Lương 5 triệu đóng bảo hiểm bao nhiêu? Mức đóng BHXH bắt buộc của người lương 5 triệu như thế nào?

“Đi làm lương 5 triệu đóng bảo hiểm bao nhiêu?” Thực tế còn rất nhiều người lao động nhận mức lương 05 triệu đồng/tháng đang không biết cách tính tiền đóng bảo hiểm, thường để doanh nghiệp chủ động trừ tiền hằng tháng. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về vấn đề này!

1. Lương 5 triệu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao nhiêu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHXH đối với người lao động Việt Nam được xác định như sau:

1) Bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức sau: Mức đóng BHXH bắt buộc/tháng = 8% x Tiền lương tháng đóng BHXH.

2) Bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên sẽ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức sau: Mức đóng BHTN/tháng = 1% x Tiền lương tháng đóng BHXH.

3) Bảo hiểm y tế: Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên sẽ được đóng BHYT với mức như sau: Mức đóng BHYT/tháng = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong đó: Lương tháng đóng BHXH bằng tổng mức lương theo chức danh cùng các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung xác định được số tiền cụ thể và được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương cho người lao động.

Như vậy, tổng tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm hàng tháng của người lao động Việt Nam là: 8% + 1% + 1,5% = 10,5%.

Do đó, công thức tính tiền đóng bảo hiểm được xác định như sau:

Mức tiền đóng BH = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Nếu tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là 5 triệu đồng thì mức tiền đóng BHXH hàng tháng như sau:

Mức tiền đóng BH = 10,5% x 5 triệu đồng = 525.000 đồng/tháng.

Lưu ý, cách tính trên chỉ áp dụng trong trường hợp 5 triệu đồng đó là mức tiền lương tháng đóng BHXH (bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác thuộc diện tính đóng BHXH).

Trường hợp trong 5 triệu đồng đó có các khoản tiền khác không thuộc diện tính đóng BHXH bắt buộc thì phải trừ ra. Cụ thể tính theo công thức sau:

Mức tiền đóng BH = 10,5% x (5 triệu đồng – Các khoản không tính đóng bảo hiểm).

2. Khoản thu nhập nào không tính đóng BHXH?

Căn cứ quy định tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có đề cập đến các khoản thu nhập không tính đóng BHXH như sau:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

26. Sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 30 như sau:

“…

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì hiện nay, các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bao gồm:

1) Khoản tiền người lao động được thưởng theo quy định tại Điều 104, Bộ luật Lao động năm 2019.

2) Khoản tiền được thưởng sáng kiến.

3) Tiền ăn giữa ca.

4) Khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động về xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà cửa, tiền giữ trẻ hoặc tiền nuôi con nhỏ.

5) Khoản tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết, người có thân nhân kết hôn, sinh nhật của người lao động.

6) Khoản tiền doanh nghiệp trợ cấp cho người lao động khi họ gặp khó khăn do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

7) Khoản tiền hỗ trợ, trợ cấp khác cho người lao động được ghi thành mục riêng trong Hợp đồng lao động.

3. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội được quy định ra sao?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy, hiện nay việc tham gia, thực hiện bảo hiểm xã hội cần tuân theo 05 nguyên tắc nêu trên.

4. Người có mức lương 5 triệu không đóng bảo hiểm được không?

Với mức sống hiện nay của người lao động tại các thành phố lớn, mức lương 5 triệu được đánh giá là khá thấp. Do đó, nếu phải trừ đi khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng, số tiền mà người lao động nhận về sẽ càng thấp hơn.

Trên thực tế, nhiều người lao động sẽ thỏa thuận với doanh nghiệp việc không đóng các loại bảo hiểm xã hội để đảm bảo số tiền lương nhận về. Tuy nhiên, việc thỏa thuận không đóng bảo hiểm theo quy định là hoàn toàn trái pháp luật và sẽ bị phạt theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.

- Đối với người lao động: Người lao động bị phạt từ 500.000 VNĐ đến 01 triệu đồng về hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

- Đối với doanh nghiệp: Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm, tối đa không quá 75 triệu đồng về lỗi đóng bảo hiểm không đủ số người thuộc diện tham gia mà không phải là trốn đóng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn phải đóng đủ tiền bảo hiểm và nộp thêm tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền đó.

Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mang lại nhiều lợi ích cho người lao động như: Được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; Được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện; Được hưởng chế độ tử tuất. Do đó, người lao động có cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

5. Lương hưu bao nhiêu khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 5 triệu đồng/tháng?

Theo quy định, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng chế độ hưu trí năm 2023 khi: Đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên; đủ 60 tuổi 9 tháng đối với nam và lao động nữ là từ đủ 56 tuổi (mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ).

Mức lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt đầu hưởng lương năm 2023 = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được xác định đối với lao động nam là đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được 45% (người lao động nghỉ hưu năm 2023, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%.

Đối với lao động nữ, đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Giả sử lao động nam đến tháng 11 đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Người này tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng bình quân là 5 triệu đồng/tháng, tính đến thời điểm đủ tuổi về hưu là 24 năm. Lương hưu của lao động nam được tính như sau:

20 năm đầu tham gia sẽ được hưởng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Từ năm thứ 21 đến năm thứ 24 là 4 năm được hưởng thêm: 4 x 2% = 8%. Tổng 2 tỉ lệ là: 45% + 8% = 53%.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng mức bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động đóng với mức 5 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức hưởng lương hưu của lao động nam là: 53% x 5 triệu đồng = 2,650 triệu đồng/tháng.

Giả sử lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 24 năm và nghỉ hưu vào tháng 11/2023 ở tuổi 56 tuổi. Tỷ lệ hưởng lương hưu lao động nữ này được xác định như sau:

15 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ hưởng 45%.

9 năm đóng bảo hiểm xã hội còn lại hưởng 9 x 2% = 18%.

Tổng tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ = 45% + 18% = 63%.

Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bà là 5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu của bà = 63% x 5 triệu đồng = 3,150 triệu đồng/tháng.