Vùng tiếp giáp lãnh hải là gì? Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải như thế nào?
Vùng tiếp giáp lãnh hải là gì? Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải như thế nào?

1. Vùng tiếp giáp lãnh hải là gì?

1.1. Vùng biển Việt Nam bao gồm:

Theo Luật Biển Việt Nam 2012, vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

1.2. Vùng tiếp giáp lãnh hải.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Theo Công ước về Luật biển năm 1982, vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định như sau:

- Trong một vùng tiếp giáp với lãnh hải của mình, gọi là vùng tiếp giáp, quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm:

+ Ngăn ngừa những phạm vi đối với các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;

+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

- Vùng tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.

2. Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải.

2.1. Quyền của quốc gia ven biển.

Theo quy định tại Điều 33 UNCLOS 1982, trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quyền của quốc gia ven biển tập trung trong hai nội dung:

- Ngăn ngừa các vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia ven biển.

- Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nêu trên trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia ven biển.

Quy định này đã giới hạn rất rõ thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình trên cả phương diện lĩnh vực và không gian, về lĩnh vực, quốc gia ven biển chỉ có thẩm quyền đối với những vi phạm liên quan đến bốn lĩnh vực: hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư. về không gian, quốc gia ven biển chỉ có thẩm quyền đối với những vi phạm trong các lĩnh vực trên khi vi phạm đó xảy ra trong lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình. Tức là về bản chất, quốc gia ven biển không được trao quyền để xử lý những vi phạm xảy ra trong chính vùng tiếp giáp lãnh hải mà thẩm quyền tài phán trong trường hợp này vẫn thuộc về quốc gia mà tàu mang cờ. Điều này thể hiện rất rõ bản chất “vùng đệm” của vùng biển “chuyển tiếp” giữa lãnh thổ quốc gia với vùng lãnh thổ thuộc quyền chủ quyền, là nơi quốc gia ven biển chỉ thực hiện các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự trên lãnh thổ của mình trước khi tàu thuyền nước ngoài đi vào và rời khỏi lãnh thổ quốc gia.

Theo Luật Biển Việt Nam 2012, chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định như sau:

- Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 Luật Biển Việt Nam 2012 đối với vùng tiếp giáp lãnh hải.

- Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Quy định về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo theo đó Điều 20 Luật Biển Việt Nam 2012, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo được quy định như sau:

- Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 Luật Biển Việt Nam 2012 và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê toạ độ địa lý do Chính phủ công bố. Chế độ pháp lý đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được thực hiện theo quy định tại các điều 10, 12, 14, 16 và 18 Luật Biển Việt Nam 2012.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là gì? Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải như thế nào?
Vùng tiếp giáp lãnh hải là gì? Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải như thế nào?

2.2. Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trong vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

- Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành.

Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.

- Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

- Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.

3. Đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 140/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Biên giới quốc gia thì đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải được pháp luật khái niệm cụ thể như sau: Đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải là đường mà mỗi điểm cách đều điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 24 hải lý.

Ở những nơi vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa Việt Nam có liên quan với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của nước láng giềng, đường ranh giới phía ngoài của các vùng đó được xác định theo Điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam và nước láng giềng đó.

Đường ranh giới phía ngoài của vùng tiếp giáp lãnh hải được xác định, đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)? ASEAN có bao nhiêu thành viên hiện tại? Vai trò, ảnh hưởng của ASEAN đối với các nước thành viên và thế giới.

Nhà nước pháp quyền là gì? Các đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay?

Civil Law là gì? Việt Nam theo hệ thống pháp luật nào? Common Law hay Civil Law?