Soạn bài Mưa xuân (trang 132) Cánh diều

Với soạn bài Mưa xuân trang 132 Ngữ văn lớp 12 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1 315 19/04/2024


Soạn bài Mưa xuân

Đọc văn bản “Mưa xuân”, chọn phương án đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5) và trả lời các câu hỏi (từ câu 6 đến câu 10):

Câu 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Phương án nào thể hiện đúng nhất nội dung tự giới thiệu của cô gái?

A. Trẻ trung, trong trắng, chưa có chồng

B. Làm nghề dệt vải, đã được mẹ gả bán

C. Ngày bên khung cửi, còn trẻ con

D. Có mẹ già, đi dệt vải ở chợ làng xa

Trả lời:

Chọn đáp án C

Câu 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Khi biết tin có hội chèo làng Đặng, cô gái có tâm trạng như thế nào?

A. Lưu luyến, bịn rịn

B. Háo hức, mong đợi

C. Thất vọng, chán chường

D. Buồn bã, cô đơn

Trả lời:

Chọn đáp án B

Câu 3 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Từ nào sau đây phản ánh đúng nhất thái độ của cô gái trong đêm hội chèo?

A. Tuyệt vọng

B. Giận dữ

C. Thất vọng

D. Bức xúc

Trả lời:

Chọn đáp án C

Câu 4 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Dòng nào không thể hiện đúng sự tương phản về tâm tư của cô gái trước và sau đêm hội chèo?

A. Mưa xuân phơi phới bay – Mưa xuân đã ngại bay

B. Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy – Hoa xoan đã nát dưới chân giày

C. Thôn Đoài cách có một thôi đê – Có ngắn gì đâu một dải đê

D. Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay” – Để mẹ em rằng: hát tối nay?

Trả lời:

Chọn đáp án C

Câu 5 (trang 134 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Những câu thơ sau đây cho thấy đặc điểm nào về ngôn ngữ của bài Mưa xuân?

- Mẹ già chưa bán chợ làng xa

- Thế nào anh ấy chả sang xem

- Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

- Thế mà hôm nọ hát bên làng

- Có ngắn gì đâu một dải đê!

A. Đậm tính thông tục

B. Đậm tính địa phương

C. Đậm chất thôn quê

D. Đậm chất thành thị

Trả lời:

Chọn đáp án A

Câu 6 (trang 134 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bài thơ có kết cấu như thế nào? Hãy chỉ ra diễn biến tâm trạng của cô gái trước, trong và sau hội chèo.

Trả lời:

- Kết cấu : Theo mạch cảm xúc của nhân vật và diễn tiến thời gian.

+ Khổ 1 - giới thiệu về bản thân cô gái.

+ 4 khổ tiếp - tâm trạng cô gái trước đêm hội.

+ 2 khổ tiếp - tâm trạng cô gái trong đêm hội.

+ 3 khổ còn lại - nỗi thất vọng, buồn bã trong trái tim cô gái và tâm hồn lạc quan, hồn nhiên.

- Diễn biến tâm trạng của cô gái

+ Trước hội chèo : Cô gái mang tâm trạng háo hức, vui tươi, đón chờ giây phút được gặp chàng trai trong lòng. “Lòng thấy giăng tơ một mối tình”, “hai má em bừng đỏ”, “em nghĩ đến anh”. Niềm vui hạnh phúc khi nghĩ đến giây phút gặp người thương. Chi tiết “mưa xuân phơi phới bay”, cảm tưởng như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc xuân thì.

+ Trong hội chèo : Cô gái vội vã tìm kiếm bóng hình chàng trai trong lòng, đến mức rộn ràng của đêm hội cũng không thể làm cô phân tâm. “Em mải tìm anh chả thiết xem”. Cuối cùng trong đêm hội ấy, cô không thấy hình bóng của anh và có chút hờn dỗi nhớ về lời hứa năm xưa “năm tao bảy tuyết anh hò hẹn”.

+ Sau hội chèo : cô gái buồn bã, thất vọng đi về. Nỗi buồn của cô thấm đẫm sang cả cảnh vật “mưa xuân ngại bay”, “ hoa xoan đã nát”, “ mùa xuân cạn ngày”. Trái ngược với niềm yêu đời, hạnh phúc trước đêm hội, giờ đây cô gái chỉ mang một nỗi buồn, thất vọng và nỗi nhớ khắc khoải trong lòng

Câu 7 (trang 134 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Em có nhận xét gì về tâm hồn, tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ? Dựa vào yếu tố nào để đưa ra nhận xét ấy?

Trả lời:

- Nhận xét về tâm hồn, tình cảm nhân vật trữ tình :

+ Nhân vật trữ tình là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa, một cô gái đẹp với tấm lòng trong sáng, thuần khiết, đến mức ví như “cây lụa trắng”. Đó chính là tâm hồn, tình cảm của người thiếu nữ thôn quê trong trắng, thuần khiết, ở họ mang nét đẹp giản dị, mộc mạc nhưng rất đằm thắm, thiết tha.

+ Nhân vật là một cô gái mang tâm hồn tươi trẻ, phơi phới sắc xuân thì với tình yêu nồng nàn “có lẽ là em nghĩ đến anh” “ hai má em bừng đỏ” “ em mải tìm anh”. Mang tâm hồn của một người đang yêu, cô mang tâm trạng bối rối xen lẫn chờ đợi, bồi hồi nhưng cũng ngại ngùng, e lệ điển hình của cô gái mới biết yêu.

+ Nhân vật trữ tình mang một tâm hồn nhạy cảm, một cô gái trẻ ngây thơ, thuần khiết. Thể hiện ở hành động cô vẫn chờ đợi, vẫn tin tưởng rằng cô chắc chắn sẽ gặp chàng trai, chỉ có điều không biết là bao giờ. Cô mang nỗi hy vọng, có lẽ ở đêm hội sau em sẽ được gặp anh

Câu 8 (trang 134 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Hãy chỉ ra sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại trong bài thơ Mưa xuân.

Trả lời:

* Sự kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại : Hầu hết thơ Nguyễn Bính, dưới lớp vỏ chân quê được ẩn chứa sức cảm, sức gợi vô cùng tận mang chất hiện đại.

- Tính hiện đại được thể hiện ở chính nội dung của bài thơ.

+ Tình yêu lãng mạn vốn là sản phẩm đặc thù của thời đại Thơ mới.

+ Nét hiện đại được thể hiện rõ nét qua hình ảnh và đặc biệt là cảm xúc, tình cảm cá nhân được bộc lộ trực tiếp. Một lời giãi bày trần trụi, táo bạo và mãnh liệt.

+ Trong ca dao hay thơ trung đại, các tác giả lấy thiên nhiên để ẩn chứa lí do, để gửi gắm nỗi niềm, hay dùng để ẩn dụ cho chàng trai – cô gái. Còn trong thơ Nguyễn Bính, tác giả thể hiện trực tiếp tình cảm của mình vào thiên nhiên. Không gian quen thuộc nuôi dưỡng tình cảm của nhân vật trữ tình.

- Chất truyền thống thể hiện rõ qua các hình ảnh, không gian làng quê, sự e ấp, dịu dàng của người con gái khi yêu.

Thông qua sự kết hợp giữa chất truyền thống và hiện đại đã giúp những tác phẩm của Nguyễn Bính trở thành áng văn độc đáo, bất hủ, sống mãi với thời gian.

Câu 9 (trang 134 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Em ấn tượng với câu thơ hoặc hình ảnh thơ nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

Em ấn tượng với câu thơ “hoa xoan đã nát dưới chân giày”. Hay chính là hình ảnh hoa xoan, đối lập với ban ngày trước khi đến hội. Hình ảnh hoa xoan hiện lên thật thơ mộng, đẹp đẽ “hoa xoan lớp lớp”, thì bây giờ hoa đã nát, đặc biệt hơn là nát dưới chân giày. Qua hình ảnh đó em cảm nhận được mối liên hệ với nỗi buồn trong trái tim của cô gái. Cũng giống như những cánh hoa xoan, trái tim cô đã không còn tươi thắm, rạng rỡ nữa mà giờ đây mang một cảm xúc nặng lòng, tan vỡ khó tả. Có thể nói đây là một hình ảnh thơ tạo ấn tượng mạnh và mạch liên tưởng cho người đọc.

Câu 10 (trang 134 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Nhận xét về thơ Nguyễn Bính, nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” (Thi nhân Việt Nam). Với em, Mưa xuân của Nguyễn Bính đã đánh thức “người nhà quê” như thế nào?

Trả lời:

Mưa xuân, với những câu thơ vô cùng mộc mạc và giản dị, những câu nói rất đỗi đời thường, rất đỗi gần gũi với lối sống thôn quê bình dị đã đưa đến cảm giác gần gũi, thổi hồn quê hương đến người đọc. Đi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, ta như được hít thở không khí êm dịu, trong lành giữa những mảnh vườn làng, tận hưởng cái náo nức của những hội hè, đình đám, như được sống cùng trái tim yêu thiết tha, đằm thắm của những anh trai làng, những cô thôn nữ. Đọc thơ Nguyễn Bính tâm hồn ta dường như trong lành hơn, bình yên hơn, trở về một vùng thôn quê dân dã đậm nét tâm hồn Việt. Thông qua những từ ngữ, nhịp điệu, hình ảnh thơ, Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê trong tâm hồn mỗi độc giả, đưa ta quay trở về với tuổi thơ, với quá khứ một thời trong lành, con người hoà mình vào thiên nhiên cảnh vật, sống chan hoà.

1 315 19/04/2024


Xem thêm các chương trình khác: