Trong lòng mẹ - Tác giả tác phẩm Ngữ văn 6 - Cánh diều

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Trong lòng mẹ Ngữ văn lớp 6 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:

1 729 lượt xem
Tải về


Tác giả tác phẩm: Trong lòng mẹ - Ngữ văn 6

I. Tác giả

- Nguyên Hồng (1918 - 1982), tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định.

- Tuổi thơ của Nguyên Hồng phải trải qua nhiều cay đắng, bất hạnh: thiếu thốn không chỉ về vật chất mà còn về tình cảm gia đình.

- Trước cách mạng, ông sống chủ yếu ở Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo.

- Ngay từ tác phẩm đầu tay, ông đã hướng ngòi bút của mình vào những con người nghèo khổ. Ông được nhận định rằng ông là nhà văn của phụ nữ và trẻ em.

- Sau cách mạng, ông tiếp tục sáng tác bền bỉ. Các tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, kí, thơ và nổi bật nhất là tiểu thuyết sử thi nhiều tập.

- Một số tác phẩm tiêu biểu:

+ Tiểu thuyết: Bỉ vỏ (1938), Cuộc sống (1942), Sóng gầm (1961), Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976)...

+ Truyện: Hai dòng sữa (truyện ngắn, 1943), Vực thẳm (truyện vừa, 1944), Miếng bánh (truyện ngắn, 1945)...

+ Hồi ký: Những ngày thơ ấu (đăng báo lần đầu năm 1938, xuất bản năm 1940), Một tuổi thơ văn (1973), Những nhân vật ấy đã sống với tôi (1978)...

+ Bộ tiểu thuyết lịch sử: Núi rừng Yên Thế (gồm nhiều tập, đang được nhà văn viết dở).

Trong lòng mẹ - Ngữ văn lớp 6 - Cánh diều (ảnh 1)II. Tác phẩm Trong lòng mẹ

1. Thể loại: Hồi ký

2. Hoàn cảnh sáng tác

- Đoạn trích “Trong lòng mẹ” được rút từ chương IV của cuốn hồi ký “Những ngày thơ ấu”. Tác phẩm gồm 9 chương, được đăng báo lần đầu năm 1938, được in thành sách năm 1940.

3. Phương thức biểu đạt: Tự sự

4. Tóm tắt tác phẩm Trong lòng mẹ

Bé Hồng là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng, chú lớn lên trong không khí giả dối, lạnh lẽo của gia đình không hạnh phúc. Khi cha mất, người mẹ sau khi đã chôn vùi tuổi xuân bên người chồng nghiện ngập đã bỏ đi tha hương cầu thực. Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của họ hàng, đặc biệt của người cô độc ác luôn gieo rắc vào đầu cậu những điều xấu xa về mẹ. Bằng tình yêu thương bé Hồng vẫn luôn tin mẹ đúng, và thương nhớ mẹ. Cuối cùng mẹ cũng trở về, Hồng được mẹ âu yếm, vỗ về.

Trong lòng mẹ - Ngữ văn lớp 6 - Cánh diều (ảnh 1)

5. Bố cục tác phẩm Trong lòng mẹ

2 phần

- Đoạn 1 (từ đầu… “người ta hỏi đến chứ”): Cuộc đối thoại giữa Hồng và bà cô cay nghiệt.

- Đoạn 2 (phần còn lại): Cuộc gặp gỡ cảm động, hạnh phúc của hai mẹ con Hồng.

6. Giá trị nội dung tác phẩm Trong lòng mẹ

- Đoạn trích Trong lòng mẹ đã kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh.

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Trong lòng mẹ

- Thể loại hồi kí với lối văn uyển chuyển, tài tình, xúc động.

- Biện pháp tu từ: so sánh.

- Nghệ thuật tự sự và xây dựng nhân vật thành công.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Trong lòng mẹ

1. Câu chuyện giữa Hồng và bà cô

* Hoàn cảnh:

- Gần đến ngày giỗ đầu của cha Hồng nhưng mẹ vẫn chưa về.

- Một hôm, bà cô gọi Hồng lại và hỏi chuyện.

* Nội dung cuộc đối thoại:

- Bà cô hỏi Hồng có muốn vào Thanh Hóa thăm mẹ không. Nhưng thực chất là muốn reo rắt những ý nghĩ cay nghiệt về mẹ vào đầu Hồng.

- Phản ứng của cậu bé Hồng:

+ Nghĩ đến hình ảnh người mẹ đã định trả lời rằng “có”.

+ Nhưng hiểu được ý định của bà cô: “muốn gieo giắc những hoài nghi để tôi khinh miệt…”

Nhân vật Hồng hiện lên là một cậu bé nhạy cảm, yêu thương mẹ.

- Những câu nói tưởng như quan tâm nhưng thực chất là mỉa mai:

+ Mợ mày phát tài lắm có như dạo trước đâu?

+ Mày dại quá, cứ vào đi, tao cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa và thăm em bé nữa chứ.

+ Kể lại câu chuyện người ta nhìn thấy mẹ Hồng.

Một người thân mà lại độc ác, cay nghiệt khi muốn gieo giắt những điều xấu xa vào đầu cháu.

- Tâm trạng của Hồng khi nghe chuyện của bà cô:

+ Lòng thắt lại, khóe mắt cay cay.

+ Nghe thấy hai từ “em bé” xoắn lấy tâm can cậu.

+ Căm ghét những hủ tục khiến mẹ phải rời xa anh em mình.

Những lời nói cay độc chỉ khiến Hồng càng thương mẹ hơn.

2. Hồng và mẹ gặp lại sau những ngày xa cách

- Hoàn cảnh: Ngày giỗ đầu của thầy, Hồng ở trường về thì nhìn thấy một bóng người quen thuộc. Hồng chạy theo gọi “Mợ ơi…”

- Cuộc gặp gỡ:

+ Khóc sụt sùi khi nhìn thấy mẹ.

+ Ngồi trên xe, áp đùi vào đùi mẹ, đầu ngả vào cánh tay mẹ, cảm nhận được hơi thở quen thuộc của mẹ.

+ Ước mong bé lại để có thể áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ, mơn man khuôn mặt mẹ từ trán xuống cằm.

Sự ngạc nhiên xen lẫn cảm xúc vui mừng, cuối cùng sau bao nhiêu ngày xa cách Hồng cũng được gặp lại mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng không có điều gì chia cắt được.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 6 hay, chi tiết khác:

Tác giả tác phẩm: Đồng Tháp Mười mùa nước nổi

Tác giả tác phẩm: Thời thơ ấu của Hon – da

Tác giả tác phẩm: Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ

Tác giả tác phẩm: Vẻ đẹp của một bài ca dao

Tác giả tác phẩm: Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước

1 729 lượt xem
Tải về