TOP 10 mẫu Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (2024) SIÊU HAY

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát lớp 6 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 6 hay hơn.

 

1 112 25/06/2024


Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát

Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Một trong những bài ca dao nói về vẻ đẹp của quê hương, đất nước đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc đó là:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Vẻ đẹp của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến đã được tác giả dân gian gói lại trong vỏn vẹn bốn câu. Với bút phát chấm phá, khung cảnh Thăng Long hiện lên giống như một bức tranh thủy mặc mang đậm nét cổ điển. Tác giả dân gian đã vẽ lên những hình ảnh sinh động, giàu sức gợi như cành trúc la đà, khói tỏa ngàn sương, mặt gương Tây Hồ. Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên với vẻ trữ tình, thơ mộng. Cùng với đó là những âm thanh đặc trưng báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu. Tiếng chuông Trấn Võ vang lên cùng với tiếng gà Thọ Xương báo canh. Tiếng chày nhịp nhàng gợi nhắc về một nét đẹp truyền thống lâu đời của mảnh đất Thăng Long xưa với nghề làm giấy ở làng Yên Thái. Và không thể thiếu được đó là vẻ đẹp của mặt hồ Tây ẩn hiện trong làn sương sớm. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên khiến người đọc say mê, yêu mến. Từ đó, chúng ta thêm tự hào về quê hương, đất nước mình.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 2)

Những câu ca dao đã gửi gắm tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước. Bài “Đường lên xứ Lạng bao xa” chính là bài ca dao như thế:

“Đường lên xứ Lạng bao xa?
Cách một trái núi với ba quãng đồng.
Ai ơi đứng lại mà trông:
Kìa núi thành Lạng, kìa sông Tam Cờ”

Mở đầu bài ca dao là một câu hỏi tu từ, sau đó là câu trả lời đầy dí dỏm. Từ đó, vẻ của quê hương Lạng Sơn đã được khắc họa với những nét đẹp tiêu biểu nhất. Câu hỏi tu từ “Đường lên xứ Lạng bao xa?” lúc đầu cho thấy con đường thật dễ dàng thuận lợi vì chẳng hề xa xôi. Nhưng đọc đến câu trả lời mới biết rằng quả là có đầy ngụ ý. Cách nói “cách một trái núi với ba quãng đồng” thể hiện đó là quãng đường dài thăm thẳm với trùng điệp núi non rừng thẳm. Trên cái nền thiên nhiên hùng vĩ đó, con người có thể bao quát được những núi thành Lạng, những sông Tam Cờ. Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình tựa như một bức tranh khiến mỗi người thêm tự hào về quê hương, đất nước.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 3)

TOP 10 mẫu Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Kho tàng ca dao Việt Nam có rất nhiều câu ngợi ca công lao to lớn của những đấng sinh thành. Một trong số đó là bài ca dao:

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

Trước hết, bài ca dao sử dụng hình ảnh so sánh “công cha” với “núi ngất trời”; “nghĩa mẹ” với “nước ở ngoài biển Đông”. Cách so sánh lấy cái trừu tượng của tình phụ tử, mẫu tử để so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Công cha so với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, nghĩa mẹ so với nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào. Còn nhắc tới “cù lao chín chữ” là nhắc đến công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Chín chữ cù lao gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Bởi vậy mà đứa con cần phải ghi nhớ công ơn trời bể đó, cũng như sống có trách nhiệm hơn. Bài ca dao giúp mỗi người hiểu hơn về công ơn của cha mẹ.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 4)

“Hoa bìm” là một bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết về vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Đầu tiên, tác giả đã tái hiện lại bức tranh thiên nhiên làng quê với những sự vật quen thuộc, gần gũi. Hình ảnh “giậu hoa bìm” có vai trò mở ra trang kí ức về tuổi thơ. Tác giả không chọn những loài hoa cao quý như hoa hồng, hoa mai... mà lại chọn một loại hoa giản dị, nhưng xuất hiện rất nhiều ở các làng quê Việt Nam. Có thể thấy rằng, chúng ta đi tới bất kì một ngõ nào cũng có thể thấy được hoa bìm. Bởi vậy mà loài hoa này giống như chất chứa những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ trong mỗi đứa trẻ nông thôn. Để rồi từ đó, tất cả những hình ảnh bình dị nhất, gần gũi nhất đã hiện về trong kí ức của tác giả. Đó có thể là chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Hay là mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Và cả cánh diều tuổi thơ vẫn bay lượn trên bầu trời. Hay bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Tất cả hiện lên dưới đôi mắt hồn nhiên mà mở đầu là hình ảnh giậu hoa bìm. Đến hai câu thơ cuối cùng, tác giả đã bộc lộ nỗi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm về một người bạn đã xa. Câu hỏi tu từ như để gửi gắm nỗi lòng còn chất chứa trong tâm trí của nhà thơ. Một câu hỏi đặt ra nhưng chỉ dội lại những bâng khuâng nơi lòng người hỏi. Câu thơ phảng phất nỗi lòng thương nhớ người bạn thơ ấu, và quê hương của nhà thơ. Có thể khẳng định rằng, bài thơ “Hoa bìm” đã tái hiện vẻ đẹp bình yên của làng quê đồng thời thể hiện tình yêu thầm kín đối với quê hương thôn dã, và sự trân quý với những kỉ niệm bình yên của mình.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 5)

TOP 10 mẫu Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Bài thơ “Hoa bìm” của Nguyễn Đức Mậu đã gợi cho tôi cảm nhận về vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Tác giả đã nhắc đến một hình ảnh vô cùng quen thuộc nơi làng quê Việt Nam - giậu hoa bìm. Đây là loài hoa gợi nhắc cho tác giả những kỉ niệm về tuổi thơ. Hình ảnh chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Cánh diều tuổi thơ vẫn bay lượn trên bầu trời. Cả bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Đến hai câu thơ cuối, tác giả đã bộc lộ cảm xúc qua câu hỏi tu từ “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?”. Hỏi đấy mà dường như không có câu trả lời, gợi lên nỗi lòng chất chứa. Câu thơ phảng phất nỗi lòng thương nhớ người bạn thơ ấu, và quê hương của nhà thơ. Đọc bài thơ, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp thật bình dị của làng quê Việt Nam, cũng như nỗi lòng yêu mến quê hương và trân quý những kỉ niệm bình yên của mình.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 6)

Một trong những bài thơ tôi cảm thấy vô cùng yêu thích là “Hoa bìm” của Nguyễn Đức Mậu. Khung cảnh làng quê Việt Nam đã hiện lên vô cùng đẹp đẽ, thơ mộng dưới ngòi bút của tác giả. Và giậu hoa bìm chính là hình ảnh đã gợi nhắc về những kỉ niệm tuổi thơ đó. Hình ảnh chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Cánh diều tuổi thơ vẫn bay lượn trên bầu trời. Bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Tất cả hiện lên qua những câu thơ ngắn gọn mà giàu hình ảnh. Ở hai câu thơ cuối cùng, tác giả đã đặt ra câu hỏi tu từ “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?” nhưng thực chất là bộc lộ tâm trạng. Đó là nỗi lòng thương nhớ người bạn thơ ấu và quê hương của tác giả. Bài thơ đã đem đến cho tôi thật nhiều cảm xúc đẹp đẽ.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 7)

TOP 10 mẫu Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Khi đọc bài thơ “Về thăm mẹ” của tác giả Đinh Nam Khương, tôi cảm thấy vô cùng xúc động về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Vào một chiều đông, nhân vật người con trong bài đã có dịp về thăm mẹ sau những tháng ngày xa cách. Khi trở về, mẹ không có nhà, người con ngồi ngoài hiên ngắm nhìn căn nhà xưa với những hình ảnh gợi nhớ về mẹ. Đó là chum tương đã đậy, áo tơi lủn củn khoác hờ người rơm, đàn gà mới nở, trái na cuối vụ mẹ vẫn để dành. Những hình ảnh ẩn dụ được tác giả sử dụng khéo léo nhằm thể hiện được sự vất vả, tần tảo và hy sinh của người mẹ dành cho đứa con của mình. Điều đó khiến người con cảm thấy nghẹn ngào, thương mẹ nhiều hơn. Hình ảnh người mẹ Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những nét đẹp vốn có khiến cho mỗi người khi đọc đều xúc động nhớ đến người mẹ của mình. Bài thơ nhẹ nhàng mà ẩn chứa những điều sâu lắng.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 8)

Một trong những bài thơ rất cảm động viết về người mẹ chính là “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương. Bài thơ là những dòng tâm sự của người con khi về thăm mẹ vào một chiều mùa đông lạnh giá, lại có mưa rơi. Đứng trước khung cảnh đó, nỗi nhớ dành cho người mẹ lại càng tha thiết hơn. Người con nhìn thấy khi trở về nhà nhìn thấy hình ảnh đầu tiên là khói bếp. Hình ảnh gắn bó với người phụ nữ, cho thấy sự tần tảo của những người mẹ, người bà. Lần lượt từng sự vật quen thuộc trong căn nhà hiện lên, đều có hình bóng của người mẹ: chiếc nón mê, áo mưa hay chum tương, đàn gà, trái na. Những sự vật rất đỗi gần gũi, giản dị nhưng lại chan chứa tình yêu thương của mẹ. Càng thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ bao nhiêu, người con càng nghẹn ngào thương mẹ bấy nhiêu. Nhìn cảnh vật, người con cảm thấy xúc động đến bật khóc. Bằng giọng thơ sâu lắng, bài thơ “Về thăm mẹ” đã thể hiện được tình mẫu tử thật đáng trân trọng. Đọc bài thơ, chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy nghẹn ngào, xúc động trước tình cảm mẫu tử đẹp đẽ, ấm áp.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 9)

Đến với “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương, người đọc sẽ cảm thấy thật xúc động. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người con trở về thăm mẹ vào một chiều mùa đông. Hình ảnh căn bếp chưa lên khói khiến người con biết được mẹ không có nhà. Một mình ngồi ngoài hiên nhà, trời bỗng nhiên đổ cơn mưa khiến cho nỗi nhớ thêm bủa vây. Mọi sự vật trong căn nhà đều lưu giữ hình bóng của mẹ. Từ chum tương đã được mẹ đậy cẩn thận. Chiếc nón, cái áo mà mẹ vẫn thường đội, thường mặc khi đi làm. Cả đàn gà mới nở, trái na trên cành đều do một tay mẹ chăm sóc chu đáo. Những sự vật quen thuộc, giản dị nhưng chúng ta cảm nhận được tình yêu thương. Ở hai câu thơ cuối cùng, người con đã bộc lộ trực tiếp tình cảm dành cho mẹ:“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn/Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày”. Tưởng chừng như chỉ là những chuyện giản đơn thường ngày nhưng lại khiến người con xúc động nghẹn ngào.Với “Về thăm mẹ”, Đinh Nam Khương đã giúp người đọc cảm nhận được tình cảm chân thành, thắm thiết. Có thể khẳng định, bài thơ là một trong những tác phẩm hay viết về người mẹ.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ lục bát (mẫu 10)

“À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên là một trong những bài thơ hay viết về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng - “đôi bàn tay” để nhắc về người mẹ. Đôi bàn tay kì diệu mang phép nhiệm màu che chở cho con. Chỉ là một đôi bàn tay rất bình thường, nhưng dường như lại có sức mạnh phi thường. Điều đó xuất phát từ tình yêu sâu sắc mà người mẹ dành cho đứa con của mình. Mẹ đã bảo vệ, che chở con qua “mưa sa”, “bão mùa màng”. Không chỉ vậy, người mẹ gọi con “vầng trăng” và “mặt trời bé con”. Cách gọi đó cho thấy tình cảm yêu thương của mẹ đối với con. Với mẹ, con chính là ánh trăng hay mặt trời, bất kể là đêm hay ngày đều đem lại nguồn sống cho mẹ. Dù vạn vật có biển chuyển không ngừng thì đôi bàn tay của mẹ vẫn sẽ ôm lấy con, lời ru của mẹ vẫn cất lên. Tình yêu của mẹ là không có gì thay đổi. Lời ru ngọt ngào đó đã cho con giấc ngủ êm đềm, đã tác động đến vạn vật trong cuộc sống. Và đôi bàn tay của mẹ đã làm nên phép màu. Nó không những là ru con vào giấc ngủ yên lành mà còn nâng niu con trên từng bước đường đời. Quả vậy, “À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên đem đến tình cảm ngọt ngào, mà sâu lắng cho mỗi người đọc.

 

 
1 112 25/06/2024