GDCD 7 Bài 4 (Kết nối tri thức): Giữ chữ tín

Với soạn, giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Bài 4: Giữ chữ tín sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập GDCD 7 Bài 4.

1 19,829 02/12/2022
Tải về


Giải bài tập Giáo dục công dân 7 Bài 4: Giữ chữ tín 

Video giải bài tập Giáo dục công dân 7 Bài 4: Giữ chữ tín 

Mở đầu

Mở đầu trang 18 GDCD 7: Trong cuộc sống, có khi nào em cam kết hoặc người khác cam kết với em một điều gì đó mà không thực hiện chưa? Lúc đó, em cảm thấy thế nào?

Trả lời:

- Ví dụ 1: một lần em hứa với bạn sẽ cho bạn mượn quyền sách em mới mua tuy nhiên em đã làm mất quyển sách nên không thể cho bạn mượn được.

=> Lúc đó, em cảm thấy rất có lỗi và tự trách bản thân vì đã không giữ lời hứa với bạn.

- Ví dụ 2: bố mẹ nói sẽ cho em đi chơi công viên nếu em được học sinh giỏi nhưng vì dịch bệnh Covid 19 nên công viên không mở cửa, em không được đi chơi công viên.

=> Lúc đó, em cảm thấy rất buồn và hụt hẫng vì em đã trông chờ chuyến đi rất nhiều.

Khám phá

1. Chữ tín và biểu hiện của giữ chữ tín

Câu hỏi 1 trang 19 GDCD 7: Em hãy đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Việc cậu bé cố gắng tìm cách trả lại tiền cho vị đạo diễn đã thể hiện điều gì?

b) Theo em, thế nào là chữ tín?

Trả lời:

Yêu cầu a) Việc cậu bé cố gắng tìm cách trả lại tiền cho vị đạo diễn đã thể hiện cậu bé là một người biết giữ chữ tín.

Yêu cầu b) Chữ tín là niềm tin của con người đối với nhau.

Câu hỏi 2 trang 19 GDCD 7: Em hãy quan sát các bức tranh dưới đây và trả lời câu hỏi:

GDCD 7 Bài 4: Giữ chữ tín - Kết nối tri thức (ảnh 1)

a) Nêu những biểu hiện của việc giữ chữ tín và không giữ chữ tín trong các bức tranh trên.

b) Hãy kể thêm một số biểu hiện của việc giữ chữ tín và không giữ chữ tín.

Trả lời:

Yêu cầu a) Những biểu hiện của việc giữ chữ tín và không giữ chữ tín trong các bức tranh trên:

+ Tranh 1: Bố mẹ đã giữ chữ tín với con khi thưởng cho con như đã hứa.

+ Tranh 2: Bạn nam biết giữ chữ tín với bạn nữ khi đến đúng hẹn dù trời mưa.

+ Tranh 3: Bạn nam áo cam không biết giữ chữ tín, không thực hiện tốt nhiệm vụ trồng cây.

+ Tranh 4: Bạn Thành biết giữ chữ tín, làm tốt công việc lớp trưởng, thống nhất giữa lời nói và việc làm.

Yêu cầu b) Kể thêm các biểu hiện của việc giữ chữ tín và không giữ chữ tín:

+ Biểu hiện của việc giữ chữ tín: Biết trọng lời hứa, đúng hẹn, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của bản thân, trung thực, thống nhất giữa lời nói và việc làm…

+ Biểu hiện của việc không giữ chữ tín: Thất hứa, trễ hẹn, thực hiện qua loa cho xong việc, thực hiện không đúng cam kết, nói dối, nói một đừng, làm một nẻo…

2. Ý nghĩa của giữ chữ tín

Câu hỏi 3 trang 21 GDCD 7: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi

a) Việc giữ chữ tín đã đem lại điều gì cho công ty ở Nhật Bản?

b) Hãy nêu hậu quả của việc không giữ chữ tín. Vì sao chúng ta cần giữ chữ tín?

Trả lời:

Yêu cầu a) Việc giữ chữ tín đã đem lại cho công ty ở Nhật Bản sự tin tưởng của đối tác, những năm sau đó đối tác tiếp tục đặt mua dao, nĩa của công ty ở Nhật Bản với số lượng tăng gấp nhiều lần và trở thành khách hàng thân thiết của hãng suốt một thời gian dài.

Yêu cầu b)

- Hậu quả của việc không giữ chữ tín: mất niềm tin của mọi người đối với mình, không được mọi người tôn trọng, gặp khó khăn trong công việc.

- Chúng ta cần giữ chữ tín vì: Người biết giữ chữ tín sẽ được mọi người tin tưởng, tôn trọng, hợp tác, dễ thành công hơn trong công việc, cuộc sống và góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 22 GDCD 7: Em cùng các bạn chơi trò chơi “Ai nhanh hơn?”.

- Tìm những câu ca dao, tục ngữ nói về việc giữ chữ tín. Ai tìm được nhanh và nhiều câu đúng hơn sẽ thắng.

- Chia sẻ hiểu biết của em về ý nghĩa của những câu ca dao, tục ngữ đã tìm được.

Trả lời:

- “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”: nếu một lần bạn không giữ chữ tín (lời hứa) thì sau này những người bị bạn thất hứa sẽ không còn tin tưởng lời hứa của bạn nữa

- “Chữ tín còn quý hơn vàng”: lời hứa rất quan trọng và không có gì mua được. Tuy vàng là thứ quý giá, đáng tiền nhưng lời hứa còn quý hơn thế nữa. Vì vậy, lời hứa quý hơn vàng.

- “Treo đầu dê, bán thịt chó”: theo nghĩa đen, dùng để chỉ sự gian lận của những kẻ hàng thịt ngoài chợ lừa khách hàng. Trước cửa treo cái đầu dê quảng cáo mà bên trong thì toàn là bán thịt chó. Nói rộng ra là chê trách mánh khóe dối trá, gian lận của những con buôn làm ăn bất chính, bán hàng giả mạo, kém phẩm chất.

- “Nói chín thì phải làm mười/ Nói người làm chín kẻ cười người chê”: Nói ít, hứa hẹn ít mà chăm chỉ làm sẽ được mọi người yêu quý; còn nói nhiều, hứa hẹn nhiều mà lại làm ít thì chỉ là kẻ ba hoa, lười biếng, luôn bị người đời cười chê.

- “Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”: Không được thay đổi, không được lật lọng, trước nói thế nào thì sau phải làm đúng như thế, luôn luôn lấy chữ tín làm đầu, biết coi trọng và đề cao chữ tín.

- “Người sao một hẹn thì nên/ Người sao chín hẹn thì quên cả mười”: Đối với những người biết giữ chữ tín có thể tin vào lời nói của họ mà không phải nghi ngờ họ thất hứa. Ngược lại, có những kẻ chỉ hứa hẹn nhiều hơn việc làm, nói thì hay nhưng không làm được gì, đặc điểm này là người thích a dua, thích vẻ bề ngoài nhưng trong thì rỗng tuếch, có thể nói là tiểu nhân. Chúng ta cần có ý thức rèn cho mình trở thành người biết giữ chữ tín.

Luyện tập 2 trang 22 GDCD 7: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

a) Giữ chữ tín là coi trọng niềm tin của tất cả mọi người đối với mình.

b) Làm tốt công việc như đã cam kết chính là giữ chữ tín.

c) Để giữ chữ tín, cần phải thực hiện lời hứa trong bất kì hoàn cảnh nào, với bất kì đối tượng nào.

d) Chỉ người lớn mới cần giữ chữ tín, trẻ con chưa cần phải giữ chữ tín.

e) Người thất tín có thể được lợi trước mắt nhưng chịu thiệt hại lâu dài.

Trả lời:

- Ý kiến a) Đồng tình. Vì chữ tín là niềm tin của con người đối với nhau, giữ chữ tín là coi trọng niềm tin của tất cả mọi người đối với mình.

- Ý kiến b) Đồng tình. Vì cam kết trong công việc cũng là chữ tín, là niềm tin của người khác với mình trong công việc. Khi làm tốt công việc như đã cam kết chính là giữ chữ tín.

- Ý kiến c) Không đồng tình. Vì trong một số hoàn cảnh, tình huống và với một số đối tượng thì không thể thực hiện lời hứa. Ví dụ: Bận việc đột xuất, gặp sự cố không thể giải quyết được nên không thực hiện được lời hứa, bác sỹ nói dối bệnh nhân về bệnh tình của bệnh nhân, trong kháng chiến các chiến sỹ cách mạng dù bị tra tấn dã man cũng không khai bí mật của tổ chức mình...

- Ý kiến d) Không đồng tình. Vì ai cũng cần giữ chữ tín, giữ chữ tín là một phẩm chất cần có của mỗi người dù là người lớn hay trẻ con.

- Ý kiến e) Đồng tình. Vì khi không giữ chữ tín người thất tín có thể được lợi trước mắt nhưng chịu thiệt hại lâu dài. Họ sẽ làm mất niềm tin của mọi người đối với mình, không được mọi người tôn trọng, gặp khó khăn trong công việc sau này.

Luyện tập 3 trang 22 GDCD 7: Trong các trường hợp dưới đây, hành vi nào thể hiện giữ chữ tín, hành vi nào thể hiện không giữ chữ tín? Vì sao?

a) H hẹn đi xem xiếc cùng P nhưng do nhà có việc đột xuất nên không đi được. H gọi điện xin lỗi P và hẹn hôm khác sẽ đi.

b) V hứa sẽ giúp D học tốt môn Tiếng Anh. Tuy bận rộn nhưng V vẫn sắp xếp thời gian để học cùng và hướng dẫn D. Chỉ sau một thời gian ngắn, trình độ tiếng Anh của D đã tiến bộ.

c) T mượn C quyển truyện và hứa sẽ trả bạn sau một tuần. Nhưng do bận tập văn nghệ để tham gia biểu diễn nên T chưa kịp đọc. T nghĩ “Chắc C đã đọc truyện rồi” nên bạn vẫn giữ lại, bao giờ đọc xong sẽ trả.

d) Bà X mở cửa hàng bán thực phẩm sạch. Mặc dù lợi nhuận thấp nhưng bà vẫn vui vì đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Có người khuyên bà nhập thực phẩm không rõ nguồn gốc về bán với danh nghĩa thực phẩm sạch, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều nhưng bà nhất quyết không làm theo.

Trả lời:

- Trường hợp a) H đã không giữ chữ tín với P. Tuy nhiên đây không phải là H cố ý mà do nhà H có việc đột xuất nên không đi được. H đã gọi điện xin lỗi P và hẹn hôm khác sẽ đi.

- Trường hợp b) V là người giữ chữ tín. V hứa sẽ giúp D học tốt môn Tiếng Anh và V đã thực hiện đúng như vậy.

- Trường hợp c) T là người không giữ chữ tín. T đã không trả bạn sau một tuần. Nếu T bận tập văn nghệ để tham gia biểu diễn nên chưa kịp đọc nên nói với bạn và xin bạn cho mượn thêm một thời gian nữa.

- Trường hợp d) Bà X là người giữ chữ tín với khách hàng. Bà đã không nghe theo lời khuyên bà nhập thực phẩm không rõ nguồn gốc về bán với danh nghĩa thực phẩm sạch, lợi nhuận sẽ cao hơn. Mặc dù lợi nhuận thấp nhưng bà vẫn vui vì đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Luyện tập 4 trang 23 GDCD 7: Em hãy đưa ra lời khuyên cho bạn trong các tình huống sau:

a) Ngày thứ Bảy, Y giúp mẹ bán rau. Có khách đến mua rau, họ đã trả tiền và nhờ Y nhặt rau giúp. Nhưng đã cuối ngày mà không thấy người khách quay lại.

GDCD 7 Bài 4: Giữ chữ tín - Kết nối tri thức (ảnh 1)

b) Bố mẹ hứa sẽ mua đàn cho M nếu bạn đạt danh hiệu Học sinh Giỏi. M cố gắng học và đã đạt được danh hiệu đó. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc khó khăn, thu nhập giảm nên bố mẹ vẫn chưa mua đàn cho M.

GDCD 7 Bài 4: Giữ chữ tín - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Trả lời:

- Tình huống a) Y nên đợi một chút xem họ có quay lại không, nếu đến giờ Y phải về mà người khách không quay lại thì Y nên để lại lời nhắn cho người khách hẹn họ ngày mai quay lại lấy rau, Y vẫn giữ rau cẩn thận cho họ.

- Tình huống b) M nên nói với bố mẹ chưa cần mua đàn cho mình vội. Khi nào gia đình có điều kiện hơn thì mua đàn cũng được. Ngoài ra M vẫn phải tiếp cố gắng học và giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 23 GDCD 7: Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về lời khuyên “Hãy tiết kiệm lời hứa”.

Trả lời:

* Bài tham khảo số 1

- Giữ lời hứa tưởng chừng như là 1 việc đơn giản nhưng lại có ý nghĩa lớn lao đối với con người. Đó là việc có trách nhiệm trước lời nói của mình, phải biết lấy chữ tín làm đầu, không được hứa suông hứa liều; phải làm đúng, thực hiện đúng điều đã nói và đã hứa. Tại sao lại như vậy? Bởi mỗi lời nói ra đều phản ánh phần nào đó tính cách của con người. Nếu con người nói ra mà không thực hiện được sẽ là 1 người nói dối, hão huyền, làm mất niềm tin của người khác. Ngược lại nếu nói được, làm được sẽ tạo cho người đối diện những ấn tượng tốt đẹp.

- Người biết giữ lời hứa là người có chữ tín, đáng tin cậy, rất đáng để người khác ủy thác trách nhiệm. Niềm tin bao giờ cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng trong mọi công việc, đặc biệt là ở 1 công việc mới. Và để xây dựng niềm tin, một trong những cách tốt nhất là giữ lấy lời hứa của chính mình.

- Biết giữ lời hứa là 1 nguyên tắc trong ứng xử, giao tiếp. Nó thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người khác, đồng thời cũng thể hiện chính bản thân mình là người có lòng tự trọng.

- Như vậy, lời hứa có thể nói ra 1 cách rất dễ dàng, hãy trở thành một người đáng tin cậy với người khác và biết chịu trách nghiệm cho lời hứa của mình. Hãy tiết kiệm lời hứa, nhưng một khi đã hứa thì hãy chắc chắn giữ lời.

* Bài tham khảo số 2:

- “Lời hứa! Lời hứa được tạo ra để làm cho người khác tin tưởng mình. Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh việc bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn là người có trách nhiệm. Giữ lời hứa là điều rất quan trọng và đáng quý. Tạo ra lời hứa thì lúc nào cũng dễ nhưng việc thực hiện và giữ lấy nó lại là điều ngược lại không dễ chút nào. Bạn hứa rất nhiều nhưng bạn có thể không thể giữ được nó. Việc bạn thất hứa đối với bạn thì rất bình thường vì đó chỉ là câu nói thường nhưng đối với người đã đặt lòng tin vào lời hứa của bạn thì đó là điều rất lớn. Bạn có thể làm ra hàng nghìn, hàng vạn lời hứa nhưng lời hứa của bạn không còn là gì đối với người đặt lòng tin vào bạn, vì họ đã mất đi sự tin tưởng và lời hứa của bạn sau khi bạn thất hứa sẽ trở nên vô nghĩa.

- Hãy tiết kiệm lời hứa, nhưng một khi đã hứa thì hãy chắc chắn giữ lời. Lời hứa đôi lúc còn thể hiện sự coi trọng người khác của bạn. Nếu bạn thất hứa thì đôi lúc sẽ có người nghĩ họ không được coi trọng trong bạn. Những lúc mà bạn thất hứa, nhiều người thường đùn đẩy trách nhiệm cho hoàn cảnh và trách nhiệm nhưng nguyên nhân chính lại là lý do hoàn toàn khác. Nếu bạn tạo ra lý do để lừa đối người khác về lời hứa thì bạn chính là người tự dối lừa chính bản thân mình và bạn sẽ cảm thấy vô cùng bứt rứt trong lòng.

- Tôi sẽ lấy một ví dụ điển hình về các bạn học sinh nhé! Một người bạn nhờ bạn giúp làm bài tập và bạn hứa sẽ giúp bạn đó. Nhưng đến ngày nộp bài thì bạn vẫn chưa giúp bạn đó và bạn đó bị điểm kém. Người đó hỏi bạn là tại sao lại không giúp bạn ấy thì bạn đùn đẩy lý do là làm bài tập khác nhưng lý do thật là do bạn quên. Rồi lần sau bạn lại không giúp. Sau mỗi lần nói dối thì bạn cảm thấy bứt rứt trong lòng. Bạn cố để sửa chữa lỗi lầm của mình nhưng sự tôn trọng của người kia đối với bạn đã về mức 0 nên họ không cần sự sửa chữa của bạn nữa. Lúc đó bạn thấy được lời hứa quan trọng đến nhường nào.”

- Lời hứa rất quý giá và quan trọng. Nếu đã hứa thì phải thực hiện và giữ lấy nó. Hãy trở thành người đáng tin cậy và có trách nhiệm với lời hứa của mình!

Vận dụng 2 trang 23 GDCD 7: Cùng các bạn trong nhóm xây dựng và biểu diễn một tiểu phẩm về chủ đề “Giữ chữ tín trong học sinh” (Ví dụ: giữ lời hứa, trung thực trong thi cử,…).

Trả lời:

* Gợi ý nội dung tiểu phẩm tham khảo số 1:

- Có một lần, ở trường có việc gấp nên tôi mượn bạn học 5 nghìn. Về đến nhà, tôi lấy sẵn tiền kẹp vào trong hộp bút để nhớ trả bạn. Nhưng vì có việc nên tôi quên mất. Qua mấy ngày mà vẫn chưa trả tiền cho bạn. Thế rồi một hôm, tôi nhìn thấy tờ 5 nghìn kẹp trong hộp bút, tôi mới nhớ ra là mình chưa trả tiền cho bạn.

- Tôi lập tức cầm tiền trả cho bạn. Nhưng bạn đó lại nói với tôi rằng “bạn trả tớ rồi mà”. Tôi biết chắc chắn là bạn ấy đã quên mất việc này, vì việc đã qua nhiều ngày rồi.

- Tôi nói với bạn ấy: “Không phải đâu, chắc bạn nhớ nhầm rồi, tớ vẫn chưa trả bạn tiền”. Kể từ lần đó, mỗi lần  vay mượn bạn bè thứ gì, là tôi không dám trì hoãn. Dùng xong lập tức trả lại cho bạn. Tôi tuyệt đối không thể là một đứa trẻ không giữ chữ tín được.

* Gợi ý nội dung tiểu phẩm tham khảo số 2:

- Hồi Bác Hồ sống ở Pác Bó, một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”. Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu”...

- Hơn 2 năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người”...

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác: 

Bài 5: Bảo tồn di sản văn hóa

Bài 6: Ứng phó với tâm lí căng thẳng

Bài 7: Phòng, chống bạo lực học đường

Bài 8: Quản lí tiền

Bài 9: Phòng, chống tệ nạn xã hội

1 19,829 02/12/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: