TOP 12 mẫu Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (2024) SIÊU HAY

Em hãy nêu suy nghĩ, cảm xúc và nêu lí do yêu thích của bản thân đối với một bài thơ lớp 7 Cánh diều gồm dàn ý và 12 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 7628 lượt xem
Tải về


Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2

Đề bài: Em hãy nêu suy nghĩ, cảm xúc và nêu lí do yêu thích của bản thân đối với một bài thơ đã học ở sách Ngữ văn 7 tập 2

Dàn ý Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2

1. Mở bài:

– Giới thiệu sơ lược về tác giả: tên tuổi, bút danh, vị trí trong nền văn học, chủ đề sáng tác, phong cách sáng tác, những đóng góp của tác giả đối với phong trào văn học, giai đoạn văn học và nền văn học dân tộc.

– Giới thiệu tổng quát về bài thơ: hoàn cảnh xuất xứ, đại ý, nội dung chính của đoạn thơ/bài thơ. Dẫn vào đoạn thơ, bài thơ cần phân tích: trích lại bài thơ (nếu ngắn) còn khổ thơ thì phải ghi lại tất cả.

2. Thân bài:

– Khái quát về vị trí trích đoạn hoặc bố cục, mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ, bài thơ.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận và phương hướng nghị luận.

– Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích thơ rồi lần lượt phân tích những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v…. trong từng câu thơ, giải mã đúng từ ngữ, hình ảnh đó để giúp người đọc cảm thấy được những cái hay, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

– Nhận xét đánh giá bài thơ:

+ Đánh giá về nội dung, tư tưởng của bài thơ. (Nét đặc sắc về nội dung của bài thơ là gì? Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về nghệ thuật biểu hiện đặc sắc (Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về phong cách tác giả. (Qua bài thơ em thấy tác giả là người như thế nào; có thể nói thêm những đặc điểm về phong cách nghệ thuật và đóng góp của nhà thơ trên văn đàn lúc bấy giờ).

3. Kết bài:

+ Khẳng định lại toàn bộ gia trị về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

+ Liên hệ bản thân và cuộc sống (nếu có).

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 1)

Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là Bài thơ giàu chất suy tư, trầm lắng trong hình ảnh thơ hai cha con với những hoài bão trong sáng làm xúc động lòng người.

Hình ảnh những cánh buồm là hình tượng thể hiện ước mơ được bay xa của nhà thơ. Nó xuyên suốt cả bài thơ. Hình ảnh hai cha con giữa thiên nhiên, chan hòa màu sắc rực rỡ:

Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch

Hai cha con bước đi trên cát, chan chứa một hơi ấm lan truyền chan hòa trong sắc trời đại dương thật kỳ diệu. bóng hai cha con nổi bật hẳn với sự bé nhỏ của con người trước khung cảnh thiên nhiên bao la. Hình ảnh đối lập thật dễ thương đó là bóng lênh khênh của cha bên cái bóng tròn chắc nịch thể hiện sự khác biệt giữa hai thế hệ cha con đang trên cùng một hướng đi.

Đại dương chứa chang huyền diệu, sau trận mưa biển càng đẹp càng trong, cũng như hai cha con trong bóng chân dài và gầy để cho con sự chắc nịch khỏe khoắn. đó là quy luật của tạo hóa. Những gì cha mơ ước ngày trước sự rả rích của trận mưa thì ngày sau người con lại tiếp tục đưa ước mơ bay xa. Người cha chỉ dẫn cho con đi trong thế giới màu hồng của một chân trời trong tương lai rộng mở.

Với tâm trạng náo nức của người con làm cho người cha muốn đưa con trai mình đi tìm ước mơ mới. bay xa hơn. Những lời tâm sự của người cha làm cho người con thêm một tí hi vọng, một tí mơ ước và những hình ảnh bền bỉ bước đi của cha và con.

Đó chính là những ước muốn táo bạo của người con muốn khám phá một trong những cánh buồm đầy ước mơ của trẻ thơ. Muốn đi khắp nơi, muốn xông pha trên biển cả. đó chính là những lời nói hôn nhiên ấp ủ một hoài bão ước mơ. Tác giả đã thể hiện một cách tinh tế và đặc sắc một cách khát vọng sống đang cháy bổng trong mỗi con người.

Bài thơ đặc sắc với những hình ảnh tượng thơ độc đáo, nhịp thơ vừa trầm vừa lắng, vừa bay bổng như dàn trải ào ạt những cảm xúc dào dạt của tác giả. Đó là tầm cao của ước mơ, của khát vọng được chinh phục, được khám phá thiên nhiên được làm chủ nó.

Bài thơ đã gieo vào lòng thế hệ trẻ những ước mơ bay bổng, thúc giục chúng ta tìm tòi, học hỏi và khám phá để vươn tới chiếm lĩnh chinh phục thế giới vũ trụ. Nó động viên chúng ta phấn đấu không ngừng để vươn tới tầm cao của thời đại.

Bài thơ đã gây xúc động lòng người nhà thơ đã thổi cho cánh buồm của tuổi thơ một phần nào hơi gió của cuộc sống mà tương lai lớp trẻ sẽ căng phồng vượt xa trong chân trời mới đang rộng mở.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 2)

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Bài thơ là một hiện minh thuyết phục về luật nhân - quả trong cuộc sống con người - thế giới khách quan với tính biện chứng sâu sắc của nó. Hình tượng Mẹ và Quả xuyên suốt toàn bài thơ làm sáng rõ thêm cho luật nhân - quả (nhân nào thì quả ấy...) đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi chúng ta.

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Hai câu thơ mở đầu là một sự khẳng định, định hướng tính biện chứng về luật nhân - quả. Vì sao như vậy? Vì:

"Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng"

Dẫu tay của ai khác có thể khoẻ, chắc (!) hơn tay mẹ nhưng phẩm chất của mẹ là tự lực cánh sinh. Là người từng trải mẹ không thiếu kinh nghiệm về sự trả giá đó. Mẹ chỉ thu hoạch được, hái được những mùa quả từ tay mẹ vun trồng mà thôi. Những mùa quả với mẹ cần thiết biết bao, không thể thiếu nó được. Và nữa, những mùa quả không phải lúc nào cũng có, thậm chí có khi "thất bát" trắng tay nhưng thường là tuần tự theo một chu kỳ nhất định, lặn rồi lại mọc – như mặt trời khi như mặt trăng. Cho nên theo mẹ không thể “Đại Lãn chờ sung" mà được, phải có thời gian vun trồng, chăm sóc và chờ đợi. Sự “vun trồng” của mẹ phụ thuộc vào mẹ, vun trồng chu đáo kỹ lưỡng ắt sẽ được quả tốt, ngược lại, thì...

Thời gian chăm sóc - chờ đợi là thời gian quả lặn. Còn khi thu hoạch (quả chín, quả đến kỳ hái được), chính là thời gian quả mọc. Hai từ "lặn" và "mọc" thật ấn tượng. Đây là một ẩn dụ đầy tính sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi nói về luật nhân - quả trong chu kỳ trồng trọt của nhà nông.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở quy luật trồng trọt của nhà nông. Điều chính yếu là trong bài thơ này là Nguyễn Khoa Điềm nói đến công lao dưỡng dục sinh thành của người mẹ đối với con cái. Tay mẹ như có phép thần nên "lũ chúng tôi" (là con của mẹ) cứ thế lớn lên qua sự chăm sóc nuôi dưỡng của mẹ.

"Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi".

Các câu thơ đọc lên nghe thật ấm áp, dân giã, tưởng như không có gì dân giã hơn, bởi đó là lời ăn tiếng nói hàng ngày gắn bó thân thiết của nhà nông. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn quả bí, quả bầu với đặc trưng của nó là "lớn xuống", hình dáng lại "mang dáng giọt mô hôi mặn" nhằm diễn tả nỗi khổ nhọc, vất vả của mẹ. Biết bao giọt mồ hôi mặn của mẹ đã nhỏ xuống âm thầm, lặng lẽ để “kết nên” những quả bí, quả bầu.

Điều thiết thực là, chính những quả bí, quả bầu này (có thể còn nhiều loại hoa màu khác) lại là nguồn sống nuôi dưỡng cho "lũ chúng tôi" lớn lên. Hẳn là mẹ rất vui và tin tưởng vào sự "vun trồng" của mình sẽ được đền bù xứng đáng. Không có người mẹ nào nuôi con mà kể công lao. Trái lại, con cái nhiều khi... Thế nên, dân gian mới truyền đời

"Mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi mẹ tính tháng ngày công".

Ngẫm thật chạnh lòng phải không bạn?! Chính vậy mà cha ông vẫn luôn răn dạy con trẻ rằng:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Như vậy, đủ thấy các bậc làm cha làm mẹ luôn mong muốn gì ở các con? Nguyễn Khoa Điềm đã lý giải điều đó một cách chân thành, mộc mạc và thấm thía qua khổ thơ cuối của bài. Từ chuyện quả thật do cây tạo ra đến quả - con người do dưỡng dục mà thành – là một chuyển ý bất ngờ độc đáo của nhà thơ:

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tứ của bài thơ chính là ở hai câu này. Đời của mẹ đã bao lần hái được quả nhưng điều để mẹ toại nguyện hơn cả là mong muốn các con trở thành một thứ "quả lành có ích" cho đời vì mẹ đã "thất thập cổ lai hy" rồi. Tưởng thế là đủ không cần phải nói gì thêm. Đọc tiếp hai câu cuối của bài thơ mới thấy chữ HIẾU của đứa con đặt ra vượt hẳn trên sự nghĩ bình thường của mẹ, của nhân gian:

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Thật là tài tình. Đứa con Nguyễn Khoa Điềm nghĩ được như vậy quả là đại hiếu đối với mẹ. Đằng sau nỗi day dứt thường niên đó là một tấm lòng "cho tròn chữ hiếu mới là đạo con" của nhà thơ. Rằng, bất cứ ai đọc Mẹ và Quả, hẳn đều cảm ơn mẹ - chính mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục nên một người con tuyệt vời là tác giả của bài thơ trên.

Dẫu không phải xếp lớp "tập này tập nọ" nhưng công chúng yêu thơ đã "đọc anh" là "bắt mắt" liền.

Âm hưởng sử thi và trữ tình công dân là hai cảm hứng chủ đạo, thông qua bút pháp tả thực và điển hình hoá cao độ trên cái nền cuộc sống đầy biến động được tinh lọc qua nhãn quan sáng suốt, nên Nguyễn Khoa Điềm luôn trụ vững với thời gian, tạo một vị thế xứng đáng trong nền thơ dân tộc. Mẹ và Quả trên đây là một trong rất nhiều bài thơ hay "không thể kể hết" của nhà thơ.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 3)

Hoàng Trung Thông là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng. Bài thơ “Những cánh buồm” là một trong những tác phẩm hay của ông.

Bài thơ được rút ra từ tập thơ cùng tên, được xuất bản lần đầu vào năm 1964:

“Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch,

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước, lòng vui phơi phới.”

Hình ảnh mở đầu là người cha và đứa con đang bước đi trên cát. Sau một đêm mưa rả rích, ánh mặt trời xuất hiện đầy rực rỡ, khiến cho nước biển trong xanh, cát trở nên mịn màng. Chiếc bóng của cha dài lênh khênh, còn bóng con tròn chắc nịch - một hình ảnh đáng yêu cho thấy sự gắn bó, yêu thương của cha và con. Khi lắng nghe tiếng chân con bước, lòng cha cảm thấy sung sướng và hạnh phúc.

Ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, đứa trẻ đã hỏi cha bằng một giọng điệu đầy hồn nhiên, ngây thơ:

“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

Đáp lại câu hỏi của con, người cha đã giải thích cho con hiểu được rằng:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

Thế giới rộng lớn ngoài kia có muôn vàn điều thú vị. Đó cũng là nơi người cha chưa từng đi đến. Và rồi cậu bé lại chỉ cánh buồm bảo:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi!”

Những cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát muốn đi xa để khám phá của con. Khi l ắng nghe lời đề nghị của con, cha dường như bắt gặp tiếng lòng của chính mình. Khi còn là một cậu bé, người cha cũng từng mong ước được khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Và giờ, những ước mơ chưa thể thực hiện của người cha nay được gửi gắm trong con. Đứa con sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ đó thay cho người cha:

“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”

Như vậy, bài thơ “Những cánh buồm” đã thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua đó, Hoàng Trung Thông còn muốn ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ - đó là những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 4)

Thơ đích thực nói lên thật xúc động niềm vui, nỗi đau của con người. Thơ hay diễn tả được ước mơ, khát vọng về hạnh phúc của đồng loại. Bài thơ “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông là một bài thơ hay.

Cánh buồm là một biểu tượng. Bài thơ vừa ca ngợi tình cha - con, vừa nói lên ước mơ và hạnh phúc của thiếu nhi, người chủ tương lai của đất nước.

Sau trận mưa đêm rả rích, cảnh bình minh trên biển rất đẹp, ấm áp, tráng lệ, tinh khôi:

“Anh mặt trời rực rỡ biển xanh

(...) Cát càng mịn, biển càng trong”.

Hai cha con dạo chơi trên bãi biển vào “một sớm mai hồng”. Cảnh biển bình minh sau cơn mưa đêm rả rích mang hàm nghĩa đất nước ta trong khung cảnh hòa bình:

“Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng”.

Một hình ảnh thể hiện tình cha con thân thiết. Hạnh phúc đơn sơ, bình dị mà sâu nặng nghĩa tình. Tình cảm gia đình chan hòa trong tình đất nước. Phải nhiều máu đổ xương rơi mới có cảnh yêu thương ấy.

Con lần đầu tiên đến với biển. Ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước cảnh biển rộng mênh mông. Con “chỉ thấy...” và “không thấy...”:

“Cha ơi! Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

Người cha sung sướng “lòng vui phơi phới” khi nghe con bước. Cha âu yếm “mỉm cười xoa đầu con nhỏ”. Hai cuộc đời nối tiếp. Hai thế hệ cha và con. Con sẽ đi tiếp hành trình của cha. Con đường cách mạng của cha anh sẽ được các thế hệ trẻ đi tiếp. Phía trước là chân trời Tổ quốc bao la:

Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Những nơi đó cha chưa hề đi đến

Hình ảnh “cánh buồm” trong đoạn thơ tượng trưng cho lí tưởng cách mạng và sức mạnh của thời đại mà Đảng và Bác Hồ sẽ nâng cánh ước mơ cho thế hệ trẻ Việt Nam đi tới mọi chân trời. Hoàng Trung Thông đã sử dụng hình thức đối thoại tâm tình để nói lên mơ ước tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Các điệp từ: “sẽ có... có... có”, và từ “vẫn là” đã khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào ước mơ sẽ trở thành hiện thực.

“Cánh buồm xa”, “buồm trắng” ở đoạn cuối tượng trưng cho khát vọng lên đường của con, của thế hệ trẻ để hiến dâng và phục vụ, để lao động và sáng tạo xây dựng Tổ quốc phồn vinh:

“Con lại trỏ cánh buồm xa, nói khẽ:

Cha mượn cho con buồm trắng nhé,

Để con đi...”

Câu cuối bài thơ: “Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận - Cha gặp lại mình trong ước mơ con” đã thể hiện một cách cảm động niềm hạnh phúc lớn lao của cha anh, những người mở đường sung sướng, tự hào về cháu con, về thế hệ trẻ Việt Nam sẽ biến ước mơ đẹp thành hiện thực. Cha và mẹ, thầy giáo và cô giáo cùng với nhân dân vĩ đại sẽ làm hết mình để nâng cánh ước mơ tuổi thơ.

Ngoài tình cảm cha - con, bài thơ “Những cánh buồm” đã nói lên thật hay, thật gợi cảm ước mơ và khát Vọng lên đường của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 5)

Trải qua biết bao nếp gấp của cuộc đời, con người dễ dàng bị chìm đắm trong cõi nhân gian nhưng những mơ ước một thời vẫn mãi đeo đuổi, bay bổng vượt thời gian đến với các thế hệ sau một cách tuyệt vời. Hương vị của tinh thần tốt đẹp ấy được thể hiện sâu sắc trong bài thơ Những cánh buồm của nhà thơ Hoàng Trung Thông:

Hai cha con bước đi trên cát

...

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Bài thơ giàu chất suy tư, trầm lắng trong từng nhịp thơ, thầm thì như tiếng vỗ êm đềm của đại dương, nhưng vẫn huyền diệu trong hình ảnh thơ hai cha con với những hoài bão trong sáng như một huyền thoại. Hoàng Trung Thông gửi gắm ước mơ được bay xa tới những vùng trời mơ ước của hai thế hệ trong hình tượng cánh buồm căng phồng lao đi trên mặt biển trong hơi gió. Hình ảnh hai cha con tiếp bước song song nhau trên bãi cát làm chan chứa một hồi âm lan truyền chan hòa trong sắc trời đại dượng thật kì diệu. Không gian khoáng đãng rực rỡ, long lanh màu màu hạnh phúc như mở ra, mời gọi con người. Chính người cha đã dệt cả vẻ đẹp tiềm ẩn của biển vào lòng con mình khi dìu dắt cậu bé bước đi trên nền của biển mà chỉ cần một chút nữa thôi con mình sẽ ùa ra hiến được. Thật hạnh phúc khi cả hai cha con đều trong một tâm trạng phơi phới, háo hức muốn tìm hiểu về biển. Khổ thơ là lời tâm sự trìu mến của người cha đối với con. Mỗi một con người, ai cũng từng trải qua tuổi thơ ngây ngô với những ước mơ vô tận và đẹp đẽ. Với tư cách người dẫn đường, người cha từng bước tiếp tục tạo điều kiện chắp cánh cho ước mơ của con trên nền của một hoài bão lớn. Họ đã bước đi rất lâu, như hòa nhập trong lòng biển, trong nhịp bước song song trên cát từ buổi bình minh của ngày mới đến lúc nắng đã lên cao. Hi vọng rằng sẽ có thật nhiều, thật nhiều cánh buồm no gió lao đi trên biển, khơi quê hương Việt Nam dấu yêu như ước mơ của cậu bé đã được người cha ủng hộ và chắp cánh bay cao.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 6)

Bài thơ “Những cánh buồm” của tác giả Hoàng Trung Thông đã để lại cho em rất nhiều cảm xúc. Trước hết là hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần cho thấy tình yêu thương, sự che chở dẫn dắt của người cha trên hành trình đến tương lai. Tiếp theo hình ảnh đứa con thể hiện sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha. Người con đề nghị “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”. Những cánh buồm chính là nơi để gửi gắm ước mơ của con. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là nơi chất chứa hình cha thuở trước. Người cha cảm thấy tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ, lí tưởng cao đẹp. Qua bài thơ, tác giả cũng ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ, những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tươi sáng hơn. Bằng giọng thơ chân thành giản dị, “Những cánh buồm” đã lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng em.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 7)

“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 8)

Ở bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, em rất thích khổ thơ thứ hai. Hình ảnh mặt trời “nhô” lên cao rất hay và tinh tế. Từ “nhô” giúp lột tả được sự hiện diện chầm chậm, chiếu sáng từng chút theo cả quá trình của mặt trời, chứ không phải bỗng nhiên xuất hiện ở trên cao. Đồng thời, từ nhô cũng cho thấy nét trẻ con, tinh nghịch của mặt trời. Nó cũng như một đứa trẻ thơ lần đầu đến với thế giới này. Hình ảnh ngộ nghĩnh ấy khiến mặt trời như một người bạn được cử đến với sứ mệnh chiếu sáng cho trẻ em. Theo đó, thiên nhiên cũng được “trẻ em hóa” theo cái nhìn của những đứa trẻ. Khổ thơ nhờ chi tiết ấy mà trở nên đặc sắc và ấn tượng.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 9)

Em rất yêu thích khổ thơ thứ hai trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tác giả đã thật tinh tế mà miêu tả những sự vật đầu tiên xuất hiện trên trái đất, sau khi có trẻ con. Điều đó thể hiện ở chỗ, bởi trẻ con rất bé nhỏ và vừa mới xuất hiện, nên các sự vật ấy cũng thật nhỏ xinh. Cây chỉ cao bằng gang tay, lá cỏ chỉ to như sợi tóc, bông hoa chỉ bằng cái cúc áo. Nhưng cũng thật là hợp lí, bởi mọi vật đều sinh ra để chăm sóc cho trẻ con, vậy nên nó phải có kích thước phù hợp. Đặc biệt, cách mà nhà thơ dẫn dắt sự xuất hiện của mọi thứ cũng thật là thú vị. Bởi cái gì cũng hiện diện bởi sự “cần” của em bé. Vì trẻ con cần nhìn rõ, nên mới có mặt trời. Vì trẻ con cần được quan sát, vui vẻ nên có cây cối, cỏ hoa và tiếng chim hót. Điều đó, khiến em cảm nhận được sự ưu ái, yêu thương của vạn vật dành cho em nhỏ - mầm non, tương lai của thế giới. Từ đó, cả khổ thơ đã giúp người đọc mường tượng ra những đốm sáng đầu tiên bắt đầu lan tỏa ra, điểm tô cho thế giới từ chính trẻ con.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 10)

Ta-go, một nhà văn, nhà thơ lớn của văn học thế giới nói chung và văn học Ấn Độ nói riêng. Ông để lại cho nước nhà một thành tựu văn học rực rỡ với hơn 1000 bài thơ và hàng trăm truyện ngắn, bên cạnh đó còn có số lượng lớn các tác phẩm kịch, ký,...

Thơ ca Ta-go viết về những đề tài bình dị nhưng mang nội dung sâu sắc, nhân văn. Một trong những đề tài luôn được ông cả ngợi và đề cao là đề tài tình mẫu tử. Với Ta-go, tình mẫu tử luôn luôn bất diệt, sự yêu thương của lòng mẹ chính là sức mạnh cứu rỗi và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người con. Khi đọc bài thơ "Mây và sóng" của tác giả, ta không khỏi xúc động trước tình mẫu tử đầy thiêng liêng, sâu nặng.

Mượn lời kể đầy hồn nhiên và chân thành, pha chút hóm hỉnh nơi tâm hồn trẻ thơ, qua cuộc đối thoại giữa người con với những nhân vật khác, ta thấy được tình cảm của em bé dành cho người mẹ của mình.

Am hiểu tính cách trẻ thơ thích những điều mới lạ, mở đầu nhà thơ đã đặt ra thử thách đầy sức hấp dẫn cho em bé bằng lời mời gọi thú vị của những người bạn trong tự nhiên:

"Mẹ ơi, trên mây có người gọi con: Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.

Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc..."

Từ trên mây, có tiếng người gọi con thủ thỉ lời rủ rê vào cuộc chơi. Nơi đó con chưa từng đến bao giờ, con từng thấy nhưng chưa từng được nghe tiếng mây nói. Con cũng chưa từng được tham gia những trò chơi từ sáng đến đêm, với bình minh vàng, vầng trăng bạc, và chắc hẳn con cũng thấy thật thú vị và háo hức muốn được tới vùng trời ấy tham quan. Vì vậy, sau lời mời ấy, em đã không ngại mà buông lời thắc mắc là làm sao con có thể lên đó để hoà nhập:

"Con hỏi: Nhưng làm thế nào mình lên đó được?

Họ trả lời: "Hãy đến bên bờ trái đất,và đưa tay lên trời, em sẽ được nhấc bổng lên mây."

Mây kia nghe câu hỏi từ em, cũng nhanh chóng nói với em điều thắc mắc. Nếu em bé muốn đi, lúc ấy hãy đến bên bờ của trái đất, bàn tay mây sẽ nhấc bổng em lên. Điều đó thật đơn giản với em biết bao, nhưng có gì đó khiến cản bước chân em, đó phải chăng là hình bóng mẹ ở nhà đang đợi em về:

"Con nói: "Mẹ tôi đang đợi ở nhà

Con nói: "Mẹ tôi đang đợi ở nhà

Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?"

Thế là họ cười rồi bay đi mất.

Nhưng con biết một trò chơi thích hơn trò ấy, mẹ ơi.

Con sẽ là mây và mẹ sẽ là trăng.

Con sẽ lấy hai tay trùm lên người mẹ,

Và mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm."

Lòng em luôn bên mẹ, luôn muốn mẹ cùng em. Nhưng nếu bây giờ em theo chơi với áng mây kia, mẹ sẽ ở nhà cùng ai? mẹ đang đợi em về mà. Ngày lúc ấy, em đã từ chối sống một cách đầy thẳng thắn: " Làm sao tôi có thể bỏ mẹ mà đi được?". Mây dường như cũng hiểu lòng em, cảm nhận được tình yêu em dành cho mẹ lớn lao nêu cũng chỉ biết mỉm cười rồi từ biệt em mà thôi. Khi mây đi, em cũng chẳng hề tiếc nuối mà trái lại em háo hức sáng tạo ra một trò chơi mới đầy thú vị cùng mẹ:

"Con là mây và mẹ sẽ là trăng, hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm".

Mây và trăng là những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ của vũ trụ. Áng mây ưa bay nhảy chính là con, vầng trăng dịu hiền, bao dung chính là lòng mẹ. Mây và trăng song hành cùng nhau cũng như con vẫn luôn quấn quýt, ôm ấp lấy mẹ. Ngôi nhà nơi hai mẹ con ta sống cũng tựa bầu trời xanh kìa, cũng mang màu của sự bình an và hạnh phúc. Dù là trò chơi chốn trần gian nhưng nó cũng đầy thú vị và hấp dẫn biết bao, trò chơi ấy có mẹ và có con, trò chơi ấy có tình thương bền chặt, bao la.

Có lẽ vì chút ghen tị trước tình mẹ con gắn bó, trò chơi thú vị của mẹ cùng em ấy mà sóng cũng muốn tới rủ em chơi cùng:

"Trong sóng có người gọi con: Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao".

Nếu cuộc vui với mây có trăng vàng, mây bạc thì cuộc vui với sóng cũng đầy gợi cảm, mê hoặc và lung linh huyền diệu. Chơi với sóng được ngao du đây đó suốt ngày, được tới những miền đất mới em chưa từng đặt chân đến. Đây chắc chắn là một cuộc du hành đầy thú vị, nghe đến đây, chắc hẳn ai cũng thấy thật muốn bước đi và em cũng thế:

"Nhưng làm thế nào mình đến đó được"

Sóng bảo rằng em chỉ cần nhắm mặt lại, nơi rìa biển sóng sẽ đến mang em đi. Chân em muốn rời đi nhưng lòng còn níu kéo bởi mẹ em đang đợi em về. Chiều dần xuống, nơi nhà mẹ trông ngóng em, sao em lại để mẹ một mình mà đi vì niềm vui riêng của mình được. Bởi thế mà, một lần nữa em lại chọn cách từ chối sóng, từ chối để giữ mẹ bên mình, để được về bên mẹ và cùng mẹ chơi một trò chơi vui vẻ hơn:

"Trong sóng có người gọi con: Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao".

Sóng và bờ đều là hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ. Bến bờ kì lạ nơi mẹ luôn thu hút con, lôi cuốn con, con muốn được khám phá mỗi ngày. Nơi lòng mẹ, con sẽ được cười vang thoả thích, được hạnh phúc chở che, được mãn nguyện tình thương. Nơi lòng mẹ, niềm vui con sẽ thêm phần ngọt ngào, đủ đầy mà sóng, mây kia không hề có được, cũng không thể nào mang lại được cho em.

Sóng, mây là những hình tượng đẹp, bất tử, mượn hai hình tượng ấy để nâng tầm hình tượng của lòng mẹ. Vượt lên cả sóng, mây, tình mẹ dành cho con luôn cao khiết, bất diệt và trái tim con vẫn mãi luôn hướng về mẹ, với con, mẹ là điều tự hào, tuyệt vời và xứng đáng được trân trọng nhất thế gian.

Với tấm lòng yêu thương và sự tin yêu dành cho mỗi người mẹ trong cuộc đời, Ta-go đã viết nên một thì phẩm đầy giá trị như thế. Đọc bài thơ, em càng thêm thương mẹ, thêm thấu hiểu lòng mẹ và sẽ cố gắng thật nhiều mỗi ngày để xứng đáng với những gì mà mẹ đã hy sinh vì gia đình, vì tương lai của em.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 11)

Ta-go là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch lớn, ông được coi là một đại thi hào, hay một thiên tài của Ấn Độ, những sáng tác của ông đã có đóng góp rất lớn trong nền văn học của thế giới. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Mây và sóng, tác phẩm thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng dưới lăng kính của một cậu bé qua những câu chuyện cậu kể với mẹ.

Trong thế giới của Ta-go ông luôn khẳng định rằng tình mẫu tử là cao quý nhất, là thiêng liêng nhất và là thứ tình cảm không có gì có thể thay thế được. Qua bài thơ ta có thể thấy được sự ngây thơ hồn nhiên, tinh nghịch của cậu bé khi được mây trời rủ đi chơi xa, lướt dạo trên mây cao. Đối với một đứa trẻ thì việc được đi chơi, được vui đùa cả ngày có lẽ là điều tuyệt vời nhất và đối với cậu bé này cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy khi nhận được lời mời gọi từ mây cậu đã không ngại ngần hỏi đường để lên mây “Nhưng làm thế nào mình lên đó được”, sự đơn giản của việc hòa nhập vào với mây trời đó chỉ là tới tận cùng trái đất và đưa tay lên trời.

Đang cảm thấy háo hức vì sắp được dạo chơi thì trong cậu hình bóng người mẹ hiện lên, đứa trẻ nhớ về người mẹ đang ở nhà chờ mình thì làm sao bản thân có thể đi chơi xa được, và tình cảm mà mẹ dành cho bé đã lưu giữ bước chân cậu lại. Khi từ chối khéo léo thì chính cậu đã nghĩ ra trò chơi mới cho bản thân mình, vẫn muốn chơi đùa nhưng là chơi đùa trong vòng tay mẹ: “Con là mây và mẹ sẽ là trăng, hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”

Sau mây thì những con sóng lại tiếp tục cất tiếng gọi vui chơi nơi đại dương, sóng kể về những chuyến đi của mình với cậu bé nghe, nói với cậu về niềm vui ca hát cả ngày, chính điều đó đã lại một lần lay động lòng ham chơi của đứa trẻ, chỉ cần nghe đến việc được ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn thôi đã làm cho cậu thấy thích thú rồi, hơn thế nữa còn được đến những nơi mà không biết rằng đó là nơi nào càng kích thích tính tò mò của cậu bé.

Đứa trẻ nào chẳng ham chơi ham vui, lại còn thấy những hình ảnh sống động từ sóng thì làm sao có thể cưỡng lại được mong muốn đó, rồi cậu bé cũng được sóng chỉ cho cách để có thể hòa mình vào những con sóng để nô đùa nhưng lại một lần nữa cậu nhớ đến mẹ, tự nhủ với bản thân làm sao có thể đi chơi khi mẹ còn đang ở nhà và trò chơi mới tiếp theo lại ra đời: “Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ, con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”.

Qua những hình ảnh kì diệu của tự nhiên là mây và sóng tác giả đã vẽ lên một bức tranh thật đẹp về tình mẫu tử, chính tình cảm mẹ dành cho con đã tạo nên một người con luôn nhớ đến mẹ của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Quá trình nuôi dưỡng khó khăn nhọc nhằn để con không lớn chính là tình cảm bất diệt trong lòng con cái, đối với con cái ba mẹ chính là điểm tựa, là động lực thúc đẩy cho con cái có niềm tin bước vào cuộc sống, là nguồn động viên khi con gặp thất bại và là niềm tự hào khi thấy con mình thành công. Nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới người đọc một chân lí không thể thay đổi đó là không có thứ gì có thể thay đổi được tình mẫu tử, đó là tình cảm thiêng liêng và vĩnh hằng.

Bằng tình cảm tận sâu trong tim của bản thân cùng với sự yêu mến, tin tưởng vào tương lai trẻ thơ tác giả đã thể hiện rất thành công trong cách xây dựng nhân vật và truyền tải thông điệp tới người đọc.

Suy nghĩ, cảm xúc về một bài thơ đã học ở sách Ngữ Văn 7 Tập 2 (mẫu 12)

Bài thơ “Mây và sóng” là một tác phẩm đặc sắc của Ta-go. Được viết dưới hình thức của một bài thơ, nhưng “Mây và sóng” lại giống như một câu chuyện kể. Tác giả đã sử dụng kết hợp cùng với các yếu tố tự sự và miêu tả để giúp tác phẩm của mình trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Nhân vật trữ tình trong bài là em bé đang kể lại cho mẹ nghe về cuộc trò chuyện của mình với người “trên mây” và “trong sóng”. Lời kể của em bé thật hồn nhiên, ngây thơ: “Mẹ ơi, trên mây có người gọi con”, “Trong sóng có người gọi con”. Và rồi, Ta-go đã khắc họa t hế giới của những người “trên mây” và “trong sóng” hiện lên rất tuyệt vời, giống như niềm mơ ước của trẻ em. Nơi đó có “bình minh vàng”, “ánh trăng bạc”. Ở đó, trẻ em sẽ được dạo chơi từ lúc thức dậy cho đến lúc hoàng hôn, được khám phá những điều kỳ thú trên bầu trời, hay dưới mặt biển. Chính điều đó đã khơi gợi sự tò mò đối với em bé, khiến em đặt ra câu hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Những câu hỏi đã cho thấy khao khát được chinh phục, khám phá thế giới của nhân vật này. Đáp lại là câu trả lời của người “trên mây” và “trong sóng”: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”; “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi”. Dù còn hồn nhiên, ham chơi nhưng khi nghe vậy, em bé đã kiên quyết từ chối: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Và rồi, chính em bé đã nghĩ ra một trò chơi thật kì diệu có thể thực hiện cùng với mẹ. Dù ở bất cứ nơi đâu, em bé vẫn muốn ở cùng với mẹ. Bài thơ được viết theo kiểu thơ tự sự, không bị ràng buộc bởi luật thơ, cách gieo vần. Âm điệu nhịp nhàng, hình ảnh giàu tính biểu tượng, ngôn ngữ cô động đã góp phần khiến cho bài thơ giàu cảm xúc hơn. Có thể khẳng định rằng, “Mây và sóng” giúp người đọc cảm nhận được tình cảm mẫu tử chân thành, giản dị mà đẹp đẽ đến chừng nào.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

1 7628 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: