnh đối với Việt Nam

+ Chiến tranh lạnh tác động trực tiếp đến công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong thế kỉ XX. Chiến tranh lạnh thúc đẩy việc quốc tế hoá các cuộc xung đột ở Đông Dương và Việt Nam, làm cho quy mô chiến tranh mở rộng, thời gian kéo dài và tính chất phức tạp.

+ Chiến tranh lạnh gây ra tình trạng chia cắt lãnh thổ tại Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Nhân dân hai miền Nam, Bắc đã phải hi sinh nhiều sức người, sức của để chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

+ Sau năm 1975, Chiến tranh lạnh cũng gây ra nhiều khó khăn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hậu quả từ chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ.

Câu hỏi trang 33 Chuyên đề Lịch Sử 11Phân tích nguyên nhân kết thúc Chiến tranh lạnh và tác động đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Lời giải:

♦ Nguyên nhân kết thúc Chiến tranh lạnh:

- Cuộc chạy đua vũ trang kéo dài đã làm cho Mỹ và Liên Xô đều bị suy giảm sức mạnh trên nhiều mặt so với các cường quốc khác. Cả hai đều cần thoát ra khỏi thế đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình.

- Sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản, các nước Tây Âu.... đặt ra những thách thức to lớn cho cả Mỹ và Liên Xô. Các nước này trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Mỹ. Tình trạng suy yếu và khủng hoảng ở Liên Xô ngày càng trầm trọng vào nửa sau thập kỉ 80.

- Mặc dù Chiến tranh lạnh vẫn tiếp diễn nhưng xu hướng hòa hoãn Đông - Tây đã xuất hiện từ thập kỉ 70 với việc Xô - Mỹ đạt được những thỏa thuận về hạn chế vũ khí chiến lược, tiến hành những cuộc gặp gỡ cấp cao, nhất là từ khi M. Goócbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô vào năm 1985.

- Những sai lầm trong chính sách và công cuộc cải tổ của M. Goócbachốp là một trong những nhân tố thúc đẩy sự kết thúc Chiến tranh lạnh. Liên Xô đã thực sự không thể tiếp tục cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đối đầu Đông - Tây.

♦ Tác động từ sự kết thúc Chiến tranh lạnh:

- Đối với thế giới:

+ Chiến tranh lạnh kết thúc cùng với sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của Trật tự hai cực Ianta, đồng thời kéo theo những thay đổi về tương quan lực lượng có lợi cho Mỹ và phương Tây. Mỹ có lợi thế tạm thời để thực hiện tham vọng thiết lập trật tự thế giới một cực do Mỹ đứng đầu.

+ Chiến tranh lạnh chấm dứt tạo điều kiện hòa bình để giải quyết các vụ xung đột diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

+ Sau Chiến tranh lạnh, xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập dần trở thành xu hướng chính trong sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Các nước trên thế giới đẩy mạnh quá trình điều chỉnh chiến lược phát triển, đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế.

- Đối với Việt Nam:

+ Tạo ra xu thế Hòa bình, hoà hoãn trong quan hệ quốc tế, giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại quan trọng, như: vấn đề Campuchia; bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ,…

+ Tạo ra bối cảnh quốc tế mới cho sự hội nhập và phát triển của Việt Nam (gia nhập ASEAN, WTO....).

+ Tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề Lịch sử 11 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

III. Chiến tranh, xung đột quân sự sau chiến tranh lạnh

IV. Cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới trong và sau chiến tranh lạnh

I. Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc

II. Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời cổ - trung đại

III. Một số danh nhân quân sự Việt Nam

Xem thêm các chuyên đề Lịch sử 11 Kết nối tri thức khác:

Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

1 1720 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: