Quyền nhân thân là gì? Đặc điểm của quyền thân nhân - Quy định về quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự

Quyền nhân thân là cơ sở pháp lý để bảo vệ cho cá nhân tồn tại với tư cách là một thực thể, một chủ thể độc lập trong cộng đồng. Với bản chất là một bộ phận quyền dân sự, quyền nhân thân có đầy đủ các đặc điểm của quyền dân sự nói chung. Ngoài ra, nó còn mang một số đặc điểm riêng biệt nhằm phân biệt với quyền tài sản. Bài viết xoay quanh vấn đề về quyền nhân thân.

1 311 30/11/2023


Quyền nhân thân là gì? Đặc điểm của quyền thân nhân - Quy định về quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự

1. Quyền nhân thân là gì?

Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải thông qua người đại diện theo pháp luật của người đó.

Cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Đối với quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.

Quyền nhân thân là gì?  Đặc điểm của quyền thân nhân - Quy định về quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự (ảnh 1)

- Đối với quyền nhân thân của của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì:

Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Các quyền nhân thân của cá nhân

Các quyền nhân thân của cá nhân được đề cập từ Điều 26 đến Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

- Quyền có họ, tên (Điều 26)

- Quyền thay đổi họ (Điều 27)

- Quyền thay đổi tên (Điều 28)

- Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29)

- Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30)

- Quyền đối với quốc tịch (Điều 31)

- Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32)

- Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33)

- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34)

- Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35)

- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36)

- Chuyển đổi giới tính (Điều 37)

- Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38)

- Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39)

3. Quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ

3.1. Quyền nhân thân của tác giả tác phẩm

Quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), cụ thể như sau:

- Đặt tên cho tác phẩm;

- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

So với Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) thì Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (có hiệu lực vào ngày 01/01/2023), ngoài việc tác giả đặt tên cho chính tác phẩm của mình, tác giả còn có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền tài sản)

Quyền nhân thân là gì?  Đặc điểm của quyền thân nhân - Quy định về quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự (ảnh 1)

3.2. Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Cụ thể tại khoản 2 Điều 122 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí gồm các quyền sau đây:

- Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

- Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

4. Đặc điểm quyền nhân thân

Thứ nhất, quyền nhân thân mang tính chất phi tài sản

Khác với quyền tài sản, đối tượng của quyền nhân thân là một giá trị tinh thần, do đó, quyền nhân thân không biểu hiện bằng vật chất, không quy đổi được thành tiền và mang giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Do vậy, quyền nhân thân không thể bị định đoạt hay mang ra chuyển nhượng cho người khác. Một người không thể kê biên quyền nhân thân của con nợ. Pháp luật quy định cho mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng được pháp luật bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm.

Thứ hai, quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch

Mỗi một chủ thể mang một giá trị nhân thân đặc trưng, do đó, quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Mặc dù vậy, quyền nhân thân không bị phụ thuộc, chi phối bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào như độ tuổi, trình độ, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội,….

Quyền nhân thân không thể chuyển dịch cho người khác, tức là, quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó hoặc trong một số trường hợp do chủ thể khác được pháp luật quy định thực hiện. Quyền nhân thân không thể là đối tượng trong các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng, cho,… Trên thực tế xuất hiện nhiều hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân, ví dụ: một người mẫu ký hợp đồng với công ty quảng cáo về việc cho phép công ty đó sử dụng bức ảnh của mình để quảng cáo. Vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu trong trường hợp này có được xem là đối tượng chuyển dịch? Thực chất, đối tượng chuyển dịch trong trường hợp này chính là những bức ảnh của người mẫu đã được chụp mà không phải là quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu. Bởi, như đã phân tích ở trên, quyền nhân thân mang giá trị tinh thần, do đó, không thể định đoạt và chuyển giao cho người khác. Trong nghiên cứu mới đây về quyền nhân thân, có quan điểm phân loại quyền nhân thân thành quyền nhân thân cơ sở (hay còn gọi là quyền nhân thân gốc) và quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân theo đúng bản chất của nó, không thể chuyển nhượng. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại. Liên quan đến hình ảnh của cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân cơ sở, còn quyền đối với từng bức ảnh cụ thể của cá nhân trong trường hợp ký hợp đồng với công ty quảng cáo nói trên là quyền nhân thân phái sinh.

1 311 30/11/2023