Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12
VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 12 về Tác giả tác phẩm Tiếng hát con tàu gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Tiếng hát con tàu như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:
Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12
I. Tác giả văn bản Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
II. Nội dung văn bản Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
1. Bố cục tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
- Đoạn 1 (khổ 1,2): Sự trăn trở và lời mời gọi lên đường.
- Đoạn (khổ 3 đến khổ 11): Khát vọng về với nhân dân.
- Đoạn 3 (còn lại): Khúc hát lên đường.
2. Nội dung chính tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
Bài thơ là khúc hát về lòng biết ơn, thể hiện tình yêu và sự gắn bó, khát vọng và niềm hân hoan khi trở về với nhân dân, đất nước của một tâm hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình ở đời sống của nhân dân và đất nước.
3. Phương thức biểu đạt:
- Biểu cảm + Tự sự + Miêu tả
4. Tóm tắt tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
Tóm tắt tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) (mẫu 1)
Bài thơ được chia thành nhiều khổ. Hai khổ đầu là sự trăn trở và lời mời gọi lên đường: không thể có ý nghĩa cuộc đời, không thể có thơ hay nếu chỉ quẩn quanh trong thế giới chật hẹp của cái tôi. Khổ 3- 11 là hoài niệm về Tây Bắc trong kháng chiến. Khổ 3,4 Tây Bắc là xứ núi rừng anh hùng, cuộc kháng chiến chống Pháp là sân khấu để tôi luyện nhà thơ chuyển biến cuộc đời và nghệ thuật. Sự trở về với nhân dân là niềm hạnh phúc lớn lao. Khổ 6-11: Hình ảnh Tây Bắc hiện lên qua những con người cụ thể. Đó là người anh du kích với chiếc áo nâu, đứa em liên lạc linh hoạt, dũng cảm, người mẹ nuôi quân giàu đức hi sinh, cô gái xung phong với vắt xôi nuôi quân giấu giữa rừng. Khi ta ở mảnh đất ấy chỉ là chốn trú thân. Khi rời xa mới nhận ra nơi ấy đã lưu giữ một phần tâm hồn. Còn lại là khúc hát lên đường. Khao khát, bồn chồn, giục giã lên đường sôi nổi.
Tóm tắt tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) (mẫu 2)
Bài thơ được chia thành nhiều khổ với niềm nỗi suy tư khác nhau. Hai khổ đầu là sự trăn trở và lời mời gọi lên đường: không thể có ý nghĩa cuộc đời, không thể có thơ hay nếu chỉ quẩn quanh trong thế giới chật hẹp của cái tôi. Khổ 3- 11 là hoài niệm về Tây Bắc trong kháng chiến. Khổ 3,4 Tây Bắc là xứ núi rừng anh hùng, cuộc kháng chiến chống Pháp là sân khấu để tôi luyện nhà thơ chuyển biến cuộc đời và nghệ thuật. Sự trở về với nhân dân là niềm hạnh phúc lớn lao của tác giả: trở về để được tắm mát, để tâm hồn được hồi sinh, tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của cuộc đời mình, được chăm sóc, vỗ về, an ủi. Khổ 6-11: Hình ảnh Tây Bắc hiện lên qua những con người cụ thể. Đó là người anh du kích với chiếc áo nâu, đứa em liên lạc linh hoạt, dũng cảm, người mẹ nuôi quân giàu đức hi sinh, cô gái xung phong với vắt xôi nuôi quân giấu giữa rừng. Khi ta ở mảnh đất ấy chỉ là chốn trú thân. Khi rời xa mới nhận ra nơi ấy đã lưu giữ một phần tâm hồn. Còn lại là khúc hát lên đường. Tiếng gọi của đất nước, của nhân dân, của đời sống trở thành động lực bên trong làm nhà thơ khao khát, bồn chồn: mắt ta thèm, tai tai nhớ, mắt ta nhớ, lòng ta cũng như tàu... Khao khát, bồn chồn, giục giã lên đường sôi nổi, mê say đáp lại lời mời gọi của hai khổ thơ đầu.
Tóm tắt tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) (mẫu 3)
Chế Lan Viên tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan. Quê ở Csm An, Cam Lộ. Quảng trị. Từ năm 1927 , gia đình ông chuyển vào An Nhơn, Bình Định. Sau khi đã tốt nghiệp Trung Học, Chế Lan Viên đã đi dạy học ở trường tư và làm báo ở Sài Gòn với các tỉnh ở miền Trung. Ông đã tham gia vào cuộc cách mạng tháng Tám ở Quy Nhơn. Trong kháng chiến chống thực dân pháp, ông hoạt động văn nghệ và báo trí ở Liên Khu IV và ở chiến trường Bình Trị Thiên. Sau năm 1945 thì ông về Hà Nội để tiếp tục hoạt động về văn học với nhiều năm như vậy ông tham gia lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, ông vào sống ở Thành Phố HHồ Chí Minh, tiếp sau đó thì hoạt động văn học. Thơ Ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng và triết lý. Chất suy tưởng triết lý đã mang vẻ đẹp trí tuệ và nhiều sự đa dạng và phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa. Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là nâng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.
4. Thể thơ tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên):
- Tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) thuộc thể thơ: 8 chữ
5. Giá trị nội dung tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
- Bài thơ thể hiện khát vọng, niềm hân hoan trong tâm hồn nhà thơ khi trở về với nhân dân, đất nước, cũng là tìm thấy nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho hồn thơ.
6. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
- Nghệ thuật so sánh, điệp từ, điệp ngữ -> nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong kháng chiến.
- Thơ giàu chất suy tưởng triết lí.
IV. Dàn ý tác phẩm Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
V. Một số đề văn bài Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên:
"Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".
Phân tích đoạn thơ sau trong bài "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên - mẫu 1
Tôi rất yêu thích vần thơ của thi sĩ Chế Lan Viên nói về "hương nhân ái":
"Đóa hoa sen mặt đất tỏa hương trời
Hương nhân ái thấm vào hồn ta mãi".
Tôi cũng vô cùng thú vị mỗi lần nghe ai đó nhắc lại đoạn thơ này của ông:
"Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương".
Năm 1960, tập thơ "Ánh sáng và phù sa" ra đời, một bước tiến mới về tư tưởng và nghệ thuật của Chế Lan Viên. Bài thơ "Tiếng hát con tàu" nói lên tình yêu Tây Bắc và khát vọng lên đường đi đến mọi chân trời mơ ước để hiến dâng và sáng tạo. Bài thơ gồm có 3 phần: 1. Tiếng gọi lên đường; 2.Nỗi nhớ Tây Bắc; 3. Khúc hát lên đường.
Đây là khổ thơ thứ 5 trích trong phần 2 bài "Tiếng hát con tàu" nói lên niềm hạnh phúc to lớn được gặp lại nhân dân:
"Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".
Tư tưởng gặp lại nhân dân là một tư tường đẹp. Tư tưởng ấy được cụ thể hóa, hình tượng hóa bằng năm hình ảnh ẩn dụ so sánh vừa mới lạ, vừa giàu chất thơ. Câu thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ" là một so sánh độc đáo. Mùa đông tàn tạ, đàn nai đi kiếm ăn ở rừng xa. Nay mùa xuân đến, đàn nai trở về "suối mảnh đất đã bao đời gắn bó thân thiết yêu thương. "Nai về suối cũ" là sự thể hiện tình nghĩa thủy chung ở đời như "con gặp lại nhân dân" được sống trong lòng nhân dân. Một chữ "con" dùng rất tinh tế, đã thể hiện một tình cảm chân thành, ấm áp. Đọc lên, ai cũng cảm thấy có mình trong đó.
Câu thơ "Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa" mở ra trong lòng ta bao liên tưởng đẹp. Ba tháng mùa đông, cỏ cây tàn tạ xơ xác úa vàng. Giêng hai đem hơi ấm mùa xuân cho vạn vật; cỏ trở nên xanh mướt, tốt tươi. Mùa xuân là mùa của sắc cỏ. "Phương thảo liên thiên bích" (Cổ thi); "Cỏ non xanh tận chân trời" (Truyện Kiều). Mùa xuân cũng là mùa của chim én: "Ngày xuân con én đưa thoi" (Nguyễn Du). Én gặp mùa xuân để kết đàn, sinh sôi nảy nở... Chữ "đón" (cỏ đón giêng hai), chữ "gặp" (chim én gặp mùa) diễn tả niềm hạnh phúc được hồi sinh, phát triển, trở nên tươi đẹp. Lấy thế giới cỏ cây, chim muông để nói về niềm vui sướng hạnh phúc khi "con gặp lại nhân dân" là một cách nói thấm thìa, đậm đà. Cánh én và sắc cỏ mùa xuân trong thơ Chế Lan Viên lúc nào cũng đẹp và đáng yêu:
"Tháng giêng, hai xanh mượt cỏ đồi
Tháng giêng, hai vút trời bay cánh én".
(Ý nghĩ mùa xuân)
Còn gì vui sướng hơn, hạnh phúc hơn khi "Đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa", khi "Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa"? Dòng sữa ngọt ngào cũng là tình thương của mẹ nuôi dưỡng trẻ thơ. Cánh tay của mẹ, của bà... nhẹ đưa khi "chiếc nôi ngừng"..., đã nâng giấc ngủ bé thơ. Giấc ngủ êm đềm trong lời ru tiếng hát, trong tình yêu thương. Mẹ và bà.... đã đến với em thơ trong sự khát khao, mong đợi. Và đó cũng là niềm vui hạnh phúc được sống trong tình yêu thương như khi "con gặp lai nhân dân".
Ý tưởng con gặp lại nhân dân được thể hiện một cách phong phu, đa dạng. Gặp lại nhân dân là được sống trong hạnh phúc, trong tình nghĩa thủy chung. Là được tiếp thêm sức sống, sức mạnh mà trở nên tươi tốt, sinh sôi, phát triển. Là được sống trong tình thương san sẻ, vỗ vẽ, được thỏa nỗi chờ mong.
Đoạn thơ trên thể hiện rõ bút pháp nghệ thuật của Chế Lan Viên: giàu tính triết lí và vẻ đẹp trí tuệ. Triết lí mà không khô khan, vì nhà thơ đã sáng tạo nên nhiều hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo. Ý tưởng đẹp, hồn thơ đẹp cứ quyện lấy lòng ta.
Tư tưởng yêu nước và "thân dân" được thể hiện cảm động đó đây trong thơ ca dân tộc từ mấy trăm năm trước. Nhưng sau cách mạng tháng Tám, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, tư tưởng vĩ đại ấy đã được một số nhà thơ như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... nói lên một cách chân thành, thấm thía và sâu sắc hơn:
"Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ,
Ta nhớ người đau khổ nuôi ta
Ơn người như mẹ như cha
Lòng dân yêu Đảng như là yêu con"...
(Tố Hữu)
"Tôi cùng xương thịt với nhân dân
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao".
(Xuân Diệu)
Đoạn thơ trên đây của Chế Lan Viên là một tiếng lòng được nâng lên thành một triết lí đẹp: Hạnh phúc khi được gặp lại nhân. Bốn câu thơ, câu nào cũng có hình ảnh đẹp, mới lạ biểu lộ một cá tính sáng tạo sắc sảo, tài hoa. Qua đó, ta mới thấm thía như một nhà thơ lớn phương Tây đã nói: "Câu thơ đẹp phải là câu thơ nói được tình cảm đẹp".
Đề bài: Hãy nêu nội dung bài thơ "Tiếng hát con tàu" và giải thích ý nghĩa nhan đề đó của bài thơ. Bình giảng khổ thơ được lấy làm đề từ của bài thơ.
Hãy nêu nội dung bài thơ "Tiếng hát con tàu" và giải thích ý nghĩa nhan đề đó của bài thơ. Bình giảng khổ thơ được lấy làm đề từ của bài thơ - mẫu 1
"Đi ta đi khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng... "
(Tố Hữu)
Năm 1960, miền Bắc bước vào kế hoạch "5 năm lần thứ nhất" xây dựng và phát triển kinh tế, vãn hóa. Trong bài thơ chúc Tết, Bác Hồ viết: "Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh". Một phong trào cách mạng rộng lớn dâng lên động viên tuổi trẻ lên đường, đi đến mọi miền xa xôi của Tổ quốc, đến với chiến trường xưa với mơ ước biến Tây Bắc thành "hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc (Phạm Văn Đồng).
Phong trào cách mạng rộng lớn đã khơi gợi cảm hứng trong tâm hồn nhà thơ Chế Lan Viên với bao nghĩa tình thắm thiết về một vùng đất "thấm máu" và đồng bào Tây Bắc thân yêu. Bài thơ "Tiếng hát con tàu"của Chế Lan Viên mang tiếng reo vui của thời đại được sáng tác vào thời gian này. Bài thơ được rút từ tập "Ánh sáng và phù sa" - một thành tựu thi ca xuất sắc của Chế Lan Viên.
Nội dung bài thơ "Tiếng hát con tàu"và ý nghĩa nhan đề đó của bài thơ.
Hình ảnh con tàu trong bài thơ là biểu tượng cho những cuộc lên đường đi tới những vùng đất xa xôi và thân yêu của đất nước. Thực tế cho đến ngày nay vẫn chưa hề có con tàu và con tàu lên Tây Bắc. Gắn "tiếng hát" với "con tàu" tạo thành nhan đề "Tiếng hát con tàu" để nói lên cảm hứng lãng mạn, niềm khao khát đi tới Tây Bắc, đi tới mọi miền xa xôi "vời vợi nghìn trùng" của Tổ quốc mà hiến dâng và phục vụ. Lên đường cùng với "con tàu"và "tiếng hát" với khát vọng đi xa, đi tới những chân trời mơ ước. Lên đường để vượt ra những cuộc đời quẩn quanh chật hẹp đến với cuộc sống rộng lớn của nhân dân: "Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp – Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?..". Đến với Tây Bắc là trở về với nhân dân, đến với cội nguồn hạnh phúc, là đến với chiến trường xưa"nơi máu rỏ, tâm hồn ta thấm đất". Là đến với những con người cần cù, dũng cảm, nghĩa tình như anh du kích, em liên lạc, bà mế "lửa hồng soi tóc bọc" nuôi giấu cán bộ mà "Trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi", đến với cô gái vùng cao "Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng...". Đến với Tây Bắc là trở về với ân nghĩa thuỷ chung:
"Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp tay đưa".
Không chỉ là đất nước gọi lên đường mà chính là sự thức nhận của lòng mình vẫy gọi: "Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?"; là sự mong đợi của mẹ và em: "Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ...". Phần cuối bài thơ là tiếng hát say mê, phấn chấn: "Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội – Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga...". Đến với Tây Bắc là đến với chính mình, tự khẳng định mình:
"Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa
Nay trở về ta lấy lại vàng ta".
"Tiếng hát con tàu" còn là khúc ca tâm tình của người nghệ sĩ chân chính tự nguyện đến với cuộc sống cần lao, đến với suối nguồn của niềm vui, là đến với ánh sáng và phù sa cuộc đời đang "đổi sắc thay da". Tây Bắc sẽ là nơi ươm hạt giống, làm nảy mầm những mùa hoa đep của thi ca:
"Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng?
Lòng ta cũng như tàu ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân."
Có thể nói nhan đề "Tiếng hát con tàu" biểu trưng khá sinh động cho nội dung tình cảm chủ đạo của bài thơ. Cảm hứng chủ đạo ấy được mở rộng ra, nâng cao lên tầm suy tưởng triết lí, từ một vấn đề thời sự cụ thể, nhà thơ khẳng định một đạo lí sống đẹp, mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, tư cách công dân của người nghệ sĩ chân chính:
"... Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao".
Đề từ là một hiện tượng ta thường bắt gặp đó đây. "Trường giang" của Huy Cận, "Người lái đò Sông Đà" của Nguyễn Tuân, một số bài thơ của Xuân Diệu trong "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió" đều có lời đề từ. Đề từ có lúc nói lên mục đích, động lực khơi nguồn cảm hứng, có lúc làm nổi bật cảm hứng chủ đạo bao trùm tác phẩm. Trong bài thơ "Tiếng hát con tàu", khổ thơ đề từ khái quát ý nghĩa của toàn bài:
"Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu,
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?".
