Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia (trang 35) Cánh diều

Với soạn bài Hạnh phúc của một tang gia trang 35 Ngữ văn lớp 12 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1 78 21/10/2024


Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia trang 35

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 35 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

- Khi đọc đoạn trích tiểu thuyết, các em cần chú ý:

+ Xác định được vị trí, bố cục và nội dung của đoạn trích.

+ Nhận biết được bối cảnh, người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật, thái độ của người kể chuyện.

+ Phân tích được tình huống truyện, tâm lí nhân vật, đặc sắc ngôn từ và giọng điệu của đoạn trích tiểu thuyết.

+ Hiểu được ý nghĩa của nhan đề, xác định được mối liên hệ giữa nhan đề với chủ đề, tư tưởng, cảm hứng của tác phẩm.

- Đọc trước đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết Số đỏ.

- Đọc nội dung giới thiệu sau đây để hiểu thêm đoạn trích:

Số đỏ kể câu chuyện cuộc đời của nhân vật Xuân, thường gọi là Xuân Tóc Đỏ. Hắn là một đứa trẻ mồ côi, thất học, sống lay lắt ở Hà Nội, làm đủ nghề mạt hạng để kiếm sống,... Một hôm, vì hành vi xấu ở sân quần vợt, hắn bị cảnh sát bắt giam. Bà Phó Đoan, một mẹ Tây dâm đãng, giàu có, là khách chơi quần vợt, vì biết chuyện của hắn nên bảo lãnh đưa về nhà rồi giới thiệu hắn đến làm việc cho tiệm may Âu hoá của ông bà Văn Minh. Tại đây, nhờ biết cách quảng cáo các mốt thời trang, hắn chiếm được cảm tình của nữ khách hàng; được cô Tuyết là em gái ông Văn Minh, con cụ cố Hồng say mê. Từ đó, hắn bắt đầu gia nhập xã hội thượng lưu, quan hệ với những nhân vật có địa vị và thế lực. Một hôm, hắn công khai chuyện ông Phán bị “mọc sừng” , vô tình khiến cụ cố tổ – bố đẻ của cụ cố Hồng – uất lên mà chết. Cái chết này đã được mọi người trong gia đình cụ cố Hồng mong đợi từ lâu vì khi cụ cố tổ mất, tài sản của cụ sẽ được đem chia và mọi người đều có phần. Do vậy, ai cũng mang ơn Xuân. Để đền ơn và nhằm đánh bóng tên tuổi của em rể tương lai, Văn Minh đăng kí cho Xuân tranh giải quần vợt. Bằng thủ đoạn xảo trá, Xuân khiến hai cầu thủ nổi tiếng bị bắt ngay trước hôm thi đấu. Vì thế, hắn được thi tài với quán quân nước Xiêm. Khi trận đấu vào hồi gay cấn, ưu thế đang nghiêng về Xuân thì hắn được lệnh phải thua để tránh cái hoạ “núi xương sông máu”. Kết thúc trận đấu, Xuân đứng trên mui ô tô diễn thuyết rất hùng hồn. Đám đông vỗ tay hoan nghênh Xuân như một “bậc vĩ nhân”, “anh hùng cứu quốc”. Xuân được Chính phủ Pháp, Nam triều và Xiêm triều thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được cụ cố Hồng sung sướng tuyên bố gả Tuyết cho hắn.

Đoạn trích dưới đây kể việc gia đình cụ cố Hồng tổ chức đám tang cho cụ cố tổ.

Trả lời:

* Xác định vị trí, bố cục và nội dung :

- Vị trí : Đoạn trích thuộc chương XV của tiểu thuyết Số đỏ

- Bố cục: 3 phần

+ Phần 1: Niềm vui và hạnh phúc của cả gia đình khi cụ tổ qua đời

+ Phần 2: Cảnh đám tang lố bịch cụ cố tổ

+ Phần 3: Cảnh hạ huyệt

- Nội dung: Đoạn trích kể về việc gia đình cụ cố Hồng tổ chức đám tang cho cụ cố tổ.

* Bối cảnh, điểm nhìn trần thuật, thái độ của người kể chuyện :

- Bối cảnh: Gia đình, con cháu của cụ cố Hồng đang náo loạn, rộn ràng trước sự ra đi của cụ cố tổ và trong đám tang của cụ.

- Điểm nhìn trần thuật: Ngôi thứ ba

- Thái độ người kể chuyện: Châm biếm, mỉa mai

* Tình huống truyện, đặc sắc ngôn từ và giọng điệu :

- Xây dựng tình huống trào phúng: Ngay trên nhan đề của đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”, đã thể hiện tình huống trào phúng, tang gia mà lại hạnh phúc. Trong không khí đáng ra phải đau buồn thì cả gia đình lại không giấu nổi niềm hạnh phúc.

- Ngôn từ: Hài hước, châm biếm thể hiện qua:

+ Cách gọi tên sự vật hài hước (kèn bú dích, lốc bốc xoảng, Bắc đểu bội tinh, Long bội tinh,…)

+ Cách đặt tên nhân vật gây cười (Xuân tóc đỏ, ông lang Tì và ông lang Phế,…)

+ Cách diễn đạt vừa vô lí vừa có lí, chứa nhiều mâu thuẫn “Họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”

- Giọng điệu: châm biếm thể hiện qua những lời nhận xét, bình luận hài hước, mà thâm thúy (thật là một đám ma to tát có thế làm cho người chết phải mỉm cười vì sung sướng)

* Ý nghĩa nhan đề

- Tình huống nghịch lí thể hiện thông qua những cụm từ mang ý nghĩa trái ngược, sự đối lập mâu thuẫn thú vị tạo tiếng cười nhưng lại là sự châm biếm mỉa mai.

- Thể hiện trọn vẹn tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

- Làm bật lên cái lố lăng của xã hội lúc bấy giờ, lời phê phán sâu sắc đối với tình trạng bại hoại, suy đồi về đạo đức của giới thượng lưu, trí thức, văn minh ngay ở cái nhan đề đoạn trích

* Tác giả Vũ Trọng Phụng (1912-1939)

- Vai trò, vị trí: Ông là cây bút trào phúng bậc thầy, một trong những đại biểu xuất sắc của xu hướng văn học hiện thực

- Phong cách nghệ thuật :

+ Tác phẩm của ông thường hướng đến các vấn đề gây nhức nhối trong xã hội đương thời.

+ Nổi bật với chất trào phúng, giọng văn châm biếm, thẳng tay vạch trần sự thật về mặt tối của xã hội, của giới thượng lưu.

+ Pha chất hài hước, nhí nhảnh bằng những tình huống bất ngờ, ẩn sau đó là sự ẩn dụ mỉa mai.

- Tác phẩm tiêu biểu: Cạm bẫy người (1933), Giông tố (1936), Số đỏ (1936), Vỡ đê (1936), Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ (1936)...

* Tiểu thuyết Số đỏ

- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm được ra đời vào năm 1936, trong không khí đấu tranh dân chủ sôi nổi bởi chế độ kiểm duyệt sách báo khắt khe của chính quyền thực dân tạm thời được bãi bỏ.

- Dung lượng: Truyện dài 20 chương

- Giá trị: Tác phẩm là một bức tranh hiện thực về xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến đang chạy theo lối sống Văn minh Âu hóa. Vạch trần bản chất bộ mạt của xã hội tư sản thành thị đang chạy theo lối sống lố lăng, đồi bại.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính: Đoạn trích xoay quanh câu chuyện cái chết của cụ Cố Hồng, cụ được tổ chức một đám tang linh đình và to lớn nhưng trớ trêu thay, con cháu của cụ ai nấy đều sung sướng. Câu chuyện trở nên thú vị với đám tang kỳ lạ chỉ toàn những niềm vui và hạnh phúc của con cháu. Qua đoạn trích, tác giả đã phơi bày bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời đầy nhố nhăng, đồi bại.

Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia | Hay nhất Soạn văn 12 Cánh diều

* Trả lời câu hỏi giữa bài

Câu hỏi (trang 37 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chú ý giọng điệu của người kể chuyện

Trả lời:

Người kể chuyện với giọng điệu mỉa mai, châm biếm, giễu cợt, thể hiện nghệ thuật trào phúng.

Câu hỏi (trang 37 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Ý nghĩ của mọi người trong tang gia như thế nào ?

Trả lời:

- Cụ Hồng: mong chờ đến lúc cụ được mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho vừa mếu để được thiên hạ trầm trồ về đám tang và cây gậy.

- Phán mọc sừng: mừng rỡ vì được cụ Hồng cho thêm vài nghìn đồng

- Ông Văn Minh: Hào hứng vì chúc thư sắp được thực hiện

Câu hỏi (trang 38 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Mọi người trong tang gia đã “bối rối” ra sao ?

Trả lời:

- Mọi người bối rối trước việc cụ Hồng chưa phát lệnh mặc đồ tang, dù cụ cố tổ đã được khâm liệm và mất được gần một ngày.

- Phái trẻ la ó vì phái già chậm chạp

- Cậu Tú tân vui mừng vì cuối cùng cũng được sử dụng mấy cái máy ảnh mãi không được dùng đến

- Bà Văn Minh sốt ruột vì mãi không được mặc những xô gai tân thời

- Ông Typn bực mình vì mấy chế tạo của mình chưa thấy báo chí phê bình ra sao

Câu hỏi (trang 39 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chú ý ý nghĩ, tâm trạng và hành động của nhân vật Tuyết

Trả lời:

- Ý nghĩ: Chỉ nghĩ về Xuân và tự vấn vì sao chưa thấy Xuân xuất hiện

- Tâm trạng: Như bị kim châm vào lòng, không vui vẻ gì vì Xuân chưa đến

- Hành động:

+ Mặc bộ y phục ngây thơ với áo dài voan mỏng hở nách và nửa vú cùng một cái mũ mấn.

+ Mời quan khách trầu cau và thuốc lá rất nhanh nhẹn

Câu hỏi (trang 40 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chú ý cử chỉ, hành động, lời nói của các nhân vật khi đi đưa tang

Trả lời:

- Mỗi người đều mang một suy nghĩ, nhưng tất cả đều không phải là thương tiếc.

- Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh nhưng thực chất đang thì thầm chuyện cá nhân

- Họ tán tỉnh, ve vãn, bình phẩm, chê bai, ghen tuông nhau

Câu hỏi (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Câu “Đám cứ đi…” được lặp lại ở đây có tác dụng gì?

Trả lời:

- Tác dụng :

+ Nhấn mạnh đám ma vẫn đang được diễn ra nhưng tất cả những người đi đám đều mang những tâm tư, mục đích riêng mà không quan tâm đến đám ma này.

+ Ngụ ý bản chất lố bịch, vô lương tâm trong xã hội thượng lưu vẫn ngang nhiên tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

+ Tạo nên giọng văn trào phúng, mỉa mai

Câu hỏi (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hình dung bối cảnh và hành vi của nhân vật ông Phán

Trả lời:

- Bối cảnh: Cảnh hạ huyệt trong đám tang cụ cố tổ

- Hành vi: Tranh thủ diễn vở kịch khóc lóc, quỵ lụy đau đớn trước cái chết của ông cố nhằm dựa vào người Xuân Tóc Đỏ để lén lút đưa tiền thuê Xuân Tóc Đỏ làm cho cụ cố tổ uất mà chết nên phải trả tiền để giữ chữ tín ngay trong đám tang.

* Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hãy cho biết mối liên hệ giữa nhan đề Hạnh phúc của một tang gia và tình huống truyện.

Trả lời:

Nhan đề và tình huống truyện có mối liên hệ mật thiết: Ngay trên nhan đề của đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”, đã thể hiện tình huống trào phúng. Tình huống nghịch lí được thể hiện thông qua cụm từ mang ý nghĩa trái ngược hạnh phúc – tang gia, sự đối lập mâu thuẫn thú vị tạo tiếng cười nhưng lại là sự châm biếm mỉa mai.

Câu 2 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tâm trạng và hành động của những người trong tang gia như thế nào? Theo em, tác giả đã phản ánh được điều gì về tình cảm gia đình và đạo đức xã hội thời bấy giờ?

Trả lời:

- Tâm trạng và hành động của những người trong tang gia:

+ Cụ Hồng: mong chờ đến lúc cụ được mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho vừa mếu để được thiên hạ trầm trồ về đám tang và cây gậy.

+ Phán mọc sừng: mừng rỡ vì được cụ Hồng cho thêm vài nghìn đồng

+ Ông Văn Minh: Hào hứng vì chúc thư sắp được thực hiện

+ Cô Tuyết: Chỉ nghĩ về Xuân và tự vấn vì sao chưa thấy Xuân xuất hiện, không vui vẻ gì vì Xuân chưa đến. Mặc bộ y phục ngây thơ với áo dài voan mỏng hở nách và nửa vú cùng một cái mũ mấn.

+ Cậu Tú tân vui mừng vì cuối cùng cũng được sử dụng mấy cái máy ảnh mãi không được dùng đến

+ Bà Văn Minh sốt ruột vì mãi không được mặc những xô gai tân thời

+ Ông Typn bực mình vì mấy chế tạo của mình chưa thấy báo chí phê bình ra sao

- Phản ánh: Hiện thực xã hội tha hóa về đạo đức, con người trở nên vô tình, tham lam. Tình cảm gia đình dường như biến mất trước những ham muốn cá nhân, phản ánh một xã hội giả tạo, vô lương tâm.

Câu 3 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Quá trình đưa tang được tác giả quan sát và miêu tả như thế nào? Chỉ rõ những biểu hiện của phong cách hiện thực được thể hiện qua cách quan sát, miêu tả đó.

Trả lời:

- Quá trình đưa tang:

+ Cảnh cất đám: Cảnh sát Min Đơ và Min Toa sung sướng vì có người thuê. Tang gia ai cũng vui vẻ, trừ Tuyết có thoáng nét buồn rất đúng “mốt” nhà có đám. Ông bạn thân của cụ cố Hồng có dịp khoe khoang những huân chương và liếc nhìn làn da trắng thập thò của Tuyết.

+ Cảnh đưa đám: Một đám ma kiểu mẫu được tổ chức long trọng và huyên náo: ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, hai vòng hoa đồ sộ,…Đám ma trở thành một mớ hỗn loạn, nhố nhăng theo cả lối Ta, Tàu, Tây, người đi rước tán tỉnh, bình phẩm, chọc ghẹo lẫn nhau.

+ Cảnh hạ huyệt: Tràn đầy sự giả tạo của lòng người: Cụ cố Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi, ông Phán mọc sừng cũng giả bộ khóc lóc quỵ lụy nhằm tranh thủ dúi tiền vào Xuân Tóc Đỏ

- Biểu hiện của phong cách hiện thực:

+ Miêu tả đám rước đến từng chi tiết: Đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, hai vòng hoa đồ sộ,…

+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật cụ thể, chân thực: “Tuyết mặc cái áo dài voan mỏng, trong có coóc sê, trông như hở cả nách và nửa vú”, “Cụ cố Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi”,….

Câu 4 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hãy phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật trào phúng của tác giả Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Gợi ý: cách đặt nhan đề, tạo tình huống mâu thuẫn, cách tác giả dùng từ ngữ, so sánh, đặt câu và sử dụng giọng điệu,...).

Trả lời:

- Nhan đề: chứa những cụm từ mang ý nghĩa trái ngược, hạnh phúc – tang gia, sự đối lập mâu thuẫn thú vị tạo tiếng cười nhưng lại là sự châm biếm mỉa mai. Bật lên cái lố lăng của xã hội lúc bấy giờ.

- Xây dựng tình huống trào phúng: tình huống trào phúng, tang gia mà lại hạnh phúc. Trong không khí đáng ra phải đau buồn thì cả gia đình lại không giấu nổi niềm hạnh phúc.

- Ngôn từ: Hài hước, châm biếm thể hiện qua:

+ Cách gọi tên sự vật hài hước (kèn bú dích, lốc bốc xoảng, Bắc đểu bội tinh, Long bội tinh,…)

+ Cách đặt tên nhân vật gây cười (Xuân tóc đỏ, ông lang Tì và ông lang Phế,…)

+ Cách diễn đạt vừa vô lí vừa có lí, chứa nhiều mâu thuẫn “Họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”

- Giọng điệu: châm biếm thể hiện qua những lời nhận xét, bình luận hài hước, mà thâm thúy (thật là một đám ma to tát có thế làm cho người chết phải mỉm cười vì sung sướng)

Câu 5 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Qua đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng nêu lên thông điệp gì? Theo em, thông điệp ấy có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh xã hội ngày nay?

Trả lời:

- Thông điệp: Lời phê phán, vạch trần hiện thực xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến đang chạy theo lối sống Văn minh Âu hóa. Một xã hội mà đạo đức suy thoái, con người trở nên vô tình. Lên án bộ phận tư sản thành thị đang chạy theo lối sống lố lăng, đồi bại.

- Ý nghĩa: Tác phẩm là lời cảnh tỉnh con người trong bối cảnh xã hội ngày nay, khi nhịp sống ngày càng trôi nhanh, những giá trị văn hóa đang dần mai một, chúng ta cần biết yêu thương và san sẻ, đừng trở nên vô cảm, lạnh lùng, luôn hướng về nguồn cội, hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Câu 6 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Em thích nhất chi tiết nghệ thuật nào trong văn bản Hạnh phúc của một tang gia? Vì sao?

Trả lời:

Đối với em, nghệ thuật đặc sắc nhất trong Hạnh phúc của một tang gia chính là nghệ thuật trào phúng. Bởi chất trào phúng đã tạo nên tiếng cười cho tác phẩm, tạo nên sức hút, làm người đọc không khỏi bất ngờ và tò mò trước diễn biến của câu chuyện. Thông qua đó, nhằm đả kích, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong đời sống xã hội, giúp tác giả vạch trần bộ mặt xấu xa của giới thượng lưu. Có thể nói, trong Hạnh phúc của một tang gia chất trào phúng đã đạt đến độ đỉnh cao, từ nghệ thuật ấy đã trở thành công cụ đưa đến những cái nhìn hiện thực sâu sắc.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Ánh sáng cứu rỗi

Thực hành đọc hiểu: Đêm trăng và cây sồi

Thực hành tiếng Việt trang 53

Viết thư trao đổi công việc hoặc một vấn đề đáng quan tâm

Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau

1 78 21/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: