Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Trên thực tế xuất phát từ bản tính tự nhiên hoặc do lỗi quản lý của con người, mà khi hoạt động súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho chính con người. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được pháp luật quy định như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất nhé!

1. Súc vật là gì?

Súc vật là cụm từ quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm súc vật, kể cả Bộ luật dân sự - văn bản pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Tuy nhiên có thể dựa vào định nghĩa về vật nuôi tại Luật Chăn nuôi 2018 để hiểu về khái niệm súc vật.

Theo đó, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi, trong đó:

Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

(Theo khoản 5, 6, 7, 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018).

Bản chất súc vật là động vật hoang dã, mang bản tính thú dữ đã được thuần hóa, chăn nuôi, nằm trong sự kiểm soát hoặc sống cùng môi trường với con người.

Như vậy, có thể hiểu súc vật là vật nuôi trong nhà được thuần dưỡng, huấn luyện, được thuần hóa hoàn toàn hoặc thuần hóa một phần và sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, giải trí, thể thao, bầu bạn và các công việc khác.

2. Đặc điểm của súc vật

Súc vật có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, súc vật thường là những động vật đã được con người thuần dưỡng

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, từ việc chỉ biết săn bắn, hái lượm các loài động, thực vật có sẵn trong tự nhiên, con người đã biết thuần dưỡng một số loài động vật (trong đó có súc vật) trở thành các vật nuôi ở trong nhà. Việc thuần dưỡng này nhằm tạo ra những nguồn lợi phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người. Ban đầu, việc thuần dưỡng nhằm để khai thác những lợi ích về vật chất (các loài động vật được nuôi để lấy thịt, hoặc lấy sức kéo như trâu, bò, lợn, dê,...). Dần dần, nhu cầu của con người ngày một nâng cao, nên việc thuần dưỡng các loài động vật còn nhằm phục vụ cho các mục đích về tinh thần (các loài động vật được nuôi làm cảnh).

Thứ hai, súc vật là động vật sống cùng với môi trường sống của con người

Thông thường, các loài súc vật thường sống trong cùng khu vực mà con người sinh sống, có sự tiếp xúc với con người hàng ngày, hàng giờ. Bởi vì, mục đích của việc thuần dưỡng các loài súc vật này là để phục vụ cho các nhu cầu của con người. Đây cũng là đặc điểm có thể phân biệt với thú dữ. Thông thường thú dữ thường sống trong môi trường tự nhiên như các khu rừng.

Thứ ba, súc vật thường gây thiệt hại khi bị đe dọa

Không giống như thú dữ - những loài động vật có bản tính hung dữ, luôn luôn sẵn sàng tất công bất cứ mục tiêu nào ở gần hoặc ở trong tầm ngắm của chúng, bất kể các mục tiêu đó có hoặc không có biểu hiện đe dọa hoặc tấn công chúng, thì chúng cũng sẵn sàng tấn công mục tiêu.

Thứ tư, con người có thể dễ dàng kiếm soát được hoạt động của súc vật

Khi súc vật đã được thuần dưỡng sẽ lành tính hơn và thường chấp nhận sự kiểm soát của con người, tức là hầu hết các loài súc vật được thuần dưỡng nuôi trong nhà không thể vượt khỏi tầm kiểm soát của con người ngay cả khi con người đang không trực tiếp quản lý chúng (ví dụ: trâu, bò nhốt trong chuồng thường không có phản ứng vượt ra ngoài). Súc vật thường chỉ gây thiệt hại khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không quản lý chúng một cách chặt chẽ.

3. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chó mèo gây ra

Tại khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định:

“Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

...

4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nếu để để chó, mèo tấn công người khác thì chủ nuôi sẽ phải bồi thường.

4. Quy định bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo Bộ luật Dân sự

Do súc vật vẫn mang bản tính hoang dã, bản tính thú dữ nên nhiều trường hợp vẫn có thể gây ra thiệt hại cho người khác.

