GDCD 7 Bài 10 (Kết nối tri thức): Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Với soạn, giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập GDCD 7 Bài 10.

1 5,249 02/12/2022
Tải về


Giải bài tập Giáo dục công dân 7 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

I. Mở đầu

Câu hỏi trang 56 GDCD 7: Hãy chia sẻ cảm xúc của em khi nghe/hát bài hát “Cho con”.

Trả lời:

- Lời bài hát giản dị mà vô cùng ý nghĩa, ngợi ca tình cảm gắn bó giữa những thành viên trong một gia đình. Đó là thứ tình cảm tự nhiên, đầu tiên và đáng gìn giữ trong cuộc đời của mỗi con người. Khi chúng ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ là những người luôn luôn yêu thương, vỗ về để nuôi chúng ta nên người. Khi chúng ta lớn lên, ra ngoài xã hội để học tập và làm việc, chính cha mẹ là người luôn dõi theo mọi hành động, mọi bước đi của ta, cha mẹ là người bên ta mỗi khi ta mệt mỏi hay vấp ngã. Tình cảm gia đình dường như là thứ tình yêu thiên bẩm, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi người.

II. Khám phá

1. Khái niệm và vai trò của gia đình

Câu hỏi 1 trang 57 GDCD 7: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Hãy cho biết mối quan hệ của các thành viên trong hai trường hợp trên.

b) Em hiểu thế nào là gia đình?

Trả lời:

Yêu cầu a) Trong hai trường hợp trên, các thành viên có mối quan hệ gia đình.

- Trường hợp 1 là mối quan hệ gia đình có quan hệ huyết thống.

- Trường hợp 2 là mối quan hệ gia đình có quan hệ nuôi dưỡng.

Yêu cầu b) Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống; quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Câu hỏi 2 trang 57 GDCD 7: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Em hãy cho biết vai trò của gia đình qua các trường hợp trên.

b) Kể thêm các vai trò khác của gia đình mà em biết.

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Trường hợp 1: Gia đình duy trì nòi giống, kinh tế, tổ chức đời sống gia đình, nuôi dưỡng, giáo dục con, cháu phát triển xã hội.

- Trường hợp 2: Bố và mẹ, các anh chị, ông và bà là những người giáo dục đầu tiên của trẻ ở lứa tuổi trước khi đến trường và họ vẫn là những người tiếp tục giáo dục khi con cháu họ đã đi học. Gia đình là nơi gắn bó, liên kết các thành viên thường xuyên, lâu dài và bền vững; là tổ ấm đem lại hạnh phúc cho cá nhân.

Yêu cầu b)

- Gia đình có các vai trò cơ bản: duy trì nòi giống, kinh tế, tổ chức đời sống gia đình, nuôi dưỡng, giáo dục con, cháu và góp phần phát triển xã hội.

- Đối với mỗi người, gia đình chính là mái ấm yêu thương, là nơi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, là chỗ dựa vững chắc cho mọi thành viên.

- Đối với xã hội, gia đình có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Mỗi một gia đình tốt là một tế bào lành mạnh cho xã hội.

2. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình

Câu hỏi 3 trang 58 GDCD 7: Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Hai trường hợp trên liên quan đến quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng? Anh Nam và anh Kha thực hiện đúng quy định của pháp luật không?

b) Kể thêm các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng mà em biết.

Trả lời:

Yêu cầu a) Hai trường hợp trên liên quan đến quyền và nghĩa vụ bình đẳng giữa vợ và chồng.

- Anh Nam đã thực hiện đúng quy định của pháp luật khi cùng vợ chia sẻ mọi việc trong nhà, tôn trọng vợ và cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi việc lớn nhỏ trong nhà.

- Anh Kha đã chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, vì anh cho rằng phụ nữ không có quyền quyết định việc lớn trong nhà nên đã không tôn trọng ý kiến của vợ.

Yêu cầu b) Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình; vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình;...

Câu hỏi 4 trang 59 GDCD 7: Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Việc làm của bố mẹ K, bố mẹ Mai và H trong các trường hợp trên nói đến quyền và nghĩa vụ gì giữa cha mẹ và con? Những ai đã thực hiện đúng/ không đúng các quyền, nghĩa vụ đó? Vì sao?

b) Kể thêm các quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con mà em biết.

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Trường hợp  1: Nói về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức,... Bố mẹ K đã thực hiện đúng khi dù hoàn cảnh có khó khăn cũng vẫn cố gắng lo cho con được đi học.

- Trường hợp 2: Nói về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, tri tuệ, đạo đức, trở thành người con hiểu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Bố mẹ Mai đã thực hiện đúng khi cổ vũ và tạo điều kiện cho Mai được phát triển sở thích và năng khiếu.

- Trường hợp 3: Nói về quyền và nghĩa vụ của con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng duỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. H đã không thực hiện đúng do không san sẻ gánh nặng với bố mẹ mà lại một mình chi tiêu riêng.

Yêu cầu b)

- Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân tốt, bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; không phân biệt đối xử giữa các con; không ngược đãi, ép buộc con làm điều trái pháp luật, trái đạo đức,.

- Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ; có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ và tham gia công việc gia đình phù hợp lứa tuổi; giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình;..

Câu hỏi 5 trang 60 GDCD 7: Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Em hãy nhận xét việc làm của Hưng và P trong các trường hợp trên.

b) Theo em, giữa anh chị em trong gia đình có quyền, nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Hưng đã thực hiện rất tốt quyền và nghĩa vụ của một người anh trong gia đình, biết yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ các em.

- P chưa thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của anh chị em trong gia đình, thường xuyên bắt nạt em.

Yêu cầu b) Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Câu hỏi 6 trang 60 GDCD 7: Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Em hãy nhận xét về tình cảm và việc làm của ông bà Bình, H trong các trường hợp trên và cho biết ai thực hiện đúng/ không đúng quyền và nghĩa vụ giữa ông bà và cháu.

b) Kể thêm quyền, nghĩa vụ giữa ông bà và cháu mà em biết.

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Bình và ông bà đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ giữa ông bà và các cháu. Ông bà yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng cháu và cháu kính trọng, yêu thương, biết ơn ông bà.

- H chưa thực hiện quyền và nghĩa vụ của một người cháu đối với ông bà. H chưa yêu thương bà, không kính trọng và chăm sóc cho bà.

Yêu cầu b)

- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

III. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 62 GDCD 7: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

a) Nếp sống của gia đình có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

b) Cha mẹ có quyền phân biệt đối xử giữa các con.

c) Giáo dục trẻ em là công việc của nhà trường.

Trả lời:

- Ý kiến a) Đồng tình. Bởi vì gia đình là trường học đầu tiên và suốt đời của con người. Ý nghĩa cơ bản và mục đích của cuộc sống gia đình là giáo dục con cái. Gia đình cùng với những mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ là trường học đầu tiên giáo dục đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ và thể chất. Bố và mẹ, các anh chị, ông và bà là những người giáo dục đầu tiên của trẻ ở lứa tuổi trước khi đến trường và họ vẫn là những người tiếp tục giáo dục khi con cháu họ đã đi học.

- Ý kiến b) Không đồng tình. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con. Phân biệt đối xử giữa các con là vi phạm quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái trong việc đối xử bình đẳng giữa tất cả các con.

- Ý kiến c) Không đồng tình. Bởi vì chức năng cơ bản của một gia đình là giáo dục, nuôi dưỡng con người cho xã hội. Gia đình là một sự nghiệp to lớn và đầy trách nhiệm, bố mẹ lãnh đạo sự nghiệp đó và chịu trách nhiệm về nó trước xã hội, trước hạnh phúc của mình và cuộc sống của con cái; nhà trường chỉ có thể góp một phần vào sự nghiệp giáo dục con trẻ.

Luyện tập 2 trang 62 GDCD 7: Trong những trường hợp dưới đây, ai thực hiện đúng, ai không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình? Vì sao?

a) N thích học đàn, bạn được bố mua đàn và tìm thầy dạy. Bố khuyến khích N học đàn nhưng luôn nhắc nhở N không được lơ là việc học các môn văn hóa.

b) Được ông bà chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu cầu nên M không nghe lời bố mẹ, lười học, ham chơi. Khi bố mẹ mắng, M tỏ ra không nghe lời vì được ông bà bênh.

c) Bố mẹ H luôn khuyến khích H tham gia các hoạt động tập thể của trường, lớp.

d) Ở nhà, bố thường trao đổi, tham khảo ý kiến A về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Trả lời:

- Trường hợp a) Bố N đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình. Bố N tôn trọng và ủng hộ sở thích của con. Bên cạnh đó không quên giúp đỡ, nhắc nhở con không được lơ là việc học.

- Trường hợp b) M không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của con đối với bố mẹ, không tôn trọng, lễ phép, nghe lời bố mẹ.

- Trường hợp c) Bố mẹ H thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của bố mẹ đối với con, lo lắng quan tâm đến việc học hành của con.

- Trường hợp d) Bố A thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của bố mẹ với con cái, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, quan điểm của A.

Luyện tập 3 trang 62 GDCD 7: Em hãy xử lí các tình huống dưới đây:

a) L và em trai học cùng trường. Nhà trường tổ chức đi tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương. Hai chị em đều muốn tham gia nhưng bố chỉ cho L đi, còn em trai phải ở nhà vì còn nhỏ.

Nếu là L, em sẽ ứng xử thế nào?

b) S rất thích vẽ và vẽ rất đẹp nên được các bạn bầu làm nhóm trưởng tờ báo tường của lớp. S xin mẹ cho đi học lớp vẽ ở Cung thiếu nhi nhưng mẹ không đồng ý vì sợ học vẽ sẽ ảnh hưởng đến việc học ở trường của S.

Nếu là S, em sẽ ứng xử thế nào?

c) Nhà D có hai anh em, D luôn tranh giành, bắt nạt em. Bố mẹ đi làm giao cho D ở nhà nấu cơm, dọn dẹp, trông em, D luôn nhận việc nhưng khi bố mẹ vừa đi, D liền đi chơi và bắt em làm những việc bố mẹ giao.

Nếu là bạn của D, em có lời khuyên gì cho D?

d) Bà ốm, bố mẹ bận việc nên dặn C ở nhà chăm sóc bà. C từ chối với lí do đã có hẹn đi xem phim cùng các bạn.

Nếu là C, khi được bố mẹ giao việc đó, em sẽ ứng xử thế nào? Vì sao?

Trả lời:

- Tình huống a) Nếu là L, em sẽ thuyết phục bố mẹ đồng ý cho cả em trai cùng đi. Bởi vì chuyến tham quan này là một hoạt động rất bổ ích và học hỏi được nhiều điều, vì vậy xin bố mẹ đồng ý cho em trai đi để được khám phá điều mới và em hứa với bố mẹ sẽ chăm sóc em trai cẩn thận.

- Tình huống b) Nếu là S, em sẽ thuyết phục mẹ rằng em rất thích học vẽ, đi học vẽ ở Cung thiếu nhi không chỉ giúp em nâng cao khả năng vẽ đẹp mà còn giúp em được giải tỏa căng thẳng sau buổi học và em sẽ cam kết với mẹ rằng sẽ không để ảnh hưởng đến việc học ở trường.

- Tình huống c) Nếu là bạn của D, em sẽ nói với bạn rằng hành vi của D là sai và vi phạm quy định của pháp luật. D không được đối xử với em của mình như thế.

- Tình huống d) Nếu là C, em sẽ đồng ý chăm sóc bà và hẹn với các bạn sẽ đi xem phim vào một hôm khác. Bởi vì việc chăm sóc bà quan trọng hơn việc đi chơi cùng bạn rất nhiều.

IV. Vận dụng

Vận dụng 1 trang 62 GDCD 7: Em hãy viết thư cho người thân bày tỏ mong muốn về việc được thực hiện quyền tham gia của em trong gia đình.

Trả lời:

(*) Dàn ý:

- Phần mở đầu thư:

+ Địa điểm và ngày tháng viết thư.

+ Lời xưng hô của người viết với người nhận thư.

- Phần nội dung thư:

+ Trình bày hoàn cảnh, suy nghĩ của bản thân.

+ Bày tỏ mong muốn về việc được thực hiện quyền tham gia của em trong gia đình.

- Phần kết thúc thư:

+ Lời chúc, hứa hẹn.

+ Kí tên.

(*) Bài làm tham khảo

Mẹ yêu thương!

Con luôn cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi được là một thành viên trong gia đình ta. Bố mẹ đã sinh ra con và vất vả nuôi chị em con khôn lớn từng ngày. Con luôn biết ơn và cố gắng không để bố mẹ muộn phiền, lo lắng.

Con thấy mình đã lớn khôn, trưởng thành và có thể nhìn nhận, xử lí được một số việc theo khả năng bản thân. Nhưng con thấy rằng bố mẹ có nhiều lúc chưa hiểu con, chưa tôn trọng ý kiến và cho con tham gia những công việc trong gia đình. Ví dụ như chuyện kê chiếc bàn học của con ở phòng khách. Con mong muốn có không gian riêng tư để học tập. Con hứa sẽ học tập chăm chỉ, nghiêm túc và có hiệu quả. Xin bố mẹ hãy yên tâm về con và cho con được thực hiện quyền tham gia của con trong gia đình.

Con yêu mẹ!

Con của mẹ

Vận dụng 2 trang 62 GDCD 7: Em hãy lập và thực hiện bản kế hoạch điều chỉnh những việc làm của mình cho đúng với nghĩa vụ công dân trong gia đình theo gợi ý dưới đây:

Trả lời:

Các quyền, nghĩa vụ chưa thực hiện

Nguyên nhân chưa thực hiện được

Mong muốn

cần đạt

Phương thức

điều chỉnh

Thời gian

điều chỉnh

Tham gia các công việc gia đình phù hợp lứa tuổi

Quá  tập trung học, không có nhiều thời gian phụ giúp bố mẹ

Tham gia các công việc gia đình giúp đỡ bố mẹ

Lên kế hoạch học tập và sinh hoạt hợp lí, cân bằng giữa việc học và phụ giúp bố mẹ

Từ tháng sau

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác: 

Bài 1: Tự hào về truyền thống quê hương

Bài 2: Quan tâm, cảm thông và chia sẻ

Bài 3: Học tập tự giác, tích cực

Bài 4: Giữ chữ tín

Bài 5: Bảo tồn di sản văn hóa

1 5,249 02/12/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: