Thuế môn bài là gì? Quy định mới nhất về thuế môn bài 2025?
Thuế môn bài là gì? Quy định mới nhất về thuế môn bài

1. Thuế môn bài là gì?

Thuế môn bài là một loại thuế trực thu mà tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp định kỳ hàng năm dựa trên vốn điều lệ/vốn đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu theo năm (đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).

Thuật ngữ “thuế môn bài” được sử dụng sử dụng khá phổ biến và được quy định rõ về mức thu tại Pháp lệnh 10-LCT/HĐNN7 năm 1983. Từ ngày 01/01/2017 đến nay, thuật ngữ “thuế môn bài” không còn được sử dụng trong văn bản pháp luật của nhà nước, mà thay vào đó là sử dụng thuật ngữ “lệ phí môn bài”.

Theo đó, từ ngày 01/01/2017 thì thuật ngữ “thuế môn bài” được thay thế bởi “lệ phí môn bài” và Quy định về lệ phí môn bài được hướng dẫn tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP Quy định về lệ phí môn bài.

2. Các quy định mới nhất về thuế môn bài 2025

Các quy định mới nhất về thuế môn bài 2025
Các quy định mới nhất về thuế môn bài 2025

2.1. Đối tượng nộp lệ phí môn bài

Các đối tượng phải nộp lệ phí môn bài bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã 2012.
  • Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
  • Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức trên (nếu có).
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về người nộp lệ phí môn bài như sau:

Điều 2. Người nộp lệ phí môn bài

“Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.

3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.”

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).

7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2.2. Những trường hợp được miễn lệ phí môn bài năm 2025?

Những trường hợp được miễn lệ phí môn bài năm 2025
Những trường hợp được miễn lệ phí môn bài 2025

Theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP và một số khoản được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, những trường hợp được miễn lệ phí môn bài năm 2024, bao gồm:

  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
  • Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
  • Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
  • Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
    • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
    • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
    • Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
    • Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
    • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc diện miễn lệ phí môn bài được thành lập trước thời điểm Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
    • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
  • Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.

2.3. Mức thu lệ phí môn bài năm 2025 là bao nhiêu?

Mức thu lệ phí môn bài năm 2025 là bao nhiêu?
Mức thu lệ phí môn bài 2025 là bao nhiêu?

Căn cứ theo khoản 1, Khoản 2, Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CPkhoản 1, 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC quy định mức thu lệ phí môn bài năm 2024 cụ thể như sau:

  • Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
    • Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
    • Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
    • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
  • Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
    • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
    • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
    • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.

2.4. Mẫu tờ khai lệ phí môn bài mới nhất năm 2025?

Theo đó, khi điền tờ khai lệ phí môn bài cần lưu ý:

  • Chỉ tiêu [01]: Kê khai năm tính lệ phí môn bài.
  • Chỉ tiêu [02]: Chỉ tích chọn đối với lần đầu kê khai.
  • Chỉ tiêu [03]: Chỉ tích chọn đối với trường hợp người nộp lệ phí (sau đây gọi chung là người nộp thuế và viết tắt là NNT) đã nộp tờ khai nhưng sau đó phát hiện có thay đổi thông tin về nghĩa vụ kê khai và thực hiện kê khai lại thông tin thuộc kỳ tính lệ phí đã kê khai. Lưu ý, NNT chỉ thực hiện chọn một trong hai chỉ tiêu [02] và [03], không chọn đồng thời cả hai chỉ tiêu.
  • Chỉ tiêu [04] đến chỉ tiêu [05]: Kê khai thông tin theo đăng ký thuế của NNT.
  • Chỉ tiêu [06] đến chỉ tiêu [08]: Kê khai thông tin đại lý thuế (nếu có).
  • Chỉ tiêu [09]: Chỉ tích chọn trong trường hợp NNT đã kê khai lệ phí môn bài, sau đó thành lập mới địa điểm kinh doanh.

2.5. Thời hạn nộp lệ phí môn bài năm 2025 là khi nào?

Tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp lệ phí môn bài năm 2025 được quy định như sau:

  • Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm 2025.
  • Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
    • Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn.
    • Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
    • Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động.
    • Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.

2.6. Các quy định xử phạt chậm nộp lệ phí môn bài và tờ khai lệ phí môn bài

STT

Trường hợp vi phạm

Hình thức nộp phạt

1

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ

Phạt cảnh cáo

2

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

3

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

4

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày hoặc nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

5

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm CQT (cơ quan thuế) công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm CQT lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

Trường hợp nếu doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài trễ hơn thời hạn thì mức phạt nộp chậm được tính như sau:

Số tiền chậm nộp (tiền phạt khi chậm nộp) = Số tiền lệ phí môn bài chậm nộp x 0.03% x Số ngày chậm nộp

Lưu ý: Số ngày chậm nộp tiền thuế (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt như trên thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

  • Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.
  • Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với 02 hành vi sau:
    • Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
    • Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?

Người nộp lệ phí môn bài sẽ không phải nộp lệ phí môn bài nếu đáp ứng 02 điều kiện sau: quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP khoản 4 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC:

  • Có văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ 01/01 - 31/12) gửi cơ quan thuế/cơ quan đăng ký kinh doanh trước ngày 30/01 của năm xin tạm ngừng kinh doanh;
  • Chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng kinh doanh.

Nếu không đảm bảo điều kiện nêu trên thì phải nộp lệ phí môn bài cả năm.

3.2. Thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được xác định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được xác định như sau:

  • Đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh: Là thời gian được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
  • Đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh: Là thời gian được cơ quan thuế ghi trên Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
  • Đối với người nộp thuế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, thông báo hoặc yêu cầu tạm ngừng hoạt động, kinh doanh: Là thời gian được ghi trên văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3.3. Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp hồ sơ quyết toán thuế?

Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Do đó, nếu tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính, không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải kê khai, nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, báo cáo tài chính, tờ khai quyết toán thuế.