Soạn bài Viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội (trang 103) Cánh diều

Với soạn bài Viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội trang 103 Ngữ văn lớp 12 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1 69 21/10/2024


Soạn bài Viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội trang 103

1. Định hướng

1.1. Bài phát biểu ở đây được hiểu là bài trình bày ý kiến của người nói một cách trang trọng trong hoàn cảnh cụ thể, thường là trong các sự kiện đặc biệt. Đây là dạng văn bản phổ biến, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực với nhiều mục đích khác nhau. Tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng cũng như những nội dung của sự kiện mà bài phát biểu sẽ được viết theo những cách nhất định.

Bài phát biểu trong buổi lễ phát động một phong trào hay một hoạt động xã hội là bài trình bày để hưởng ứng, ủng hộ mục đích và nội dung của phong trào hay hoạt động xã hội đó. Ví dụ: bài phát biểu trong lễ phát động trồng cây nhằm bảo vệ môi trường, bài phát biểu trong lễ phát động quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, bài phát biểu trong lễ phát động nhân dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa",...

1.2. Để viết được bài phát biểu trong buổi lễ phát động một phong trào hay một hoạt động xã hội, các em cần lưu ý:

- Tìm hiểu về thời gian, địa điểm, mục đích, nội dung chính của buổi lễ ấy.

- Xác định và tìm hiểu về người nghe (lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, nguyện vọng,...).

- Xác định bố cục của bài phát biểu (có mở đầu, nội dung chính và kết thúc); lựa chọn và sắp xếp nội dung phát biểu theo bố cục đã lựa chọn. Nội dung phát biểu cần đúng trọng tâm, rõ ràng, mạch lạc.

- Lựa chọn từ ngữ, các phương tiện hỗ trợ (tranh, ảnh, đoạn phim ngắn,...) để làm nổi bật thông điệp mà em muốn truyền đạt.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập (trang 103 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chọn một trong hai đề sau:

(1) Học trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều học sinh ở trường hoặc địa phương em có hoàn cảnh khó khăn, chưa có máy tính để học trực tuyến. Nhằm hỗ trợ những học sinh ấy có điều kiện để học tập hiệu quả, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường em tổ chức lễ phát động phong trào quyên góp máy tính để tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Em được đề nghị phát biểu trong buổi lễ đó. Hãy viết bài phát biểu của em.

(2) Ở Việt Nam, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới (Tháng hành động) được triển khai từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 hằng năm (bắt đầu từ năm 2016). Tháng hành động đóng vai trò là chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động hưởng ứng với các quy mô khác nhau trên cả nước. Mỗi năm một chủ đề, Tháng hành động đã góp phần mạnh mẽ trong việc thu hút sự quan tâm và tham gia của nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới."

Năm nay, địa phương em có tổ chức một buổi lễ phát động để hưởng ứng Tháng hành động trên. Em được mời phát biểu tại buổi lễ với tư cách là đại diện cho học sinh phổ thông của địa phương. Hãy viết bài phát biểu của em.

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)

Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề:

- Thời gian, địa điểm phát biểu: trong buổi lễ phát động của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Nội dung chính của bài phát biểu: lí do tham dự lễ phát động, nguyên nhân và ý nghĩa của việc quyên góp và tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, một số cách thức quyên góp phù hợp.

- Đối tượng (người nghe phát biểu): giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, một số nhà hảo tâm,...

- Mục đích hoặc động cơ phát biểu: hưởng ứng nội dung của lễ phát động. Ngoài ra, em cần sử dụng các phương tiện hỗ trợ (tranh, ảnh, đoạn phim ngắn,...) nếu cần.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài phát biểu bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Lí do tham dự lễ phát động của em là gì?

+ Em có cảm xúc gì khi tham dự lễ phát động này?

+ Vì sao phải quyên góp và tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

+ Việc làm đó có ý nghĩa như thế nào?

+ Mọi người có thể quyên góp và tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng những cách nào?

+ Em và các bạn học sinh trường em sẽ làm gì để góp phần làm cho lễ phát động được thành công?

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.

c) Viết

- Viết bài phát biểu theo dàn ý đã lập.

- Chú ý sử dụng ngôn ngữ và các phương tiện hỗ trợ phù hợp; thể hiện sự chân thành, nghiêm túc và mong muốn buổi lễ phát động được thành công.

* Bài viết mẫu tham khảo:

Lời đầu tiên, em xin phép được lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất tới quý thầy cô giáo, quý vị phụ huynh và các nhà hảo tâm cùng toàn thể các bạn học sinh đang có mặt tại sân trường ngày hôm nay.

Kính thưa các thầy cô giáo, các vị phụ huynh, cùng các nhà hảo tâm và toàn thể các bạn học sinh thân mến !

Hôm nay, em rất vinh dự khi được thay mặt Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phát động phong trào quyên góp máy tính trao tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời đại hội nhập ngày nay, khi công nghệ thông tin đang phát triển với tốc độ chóng mặt, việc học trực tuyến lại ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có máy tính để học trực tuyến. Điều đó đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Nhằm hỗ trợ những học sinh ấy có điều kiện để học tập hiệu quả, em rất mong nhận được sự ủng hộ từ phía nhà trường, các vị phụ huynh, các nhà hảo tâm và toàn thể các bạn học sinh tại trường THCS Nguyễn Du, cùng hỗ trợ quyên góp để thể hiện nghĩa cử cao đẹp, đưa đến điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh, cũng như động viên và khích lệ các em trên con đường học tập.

Mỗi một tấm lòng trao đi chính là một cơ hội giúp các em mở ra chân trời mới với nhiều kiến thức rộng lớn và bổ ích. Góp phần giảm bớt vất vả, thiếu thốn, mang đến niềm vui và tiếp thêm nghị lực cho những mảnh đời khó khăn.

Để ủng hộ chương trình, quý vị có thể quyên góp dưới hình thức chuyển khoản qua số tài khoản được chiếu trên màn hình. Hoặc quý vị có thể trực tiếp ủng hộ tại hộp quỹ “tình thương cho em” trong buổi lễ ngày hôm nay.

Sự ủng hộ của mọi người chính là động lực để chúng em cố gắng, là con đường giúp các bạn trẻ tìm đến ánh sáng của tri thức, lan tỏa thông điệp “trao yêu thương để nhận lại yêu thương”.

Em rất mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể các bậc phụ huynh các thầy, cô giáo, các nhà hảo tâm cùng toàn thể các bạn học sinh.

Em xin trân trọng cảm ơn !

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Viết, mục d (trang 28); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Thao tác lập luận bình luận

a) Cách thức

Bình luận là nêu nhận xét, đánh giá về sự đúng sai, thật giả, hay dở, lợi hại của các hiện tượng trong đời sống hoặc trong văn học. Trước một ý kiến, chủ trương, sự việc, con người, tác phẩm văn học,..., mọi người đều có thể bình luận nhằm bày tỏ ý kiến của mình. Bình luận có tác dụng khẳng định cái đúng, cái thật, cái hay, cái lợi; phê bình cái sai, cái dở, lên án cái xấu, cái ác nhằm làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, tiến bộ.

Muốn bình luận một vấn đề, các em cần chú ý:

- Xác định đối tượng cần bình luận và trình bày các đặc điểm của đối tượng một cách đầy đủ, khách quan.

- Nêu ý kiến bình luận của người viết:

+ Chỉ ra cái đúng, cái tốt, cái lợi, phê phán cái sai, cái xấu, cái hại một cách khách quan, trung thực.

+ Cần xem xét nhiều mặt để thấy hết tính chất, ý nghĩa của vấn đề, tránh cái nhìn thiên lệch, áp đặt.

+ Cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận khác như giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ,... để trình bày ý kiến bình luận sáng tỏ, thuyết phục và hấp dẫn.

b) Bài tập (trang 105 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

“Đối với trẻ em ở các quốc gia nghèo, kết nối mạng trong tương lai hứa hẹn cơ hội được tiếp cận những công cụ giáo dục mới, mặc dù rõ ràng là không ở cùng một mức độ như ở các quốc gia giàu có... Nó hứa hẹn rằng những đứa trẻ có khả năng tiếp cận các thiết bị di động và Internet sẽ có thể tiếp thu kiến thức bằng hai cách, qua trường lớp trong thế giới thật và thế giới ảo, ngay cả khi lớp học ảo là không chính thức và mang tính chất tự giác.

Ở những nơi mà nhu cầu cơ bản của người dân không được chính phủ đáp ứng đầy đủ, hay ở những khu vực không an toàn, những công nghệ kĩ thuật số cơ bản như điện thoại di động sẽ cung cấp các lựa chọn an toàn và rẻ tiền cho những gia đình muốn giáo dục con cái họ. Một đứa trẻ không thể đi đến trường học vì nhà ở xa, thiếu an toàn hay không có tiền đóng học phí sẽ được cứu thoát khỏi sự tăm tối nếu cô bé hay cậu bé đó có điện thoại di động. Ngay cả đối với những đứa trẻ không thể tiếp cận các kho dữ liệu hay thế giới Internet, thì những dịch vụ di động như nhắn tin và IVR (một loại công nghệ nhận dạng giọng nói có thể trả lời các thắc mắc của khách hàng bằng những thông tin thu sẵn) có thể là lối thoát giáo dục cho chúng. Cài sẵn vào các máy tính bảng và điện thoại di động các trình ứng dụng giáo dục chất lượng cao và các nội dung giải trí trước khi bán sẽ bảo đảm rằng những người “nghèo băng thông”, không có đường kết nối mạng đáng tin cậy, sẽ vẫn thu được những lợi ích từ những thiết bị này. Và đối với những trẻ em phải học theo những lớp quá tải hay thiếu giáo viên, hay chương trình học do nhà nước thiết kế quả kém, kết nối mạng thông qua thiết bị di động sẽ hỗ trợ việc học và giúp chúng phát triển được toàn bộ tiềm năng, cho dù các em xuất thân từ những gia đình nghèo.”

(Theo Sống sao trong thời đại số?, E-rích Smít (Eric Schmidt), Giác Cô-hen (Jared Cohen), NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014)

- Trong đoạn trích trên, tác giả bình luận về vấn đề gì?

- Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?

- Từ đoạn trích trên, kết hợp với những trải nghiệm của bản thân, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) bình luận về hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện kết nối mạng trong học tập của học sinh ở lớp hoặc trường của em.

Trả lời:

- Tác giả bình luận về vai trò của các thiết bị di động và Internet trong việc hỗ trợ học tập và phát triển tiềm năng ở những đứa trẻ có điều kiện khó khăn.

- Quan điểm của tác giả :

+ “Đối với trẻ em ở các quốc gia nghèo, kết nối mạng trong tương lai hứa hẹn cơ hội được tiếp cận những công cụ giáo dục mới.”

+ “Một đứa trẻ không thể đi đến trường học vì nhà ở xa, thiếu an toàn hay không có tiền đóng học phí sẽ được cứu thoát khỏi sự tăm tối nếu cô bé hay cậu bé đó có điện thoại di động.”

+ “Đối với những trẻ em phải học theo những lớp quá tải hay thiếu giáo viên, hay chương trình học do nhà nước thiết kế quá kém, kết nối mạng thông qua thiết bị di động sẽ hỗ trợ việc học và giúp chúng phát triển được toàn bộ tiềm năng, cho dù các em xuất thân từ những gia đình nghèo”

- Bình luận về hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện kết nối mạng trong học tập của học sinh :

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, việc học sinh sử dụng các phương tiện kết nối mạng, truy cập Internet diễn ra phổ biến và ngày càng gia tăng. Việc sử dụng các phương tiện kết nối mạng đã đem lại cho học sinh những lợi ích to lớn trong việc tiếp nhận thông tin và các kiến thức phục vụ học tập. Hỗ trợ tìm kiếm, tra cứu tư liệu để học tập mở rộng kiến thức trước nguồn tài nguyên to lớn nhằm phục vụ việc học tập và nghiên cứu của học sinh.

Các phương tiện kết nối mạng đưa đến thuận lợi trong việc tiếp cận những tài liệu thích hợp, bài giải, hình ảnh, cũng như cung cấp kênh kết nối, trao đổi để có thể học tập tốt hơn. Tạo môi trường học tập, để học sinh kết nối, giao tiếp và chia sẻ một cách dễ dàng. Đặc biệt, học sinh có thể tham gia các khóa học trực tuyến được đào tạo từ xa thông qua mạng Internet. Nhiều lợi ích là vậy nhưng việc sử dụng các phương tiện kết nối mạng cũng mang lại nhiều rủi ro về rò rỉ thông tin và hiện tượng hỗn loạn thông tin hay sai lệch kiến thức. Vì vậy, khi sử dụng các phương tiện kết nối mạng, học sinh cần lưu ý chọn lọc thông tin và tìm nguồn tra cứu phù hợp. Nếu kiểm soát hợp lý, các phương tiện kết nối mạng sẽ tạo ra sự tích cực, chủ động trong học tập cho học sinh.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Thực hành tiếng Việt trang 101

Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau

Xô-phi-a Cô-va-lep-xcai-a người phụ nữ phi thường

Hướng dẫn tự học trang 113

I. Tổng kết lịch sử văn học

1 69 21/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: