Đất nước (Nguyễn Đình Thi) - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12

VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 12 về Tác giả tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi) gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Đất nước (Nguyễn Đình Thi) như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:

1 49,900 13/07/2022
Tải về


Đất nước (Nguyễn Đình Thi) - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12

I. Tác giả văn bản Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Bài giảng Ngữ văn 12 Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

II. Nội dung văn bản Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 12 Bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 12 Bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 12 Bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 12

III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

1. Bố cục tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

- Phần 1: Từ đầu đến câu "Những buổi ngày xưa vọng nói về": Hình ảnh đất nước vươn dậy từ trong máu lửa, đau thương.

- Phần 2: Đoạn còn lại: Hình ảnh đất nước vươn dậy từ trong máu lửa, đau thương

2. Nội dung chính tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Bài thơ thể hiện cảm hứng về đất nước. Đó là những suy cảm về một đất nước giàu đẹp, hiền hòa; về lịch sử cách mạng của một đất nước đau thương; lầm thân đã đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng anh hùng.

3. Tóm tắt tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Tóm tắt tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi) (mẫu 1)

Mở đầu bài thơ là cảm xúc về đất nước được khơi nguồn từ một buổi sáng mùa thu với những hình ảnh mùa thu đặc trưng của Hà Nội. Trong khung cảnh mùa thu tươi đẹp thấy hiện lên con người với ý chí quyết tâm ra đi phụng sự Tổ quốc. Mùa thu mới nơi Việt Bắc. Mùa thu nay khác rồi khẳng định sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, trong nhận thức của con người. Những câu thơ còn lại là hình ảnh đất nước trong đau thương: Cánh đồng quê – chảy máu, dây thép gai – đâm nát trời chiều, bát cơm chan đầy nước mắt, đứa đè cổ – đứa lột da. Cuối cùng là vẻ đẹp hào hùng, tráng lệ về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đoạn thơ đã khái quát được sức vươn dậy thần kỳ của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Tóm tắt tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi) (mẫu 2)

Mở đầu bài thơ là cảm xúc về đất nước được khơi nguồn từ một buổi sáng mùa thu, sáng mát trong, hương cốm, xao xác hơi may, thềm nắng, lá rơi đầy. Đây là những hình ảnh mùa thu đặc trưng của Hà Nội. Trong khung cảnh mùa thu tươi đẹp thấy hiện lên con người với ý chí quyết tâm ra đi phụng sự Tổ quốc. 14 câu tiếp theo là Mùa thu mới nơi Việt Bắc. Lòng kiêu hãnh, tự hào vẻ đẹp của đất nước, truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam. Mùa thu nay khác rồi khẳng định sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, trong nhận thức của con người. Đứng – vui – nghe: niềm vui, sự hân hoan phơi phới. Bức tranh thu đẹp, lóng lánh niềm vui sướng, tự hào. Những câu thơ còn lại là hình ảnh đất nước trong đau thương: Cánh đồng quê – chảy máu, dây thép gai – đâm nát trời chiều, bát cơm chan đầy nước mắt, đứa đè cổ – đứa lột da. Cuối cùng là vẻ đẹp hào hùng, tráng lệ về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đoạn thơ đã khái quát được sức vươn dậy thần kỳ của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Tóm tắt tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi) (mẫu 3)

Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) sinh ra tại Thành phố Luông Pha Băng ở  nước Lào.  Ông đã tham gia vào kháng chiến và ông đã giữ được  nhiều chức vụ quan trọng của Đảng.  Nguyễn Đình Thi được xem là một người nghệ sĩ đa tài, ông sáng tác được  nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có thể có  những đóng góp đáng để  trân trọng. Thơ ông rất tự do và  phóng khoáng mà vẫn hàm súc, sâu lắng, suy tư và có rất nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại. Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi là một sự phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Các tác phẩm của ông đều được  mang tính thời sự về các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

4. Phương thức biểu đạt:

- Tự sự, biểu cảm

5. Thể  thơ tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi):

- Tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi) được viết theo thể thơ: Tự do

6. Giá trị nội dung tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

- Đất nước được cảm nhận trong chiều dài của những năm tháng kháng chiến, chiến đấu và chiến thắng, trong không gian rộng lớn.

- Cảm xúc, suy tư: đất nước gần gũi, thiêng liêng, trang trọng, vĩ đại và anh hùng.

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

- Các câu thơ dài, ngắn xen kẽ nhau, nhịp điệu biến đổi linh hoạt.

- Hình ảnh sinh động, biểu cảm, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao.

- Nhà thơ chú ý diễn tả sâu sắc, tinh tế tiếng nói nội tâm của nhân vật trữ tình. Trong đó có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tưởng.

IV. Dàn ý tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

I. Mở bài

- Đây là một bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi và của thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Đoạn thơ mở đầu bài thơ Đất nước đánh giá là hay nhất bài thơ vì biểu lộ cảm xúc trực tiếp về một mùa thu mới đang tới trên quê hương.

II. Thân bài

- Đoạn thơ nguyên là những mảng của hai bài thơ khác nhau nối lại với sự điều chỉnh và sửa chữa chút ít.

- Mở đầu, nhà thơ gợi lại hình ảnh của một “mùa thu đã xa” với không khí “xao xác” và hình ảnh “người ra đi” lặng lẽ. Nỗi xao xác bâng khuâng là âm điệu chính của câu đầu này.

- Tiếp theo, tác giả bộc lộ niềm vui giao hòa giữa lòng người và vật khi chứng kiến “mùa thu nay” đầy âm điệu háo hức

- Mùa thu của đất trời giải phóng. Hai chữ “vui nghe” không chỉ diễn tả một trạng thái tình cảm nhận thời mà còn nói rõ cách nghe hay là một cách nhận thức mới của nhà thơ về cuộc đời.

- Từ niềm vui nói trên, đoạn thơ chuyển ý rất tự nhiên nhấn mạnh ý thức sở hữu của cái ta cộng đồng với non nước mình, mặt khác, bộc lộ cảm xúc tự hào và sung sướng của nhà thơ trước vẻ đẹp đắm say của Tổ quốc.

- Phần cuối của đoạn thơ dẫn người đọc vào mạch suy tư về truyền thống anh hùng của đất nước, ở đây xuất hiện một định nghĩa rất thơ và cũng rất Nguyễn Đình Thi về Tổ quốc Việt Nam.

III. Kết bài

- Trong bài thơ “Đất nước” dường như cảm hứng thời đại đã hòa quyện với cảm hứng lịch sử trong một niềm xúc động thơ đẹp đẽ như vậy.

V. Một số đề văn bài Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Đề bài: Phân tích bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi và nói lên cảm nghĩ của em.

Phân tích bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi và nói lên cảm nghĩ của em - mẫu 1

    "Đất nước" là bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ được sáng tác và hoàn thành trong thời gian khá dài (1948 – 1955) theo hành trình và phát triển đi lên của đất nước và dân tộc.

    "Đất nước" in trong tập thơ "Người chiến sĩ" của tác giả.

    Bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi thể hiện những cảm nhận về đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam hiền hòa, đẹp tươi, trong đau thương đã quật khởi đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng với sức mạnh phi thường.

    Vẻ đẹp đất nước khi mùa thu về

    Hai câu thơ đầu nói về vẻ đẹp của đất nước khi mùa thu về:

    Sáng mát trong như sáng năm xưa

    Gió thổi mùa thu hương cốm mới.

    Nguyễn Đình Thi chỉ gợi sắc thu, khí thu (mát trong), về gió thu về hương thu (hương cốm mới). Một cách viết hàm súc mở ra bao liên tưởng về bầu trời thu trong xanh, bao la và khí thu mát mẻ mơn man hồn người, về gió thu nhè nhẹ thổi từ những cảnh đồng lúa mang theo hương cốm mới phả vào lòng người lâng lâng. Đó là vẻ hiền hòa, tươi đẹp của đất nước đã bao đời nay.

    Đoạn thơ tiếp theo là hoài niệm của "người ra đi" về "những ngày thu đã xa" – thu Hà Nội:

    Tôi nhớ những ngày thu đã xa

    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

    Những phố dài xao xác hơi may

    ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

    "Chớm lạnh" là cái lành lạnh đầu thu; chỉ có sáng và chiều thu trong buổi thu sơ mới "chớm lạnh" như thế. Hà nội như mở rộng lòng đón nhận cái "chớm lạnh" đầu thu. Hơi may tỏa khắp mọi nơi. Lá thu, lá vàng rụng bay bay, xoay xoay theo chiều gió, để lại tiếng thu xao xác trên những phố dài.

    Cảnh giã biệt phố cũ của "người ra đi" buồn lẳng lặng. Khách chinh phu của thời đại "ôm chí nhớn" ra đi, cố nén lại bao tâm tư trĩu lòng. "Đầu không ngoảnh lại" là một tâm thế của li khách. "Người ra đi" xa dần, xa dần năm cửa ô, chốn cũ yêu thương, tuy "đầu không ngoảnh lại" nhưng vẫn cảm thấy có bao nhiêu nắng thu, lá thu "rơi đầy" trên hè phố, thềm đường ở phía sau lưng mình. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Tâm trạng của người ra đi buổi sáng sớm đầu thu ngày xưa ấy như vương vấn mang theo một mảnh trời thu Hà Nội với nắng vàng và lá thu rơi. Có nhiều người đã đưa ra các cách ngắt nhịp cảm thụ vẻ đẹp câu thơ cuối đoạn: ngắt nhịp 3/4 hoặc 4/3; lại có người cho rằng nên ngắt nhịp 2/5 để làm rõ chủ thể trữ tình với không gian nghệ thuật:

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

    Qua đoạn thơ, ta thấy ngòi bút nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi thật là tài hoa. Lời thơ trong sáng, dịu buồn. Vẻ đẹp và hồn thu đất nước, hồn thu Hà Nội như được tinh lọc trong tâm hồn tác giả, trở thành hành trang của "người ra đi".

    Cuộc đời đã đổi thay, đất nước đã đổi thay nên vẻ đẹp mùa thu đất nước cũng đổi thay kì lạ. Câu thơ bảy tiếng bỗng co ngắn lại, giọng thơ như một tiếng reo cất lên náo nức:

    Mùa thu nay khác rồi

    Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

    Gió thổi rừng tre phấp phới

    Trời thu thay áo mới

    Trong biếc nói cười thiết tha.

    Không gian nghệ thuật được nói đến là núi đồi chiến khu, là "rừng tre phấp phới" trong gió thu. Cả một trời thu bao la, xao động, tươi sáng lên, ánh lên tươi thắm như "thay áo mới". Đất nước buổi thu vẻ đẹp tươi lạ thường và dào dạt sức sống. Có sắc thu "trong biếc", có tiếng thu là âm thanh "nói cười thiết tha" xôn xao. Hình ảnh "tôi đứng vui nghe" biểu lộ một tâm thế một tư thế, một cảm xúc nhiều thơ mộng, nhiều tự hào trước vẻ đẹp và niềm vui khi đất nước vào thu. Đó là mùa thu chiến khu Việt Bắc, mùa thu kháng chiến thời chống Pháp.

    Những câu thơ bảy tiếng, năm tiếng đan xen vào nhau hòa quyện vào nhau tạo nên giọng thơ mạnh mẽ, hào hùng. Hình ảnh đất nước hiện lên tráng lệ hùng vĩ với "trời xanh", với "núi rừng", với những cánh đồng, những ngả đường, những dòng sông… Các tính từ: "xanh, thơm mát, bát ngát, đỏ nặng" là những nét vẽ, những gam màu tô đậm cái hồn đất nước, không chỉ là một giang sơn gấm vóc mà còn biểu lộ biết bao yêu mến tự hào về sự bền vững của đất nước bốn nghìn năm. Các điệp ngữ "đây là của chúng ta", "những" (cánh đồng, ngả đường, dòng sông) như những nốt nhấn, lúc bổng, lúc trầm của bài ca Tổ quốc, thể hiện ý chí tự lập tự cường và tinh thần làm chủ đất nước của quân và dân ta. Ngọn gió thời đại, ngọn gió của cách mạng và kháng chiến đã làm cho những vần thơ viết về mùa thu, về đất nước của Nguyễn Đình Thi cất cánh bay lên. Đây là đoạn thơ đẹp nhất trong bài thơ "Đất nước", trở thành câu thơ trong trí nhớ của hàng triệu con người Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua:

    Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

    Khổ thơ tiếp theo, tác giả nói lên những suy ngẫm về đất nước và dân tộc. Lời thơ vang lên như một tuyên ngôn về Tổ quốc và dáng đứng Việt Nam trong trường kì lịch sử:

    Nước chúng ta

    Nước những người chưa bao giờ khuất

    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

    Những buổi ngày xưa vọng tiếng về.

    Câu thơ thất ngôn bỗng rút ngắn lại còn ba tiếng; vần trắc (khuất – đất) như dồn nén lại, thắt lại, làm cho âm điệu thơ trầm hùng thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Tiếng nói của tổ tiên ông bà, tiếng gươm khua trên sông Bạch Đằng, "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, … vẫn "đêm đêm rì rầm trong tiếng đất", vẫn "vọng nói về", nhắn nhủ con cháu ngẩng cao đầu đi tới để bảo vệ và xây dựng đất nước hùng cường bền vững đến muôn đời.

    Đất nước trong máu lửa

    Phần thứ hai bài thơ nói về đất nước trong máu lửa. Một chữ "ôi" cảm thán cất lên đau đớn nghẹn ngào:

    Ôi những cánh đồng quê chảy máu

    Dây thép gai đâm nát trời chiều

    Những đêm dài hành quân nung nấu

    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

    Các từ ngữ "chảy máu", "đâm nát" gợi tả cảnh đau thương của đất nước đang bị quân thù chiếm đóng, dân ta đang bị quân giặc tàn sát dã man. Luống cày, cánh đồng "chảy máu" . đồn giặc dựng lên khắp nơi . bầu trời quê hương đang bị "đâm nát " bởi trùng trùng giây thép gai đồn giặc. Người chiến sĩ hành quân ra trận với sức mạnh của lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương. Các từ láy "nung nấu" , "bồn chồn" diển tả thật hay quyết tâm và tình cảm mảnh liệt, sâu sắc ấy.

    Trong chiến đấu gian lao và đau thương càng thấy vẽ đẹp quê hương " ngời lên". Lòng căm thù giặc càng thêm "sục sôi". Các từ " bay, thẳng, đứa" thế hiện lòng căm thù, sự khinh bỉ của nhân dân ta đối với quân xâm lược.

    Thằng giặc tây, thằng chúa đất

    Đứa đè cổ đứa lột da.

    Độc lập tự do là lí tưởng chiến đấu, là niềm tin "đi tới và làm nên thắng trận". Tác giả phủ định: quân thù "không khóa được", "không bắn được", để từ đó khẳng định sực sống bền vững của đất nước ta, tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Câu thơ như một chân lí lịch sử được cô đúc mà thành:

    Trời đầy chim và đất đầy hoa

    Lòng dân ta yêu nước thương người.

    Cuộc kháng chiến chống pháp( 1946 - 1954) là một cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh do đảng và bác hồ lãnh đạo, mang tính chất toàn dân, toàn diện, trường kì, nhất định thắng lợi. Cả đất nước, cả dân tộc quất khởi đứng lên. Cảnh tượng thật hào hùng đang diễn ra khắp mọi miền đất nước, từ rừng núi chiến khu đến khắp các cánh đồng làng quê:

    Khói nhà máy cuộn trong sương núi

    Kèn gọi quanh văng vẳng cánh đồng.

