Đương sự có được quyền sao chụp tất cả tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự hay không? Việc xác định chứng cứ được pháp luật quy định như thế nào?

Trong vụ án dân sự, đương sự có được quyền sao chụp tất cả tài liệu, chứng cứ trong vụ án hay không? Việc xác định chứng cứ được pháp luật quy định như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất nhé!

1. Chứng cứ trong vụ án dân sự là gì?

Chứng cứ được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

“Điều 93. Chứng cứ

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

Như vậy, chứng cứ trong vụ án dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

2. Đương sự có được quyền sao chụp tất cả tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự hay không?

Căn cứ theo khoản 8 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự như sau:

“Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:

8. Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này”.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về việc công bố và sử dụng tài liệu, chứng cứ như sau:

“2. Tòa án không công khai nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai.”

Như vậy, theo những quy định đã nêu trên, không phải tất cả tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự đều có thể được sao chụp. Đương sự sẽ không được phép sao chụp đối với tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

3. Việc xác định chứng cứ được pháp luật quy định như thế nào?

Theo Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, việc xác định chứng cứ được quy định như sau:

- Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

- Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

- Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

- Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

- Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

- Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.

Như vậy, việc xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.

4. Việc thu thập bằng chứng, chứng cứ của Tòa án

Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;

c) Trưng cầu giám định;

d) Định giá tài sản;

đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ;

e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;

h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;

i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.

Khi tiến hành các biện pháp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.

Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại các điểm a, g và h khoản 2 Điều 97.

Khi Thẩm tra viên tiến hành biện pháp quy định tại điểm g khoản 2 Điều 97, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

5. Các câu hỏi thường gặp

5.1. Vụ án dân sự có đặc điểm gì?

- Nguồn gốc của vụ án dân sự là các tranh chấp phát sinh về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ dân sự; hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại; lao động.

- Các tranh chấp trên phải được giải quyết bởi Tòa án. Kết quả giải quyết vụ án phải được ghi nhận trong bản án của Tòa án và phải được các bên tuân thủ nghiêm chỉnh.

- Các bên trong vụ án dân sự được gọi là các đương sự. Đương sự là cá nhân, pháp nhân tham gia tố tụng dân sự với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

5.2. Hồ sơ vụ án dân sự là gì?

Hồ sơ vụ án dân sự là Tập hợp các giấy tờ, tài liệu do Tòa án thu thập hoặc soạn thảo trong quá trình thụ lý một vụ án dân sự và cần thiết cho việc giải quyết vụ án đó.

Hồ sơ vụ án dân sự giúp Tòa án có các thông tin cập nhật về tiến trình thụ lý và giải quyết vụ án, nhất là về các quyết định đã được đưa ra và các biện pháp đã được thực hiện trong quá trình tố tụng, đồng thời, dựng lại diễn biến của việc thụ lý và xét xử vụ án qua các giai đoạn tố tụng.

Qua hồ sơ có thể biết được nội dung của vụ án; đặc biệt trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp trên có thể dựa vào hồ sơ để hình dung toàn bộ lịch sử của vụ án.

5.3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ vụ án dân sự?

Việc quản lý hồ sơ vu án dân sự thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính của Tòa án thụ lý, cụ thể là của các thư ký được phân công theo dõi vụ án.

5.4. Thời điểm đương sự được cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án

1. Trong thủ tục sơ thẩm, theo khoản 4 Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.

Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

2. Trong thủ tục phúc thẩm, theo khoản 1 Điều 287 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: (a) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; (b) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

3. Trong thủ tục giám đốc thẩm, đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án (khoản 1 Điều 330 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Từ các quy định nêu trên, đương sự được cung cấp, giao tài liệu, chứng cứ cho Tòa án trong phạm vi thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo tục sơ thẩm. Tòa án chỉ chấp nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo nếu thuộc các trường hợp Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định nêu trên.