Quy định về làm việc trên cao trong thi công xây dựng
Quy định về làm việc trên cao trong thi công xây dựng

1. Quy định chung

Căn cứ tiểu mục 2.7 mục 1 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:

- Để ngăn ngừa nguy hiểm, người sử dụng lao động phải có kế hoạch và thực hiện các biện pháp ĐBAT chống rơi, ngã; biện pháp sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp sau:

+ Làm việc trên cao: Tại nơi làm việc bên trong, ngoài hoặc trên công trình hoặc những nơi làm việc khác ở công trường mà vị trí đứng làm việc (tính từ đáy bàn chân người đứng) có độ cao từ 2,0 m trở lên so với bề mặt bên dưới như mặt đất, mặt sàn, mặt kết cấu, đáy hố và các bề mặt khác;

+ Làm việc trên các mái nhà, mái dốc (mái có độ dốc lớn hơn 10 độ).

- Tại các nơi làm việc nêu tại 2.7.1.1: Ở các khoảng trống (ví dụ: mép mái, quanh các lỗ mở), phải có lan can an toàn và tấm chặn chân. Trong trường hợp không thể lắp đặt lan can và tấm chặn chân, người lao động phải sử dụng dây an toàn.

- Tại các nơi làm việc nêu tại 2.7.1.1: Phải lắp đặt giàn giáo, thang leo, đường dốc hoặc các phương tiện an toàn phù hợp khác để người lao động có thể ra vào an toàn.

- Trong trường hợp không thể lắp đặt được lan can an toàn, người lao động khi làm việc trên cao (kể cả ở độ cao dưới 2,0 m nhưng vẫn có nguy cơ tai nạn nếu không có biện pháp bảo vệ) phải được bảo vệ đầy đủ bằng lưới an toàn, tấm (sàn) đỡ an toàn hoặc phải có sàn công tác hoặc phải sử dụng dây an toàn cùng với dây cứu sinh được treo (buộc) chắc chắn.

CHÚ THÍCH: Các quy định cụ thể về giàn giáo, thang leo và các biện pháp ĐBAT khác cho người lao động nêu tại 2.2 và các mục khác có liên quan của quy chuẩn này (ví dụ: công việc thi công lắp dựng kết cấu, ván khuôn và đổ bê tông nêu tại 2.10 và 2.11).

- Người lao động làm việc trên cao, trên mái phải được đào tạo, được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ, chống rơi, ngã theo quy định tại 2.19 và QCVN 23:2014/BLĐTBXH. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ và thực hiện các biện pháp ĐBAT theo các quy định tại 2.7.2, 2.7.3 và phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người lao động (thể chất và tinh thần) trước khi bắt đầu và trong khi làm việc.

2. Làm việc trên các công trình cao cần đảm bảo thực hiện như thế nào trong thi công xây dựng?

Căn cứ tiểu mục 2.7 mục 3 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy định như sau:

- Khi lắp đặt, sửa chữa, bảo trì các công trình cao, nếu không có các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để ĐBAT cho người lao động, phải sử dụng hệ giàn giáo phù hợp với đặc điểm công trình và có lưới đỡ bên dưới với khoảng cách phù hợp.

CHÚ THÍCH: Các công trình cao bao gồm các kết cấu dạng cột, trụ, tháp như trụ cầu dây văng, tháp viễn thông, cột truyền tải điện, ống khói cao, tượng đài, cột (tháp) pa nô quảng cáo và các công trình tương tự hoặc ở mặt ngoài các tòa nhà, tượng đài, si lô, đập lớn và tương tự khác.

- Sàn công tác trên cùng của giàn giáo phải thấp hơn đỉnh công trình tối thiểu là 65 cm.

- Trên giàn giáo, sàn đỡ an toàn ngay bên dưới sàn đang có người lao động làm việc phải để trống (không sử dụng) để bảo vệ, ngăn ngừa nguy cơ các vật rơi từ bên trên xuống.

- Khoảng cách khe hở giữa giàn giáo và công trình cao không được vượt quá 20 cm ở mọi vị trí.

- Sàn đỡ an toàn phải được lắp đặt ở bên trên:

+ Lối vào công trình cao;

+ Lối đi, nơi làm việc của người lao động để ngăn ngừa nguy hiểm do vật rơi.

- Để leo lên hoặc xuống công trình cao, phải lắp đặt các phương tiện sau:

+ Cầu thang bộ hoặc thang leo sắt;

+ Các bậc thang leo sắt được neo chặt vào vách hoặc tường của công trình;

+ Các phương tiện phù hợp khác.

- Khi leo thang leo sắt lắp ở mặt ngoài của công trình cao, người lao động phải sử dụng dây an toàn lõi thép. Dây an toàn phải được quấn vòng ở đầu tự do (đầu nối vào đai an toàn của người lao động), treo thả xuống ít nhất 3,0 mét (tính từ điểm móc cố định).

- Khi người lao động làm việc trên các công trình cao độc lập, vùng nguy hiểm phải được thiết lập và kiểm soát bằng rào chắn chống xâm nhập để tạo vùng an toàn cho người bên ngoài theo quy định tại 2.1.1.2.

- Người lao động thực hiện các công việc xây dựng, bảo trì hoặc sửa chữa trên các công trình cao không được phép:

+ Làm việc ngoài trời mà không đeo dây an toàn với dây cứu sinh gắn vào bậc thang (neo sẵn vào công trình cao) hoặc các vòng neo, điểm neo chắc chắn trên công trình cao;

+ Đặt (để) các dụng cụ nằm giữa dây an toàn và cơ thể hoặc để trong các túi quần áo bảo hộ không có mục đích để chứa dụng cụ;

+ Dùng tay lôi, kéo hoặc mang các vật liệu hoặc thiết bị nặng khi lên, xuống hoặc rời khỏi nơi làm việc trên công trình cao;

+ Siết, neo chặt ròng rọc hoặc giàn giáo vào các vòng neo tăng cường (vòng gắn trên thân công trình cao) mà không kiểm tra, thử nghiệm trước khả năng chịu tải, sự chắc chắn của các vòng neo này;

+ Làm việc một mình;

+ Leo lên công trình cao nhưng không có các phương tiện để ĐBAT quy định tại 2.7.3.6;

+ Làm việc trên công trình cao đang hoạt động (ví dụ: ống khói đang hoạt động), trừ trường hợp có các biện pháp ĐBAT để tránh nguy hiểm.

Quy định về làm việc trên cao trong thi công xây dựng
Quy định về làm việc trên cao trong thi công xây dựng

3. Ý nghĩa của việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định

Việc chấp hành tốt các quy định về làm việc trên cao trong thi công xây dựng mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng:

- Đảm bảo an toàn lao động: Đây là yếu tố hàng đầu, giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân. Tuân thủ quy định giúp giảm thiểu tai nạn lao động, từ đó tạo môi trường làm việc an toàn hơn.

-Tăng hiệu quả thi công: Khi các quy định được thực hiện đúng đắn, công việc sẽ diễn ra suôn sẻ hơn, giảm thời gian gián đoạn và tối ưu hóa quy trình làm việc.

- Bảo vệ tài sản: Chấp hành quy định giúp giảm thiểu nguy cơ hư hại thiết bị, công trình, từ đó tiết kiệm chi phí và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

- Xây dựng uy tín: Các doanh nghiệp tuân thủ quy định sẽ được ghi nhận và đánh giá cao trong ngành, từ đó thu hút thêm khách hàng và cơ hội hợp tác.

- Tạo văn hóa an toàn: Việc chấp hành quy định không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn tạo ra một văn hóa làm việc có trách nhiệm, nâng cao ý thức an toàn cho tất cả các thành viên trong đội ngũ.

Tóm lại, việc tuân thủ quy định về làm việc trên cao không chỉ bảo vệ con người mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành xây dựng.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Khái quát về định mức dự toán xây dựng công trình

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4085-2011 là gì? Quy định về tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4085-2011 như thế nào?

Công trình xây dựng được phân loại thành những hạng mục nào?