TOP 5 mẫu Thảo luận về ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người (2025) SIÊU HAY

Thảo luận về ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người lớp 9 Kết nối tri thức gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 9 hay hơn.

1 14 08/01/2025


Thảo luận về ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người

5+ Thảo luận về Ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người (điểm cao)

Đề bài: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) - ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người.

Thảo luận về ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người (mẫu 1)

Thơ ca đã từ lâu trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Với ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu của loại hình ngôn ngữ đơn lập không biến hình, có thanh điệu, thơ ca đã góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, tạo nên những khoảnh khắc tinh tế và sâu sắc cho con người trong cuộc sống hàng ngày. Qua thơ, người Việt tìm thấy niềm vui, sự an ủi, và cảm hứng để đối mặt với khó khăn, thử thách. Thơ cũng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống với hiện đại, giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trong từng giai đoạn lịch sử, thơ ca còn thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí bất khuất của người Việt, đồng thời mở ra không gian để mỗi người được bày tinh thần nhân đạo sâu sắc. Như vậy, thơ ca không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần, giúp con người Việt Nam gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Khi tiếng nói của còn chập chững, những vần thơ ca dao đã cất tiếng hát, vang vọng tâm hồn bình dị, chất phác của người lao động Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ca dao vẫn giữ vị trí độc tôn trong kho tàng văn học dân gian, là minh chứng cho sức sáng tạo và trí tuệ phi thường của người Việt trong lĩnh vực thơ ca. Ra đời trước cả chữ viết, ca dao là tiếng nói chung của cộng đồng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, đạo đức, tình cảm của người Việt. Những câu ca dao mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng niềm yêu lao động, yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, và cả những ước mơ, khát vọng bình dị của con người. Thể thơ lục bát được sử dụng chủ yếu trong ca dao bởi nó gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhịp thơ chẵn với những vần lưng và vần chân liên tục dễ thuộc đã khiến ca dao trở nên gắn bó với đời sống con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ca dao không chỉ là tiếng lòng của người lao động, mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhà văn. Từ ca dao, những áng thơ văn bất hủ được ra đời, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học nước nhà. Ngày nay, dù xã hội đã phát triển hiện đại, ca dao vẫn giữ nguyên giá trị và vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ca dao là lời nhắc nhở về cội nguồn, về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy.

Thơ ca trung đại Việt Nam là một bức tranh đa sắc, phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó nổi bật là lòng yêu nước và tinh thần nhân đạo. Khi đất nước lâm nguy, lòng yêu nước được thể hiện qua những lời thề quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền non sông. Tiêu biểu là bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt với khí phách hào hùng, khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc. Hay trong thơ ca thời Trần, "hào khí Đông A" vang dội thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng quân Nguyên Mông trong bài “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão. Bên cạnh đó, tinh thần nhân đạo cũng là một giá trị nhân văn cao đẹp được thể hiện trong thơ ca trung đại. Khi xã hội phong kiến khủng hoảng, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, thơ ca đã lên tiếng đồng cảm với những số phận bất hạnh, là tiếng nói bênh vực cho những người yếu thế. Tiêu biểu là các tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, hay "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. Thơ ca trung đại đã góp phần khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo trong mỗi người dân Việt Nam. Những vần thơ hào hùng, những tiếng lòng đồng cảm đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là nguồn sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Lịch sử chứng kiến những cuộc giao lưu văn hóa có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi và phong phú thêm quan niệm thơ ca. Những cuộc giao thương, di dân, hội nhập mang đến cho thơ những luồng gió mới, thúc đẩy sự phát triển và biến đổi trong quan niệm sáng tác. Sự giao thoa văn hóa ảnh hưởng đến thơ ca như thế nào? Có thể nói, sự giao thoa đã mang đến những quan niệm mới, góc nhìn mới và thúc đẩy sự sáng tạo về thơ: Khi văn hóa Việt cọ xát với văn hóa Pháp, những quan niệm thẩm mỹ mới được du nhập, tác động đến cách nhìn nhận và sáng tác thơ ca. Ví dụ, sự du nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam đầu thế kỷ XX đã góp phần thúc đẩy phong trào Thơ mới, với những quan niệm mới về thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, và cả quan niệm về cái đẹp. Giao thoa văn hóa giúp các nhà thơ tiếp cận với những cách nhìn nhận mới về thế giới, về con người, từ đó khơi nguồn cảm hứng sáng tác và tạo nên những tác phẩm độc đáo. Việc tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau khơi gợi sự sáng tạo, giúp các nhà thơ tìm tòi, thử nghiệm những phương thức biểu đạt mới, góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ thơ ca. Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) là ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng của giao thoa văn hóa trong thơ ca. Thơ mới chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, thể hiện qua sự đổi mới về thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, và quan niệm về cái đẹp. Các nhà thơ Thơ mới hướng đến thể hiện cái tôi cá nhân, chú trọng đến cảm xúc và những rung động nội tâm. Năm 1921, Phạm Quỳnh trong bài viết “thơ là gì?” sau khi phân tích nguyên tắc nguồn gốc của thơ theo tinh thần tiếp thu văn hóa Phương Tây, đã viết: “Nói tóm lại thời thơ là uyên nguyên ở âm nhạc âm thầm mà cứu cánh ở triết lí sáng sủa” . Câu trên có thể viết lại theo văn phong hiện đại là như thế này: Tóm lại thì, thơ có gốc xuất phát âm thầm từ nhạc tính nhưng mục đích cuối cùng là ở tư tưởng triết lí sáng rõ. Như vậy, mục tiêu triết lí sáng sủa của thơ ca chính là quan niệm mới từ phương Tây, so với tình cảm, âm điệu và ý nghĩa của quan niệm thơ phương Đông. Giao thoa văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thơ ca. Nó mang đến những quan niệm mới, khai mở những góc nhìn mới, và thúc đẩy sự sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm diện mạo của thơ ca qua từng giai đoạn lịch sử.

Thơ ca Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã thực hiện một sứ mệnh lịch sử cao đẹp: cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ. Sứ mệnh cổ vũ, động viên trong thơ trước hết là tiếng nói của lòng yêu nước, thể hiện niềm tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm chiến đấu và tinh thần hy sinh anh dũng của quân và dân ta. Những bài thơ như "Sáng tháng năm" (Tố Hữu), "Việt Bắc" (Tố Hữu), "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm) đã trở thành những khúc ca hùng tráng, khơi dậy lòng yêu nước và ý chí chiến đấu trong mỗi người dân Việt Nam. Ngoài ra, sứ mệnh phản ánh vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ - thi sĩ cũng là một sứ mệnh của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Nhiều tập thơ, bài thơ ra đời trong thời gian 1945-1975 đã thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ: dũng cảm, kiên cường, lạc quan, yêu nước, yêu thương đồng đội. Đồng thời, nhiều tác phẩm cũng thể hiện những rung động tinh tế của tâm hồn người chiến sĩ: nỗi nhớ quê hương, người thân, tình yêu đôi lứa, và niềm khao khát hòa bình. Có thể khẳng định, thơ ca trong hai cuộc kháng chiến đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Thơ ca đã cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ.

Thế giới của chúng ta còn nhiều cách biệt giữa các dân tộc, nhưng thơ ca chính là cầu nối, là bàn tay chân thành, là giọng nói ấm áp giúp chúng ta tìm đến nhau, cảm thông và thấu hiểu nhau hơn. Nhờ có thơ ca, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh diệu, bí ẩn, cũng như thấy được sức mạnh tinh thần hiển linh và tiềm ẩn của mỗi dân tộc. Thơ ca là tiếng nói chung của nhân loại, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và địa lý. Những vần thơ chứa đựng những cảm xúc chân thành, những rung động tinh tế của con người trước cuộc sống. Thơ ca giúp chúng ta hiểu được những niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ và khát vọng của con người ở mọi nơi trên thế giới. Năm 1912, tập “Thơ Dâng” của nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore xuất bản ở Anh và đã tạo nên những mối đồng cảm to lớn từ các nhà thơ Châu Âu khiến họ phải thốt lên những lời có cánh: “Tôi đọc nó trên tàu, trên đỉnh núi, trong các tiệm ăn và tôi thường phải dùng nó để che giấu những người lạ khỏi nhìn tôi kẻo họ sẽ thấy tôi đang xúc động đến mức nào. Những bài thơ trữ tình đó đã chỉ ra một thế giới mà tôi từng mơ thấy từ rất lâu” (William Yeats, thi hào Ireland); “Khi rời Tagore, tôi cảm thấy dường như mình là một tên man rợ mặc da thú và cầm chùy đá vậy” (Ezra Pound- nhà thơ Mỹ); “Không có nhà thơ ở châu Âu nào kể từ cái chết của Goethe vào năm 1832 có thể sánh được với Tagore về nhân cách cao cả, về sự vĩ đại tự nhiên, về sự thanh thoát hài hòa” (thư kí Hội đồng giải Nobel). Ở Việt Nam, năm 1929, nhân sự kiện Tagore ghé thăm Sài Gòn trong ba ngày (từ 21/6) và nghỉ tại khách sạn Continental, nhà thơ Đông Hồ đã dịch bài số 35 và bài số 36 trong tập "Thơ Dâng" của Tagore ra thơ song thất lục bát. Thơ ca cũng là cầu nối để chúng ta chia sẻ những giá trị văn hóa và tinh thần của mỗi dân tộc. Qua những bài thơ, chúng ta có thể khám phá những nét đẹp độc đáo trong văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử của mỗi quốc gia. Mỗi đời tổng thống Mỹ khi đến Việt Nam điều mượn một câu thơ trong truyện Kiều để bày tỏ sự chân thành đồng thời cũng khái quát được tình hình quan hệ hai nước. Thơ ca giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn, tạo nên sự đồng cảm và thấu hiểu giữa các dân tộc. Trong thế giới ngày nay, khi mà những mâu thuẫn và xung đột vẫn còn xảy ra, thơ ca chính là tiếng nói hòa bình, là lời kêu gọi cho sự đoàn kết và yêu thương giữa con người. Hãy đọc thơ, hãy chia sẻ những vần thơ hay với nhau để thế giới của chúng ta trở nên gần gũi, thân thiện và tràn đầy yêu thương hơn.

Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, thơ ca vẫn giữ một vị trí xứng đáng trong tâm trí độc giả. Những vần thơ hay, ý thơ đẹp giúp chúng ta tìm thấy sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn, đồng thời mở rộng tầm nhìn và cách nhìn về cuộc sống. Đối với các em học sinh, thơ ca là nguồn tri thức vô giá, giúp các em trau dồi vốn từ, rèn luyện khả năng cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật. Thơ ca cũng giúp các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Hãy đến với thơ ca, mở rộng tâm hồn đón nhận những vần thơ hay, ý thơ đẹp để cuộc sống thêm phong phú và thi vị hơn. Thơ ca sẽ là người bạn đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc đời.

Thảo luận về ý nghĩa của thơ ca đối với đời sống con người (mẫu 2)

Chào cô và các bạn. Em tên là Nguyễn Văn B, hôm nay em sẽ thảo luận với cả lớp về vai trò của thơ ca trong cuộc sống.

Thơ ca là sáng tạo đặc biệt của con người. Nó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Thơ ca đã có mặt cùng với sự phát triển của nhân loại suốt bao thời kì lịch sử và người ta cũng bắt đầu chú ý đến những vai trò, tác dụng kì diệu của nó đối với cuộc sống, đối với tâm hồn con người. Hiểu được vai trò, tác dụng của thơ ca để con người chúng ta nghiêm túc hơn trong sáng tác, trân trọng hơn trong tiếp nhận, để thơ ca có thể phát huy hết vai trò cao quý của nó: làm cho cuộc sống phong phú hơn, đẹp đẽ hơn, nhân văn hơn.

Bất cứ phong cách ngôn ngữ nào cũng có chức năng riêng của nó. Thơ ca thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp xếp, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ đời sống để đạt được giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ cao nhất. Nó không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

Chức năng thông tin nói cụ thể chính là giá trị tư tưởng, nhận thức và giáo dục của thơ ca. Bằng những ngôn từ đặc sắc có sắp xếp một cách cách khéo léo, thơ ca dễ dàng tác động đến nhận thức, tư tưởng của con người. Chính vì thế nó gửi gắm những giá trị đạo đức nhân sinh một cách khéo léo, tinh tế. Đó không bao giờ là những tri thức khô khan, giáo điều mà là những lời nhắn nhủ chân thành, gần gũi nhất. Những bài học về lối sống, về cách nhìn nhận thế giới, nhận xét con người, cả những kinh nghiệm trong lao động, trong ứng xử đều thể hiện dưới những hình thức ngôn từ tinh tế, uyển chuyển. Chúng ta hãy lắng nghe lời nhắn nhủ của đại thi hào Nguyễn du từ mấy trăm năm trước:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Đó là một chiêm nghiệm của người đã từng trải qua bao cuộc bể dâu, là triết lí rút ra từ thực tế đời sống, cô đúc thành bài học nhân sinh sâu sắc nhưng rất dễ cảm thông, dễ tác động vào nhận thức của con người. Truyện Kiều còn hàm chứa bao nhiêu bài học nhân sinh sâu sắc nhưng nó chưa bao giờ là một cuốn sách luận lí khô khan. Thế mới biết rằng thơ ca góp phần nâng cao tri thức đời sống bằng chính cách riêng của nó mà hiệu quả thì không thua bất cứ hình thức truyền đạt nào.

Bên cạnh chức năng nhận thức, giáo dục, thơ ca còn có chức năng giao tiếp, biểu đạt và truyền cảm. Chức năng này vô cùng quan trọng vì kể cả khi thơ ca muốn gửi gắm một bài học, một tri thức thì nó cũng gửi gắm bằng cái giọng tình cảm, thiết tha. Giá trị biểu cảm là giá trị đặc trưng của thơ ca. Nó bắt đầu bằng những cảm động của tâm hồn thi nhân trước cuộc sống, truyền tải qua đường dẫn là ngôn từ nghệ thuật và rồi đến và lay động tình cảm của người đọc. Chính vì thế con người chúng ta không chỉ hiểu biết về cuộc đời, lối sống của cha ông mình thuở trước mà còn có những cảm xúc, những tự hào, những căm phẫn theo dòng diễn tả của thi ca. Chức năng này làm cho thơ ca có sức mạnh và sức sống vượt ra ranh giới không thời gian, tác động mãnh liệt vào trái tim con người. Những tác phẩm của Lí Bạch, Đỗ Phủ đâu chỉ tác động đến tình cảm của người Trung Quốc thời đại nhà Đường mà nó còn lay động con tim của độc giả thế giới nhiều thế kỉ sau. Tác động tình cảm của văn chương giúp mối giao tiếp giữa người và người mở rộng đường biên đến vô cùng, vô tận và còn là những mối giao tiếp chân thành nhất, vô vụ lợi nhất, đẹp đẽ nhất.

Cuối cùng và cũng là một vai trò, chức năng quan trọng nhất của thơ ca đó chính là tính thẩm mĩ. Thơ ca là một loại hình nghệ thuật nên tính thẩm mĩ là đặc trưng của nó. Từ đặc trưng này, thơ ca có tác động mạnh mẽ đến năng lực thẩm mĩ của con người. Nó giúp con người nâng cao khả năng cảm thụ cái đẹp, cái đẹp của ngôn từ và qua ngôn từ sẽ cảm nhận những cái đẹp của thế giới khách quan. Khi ta đọc những câu thơ:

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Trước hết tâm hồn ta rung cảm trước một bức tranh thiên nhiên tươi tắn, tinh khôi. Rồi chúng ta cảm nhận sự khéo léo tinh tế trong cách dùng từ, cách phối thanh, ngắt nhịp của một bậc thầy ngôn ngữ thi ca. Cái đẹp giúp cho con người rung cảm, thanh lọc tâm hồn và hướng về cái chân, thiện, mĩ. Để làm được điều đó, thơ ca phải chú trọng đến hình thức nghệ thuật của nó. Nó cần sự rung động thật sự của thi nhân, cần tài hoa và cả sự nghiêm túc của người cầm bút. Thơ ca không phải là sản phẩm của những người thợ, nó là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ.

Thơ ca đã đồng hành cùng cuộc sống con người từ thuở bình minh của những nền văn hóa. Nó mang đến những hiểu biết về nhiều mặt của đời sống, nó tác động và nâng cao những tình cảm nhân văn, nó làm đa dạng thêm khả năng cảm thụ thẩm mĩ của con người. Những tri thức, tình cảm và cái đẹp mà nó mang đến làm cho cuộc sống thêm phong phú, thêm đẹp đẽ và làm cho con người gần gũi nhau hơn. Chính vì thế, dù thế giới không ngừng vận động và đã có nhiều sản phẩm, nhiều giá trị mai một với thời gian nhưng thi ca thì mãi mãi gắn liền với tâm hồn nhân loại.

Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, em rất mong nhận được sự góp ý của cô và các bạn để bài nói của em hoàn thiện hơn

1 14 08/01/2025