Sách bài tập KHTN 8 Bài 28 (Cánh diều): Hệ vận động ở người

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 8 Bài 28: Hệ vận động ở ngườiA sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT KHTN 8 Bài 28.

1 1,069 21/10/2023


Giải SBT KHTN 8 Bài 28: Hệ vận động ở người

Bài 28.1 trang 54 Sách bài tập KHTN 8: Chức năng nào dưới đây là của cơ vân?

A. Sinh ra các tế bào máu.

B. Kết nối các xương trong cơ thể với nhau.

C. Vận động, dự trữ và sinh nhiệt.

D. Hoạt động của các nội quan

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Cơ vân là cơ bám vào xương, hoạt động theo ý muốn, có chức năng vận động, dự trữ và sinh nhiệt.

Bài 28.2 trang 54 Sách bài tập KHTN 8: Khớp giữa xương đùi và xương chậu là loại khớp gì?

A. Khớp động (khớp hoạt dịch).

B. Khớp bán động.

C. Khớp bất động.

D. Khớp sợi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Khớp giữa xương đùi và xương chậu là loại khớp động (khớp hoạt dịch), do đây là loại khớp có thể cử động dễ dàng.

Khớp bán động là khớp cử động hạn chế, còn khớp bất động (khớp sợi) là khớp không cử động được.

Bài 28.3 trang 54 Sách bài tập KHTN 8: Chức năng nào không phải là chức năng của xương?

A. Phân giải các tế bào hồng cầu.

B. Dự trữ chất béo và calcium.

C. Tạo bộ khung và bảo vệ các cơ quan của cơ thể.

D. Di chuyển.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Xương có chức năng vận động, di chuyển; nâng đỡ cơ thể, tạo bộ khung và bảo vệ các nội quan; sinh ra các tế bào máu; dự trữ và cân bằng chất khoáng.

→ Xương không có chức năng phân giải các tế bào hồng cầu, đây là chức năng của gan và lá lách.

Bài 28.4 trang 55 Sách bài tập KHTN 8: Những phát biểu nào dưới đây về loãng xương là đúng?

(1) Loãng xương làm xương giòn dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.

(2) Từ độ tuổi trưởng thành, quá trình tạo xương tăng dần lên theo độ tuổi gây loãng xương.

(3) Loãng xương do chất khoáng trong xương tăng lên làm xương giòn.

(4) Khi cao tuổi, lượng collagen trong xương giảm nhanh dẫn đến loãng xương.

A. (1), (4).

B. (1), (3).

C. (4), (3).

D. (2), (3).

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

(1) Đúng. Bệnh loãng xương là do cơ thể thiếu calcium và phosphorus (hoặc do quá trình lão hóa tự nhiên), dẫn đến thiếu nguyên liệu để kiến tạo xương nên mật độ chất khoáng trong xương thưa dần → Làm xương giòn dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.

(2) Sai. Từ độ tuổi trưởng thành, quá trình tạo xương giảm dần theo độ tuổi gây loãng xương.

(3) Sai. Loãng xương là do mật độ chất khoáng trong xương giảm, thưa dần làm xương giòn, dễ gãy.

(4) Đúng. Khi cao tuổi, quá trình tái tạo xương giảm, lượng collagen và chất vô cơ trong xương giảm nhanh làm suy giảm cấu trúc xương, dẫn đến loãng xương.

Bài 28.5 trang 55 Sách bài tập KHTN 8: Những phát biểu nào dưới đây về xương đùi là đúng?

(1) Hai đầu xương phình to được cấu tạo chủ yếu là mô xương cứng.

(2) Thân xương hình ống được cấu tạo chủ yếu bởi mô xương cứng nên xương chắc khoẻ.

(3) Các tế bào xương ở đầu xương sắp xếp tạo thành các nan xương theo hình vòng cung nên có tác dụng phân tán lực.

(4) Các tế bào ở thân xương sắp xếp rời rạc tạo thành khoang rỗng chứa tuỷ nên thân xương chịu lực kém hơn đầu xương.

A. (1), (2).

B. (2), (3).

C. (3), (4).

D. (1), (4).

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

(1) Sai. Hai đầu xương phình to được cấu tạo chủ yếu là mô xương xốp.

(2) Đúng. Thân xương hình ống được cấu tạo chủ yếu bởi mô xương cứng gồm các tế bào xương sắp xếp đồng tâm làm tăng khả năng chịu lực của xương, nên xương chắc khoẻ.

(3) Đúng. Các tế bào xương ở đầu xương sắp xếp tạo thành các nan xương theo hình vòng cung nên có tác dụng phân tán lực tác động.

