Đối tượng nào được cấp hộ chiếu phổ thông mới nhất 2025?

1. Đối tượng nào được cấp hộ chiếu phổ thông mới nhất 2025?

Căn cứ vào Điều 14 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông hiện nay là công dân Việt Nam được xem xét cấp hộ chiếu phổ thông trừ trường hợp quy định tại Điều 21 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.

Và theo Điều 21 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp công dân chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, cụ thể:

  • Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, bao gồm:
    • Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
    • Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
    • Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
    • Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
    • Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
    • Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
    • Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
  • Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh (khoản 12 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019).
  • Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Hộ chiếu Việt Nam có mấy loại?

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hộ chiếu Việt Nam gồm những loại sau đây:

  • Hộ chiếu phổ thông: Trang bìa màu xanh tím.
  • Hộ chiếu công vụ: Trang bìa màu xanh lá cây đậm.
  • Hộ chiếu ngoại giao: Trang bìa màu nâu đỏ.

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn theo khoản 2 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.

Ngoài ra, giấy thông thành và giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được sử dụng như giấy tờ xuất nhập cảnh

3. Phân loại hộ chiếu

3.1. Phân loại hộ chiếu theo đối tượng cấp và thời hạn

Theo quy định, Việt Nam đang cấp 03 loại hộ chiếu gồm:

Loại hộ chiếu

Hình thức hộ chiếu

Đối tượng cấp

Cơ quan cấp

Thời hạn

Hộ chiếu ngoại giao (Diplomatic passport)

Trang bìa màu nâu đỏ, gồm 48 trang

Cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (tại Hà Nội) và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (tại TP HCM), hoặc Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài

Từ 01 năm đến 05 năm; Có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm

Hộ chiếu công vụ (Official Passport)

Trang bìa màu xanh lá cây đậm, gồm 48 trang

Cấp cho các đối tượng thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội,…được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (tại Hà Nội) và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (tại TP HCM), hoặc Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài

Từ 01 năm đến 05 năm; Có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm

Hộ chiếu phổ thông – hộ chiếu loại P (Popular Passport)

Trang bìa màu xanh tím

Cấp cho công dân Việt Nam

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh;Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công An, hoặcĐại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài

+ Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn; gồm 48 trang
+ Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn; gồm 48 trang
+ Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn, gồm 12 trang

3.2. Phân loại hộ chiếu theo mẫu hộ chiếu

Nếu phân loại theo mẫu hộ chiếu, theo Điều 6 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, có 02 mẫu hộ chiếu gồm:

  • Hộ chiếu gắn chip điện tử: chỉ được cấp cho người trên 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.
  • Hộ chiếu không gắn chip điện tử: cấp cho mọi đối tượng

4. Làm hộ chiếu ở đâu?

Cơ quan cấp hộ chiếu là Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú với trường hợp chưa có thẻ căn cước công dân và tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi trong trường hợp có thẻ căn cước công dân, hoặc Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài nếu công dân Việt Nam đang ở nước ngoài.

5. Hồ sơ cần thiết khi làm hộ chiếu?

  • Tờ khai theo mẫu (TK01)

Xem thêm bài viết: Tờ khai TK01 xin cấp hộ chiếu và hướng dẫn chi tiết cách điền mới nhất 2025

  • Ảnh chân dung (Ảnh hộ chiếu phải là ảnh mới chụp không quá 06 tháng, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục lịch sự, phông ảnh nền trắng)
  • Bản sao Giấy khai sinh/trích lục khai sinh với người chưa đủ 14 tuổi.
  • Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất nếu đã được cấp hộ chiếu. Trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo đã tiếp nhận đơn báo mất của cơ quan có thẩm quyền.
  • Bản chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân nếu có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu được cấp lần gần nhất;
  • Bản chụp có chứng thực giấy tờ chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người chưa đủ 14 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp.
  • Nếu bản chụp không có chứng thực thì phải xuất trình thêm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

6. Phí làm hộ chiếu bao nhiêu tiền?

Lệ phí cấp hộ chiếu (bao gồm hộ chiếu gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử) dao động từ 80.000 đến 320.000, được quy định tại Thông tư 25/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

Nội dung

Mức thu(Đồng/lần cấp)

Cấp mới hộ chiếu

160.000

Cấp lại hộ chiếu do bị hỏng hoặc bị mất

320.000

Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự

80.000

Đối tượng nào được cấp hộ chiếu phổ thông mới nhất 2025?