Trước hết phải khẳng định đây là một hồn thơ lãng mạn, cất cánh tung bay. Mỗi câu chữ và hình tượng dạt dào cảm xúc. Cấu trúc câu thơ là những câu hỏi tu từ đã để lại trong lòng người nhiều ấn tượng mãnh liệt. Tây Bắc là miền tây thân yêu của Tổ quốc ta, "Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng", nơi có nhiều tiềm năng, nơi có truyền thống anh hùng, nhân dân cần cù, dũng cảm và tình nghĩa, nhưng còn nghèo nàn lạc hậu. "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc" - nó tượng trưng cho những vùng rừng núi bao la của đất nước thân yêu như Việt Bắc, Tây Nguyên... Đến với Tây Bắc là để lao đông và xây dựng, khám phá và sáng tạo. Chỉ có thể đến với Tây Bấc và mọi miền xa xôi khác với điều kiện "Khi lòng ta đã hóa những con tàu". Lúc đầu là con tàu "đói những vành trăng" và về sau là con tàu "mộng tưởng". Sự nhận thức ấy là động lực để lên đường, với bao niềm vui phấn khởi và hi vọng. Đến với Tây Bắc là để đền ơn đáp nghĩa, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, vừa là để khơi nguồn cho mọi sáng tạo: "Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ".
Cuộc sống xây dựng rộng lớn trên miền Bắc trong những năm 60 là sự khơi nguồn hạnh phúc, là ngọn nguồn của mọi sáng tạo nghệ thuật và thơ. Tràn ngập giữa một không gian bao la là sức sống và niềm vuỉ của thời đại, của hàng triệu con người:
Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát". Không khí sôi động ấy được nói đến trong nhiều tập thơ cùng thời: "Đất nở hoa"của Huy Cận, "Gió lộng" của Tố Hữu:
"Sướng vui thay, miền Bắc của ta,
Cuộc sống tưng bừng đổi sắc thay da".
(Trên miền Bắc mùa xuân"- Tố Hữu)
Thơ là hương sắc, là phù sa, là muối mặn cuộc đời. "Không có thơ đâu giữa lòng đóng khép". Nghệ thuật chỉ có thể đơm hoa kết trái trong cuộc đời, khi người nghệ sĩ chân thành mở rộng lòng minh đón nhận ngọn gió thời đại, đem tâm hồn mình hòa nhập với cuộc sống của nhân dân. Khi "Tiếng con tàu" tâm tưởng nhà thơ hòa nhịp với tiếng hát rộn ràng "bộn bề" của Tổ quốc thì cũng là lúc người nghệ sĩ tự soi vào tâm hồn mình mà thấy được bóng hình quê hương xứ sở. Có thể nói đó là sự hóa thân kì diệu: "Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?". Câu thơ vang lên đĩnh đạc tự hào. Một lần khác, ý tưởng cao đẹp này đã được tác giả "Ánh sáng và phù sa" diễn tả rất thơ:
"Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi trâm sông diễm lệ".
(Chim lượn trăm vòng)
Trong khổ thơ đề từ này có hai câu thơ tưởng như có sự mâu thuản: "Lòng ta đã hóa những con tàu" rồi lại "Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?" kì thực rất hợp lí, thống nhất một cách biện chứng trong quy luật phát triển của tư tưởng và tình cảm và của sự sáng tạo nghệ thuật. Câu trên nói lên sự thức nhận và động lực. Câu dưới nói lên sự hóa thân. Đó là mối quan hệ nhân quả giữa văn chương và cuộc sống.
Tóm lại khổ thơ đề từ nói lên khát vọng lên đường và niềm tự hào của nhà thơ nguyện đem tài năng để hiến dâng và sáng tạo vì sự phồn vinh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nó cho ta thấy bản sắc thơ của Chế Lan Viên: sáng tạo hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo. Nghệ sĩ và cuộc sống, cái tâm và cái tài, ngoại cảnh và nội và hướng ngoại, tất cả đều tìm thấy sự hòa hợp thống nhất trong thơ. Cái đẹp của thơ trước hết là cái đẹp của một tấm lòng trang trải mà ta cảm nhận được qua lời đẻ từ và những vần thơ dào dạt say mê trong bài thơ "Tiếng hát con tàu".
Khổ thơ trên là cảm hứng, là tình yêu lớn, là tấm lòng đẹp của nhà thơ: "Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?" — Tây Bắc là hình hài của Tổ quốc thân yêu. Yêu Tây Bắc cũng là yêu Tổ quốc. Tình cảm sâu nặng luôn luôn vang lên trong thơ Chế Lan Viên như một điệp khúc tự hào:
"Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông".
Ngày nay, bài thơ "Tiếng hát con tàu" vẫn thắp sáng trong lòng chúng ta ngọn lửa thiêng liêng về tình yêu Tổ quốc. Tiếng hát ân tình thuỷ chung vẫn còn làm mê say lòng người. Vì nó là bài học đẹp nhất và sâu sắc nhất.
Hãy nêu nội dung bài thơ "Tiếng hát con tàu" và giải thích ý nghĩa nhan đề đó của bài thơ. Bình giảng khổ thơ được lấy làm đề từ của bài thơ - mẫu 2
Tiếng hát con tầu ở đây còn gọi là con tàu Tây Bắc in trong tập ánh sáng và phù sa. Có thể hiểu ánh sáng ở đây là ánh sáng soi rọi lí tưởng và phù sa bồi đắp tâm hồn. Bài thơ phản ánh không khí hăng hái xây dựng cuộc sống mới.
Tây Bắc, nơi chiến trường khốc liệt, đã diễn ra nhiều trận đánh lớn của dân tộc chống kẻ thù xâm lược, nổi tiếng nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ với những chiến công lẫy lừng. Hòa bình lặp lại vào những năm 1959 – 1960, đất nước ta có chủ trương vận động nhân dân từ miền xuôi lên miền ngược cùng đồng bào dân tộc xây dựng kinh tế, xã hội, làm giàu cho đất nước, từng lớp thanh niên mang sức trẻ, lòng nhiệt huyết hăng hái lên đường. Hòa nhập trong không khí hân hoan, rộn ràng, tác giả cũng muốn được hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, mang cái tôi nhỏ bé hòa chung vào sức mạnh dân tộc. Con Tàu lên Tây Bắc mà tác giả viết lên chỉ là một con tàu trong tưởng tượng nhưng nó lại chở nặng một niềm đau đáu, một nỗi khát khao được hòa mình trong núi rừng Tây Bắc, được sống và lao động vào đồng bào, một khát vọng lên đường. Bài thơ được sáng tác khi nhà thơ Chê Lan Viên lúc này còn đang nằm trên giường bệnh, từng câu thơ trong khổ thơ đề từ vừa mang nỗi khát khao những cũng chứa đầy một nỗi niềm riêng của chính tác giả.
Mấy câu thơ đề từ cũng chính là cảm hứng chủ đạo mang ý nghĩa sâu sắc, ngay câu thơ mở đầu tác giả đã đặt ngay một câu hỏi tu từ đầy trí tuệ sâu sắc, gây ấn tượng đến bạn đọc một cách độc đáo. “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc”Một câu hỏi như xoáy sâu vào tâm hồn người đọc, bất kỳ một nơi nào, một vùng miền nào của tổ quốc khi cần những bàn tay khai phá thì bất kỳ nơi đâu ta vẫn sẵn sàng. Tây Bắc cũng là một vùng đất như vậy, vùng đất với núi rừng vời vợi, có những con người cần lao, đầy tình yêu thương trong kháng chiến, và giờ đây cũng đang mong mỏi những tấm lòng đến khai phá dựng xây.
“Khi hồn ta đã hóa những con tàu”
Hình ảnh trong câu thơ thứ hai cho ta thấy một sự thống nhất hòa quyện giữa cái “tôi” và cái “ta” thành một thể thống nhất. Tâm hồn của nhà thơ như đã lên đường đến với vùng đất rộng lớn của tổ quốc. Tuy bản thân đang bị bó hẹp một chỗ, nhưng hoàn cảnh không ngăn được tâm hồn nghệ sĩ, tâm hồn của người Cách mạng về với Tây Bắc, về với kỷ niệm, về với nhân dân. Con tàu tâm tưởng của nhà thơ như đã chạm đến khát khao, phá vỡ cái không gian chật hẹp để được hòa mình với công cuộc của đất nước.
“Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”
Cuộc đời rộng lớn đã ùa vào thế giới cá nhân và chuyển hóa thành máu thịt tâm hồn cá nhân ấy, kết tinh thành tác phẩm nghệ thuật. Ngọn lửa khát khao trong lòng tác giả đã chuyển hóa, tâm hồn người nghệ sĩ đã đi đến nơi mà nó muốn đến. Tác giả như được quay về với những kỉ niệm đẹp đẽ, thắm thiết, trở thành ngọn nguồn của thơ ca chân chính. Có thể thấy, một sự thống nhất “hồn ta đã hóa những con tàu”, “tâm hồn ta là Tây Bắc”, một sự khẳng định đầy sắc son với vùng đất ấy, con tàu như mở hết tốc lực trong hành trình đến với nhân dân, với đất nước.
Thực sự khổ thơ đề từ đã mang lại một cảm giác khó tả, mới bấy nhiêu thôi mà mang lại bao nhiêu cảm xúc và đầy ý nghĩa. Chẳng vậy mà những câu thơ đề từ lại có một ý nghĩa đặc biệt đối với một tác phẩm văn học. Nó nêu rõ ý đồ nghệ thuật và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác giả, trong bài thơ Tràng Giang nhà thơ Huy Cận cũng đã đề câu thơ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” mở ra cái mênh mông của vũ trụ ngay từ câu thơ đầu tiên. Đối với bài thơ Tiếng hát con tàu cũng chính là khơi dậy trong lòng bạn đọc một niềm khát khao cháy bỏng đó là được đi, đi đến nơi mà tâm hồn mong ước, nơi ghi dấu kỉ niệm, một vùng đất bao la đầy hứa hẹn. Qua khổ thơ đề từ của bài thơ “Tiếng hát con tàu” cho ta thấy một ý nghĩa sâu sắc. Lời đề từ là khát vọng mong muốn của nhà thơ cùng anh em đến vùng đất xa xôi kia để giúp đỡ nhân dân khai hoang. Đó phải chăng là lý tưởng của một người chiến sĩ. Từ đó cho ta thấy một tâm hồn thi sĩ thanh cao, một khát khao cháy bỏng đầy nhiệt huyết, muốn đem công sức của mình góp xây vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chỉ có bốn câu thơ đề từ mở đầu bài thơ mà có ý nghĩa như một tuyên ngôn nghệ thuật cho cả một thế hệ nhà thơ tham gia xây dựng đất nước sau ngày hòa bình lặp lại.
Tiếng hát con tàu tít tít những đi và đến, về và gặp, đợi chờ và hối thúc. Trên mặt phẳng của trang thơ có cả sự sống 3 chiều. Người đọc có ảo giác về một cuộc lên đường thật. không tin sao được khi lời mời cứ xoáy vào anh:
Anh đi chăng? Sao chửa ra đi?…
Đó được điều ấy bởi vai trò quan trọng của lời đề từ, những lời đề từ tuy ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc.
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Hóa học 12 (sách mới) | Giải bài tập Hóa 12
- Lý thuyết Hóa học 12
- Giải sbt Hóa học 12
- Các dạng bài tập Hoá học lớp 12
- Giáo án Hóa học lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Toán 12 (sách mới) | Giải bài tập Toán 12 Tập 1, Tập 2
- Các dạng bài tập Toán lớp 12
- Lý thuyết Toán 12
- Chuyên đề Toán lớp 12 mới nhất
- Bài tập Toán lớp 12 mới nhất
- Giáo án Toán lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Sinh học 12 (sách mới) | Giải bài tập Sinh học 12
- Lý thuyết Sinh học 12 | Kiến thức trọng tâm Sinh 12
- Giải sgk Địa Lí 12 (sách mới) | Giải bài tập Địa lí 12
- Lý thuyết Địa Lí 12
- Giải Tập bản đồ Địa Lí 12
- Giải sgk Vật Lí 12 (sách mới) | Giải bài tập Vật lí 12
- Giải sbt Vật Lí 12
- Lý thuyết Vật Lí 12
- Các dạng bài tập Vật lí lớp 12
- Giáo án Vật lí lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Lịch sử 12 (sách mới) | Giải bài tập Lịch sử 12
- Giải Tập bản đồ Lịch sử 12
- Lý thuyết Lịch sử 12
- Giải sgk Giáo dục công dân 12
- Lý thuyết Giáo dục công dân 12
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng - an ninh 12 (sách mới) | Giải bài tập GDQP 12
- Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 12 | Kiến thức trọng tâm GDQP 12
- Lý thuyết Tin học 12
- Lý thuyết Công nghệ 12