Lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe: Quy định và mức phạt năm 2024

Hiện nay, tình trạng độ xe, tự ý thay đổi kết cấu xe diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Vậy đối với lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe, quy định và mức xử phạt hiện nay như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin chính xác nhất nhé!

1. Điều kiện tham gia giao thông của xe mô tô được quy định như thế nào?

Theo Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới như sau:

- Đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông và phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như sau:

+ Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

+ Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

+ Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

+ Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

+ Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

+ Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

+ Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

+ Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

- Phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Có thể tự ý thay đổi kết cấu xe mô tô hay không?

Theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

- Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

- Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu xe, làm sai lệch kết cấu so với thiết kế ban đầu của xe theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

3. Mức phạt lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe năm 2022

Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định:

3.1. Đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe xe mô tô, xe gắn máy

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;

+ Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

3.2. Đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

+ Cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

4. Thay đổi màu xe máy phải thực hiện đăng ký cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe không?

Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe như sau:

“1. Đối tượng cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe: Xe cải tạo, xe thay đổi màu sơn, xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển nền màu trắng, chữ và số màu đen; gia hạn giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký xe bị mờ, rách nát hoặc bị mất hoặc thay đổi các thông tin của chủ xe (tên chủ xe, địa chỉ) hoặc chủ xe có nhu cầu đổi giấy chứng nhận đăng ký xe cũ lấy giấy chứng nhận đăng ký xe theo quy định của Thông tư này.”

Như vậy, thay đổi màu xe máy phải thực hiện đăng ký cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe.

5. Tự ý thay đổi màu xe máy không thực hiện đăng ký lại giấy chứng nhận đăng ký xe có bị phạt không?

Theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:

“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.”

Như vậy, tự ý thay đổi màu xe máy không thực hiện đăng ký lại giấy chứng nhận đăng ký xe có thể sẽ bị phạt với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

6. Biện pháp khắc phục đối với hành vi tự ý thay đổi màu xe máy tham gia giao thông

Căn cứ khoản 16 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm s khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

“16. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; điểm m khoản 7 Điều này buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này buộc phải thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định (lắp đúng loại kính an toàn);

c) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 4a, điểm g khoản 8 Điều này buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;

d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm e, điểm g khoản 9 Điều này buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;

đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h khoản 7, điểm d khoản 9, điểm a khoản 10, khoản 11, điểm a khoản 12 Điều này mà phương tiện đó có thùng xe, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở không đúng theo quy định hiện hành thì còn bị buộc phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành, đăng kiểm lại và điều chỉnh lại khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;

e) Thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm g, điểm h, điểm i khoản 7; điểm c khoản 8; điểm d, điểm đ khoản 9; điểm a khoản 10; khoản 11; khoản 12; khoản 13; khoản 14 Điều này nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

g) Thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4; điểm e, điểm g khoản 5; điểm c, điểm d, điểm l khoản 7; điểm b khoản 10 Điều này buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định (trừ trường hợp bị tịch thu phương tiện).”

Như vậy, hành vi tự ý thay đổi màu xe máy tham gia giao thông ngoài bị xử phạt tiền theo mức phạt nêu trên thì còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải khôi phục lại màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định.

7. Thủ tục thay đổi màu sơn xe máy

Bước 1: Chủ xe khai báo và xin phép thay đổi màu sơn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an, trước khi thay đổi màu sơn (kể cả kẻ vẽ, quảng cáo), chủ xe phải khai báo trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông tại mục khai báo cải tạo xe, thay đổi màu sơn hoặc trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe để xin phép.

Bước 2: Thay đổi màu sơn xe

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ

Theo Điều 11 Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe thay đổi màu sơn thuộc đối tượng cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký xe. Chủ xe cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Giấy khai đăng ký xe theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 58/2020/TT-BCA;

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Xuất trình giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu…;

Bước 4: Nộp hồ sơ

Chủ xe nộp hồ sơ tại cơ quan cấp có thẩm quyền (cấp huyện hoặc cấp tỉnh).

Theo Quyết định 933/QĐ-BCA-C08, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra giấy tờ của chủ xe; giấy khai đăng ký xe. Thu lại chứng nhận đăng ký xe, kiểm tra thực tế xe.

Nếu hồ sơ đăng ký xe không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cụ thể, đầy đủ một lần (ghi nội dung hướng dẫn vào phía sau giấy khai đăng ký xe, ký ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó) cho chủ xe hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ đăng ký xe đầy đủ theo quy định: Cấp giấy hẹn cho chủ xe.

Bước 5: Nhận đăng ký xe theo giấy hẹn

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 58, đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký xe thì thời gian hoàn thành không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đến ngày hẹn ghi trên giấy hẹn, chủ xe đến nhận đăng ký xe.

Cán bộ Công an thu giấy hẹn, trả Giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe.