Những đứa con trong gia đình - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12

VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 12 về Tác giả tác phẩm Những đứa con trong gia đình gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Những đứa con trong gia đình như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:

1 3,657 13/07/2022
Tải về


Những đứa con trong gia đình - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12

I. Tác giả văn bản Những đứa con trong gia đình

- Nguyễn Thi sinh năm 1928, mất năm 1968, bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca

- Quê quán: xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

- Ông mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, ông sống nhờ vào họ hàng nên vất vả, tủi cực từ nhỏ

- Năm 1943, ông theo người anh vào Sài Gòn, vừa đi làm kiếm sống vừa tự học

- Năm 1945, ông tham gia cách mạng rồi gia nhập lực lượng vũ trang. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên huấn, vừa chiến đấu vừa hăng hái hoạt động văn nghệ

- Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội

- Năm 1962, ông tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam, công tác tại Cục chính trị quân giải phóng miền Nam, là một trong những thành viên sáng lập và phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng

- Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

- Sáng tác của Nguyễn Thi bao gồm nhiều thể loại: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Sau khi ông hi sinh, tác phẩm của ông được sưu tập và in lại trong Truyện và kí (xuất bản năm 1978), Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập (4 quyển, xuất bản năm 1996)

- Phong cách sáng tác:

+ Bắt nguồn từ hiện thực nóng bỏng, ác liệt ở mặt trận miền Đông Nam Bộ

+ Nhân vật trong sáng tác của ông là những người nông dân vùng Đông Nam Bộ, những con người với bản chất hồn nhiên, bộc trực, trung hậu vừa có lòng căm thù giặc sâu sắc; vô cùng gan góc, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc

+ Năng lực phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo, sâu sắc

+ Sáng tác của ông vừa giàu chất hiện thực, đầy những chi tiết dữ dội, ác liệt của chiến tranh, vừa đằm thắm chất trữ tình với một ngôn ngữu phong phú, góc cạnh, đậm chất Nam Bộ, có khả năng tạo nên những nhân vật có cá tính mạnh mẽ

Bài giảng Ngữ văn 12 Những đứa con trong gia đình

II. Nội dung văn bản Những đứa con trong gia đình

(Lược phần đầu: Việt là một Chiến sĩ Giải phóng quân, xuất thân từ một gia đình nông dân có mối thù sâu nặng với Mỹ – ngụy: ông nội và bố Việt đều bị giặc giết hại; mẹ Việt vừa phải vất vả nuôi con vừa phải đương đầu với những đe dọa, hạch sách của bọn giặc, cuối cùng cũng chết vì bom đạn. Gia đình chỉ còn lại Việt, chị Chiến, thằng Út em, chú Năm, và một người chị nuôi đi lấy chồng xa. Truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình và những đau thương mất mát nặng nề do tội ác của Mỹ – ngụy gây ra đối với gia đình Việt đều được chú Năm ghi chép vào một cuốn sổ của gia đình.

Việt và Chiến hăng hái tòng quân đi giết giặc. Việt nhỏ tuổi, đồng đội gọi thân mật là cậu Tư. Anh rất gắn bó với đơn vị, đặc biệt là với tiểu đội trưởng Tánh, như tình ruột thịt. Ở anh luôn luôn sôi nổi một tinh thần chiến đấu, quyết lập được nhiều chiến công để cùng chị Chiến trả thù cho ba má.

Trong trận chiến đấu ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt đã hạ được một xe bọc thép của địch nhưng bị thương nặng và lạc đồng đội. Việt ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, dòng hồi ức lại đưa anh trở về với những kỉ niệm thân thiết đã qua: kỉ niệm về má, chị Chiến, chú Năm, về đồng đội là anh Tánh...)

Việt tỉnh dậy lần thứ tư, trong đầu còn thoáng qua hình ảnh của người mẹ. Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thăm thẳm, bắt đầu từ tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên. Người Việt như đang tan ra nhè nhẹ. Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn... Nhưng mấy giọt mưa lất phất trên cổ làm Việt choàng tỉnh hẳn. Một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân. Việt có một mình ở đây thôi ư? Câu hỏi bật ra trong đầu Việt rồi dội lại trong từng chân lông kẽ tóc. Cái cảm giác một mình bật lên một cách rõ ràng nhất, mênh mông nhất, trong đêm thứ hai này, khi Việt cảm thấy không còn bò đi được nữa, khi những hình ảnh thân yêu thường kéo đến rất nhanh rồi cũng vụt tan biến đi rất nhanh chỉ vì một cành cây gãy, một giọt mưa rơi trên mặt, hoặc một tiếng động nhỏ của ban đêm. Việt muốn chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày, gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy các anh mà khóc như thằng Út em vẫn níu chân chị Chiến, nhưng chân tay không nhấc lên được. Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao trùm lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc...

Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai... Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm... chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra... Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên... Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ...

Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mỹ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong...

Ngày má chết rồi, ý nghĩ đi bộ đội cũng thôi thúc Việt như vậy. Nhưng hồi đó rắc rối hơn đêm nay bò tới mặt trận nhiều. Việt vừa ngỏ lời ra, chị Chiến đã giành đi trước. Hai đứa lớn đòi đi hết, còn thằng Út em mới mười tuổi, làm sao? Việt đi đâu chị Chiến cũng dòm chừng, coi Việt có bọc quần áo theo không. Chị nói:

- Tao lớn tao mới đi, mày còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi.

Việt đá trái dừa rụng dưới chân xuống mương cái đùng:

- Bộ mình chị biết đi trả thù à?

- Hồi đó má nói cho tao đi, mày ở nhà làm ruộng với má, trọng trọng rồi đi sau.

- Má nói hồi nào?

Má chết rồi, không biết ai mà phân chứng. Nhưng chị Chiến vẫn không chịu, việc này đâu có nhường được, chị sang vận động chú Năm.

Trong đêm mít tinh để ghi tên thanh niên tòng quân, trước mặt bà con cả xã, đèn sáng rực, anh cán bộ của huyện đội vừa dứt lời, cả hai chị em Việt giành nhau chạy lên.

- Tôi tên là Việt, anh cho tôi đi bộ đội với.

Chị Chiến đứng sau Việt, thở:

- Đề nghị mấy anh xét cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành...

Đôi chân mày rộng của anh cán bộ cứ nhướng lên giữa trán, không hiểu chuyện gì. Bà con cô bác ở dưới bàn tán lao xao. Anh cán bộ hỏi Việt:

- Hai em là chị em ruột?

- Dạ, nhà em ở ấp Một, em mười tám, chị Chiến em mười chín.

Việt dòm chị, mình đứng đâu có thua chị, tuy tóc chị có cao hơn mình một chút thật.

Chị Chiến nói:

- Đến Tết này nó mới được mười tám anh à! Em nói để em đi trước, nó ở nhà, thủng thẳng để chú Năm em thu xếp rồi hãy đi, mà nó không chịu.

Anh cán bộ nhìn hai bộ mặt bầu bầu cùng một khuôn có hai cái chót mũi hơi hớt lên của chị em Việt, rồi cười:

- Ba má có đi đây không em?

- Dạ không.

- Ba má em chết rồi. - Chị Chiến nói thêm cho rõ.

Anh cán bộ đã cầm viết rồi lại đặt xuống. Từ dưới sân, chú Năm bước lên. Chú nheo mắt nhìn chị em Việt, rồi nói với anh cán bộ.

- Tôi xin có một câu với đồng chí huyện đội. Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cho cả hai. Việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong.

Đêm ấy thanh niên ghi tên tòng quân đông lắm.

Cũng ngay đêm ấy, về tới nhà, trước khi ngủ, chị Chiến từ trong buồng nói với ra với Việt:

- Chú Năm nói mày với tao đi kỳ này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu.

Việt lăn kềnh ra ván, cười khì khì:

- Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị.

- Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!

Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy! Cũng ở trong buồng mà nói với ra, cũng nằm với thằng Út em, ở trên cái giường đó. Việt nói:

- Chị biết vậy sao hồi nãy chị ngăn tôi? Người ta mười tám rồi mà nói chưa...

- Hồi đó má tính tuổi cho mầy chớ bộ tao tính ha?

Nhà day cửa ra sông, trong đêm vui náo nức này, đom đóm từ ngoài rặng bần cũng kéo vào đầy nhà. Chúng bay chớp chớp như dò trên nóc rồi sà xuống trước mặt Việt. Chị Chiến cũng không ngủ được. Sắp tới đây biết bao nhiêu chuyện phải lo, ngay bây giờ cũng bao nhiêu chuyện phải nhớ. Cả chị cả em cùng nhớ đến má. Hình như má cũng đã về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cầm nón quạt? Đêm nay, dễ gì má vắng mặt, má cũng phải về dòm ngó coi chị em Việt tính toán việc nhà làm sao chớ?

