Bạo lực gia đình là gì? Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào mới nhất 2025?
Bạo lực gia đình là gì? Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào mới nhất 2025?

1. Bạo lực gia đình là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có định nghĩa về bạo lực gia đình cụ thể như sau:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

2. Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

3. Nơi tạm lánh là địa điểm để bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình.

4. Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng xử, kiềm chế cảm xúc tiêu cực, kiểm soát hành vi, giải quyết mâu thuẫn giúp người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt bạo lực gia đình.”

Theo đó, có thể hiểu bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

2. Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào mới nhất 2025?

2.1. Người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý thế nào?

Căn cứ vào Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau:

“Điều 41. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.”

Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình tùy vào mức độ vi phạm mà sẽ có những hình thức xử lý sau đây:

  • Xử lý kỷ luật.
  • Xử phạt vi phạm hành chính.
  • Bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.

2.2. Mức xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình như thế nào?

Căn cứ vào Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình như sau:

  • Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử phạt như sau:
    • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
    • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
      • Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
      • Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
    • Biện pháp khắc phục hậu quả:
      • Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu;
      • Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu có.
  • Đồng thời, tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt hành chính hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
    • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
      • Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
      • Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
    • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp quy định từ Điều 54 đến Điều 67 Mục 4 Chương 2 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm này là mức phạt của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền gấp hay lần cá nhân (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

3. Những hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình mới nhất hiện nay

Căn cứ Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, 16 hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
  • Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
  • Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
  • Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
  • Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
  • Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
  • Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
  • Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
  • Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
  • Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình

Căn cứ vào Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:

  • Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
  • Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
  • Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
  • Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
  • Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
  • Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
  • Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình là gì? Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào mới nhất 2025?
Bạo lực gia đình là gì? Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào mới nhất 2025?

5. Bị bạo lực gia đình thì cần làm gì, báo cho ai mới nhất?

Căn cứ vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, khi bị bạo lực gia đình hoặc phát hiện hành vi bạo lực gia đình, người dân có thể tố giác, thông báo qua các tổ chức, cá nhân sau đây:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
  • Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ nêu trên thực hiện theo các hình thức sau đây:

  • Gọi điện, nhắn tin;
  • Gửi đơn, thư;
  • Trực tiếp báo tin.

Người bị bạo lực gia đình cần cung cấp thông tin về hành vi bạo lực gia đình:

  • Theo Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
  • Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

6. Hành vi bạo lực gia đình có thể là căn cứ để đơn phương ly hôn được không?

Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Như vậy, nếu có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình khiến đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì đây là căn cứ để giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn.

Xem thêm bài viết: 04 bước đơn phương ly hôn nhanh chóng, mới nhất 2025

7. Các câu hỏi thường gặp

7.1. Hành vi bạo lực gia đình được hiểu như thế nào?

Bạo lực gia đình có thể hiểu đơn giản là bạo lực xảy ra đối với các thành viên trong gia đình, có thể bạo lực về thể chất tinh thần hoặc tâm lý, hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

7.2. Ai có quyền ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?

  • Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

7.3. Tố cáo bạo hành gia đình ở đâu?

Người tố cáo hành vi bạo lực gia đình phải nộp Đơn tố cáo lên Cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân xã/ phường/thị trấn hoặc là tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi có hành vi bạo lực gia đình được xảy ra theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

7.4. Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường được hiểu là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

7.5. Bạo lực ngôn từ là gì?

“Bạo lực ngôn từ” là một hình thức bạo lực không gây tổn thương về mặt thể chất bên ngoài, có thể nói đây là loại bạo lực vô hình. Cụ thể, “bạo lực ngôn từ” là hành vi tấn công người khác bằng việc sử dụng các ngôn từ hoặc lời nói nhằm mục đích đe dọa, công kích, xúc phạm hoặc hạ thấp giá trị của một ai đó.