Từ vấn đề ô nhiễm môi trường hoặc suy thoái môi trường tại khu dân cư (tổ dân phố) nơi sinh sống

Trả lời Vận dụng 1 trang 28 GDQP 11 sách Kết nối tri thức ngắn nhất mà vẫn đủ ý sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Giáo dục quốc phòng 11.

1 223 10/06/2023


Giải GDQP 11 Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Vận dụng 1 trang 28 GDQP 11: Từ vấn đề ô nhiễm môi trường hoặc suy thoái môi trường tại khu dân cư (tổ dân phố) nơi sinh sống, em hãy tìm kiếm, thu thập các hình ảnh, bài viết, video phản ánh, minh hoạ về vấn đề đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo: vấn đề “Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: thực trạng và giải pháp”

♦ Thực trạng

Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của thành phố Hà Nội là 2.398người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước (1). Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực dẫn đến môi trường tại Hà Nội, cụ thể:

Ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt, theo kết quả thống kê, việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn thành phố. Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10 - 15% không được thu gom. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội. Các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội đã đề ra những phương án để xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố.

gy

Rác thải sinh hoạt ùn ứ trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội (nguồn: Internet)

Ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt,hiện nay, ở Hà Nội nói riêng và các khu đô thị trên nước ta nói chung hầu hết nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ trong đô thị. Tổng lượng nước thải hằng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó.

gy

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng (nguồn: Internet)

Ô nhiễm môi trường không khí: Cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn trong top những thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 PM1).

gy

Chất lượng không khí ở Hà Nội luôn trong mức báo động (nguồn: Internet)

Ô nhiễm tiếng ồn, với một khu đô thị lớn như Hà Nội, mức độ đô thị hoá cao, mật độ xe cộ tham gia giao thông luôn ở mức dày đặc, tiếng ồn đến từ còi xe, nẹt bô… đã trở thành nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, bởi tiếng ồn và gây những khó chịu đến cuộc sống của người dân, đồng thời làm xấu bộ mặt của đô thị. Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại các đô thị như Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng từ 10 - 15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định đã gây ra ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn. Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Ô nhiễm môi trường đất,Hà Nội hiện nay có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do đất chịu tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hoá, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu; nước thải ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất. Ngoài ra, một số khu vực là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất, hay chất thải rắn sinh hoạt tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường đất. Tại khu vực đô thị, chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm.

gy

Tại nhiều khu vực thuộc Hà Nội, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm (nguồn: Internet)

♦ Giải pháp

Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải...

Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...

Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...; thường xuyên vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Từ việc phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt 99 - 100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70 - 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ...

Hà Nội tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố xuống các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô; đồng thời tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ triển khai áp dụng công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; triển khai thực hiện đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy; từng bước làm sống lại các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích... Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải của thành phố theo hướng nước thải phải được thu gom xử lý tại đầu nguồn, khắc phục tình trạng xử lý nước thải cuối nguồn như hiện nay.

Thành phố cũng sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm 100% lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được thu gom, xử lý theo quy định; đưa vào vận hành nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày trong năm 2021 và nhà máy xử lý rác tại Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày đêm vào năm 2022; triển khai dự án xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.000 tấn/ngày đêm, đưa vào vận hành ổn định nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phương Đình - Đan Phượng 240 tấn/ngày đêm, nhà máy Việt Hùng - Đông Anh 500 tấn/ngày đêm; triển khai đồng bộ các Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Lại Thượng, Núi Thoong, Phù Đổng nhằm thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 30%.

Song song với các giải pháp trên, các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô./.

1 223 10/06/2023


Xem thêm các chương trình khác: