Giải GDQP 11 Bài 5 (Kết nối tri thức): Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

Với giải bài tập Giáo dục quốc phòng 11 Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập GDQP 11 Bài 5.

1 2,524 19/09/2024


Giải GDQP 11 Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

Mở đầu

Mở đầu trang 29 GDQP 11: Tháng 12/1972, Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh phá mãnh liệt vào Hà Nội (Hình 5.1). Khi đó, người dân thường nghe thấy trên loa truyền thanh phát ra thông báo: “... máy bay địch cách Hà Nội 70 km, đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 km...”.

Tháng 12/1972, Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh phá mãnh liệt vào Hà Nội Hình 5.1 trang 29 GDQP 11

Theo em, khi nghe thấy thông báo trên, người dân sẽ làm gì?

Lời giải:

- Khi nghe thấy trên loa truyền thanh phát ra thông báo: “... máy bay địch cách Hà Nội 70 km, đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 km...”, người dân sẽ nhanh chóng sơ tán xuống hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn.

Khám phá

I. Một số vấn đề chung về phòng không nhân dân

Câu hỏi trang 29 GDQP 11: Thế nào là phòng không nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, địa bàn phòng không nhân dân?

Lời giải:

- Phòng không nhân dân là tổng thể các hoạt động và biện pháp phòng không để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo tồn tiềm lực chiến tranh.

- Thế trận phòng không nhân dân là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.

- Địa bàn phòng không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong hệ thống phòng thủ của cấp tỉnh và quân khu.

Câu hỏi trang 30 GDQP 11: Cho biết vị trí, chức năng và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của phòng không nhân dân.

Lời giải:

- Vị trí: Phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không.

- Chức năng:

+ Thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch;

+ Bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động:

+ Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

+ Do hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện, trong đó bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt.

+ Được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện khi có biểu hiện, hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch

Câu hỏi trang 30 GDQP 11: Em hãy nêu những lực lượng chuyên môn của phòng không nhân dân.

Lời giải:

- Các lực lượng chuyên môn của phòng không nhân dân bao gồm:

+ Lực lượng trinh sát, quan sát, phát hiện, thông báo, báo động phòng không.

+ Lực lượng ngụy trang, sơ tán, phòng tránh.

+ Lực lượng đánh địch xâm nhập, tiến công đường không.

+ Lực lượng phục vụ chiến đấu, bảo đảm phòng không nhân dân.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả, cứu hỏa, cứu thương, cứu sập.

II. Mục tiêu, thủ đoạn tiến công đường không của địch

Câu hỏi trang 31 GDQP 11: Địch thường tập trung đánh phá đường không vào những mục tiêu nào? Thủ đoạn ra sao?

Lời giải:

- Mục tiêu: Khi tấn công đường không, kẻ địch thường tập trung đánh phá vào các mục tiêu sau:

+ Trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

+ Bộ chỉ huy tác chiến chiến lược, chiến dịch.

+ Đài phát thanh, truyền hình, trung tâm thông tin viễn thông.

+ Khu công nghiệp quốc phòng và công nghiệp lớn, các nhà máy, đầu mối giao thông, sân bay, bến cảng, kho tàng, cơ sở hậu cần, kĩ thuật.

+ Lực lượng phòng không, không quân, hải quân, các khu vực tập trung quân và binh khí, trang bị của ta.

- Thủ đoạn đánh phá:

+ Tăng cường hoạt động tình báo, trinh sát; bí mật, bất ngờ thời điểm mở đầu tiến công.

+ Tiến công từ nhiều hướng, tiến hành đánh phá đồng loạt, liên tục, ác liệt cả ngày và đêm, tập trung lực lượng, phương tiện vào các chiến dịch tiến công hoả lực đường không.

+ Giành và giữ quyền làm chủ trên không, trên biển; tiêu diệt, phá huỷ tiềm lực quốc phòng của ta.

+ Phối hợp với chiến tranh tâm lí và các hoạt động khác.

III. Hoạt động phòng không nhân dân

Câu hỏi trang 32 GDQP 11: Trình bày các nội dung của hoạt động phòng không nhân dân thời bình

Lời giải:

- Hoạt động phòng không nhân dân thời bình bao gồm:

+ Thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phòng không nhân dân

+ Tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân

+ Tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân

+ Xây dựng công trình phòng không nhân dân

Câu hỏi trang 34 GDQP 11: Trình bày nội dung hoạt động phòng không nhân dân thời chiến.

Lời giải:

- Hoạt động phòng không nhân dân thời chiến bao gồm:

+ Tổ chức trinh sát, quan sát và thông báo, báo động phòng không nhân dân

+ Tổ chức sơ tán, phân tán phòng, tránh tiến công đường không của địch

+ Tổ chức đánh địch tiến công đường không

+ Tổ chức khắc phục hậu quả và những thiệt hại do địch tiến công đường không

IV. Trách nhiệm thực hiện phòng không nhân dân

Câu hỏi trang 35 GDQP 11: Nêu trách nhiệm của công dân và học sinh trong thực hiện phòng không nhân dân.

Lời giải:

- Trách nhiệm của công dân

+ Thực hiện nghiêm kế hoạch phòng không nhân dân của ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; các văn bản pháp luật về phòng không nhân dân ở địa phương.

+ Tham gia huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ phòng không nhân dân theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương khi được huy động.

+ Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết về phòng không nhân dân.

+ Cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ những người bị ốm, tai nạn, bị thương, hi sinh,… khi tham gia lực lượng phòng không nhân dân.

- Trách nhiệm của học sinh

+ Thường xuyên học tập nâng cao nhận thức về vị trí, chức năng và nội dung hoạt động của phòng không nhân dân.

+ Thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường về công tác phòng không nhân dân.

+ Cùng với nhà trường tham gia xây dựng hầm, hào trú ẩn, đan mũ rơm,…; thực hiện các biện pháp nguỵ trang và quy định giữ bí mật của nhà trường.

+ Thực hiện kế hoạch sơ tán, phân tán của nhà trường và tham gia học tập đầy đủ tại nơi sơ tán; tín hiệu thông báo, báo động về phòng không nhân dân.

+ Tham gia khắc phục hậu quả, thiệt hại do địch đánh phá, nhanh chóng ổn định tình hình học tập.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 35 GDQP 11: Em không đồng ý với những ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

a) Phòng không nhân dân chỉ có ý nghĩa và được tổ chức thực hiện trong thời chiến.

b) Phòng không nhân dân nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

c) Thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân lấy bộ đội Phòng không - Không quân làm nòng cốt.

d) Địa bàn phòng không nhân dân chỉ được xác định ở những vị trí trọng yếu trong hệ thống phòng thủ cấp tỉnh.

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình. Vì: công tác phòng không nhân dân được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện khi có biểu hiện, hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch.

- Ý kiến c. Không đồng tình. Vì: lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân là dân quân tự vệ và bộ đội địa phương.

- Ý kiến d. Không đồng tình. Vì: địa bàn phòng không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong hệ thống phòng thủ của cấp tỉnh và quân khu.

Luyện tập 2 trang 35 GDQP 11: Sau khi được tuyên truyền về phòng không nhân dân, các bạn trong lớp tranh luận về mục tiêu, thủ đoạn đánh phá đường không của địch và có một số ý kiến như sau:

Ý kiến 1: Địch tiến công đường không chủ yếu vào các mục tiêu quân sự, nhằm tiêu diệt và phá huỷ phương tiện chiến đấu của ta.

Ý kiến 2: Hoả lực phòng không của địch tập trung đánh phá vào các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Ý kiến 3: Địch sẽ giành quyền làm chủ trên biển và tiến công hoả lực đường không vào đất liền.

Em đồng ý với ý kiến nào ở trên? Vì sao?

Lời giải:

♦ Bày tỏ quan điểm: Em không đồng tình với 3 ý kiến trên. Vì: 3 ý kiến trên đều có nội dung đúng nhưng chưa đầy đủ về mục tiêu, thủ đoạn đánh phá đường không của địch.

♦ Ý kiến của bản thân:

- Về mục tiêu: Khi tấn công đường không, kẻ địch thường tập trung đánh phá vào các mục tiêu sau:

+ Trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

+ Bộ chỉ huy tác chiến chiến lược, chiến dịch.

+ Đài phát thanh, truyền hình, trung tâm thông tin viễn thông.

+ Khu công nghiệp quốc phòng và công nghiệp lớn, các nhà máy, đầu mối giao thông, sân bay, bến cảng, kho tàng, cơ sở hậu cần, kĩ thuật.

+ Lực lượng phòng không, không quân, hải quân, các khu vực tập trung quân và binh khí, trang bị của ta.

- Về thủ đoạn đánh phá:

+ Tăng cường hoạt động tình báo, trinh sát; bí mật, bất ngờ thời điểm mở đầu tiến công.

+ Tiến công từ nhiều hướng, tiến hành đánh phá đồng loạt, liên tục, ác liệt cả ngày và đêm, tập trung lực lượng, phương tiện vào các chiến dịch tiến công hoả lực đường không.

+ Giành và giữ quyền làm chủ trên không, trên biển; tiêu diệt, phá huỷ tiềm lực quốc phòng của ta.

+ Phối hợp với chiến tranh tâm lí và các hoạt động khác.

Luyện tập 3 trang 35 GDQP 11: Có quan điểm cho rằng: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện phòng không nhân dân chỉ dành cho bộ đội và dân quân tự vệ.

Ý kiến của em về quan điểm đó như thế nào?

Lời giải:

- Em không đồng tình với quan điểm: “Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện phòng không nhân dân chỉ dành cho bộ đội và dân quân tự vệ”. Vì:

+ Việc tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân được áp dụng cho tất cả các đối tượng, tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên của các nhà trường.

+ Việc tổ chức huấn luyện được áp dụng cho tất cả các lực lượng tham gia công tác phòng không nhân dân nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Luyện tập 4 trang 35 GDQP 11: Để phòng, tránh tiến công đường không của địch cần tổ chức sơ tán, phân tán như thế nào?

Lời giải:

- Sơ tán, phân tán thời gian dài đến khi tình hình ổn định:

+ Thực hiện đối với trẻ em, người già yếu, phụ nữ mang thai ở vùng trọng điểm phòng không, những người không nhất thiết phải ở lại.

+ Các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp dời đi nhưng vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.

- Sơ tán, phân tán trong tình huống khẩn cấp: Thực hiện đối với các khu vực có nguy cơ địch tập trung đánh phá; người, phương tiện của các nhà máy, doanh nghiệp phải sơ tán, tiếp tục sản xuất để bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng và nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân.

- Sơ tán, phân tán tại chỗ: Áp dụng đối với lực lượng bám trụ ở những địa bàn trọng điểm về phòng không nhân dân để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đánh trả và khắc phục hậu quả do địch tiến công hoả lực đường không gây nên.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 35 GDQP 11: Hãy sưu tầm những câu chuyện về đơn vị, cá nhân bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và chia sẻ với các bạn.

Lời giải:

  (*) Tham khảo: câu chuyện “O du kích Nguyễn Thị Kim Lai bắt sống phi công Mỹ”

  Tháng 9-1965, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, cùng với Ngã ba Ðồng Lộc thì Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng trở thành mục tiêu phá hoại. Sáng 20-9, khi một chiếc máy bay của Mỹ đang bắn phá cầu Lộc Yên thì bị trúng đạn bốc cháy, phi công đã nhảy dù xuống vùng rừng núi Hương Khê ẩn nấp.

  Ðể giải cứu phi công , Mỹ đã huy động 3 trực thăng chở lính đến tìm kiếm. Một trong số 3 trực thăng này tiếp tục trúng đạn từ dân quân nông trường khiến 3 phi công Mỹ phải nhảy dù thoát thân. Nhận được mệnh lệnh bắt sống phi công, quân và dân Hương Khê đã hò nhau rầm rập chạy lên núi, quyết không để cho kẻ thù trốn thoát.

  Nguyễn Thị Kim Lai là con út trong gia đình có 4 anh chị em ở xã Phú Phong, lúc bấy giờ vừa tròn 17 tuổi, tốt nghiệp xong lớp 7 đã tự mình xung phong gia nhập đội dân quân tự vệ xã, tham gia trực chiến, đào hầm công sự. Xảy ra sự kiện máy bay Mỹ rơi, O Lai được cấp cho một khẩu súng trường để đi tìm nhóm phi công Mỹ.

  - 9 giờ sáng ngày 21/9/1965, tại một cánh rừng thuộc địa phận xã Hương Trà, o Lai phát hiện ra phi công William Andrew Robinson đang co ro núp mình trong một hốc đá, vẻ rúm ró, sợ hãi. Ban đầu, o Lai cũng hơi sợ khi nhìn thấy phi công này rất to cao. Sau khi trấn tĩnh, Lai bắn 3 phát chỉ thiên, thấy vậy, William Andrew Robinson liền giơ tay đầu hàng và bước ra khỏi chỗ nấp. Nghe tiếng súng, nhiều người chạy đến hỗ trợ, khống chế và áp giải William Andrew Robinson về giao cho Huyện đội.

  Sau sự kiện nói trên, Nguyễn Thị Kim Lai được phong chức Xã đội phó, nhưng O Lai đã xung phong vào chiến trường làm y tá, công tác tại một đội quân y ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1969, sau khi bị sức ép từ bom đạn, O Lai bị thương nặng nên được đưa ra Bắc, công tác tại Viện Ðông Y Hà Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu. Trong khi đó, phi công William Andrew Robinson bị bắt làm tù binh, bị giam giữ 2.703 ngày, đến tháng 12-1973 được trả về nước.

Hãy sưu tầm những câu chuyện về đơn vị, cá nhân bắn rơi máy bay

Bức ảnh “O du kích nhỏ giương cao súng” do nhà báo Phạm Thoan chụp năm 1965

(o du kích Nguyễn Thị Kim Lai và phi công Mỹ William Andrew Robinson)

Vận dụng 2 trang 35 GDQP 11: Khi có thông báo, báo động (bằng loa, kèn, kẻng,...) về máy bay địch ném bom, em sẽ hành động như thế nào?

Lời giải:

- Khi có thông báo, báo động (bằng loa, kèn, kẻng,...) về máy bay địch ném bom, em sẽ: nhanh chóng cùng với người thân rút xuống hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn và ngồi yên dưới hầm cho tới khi có tiếng còi báo an toàn mới đẩy nắp hầm trèo lên.

Vận dụng 3 trang 35 GDQP 11: Hãy kể những nơi có thể phòng, tránh địch tiến công bằng đường không ở địa phương em.

Lời giải:

- Một số nơi có thể phòng, tránh địch tiến công bằng đường không là: các hầm trú ẩn cá nhân, hầm trú ẩn công cộng, hang động,…

Lý thuyết GDQP 11 Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

I. Một số vấn đề chung về phòng không nhân dân

1. Một số khái niệm

a) Phòng không nhân dân

- Phòng không nhân dân là tổng thể các hoạt động và biện pháp phòng không để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo tồn tiềm lực chiến tranh.

b) Thế trận phòng không nhân dân

- Thế trận phòng không nhân dân là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.

c) Địa bàn phòng không nhân dân

- Địa bàn phòng không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong hệ thống phòng thủ của cấp tỉnh và quân khu.

2. Vị trí, chức năng và nguyên tắc tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân

a) Vị trí, chức năng

- Vị trí: Phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không.

- Chức năng:

+ Thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch;

+ Bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

b) Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

- Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

- Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân do hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện, trong đó bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt.

- Công tác phòng không nhân dân được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện khi có biểu hiện, hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch.

3. Tổ chức lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân

- Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân được tổ chức thành các tổ (đội) từ lực lượng của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang địa phương và toàn dân tham gia, trong đó lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

II. Mục tiêu, thủ đoạn tiến công đường không của địch

1. Mục tiêu

- Khi tấn công đường không, địch thường tập trung đánh phá vào các mục tiêu sau:

+ Trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

+ Bộ chỉ huy tác chiến chiến lược, chiến dịch.

+ Đài phát thanh, truyền hình, trung tâm thông tin viễn thông.

+ Khu công nghiệp quốc phòng và công nghiệp lớn, các nhà máy, đầu mối giao thông, sân bay, bến cảng, kho tàng, cơ sở hậu cần, kĩ thuật.

+ Lực lượng phòng không, không quân, hải quân, các khu vực tập trung quân và binh khí, trang bị của ta.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân | Giáo dục quốc phòng 11

2. Thủ đoạn

- Tăng cường hoạt động tình báo, trinh sát; bí mật, bất ngờ thời điểm mở đầu tiến công.

- Tiến công từ nhiều hướng, tiến hành đánh phá đồng loạt, liên tục, ác liệt cả ngày và đêm, tập trung lực lượng, phương tiện vào các chiến dịch tiến công hoả lực đường không.

- Giành và giữ quyền làm chủ trên không, trên biển; tiêu diệt, phá huỷ tiềm lực quốc phòng của ta.

- Phối hợp với chiến tranh tâm lí và các hoạt động khác.

III. Hoạt động phòng không nhân dân

1. Hoạt động phòng không nhân dân thời bình

a) Thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phòng không nhân dân

- Ban chỉ đạo phòng không nhân dân được tổ chức thành lập ở bốn cấp:

+ Cấp Trung ương;

+ Cấp quân khu;

+ Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);

+ Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) thuộc địa bàn trọng điểm phòng không nhân dân.

- Kế hoạch phòng không nhân dân được xây dựng từ thời bình ở cấp quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi tình hình thay đổi.

- Xây dựng quy hoạch các đề án, dự án đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng không nhân dân và phòng thủ dân sự.

b) Tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân

- Tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng không nhân dân cho tất cả các đối tượng, tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên trong các nhà trường.

- Tập trung vào các nội dung:

+ Thủ đoạn đánh phá và phương tiện tiến công đường không của địch;

+ Tín hiệu thông báo, báo động phòng không nhân dân;

+ Quy cách hầm, hố cho cá nhân và tập thể;

+ Biện pháp nguỵ trang, phòng tránh, sơ tán;

+ Phương pháp xử trí tình huống cứu thương, cứu sập, chữa cháy và phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn.

c) Tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân

♦ Tổ chức huấn luyện:

- Tổ chức huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng tham gia công tác phòng không nhân dân được tiến hành cả ban ngày và ban đêm, chú trọng huấn luyện đêm.

- Nội dung huấn luyện tập trung vào:

+ Tính năng, kĩ, chiến thuật của các loại vũ khí, phương tiện tiến công đường không của kẻ thù;

+ Phương pháp, cách thức xây dựng hệ thống hầm, hào, công trình phòng tránh, sơ tán;

+ Biện pháp chống trinh sát, tác chiến điện tử của kẻ thù, cách đánh máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, đánh máy bay trực thăng đổ bộ đường không, đánh máy bay đến cứu giặc lái;

+ Các biện pháp, phương pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sức chiến đấu.

♦ Tổ chức diễn tập:

- Tổ chức diễn tập phòng không nhân dân có thể theo hình thức diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập phòng không nhân dân kết hợp với diễn tập khu vực phòng thủ của các địa phương.

- Nội dung diễn tập phòng không nhân dân gồm:

+ Diễn tập chỉ huy - tham mưu các cấp;

+ Tổ chức trinh sát, thông báo, báo động phòng không;

+ Tổ chức nguỵ trang, sơ tán, phân tán, phòng tránh;

+ Tổ chức đánh trả địch xâm nhập tiến công đường không;

+ Tổ chức khắc phục hậu quả.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân | Giáo dục quốc phòng 11

d) Xây dựng công trình phòng không nhân dân

- Xây dựng hệ thống các đài quan sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân, nhằm sẵn sàng phát hiện máy bay địch từ xa; kịp thời thông báo phòng không nhân dân trong khu vực bằng hệ thống loa, còi, kẻng,...

- Xây dựng công trình phòng tránh, trú ẩn (hầm, hào, công sự phòng tránh,...) cho tập thể, cá nhân tại nhà, nơi làm việc, nơi công cộng, trên đường đi,... Chú trọng những nơi tập trung, sinh hoạt đông người như trường học, bệnh viện, chợ, nhà ga, sân bay, bến cảng. Vận dụng sáng tạo nhiều biện pháp phòng tránh như mũ rơm, áo rơm; sử dụng các vật liệu tre, nứa để che, đậy, bảo vệ vũ khí, phương tiện sản xuất,...

- Xây dựng vị trí sơ tán, phân tán; công trình nguỵ trang, nghi binh nhằm bảo đảm bí mật, phòng, tránh sự đánh phá của địch.

- Xây dựng hệ thống các trận địa phòng không đánh địch tiến công hoả lực đường không, có trận địa chính thức và trận địa dự bị.

2. Hoạt động phòng không nhân dân thời chiến

Thực hiện đầy đủ các nội dung tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân thời bình và tập trung vào các nội dung sau:

a) Tổ chức trinh sát, quan sát và thông báo, báo động phòng không nhân dân

- Các vọng quan sát phòng không (trên đỉnh núi, nhà cao tầng,...) thường xuyên quan sát, nhằm phát hiện địch tiến công từ sớm, từ xa; kịp thời thông báo, báo động về hướng đánh phá, số lượng, phương tiện,... tiến công đường không của địch. Chủ động thông báo, báo động kịp thời, rộng khắp bằng hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, còi điện, kẻng, loa,... được bố trí trên khắp các đường phố, khu công cộng; đường làng, ngõ xóm; các nhà máy, công trình.

- Khi nghe thông báo, báo động địch tiến công đường không, mọi người nhanh chóng ẩn nấp để bảo đảm an toàn, hạn chế tổn thất khi địch đánh phá.

b) Tổ chức sơ tán, phân tán phòng, tránh tiến công đường không của địch

- Sơ tán, phân tán thời gian dài đến khi tình hình ổn định:

+ Thực hiện đối với trẻ em, người già yếu, phụ nữ mang thai ở vùng trọng điểm phòng không, những người không nhất thiết phải ở lại.

+ Các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp dời đi nhưng vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.

- Sơ tán, phân tán trong tình huống khẩn cấp: Thực hiện đối với các khu vực có nguy cơ địch tập trung đánh phá; người, phương tiện của các nhà máy, doanh nghiệp phải sơ tán, tiếp tục sản xuất để bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng và nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân.

- Sơ tán, phân tán tại chỗ: Áp dụng đối với lực lượng bám trụ ở những địa bàn trọng điểm về phòng không nhân dân để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đánh trả và khắc phục hậu quả do địch tiến công hoả lực đường không gây nên.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân | Giáo dục quốc phòng 11

c) Tổ chức đánh địch tiến công đường không

- Tổ chức toàn dân tham gia đánh địch trên không, trong đó các đơn vị súng máy phòng không các cấp (phòng không bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng,...) kết hợp với các tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh ở các làng, xã, nhà máy, công trình tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc.

- Khi máy bay bị bắn rơi hoặc giặc lái nhảy dù, lập tức phát tín hiệu vây bắt giặc lái bằng các phương tiện sẵn có (gõ mõ, gõ kẻng,…); mọi người dân đều tham gia vây bắt giặc lái.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân | Giáo dục quốc phòng 11

d) Tổ chức khắc phục hậu quả và những thiệt hại do địch tiến công đường không

- Tổ chức cứu sập: Cứu sập được tổ chức ở từng nhà máy, cơ quan, khu phố; lấy lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt và phân làm hai loại là lực lượng cứu sập tại chỗ và lực lượng cơ động.

- Tổ chức cứu thương: Cứu thương lấy lực lượng y tế làm nòng cốt, chia ra thành các tuyến: tuyến sơ cứu tại chỗ; tuyến cấp cứu ban đầu tại trạm xá, bệnh xá; tuyến bệnh viện huyện (quận); tuyến bệnh viện tỉnh, thành phố và Trung ương.

- Tổ chức chữa cháy: Chữa cháy lấy lực lượng phòng cháy chữa cháy làm nòng cốt kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ và quần chúng ở cơ sở.

- Ổn định đời sống: Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp chủ động công tác khắc phục hậu quả; phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khu vực bị đánh phá sửa chữa nhà cửa, bố trí nơi ở tạm thời,... nhằm nhanh chóng khắc hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.

IV. Trách nhiệm thực hiện phòng không nhân dân

1. Trách nhiệm của công dân

- Thực hiện nghiêm kế hoạch phòng không nhân dân của ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; các văn bản pháp luật về phòng không nhân dân ở địa phương.

- Tham gia huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ phòng không nhân dân theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương khi được huy động.

- Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết về phòng không nhân dân.

- Cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ những người bị ốm, tai nạn, bị thương, hi sinh,… khi tham gia lực lượng phòng không nhân dân.

2. Trách nhiệm của học sinh

- Thường xuyên học tập nâng cao nhận thức về vị trí, chức năng và nội dung hoạt động của phòng không nhân dân.

- Thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường về công tác phòng không nhân dân.

- Cùng với nhà trường tham gia xây dựng hầm, hào trú ẩn, đan mũ rơm,…; thực hiện các biện pháp nguỵ trang và quy định giữ bí mật của nhà trường.

- Thực hiện kế hoạch sơ tán, phân tán của nhà trường và tham gia học tập đầy đủ tại nơi sơ tán; tín hiệu thông báo, báo động về phòng không nhân dân.

- Tham gia khắc phục hậu quả, thiệt hại do địch đánh phá, nhanh chóng ổn định tình hình học tập.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân | Giáo dục quốc phòng 11

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục quốc phòng lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 3: Phòng chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế

Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo

Bài 7: Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Bài 8: Lợi dụng địa hình, địa vật

1 2,524 19/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: