Chiếc lá cuối cùng - Tác giả tác phẩm - Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Chiếc lá cuối cùng Ngữ văn lớp 9 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 1,177 30/05/2024


Tác giả tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng- Ngữ văn 9

Chiếc lá cuối cùng - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

I. Tác giả văn bản Chiếc lá cuối cùng

- Ô Hen-ri sinh năm 1862, mất năm 1910, tên thật của ông là William Sydney Porter

- Quê quán: là nhà văn người Mĩ.

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Ông sinh ra trong một gia đình có cha là thầy thuốc, mẹ ông qua đời khi ông mới lên ba tuổi.

+ Ông bỏ dở việc học tập năm 15 tuổi do gia cảnh nghèo khó. Ông đi nhiều nơi và làm nhiều nghề khác nhau: nhân viên, kế toán, thủ quỹ ngân hàng…

+ Sau này, khi bắt đầu với sự nghiệp văn chương, ông trở thành một nhà văn chuyên viết truyện ngắn.

+ Nhiều truyện của ông đã để lại dư âm trong lòng bạn đọc như: Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang, Qùa tặng của các đạo sĩ…

- Phong cách sáng tác:

+ Những sáng tác của ông nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả.

II. Tìm hiểu văn bản Chiếc lá cuối cùng

1. Thể loại

- Tác phẩm Chiếc lá cuối cùng thuộc thể loại: truyện ngắn.

2. Xuất xứ

- Ngô Vĩnh Viễn dịch, NXB Văn học, Hà Nội 1983.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

4. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (Từ đầu đến ...kiểu Hà Lan): Giôn-xi đợi cái chết.

- Phần 2 (Tiếp theo đến ...vịnh Na-plơ): Giôn-xi vượt qua cái chết.

- Phần 3 (Còn lại): Bí mật của Chiếc lá cuối cùng

5. Giá trị nội dung

- Truyện ngắn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, câu chuyện nói về tình bạn, tình yêu thương giữa những con người với nhau. Qua đó nhà văn mang tới một bức thông điệp: Hãy luôn thắp sáng ngọn lửa của khát khao hi vọng hãy luôn yeu thương, mang nghệ thuật phjc vụ con người, nghệ thuật chan chính lâu bền nhất là nghệ thuật hướng tới con người và vì con người.

6. Giá trị nghệ thuật

- Truyện với nhiều tình huống hấp dẫn, cách sắp xếp chặt chẽ, đặc biệt là đảo ngược tình huống lần lần tạo sự hứng thú cho người đọc.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Chiếc lá cuối cùng

1. Nhân vật Giôn-xi

- Giôn-xi là một họa sĩ nghèo mắc bệnh sưng phổi

- Khi bị bệnh, cô đã vô cùng tuyệt vọng:

+ Mở to cặp mắt thẫn thờ và thều thào ra lệnh => Những từ láy tượng hình tượng thanh thể hiện sự yếu ớt, cạn kiệt của Giôn-xi.

+ Suy nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng thì cô sẽ chết.

⇒ Tinh thần suy sụp, mất hết niềm tin, nghị lực, tâm trạng buông xuôi, tuyệt vọng

- Thái độ của Giôn-xi khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng không rụng:

+ Tự thấy mình là hư

+ Muốn ăn cháo, uống nước, muốn soi gương và muốn vẽ

⇒ Tâm trạng hoàn toàn thay đổi, cô thoát khỏi cái chết, có tình yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật.

- Sự dai dẳng của chiếc lá chính là nguồn gốc hồi sinh tâm trạng của Giôn-xi

⇒ Con người cần phải có niềm tin, nghị lực để chiến thắng bệnh tật và vượt lên chính mình.

2. Nhân vật Xiu

- Xiu là một cô gái có tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh, có sự đồng cảm sâu sắc và yêu thương bạn như người thân ruột thịt:

+ Khi Giôn-xi bị bệnh: Lo lắng, luôn động viên, chăm sóc Giôn-xi => Tình cảm chân thành của Xiu với cô bạn yếu đuối trọ cùng

+ Xiu sợ khi chỉ còn 1 chiếc là thường xuân cuối cùng còn bám lại trên tường. Khi Giôn-xi bảo kéo màn” cô làm theo cô làm theo một cách chán nản”

- Xiu kể về cái chết của cụ Bơ-men bằng một giọng cảm động và chân thành còn có cả sự biết ơn khôn xiết

⇒ Thể hiện sự kính trọng, thương nhớ, khâm phục cụ Bơ-men

3. Nhân vật cụ Bơ-men

- Là một họa sĩ già, nghèo, chưa có thành đạt trên con đường nghệ thuật, mơ ước vẽ được kiệt tác.

- Quan tâm, yêu quí các đồng nghiệp trẻ.

- Là người có đức hi sinh thầm lặng cao cả, quên mình vì người khác.

- Tạo ra kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu lấy Giôn-xi: Khi biết tâm trạng chán nản của Giôn-xi, cụ lẳng lặng vẽ chiếc lá thường xuân trên tường trong đêm gió tuyết để nhen lên niềm tin, niềm hi vọng và nghị lực sống cho Giôn-xi.

⇒Chiếc lá cuối cùng mà cụ Bơ men được tạo ra từ nghệ thuật chân chính, hướng đến con người và vì con người.

IV. Đọc văn bản Chiếc lá cuối cùng

Khi hai người lên trên gác thì Giôn-xi đang ngủ. Xiu kéo tấm mành mành xống che kín cửa sổ và ra hiệu cho cụ Bơ-mơn sang buồng bên cạnh. Sang đến nơi, họ sẹo sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì. Một cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng vẫn đang rơi, lẫn cùng với tuyết. Cụ Bơ-mơn mặc chiếc sơ mi cũ màu xanh, ngồi đóng vai một tay thợ mỏ già trên cái ấm đun nước lật úp giả làm tảng đá.

Sáng hôm sau, Xiu tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ thì thấy Giôn-xi đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành màu xanh đã kéo xuống.

“Kéo nó lên, em muốn nhìn”, cô thều thào ra lệnh.

Xiu làm theo một cách chán nản.

Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ.

“Đó là chiếc lá cuối cùng”, Giôn-xi nói, “Em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết.

“Em thân yêu, thân yêu!”, Xiu nói, cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối, “Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”.

Nhưng Giôn-xi không trả lời. Cái cô đơn nhất trong khắp thế gian là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình. Khi những dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một, ý nghĩ kì quặc ấy hình như càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn.

Ngày hôm đó trôi qua và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn có thể trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường. Thế rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại ào ào, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và rơi lộp độp xuống đất từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan.

Khi trời vừa hửng sáng thì Giôn-xi, con người tàn nhẫn, lại ra lệnh kéo mành lên.

Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.

Giôn-xi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu. Rồi cô gọi Xiu đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt.

“Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi”, Giôn-xi nói, “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và – khoan – đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng”.

Một tiếng đồng hồ sau, cô nói: “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”.

Buổi chiều, bác sĩ tới và khi ông ra về, Xiu kiếm cớ ra ngoài hành lang.

“Được năm phần mười rồi”, bác sĩ nói và cầm lấy bàn tay mảnh dẻ run rẩy của Xiu, “Chăm sóc chu đáo thì chị sẽ thắng. Và bây giờ tôi phải xuống dưới nhà thăm một bệnh nhân khác, tên là Bơ-men, hình như là một nghệ sĩ thì phải. Cũng lại chứng sưng phổi. Ông cụ là một người già yếu, bệnh tình nguy kịch. Chẳng còn hy vọng gì, nhưng hôm nay ông cụ sẽ vào nằm bệnh viện để được chăm sóc chu đáo hơn”.

Hôm sau, bác sĩ bảo Xiu: “Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã thắng. Giờ chỉ còn việc bồi dưỡng và chăm nom - thế thôi”.

Và buổi chiều hôm đó, Xiu tới bên giường Giôn-xi nằm, thấy Giôn-xi đang vui vẻ đan một chiếc khăn choàng len màu xanh thẫm rất vô dụng, chị ôm lấy người Giôn-xi lẫn những chiếc gối.

“Chị có chuyện này muốn nói với em, con chuột bạch của chị”, cô nói, “Cụ Bơ-mơn đã chết vì sưng phổi hôm nay ở bệnh viện rồi. Cụ ốm chỉ có hai ngày. Buổi sáng ngày thứ nhất, bác gác cổng thấy cụ ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo quần của cụ ướt sũng và lạnh buốt. Chẳng ai hình dung nổi cụ đã ở đâu trong một đêm khủng khiếp như thế. Nhưng rồi người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắp sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó, và vài chiếc bút lông rơi vung vãi, và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn với nhau, và - em thân yêu ơi, em hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường. Em có lấy làm lạ tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Ồ, em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Bơ-mơn, - cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng”.

V. Dàn ý phân tích Chiếc lá cuối cùng

1. Mở Bài:

Trong thế giới văn học, tác giả O. Henry nổi tiếng với tài viết sâu sắc và nhân văn. Trong một phần cuối của tác phẩm ngắn "Chiếc lá cuối cùng", ông đã tạo ra một hình tượng đặc biệt - chiếc lá cuối cùng, một kiệt tác nghệ thuật và nhân văn sâu sắc.

2. Thân Bài:

- Khái quát nội dung và hoàn cảnh ra đời chiếc lá cuối cùng:

Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men đều là những họa sĩ nghèo đói, sống trong cảnh khổ sở. Giôn-xi, mắc bệnh nặng, sống trong tuyệt vọng, trong khi đó cụ Bơ-men đã vẽ chiếc lá cuối cùng nhằm giúp cô vượt qua bệnh tật.

- Chiếc lá cuối cùng là kiệt tác của nghệ thuật vì:

+ Hình ảnh chiếc lá được vẽ với sự tinh tế đến từng chi tiết, giống như thật.

+ Được vẽ bằng tấm lòng yêu thương và đam mê của một người nghệ sĩ khao khát tạo ra kiệt tác nghệ thuật.

- Hình tượng chiếc lá cuối cùng giàu tính nhân văn cao cả:

+ Chiếc lá không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là biểu tượng của tấm lòng nhân ái và đức hi sinh thầm lặng.

+ Nó đã cứu sống Giôn-xi, làm nền tảng cho sự hy vọng và niềm tin trong cuộc sống của cô.

3. Kết bài:

Hình tượng chiếc lá cuối cùng trong tác phẩm không chỉ đơn thuần là một bức tranh hay một vật phẩm nghệ thuật, mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái và hy vọng. Nó là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu và sự hy sinh trong cuộc sống, và là minh chứng cho giá trị cao cả của những hành động nhỏ bé có ý nghĩa lớn lao.

1 1,177 30/05/2024