(4) Sai. Các tế bào ở thân xương sắp xếp đồng tâm làm tăng khả năng chịu lực của xương.

Bài 28.6 trang 55 Sách bài tập KHTN 8: Dựa vào gợi ý dưới đây, hãy tìm ô chữ hàng ngang và hàng dọc (chữ cái điều là tiếng Việt không dấu, ví dụ: COVAN).

Dựa vào gợi ý dưới đây, hãy tìm ô chữ hàng ngang và hàng dọc (chữ cái điều là tiếng Việt không dấu, ví dụ: COVAN)

Hàng dọc:

(1) Bộ phận kết nối cơ với xương, kết nối các cơ với nhau và có chức năng truyền lực.

(2) Bệnh do xương mất chất khoáng khiến xương giòn, dễ gãy.

(5) Loại mô xương có ở đầu xương, các tế bào xương sắp xếp tạo thành các nan xương đan vào nhau, tạo thành khoang rỗng chứa tuỷ.

(6) Bộ phận bám vào xương, có khả năng co giãn giúp cơ thể chuyển động.

Hàng ngang:

(3) Tên hệ cơ quan bao gồm cơ, xương, khớp, gân, dây chằng có chức năng bảo vệ và di chuyển.

(4) Tên bộ phận được cấu tạo chủ yếu bởi các sợi collagen, thường bao quanh các khớp xương, có chức năng cố định và bảo vệ đầu khớp, kết nối các xương với nhau.

(5) Tên loại mô xương có ở thân xương dài, gồm các tế bào xương xếp sít nhau tạo thành các vòng tròn đồng tâm.

(7) Tên bộ phận có chức năng đỡ cơ thể, bảo vệ các nội quan; sản xuất các tế bào máu; dự trữ và cân bằng chất khoáng.

(8) Tên loại tật liên quan đến cột sống.

(9) Tên một bệnh mà khi sơ cứu cần chuẩn bị nẹp, bông băng, dây buộc, … để cố định vị trí.

(10) Tên bộ phận kết nối các xương trong cơ thể với nhau, giữ vai trò hỗ trợ cho các chuyển động cơ thể.

Lời giải:

Hàng dọc:

(1) Bộ phận kết nối cơ với xương, kết nối các cơ với nhau và có chức năng truyền lực là: Gân (GAN).

(2) Bệnh do xương mất chất khoáng khiến xương giòn, dễ gãy là: Loãng xương (LOANGXUONG).

(5) Loại mô xương có ở đầu xương, các tế bào xương sắp xếp tạo thành các nan xương đan vào nhau, tạo thành khoang rỗng chứa tuỷ là mô: Xương xốp (XUONGXOP).

(6) Bộ phận bám vào xương, có khả năng co giãn giúp cơ thể chuyển động là: Cơ vân (COVAN).

Hàng ngang:

(3) Tên hệ cơ quan bao gồm cơ, xương, khớp, gân, dây chằng có chức năng bảo vệ và di chuyển là hệ: Vận động (VANDONG).

(4) Tên bộ phận được cấu tạo chủ yếu bởi các sợi collagen, thường bao quanh các khớp xương, có chức năng cố định và bảo vệ đầu khớp, kết nối các xương với nhau là: Dây chằng (DAYCHANG).

(5) Tên loại mô xương có ở thân xương dài, gồm các tế bào xương xếp sít nhau tạo thành các vòng tròn đồng tâm là mô: Xương cứng (XUONGCUNG).

(7) Tên bộ phận có chức năng đỡ cơ thể, bảo vệ các nội quan; sản xuất các tế bào máu; dự trữ và cân bằng chất khoáng là: Xương (XUONG).

(8) Tên loại tật liên quan đến cột sống là: Vẹo cột sống (VEOCOTSONG).

(9) Tên một bệnh mà khi sơ cứu cần chuẩn bị nẹp, bông băng, dây buộc, … để cố định vị trí là: Gãy xương (GAYXUONG).

(10) Tên bộ phận kết nối các xương trong cơ thể với nhau, giữ vai trò hỗ trợ cho các chuyển động cơ thể là: Khớp (KHOP).

Dựa vào gợi ý dưới đây, hãy tìm ô chữ hàng ngang và hàng dọc (chữ cái điều là tiếng Việt không dấu, ví dụ: COVAN)

Bài 28.7 trang 56 Sách bài tập KHTN 8: Những chất dinh dưỡng nào quan trọng đối với sức khoẻ của hệ vận động? Giải thích.

Lời giải:

Những chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ của hệ vận động là:

- Protein từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ,…. Protein giúp hình thành khối cơ, giảm mất cơ và có tác dụng hỗ trợ quá trình sản xuất sợi collagen tốt cho xương và khớp.

- Vitamin và các khoáng cht thiết yếu: Vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ nói chung và sức khoẻ hệ vận động nói riêng. Vitamin và khoáng chất cũng tham gia vào cấu tạo tế bào, tham gia các hoạt động sống và đặt biệt quan trọng trong việc cân bằng môi trường trong cơ thể, duy trì sự phát triển của cơ và xương. Vitamin và khoáng chất cần thiết nhất đối với sự phát triển của xương và cơ là vitamin D, calcium và magnesium.

+ Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thu calcium, phosphorus giúp xương chắc khoẻ.

+ Calcium: Calcium có vai trò trong việc tạo xương, duy trì sự chắc khoẻ của xương và tham gia vào quá trình co cơ.

+ Magnesium: Magnesium đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp protein, duy trì các chức năng của cơ, tham gia chuyển hoá năng lương, hỗ trợ co giãn cơ và kích thích hình thành cơ.

- Nước: Nước có vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hoá và là thành phần cấu tạo của đĩa đệm ở cột sống.

Bài 28.8 trang 56 Sách bài tập KHTN 8: Khi gặp một người bị gãy xương cột sống (đoạn lưng), một bạn học sinh đã bế người đó lên xe và đưa đến trạm y tế. Cách làm của bạn học sinh đó đúng hay sai? Giải thích.

Lời giải:

Cách làm của bạn đó chưa chính xác do cột sống bảo vệ tuỷ sống, nếu sơ cứu không đúng cách có thể làm tổn thương tuỷ sống. Khi nạn nhân bị gãy xương cột sống cần để nạn nhân nằm yên; khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế phải đặt nạn nhân nằm cố định trên đệm cứng với tư thế duỗi thẳng trên một mặt phẳng.

Bài 28.9 trang 56 Sách bài tập KHTN 8: Phân tích sự phối hợp hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy của khớp đầu gối, cơ bắp chân, xương cẳng chân khi cầu thủ co chân về phía sau chuẩn bị sút vào quả bóng.

Lời giải:

Sự phối hợp hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy của khớp đầu gối, cơ bắp chân, xương cẳng chân khi cầu thủ co chân về phía sau chuẩn bị sút vào quả bóng: Khớp đầu gối và xương cẳng chân tạo thành cấu trúc dạng đòn bẩy. Trong đó, khớp đầu gối là điểm tựa, xương cẳng chân là cánh tay đòn. Khi thực hiện hoạt động, cơ bắp chân co tạo nên một lực nâng cẳng chân về phía sau chống lại chiều của trọng lực.

Bài 28.10 trang 56 Sách bài tập KHTN 8: Nêu nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh bệnh loãng xương, tật cong vẹo cột sống.

Lời giải:

Bệnh

Nguyên nhân

Hậu quả

Cách phòng tránh

Loãng xương

- Thiếu calcium, vitamin D.

- Do tuổi, hormone.

- Giảm hoạt động thể lực.

Xương giòn, dễ gãy.

- Cung cấp đủ lượng calcium và vitamin D thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lí và tắm nắng.

- Kiểm tra sức khoẻ định kì.

- Thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao.

Cong vẹo cột sống

- Sai lệch tư thế.

- Cường độ lao động không phù hợp với lứa tuổi.

- Thiếu calcium, vitamin D.

- Ngồi/đứng/đi quá sớm.

- Còi xương, béo phì.

- Ảnh hưởng đến thẩm mĩ.

- Hạn chế vận động.

- Dị dạng thân hình.

- Ảnh hưởng tâm lí.

- Ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ cơ quan khác (hệ hô hấp, hệ sinh sản,…)

- Đi, đứng, ngồi đúng tư thế.

- Tránh mang vác vật nặng một bên.

- Lựa chọn bàn ghế có kích thước phù hợp.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lí, duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao.

- Trẻ em không nên tập ngồi/đứng/đi quá sớm.

- Lao động, tập luyện vừa sức.

- Khám phát hiện cong vẹo cột sống định kì.

Xem thêm lời giải Sách bài tập Khoa học tự nhiên 8 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 29: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở người

Bài 30: Máu và hệ tuần hoàn ở người

Bài 31: Thực hành về máu về hệ tuần hoàn

Bài 32: Hệ hô hấp ở người

Bài 33: Môi trường trong cơ thể và hệ bài tiết ở người

1 1,069 21/10/2023


Xem thêm các chương trình khác: