Chủ đầu tư có trách nhiệm gì trong việc thực hiện thí nghiệm chuyên ngành?
Chủ đầu tư có trách nhiệm gì trong việc thực hiện thí nghiệm chuyên ngành?

1. Thí nghiệm chuyên ngành là gì?

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, định nghĩa công tác thí nghiệm chuyên ngành được quy định như sau:

"Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là hoạt động đo lường nhằm xác định đặc tính của đất xây dựng, vật liệu xây dựng, môi trường xây dựng, sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng theo quy trình nhất định."

2. Mục đích của thí nghiệm chuyên ngành

Thí nghiệm chuyên ngành trong xây dựng là một hoạt động thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn cho các công trình. Thí nghiệm chuyên ngành có những mục đích và ý nghĩa cụ thể như sau:

- Đảm bảo chất lượng công trình, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thi công:

Thí nghiệm chuyên ngành giúp xác định các đặc tính của vật liệu và môi trường xây dựng, từ đó đảm bảo rằng các yếu tố này đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế. Việc thí nghiệm giúp phát hiện sớm các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thi công, từ đó giảm thiểu rủi ro, chi phí phát sinh và thời gian hoàn thành công trình.

- Đánh giá tính phù hợp của vật liệu:

Các thí nghiệm cho phép đánh giá khả năng chịu lực, độ bền, độ ổn định và tính chịu nước của vật liệu xây dựng. Điều này giúp chủ đầu tư chọn lựa các vật liệu phù hợp, tối ưu hóa chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng.

- Tối ưu hóa thiết kế công trình:

Kết quả từ các thí nghiệm giúp các kỹ sư, kiến trúc sư điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với đặc điểm địa chất và điều kiện môi trường cụ thể. Nhờ đó, công trình sẽ đạt hiệu quả cao nhất về cả tính năng và kinh tế.

- Tuân thủ quy định pháp luật:

Các công trình phải trải qua các thí nghiệm chuyên ngành để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng. Điều này không chỉ bảo vệ chủ đầu tư mà còn bảo vệ cộng đồng và môi trường.

- Đảm bảo an toàn cho người sử dụng:

Việc thực hiện thí nghiệm chuyên ngành giúp phát hiện sớm các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho công trình, từ đó bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Mục đích của thí nghiệm chuyên ngành
Mục đích của thí nghiệm chuyên ngành

3. Các yêu cầu về công tác thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc công trình

Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về các yêu cầu của công tác thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc công trình như sau:

"Điều 4. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc công trình

1. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc công trình là các hoạt động đo lường được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng để xác định thông số kỹ thuật và vị trí của vật liệu, cấu kiện, bộ phận công trình, phục vụ thi công và nghiệm thu công trình xây dựng.

2. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng phải được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có năng lực theo quy định của pháp luật.

3. Các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc công trình có trách nhiệm cung cấp số liệu một cách trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với các số liệu mà mình cung cấp.

4. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc công trình trong quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn có liên quan."

4. Chủ đầu tư có trách nhiệm gì trong việc thực hiện thí nghiệm chuyên ngành?

Khoản 1 Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư như sau:

"Điều 14. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có), thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác."

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 10/2021/TT-BXD về trách nhiệm quản lý công tác thí nghiệm trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm như sau:

"Điều 2. Quản lý công tác thí nghiệm trong quá trình thi công xây dựng

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm do nhà thầu thi công xây dựng trình. Công tác thí nghiệm phải được thực hiện theo đúng kế hoạch tổ chức thí nghiệm đã được chủ đầu tư chấp thuận. Trường hợp điều chỉnh kế hoạch tổ chức thí nghiệm thì phải được chủ đầu tư chấp thuận trước khi tổ chức thực hiện."

Căn cứ vào các quy định trên, nhận thấy chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thí nghiệm, xem xét, chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm do nhà thầu thi công xây dựng trình. Công tác thí nghiệm phải được thực hiện theo đúng kế hoạch tổ chức thí nghiệm đã được chủ đầu tư chấp thuận. Trường hợp điều chỉnh kế hoạch tổ chức thí nghiệm thì phải được chủ đầu tư chấp thuận trước khi tổ chức thực hiện.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Khái quát về định mức dự toán xây dựng công trình

Các loại đô thị ở Việt Nam và tiêu chí phân loại đô thị

Công trình xây dựng được phân loại thành những hạng mục nào?

Các trường hợp phải được miễn giấy phép khi xây dựng?

Lưu ý khi xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định