Soạn bài Tri thức Ngữ văn lớp 12 Tập 1 (trang 109) Cánh diều

Với soạn bài Tri thức Ngữ văn lớp 12 Tập 1 trang 109 Ngữ văn lớp 12 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1 31 lượt xem


Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 109

1. Văn tế

- Khái niệm: Văn tế là thể loại văn học chủ yếu gắn với phong tục tang lễ, bày tỏ tình cảm của người còn sống đối với người đã mất. Đôi khi văn tế biến thể được dùng trong những trường hợp đùa vui hay châm biếm, đả kích.

- Nội dung: Bài văn tế thường có hai nội dung cơ bản: tưởng nhớ người đã mất và thể hiện tình cảm của người còn sống trong giờ phút vĩnh biệt người đã mất.

- Kết cấu: bốn phần:

+ Đoạn mở đầu (lung khởi) thường bàn luận chung về lẽ sống – chết hoặc cảm tưởng khái quát về người đã mất

+ Đoạn thứ hai (thích thực) kể về cuộc đời, công đức phẩm hạnh của người đã mất (thường bắt đầu bằng cụm từ Nhớ linh xưa)

+ Đoạn thứ ba (ai vãn) nói lên niềm thương tiếc đối với người đã chết

+ Đoạn kết bày tỏ nỗi nhớ thương, lời tâm nguyện, cầu nguyện của người đứng tế Cũng có khi đoạn thứ ba và đoạn kết được ghép làm một.

- Hình thức : Văn tế có thể được viết bằng văn xuôi cổ, có đối ; văn vần; văn biền ngẫu. Văn tế có khi được viết theo thể tự do nhưng phần nhiều văn tế phỏng theo thể phú Đường luật (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

- Nghệ thuật : Văn tế thường sử dụng nhiều thán từ, những từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm.

2. Phong cách nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam

* Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật văn học trung đại Việt Nam:

- Tính quy phạm:

+ Về tư duy nghệ thuật, thường nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn của người đi trước

+ Về quan điểm văn học, coi trọng mục đích giáo huấn “thi dĩ ngôn chỉ” ,“văn đĩ tải đạo"

+ Về thể loại, có những quy định chặt chẽ về chức năng, kết cấu, lời văn

+ Về ngữ liệu, hay sử dụng những điển cố, thi văn liệu của người đi trước

+ Về bút pháp, thiên về ước lệ, tượng trưng.

- Hướng về cái cao cả, trang nhã:

+ Các nhà văn trung đại thường hướng về cái đẹp trong quá khứ, cái đẹp trong thiên nhiên, hướng tới những đề tài, chủ đề cao cả, lớn lao: tấm lòng trung quân ái quốc, phẩm chất của kẻ sĩ quân tử,...

+ Hình tượng nghệ thuật hay hướng tới sự kì vĩ, vẻ trang nhã, mĩ lệ

+ Ngôn ngữ thường trau chuốt, hoa mĩ, khi nói về cái cao cả, lớn lao, tao nhã hay dùng chữ Hán, nói về cái đời thường, bình dị hay dùng chữ Nôm.

- Hướng tới sự hài hoà, cân xứng: xuất hiện những cấu trúc song hành (lời văn biển ngẫu), cấu trúc cân xứng (nghệ thuật tứ bình như long, li, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai; xuân, hạ, thu, đông;...; nghệ thuật đối trong thơ Đường luật,...).

- Hướng về cái chung: Đề cao trách nhiệm đối với cộng đồng, cái riêng thường nhập vào cái chung, không đề cao cá tính, ít xuất hiện phong cách tác giả,..Những tác giả tài năng, có cá tính thì trong sáng tác, bên cạnh phong cách chung của thời đại có những sáng tạo mang phong cách riêng.

3. Phong cách lãng mạn

- Thời gian: Xuất hiện trong văn học châu Âu cuối thế kỉ XVIII, phát triển rực rỡ trong những năm 90 của thế kỉ XVIII đến những năm 30 của thế kỉ XIX. Ở Việt Nam, phong cách lãng mạn xuất hiện trong văn học lãng mạn 1930 – 1945 với văn xuôi của Tự lực văn đoàn và thơ của Phong trào Thơ mới.

- Đặc điểm:

+ Hướng về cái khác thường, cái phi thường, cái lí tưởng hơn là cái đời thường, bình dị; trên cơ sở hiện thực mà lãng mạn hóa hiện thực.

+ Đề cao cá nhân thoát khỏi những ràng buộc, khuôn mẫu, thể hiện “cái tôi” dồi dào cảm xúc

+ Thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản để làm nổi bật cái khác thường, cái phi thường, cái lí tưởng hơn.

4. Biện pháp tu từ nghịch ngữ

- Khái niệm: Nghịch ngữ là biện pháp tu từ, theo đó, người nói (người viết) sử dụng trong cùng một câu hoặc một đoạn văn những từ ngữ hoặc câu có nghĩa trái ngược nhau nhằm tạo ra cách nói nghịch lí, bất ngờ để thể hiện được đúng nhận xét về đối tượng được nói đến.

- Những cách tạo nghịch ngữ thường gặp là:

+ Sử dụng từ trái nghĩa, tạo ra những kết hợp từ bất thường, ví dụ: cái chết bất tử, sự cay đắng ngọt ngào, niềm vinh quang cay đắng, sự im lặng hùng hồn....

+ Sử dụng các từ ngữ hoặc câu, vế câu phản ánh những đặc điểm trái ngược nhau của cùng một đối tượng hoặc các đối tượng khác nhau, ví dụ: Khúc sông bên lở bên bồi / Bên lở thì đục, bên bồi thì trong (ca dao),...

- Nghịch ngữ gây ấn tượng mạnh về cái khác lạ, độc đáo; mang lại nhận thức đa chiều, sâu sắc, mới mẻ hơn.

- Tác dụng: Nghịch ngữ có tác dụng gây cười, tạo sắc thái châm biếm nhẹ nhàng hoặc đả kích mạnh mẽ.

1 31 lượt xem