7. Làm hộ chiếu phổ thông mất bao lâu?

Nội dung

Cơ quan tiếp nhận xử lý

Thời gian xử lý

Cấp lần đầu

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi nếu có Căn cước công dân.

08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Cấp lần thứ hai trở đi

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp:
– Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;
– Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
– Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
– Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận

8. Thủ tục làm hộ chiếu

8.1. Thủ tục làm hộ chiếu trực tiếp

Trình tự các bước làm hộ chiếu trực tiếp bạn có thể tham khảo các bước sau:

  • Bước 1: Điền tờ khai mẫu Tờ khai TK01 xin cấp hộ chiếu
  • Bước 2: Nộp hồ sơ, chụp ảnh và lấy vân tay
    • Công chức làm thủ tục kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh.
    • Chụp ảnh chân dung, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu (trong trường hợp đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền làm hộ chiếu)
  • Bước 3: Nộp lệ phí, cấp giấy hẹn trả kết quả

8.2. Thủ tục làm hộ chiếu online

  • Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công
  • Bước 2: Tìm dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông
    • Sau khi đăng nhập, bạn chọn mục Nộp hồ sơ trực tuyến.
    • Tìm dịch vụ Cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip cho công dân Việt Nam ở trong nước.
  • Bước 3: Điền thông tin và nộp hồ sơ
    • Điền đầy đủ các thông tin cá nhân theo biểu mẫu yêu cầu.
    • Tải lên ảnh chân dung đúng quy chuẩn (4x6 cm, nền trắng, không đeo kính, không đội mũ).
    • Kiểm tra kỹ các thông tin đã nhập và nộp hồ sơ.
  • Bước 4: Thanh toán lệ phí
    • Hệ thống sẽ chuyển bạn sang trang thanh toán trực tuyến. Lệ phí cấp hộ chiếu online thường là 200.000 VND cho hộ chiếu không gắn chip.
    • Bạn có thể thanh toán bằng thẻ ngân hàng nội địa hoặc các phương thức thanh toán điện tử được hỗ trợ trên Cổng dịch vụ công.
  • Bước 5: Theo dõi hồ sơ
    • Sau khi hoàn tất nộp hồ sơ và thanh toán, bạn sẽ nhận được mã số hồ sơ để theo dõi trạng thái xử lý.
    • Trong khoảng 5-7 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ nhận được thông báo hộ chiếu đã hoàn thành.
  • Bước 6: Nhận hộ chiếu
    • Bạn có thể lựa chọn nhận hộ chiếu theo hai cách:
    • Nhận trực tiếp tại cơ quan xuất nhập cảnh: Đến địa điểm đã đăng ký trước để nhận.
    • Nhận qua bưu điện: Hộ chiếu sẽ được gửi đến địa chỉ mà bạn đã cung cấp trong hồ sơ đăng ký.
  • Theo đó, khi làm hộ chiếu online cần lưu ý các vấn đề sau:
    • Ảnh chân dung cần phải rõ nét, đúng quy chuẩn ảnh hộ chiếu (nền trắng, chụp trong 6 tháng gần nhất).
    • Đảm bảo thông tin cá nhân (đặc biệt là số căn cước công dân) phải chính xác để tránh sai sót trong quá trình cấp hộ chiếu.
    • Trong quá trình làm hộ chiếu online, nếu cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại địa phương hoặc hotline của Cổng dịch vụ công.

9. Khi mất hộ chiếu thì phải làm sao?

9.1. Trường hợp mất hộ chiếu trong nước

Nếu bạn mất hộ chiếu trong lãnh thổ Việt Nam, quy trình xử lý gồm các bước sau:

  • Bước 1: Thông báo mất hộ chiếu: Ngay khi phát hiện mất hộ chiếu, bạn phải nhanh chóng đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Cục Quản lý Xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để thông báo.
  • Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cấp lại hộ chiếu. Hồ sơ bao gồm:
    • Đơn trình báo mất hộ chiếu (theo mẫu quy định).
    • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân bản gốc và bản sao.
    • Ảnh chân dung (thường là 2 ảnh cỡ 4x6cm).
    • Đơn đề nghị cấp hộ chiếu mới.
  • Bước 3: Nộp hồ sơ và lệ phí: Sau khi hoàn thành hồ sơ, bạn nộp tại cơ quan xuất nhập cảnh hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Lệ phí cấp lại hộ chiếu khoảng 400.000 VND (có thể thay đổi tùy theo loại hộ chiếu gắn chip hay không gắn chip).
  • Bước 4: Nhận hộ chiếu mới: Sau khi nộp hồ sơ đầy đủ, thời gian xử lý cấp hộ chiếu mới thường từ 5-10 ngày làm việc. Bạn có thể đến nhận trực tiếp hoặc yêu cầu gửi qua đường bưu điện.

9.2. Trường hợp mất hộ chiếu nước ngoài

Nếu bạn mất hộ chiếu khi đang ở nước ngoài, quá trình sẽ phức tạp hơn một chút, nhưng bạn có thể làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Thông báo cho Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam: Ngay khi phát hiện mất hộ chiếu, bạn cần liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại quốc gia đang lưu trú để báo cáo sự việc. Ngoài ra, bạn nên thông báo với cơ quan cảnh sát địa phương để làm biên bản xác nhận việc mất hộ chiếu.
  • Bước 2: Xin cấp Giấy thông hành: Trong trường hợp cần về Việt Nam gấp, bạn có thể xin cấp Giấy thông hành, là một giấy tờ thay thế hộ chiếu, để xuất nhập cảnh một lần vào Việt Nam.
  • Bước 3: Yêu cầu cấp lại hộ chiếu tại Đại sứ quán
    • Nếu bạn tiếp tục ở lại nước ngoài, bạn cần yêu cầu cấp lại hộ chiếu. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
    • Đơn trình báo mất hộ chiếu (theo mẫu quy định).
    • Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
    • Ảnh chân dung.
    • Đơn đề nghị cấp lại hộ chiếu.
  • Bước 4: Nhận hộ chiếu mới: Thời gian xử lý cấp lại hộ chiếu ở nước ngoài thường dài hơn, khoảng 1-4 tuần tùy theo tình trạng hồ sơ và quy định của Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam.

10. Các câu hỏi thường gặp

10.1. Làm thế nào khi hộ chiếu hết hạn hoặc bị rách, bị mất

  • Đối với hộ chiếu phổ thông khi hết hạn sẽ không được tiếp tục gia hạn mà phải thực hiện thủ tục cấp mới hộ chiếu.
  • Đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được Nhà nước cấp khi hết hạn có thể được gia hạn 01 lần, tối đa không quá 03 năm. Việc gia hạn phải thực hiện trước khi hộ chiếu hết hạn ít nhất 30 ngày.
  • Khi hộ chiếu bị rách, mất dù là hộ chiếu nào bạn cũng phải làm thủ tục cấp mới

10.2. Hộ chiếu Việt Nam được đi bao nhiêu nước mà không cần visa không?

Theo bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực mà Passport Index mới công bố, cuốn hộ chiếu màu xanh tím của Việt Nam đang xếp hạng thứ 87 (cập nhật ngày 10/01/2024). Với cuốn hộ chiếu màu xanh tím này, công dân Việt Nam có thể đi du lịch 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần xin visa trước hoặc có thể xin visa điện tử, visa tại cửa khẩu một cách dễ dàng.

10.3. Hộ chiếu dưới 6 tháng có xuất cảnh được không?

  • Về lý thuyết hộ chiếu có giá trị cho đến tận ngày hết hạn. Nhưng trên thực tế, hộ chiếu có giá trị hay không phụ thuộc vào quy định của điểm đến. Hầu hết các quốc gia đều yêu cầu hộ chiếu phải còn hạn ít nhất là 3 đến 6 tháng.
  • Nếu hộ chiếu của bạn còn hạn dưới 6 tháng nhưng bạn có lịch trình đi và về cụ thể và vẫn làm trong thời hạn của hộ chiếu thì nhiều quốc gia vẫn chấp nhận miễn là bạn phải rời khỏi quốc gia đó trước khi hộ chiếu hết hạn.
  • Tuy nhiên vẫn có một vài quốc gia từ chối cho khách lên trên máy bay khi hộ chiếu còn hạn dưới 6 tháng vì vậy quan trọng là bạn phải tìm hiểu rõ quy định của quốc gia đó trước khi đến.

10.4. Số hộ chiếu là gì?

Trên hộ chiếu có một dãy số được gọi là số hộ chiếu, dãy số này bao gồm 08 ký tự, trong đó bắt đầu bằng một chữ cái in hoa trên bảng chữ cái Việt Nam, theo sau đó là 07 số tự nhiên trong hệ thống bảng chữ số.

10.5. Việt Nam có bao nhiêu loại hộ chiếu?

Hộ chiếu Việt Nam gồm 03 loại bao gồm: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông. Mỗi loại hộ chiếu có đặc điểm và mục đích sử dụng riêng cho các đối tượng khác nhau.