    Anh bồ đội Cụ Hồ là người nông dân mặc áo lính. Người anh hùng thời đại là "những người áo vải", là la văn Cầu, Củ Chính Lan, Nguyễn Quốc Trí, Nguyễn Thị Chiến, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diệu... là hàng ngàn hàng vạn thanh niên yêu tú của đân tộc.

    Ôm đất nước những người áo vãi

    Đã đứng lên thành những anh hùng.

    Con đường ra trận kéo dài hơn ba ngàn ngày khói lữa. Có biết bao máu đổ sương rơi. Trong "nắng đốt" và " mưa giội", trong chiến đấu và hi sinh, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng, về đất nước độc lập, hòa bình tỏa sáng tâm hồn quân và dân ta như ngọn lữa " cháy rực" như ánh bình minh "bát ngát":

    Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

    Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

    Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

    Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

    Đất nước chiến thắng

    Được viết theo thể thơ lục ngôn:

    Người lên như nước vỡ bờ

    Nước việt nam từ máu lữa

    Rũ buồn đứng dậy sánh lòa.

    Tác giả đã vận dụng thành ngữ, tục ngữ "tức nước vỡ bờ" để ca ngời tư thế và sức mạnh chiến đấu và chến thắng của dân tộc ta . tác giả cho biết "Rũ buồn đứng dậy sáng lóa" là hình ảnh của người chiến sĩ Điện Biên từ các chiến hào dũng mãnh xông lên trong những ngày tổng công kích đấu tháng 5-1954.

    "Đất nước" là hồn thơ chiến sĩ, tiêu biểu cho bốn hồn thơ Nguyễn Đình Thi. Viết về chủ đề quê hương , đất nước trong chiên tranh, thơ Nguyễn Đình Thi mang tính khái quát , chất trưc tình đằm thắm kết hợp hài hòa với chất chính luận sâu sắc để lại một số câu thơ, đoạn thơ đẹp, đầy ấn tượng. Ngôn ngữ thơ tinh luyện, sắc nét, chan chứa nồng độ súc cảm. Câu thơ biến hóa : thất ngôn, lục ngôn, có lúc đán sen vào câu thơ ba tiếng , năm tiếng đã làm cho giọng thơ biến hóa: lúc man mác, bồn chồn, luc dồn dập mạng mẽ.

    Hình tượng đất nước vừa mang vẽ đẹp hiền hòa trong sắc thu, hương thu, mang cái bát ngát của quân và dân ta trong những năm dài kháng chiến.

    "Đất nước" là bài thơ kiệt tác, mà người đọc lúc nào cũng cảm thấy mới mẽ, niềm tự hào dân tộc cứ lâng lâng mãi tâm hồn mỗi chúng ta.

Phân tích bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi và nói lên cảm nghĩ của em - mẫu 2

Nguyễn Đình Thi sáng tác bài thơ Đất nước bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành vào năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài thơ gồm hai phần. Phần đầu được hình thành trên cơ sở những đoạn trích từ hai bài Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Phần sau được viết năm 1955. Đất nước được nhìn qua một không gian – thời gian độc đáo: mùa thu với mốc son lịch sử là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tuy được viết trong những thời gian khác nhau nhưng cảm hứng thơ vẫn liền mạch và bài thơ là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.

Nguyễn Đình Thi đã đúc kết những cảm xúc và suy ngẫm của mình về đất nước trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Cảm hứng thơ của tác giả kéo dài theo suốt hành trình kháng chiến, được nối kết với lịch sử oai hùng bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước và liên tưởng mở rộng tới tương tai tươi sáng của cách mạng. Đó chính là cảm hứng về một đất nước vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần được triển khai theo hướng từ cụ thể đến khái quát.

Trong bài thơ này, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình về đất nước bằng hình ảnh mùa thu xưa, mùa thu nay và hình ảnh đất nước đau thương, bất khuất, anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thông qua đó, nhà thơ bày tỏ tình yêu đất nước, lòng căm thù giặc, niềm tự hào, niềm tin son sắt vào tương lai tươi sáng của dân tộc và đất nước.

Bài thơ chia làm hai đoạn: đoạn thứ nhất từ đầu đến …vọng nói về, đoạn thứ hai là phần còn lại. Mạch cảm xúc và suy tưởng cũng là kết cấu cơ bản của bài thơ. Khởi đầu là cảm xúc về một sớm mùa thu ở chiến khu Việt Bắc gợi nhớ về mùa thu đã xa của Hà Nội. Nỗi nhớ về mùa thu xưa dẫn dắt cảm xúc về mùa thu nay, mùa thu cách mạng với niềm tự hào của người công dân được làm chủ đất nước. Cảm xúc nâng cao, mở rộng về đất nước trong đau thương, căm hờn đã vùng lên chiến đấu bất khuất và chiến thắng vẻ vang : Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Mở đầu bài thơ là cảm giác lâng lâng của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời mùa thu Việt Bắc, gợi nhớ về những ngày thu đã xa của Hà Nội mến yêu:

    “Sáng mát trong như sáng năm xưa,

    Gió thổi mùa thu hương cốm mới.”

Chỉ bằng vài nét gợi tả mà tác giả đã thể hiện được không gian, thời gian, màu sắc, hương vị của mùa thu : không khí mát trong, gió thổi phảng phất mùi hương cốm mới, kết tinh của hương vị đất trời, cây cỏ mùa thu. Hình ảnh mùa thu trong quá khứ và thực tại đan xen trong tâm tưởng của nhà thơ.

Mùa thu Hà Nội với những nét đặc trưng của khung cảnh thiên nhiên và con người hiện ra thật cụ thể, sinh động:

    “ Tôi nhớ những ngày thu đã xa

    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

    Những phố dài xao xác hơi may

    Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Làn gió heo may se lạnh thổi dọc lòng những con phố nhỏ, làm xao xác hàng cây, với những thềm nắng lá rơi đầy. Ẩn sau những câu thơ tả cảnh là Hà Nội thanh lịch có bề dày bốn nghìn năm lịch sử với Hồ Tây, Hồ Gươm, đền vua Lê, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Những di tích, danh lam thắng cảnh ấy là niềm tự hào to lớn của bao thế hệ người Hà Nội. Mùa thu Hà Nội giống như một bức tranh với đường nét mềm mại, màu sắc và ánh sáng hòa hợp gây ấn tượng sâu đậm, chất chứa tâm trạng. Trên cái nền phong cảnh ấy nổi bật lên hình ảnh những chiến sĩ hào hoa, dũng cảm, tạm xa Thủ đô thân yêu để lên đường kháng chiến. Người ra đi đầu không ngoảnh lại đầy ý chí và quyết tâm nhưng lòng thì vẫn vấn vương, vẫn cảm nhận được bằng cả tâm hồn cái sắc vàng xao xuyến : Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Câu thơ vừa thực vừa ảo. Tình thơ vương bao nhiêu lưu luyến bên trong. Nhịp thơ ngập ngừng, bâng khuâng như lòng người bâng khuâng, quyến luyến. Thấp thoáng đâu đó trong câu thơ là bóng dáng khách chinh phu dứt áo ra đi vì nghĩa lớn : Tráng sĩ nhất khứ bất phục phản (Tráng sĩ một đi không trở lại). Cái không khí chớm lạnh, cái sắc nắng thu vàng một màu li biệt càng làm tăng thêm phong vị cổ điển của câu thơ, cảnh thu Hà Nội đẹp nhưng buồn vắng đến nao lòng.

Có thể nói bốn câu thơ miêu tả mùa thu Hà Nội là những câu thơ gây ấn tượng nhất trong bài. Nó phản ánh tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa của Nguyễn Đình Thi. Dường như nỗi buồn, sự lưu luyến, xao xuyến, nhớ nhung của nhà thơ, vương vấn trong cái chớm lạnh của buổi đầu thu, trong xao xác hơi may, trong khung cảnh thềm nắng lá rơi đầy. Đặt tính từ xao xác trước hơi may là tác giả có ý nhấn mạnh đến nét đáng yêu, đáng nhớ nhất của gió thu và âm thanh tiêu biểu nhất của mùa thu. Nhịp điệu, âm hưởng thơ mang nỗi buồn man mác, hợp với khung cảnh huyền ảo của mùa thu Hà Nội. Nhà thơ đã phác họa nên bức tranh mùa thu Hà Nội với những đường nét mềm mại, màu sắc trong sáng làm xúc động lòng người, để lại ấn tượng khó phai. Đây cũng chính là biểu hiện của tình yêu Hà Nội thiết tha, say đắm và tình yêu ấy khiến cho cảm hứng của thi sĩ thăng hoa.

Đề bài: Phân tích và so sánh hình tượng đất nước trong hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.

Phân tích và so sánh hình tượng đất nước trong hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm - mẫu 1

    Bài thơ cùng tên của hai nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi – Đất nước là những bài thơ hay, xuất sắc, để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc, về cách mà các nhà thơ khái quát hình tượng đất nước. Bằng tài năng và sự nghiêm cứu, chiêm nghiệm của mình mỗi nhà thơ có những phát hiện riêng, để hoàn chỉnh hình tượng đất nước.

    Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, hình tượng đất nước được tác giả tìm tòi, khám phá trên nhiều phương diện, trải qua nhiều thời gian lịch sử khác nhau. Để nói về sự hình thành của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đi tìm về mạch nguồn văn hóa, trong chín câu thơ đầu, ông tập trung đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “đất nước có từ bao giờ?”. Cách lí giải của ông rất lạ và độc đáo, đất nước có từ miếng trầu bà ăn, chỉ bằng một miếng trầu nhỏ bé, bình dị nhưng lại là minh chứng rõ ràng cho nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc. Bằng sự lí giải riêng đậm chất văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định, đất nước chỉ thực sự hình thành khi có một nền văn hóa riêng. Tiếp tục mạch nguồn đó, ông đi tìm quá trình đất nước lớn lên:

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

    Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo cái cột thành tên

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sáng

    Đất Nước có từ ngày đó

    Tác giả đã điểm rất nhanh những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, quá trình đấu tranh bền bỉ của cha anh, đã khái quát lại chính xác và đầy tự hào về sự hình thành của đất nước. Ẩn đằng sau câu thơ là niềm tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc.

    Để tiếp tục làm rõ khái niệm, hình tượng về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát diện mạo đất nước trên phương diện địa lí. Đất nước là nơi hết sức thân thuộc, là nơi anh đến trường, là nơi em tắm, nó chính là nơi mà chúng ta sinh sống hàng ngày, là không gian sinh hoạt gần gũi, quen thuộc của con người. Không dừng lại ở đó, đất nước của là nơi: “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” và “con cá ngư ông móng nước biển khơi” câu thơ cho ta thấy, đất nước còn là không gian rừng vàng bể bạc, giàu có. Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử, đất nước còn là nơi “chim về” nơi “rồng ở” gắn với truyền thuyết về sự ra đời của con người Việt Nam. Câu thơ đã khẳng định, đất nước còn là không gian sinh tồn của một dân tộc có nguồn gốc cao quý.

    Không dừng lại ở đó, Nguyễn Khoa Điềm còn phát hiện ra chất keo kết dính để tạo nên một đất nước hoàn chỉnh, đó chính là tình yêu. Tình yêu trước hết là tình yêu nam nữ, tình yêu nhỏ bé. Nhưng lớn hơn chính là tình yêu cộng đồng, tập thể, sự gắn bó keo sơn, đoàn kết của con người tạo nên một khối thống nhất vững vàng, không gì có thể lay chuyển được. Như vậy, hình tượng đất nước trong tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm là một thực thể thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cái cá nhân với cộng đồng. Chỉ khi có sự hòa quyện thực thụ này thì đất nước mới có thể tồn tại vững bền.

    Trong phần thơ thứ hai, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục khắc rõ hơn nữa hình tượng đất nước:

    Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    

    Những người dần nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

    Đoạn thơ đã liệt kê hàng loạt địa danh, trải dài từ Bắc đến Nam, những địa danh này có cái là danh lam thắng cảnh có cái lại chỉ là tên làng bình dị, mộc mạc. Ông đã trở thành người thợ vẽ bản đồ - một tấm bản đồ bằng thơ để cho thấy sự thống nhất, toàn vẹn của đất nước. Đồng thời những địa danh này còn gắn với những cảnh ngộ, số phận của người dân, những con người bình dị, vô danh. Điệp từ “góp nên” là lời khẳng định sâu sắc nhất đất nước chính là do nhân dân tạo ra, đất nước là sự hóa thân thiêng liêng của nhân dân. Ở đoạn thơ tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm nhìn đất nước trên phương diện lịch sử, để thấy được những con người vô danh đã làm nên đất nước: “Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/…/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Chính họ những con người bình dị, vô danh đã ngã xuống đem hòa bình cho dân tộc; lại cũng chính những con người ấy đã gây dựng, lưu giữ và truyền lại phong tục tập quán cho thế hệ sau.

    Như vậy, hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự tổng hòa của bề dày lịch sử, không gian địa lí và quan trọng nhất đất nước được kết tinh từ văn hóa, phong tục tập quán lâu đời. Đây là những phát hiện mới mẻ, và đã làm nổi bật được tư tưởng đất nước nhân dân trong thơ ông.

    Nếu như Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mang đậm màu sắc dân gian, thì Đất Nước của Nguyễn Đình Thi lại giàu chất hiện đại. Bài thơ mở đầu mùa thu trong sáng, mùa thu gắn liền với sự thành công của cách mạng, với hình ảnh đặc trưng của đất nước:

    Những cánh đồng thơm ngát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng song đỏ nặng phù sa

    Và đất nước còn hiện lên với truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần quật khởi ấy lại trở nên sôi nổi, mạnh mẽ, “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh): “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng về”.

    Ở phần thơ tiếp theo, đất nước được Nguyễn Đình Thi tái hiện trên hai phương diện tưởng chừng là đối lập nhưng thực chất lại rất hài hòa với nhau: đó là một đất nước đầy đau thương, mất mát, với một đất nước kiên cường, quật khởi.

    Trong những năm kháng chiến, đất nước hiện lên với những đau thương mất mát, biết bao người đã ngã xuống: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đêm nát trời chiều” đã tố cáo đầy đủ tội ác của giặc. Nhưng đồng thời đất nước đó cũng hết sức anh dũng, kiên cường: “Xiềng xích chúng bay không khoa được/…/ Lòng dân yêu nước thương nhà”. Tinh thần quật khởi, và lòng yêu nước nồng nàn là động lực to lớn để họ đứng dậy đấu tranh giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc. Đặc biệt trong hình ảnh: “Súng nổ rung trời giận dữ/…/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một bức tranh dữ dội, vừa hoành tráng đã khái quát đầy đủ nhất chiến công vang dội của dân tộc, là bước ngoặt chuyển mình của đất nước, từ thân phận nô lệ, đau thương trở nên mạnh mẽ, tỏa sáng, làm chủ vận mệnh của mình.

    Hai hình tượng đất nước đều được xây dựng trên cơ sở tình cảm, cảm xúc chân thành, mãnh liệt của hai tác giả. Bài thơ thể hiện niềm tự hào sâu sắc của hai ông, cùng với đó là những nhận thức thấm thía về quá trình đấu tranh của dân tộc. Bên cạnh những điểm tương đồng, hình tượng đất nước trong hai bài vẫn mang những nét khác biệt. Nếu như đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đi sâu vào chất dân gian, chiều sâu văn hóa và trên phương diện địa lí, lịch sử; thì đất nước của Nguyễn Đình Thi lại đậm đà chất hiện đại. Nguyễn Đình Thi khắc họa đất nước với hai nét nổi bật vừa trái ngược, vừa hài hòa với nhau; còn Nguyễn Khoa điềm lại đi sâu vào những hình ảnh dân tộc với việc nối liền quá khứ và tương lai. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Khoa Điềm là niềm tin vào bản sắc văn hóa dân tộc, còn Nguyễn Đình Thi niềm tin hướng đến tương lai.

    Có sự khác biệt giữa cách xây dựng hình tượng đất nước là do, hai tác phẩm được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau. Hơn nữa do đặc trưng phong cách của mỗi nhà thơ là sự khác nhau. Đồng thời sáng tạo nghệ thuật là một hành trình đổi mới, sáng tạo, không lặp lại chính mình và người khác. Bởi vậy, cùng với một chất liệu nhưng mỗi nhà thơ lại có những sáng tạo riêng.

    Bằng tài năng và phong cách thơ độc đáo, không hòa lẫn, cả hai nhà thơ đã xây dựng lên hình tượng đất nước xuất sắc. Ở mỗi tác phẩm đem đến cho người đọc những phát hiện, những vẻ đẹp đa diện, đa chiều của đất nước, để từ đó hoàn chỉnh hơn chân dung, hình tượng đất nước. Qua hai tác phẩm này ta cũng thấy được tài năng nghệ thuất xuất sắc của hai tác giả.

Phân tích Hình tượng đất nước trong hai bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi (dàn ý + 3 mẫu)

Phân tích và so sánh hình tượng đất nước trong hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm - mẫu 2

   Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ... tiếp nối bền vững qua mỗi thời kì. Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm gặp gỡ nhau ở đề tài ấy. Hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, gian khổ lại thêm một lần tạo nên hoàn cảnh đặt biệt để xuất hiện những vần thơ yêu nước với cách thể hiện độc đáo.

    Tuy nhiên, về cơ bản hai nhà thơ đã có những cách biểu hiện riêng về đất nước.

    Đất nước của Nguyễn Đình Thi được khởi viết từ năm 1948 đến năm 1955 mới hoàn thành. Cảm hứng của nhà thơ đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cảm hứng ấy còn được liên hệ với quá khứ và mở rộng tới tương lai về một đất nước hiền hòa mà bất khuất vươn dậy thần kì trong chiến thắng huy hoàng. Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi mang màu sắc hiện đại. Nói như vậy không có nghĩa là bài thơ thiếu đi nét dân tộc, nét truyền thống. Tính dân tộc thể hiện trong vẻ đẹp trường cửu của mùa thu xứ sở, của gió heo may, của hương cốm mới. đặc biệt là cảm giác mát trong xao xuyến hồn người, một cảm giác gợi nhớ bâng khuâng:

    "Sáng mát trong như sáng năm xưa

    Gió thổi mùa thu hương cốm mới

    Tôi nhớ những ngày đã xa"

    Bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi được mở đầu với vẻ đẹp trường cửu ấy của mùa thu xứ sở. Tiếp đến là những hình ảnh mang đậm sắc màu Việt Nam trong chiều sâu tâm hồn dân tộc:

    "Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

    Hình tượng đất nước hiện ra với những hình ảnh thơ xúc động nối với mạch ngầm truyền thống dân tộc:

    "Nước chúng ta

    Nước những người chưa bao giờ khuất

    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

    Những buổi ngày xưa vọng nói về"

    Tuy nhiên, nhìn toàn bài, màu sắc hiện đại vẫn nổi lên khá rõ. Đó là một đất nước trong chiến tranh vệ quốc của thế kỉ XX. Hình tượng đất nước được ấp ủ, trải nghiệm, đúc kết trong suốt cuộc kháng chiến chín năm. Khi nói về những đau thương, hình tượng đất nước được thể hiện với những hình ảnh hiện đại, cách nói hiện đại:

    "Ôi những cánh đồng quê chảy máu

    Dây thép gai đâm nát trời chiều"

    Trong chiến tranh, đất nước bao giờ cũng gắn với những đau thương, tang tóc nhưng nếu trong thơ truyền thống là những hình ảnh: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ" (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo) thì trong thơ Nguyễn Đình Thi, đó là hình ảnh cánh đồng "chảy máu", "dây thép gai đâm nát trời chiều", những hình ảnh gắn với tư duy thơ hiện đại. Những hình ảnh gợi nỗi đau vô tận và sự căm thù vô biên.

    Từ trong đau thương uất hận, dân tộc ta đã đứng lên với tinh thần bất khuất:

    "Xiềng xích chúng bay không khóa được

    Trời đầy chim và đất đầy hoa

    Súng đạn chúng bay không bắn được

    Lòng dân ta yêu nước, thương nhà".

    Để thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã dùng những hình ảnh thơ hiện đại. "Xiềng xích" là cái hữu hạn, "trời đầy chim và đất đầy hoa" là cái vô hạn. "Súng đạn" là cái cụ thể, "lòng dân ta yêu nước thương nhà" là cái trừu tượng. Dùng cái cụ thể để "bắn" cái trừu tượng cũng như dùng cái hữu hạn để "khóa" cái vô hạn là không thể. Điều đó nói lên sự bất lực của kẻ thù và sự bất diệt của dân tộc ta.

    Đặc biệt là hình tượng đất nước trong ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trong chiến thắng chói lòa:

    "Súng nổ rung trời giận dữ

    Người lên như nước vỡ bờ

    Nước Việt Nam từ máu lửa

    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

    Đây là đỉnh cao của cảm xúc, suy tư về đất nước. Bức chân dung đất nước vừa cụ thể vừa âm vang chiến trận vừa vươn tới hình tượng sử thi hoành tráng giàu sức khái quát. Khổ thơ là một khám phá về hình tượng đất nước trong ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nước Việt Nam từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương trong máu lửa bứt dậy mạnh mẽ làm nên thiên thần thoại lịch sử chói sáng, chiến thắng huy hoàng. Đó là chân dung của một nước Việt Nam chói ngời trên nền của lửa máu, bùn lầy và khói đạn, một nước Việt Nam sừng sững kiêu hãnh giữa thế kỉ XX trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

    Vẫn tiếp tục cảm hứng về đất nước, hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm lại là một Đất Nước trong màu sắc văn hóa dân gian. Nhà thơ đã dùng một đất nước của ca dao, thần thoại để thể hiện hình tượng đất nước, thể hiện tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân". Cách nói vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Quen thuộc bởi dân gian cũng đồng nghĩa với nhân dân, một nhân dân ở phần cơ bản nhất, đậm đà nhất, dễ thấy nhất. Còn mới mẻ là bởi những chất liệu văn hóa dân gian được soi vào hình hài đất nước, gợi ra một đất nước vừa gần gũi vừa đậm chất thơ, vừa bình dị vừa vĩnh hằng trường cửu.

    Khi nói về sự hình thành, lớn lên của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện gương mặt đất nước hiện ra từ chiều sâu của văn hóa dân gian, của phong tục tập quán từ lời kể của bà, lời ru của mẹ, từ muối mặn, gừng cay, từ những giọt mồ hôi vất vả, tảo tần.

    Đất nước là những gì quen thuộc mà cũng đầy tôn kính, thiêng liêng:

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

    Đất Nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể

    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

    Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo, cái cột thành tên

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng

    Đất Nước có từ ngày đó... "

    Khái niệm đất nước tiếp tục được làm rõ trong thước đo của "thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông", thước đo của lịch sử, địa lí. Nói đến chiều sâu lịch sử cũng đồng thời là chiều sâu vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam. Đó là huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, là truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ, những huyền thoại, truyền thuyết gợi ra quá trình sinh thành và lớn lên của dân tộc, cũng là quá trình trưởng thành bền vững của hình tượng đất nước.

    Không gian địa lí không chỉ là núi, sông, đồng, bể... mà còn là không gian gần gũi với cuộc sống của mỗi người (Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm). Đất nước cũng là không gian sinh tồn của cộng đồng qua bao thế hệ. Đất nước hóa thân trong mỗi con người (Trong anh và em hôm nay / Đều có một phần đất nước). Hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cái nhỏ bé với cái lớn lao, giữa cái cụ thể với cái trừu tượng, giữa vật chất với tinh thần. Hình tượng đất nươc được soi chiếu trong cái nhìn của văn hóa dân gian. Từ kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đẹp đẽ đó, nhà thơ phát hiện ra một đất nước đầy thi vị lại giàu chất trí tuệ.

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

    Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

    Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

    Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

    Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên

    Con cóc, con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm"

    Những cái tên, những cảnh trí của thiên nhiên đất nước được cảm nhận qua cảnh ngộ, số phận của nhân dân. Những núi, sông, ruộng đồng, gò bãi... như là sự hóa thân những phẩm chất cao đẹp của nhân dân. Chính hình tượng đất nước được tạo nên từ những chất liệu đặc biệt ấy mà trở nên thiêng liêng, thân thiết bội phần.

    Hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm có bề dày bốn nghìn năm của một nhân dân vô danh đã dựng lên đất nước:

    "Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

    Họ đã sống và chết

    Giản dị và bình tâm

    Không ai nhớ mà đặt tên

    Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"

    Như vậy, hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa có bề dày của lịch sử, bề rộng của không gian địa lí, bề sâu của văn hóa, phong tục tập quán. Tất cả đều được nhìn trong cái nhìn của văn hóa dân gian. Chính những phát hiện cùng với cách thể hiện mới mẻ ấy đã nêu bật được một tư tưởng cốt lỗi: "Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại". Nguyễn Khoa Điềm đã chọn lọc những cái tiêu biểu nhất, có ý nghĩa nhất của văn hóa dân gian và "chế biến" nó để vận dụng sáng tạo vào thơ mình. Vì vậy, những yếu tố đó đã hòa nhập khá tự nhiên với tư duy và cách diễn đạt hiện đại tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc vừa mới mẻ cho bài thơ. Đó chính là những đóng góp quan trọng của giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại khi tạo dựng chân dung đất nước trong thời đại mới.

    Đất nước của Nguyễn Đình Thi hay Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đều thể hiện tình yêu quê hương đất Việt sâu sắc và cảm động. hình tượng đất nước trong hai bài thơ là sự cảm nhận về đất nước trong ý thức mới đầy tính nhân văn của thời đại Hồ Chí Minh. Một gương mặt đất nước mang màu sắc hiện đại trong thơ Nguyễn Đình Thi. Một hình tượng đất nước đậm đà phong vị dân gian trong thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đem lại cho người đọc hôm nay những rung động thẩm mĩ và những cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về Tổ quốc và nhân dân, từ đó thể hiện sâu sắc hơn tình yêu và ý thức trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân mình.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Dọn về làng (Nông Quốc Chấn)

Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)

Đò lèn (Nguyễn Duy)

Sóng

Đàn ghi-ta của lor-ca (Thanh Thảo)

1 49,900 13/07/2022
Tải về