Chị Chiến lại nói với ra, đúng là cái giọng rành rọt tiếng nào ra tiếng nấy:

- Mai mày viết thư cho chị Hai biết nghen?

- Sắp đi tới nơi mà còn bắt viết thư.

- Thôi tao viết.

Chị Hai là con nuôi của má. Cha mẹ chị cũng vì một tay thằng Tây mà chết. Hồi ba dắt về trao cho má, chị mới chín tuổi, ốm nhom, một mảng tóc bị bom xăng làm cháy còn xém như đuôi bò. Chị lớn tuổi hơn chị Chiến nên má đặt chị là thứ hai. Sống với gia đình được mấy năm thì một người chú bà con của chị xuống xin chị về dưới biển. Rồi chị lớn lên, lấy chồng, công tác luôn dưới đó. Sau này, mỗi năm đôi ba lần, chị lại vượt cánh đồng mấy chục cây số, lội qua mấy chục đồn bót giặc về thăm má, thăm em. Trừ mắc công tác thì thôi, còn thì trời sập chị cũng về, cứ một mình một nón mà đi. Có bữa về, dầm mưa trắng hết mặt mũi, chơi với em được một buổi chiều, ăn bữa cơm, ngủ với má một đêm, hừng đông lại tất tưởi đi sớm.

Chị Chiến lại nói, giọng còn rành rọt hơn cả hồi nãy:

- Bây giờ chị Hai ở xa. Chị em mình đi thì thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Chú Năm nói có con nít học ê a có gì nó quét dọn cho. Thằng Út cũng học ở đây. Mày chịu không?

Việt chụp một con đom đóm úp trong lòng tay:

- Sao không chịu?

- Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học, nghen?

- Hồi đó má dặn chị làm sao, giờ chị cứ làm y vậy, tôi chịu hết.

- Má dặn tao hồi nào? Giờ còn có tao với mày thôi. Nếu đồng ý thì nồi, ly, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi với nơm để gởi chú Năm. Chừng nào chị Hai ở dưới biển về làm giỗ má, chị có muốn lấy gì thì chị chở về dưới, nghen?

- Tôi nói chị tính sao cứ tính mà...

Chị Chiến cựa mình, làm như chị nghĩ ngợi lung lắm. Phải chị thở dài rồi kêu thằng Út dậy đi đái nữa thì giống hệt như má vậy. Chị lại nói, lần này không gọi Việt bằng mày, mà bằng em và xưng chị:

- Còn năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má, giờ mình đi mình trao lại chi bộ đặng chia cho cô bác khác mần, nghen? Hai công mía thì chừng nào tới mùa, nhờ chú Năm đốn, để dành đó làm đám giỗ ba má. Em cũng ừ nghen?

- Ừ!

- Còn bàn thờ má em tính gởi đâu? Gởi sang chú Năm cho thằng Út nó coi chừng hay là để chị Hai về đem đi?

Việt khẽ ngóc đầu lên dòm bàn thờ. Từ nãy giờ đang mải với ý nghĩ má đã về nghe chị hỏi, Việt lại tin má đã về ngồi đâu đó thật. Việt nói:

- Mình đi đâu thì má đi theo đó chớ lo gì mà lo?

- Vậy thì ba má không theo con thì theo ai, nhưng mà cũng phải tính cho đâu ra đó chớ. Đem bàn thờ sang gởi chú Năm, em có ừ không?

- Ừ!... Mà hồi đó má dặn chị vậy hả?

- Má có biết má chết đâu mà dặn.

Việt sải chân ra giường:

- Vậy mà nói nghe in như má vậy.

Chị Chiến hứ một cái “cóc” rồi trở mình. May mà chị không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi.

Chị nói:

- Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy.

Đúng rồi, hèn chi chị nói nghe thiệt gọn. Vậy mà hồi nãy còn giành đi với mình. Việt nghĩ vậy, rồi ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, nghe chị Chiến nói, chú Năm cứ ngồi y trên ván nhìn hai cháu thiệt lâu. Một lát, chú nói:

- Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây kỳ đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước. - Chú cười, đưa mấy ngón tay cứng còng chùi mắt. - Đây rồi tao giao cuốn sổ gia đình cho chị em bây. Gọi là giao vậy chớ đưa cho bây rồi bây lội đùng đùng qua sông là hư hết. Gọi vậy chớ tao vẫn giữ, tao sẽ ghi cho hai đứa bây từng ngày.

Trong lúc chị Chiến xuống bếp nấu cơm, Việt đi câu ít con cá về làm bữa cúng má trước khi dời bàn thờ sang nhà chú, còn một mình ở nhà trên, chú Năm lại cất tiếng hò. Không phải giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông, rồi dội lại trên cái ghe heo chèo mướn của chú. Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội.

Cúng mẹ và cơm nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Chị Chiến ra đằng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dùng cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể sờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.

Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác.

(Lược phần cuối: Trình cùng tiểu đội đi suốt ba ngày mới tìm được Việt trong một lùm cây rậm và suýt nữa thì bị ăn đạn của “cậu Tư”, bởi dù đã kiệt sức không bò đi được nữa nhưng một ngón tay Việt vẫn đang đặt ở cò súng, đạn đã lên nòng và anh tưởng là quân địch tới. Nếu Trình không lên tiếng ngay, có lẽ Việt đã nổ súng...

Việt được đưa về điều trị tại một bệnh viện dã chiến, sức khỏe dần hồi phục. Anh Tánh dục Việt viết thư cho chị Chiến kể chiến công của mình. Việt nhớ chị Chiến, muốn viết thư nhưng không biết viết sao. Việt cũng không muốn kể chiến công của mình vì tự thấy chưa thấm gì với thành tích của đơn vị và những ước mong của má.)

III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Những đứa con trong gia đình

1. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Những đứa con trong gia đình là một trong số những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi, được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng

2. Bố cục tác phẩm Những đứa con trong gia đình

- Phần 1 (từ đầu đến “đang bắt đầu xung phong”): Việt bị thương ở chiến trường, ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Lần thứ tư Việt tỉnh dậy, Việt lắng nghe mọi âm thanh, chờ đồng đội đến và sẵn sàng chiến đấu

- Phần 2 (còn lại): Kí ức của Việt về câu chuyện hai chị em tranh nhau đi tòng quân

3. Tóm tắt tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Tóm tắt tác phẩm Những đứa con trong gia đình (mẫu 1)

Nhân vật chính trong truyện đó là Việt một người con miền Nam yêu nước và căm thù giặc. Những người thân trong gia đình anh đều lần lượt bị giết hại. Mối thù sâu sắc với Mĩ đã giúp Việt trở nên mạnh mẽ và mong muốn nhập ngũ chiến đấu để trả thù nhà, giành lại độc lập tự do. Hai chị em Chiến và Việt đều tham gia nhập ngũ trong một ngày, Việt khi tham gia trận chiến trong rừng cao su thì bị thương, lạc đồng đội. Việt mê man và lúc tỉnh lúc mê nhiều lần. Trong những lần tỉnh lại Việt nhớ về má và gia đình của mình. Việt không sợ giặc, dù bị thương nhưng Việt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Việt nhớ lại lúc hai chị em giành tham gia bộ đội. Việt nhỏ tuổi hơn nên chị Chiến không cho đi, sau khi được chú Năm phân giải Việt mới có thể tham gia giết giặc. Kết thúc đoạn trích đó khi hai chị em cùng nhau khiêng bàn thờ má ngang qua cánh đồng sang nhà chú Năm gửi chú trông nom.

Tóm tắt tác phẩm Những đứa con trong gia đình (mẫu 2)

Chuyện kể về hai chị em Chiến – Việt, những đứa con trong một gia đình có nhiều mất mát, đau thương: cha bị Pháp chặt đầu hồi chín năm, mẹ vừa bị đại bác Mĩ bắn chết. Khi hai chị em Chiến – Việt trưởng thành, cả hai đều giành nhau tòng quân. Nhờ sự đồng tình của chú Năm, cả hai đều được nhập ngũ và ra trận.Trong trận đánh ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt diệt được một xe bọc thép đầy Mĩ và sáu tên Mĩ lẻ nhưng anh cũng bị thương nặng, lạc đồng đội, một mình nằm lại chiến trường khi còn ngổn ngang dấu vết của đạn bom và chết chóc. Việt ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, Việt hồi tưởng về gia đình, về những người thân yêu như mẹ, Chú Năm, chị Chiến… .Đoạn trích thể hiện lần tỉnh dậy thứ tư của Việt trong đêm thứ hai. Tuy mắt không nhìn thấy gì, tay chân đau buốt, tê cứng nhưng Việt vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và cố gắng từng tí một lê về phía có tiếng súng của quân ta vì phía đó “là sự sống”. Việt hồi tưởng lại những sự việc xảy ra từ sau ngày má mất. Cả hai chị em đều háo hức tòng quân, nhưng Chị Chiến nhất định giành đi trước vì cho rằng Việt chưa đủ 18 tuổi. Đến đêm mít tinh, Việt nhanh nhảu ghi tên mình trước. Chị Chiến chậm chân và “bật mí” chuyện Việt chưa đầy 18 tuổi. Nhờ chú Năm đứng ra xin giúp, Việt mới được tòng quân. Đêm hôm ấy, chị Chiến bàn bạc với Việt về mọi việc trong nhà. Việt răm rắp chấp nhận mọi sự sắp đặt của chị Chiến, vì Việt thấy chị Chiến nói giống má quá chừng.Sáng hôm sau, hai chị em khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm. Việt cảm thấy lòng mình “thương chị lạ”. Sau ba ngày đêm, đơn vị đã tìm thấy Việt. Anh được đưa về điều trị tại một bệnh viện dã chiến; sức khoẻ hồi phục dần. Anh Tánh giục Việt viết thư cho chị kể lại chiến công của mình. Việt rất nhớ chị, muốn viết thư nhưng không biết viết như thế nào vì Việt cảm thấy chiến công của mình chưa thấm gì so với thành tích của đơn vị và mong ước của má.

Tóm tắt tác phẩm Những đứa con trong gia đình (mẫu 3)

Việt sinh ra và lớn lên trong gia đình yêu nước ở Nam Bộ, đây là thời kì kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất ác liệt. Chiến tranh đã cướp đi nhiều người thân trong gia đình nên Việt rất căm ghét kẻ thù. Hai chị em Chiến và Việt cùng tham gia nhập ngũ. Việt nhỏ tuổi nhưng lại rất gan dạ, dũng cảm. Trong một trận đánh Việt tiêu diệt nhiều xe bọc thép Mĩ nhưng Việt bị thương, vết thương nặng khiến Việt ngất đi trên chiến trường, thời gian này Việt lúc tình lúc mơ, khi mơ anh nhớ lại những kỉ niệm vui, buồn với ba má và gia đình mình. Anh Tánh cùng những đồng đội tìm Việt trong tình cảnh hiểm nghèo, họ đưa Việt về bệnh viện quân y chữa trị vết thương.

4. Phương thức biểu đạt

- Tự sự

5. Thể loại tác phẩm Những đứa con trong gia đình

- Tác phẩm Những đứa con trong gia đình thuộc thể loại: Truyện ngắn

6. Ngôi kể

- Ngôi thứ 3

7. Giá trị nội dung tác phẩm Những đứa con trong gia đình

- Giá trị hiện thực

+ Cuộc chiến đấu khốc liệt giữa ta và kẻ thù và hình ảnh của một miền Nam đau thương mà kiên cường.

+ Số phận đau thương, mất mát của nhân dân miền Nam: cả gia đình phải chịu chung nỗi đau dưới gót giày xâm lược của kè thù. Chúng gieo rắc cái chết lên những người dân thường vô tội.

- Giá trị nhân đạo

+ Tố cáo tội ác của kè thù xâm lược khi đã giày xéo, gây ra cái chết oan uổng cho con người trên mảnh đất này. 

+ Cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau mất mát của người dân Nam Bộ. Đồng thời đó cũng là nỗi đau khi phải chứng kiến số phận và sự buộc lòng phải trưởng thành, gánh vác trách nhiệm của non sông, đất nước của những đứa trẻ ngây ngô, lộc ngộc như Chiến, như Việt

+ Sự khâm phục, ca ngợi lòng dũng cảm, kiên cường và hi sinh lớn lao của nhân dân miền Nam, của những đứa trẻ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

+ Thôi thúc, giục giã và khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ niềm căm thù giặc sâu sắc mà đứng lên chiến đấu chống lại kè thù, để nỗi đau, để cái chết không còn hiện hình trong những gia đình, trên những mảnh đất quê hương

8. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Những đứa con trong gia đình

- Nghệ thuật trần thuật độc đáo với việc đặt điểm nhìn nghệ thuật vào nhân vật Việt, để cho nhân vật tự kể về cuộc đời mình và gia đình mình làm tăng tính chân thực của câu chuyện và biến câu chuyện trở thành dòng hồi ức của nhân vật.

- Câu chuyện mang đậm chất sử thi qua hình ảnh của những khúc sông trong dòng sông truyền thống của gia đình, qua cuốn gia phả của chú Năm

- Ngôn ngữ kể chuyện gần gũi, sinh động đã tạo ra không gian sinh hoạt, văn hóa đậm chất Nam Bộ

IV. Dàn ý tác phẩm Những đứa con trong gia đình

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thi (tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật..)

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm (hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật)

II. Thân bài

1. Truyền thống gia đình

- Truyền thống yêu nước mãnh liệt, căm thù ngùn ngụt bọn xâm lược và tinh thần chiến đấu cao đã gắn kết những con người trong gia đình với nhau. “Chuyện gia đình nó cũng dài như sông, để rồi chú chia cho mỗi đứa một khúc mà ghi vào đó”

+ Chú Năm: đại diện cho truyền thống và lưu giữu truyền thống

+ Má Việt: hiện thân của truyền thống. Đó là một con người chắc, khỏe, sực mùi lúa gạo và mồ hôi, thứ mùi của đồng áng, của cần cù sương nắng. Ấn tượng sâu đậm ở má Việt là khả năng cắn răng ghìm nén đau thương để sống và duy trì sự sống, che chở cho đàn con và tranh đấu.

- Lòng thủy chung son sắt với cách mạng

2. Nhân vật chú Năm

- Lời nói của chú Năm với cán bộ và với chị em Chiến, Việt cho thấy chú xem tòng quân là việc lớn, còn việc nahf chỉ là việc thỏn mỏn, chú ủng hộ việc hai chị em Chiến và Việt tòng quân. Đó cũng chính là sự tiếp nối truyền thống gia đình

- Tiếng hò của chú Năm:

+ Điệu hò giữa ban ngày

+ Một hiệu lệnh: hiệu lệnh tòng quân, hiệu lệnh lên đường

+ Lời nhắn nhủ tha thiết: lời nhắn nhủ truyền thống gia đình tới hai chị em Chiến, Việt

+ Lời thề dữ dội: lời thề thủy chung son sắt với cách mạng, với dân tộc

- Chú Năm – người lưu giữ, ghi chép cuốn sổ gia đình: ghi lại những đau thương, mất mát và ghi lại cả những chiến công

⇒ Chú Năm vừa là người lưu giữ, vừa là người truyền lại truyền thống gia đình cho những thế hệ sau

3. Hai chị em Chiến, Việt

a) Nét tính cách chung của hai chị em

- Sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát, đau thương

- Hai chị em có chung mối thù với bọn xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, chí căm thù đã thôi thúc hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc. Tình yêu thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em.

- Cả hai chị em đều là những chiến sĩ gan góc dũng cảm

- Hai chị em Việt đều có những nét rất ngây thơ thậm chí có phần trẻ con (giành nhau bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến giặc và giành nhau ghi tên tòng quân

b) Nét riêng ở hai chị em Chiến và Việt

- Chị Chiến: người lớn hơn Việt

+ Là người luôn yêu thương và nhường nhịn em, trừ việc đi tòng quân

+ Là người chị mang nhiều phẩm chất, vẻ đẹp của má khiến cho Việt trong đêm hai chị em chuẩn bị đi tòng quân có cảm giác “chị Chiến sao mà giống má”

+ Đảm đang, tháo vát, khôn ngoan trong cách thu xếp việc gia đình trước lúc đi tòng quân

- Việt: mang nét vô tư, hồn nhiên, tinh nghịch của cậu con trai mới lớn

+ Luôn tranh giành phần hơn từ chị: đi bắt ếch, giết giặc, đi bộ đội, ...

+ Thích những trò chơi hiếu động: bắn chim, câu cá, đi bộ đội vẫn mang ná thun

+ Đêm trước khi lên đường đi bộ đội, Việt vẫn vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay”, rồi ngủ quên lúc nào không biết.

+ “Giấu chị như giấu của riêng” trước những lời trêu đùa của các anh trong đội.

+ Bị thương trên chiến trường, không sợ địch, không sợ chết mà chỉ sợ con ma cụt đầu, gặp lại anh em thì vừa khóc vừa cười như đứa trẻ “khóc đó rời cười đó”.

⇒ Việt và Chiến đã kế tục xuất sắc truyền thống của gia đình

III. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

V. Một số đề văn bài Những đứa con trong gia đình

Đề bài: Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi - mẫu 1

   Một người nghệ sĩ có tài là người nghệ sĩ biết tìm từ những chất liệu đã nhiều người nhào nặn, nhào nặn một điều mới mẻ, nhào nặn một đứa con tinh thần đích thực của mình. Nguyễn Thi chính là một người nghệ sĩ như vậy. Trong những năm kháng chiến, văn học cách mạng là nguồn đề tài để các tác giả khai thác triệt để. Mà khai thác liên tục chắc chắn sẽ cạn kiệt. Đối với Nguyễn Thi ông đã tìm ra cách khai thác trong đề tài mà nhiều người đã lật mở, đào xới.

   Không giống như nhiều nhà văn khác, khi thác đề tài chiến tranh ở những góc độ khác nhau, như vẻ đẹp thân phận con người, chiến tranh như một cơ hội để tâm hồn con người được phát lộ, ông nhìn chiến tranh ở một góc độ rất khác – góc độ gia đình. Với cách khai thác này, Nguyễn Thi đã đem đến cho bạn đọc cách nhìn mới mẻ về chiến tranh, về số phận và phẩm chất của con người.

   Các nhân vật trong truyện được xây dựng có tên tuổi và cá tính riêng. Nhưng cá tính của mỗi người luôn có mạch nguồn khởi từ chính gia đình họ, nơi mà họ được sinh ra, nơi mà họ thuộc về. Tính cách đó đã có trong tất cả các thành viên và ở thế hệ sau tính cavhs đó lại không ngừng được bổ sung, thêm những nét tính cách mới. Ví như nhân vật Việt, sinh ra trong một gia đình giàu tinh thần chiến đấu. Ngay từ khi còn chưa đủ tuổi, Việt đã tranh với chị lên đường nhập ngũ. Cậu sẵn sàng nói dối tuổi của mình: “em mười tám, chị Chiến em mười chin”. Rồi cô chị vừa thương em,đã nói: “Đến Tết này nó mới được mười tám anh à! Em nói để em đi trước , nó ở nhà, thủng thẳng để chú Năm em thu xếp rồi hãy đi, mà nó không chịu”. Như vậy, nguồn mạch, dòng màu yêu nước chảy trong huyết quản của hai chị em Việt Chiến chính là đã được hình thành ở các thế hệ trước đó. Và để giải quyết vấn đề này, chú của Việt và Chiến đã lên tiếng: “Tôi xin có một câu với đồng chí huyện đội. Hai đứa là cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin cứ ghi tên cho cả hai.Việc lớn tính theo việc lớn, còn việc nhỏ thỏn mỏn, tôi thu xếp khác xong”. Như vậy có thể thấy, nét tính cách này đã được thể hiện một cách triệt để và toàn bộ trong gia đình Việt Chiến. Nét tính cách đó được hun đúc lên từ lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc của gia đình.

   Thứ hai, chính là văn hóa cộng đồng được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Văn hóa cộng đồng được thể hiện rõ trong đêm Việt bị thương, nằm giữa rừng, điều câu lo lắng, sợ hãi không phải là vết thương, không phải là nỗi đau đớn về thể xác mà chính là sự cô độc. Không được sống cùng mọi người, không được cùng chiến đấu, cậu một mình cô độc không biết cái chết sẽ ập đến lúc nào. Điều đó làm cậu thực sự sợ hãi. Bởi vậy, trong cơn mê man, Việt nhớ về những ngày ấu thơ, khi sống cùng chị, sống cùng chú Hai, rồi lại nhớ đến những người đồng đội của mình. Hình thức tái hiện quá khứ đó khiến cho Việt cảm thấy bớt cô độc, khiến cậu có thể kết nối được với mọi người. Tâm lí sợ cô đơn đó có thể lí giải bởi một vài nguyên nhân như: gia đình vốn là nơi mỗi người được sinh ra, bản thân chúng ta đều có một sợi dậy vô hình nối kết mọi thành viên trong gia đình với nhau. Đối với Việt gia đình còn là nơi để cậu có thêm động lực sống, chiến đấu để trả thù cho cha mẹ, cho những người thân thương của cậu.

   Như một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “trong gia đình Việt, cái chất “anh hùng mộc mạc” được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ của Việt và Chiến là những con người hết sức dũng cảm, và dòng máu nhiệt huyết đó vẫn không ngừng chảy trong lồng ngực cháy bỏng của hai chị em Việt và Chiến. Những việc làm của thế hệ đi trước luôn có ảnh hưởng rất lớn đến hành động, việc làm của hai chị em hiện tại. Để nhắc nhở về truyền thống gia đình, Việt thường xuyên mơ thấy mẹ vào những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời cậu: khi mới vào nhập ngũ, khi bị thương, hình ảnh người mẹ hồn hậu lại hiện về trong tâm trí cậu, nó như thứ năng lượng tinh thần đặc biệt tiếp thêm sức mạnh cho cậu. Đồng thời những hình ảnh của mẹ thường xuất hiện vào những thời điểm quan trọng cũng cho thấy niềm tin tưởng, đức tin của những người còn sống với những người đã khuất, đức tin về sự bảo vệ, che chở. Ta có thể thấy, họ - hai chị em Việt Chiến đến với cuộc chiến đầy dai dẳng và quyết liệt này không chỉ bằng lòng căm thù giặc, lòng yêu nước mà còn là cả một chiều sâu tâm linh gia đình sâu thẳm.

   Để làm nổi bật lên cách khai thác chủ đề truyện, Nguyễn Thi đã lựa chọn một cách kể truyện vô cùng mộc mạc, giản dị, tự nhiên. Điểm nhìn trần thuật vô cùng linh hoạt, chủ yếu dựa trên quan điểm của nhân vật. Dòng sự kiện đi theo những cảm xúc nhân vật, từ đó tác giả có thể dễ dàng quan sát những tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Thời gian trần thuật liên tục bị xáo trộn, để ta vừa thấy một Việt vẫn còn những nét ngây thở, trẻ con, nhưng lại có cá tính, đã có sự khôn lớn, trưởng thành. Ngoài ra giọng điệu trần thuật gân guốc, rắn ròi cũng là một điểm nhấn trong tác phẩm. Đây là chất giọng điển hình của người dân Nam Bộ, những con người bộc trực, thẳng thắn, mạnh mẽ mà cũng giàu long yêu thương.

   Bằng một cách khai thác hiện thức rất khác, Nguyễn Thi đã đem đến cho người đọc một hiện thức khác, những con người khác trong hoàn cảnh chiến tranh. ở họ vẫn ngời sáng tinh thần anh hùng, dũng cảm nhưng nó không đơn độc, mà xuất phát từ truyền thống gia đình, xuất phát từ huyết mạch đang chảy trong họ. Cách khai thác đó, kết hợp với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc đã tạo nên thành công cho tác phẩm.

Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi - mẫu 2

    Nguyễn Thi là một nhà văn sinh ra ở miền Bắc nhưng các sáng tác của ông lại gắn liền với những phong trào kháng chiến Nam Bộ. Tác phẩm của ông bước ra từ hiện thực nóng bỏng, khắc nghiệt qua ngòi bút phân tích tâm lí, tính cách nhân vật sắc sảo; qua hệ thống ngôn ngữ phong phú, góc cạnh nhưng cũng không kém chất đằm thắm, trữ tình. Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông khi viết về những ngày tháng chiến đấu đau thương, những con căm thù giặc sâu sắc và lòng yêu nước thiết tha, mãnh liệt.

    Truyện “Những đứa con trong gia đình” được viết năm 1966 khi Nguyễn Thi đang tham gia công tác tại Tạp chí Văn Nghệ quân giải phóng, kể về truyền thống yêu nước, thủy chung với cách mạng của một gia đình nông dân Nam Bộ. Nhan đề đã toát lên nội dung tinh thần của tác phẩm. Đó mối quan hệ giữa riêng với chung, nhà với nước, giữa tình cảm gia đình, với tình yêu nước, yêu cách mạng.

    Chính sự kết hợp giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của mỗi con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Việt – một chiến sĩ Giải phóng quân xuất thân từ truyền thống cách mạng và những ngày tháng tham gia chiến đấu hào hùng.

    Trong một trận chiến đấu ác liệt tại một cánh rừng cao su, Việt bị thương nặng và lạc mất đồng đội. Ngất đi tỉnh lại nhiều lần, hồi ức đưa Việt về với kí ức gia đình, về với hình ảnh của má, của chị Chiến, của chú Năm…Sau đó, Việt được đưa về bệnh viện và bình phục. Anh Tánh giục Việt viết thư cho chị Chiến để kể về những chiến công của mình. Việt định viết nhưng nghĩ thành tích của mình chưa thực sự xứng đáng…

    Chị em Việt và Chiến là hai nhân vật trọng tâm của tác phẩm. Ở họ, vừa có sự gặp gỡ và sự khác nhau trong tính cách. Ở nét chung ta thấy, Việt và Chiến cùng lớn lên trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng, cùng được nuôi dưỡng, hun đút dòng máu anh hùng chiến đấu gan góc, oai hùng. Những người ở thế hệ trước như ông Nội, chú Năm, ba má Việt, chị Hai của Việt đều là những người cán bộ cách mạng kiên trung với lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu quê hương xứ sở thấm vào trong từng mạch máu, con tim.

    Nếu nói gia đình của chị em Việt như một dòng sông thì Việt và Chiến như là khúc sông sau của đại gia đình ấy. Tình cảm gia đình và tình yêu nước, truyền thống gia đình và truyền thống cách mạng gắn bó, hòa hợp với nhau để cùng chảy thành một dòng. Hai chị em còn có chung mối thù sâu sắc với bọn Mỹ - Ngụy. Gia đình họ chính là những chứng nhân lịch sử điển hình nhất cho những mất mát đau thương trong ngày tháng bạo tàn.

    Chiến tranh đã tước đoạt hạnh phúc, đã cướp đi mạng sống của những người mà họ thương yêu nhất. Chiến tranh đã vùi ngày tháng vào sự mất mát và tất cả những gì còn lại chỉ là ám ảnh, làm bạo tàn. Ông nội hi sinh trong đấu tranh. Ba Việt bị giặt chặt đầu dã man. Má Việt cũng vùi thây dưới bom đạn của lũ ác ôn.

    Chính vì vậy, từ nhỏ cho đến lớn, hai chị em đều ấp ủ có thể đi đánh giặc để trả thù cho ba má, đều giành nhau ghi danh tòng quân: “Nó làm em tôi mà cái gì nó cũng giành”. Một nét điểm chung khác giữa Chiến và Việt đó là sự thơ ngây, trẻ con của hai chị em. Dù căm thù giặc đến tận xương tận tủy: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị” nhưng chị em vẫn giành nhau bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến của giặc và giành nhau cả việc ghi danh đi tòng quân.

    Bên cạnh những điểm giống nhau đó, Chiến và Việt mỗi người lại mang trong mình nét đẹp riêng. Chị Chiến chính là đại diện cho hình ảnh của má. Chị vừa là một cô gái đảm đang, tháo vát, mạnh mẽ với dáng vóc chắc nịch, với thân người cao to, làn da sạm nắng… nhưng lại vô cùng nữ tính khi đi đánh giặc mà lại mang theo chiếc gương nhỏ để dành soi mình. Cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội, Việt cảm thấy chị rất giống má: “Phải chị thở dài rồi kêu thằng Út dậy đi đái nữa thì giống hệt như má vậy”, “Vậy mà nói nghe in như má vậy”, “may mà chị không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi”….

    Rồi từng việc từng việc trong gia đình, chị Chiến sắp xếp đảm đang y như má, đến mức cả chú Năm còn tấm tắc khen: “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước non nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây bây kì đánh giặc khôn hơn chú ngày trước.” Khác với sự trưởng thành của chị Chiến, trong Việt vẫn còn những phẩm chất hồn nhiên của trẻ thơ.

    Chẳng hạn, đi đánh giặc lạc giữa rừng sâu và đêm tối, hơn nữa lại bị thương nặng, tuy nhiên Việt chỉ sợ ma chứ không sợ chết. Việc nhà việc cửa Việt mặc cho chị Chiến định liệu cả, vừa nghe vừa thản nhiên “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”. Khắc họa nhân vật Việt, Nguyễn Thi đặc biệt chú ý đến phẩm chất của người anh hùng.

    Có thể nói, Việt là đại diện tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ. Sự dũng cảm, gan góc được tái hiện trong từng ý nghĩ, từng chi tiết như: “Tao sẽ chờ mày…. Cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày là thằng chạy”.

    Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” còn là khúc ca hào hùng về truyền thống anh hùng cách mạng, về sự hòa hợp giữa gia đình và dân tộc, giữa cá nhân và cộng đồng trong những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ đầy máu và nước mắt. Qua đó, có thể thấy được chiến thắng của dân tộc chính là sự hi sinh của mỗi cá nhân, là sự kết tinh từ lòng yêu nước cao độ và lòng căm thù giặc sâu sắc, là thành tựu của những quyết tâm không ngừng nghỉ.

    Thế hệ nhà Chiến và Việt được ví như một khúc sông mà từ thượng nguồn đến hạ nguồn đều mang trong mình dòng chảy lí tưởng cách mạng mãnh liệt. Nguyễn Thi đã làm toát lên khuynh hướng sử thi của tác phẩm trên các phương diện: chủ đề, nhân vật, giọng điệu. Trước là ở tình cảm gia đình sâu đậm, sau là tinh thần khát khao cầm súng chiến đấu của những người con đất Nam Bộ.

    Hình ảnh đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc chính là lúc Việt cùng chị Chiến khiêng bàn thờ má sang gửi chú Năm và quyển sổ gia đình. Từ đó cho thấy Việt cũng như chị gái của mình đã ý thức rất rõ về trách nhiệm đối với gia đình, quê hương, tấm lòng yêu nước, sự căm thù quân giặc bởi những tội ác không thể dung tha, sự quyết tâm trả thù cho gia đình, quê hương. Yêu thương, căm thù, mất mát, đấu tranh quyết liệt… là tất cả những cung bậc được diễn tả đủ đầy trong tác phẩm.

    Về nghệ thuật, Nguyễn Thi đã để lại những dấu ấn nhất định trên văn đàn văn học hiện đại Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Thi đã từng viết: “Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng đại như thế này, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó…”

    Chính vì vậy, ta thấy được hơi thở ấm nóng của thời đại qua từng câu, từng chữ. Nghệ thuật dựng chân dung nhân vật độc đáo. Sự thẳng thắn, bộc trực, lạc quan, yêu quê hương, gia đình, thủy chung đến với cách mạng, ngùn ngụt ngọn lửa căm thù giặc... là những nét nổi bật của người chiến sĩ cách mạng. Sự kết hợp thành công giữa ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ và ngôn ngữ trần thuật hiện đại, Nguyễn Thi đã xây dựng nên những chị “Út Tịch” trong chính sáng tác của mình.

    Đó là sự gan góc, là bản lĩnh, là sức mạnh không thể chuyển dời. Cách trần thuật qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt, khi anh bị thương trong trận chiến, nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, trong tư thế nửa tỉnh nửa mê đã tạo nên sự hấp dẫn và chân thật trong cách kể, trong cảm xúc. Nhà văn có dịp đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, vào những kí ức riêng tư không phải tuân theo một trình tự sắp xếp gượng ép nào. Những đoạn đối thoại và độc thoại hấp dẫn, cảm động bởi những suy nghĩ, tình cảm gia đình, tình cảm quê hương chân thành, da diết.

    Tóm lại, qua tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” , chúng ta có một cái nhìn sâu rộng hơn về ngày tháng máu lửa đã qua, về sự hi sinh để đánh đổi ngày dân tộc được nở hoa độc lập, kết trái tự do. Và từng chi tiết trong truyện sẽ từ trang sách bước vào kí ức của người đọc, đó là câu hò tha thiết của chú Năm, là tiếng chân “bịch bịch” của chị Chiến, là quyển sổ gia đình ghi lại dòng sông cách mạng…

    Qua đó, một chân lý muôn đời đã được nêu cao: chính sự kết hợp giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Đề bài: Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Đình Thi

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình - mẫu 1

   Chiến tranh đã lùi xa thế nhưng trong mỗi người Việt Nam chúng ta dường như không thể quên được những năm tháng hào hùng của cuộc khánh chiến chống Mĩ ác liệt ấy. Nhiều người đã nằm xuống để cho đất nước dân tộc chúng ta được yên bình tươi đẹp như hôm nay, đã có vô số những tác phẩm hay và nổi tiếng của nhiều nhà văn,nhà thơ viết về đề tài chống Mĩ cứu nước ra đời và in sâu trong lòng độc giả, cũng như nhiều người việt nam. Trong số những nhà văn ấy chúng ta không thể không nhắc đến "nhà văn của người nông dân Nam bộ"- Nguyễn thi, một cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền nam những năm chống mĩ.

   Tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" là một trong những sáng tác xuất sắc của Nguyễn Thi ra đời vào 2/1966 khi nguyễn thi đang công tác ở tạp chí "Văn nghệ quân giải phóng". Truyện ngợi ca lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc cũng như lòng chung thủy với cách mạng của nhân dân nam bộ thời kì chống Mĩ lúc bấy giờ. Nhà văn đã xây dựng thành thành công những hình tượng nhân vật một cách chân thật, sống động, có những nét chung thống nhất lại vừa có những nét tính cách độc đáo, riêng biệt khiến chúng ta khó quên được. Nổi trội hơn cả đấy là Việt, một nhân vật được tác giả ưu ái, dành nhiều tình cảm khi anh xuất hiện và được nhắc đến nhiều nhất trong tác phẩm.

   Việt là một chiến sĩ giải phóng quân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng. Trong anh hội tụ những phẩm chất, tính cách cũng như vẻ đẹp tâm hồn cao đẹp đáng quý của nhân dân miền nam trong thời kì đánh mĩ. Mang mối thù sâu nặng với Mĩ-ngụy: ông nội và bố Việt điều bị giặc giết hại, mẹ Việt vừa phải vất vả nuooit con vừa phải đương đầu với bọn giặc và cuối cùng cũng chết vì bom đạn. Gia đình chỉ còn lại Việt, Chị Chiến, Chú năm, thằng út em và người chị nuôi lấy chồng xa. Việt và chiến hăng hái tòng quân đi giết giặc, vì nhỏ tuổi đồng đội hay gọi thân thiết là "cậu tư". Anh rất gắn bó với đơn vị đặc biệt là tiểu đội trưởng Tánh, như tình ruột thịt. Ở Việt luôn sôi nổi một tinh thần chiến đấu, tiêu diệt địch quyết lập được nhiều chiến công như chị chiến để trả thù cho ba má.

   Được tác giả kể lại trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt khi Việt đang chiến đấu ác liệt trong khi rừng cao su, anh đã hạ được một xe bọc thép của địch nhưng bị thương nặng và lạc đồng đội. Việt ngất đi tỉnh lại nhiều lần, mỗi lần ngất đi tỉnh lại những dòng hồi ức về những kỉ niệm thân thiết đã que của anh về chị chiến, về má, chú năm....lại ùa về. Ngoài ra những ấn tượng khó quên của chúng ta về nhân vật việt đó là tính cách của anh.

   Là một cậu bé mới lớn tính tình còn "Trẻ con", vô tư, ngây thơ có phần nghịch ngợm ta có thể dễ dàng nhận thấy được những điều này qua những dòng hồi tưởng đứt quãng của việt. Như việc anh hay giành với chị chiến chuyện bắn tàu giặc Mĩ trên sông Định thủy hay kể cả việc tưởng như nhỏ nhặt là tranh công bắt ếch với chị. Ngoài ra lúc chị Chiến không cho Việt đi bộ đội anh đã bộc lộ hành động rất "trẻ con" của mình đó là "đá trái dừa rụng xuống mương cái đùng". Ngay cả khi đang bị thương ở khu rừng cao su nghĩ đến việt đối mặt với những tên giặc dường như không làm Việt cảm thấy sợ hãi mà điều trái ngược khi anh nhớ lại những câu chuyện của các chị kể lúc ở nhà về "Con ma cụt đầu" ngồi trên cây xoài lại khiến anh lạnh gáy, sợ hãi đến nỗi thở dốc. Tính tình "trẻ con", vô tư ấy còn được thể hiện trong đêm sắp xa nhà đi bộ đội, trong khi chị chiến phải lo toan, phải sắp xếp việc nhà ổn thỏa còn Việt thì cứ "lăn kềnh ra ván cười khì khì", rồi thì nghịch nghợm "Chụp con đom đóm úp trong lòng bàn tay" rồi "ngủ quên lúc nào không hay". Cả cách thương chị của Việt cũng thật trẻ con làm sao khi anh "Giấu chị như giấu của riêng" khi bị anh tánh và đồng đội chọc gẹo. Và nổi bật cho cái tính cách trẻ con ấy dường như là lúc nằm lại chiến trường anh tỏ ra rất kiên cường, không hề sợ hãi vậy mà đến khi gặp lại đồng đội thì lại òa khóc một cách ngon lành "Khóc đó rồi lại cười đó". Nguyễn thi đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Việt, một tính cách rất đỗi đời thường, đáng yêu, dễ mến lại vô cùng sinh động mà không hề bị gượng ép. Đó dường như đã trở thành dấu ấn khó quên trong lòng độc giả về nhân vật này.

   Không dừng lại ở đấy Việt thật sự là một người chiến sĩ, người anh hùng hội tụ đủ các phẩm chất của một người lính với tính cách gan dạ, kiên cường, bản lĩnh không sợ hãi, khuất phục trước khó khăn. Lúc nhỏ Việt đã dám xông thẳng vào thằng giặc "Luyện đầu ba" mà đá. Lớn lên dù vẫn chưa đủ tuổi nhưng việt vẫn quyết chí đi bộ đội cầm súng giết giặc trả thù cho Ba Má. Đi bộ đội được 2 năm, chiến đấu dũng cảm anh đã dùng thủ pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của địch lập lên chiến công mặc dù sao đó anh bị thương nặng ở hai mắt và ngất đi, chính điều này càng làm cho người đọc chúng ta thêm khâm phục trước sự gan dạ, dũng cảm của việt. Chi tiết khi anh bị lạc đơn vị, bị thương nhưng anh vẫn bình tĩnh, kiên cường và luôn ở tư thế chiến đấu "đạn đã lên nòng, ngón tay còn lại sẵng sàng nổ súng" khi phát hiện tên giặc nào tiến đến.Đặc biệt chi tiết chị chiến và Việt khiên bàn thờ ba má sang gởi bên nhà chú năm để ngày mai lên đường nhập ngũ. Khẳng định sự trưởng thành trong con người Việt qua cảm giác "Mối thù giặc Mĩ đang đè nặng trên vai" chứng tỏ Việt đã sẵng sàng và xứng đáng viết tiếp tên mình vào dòng sông truyền thống cách mạng của gia đình mình.

   Cuối cùng ngoài những tính cách nổi bật bên ngoài không thể không nhắc đến tâm hồn Việt, một con người giàu tình yêu thương và gắn bó với gia đình sâu sắc. Khi việt bị trọng thương và ngất đi tỉnh lại đến tận 4 lần. Mỗi lần như thế lần lượt những dòng hồi tưởng của anh về gia đình, đồng đội, những người thân yêu của mình trong anh lại ùa về. Những dòng hồi ức đẹp đẽ, hạnh phúc ấy có lẽ nào là sợi dây tình cảm chắc chắn đang cố gắng giành lấy Việt khỏi cái lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường ấy. Trong những hồi ức ấy Việt nhớ lại hình ảnh của má hiện lên nơi chị chiến và hình như anh có cảm giác má về đâu đây, về để dõi theo 2 đứa con của mình giờ đã trưởng thành để mà ngày mai lên đường đánh giặc, chống mĩ cứu nước và mặc dù đang bị thương nằm ở nơi chiến trường nhưng Việt luôn mong muốn gặp được má, rồi hình ảnh má bơi xuồng, xoa đầu Việt...dường như đó chính là sức mạnh của tình mẫu tử, sức mạnh để anh vượt qua được khó khăn, thử thách lúc ấy, và có lẽ đó cũng là phần tươi đẹp sâu thẩm, thiêng liêng nơi tâm hồn Việt. Chúng ta còn bắt gặp cả những dòng hồi ức về chú năm với những câu hò, lời dặn dò trước khi Việt, Chiến ra đi, về cuốn sổ gia đình. Có lẽ chính tất cả những kỉ niệm ấy đã giúp cho việt chiến thắng được cái chết và tìm lại được những người đồng đội của mình.

   "Những đứa con trong gia đình" với hình tượng nhân vật được Nguyễn thi khắc họa một cách chân thật, tài tình và mang đậm tính sử thi trãi dài trong suốt truyện. Tiêu biểu nhất đó là hình tượng nhân vật Việt cũng chính là phẩm chất, tính cách đáng quý của người nông dân Nam bộ lúc bấy giờ. Ngoài ra trong truyện Nguyễn Thi còn nêu lên quan niệm rằng "Chuyện gia đình thì cũng dài như sông, mỗi gia đình phải ghi vào một khúc" dường như trong "Những đứa con trong gia đình" Việt, chị chiến dường như đã ghi một phần của mình vào khúc sông ấy, dòng sông truyền thống của gia đình mình.

   Nguyễn Thi đã thành công trong việc xây dựng tính cách, tâm hồn mình và khắc họa hình tượng nhân vật một cách chân thật,sinh động mà không hề gượng ép. Nhữngđặc sắc về nghệ thuật trần thuật qua những dòng hồi tưởng của nhân vật, khắc họa tính cách và miêu tả tâm tí sắc sảo, có lẽ không sai khi người ta đặt cho ông danh hiệu "nhà văn của người nông dân nam bộ" với ngôn ngữ phong phú và đậm chất riêng của người Nam Bộ. Nhà văn đã đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc khó quên về nhân vật việt và qua nhân vật ấy nhà văn muốn khảng định rằng chính truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người, của dân tộc VN trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cũng Đã gần 5 thập kỉ trôi qua nhưng dường như "Những đứa con trong gia đình" vẫn tồn tại 1 chỗ đứng nhất định trong lòng đọc giả không thể nào phai mờ. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta cần phải góp một phần xứng đáng của mình vào khúc sông của dân tộc, của đất nước Việt Nam ta.

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình - mẫu 2

      Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, nếu giai đoạn trước các mạng các tác giả chủ yếu tập trung vào đề tài phản ánh, tố cáo hiện thực xã hội, và thương cảm với phận của người nông dân cùng khổ và trí thức nghèo, thì sau khi cách mạng tháng 8 thành công, đất nước bước sang trang sử mới, tiến vào thời kỳ vừa chiến đấu bảo vệ vừa xây dựng kiến thiết đất nước. Đề tài của các tác đã có sự thay đổi lớn, tập trung vào làm rõ vẻ đẹp của con người trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, theo khuynh hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với sự nổi lên của một số tác giả nổi tiếng trong đề tài “chiến tranh cách mạng - lực lượng vũ trang” như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trung Thành, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải,... Và tác giả Nguyễn Thi cũng là một trong số đó, ông và Nguyễn Trung Thành là hai người bạn thân, cùng tham gia chiến đấu, sau khi tập kết ra Bắc thì cả hai cùng tình nguyện vào Nam để chiến đấu, rồi chia tay nhau tại khu rừng xà nu phía Tây Thừa Thiên giáp Lào. Nguyễn Trung Thành ở lại gắn bó với chiến trường Tây Nguyên và viết nên tác phẩm Rừng xà nu kể về cuộc chiến đấu của những con người Tây Nguyên để làm sáng tỏ chân lý: “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”, còn Nguyễn Thi đi tiếp vào phía Nam gắn bó với miền đất Nam Bộ và viết nên tác phẩm nổi tiếng Những đứa con trong gia đình, lý giải sức mạnh làm nên chiến thắng chính là sức mạnh đến từ truyền thống. Câu chuyện bắt nguồn từ nhân vật Việt, một chàng trai trẻ tuổi với những nét tính cách, phẩm chất đẹp đẽ, hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp của cộng đồng là hình mẫu lý tưởng của một người anh hùng cách mạng mang khuynh hướng sử thi, lãng mạn cách mạng.

      Nguyễn Thi có cách mở đầu truyện và giới thiệu nhân vật một cách độc đáo và ấn tượng, từ đó khiến cho nhân vật trung tâm của tác phẩm đi vào lòng người đọc trước hết là ở vẻ đẹp kiên cường, mạnh mẽ trong đấu tranh. Nhân vật Việt, xuất hiện trong bối cảnh khá đặc biệt, đó là trong lần ra trận đầu tiên, anh đã lập được chiến công lớn, hạ được một chiếc xe bọc thép và 6 tên Mỹ lẻ, tuy nhiên bản thân Việt cũng bị thương rất nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, lạc mất đồng đội, một mình nằm lại giữa rừng cao su rộng lớn, không ăn không uống suốt mấy ngày. Cơ thể kiệt sức đến nỗi không thể cử động được, chỉ duy nhất có một ngón tay còn hơi nhúc nhích được, Việt ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần, trong suốt quá trình đó những ký ức về gia đình, về mẹ, về chị, về ngày nhập ngũ cử trở đi trở lại trong trí óc Việt. Từ đó tính cách và những vẻ đẹp của nhân vật được bộc lộ một cách tự nhiên và khách quan không chỉ dưới góc nhìn của tác giả mà còn ở góc nhìn của chính nhân vật Việt. 

      Việt, cũng như gia đình Việt chính là tiêu biểu cho những con người Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo Nam Bộ có truyền thống đánh giặc lâu đời, phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhưng cũng rất hào hùng vẻ vang với nhiều chiến công. Từ nhỏ Việt đã chịu cảnh mồ côi cha, phải đối diện với nỗi đau cha bị giặc Mĩ chặt đầu một cách dã man, mẹ anh một người đàn bà kiên cường, đã phải nén giọt nước mắt đau thương dẫn theo đàn con thơ đi đòi đầu chồng về để lo ma chay, an táng. Đến khi Việt lớn thì lại phải chịu nỗi đau mất mẹ, khi mẹ Việt cũng theo gót chồng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và chết vì bom đạn của kẻ thù. Không chỉ vậy, trong suốt quá trình trưởng thành Việt cũng lần lượt chứng kiến những cái chết thương tâm của những người thân khác trong gia đình như ông nội, thím Năm bởi sự tàn bạo của kẻ thù. Tuy nhiều đau thương, thế nhưng gia đình Việt lại cũng có nhiều chiến công rạng rỡ với truyền thống đánh giặc cứu nước lâu đời mà tất cả những chiến công ấy đều được chú Năm ghi lại trong cuốn sổ của gia đình bằng nét chữ nguệch ngoạc, “còng còng” nhưng rất đỗi tự hào, trân trọng. Chính từ những mất mát đau thương to lớn và truyền thống vẻ vang bao đời của gia đình  đã trở thành cơ sở  để hình thành trong tâm hồn Việt lòng căm thù giặc sâu sắc, ý niệm trả nợ nước, thù nhà mãnh liệt, lòng giác ngộ cách mạng sớm, càng củng cố thêm lý tưởng sống và chiến đấu cho Tổ quốc cao đẹp của nhân vật.

      Việt chính là đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở anh hội tụ tất cả nhiều vẻ đẹp của một người anh hùng  theo khuynh hướng sử thi, lãng mạn cách mạng. Đầu tiên là vẻ đẹp của tấm lòng sâu nặng, tha thiết dành cho gia đình, đặc biệt là cho mẹ và chị gái. Có lẽ vì mất cha từ khi còn nhỏ tuổi, thế nên trong ký ức của Việt luôn tràn ngập hình bóng của mẹ, người phụ nữ kiên cường cùng lúc nắm giữ hai vai trò, vừa là cha vừa là mẹ để nuôi lớn cả đàn con thơ, đồng thời cũng là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm. Trong khi bị thương nặng nằm giữa chiến trường, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một ranh giới vô cùng mỏng manh, Việt kiệt sức, ngất đi và hồi tỉnh nhiều lần, giữa những lần ấy Việt luôn nhớ về má của mình, với nhiều mảnh ký ức sống động dội về. Việt nhớ má với cái ngoại hình rắn chắc,  khỏe mạnh đặc trưng của một người phụ nữ Nam Bộ “đôi bắp chân tròn vo, sạm đỏ, lúc nào cũng lấm bùn”, nhớ đến cái màu áo bà ba đã bạc phếch vì trải nhiều mưa nắng, nhớ đến tiếng bước chân “bịch bịch” trong những đêm mẹ thức bưng từng thúng lúa từ xuồng vào nhà. Việt cũng nhớ mãi ánh mắt kiên cường của một người đàn bà đã từng vượt sông vượt suối khi đứng đối đáp với bọn giặc Pháp, nén đau thương để đòi được đầu chồng về an táng. Việt cũng nhớ mãi đôi bàn tay thô ráp, to bản nhưng đầy ấm áp, yêu thương khi má lùa chị em Việt ra sau lưng để che đạn giặc. Má trong tâm trí Việt không chỉ kiên cường, mạnh mẽ mà còn là người đàn bà tháo vát, đảm đang, một tay nuôi cả đàn con khôn lớn, “miệng thì cười nói nhưng tay đã bơi xuồng ra giữa dòng”... Không chỉ vậy tình cảm sâu nặng của Việt đối với má còn thể hiện sâu sắc qua những mong ước, khao khát của Việt khi bị thương nặng, nằm lại giữa chiến trường. Trong lúc đau đớn và kiệt quệ ấy, Việt chỉ mong sao được gặp má, được quay trở về những ngày còn ở nhà, lúc “má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên cho Việt ăn,...”. Hoặc trong đêm trước ngày lên đường nhập ngũ tình cảm dành cho má cũng thể hiện ở việc Việt nhìn đom đóm lập lòe nhớ má và nghĩ rằng “hình như má cũng về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà, hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà ngồi quạt nón? Đêm nay, dễ gì mà má vắng mặt…”. Rồi trong lúc ngẩn ngơ nghe chị Chiến thu xếp công việc nhà, Việt chẳng mấy để tâm nghe câu được câu mất, thế nhưng cứ thỉnh thoảng lại hỏi rằng có phải hồi đó má dặn vậy không. Hoặc nghe nhìn thấy dáng điệu, cách nói năng của chị Việt luôn suy tưởng về má, lòng cứ xuýt xoa sao mà giống má thế, giống y hệt,... Tất cả những điều đó đều chứng minh rằng Việt đã dành cho má của mình một tình cảm rất sâu nặng, rất gắn bó, mà như lời Việt nói, chị em Việt đi đâu thì ba má đi theo đấy, Việt đã mang theo má trong trái tim, ra chiến trường, không giây phút nào Việt thôi nghĩ về má, về gia đình.

      Đối với chị Chiến, Việt không bộc lộ nhiều tình cảm trực tiếp, thế nhưng chị Chiến cũng là người mà Việt dành những tình cảm yêu thương sâu sắc. Điều đó được anh thể hiện thông qua một số chi tiết khá đặc sắc. Khi còn ở nhà, trước ngày lên đường nhập ngũ, trong lúc khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm gửi, khi nghe thấy tiếng bước chân chị “bịch bịch” đằng sau, “Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt thấy lòng mình rõ thế”. Đây được xem là sự chuyển biến mới, một bước tiến trưởng thành trong tâm hồn của Việt, trước lúc chia xa Việt đã nhận thức được tình thương của mình dành cho chị gái, đồng thời cũng thấu hiểu được những vất vả lo toan của chị sau khi má mất, chị phải là người gánh vác gia đình, mang trên vai mối thù của cả gia đình. Đặc biệt chị Chiến có lẽ sẽ trở thành một người phụ nữ thứ hai như má, kiên cường, mạnh mẽ, tháo vát đảm đang, điều đó càng làm Việt thấy yêu thương chị nhiều hơn. Khi ra chiến trường, sống và chiến đấu cùng anh em đồng đội, Việt chưa từng kể về chị Chiến, anh giấu chị như giấu của, sợ chị bị những lời tán tỉnh, đùa tếu của anh em cướp đi mất. Đó là một hành vi có phần ấu trĩ và trẻ con nhưng đó lại là biểu hiện chân thực, hồn nhiên nhất cho tấm lòng thương yêu sâu sắc đối với chị gái của Việt. 

      Trên cơ sở những mất mát đau thương, truyền thống chống giặc ngoại xâm và những tình cảm sâu sắc dành cho gia đình đã hình thành nên trong tâm hồn Việt vẻ đẹp thứ hai đó chính là lòng căm thù giặc sâu sắc, lý tưởng sống và chiến đấu để trả nợ nước thù nhà. Sau khi má chết, Việt càng quyết tâm đi bộ đội để trả thù cho má, tranh giành với chị Chiến suất đi bộ đội trước, khi không cãi lý được với chị thì lại đâm ra cãi cùn. Điều đó bộc lộ khao khát được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng diệt giặc để trả mối nợ nước thù nhà đang bốc cháy ngùn ngụt trong lòng chàng trai trẻ. Đặc biệt ý chí trả thù, ra đi chiến đấu còn thể hiện rất cảm động trong tâm tưởng của Việt khi anh cùng chị khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”. Mối thù sâu nặng, truyền thống đánh giặc bất khuất của gia đình đã trở thành tiền đề, cơ sở và động lực cho tinh thần dũng cảm và kiên cường của Việt ở trên chiến trường. Tuy còn nhỏ tuổi thế nhưng Việt đã có những bước tiến lớn vượt xa trên dòng sông truyền thống của gia đình, trong lần ra trận đầu tiên Việt đã anh dũng, gan dạ lập được chiến công rất vẻ vang khi tự mình hạ được một xe bọc thép và tiêu diệt 6 tên Mỹ lẻ. Nhưng sau đó Việt cũng bị thương rất nặng, lạc mất đồng đội, trong lúc nằm lại giữa chiến trường, mắt không thể nhìn thấy gì, cả người kiệt sức không thể động đậy thế nhưng Việt vẫn rất kiên cường chiến đấu đấu dù chỉ còn một chút hơi sức cuối cùng, anh dùng một ngón tay còn có thể cử động đặt vào cò súng, đạn đã lên nòng chỉ cần nghe động là sẵn sàng bắn với ý nghĩ “trên trời có mày dưới đất có mày ở giữa cánh rừng này chỉ có mình tao, mày mà bắn được tao thì tao cũng bắn được mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn với tao thì mày chỉ là thằng chạy”. Không chỉ vậy ở Việt còn là quyết tâm sống còn mạnh mẽ dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, anh không chỉ ham chiến đấu mà còn muốn tiếp tục sống và chiến đấu để trả thù, thế nên khi bị lạc giữa chiến trường, mắt không nhìn thấy Việt đã dùng đôi tai nghe tiếng súng để xác định phương hướng rồi cố bò lết về phía ấy để tìm sự giúp đỡ của đồng đội. Bản lĩnh, sự kiên cường đến tận phút cuối, trân trọng từng phút của sinh mạng ấy đã làm nên vẻ đẹp của một người anh hùng cách mạng, là vẻ đẹp lý tưởng của cộng đồng, đại diện cho tầng lớp thanh niên chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ. 

      Bên cạnh những vẻ đẹp chung, tiêu biểu đại diện cho vẻ đẹp của người anh hùng thời đại, thì ở Việt còn có những nét đẹp riêng của một thanh niên trẻ tuổi. Tuy đã cầm súng chiến đấu, mang trong mình mối thù sâu nặng nhưng ở Việt vẫn có những nét hồn nhiên tinh nghịch của các chàng trai cùng lứa tuổi đó là sự trẻ trung, hồn nhiên, vô tư, tinh nghịch. Khi còn ở nhà thì Việt luôn tranh giành với chị mọi thứ, kể cả việc đi bộ đội anh cũng tranh giành cho kì được, khi không cãi lý được với chị thì Việt giở trò cãi cùn, cốt chỉ được đi trước chị. Khi vào bộ đội thì Việt vẫn không quên được trò bắn chim yêu thích lúc còn ở nhà thế nên hành trang cậu cũng giắt theo cả chiếc ná thun. Sống cùng đồng đội, dẫu có thân thiết Việt cũng chẳng bao giờ kể về chị gái, luôn giấu chị như giấu của vì ngây thơ, sợ rằng chị sẽ bị đồng đội cướp mất bằng những lời tán tỉnh, đùa tếu. Thậm chí, tính trẻ con, ngây thơ của Việt còn bộc lộ ngay cả khi anh bị thương nặng nằm lại chiến trường, Việt không sợ chết, nhưng tự bản thân anh lại tưởng tượng ra đủ thứ ma quái đang rình rập, sợ ma đến mắt mình. 

      Việt trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi có nhiều nét tương đồng với Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, cả hai đều được sinh ra trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên ác liệt nhất, đều sinh ra và lớn lên trong môi trường với truyền thống đánh giặc bất khuất, chịu nhiều mất mát đau thương, có những tình cảm sâu sắc với gia đình, quê hương. Điều đó đã trở thành tiền đề, cơ sở củng cố thêm cho lý tưởng sống và chiến đấu trả nợ, nước thù nhà, bảo vệ quê hương đất nước của nhân vật. Khiến họ trở thành những tấm gương sáng, hình mẫu anh hùng lý tưởng của thời đại, hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp của cộng đồng, mang đậm khuynh hướng sử thi, chất lãng mạn cách mạng, là tượng đài trong nền văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Chiếc thuyền ngoài xa

Thuốc

Số phận con người

Ông già và biển cả

Nhìn về vốn văn hóa dân tộc

1 3,657 13/07/2022
Tải về