Lương khoán là gì? Lương khoán được tính như thế nào?

Lương khoán là gì? Lương khoán được tính như thế nào?

1. Lương khoán là gì?

Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn đều không giải thích thuật ngữ lương khoán là gì nhưng cũng đã đề cập đến cụm từ “lương khoán” trong các điều khoản quy định về hình thức trả lương.

Theo đó, có thể hiểu đơn giản, lương khoán là một hình thức trả lương căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành được người sử dụng lao động vận dụng để tính toán và trả tiền lương cho người lao động để họ thực hiện công việc.

Căn cứ khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động được thỏa thuận với nhau để lựa chọn thức trả lương: Theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

Do đó, người sử dụng lao động có thể đề nghị trả lương khoán nhưng vẫn cần có sự đồng ý từ phía người lao động.

Bản chất của lương khoán chính là người lao động sẽ nhận được tiền lương dựa trên mức độ hoàn thành khối lượng công việc được giao. Nếu hoàn thành hết trong thời gian thỏa thuận thì người lao động sẽ được nhận mức lương tối đa, đầy đủ theo thảo thuận. Đây là một hình thức trả lương công bằng, thể hiện đúng năng suất lao động của người lao động.

2. Hướng dẫn cách tính lương khoán

Theo khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương khoán. Lương khoán thường được tính dựa trên công thức sau:

Lương khoán = Mức lương khoán đã thỏa thuận x (Khối lượng công việc hoàn thành / Khối lượng công việc được giao)

Trong đó:

Mức lương khoán đã thỏa thuận là số tiền mà người sử dụng lao động và người lao động thống nhất trước khi bắt đầu công việc.

Khối lượng công việc hoàn thành là số lượng công việc thực tế mà người lao động đã hoàn thành trong thời gian thỏa thuận.

Khối lượng công việc được giao là số lượng công việc mà người lao động được giao ban đầu.

Nếu công việc hoàn thành đúng hoặc vượt mức yêu cầu thì người lao động sẽ nhận toàn bộ hoặc hơn mức lương khoán đã thỏa thuận. Ngược lại, nếu không hoàn thành đủ khối lượng, lương sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng với phần công việc đã hoàn thành.

Ví dụ:

Bạn được giao khoán 100 sản phẩm với mức lương khoán là 10 triệu VND. Nếu bạn hoàn thành đủ 100 sản phẩm thì bạn nhận đủ 10 triệu VND. Nếu bạn hoàn thành 80 sản phẩm, bạn sẽ nhận được 8 triệu VND.

3. Lương khoán được trả theo hình thức nào?

Lương khoán được trả theo hình thức nào
Lương khoán được trả theo hình thức nào

Theo nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì doanh nghiệp có thể trả lương cho người được người lao động đó ủy quyền hợp pháp.

Căn cứ khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019khoản 2 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lương khoán được trả theo hình thức sau:

- Bằng tiền mặt

- Trả qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.

Trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải tự trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản cho người lao động và phí chuyển tiền lương.

Lưu ý: Tiền lương trả cho người lao động phải bằng tiền Đồng Việt Nam. Riêng trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có thể trả lương bằng ngoại tệ.

4. Ưu điểm và nhược điểm của lương khoán

4.1 Ưu điểm:

Kích thích năng suất làm việc: Khi được trả lương dựa trên kết quả, người lao động có động lực làm việc hiệu quả hơn.

Tính công bằng: Người lao động có năng lực cao, làm việc hiệu quả sẽ được trả lương xứng đáng.

Linh hoạt: Hình thức lương này phù hợp với nhiều loại hình công việc, đặc biệt là những công việc có tính chất dự án.

4.2 Nhược điểm:

Áp lực công việc cao: Người lao động dễ bị áp lực phải hoàn thành công việc trong thời gian ngắn để đạt được mức lương mong muốn.

Không ổn định: Thu nhập của người lao động có thể thay đổi tùy thuộc vào khối lượng công việc và hiệu quả làm việc.

Khó khăn trong việc tính toán và quản lý: Việc tính toán lương khoán có thể phức tạp hơn so với lương cố định, đặc biệt khi có nhiều yếu tố ảnh hưởng.

5. Người nhận lương khoán có phải đóng BHXH không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động chỉ cần ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với doanh nghiệp thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Có thể thấy, việc có phải tham gia BHXH bắt buộc hay không sẽ phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng lao động mà người lao động ký với doanh nghiệp.

Trường hợp thỏa thuận hình thức trả lương theo lương khoán tại hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì người lao động vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Lúc này, mức lương tháng tính đóng BHXH của người lao động sẽ được xác định theo khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bao gồm:

Tiền lương tháng đóng BHXH = Mức lương + Phụ cấp lương + Khoản bổ sung khác có tính chất cố định

Trong đó, mức lương được hướng dẫn tại điểm a khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH là mức lương theo công việc hoặc chức danh, trong đó với người lao động hưởng lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định lương khoán.

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Mẫu hợp đồng khoán việc, giao khoán, thuê khoán mới 2024

Quy định về mức thuế khoán hộ kinh doanh cá thể