Hiện hành, việc bồi thưởng thiệt hại do súc vật gây ra được quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

5. Xử lý hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật đi vào đường cấm

Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

(1) Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;

- Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản (3);

- Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố;

- Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;

- Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;

- Đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;

- Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;

- Điều khiển xe không có báo hiệu theo quy định.

(2) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

- Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ;

- Xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.

(3) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.

6. Điểm tương đồng và điểm khác biệt bồi thường thiệt hại do súc vật và thú dữ gây ra

6.1. Điểm tương đồng

Qua việc phân tích các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể khi súc vật gây thiệt hại, cùng với việc nghiên cứu các quy định có liên quan đến bồi thường thiệt hại do thú dữ gây ra, ta nhận thấy những điểm tương đồng giữa bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra với bồi thường thiệt hại do thú dữ gây ra như sau:

Thứ nhất, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, cả hai trường hợp đều xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng (gồm cả người chiếm hữu sử dụng trái pháp luật);

Thứ hai, về yếu tố lỗi của chủ thể phải bồi thường, cả hai trường họp đều hướng tới việc xác định bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không dựa vào lỗi, tức là chủ thể phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi.

Nếu họ phải bồi thường khi có lỗi thì lỗi trong trường hợp đó chỉ là căn cứ xác định họ có phải liên đới bồi thường với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật hay không, mà không phải là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường độc lập;

Thứ ba, về căn cứ loại trừ trách nhiệm, cả hai trường họp chủ thể đều được loại trừ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.

6.2. Điểm khác biệt

Những điểm khác biệt giữa bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra với bồi thường thiệt hại do thú dữ gây ra như sau:

Thứ nhất, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, khi súc vật gây thiệt hại, ngoài chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật (bao gồm cả người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật), chủ thể phải bồi thường thiệt hại còn bao gồm cả người thứ ba tác động làm súc vật gây thiệt hại.

Trong khi đó, khi thú dữ gây thiệt hại, việc xác định trách nhiệm của người thứ ba không đặt ra. về thực tế, việc người thứ ba tác động làm thú dữ gây thiệt hại cho người hầu như không xảy ra, bởi vì trách nhiệm quản lý thú dữ của chủ sở hữu không cho phép trường hợp này xảy ra trên thực tế.

Trường hợp nếu thực tế xảy ra trường hợp này, thì khả năng thú dữ gây ra thiệt hại cho người thứ ba tác động sẽ cao hơn là gây thiệt hại cho người khác, và khi đó chủ sở hữu sẽ bị xác định là không quản lý chặt chẽ thú dữ, để các chủ thể khác tiếp xúc với thú dữ, và chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu lỗi của người thứ ba là lỗi vô ý.

Thứ hai, về căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường, có thể thấy những điểm khác biệt sau:

- Khi súc vật gây thiệt hại, trách nhiệm bồi thường được loại trừ trong hai trường hợp đó là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, khi súc vật gây thiệt hại, chủ thể được loại trừ theo 3 căn cứ đó là do sự kiện bất khả kháng, do xảy ra tình thế cấp thiết, hoàn toàn do lỗi của người thứ ba.

- Về căn cứ loại trừ hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, đối với trường hợp thú dữ gây thiệt hại, lỗi này có thể là cố ý hoặc vô ý thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng đều được loại trừ. Tuy nhiên, đối với trường hợp thú dữ gây thiệt hại, lỗi của người bị thiệt hại phải là cố ý hoàn toàn thì trách nhiệm bồi thường mới được loại trừ.

- Về chủ thể được loại trừ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra các căn cứ loại trừ. Theo kết cấu các quy định về bồi thường thiệt hại, căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được áp dụng quy định chung ở Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó, khi xảy ra căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường, các chủ thể đều được loại trừ trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thú dữ gây ra được quy định riêng tại khoản 3 Điều 603 BLDS 2015, theo đó chỉ có chủ sở hữu và người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng thú dữ được loại trừ trách nhiệm khi xảy ra các căn cứ loại trừ.