Người thứ bảy - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 - Cánh diều

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Người thứ bảy Ngữ văn lớp 9 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 55 27/11/2024


Tác giả tác phẩm: Người thứ bảy - Ngữ văn 9

I. Tác giả Mu-ra-ka-mi Ha-ru-ki

- Mu-ra-ka-mi Ha-ru-ki sinh năm 1949, là một tiểu thuyết gia, dịch giả người Nhật Bản và là tác giả đương đại được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong và ngoài nước.

- Sự nghiệp văn chương của ông có rất nhiều những tác phẩm gây tiếng vang, gây nhiều ấn tượng và sâu sắc trong lòng độc giả.

Người thứ bảy - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

II. Tìm hiểu văn bản Người thứ bảy

1. Thể loại

- Tác phẩm Người thứ bảy thuộc thể loại: truyện.

2. Xuất xứ

- Theo Bóng ma ở Le-xinh-tơn (Lexington), PHẠM VŨ THỊNH dịch, NXB Đà Nẵng, 2007.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự.

4. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (từ đầu đến...ai cũng có): giới thiệu về mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật tôi và K.

- Phần 2 (tiếp theo đến ... cười toe toét): sự việc xảy đến với K được nhân vật “tôi” chứng kiến toàn bộ.

- Phần 3 (tiếp theo đến...tâm trí tôi): sự dằn vặt và sợ hãi của nhân vật “tôi”.

- Phần 4 (đoạn còn lại): nhân vật “tôi” trở lại quê hương và những cảm xúc thay đổi.

5. Tóm tắt Người thứ bảy

Văn bản xoay quanh hai người bạn thân, nhân vật “tôi” và K. Sự việc xảy đến khi một cơn bão ập tới, nhân vật “tôi” đã tận mắt chứng kiến người bạn của mình bị con sóng cuốn đi. Hình ảnh đó đã gây ám ảnh trong tâm trí của nhân vật “tôi” khiến anh phải chuyển chỗ ở. Bẵng đi một khoảng thời gian dài, hơn bốn mươi năm, anh mới trở lại quê nhà. Anh đã quay lại bờ biển năm đó và nhớ lại người bạn của mình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, anh đã không còn cảm thấy đau lòng nữa, thay vào đó, anh thấy may mắn vì nỗi sợ trong anh đã biến mất.

6. Giá trị nội dung

- Truyện Người thứ bảy muốn gửi đến ta thông điệp: thay vì chạy trốn hãy đối diện với nỗi sợ, chúng ta hãy dũng cảm đối diện với nó để bản thân không bị đánh mất những giá trị quan trọng.

- Đoạn kết của truyện cũng chính là nội dung thông điệp vì bài học mà nhân vật “tôi” nhận ra cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc.

7. Giá trị nghệ thuật

- Tình huống truyện bất ngờ, đặc sắc.

- Nghệ thuật phân tích diễn biến tâm lí nhân vật tài tình.

- Xây dựng những chi tiết hoang đường, kì ảo.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Người thứ bảy

1. Cốt truyện và sự việc diễn ra

- Nhân vật “tôi” và K là hai người bạn thân. Trong một cơn bão lớn, con sóng dữ dội đã cuốn K đi trước sự chứng kiến của nhân vật “tôi”. Hình ảnh đó đã ám ảnh trong tâm trí nhân vật “tôi” khiến anh phải chuyển chỗ ở. Sau bốn mươi năm, nhân vật “tôi” mới trở lại quê nhà. Anh dũng cảm quay trở lại bờ biển năm nó, nơi đã cuốn người bạn của mình đi mất. Dường như mọi thứ đã xoa dịu được nỗi đau của nhân vật “tôi”, anh không còn nằm mơ thấy ác mộng cũng như hình ảnh những con sóng dữ. Anh cảm thấy may mắn vì nỗi sợ hãi đã được biến mất.

- K vô cùng hoảng sợ và bàng hoàng trước con sóng, con sóng khổng lồ còn K quá nhỏ bé chỉ như hạt cát trong lòng con sóng. Khi cậu nhận ra thì con sóng đã ở quá gần mình.

Người thứ bảy - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

2. Tâm lí nhân vật “tôi”

- Nhân vật “tôi” trước cái chết của K:

+ Nhân vật “tôi” và K có mối quan hệ thân thiết.

+ Đón nhận cơn bão bằng cả sự ngây thơ và hứng thú.

+ Khi con sóng đến: gọi K nhưng K không nghe thấy.

+ Khi con sóng cuốn lấy K -> tận mắt chứng kiến, chạy mất.

- Nhân vật “tôi” sau cái chết của K:

+ Đang nằm trên phòng bệnh của cha mình -> người cha kết luận nhân vật “tôi” vừa trải qua một cú sốc tâm lí hơn là cơn sốt đơn thuần.

+ Nhân vật tôi khi chứng kiến sự mất mát đó thì vô cùng sốc và đau buồn.

+ Khi thấy K trong con sóng: hoang mang, sợ hãi trong tâm trí.

=> Tính cách nhân vật “tôi”: là người sống có trách nhiệm, hồi trẻ còn ngây thơ, hồn nhiên nhưng sâu sắc và trưởng thành. Sự mất mát của K có thể coi là tình huống mà nhân vật “tôi” thay đổi tính cách. Nó là động lực để nhân vật “tôi” dám đối diện với nỗi sợ để thay đổi chính bản thân mình.

- Hình ảnh con sóng dữ dội tượng trưng cho những khó khăn thử thách trong cuộc sống mà con người luôn luôn phải đối mặt.

- Hình ảnh nụ cười của nhân vật K tượng trưng cho sự lạc quan để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

=> Hai hình ảnh này có ý nghĩa nhấn mạnh và tạo ra sự ấn tượng mạnh mẽ về cách truyền đạt nội dung, ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện.

IV. Đọc văn bản Người thứ bảy

NGƯỜI THỨ BẢY

Mu-ra-ka-mi

1. [...] "Tôi lớn lên ở một thị trấn ven biển ở tỉnh S. Đó là một thị trấn nhỏ, dù tôi có nói tên của nó, chắc quý vị cũng không một ai nhận ra. Cha tôi là một bác sĩ địa phương, tôi có một tuổi thơ khá êm đềm và thoải mái. Tôi có một người bạn thân, tôi gọi cậu ấy là K. Nhà của chúng tôi rất gần nhau, cậu ấy học thấp hơn tôi một lớp. Chúng tôi như những người anh em thực thụ, cùng nhau đi học, cùng nhau về nhà, luôn chơi đùa cùng nhau. Chúng tôi chưa bao giờ giận hay cãi nhau. Tôi có một người anh ruột, chúng tôi cách nhau sáu tuổi, vì sự khác biệt giữa tuổi tác và tính cách nên cả hai không bao giờ thân thiết với nhau. Người anh em duy nhất tôi có là K.

K là một cậu bé nhỏ người, yếu đuối, khuôn mặt có những đường nét mềm mại thường bị nhầm là con gái. K gặp trở ngại trong giao tiếp bình thường, vì vậy, những người không biết sẽ nghĩ cậu ấy là một đứa trẻ chậm phát triển. Và vì cậu quá yếu đuối, tôi đã trở thành người bảo hộ cho cậu, cả ở trường và ở nhà. Tôi thuộc dạng to lớn và năng chơi thể thao, hầu hết các đứa trẻ khác đều phải ngẩng đầu lên nhìn tôi. Lí do quan trọng nhất tôi thích ở bên cạnh K là vì cậu ấy có một trái tim rất ấm áp và chân thành. Cậu ấy không chậm phát triển, nhưng chứng khó đọc đã khiến cho việc học của cậu gặp khó khăn ít nhiều. Phần lớn các môn cậu ấy đều phải nỗ lực rất nhiều; thế nhưng khi vào lớp vẽ, cậu ấy lại trở thành một nhân tài. Chỉ cần đưa K một cây bút chì, cậu ấy sẽ vẽ nên một bức tranh đầy sống động khiến giáo viên cũng phải kinh ngạc. Cậu ấy được rất nhiều giải thưởng và tôi chắc rằng K sẽ trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng nếu cậu tiếp tục duy trì sở thích hội hoạ này đến khi lớn.

K thích nhất là vẽ cảnh biển. Cậu sẽ dành hàng giờ ngồi bên bờ biển và vẽ. Tôi ngồi bên cạnh cậu, ngắm từng chuyển động của cây cọ vẽ và tự hỏi vì sao cậu ấy có thể lấp đầy tờ giấy trắng bằng đủ loại sắc màu và đường nét. Tôi nhận ra đó chính là tài năng thiên bẩm không phải ai cũng có.

Năm ấy, vào tháng Chín, một cơn bão lớn đổ bộ vào thị trấn của chúng tôi. Từ ra đi ô, người phát thanh lo lắng thông báo rằng đó là cơn bão lớn nhất trong vòng mười năm qua. Các trường học đều cho học sinh tạm nghỉ, các cửa hàng đều hạ cửa cuốn xuống, chuẩn bị sẵn sàng để đón cơn bão.

[ ... ] Ra đi ô liên tục nhắc nhở người dân không nên rời khỏi nhà. Ngôi nhà của chúng tôi sau một khoảng thời gian sẽ rung lắc dữ dội như thể có một bàn tay to lớn đang cầm lấy và lắc lư trong cơn bão, đôi khi bên ngoài cửa sắt sẽ vang lên những tiếng động rất lớn do một vật gì đó va đập vào. Đến trưa, chúng tôi ăn cơm với trứng ốp lết mẹ làm ban sáng, tiếp tục nghe đài và chờ đợi cơn bão nhanh chóng đi qua.

Nhưng cơn bão không có dấu hiệu sẽ dừng lại. [ ... ] Cha tôi hé cửa một chút và nhìn ra ngoài. Gió đã ngừng, cơn mưa cũng vậy. Những đám mây xám xịt nặng nề dần tan bớt, sắc xanh đã lấp ló xuất hiện. Những cái cây trong sân ngà rạp xuống nền đất, nước ở khắp mọi nơi.

“Chúng ta đang ở tâm bão.", cha tôi nói, “Nó sẽ im lặng như thế này một thời gian, khoảng 15 đến 20 phút, rồi dông sẽ quay trở lại ... ".

Tôi hỏi cha, tôi có thể ra ngoài một chút hay không. Ông bảo có thể, nhưng chỉ đi lòng vòng gần đây thôi ...

Tôi ra ngoài và khám phá xung quanh.

[ ... ] K thấy tôi đang đi trên đường, liền chạy ra.

“Cậu đang đi đâu vậy?", K hỏi.

“Tớ chỉ muốn xuống chỗ biển nhìn một chút thôi.".

Không nói thêm gì, cậu ấy liền đi bên cạnh tôi, phía sau cậu còn có một chú chó lông trắng lon ton chay theo ...

[ ... ] Chúng tôi leo xuống con đê và đi dọc bờ biển, nhìn những đồ vật đang trôi dạt vào bờ ... Chúng tôi cứ đi như vậy khoảng năm phút khi tôi nhận ra con sóng dâng cao hơn, chạm đến chân tôi. Không có bất cứ âm thanh hay lời cảnh báo nào, biển cả dâng lên, há cái miệng đen ngòm của nó ra nhìn vào chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống như vậy. Dù là một đứa trẻ, nhưng tôi lớn lên cùng với biển và biết hình dạng hung dữ của nó trông như thế nào - sự man rợ của một trong những thứ xuất phát từ cổ xưa. Tôi theo phản xạ lùi dần, tránh xa khỏi con sóng. Thế nhưng nó vẫn như cũ, dâng lên cao hơn và chạm vào chân tôi. Và rồi nó rút dần, không một tiếng động, cứ thế cuộn sâu và biến mất. [ ... ] Tôi có cảm giác mình là con mồi của một loài động vật ăn thịt to lớn, nó đang nằm ở đâu đó chờ đợi thời cơ để xé xác tôi ra bằng hàm răng sắc nhọn. Tôi cần phải rời khỏi đây ngay.

“Tớ đi về dây!", tôi hét lên với K. Cậu ấy đang đứng dưới biển, cách tôi khoảng hai mét, quay lưng về phía tôi và đang chăm chú nhìn thứ gì đó. Tôi chắc chắn rằng tôi đã la lên rất to, thế nhưng tiếng hét của tôi không hề đến được với cậu ấy. K đang ở một nơi nào đó khác. Cậu ấy thường như vậy, khi tập trung vào bất cứ thứ gì, những thứ khác đều không khiến cậu ấy bận tâm. Hoặc có lẽ tôi hét lên chưa đủ to. Tôi hồi tưởng lại tiếng hét của mình, nó như một tiếng hét của ai đó khác chứ không phải của tôi.

Rồi tôi nghe một tiếng gầm rú trầm đục. Tiếng rú ấy làm rung chuyển cả mặt đất. Trước tiếng rú, tôi còn nghe thêm một âm thanh khác, tiếng ùng ục của lửa sôi khi những con sóng dâng cao hơn. Nó kéo dài một lúc thì dừng hẳn, rồi tôi nghe thấy tiếng rú kì lạ. Thế nhưng những thứ ấy vẫn không khiến K ngẫng đầu lên. K vẫn đứng đó, bất động. Cậu ấy không hề nghe thấy tiếng gầm rú, làm sao cậu ấy không nghe thấy một âm thanh làm rung cả mặt đất, tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Hoặc có lẽ chỉ có một mình tôi nghe thấy âm thanh ấy, một loại âm thanh đặc biệt nào đó. Ngay cả chú chó của K cũng có vẻ như không để ý đến tiếng gầm, dù chó là một loài vật rất nhạy âm thanh.

Tôi tự nói với bản thân hãy chạy lại chỗ K, kéo cậu ấy đi ra khỏi chỗ đó. Đó là việc duy nhất cần phải làm. Tôi biết con sóng đang tới, còn K thì không. Khi tôi nhận thức được hành động của bản thân, tôi đã chạy sang một con đường khác - chạy lên bờ đê, một mình. Thứ khiến tôi hành động như vậy, tôi chắc chắn, đó là nỗi sợ, nỗi sợ đã khiến giọng nói tôi tắt nghẹn và khiến chân tôi chạy đi thật xa. Đến khi đã qua khỏi con đê, tôi mới có thể hét lên.

"K! Ra khỏi đó ngay! Con sóng đang tới!". Lần này giọng nói tôi đã trở lại, không còn tiếng gầm rú quái quỷ, K đã nghe thấy tiếng hét của tôi và ngẩng đầu lên. Nhưng tất cả đã quá muộn. Một con sóng khổng lồ vồ lên, lao đến như vũ bão. Tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì như thế trong đời mình. Nó gần như to bằng một toà nhà ba tầng. Hoàn toàn vô thanh (theo như trí nhớ của tôi, lúc ấy không có bất kì âm thanh nào xuất hiện), con sóng lao đến K, che lấp cả khoảng trời phía trên cậu. K chỉ ngước lên nhìn tôi trong vài giây, vẻ bàng hoàng hiện lên trong mắt cậu. Như thể cảm nhận được điều gì, cậu quay lưng về phía con sóng. Cậu cố gắng chạy thoát, nhưng không còn thời gian để chạy. Và trong khoảnh khắc tiếp theo tôi nhìn thấy, con sóng đã nuốt chửng K. Nó lao vào cậu như một đầu xe lửa chạy hết tốc lực.

[ ... ] Tôi không thể tìm thấy K hay chú chó của cậu ấy ở trên bờ biển. Đó là một bờ biển trống không. Những con sóng liên tục dâng lên và rút dần về phía đại dương sâu thẳm. Tôi đứng đó, thẫn thờ nhìn trong bất động.

Sự im lặng bao trùm lên vạn vật - một sự im lặng chết chóc vọng về từ bên trong Trái Đất. Con sóng đã cuốn trôi K đi xa. Tôi đứng đó, không biết phải làm gì. Tôi có nên xuống biển không? Có lẽ cậu ấy mắc kẹt ở đâu đó gần bờ, hoặc bị vùi lấp dưới cát, ... Nhưng tôi quyết định không rời khỏi con đê. Theo những gì tôi được dạy, con sóng sẽ trở lại hai hoặc ba lần.

Tôi không chắc mình đứng đó trong bao lâu, 15 hoặc 20 giây tiếp theo, tôi nghĩ rằng con sóng tiếp theo tới. Một tiếng gầm dội lên những tảng đá, sau khi âm thanh ấy biến mất, con sóng xuất hiện. Nó lao về phía tôi, xoá sạch sự hiện diện của bầu trời. Nhưng lần này tôi không chạy trốn. Tôi đứng đó, chân lún vào cát, để con sóng nhào đến mình.

Con sóng thứ hai cũng to như con sóng đầu tiên, có lẽ to hơn. Đến gần tôi, nó càng to hơn, như một bức tường thành rung chuyển. Nó quá to để có thể là một con sóng. Nó giống một thứ gì đó ở một nơi xa vời hơn, đến đây trong hình dạng của con sóng. Tôi nghe tiếng tim mình đập rõ ràng vào giây phút cuối cùng, tôi không nhắm mắt, để cho bóng tối của con sóng ập lên mình.

Thế nhưng khi vừa đến trước mắt tôi, con sóng dừng lại. Bỗng nhiên nó cạn kiệt năng lượng, mất đi phương hướng, chỉ lơ lửng gào rú giữa không trung. Và ở sâu bên trong cái họng đen ngòm của con sóng, tôi nhìn thấy K.

Có lẽ vài người sẽ cảm thấy đây là một câu chuyện bịa đặt khó tin, tôi sẽ không trách các bạn đâu vì với tôi nó cũng vô cùng hoang đường. Đến bây giờ tôi vẫn còn chưa tin vào những gì mình đã thấy. Tôi không biết làm sao để giải thích cho các bạn rõ hơn, nhưng những gì tôi kể không phải ảo giác mà hoàn toàn là sự thật, là những gì đã xảy ra trước mắt tôi. Bên trong con sóng là K, cậu nhìn thẳng vào tôi và cười. Ngay trước mắt tôi, khoảng cách đủ gần để tôi có thể vươn tay ra chạm vào, là K, người bạn thân thiết của tôi, người chỉ vừa vài phút trước bị con sóng nuốt chửng. Cậu đang cười với tôi. Đó không phải là nụ cười bình thường, mà là một nụ cười to, ngoác tận mang tai. Đôi mắt lạnh lẽo của cậu nhìn thẳng vào tôi. Cậu ấy không còn là K mà tôi biết. Cánh tay phải của cậu giơ về phía tôi như muốn kéo tôi vào con sóng, vào thế giới khác mà cậu đang ở. Chỉ một chút nữa thôi là cậu đã có thể chạm vào tôi. Nhưng không, cậu không chạm đến được, thế là cậu lại cười toe toét.

2. Tôi gần như mất toàn bộ nhận thức ở thời điểm đó. Điều tiếp theo tôi còn nhớ là bản thân đang nằm trong phòng bệnh của cha mình.

[ ... ] Tôi nằm trên giường bệnh tròn một tuần, không ăn uống gì, chỉ truyền chất dinh dưỡng dạng lỏng. Cha tôi nói tình trạng của tôi khá tệ khiến ông ấy nghi ngờ rằng tôi vừa trải qua một cú sốc tâm lí chứ không đơn thuần là sốt. Nhưng tôi không thể nói cho ông ấy biết chuyện gì đã xảy ra. Cuộc sống của tôi từ khi ấy không còn giống như trước nữa.

[ ... ] Cha mẹ của K lại không căm ghét hay hận tôi vì đã rủ K xuống bãi biển giữa cơn bão. Họ biết tôi yêu thương và chăm sóc K như em trai mình. Cha mẹ của tôi cũng vậy, họ không bao giờ đề cập đến chuyện này trong suốt cuộc đời của tôi. Nhưng tôi là người biết sự thật. Tôi biết mình có thể cứu K. Tôi có thể chạy đến chỗ K thật nhanh và kéo cậu ấy ra khỏi đó. Thế nhưng vì sợ hãi, tôi đã bỏ cậu ấy lại một mình và chạy trốn. Điều khiến tôi đau đớn hơn là cha mẹ K và mọi người không trách móc tôi, thậm chí còn sợ tôi đau buồn nên không nhắc lại chuyện này. Mất một thời gian dài tôi mới vượt qua được cú sốc. Tôi nghỉ học nhiều tuần, không ăn uống được gì, chỉ nằm trên giường và nhìn trần nhà. K luôn ở đó, bên trong con sóng, nhìn tôi và cười, tay giơ lên vẫy gọi. Tôi không thể xoá hình ảnh tang thương ấy ra khỏi tâm trí mình. Và khi tôi ngủ, hình ảnh ấy lại hiện lên - trừ việc K đã bắt lấy tay tôi và lôi tôi vào con sóng theo cậu.

[ ... ] Cuối năm, tôi van xin cha mẹ hãy chuyển đến một thị trấn khác. Tôi không thể tiếp tục sống ở nơi này, ở bãi biển K đã chết và cậu ấy sống trong những cơn ác mộng không hồi kết của tôi. Nếu không di chỗ khác, tôi sẽ hóa điên. Cha mẹ tôi đồng ý. Tôi chuyển đến tỉnh Na-ga-nô (Nagano) sống với gia dình bên nội ở một làng gần Cô-mô-rô (Komoro). Tôi học hết tiểu học ở Na-ga-nô, tiếp tục học cả trung học và cao học ở đây. Tôi không bao giờ trở lại quê nhà, ngay cả dịp lễ. Chỉ có cha mẹ thường đến thăm tôi.

[ ... ] Tôi tránh xa quê nhà mình gần như bốn mươi năm. Tôi không bao giờ quay trở lại bờ biển đó. Tôi sợ hãi rằng nếu tôi trở lại đó, cơn ác mộng sẽ trở thành sự thật. Tôi luôn thích bơi lội, nhưng từ ngày đó tôi không bao giờ đến hồ bơi nữa. Tôi cũng không đến những nơi có ao hồ hay sông suối. Tôi tránh xa mọi tàu thuyền và không đi máy bay để ra nước ngoài. Tôi không thể ngừng nhìn thấy bản thân đang chết đuối. Như bàn tay lạnh lẽo của K, hình ảnh đen tối khi ấy không bao giờ rời khỏi tâm trí tôi.

Đến mùa xuân năm ngoái, tôi đã quay trở lại bờ biển nơi K bị con sóng cuốn trôi. [ ... ]

3. Nhà của K cũng không còn, thay vào đó là một bãi đỗ xe. Tôi cố vượt qua những xúc cảm trào dâng trong lồng ngực. Đã từ rất lâu rồi, đây là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Tôi đi về phía bãi biển, leo qua con đê chắn sóng. Bãi biển không thay đổi gì. Vẫn là những con sóng xô vào bờ, vẫn là đường bờ biển dài xa tít tắp. Vừa qua bốn giờ chiều, Mặt Trời ở phía xa đang ôm lấy bãi biển bằng một thứ màu cam hồng. Tôi bỏ ba lô xuống cát và ngồi trên một gờ đá. Nhìn ngắm khung cảnh trước mắt, thật khó để tin nơi đây từng có một con sóng to khổng lồ đã nuốt chửng người bạn thân nhất của tôi. Không còn ai ở lại [ ... ]. Mọi thứ gần như trở thành một giấc mơ xa vời trong tiềm thức của tôi.

Tôi nhận ra bóng tối trong tim mình đã biến mất. Thật bất ngờ. Cũng như cách nó đến. Tôi đứng dậy, cởi giày ra và để nước biển ngập hết bàn chân. Như thể hoá giải hết mọi khúc mắc, những con sóng đang vỗ về tôi hiện tại chính là những con sóng ngày xưa. Đó là một con sóng chậm rãi, dâng lên rồi rút xuống. Những người xung quanh nhìn tôi kì quặc, nhưng tôi không để tâm lắm. Cuối cùng, tôi cũng đã tìm được đường để trở về.

[ ... ] Tôi không còn nằm mơ thấy ác mộng nữa. Tôi không còn thức dậy giữa đêm khuya vì chính tiếng thét gào của mình. Và tôi đang cố gắng bắt đầu lại cuộc sống của mình. Không, tôi biết rằng bây giờ đã quá muộn để bắt đầu lại. Tôi không còn nhiều thời gian để sống. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng may mắn, dù nó có đến muộn đi chăng nữa, đến cuối cùng, tôi dường như đã được cứu rỗi2). Phải, may mắn: Cuộc đời chìm trong bóng tối với những tiếng thét gào sợ hãi của tôi đã đi đến hồi kết.".

Người đàn ông thứ bảy im lặng và nhìn những người khác trong phòng. Không một ai nói gì hay cử động, thậm chí là cả thở. Tất cả đều chờ đợi phần kết của câu chuyện. Bên ngoài, gió đã lặng. Người đàn ông thứ bảy lại giơ tay lên chỉnh cổ áo như thể đang lựa lời để nói.

“Họ bảo chúng ta rằng thứ duy nhất chúng ta sợ hãi chính là bản thân nỗi sợ, nhưng tôi không tin điều đó lắm.", ông ta nói. Một lúc sau, ông ta nói thêm: "Nỗi sợ luôn ở đó. Được thôi. Nó đến bên ta trong nhiều hình dạng, trong nhiều thời điểm, đàn áp chúng ta. Thứ đáng sợ nhất mà chúng ta làm khi ấy lại là quay lưng về phía nỗi sợ và nhắm mắt lại. Khi đó, chúng ta sẽ giữ lại thứ gì quý nhất đối với bản thân, giấu nó vào trong tim mình và đầu hàng trước một thứ khác. Trong trường hợp của tôi, một thứ khác đó là những con sóng.".

1 55 27/11/2024