Giải GDQP 11 Bài 4 (Kết nối tri thức): Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Với giải bài tập Giáo dục quốc phòng 11 Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập GDQP 11 Bài 4.

1 1,428 19/09/2024


Giải GDQP 11 Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Mở đầu

Mở đầu trang 23 GDQP 11: Quan sát hình 4.1 và cho biết: Hành động nào góp phần bảo vệ môi trường, hành động nào vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Quan sát hình 4.1 và cho biết Hành động nào góp phần bảo vệ môi trường trang 23 GDQP 11

Lời giải:

- Hành động vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định (trong hình 4.1a) đã vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

- Hành động trồng cây xanh (trong hình 4.1b) là hành động bảo vệ môi trường.

Khám phá

I. Những vấn đề cơ bản về môi trường và vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Câu hỏi trang 24 GDQP 11: Theo em, môi trường bao gồm những thành phần nào? Nêu vai trò của môi trường đối với con người.

Lời giải:

- Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác

- Môi trường có vai trò rất quan trọng đối với con người, sinh vật sống trên Trái Đất như: cung cấp không gian sống; cung cấp nguồn tài nguyên để con người lao động, sản xuất; là nơi chứa đựng và phân huỷ chất thải, đồng thời lưu giữ lịch sử tiến hoá của con người và sinh vật,...

Câu hỏi trang 24 GDQP 11: Cho biết các hiện tượng ô nhiễm môi trường trong hình 4.2.

Cho biết các hiện tượng ô nhiễm môi trường trong hình 4.2

Lời giải:

- Hình 4.2a - Ô nhiễm môi trường không khí.

- Hình 4.2b - Ô nhiễm môi trường nước.

- Hình 4.2c - Ô nhiễm môi trường đất.

Câu hỏi trang 25 GDQP 11: Quan sát hình 4.3, em có nhận xét gì về thực trạng các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay?

Quan sát hình 4.3, em có nhận xét gì về thực trạng các vấn đề môi trường

Lời giải:

- Nhận xét:

+ Những năm qua, nhân loại đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn nên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các quốc gia. Hiện nay, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường mang tính toàn cầu, như: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai…

+ Thực trạng và xu hướng diễn biến môi trường của thế giới trong thời gian qua cho thấy, môi trường đang đứng trước những thách thức rất lớn trong tương lai, do đó chúng ta cần có những giải pháp khắc phục kịp thời.

II. Phòng, chống vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường

Câu hỏi trang 27 GDQP 11: Nêu các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Lời giải:

- Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kĩ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lí đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường ra môi trường.

- Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, virus độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên.

- Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường.

- Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

- Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

Câu hỏi trang 27 GDQP 11: Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bị xử lí như thế nào?

Lời giải:

+ Xử lí hình sự đối với tội phạm về môi trường được quy định trong Bộ luật Hình sự.

+ Xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Câu hỏi trang 28 GDQP 11: Là học sinh trong nhà trường, em cần làm những công việc gì để bảo vệ môi trường ?

Lời giải:

Nội dung đang được cập nhật ...

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 28 GDQP 11: Liệt kê các biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.

Lời giải:

- Các biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay:

+ Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước. với mức tăng trung bình toàn Việt Nam là 0,890C trong thời kì từ 1958 - 2018. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng từ 3-5 ngày/ thập kỉ trên phạm vi cả nước. Nhiều kỉ lục cao của nhiệt độ được ghi nhận trong những năm gần đây.

+ Lượng mưa trung bình năm của cả nước có nhiều biến động. Thời gian mùa mưa và mùa khô cũng có sự thay đổi so với trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn xảy ra bất thường hơn về tần suất và cường độ.

+ Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, như: Số cơn bão có xu hướng tăng, diễn biến bất thường về thời gian, tần suất và phạm vi hoạt động; hạn hán, lũ lụt xuất hiện nhiều và khắc nghiệt hơn; rét đậm, rét hại xuất hiện thường xuyên hơn; tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp.

+ Biến đổi khí hậu đã tác động đến thuỷ chế của sông ngòi, làm chế độ nước sông thay đổi thất thường. Vào mùa lũ, lượng nước tăng nhanh ở các dòng sông, gây sạt lở lớn hai bên bờ sông và ngập úng trên diện rộng. Vào mùa cạn, lượng nước ở hầu hết các hệ thống sông nước ta giảm từ 3 - 10%, mực nước sông giảm mạnh, gây xâm nhập mặn sâu và thời gian kéo dài.

Luyện tập 2 trang 28 GDQP 11: Em hiểu thế nào là chất thải? Theo em, có những loại chất thải nào?

Lời giải:

♦ Khái niệm: Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác (trích Khoản 18 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2020).

♦ Phân loại:

- Chất thải rắn sinh hoạt, gồm:

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;

+ Chất thải thực phẩm;

+ Chất thải rắn sinh hoạt khác.

- Chất thải rắn công nghiệp thông thường, gồm:

+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;

+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;

+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.

- Chất thải nguy hại: loại chất thải này bao gồm các chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

- Nước thải: nước thải là chất thải dạng lỏng, bao gồm các loại nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.

- Bụi, khí thải và các chất thải khác: là các chất thải ở dạng bụi, dạng khí từ sinh hoạt hay các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luyện tập 3 trang 28 GDQP 11: Nêu các nguyên nhân của vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Theo em, nguyên nhân nào là chủ yếu? Vì sao?

Lời giải:

- Một số nguyên nhân của vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay:

+ Nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề bảo vệ môi trường còn hạn chế. Nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp có thái độ coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

+ Những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tính răn đe của các quy định xử lý vi phạm pháp luật môi trường còn thấp.

- Theo em, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay là do: nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề bảo vệ môi trường còn hạn chế. Nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp có thái độ coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 28 GDQP 11: Từ vấn đề ô nhiễm môi trường hoặc suy thoái môi trường tại khu dân cư (tổ dân phố) nơi sinh sống, em hãy tìm kiếm, thu thập các hình ảnh, bài viết, video phản ánh, minh hoạ về vấn đề đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo: vấn đề “Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: thực trạng và giải pháp”

♦ Thực trạng

Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của thành phố Hà Nội là 2.398người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước (1). Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực dẫn đến môi trường tại Hà Nội, cụ thể:

Ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt, theo kết quả thống kê, việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn thành phố. Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10 - 15% không được thu gom. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội. Các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội đã đề ra những phương án để xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố.

gy

Rác thải sinh hoạt ùn ứ trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội (nguồn: Internet)

Ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt,hiện nay, ở Hà Nội nói riêng và các khu đô thị trên nước ta nói chung hầu hết nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ trong đô thị. Tổng lượng nước thải hằng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó.

gy

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng (nguồn: Internet)

Ô nhiễm môi trường không khí: Cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn trong top những thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 PM1).

gy

Chất lượng không khí ở Hà Nội luôn trong mức báo động (nguồn: Internet)

Ô nhiễm tiếng ồn, với một khu đô thị lớn như Hà Nội, mức độ đô thị hoá cao, mật độ xe cộ tham gia giao thông luôn ở mức dày đặc, tiếng ồn đến từ còi xe, nẹt bô… đã trở thành nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, bởi tiếng ồn và gây những khó chịu đến cuộc sống của người dân, đồng thời làm xấu bộ mặt của đô thị. Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại các đô thị như Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng từ 10 - 15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định đã gây ra ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn. Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Ô nhiễm môi trường đất,Hà Nội hiện nay có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do đất chịu tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hoá, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu; nước thải ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất. Ngoài ra, một số khu vực là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất, hay chất thải rắn sinh hoạt tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường đất. Tại khu vực đô thị, chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm.

gy

Tại nhiều khu vực thuộc Hà Nội, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm (nguồn: Internet)

♦ Giải pháp

Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải...

Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...

Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...; thường xuyên vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Từ việc phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt 99 - 100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70 - 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ...

Hà Nội tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố xuống các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô; đồng thời tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ triển khai áp dụng công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; triển khai thực hiện đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy; từng bước làm sống lại các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích... Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải của thành phố theo hướng nước thải phải được thu gom xử lý tại đầu nguồn, khắc phục tình trạng xử lý nước thải cuối nguồn như hiện nay.

Thành phố cũng sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm 100% lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được thu gom, xử lý theo quy định; đưa vào vận hành nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày trong năm 2021 và nhà máy xử lý rác tại Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày đêm vào năm 2022; triển khai dự án xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.000 tấn/ngày đêm, đưa vào vận hành ổn định nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phương Đình - Đan Phượng 240 tấn/ngày đêm, nhà máy Việt Hùng - Đông Anh 500 tấn/ngày đêm; triển khai đồng bộ các Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Lại Thượng, Núi Thoong, Phù Đổng nhằm thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 30%.

Song song với các giải pháp trên, các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô./.

Vận dụng 2 trang 28 GDQP 11: Em hãy lựa chọn, xây dựng một ý tưởng tuyên truyền về bảo vệ môi trường và cùng các bạn trong lớp (nhóm) thực hiện theo ý tưởng tuyên truyền đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Ý tưởng: vẽ tranh cổ động với chủ đề bảo vệ môi trường

- Sản phẩm tham khảo:

Em hãy lựa chọn, xây dựng một ý tưởng tuyên truyền về bảo vệ môi trường

Lý thuyết GDQP 11 Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

I. Những vấn đề cơ bản về môi trường và vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

1. Môi trường và các vấn đề môi trường toàn cầu

a) Môi trường và các trạng thái môi trường

- Môi trường:

+ Bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.

+ Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác…

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường | Giáo dục quốc phòng 11

+ Môi trường có vai trò rất quan trọng đối với con người, sinh vật sống trên Trái Đất như: cung cấp không gian sống; cung cấp nguồn tài nguyên để con người lao động, sản xuất; là nơi chứa đựng và phân huỷ chất thải, đồng thời lưu giữ lịch sử tiến hoá của con người và sinh vật,...

- Các trạng thái môi trường:

+ Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lí, hoá học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. Các loại ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí,...

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường | Giáo dục quốc phòng 11

+ Suy thoái môi trường là sự suy giảm về số lượng, chất lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. Các vấn đề suy thoái môi trường hiện nay như suy thoái rừng, suy thoái đất, suy giảm đa dạng sinh học,...

+ Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng.

- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường hay xảy ra sự cố môi trường là do các nguyên nhân từ tự nhiên (bão, lũ lụt, hạn hán, núi lửa phun trào,...) nhưng chủ yếu là do các hoạt động của con người gây ra có tác động tiêu cực đến môi trường từ quá trình sinh hoạt; sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hoá; khai thác tài nguyên, môi trường quá mức;...

b) An ninh môi trường và các vấn đề môi trường toàn cầu

An ninh môi trường:

- Là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên, nhân tạo cấu thành nên môi trường được cân bằng để đảm bảo điều kiện sống và phát triển của con người cùng các loài sinh vật trong hệ thống đó.

- Các vấn đề an ninh môi trường hiện nay đang được quan tâm là: đảm bảo an ninh nguồn nước, chất lượng không khí, sử dụng hợp lí tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học,...

Các vấn đề môi trường toàn cầu:

- Biến đổi khí hậu:

+ Là sự thay đổi các thành phần của khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, áp suất khí quyển,...) so với trung bình hoặc dao động của khí hậu được duy trì trong một thời gian dài, thường là vài thập kỉ hoặc dài hơn.

+ Các biểu hiện của biến đổi khí hậu là: nhiệt độ trung bình trên Trái Đất tăng, hiện tượng băng tan, nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán, suy giảm đa dạng sinh học,...

+ Các tác động của biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường nghiêm trọng; gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, thiệt hại về kinh tế, xã hội. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề khác như gây mất an ninh lương thực, thiên tai (cháy rừng, lũ lụt, hạn hán,...), dịch bệnh, vấn đề di cư tự do, xung đột vũ trang,...

- An ninh lương thực:

+ Là việc con người có quyền tiếp cận thực phẩm một cách an toàn, đầy đủ ở mọi nơi để duy trì cuộc sống.

+ Các vấn đề môi trường như suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước, không khí, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, gia tăng dân số,... đang tác động tiêu cực đến an ninh lương thực ở mỗi quốc gia. Do đó, việc đảm bảo an ninh lương thực đang là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu mà mọi quốc gia trên thế giới đều rất quan tâm.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường | Giáo dục quốc phòng 11

- Thiên tai:

+ Là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

+ Các thiệt hại do thiên tai gây ra như làm ô nhiễm, suy thoái môi trường; phá huỷ các công trình xây dựng như nhà ở, hệ thống cầu đường, thuỷ lợi,... và ảnh hưởng đến an ninh môi trường.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường | Giáo dục quốc phòng 11

- Dịch bệnh:

+ Là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cộng đồng, một khu vực hoặc toàn thế giới trong một khoảng thời gian nhất định, thường từ hai tuần trở lên.

+ Hiện nay có nhiều loại dịch bệnh (bệnh truyền nhiễm) đã được công bố rộng rãi trên thế giới cũng như ở các quốc gia, khu vực khác nhau như cúm mùa, đậu mùa, dịch tả, dịch hạch,...

+ Các loại dịch bệnh được công bố đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường,...

- Di cư tự do:

+ Là hiện tượng con người rời bỏ nơi cư trú của mình đến một khu vực, địa điểm khác để sinh sống.

+ Việc di cư tự do có thể xuất phát từ các yếu tố về tập quán du canh du cư, chiến tranh xung đột, đói nghèo,...

+ Hiện nay, vấn đề di cư tự do còn có nguyên nhân từ những biến đổi về môi trường như các vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng, các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng,... làm cho điều kiện sống của con người ở khu vực đó không đảm bảo và phải di chuyển đến khu vực, địa điểm khác để sinh sống.

2. Bảo vệ môi trường

a) Khái niệm

- Bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu

b) Các hoạt động bảo vệ môi trường

- Bảo vệ môi trường đất:

+ Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động khác có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất, có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường đất.

+ Trách nhiệm bảo vệ môi trường đất thuộc về các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân sử dụng đất; xử lí, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực bị ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.

- Bảo vệ môi trường nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển):

+ Kiểm soát các nguồn chất thải vào môi trường nước; Xử lí, cải tạo và phục hồi môi trường nước bị ô nhiễm; Có biện pháp ngăn ngừa, kiểm tra, xử lí các hành vi gây ô nhiễm môi trường nước; Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn nước, nhất là nước mặt và nước ngầm,...

+ Trách nhiệm bảo vệ môi trường nước thuộc về cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường | Giáo dục quốc phòng 11

- Bảo vệ môi trường không khí:

+ Tiến hành quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật; tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

+ Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lí theo quy định của pháp luật.

- Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên:

+ Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

+ Trách nhiệm bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thuộc về các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

II. Phòng, chống vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường

1. Phòng, chống vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

a) Một số hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường

- Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kĩ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lí đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường ra môi trường.

- Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, virus độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

- Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường.

- Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

- Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

b) Xử lí vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

- Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

- Xử lí hình sự đối với tội phạm về môi trường được quy định trong Bộ luật Hình sự.

- Xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

c) Một số biện pháp phòng, chống vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

- Thực hiện tốt các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

- Không thực hiện hoặc tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia phòng, chống các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường

a) Trách nhiệm của công dân

- Bảo vệ môi trường Trái Đất là trách nhiệm của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức và mọi công dân sống trên Trái Đất mà không phân biệt chế độ chính trị, tôn giáo, dân tộc hay vị trí địa lí (Hình 4.4). Theo đó, công dân có trách nhiệm:

+ Thực hiện đúng các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; tham gia các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

+ Chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp cung cấp các thông tin cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn điều tra, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

+ Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường | Giáo dục quốc phòng 11

b) Trách nhiệm của học sinh

- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường.

- Tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường do nhà trường, nơi cư trú (khu dân cư, tổ dân phố,...) hoặc các tổ chức đoàn thể khác phát động.

- Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

- Phản ánh, thông tin với thầy, cô giáo, nhà trường và cơ quan chức năng biết các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường để có biện pháp phòng, chống phù hợp.

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục quốc phòng lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 3: Phòng chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế

Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo

Bài 7: Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Bài 8: Lợi dụng địa hình, địa vật

1 1,428 19/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: