Bảo lãnh là gì? Quy định về bảo lãnh theo Bộ luật dân sự 2015?

Bảo lãnh là gì? Quy định về bảo lãnh theo Bộ luật dân sự 2015?

1. Bảo lãnh và phạm vi bảo lãnh là gì?

Căn cứ tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 thì khái niệm bảo lãnh được quy định cụ thể như sau:

Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Lưu ý: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Như vậy, có thể hiểu bảo lãnh là hành vi cam kết của người thứ ba thay cho bên thực hiện nghĩa vụ đối với một cá nhân hay tổ chức khác. Theo đó, nếu bên có nghĩa vụ đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà không tiến hành hoặc thực hiện không đúng thì bên bảo lãnh sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đó theo đúng với cam kết.

Phạm vi bảo lãnh của người thứ ba theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

- Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

- Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

2. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

Bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cụ thể:

- Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

- Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

- Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

(Căn cứ Điều 339 Bộ luật Dân sự 2015)

Bảo lãnh là gì? Quy định về bảo lãnh theo Bộ luật dân sự 2015?

Bên bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm dân sự gì khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh và trường hợp nào bảo lãnh sẽ chấm dứt?

3. Bên bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm dân sự gì khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh và trường hợp nào bảo lãnh sẽ chấm dứt?

Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh được ghi nhận tại Điều 342 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

“Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.”

Ngoài ra, theo quy định để bảo vệ quyền cũng như lợi ích của các bên, pháp luật nước ta đã quy định cụ thể các trường hợp được chấm dứt hoạt động bảo lãnh giữa các bên. Cụ thể việc bảo lãnh chấm dứt khi thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Theo thỏa thuận của các bên.

(Căn cứ Điều 343 Bộ luật Dân sự 2015)

4. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong những trường hợp nào?

Việc miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh sẽ thực hiện trong các trường hợp quy định tại Điều 342 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

- Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Bảo lãnh là một công cụ hữu ích để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, giúp tạo ra sự tin tưởng trong các giao dịch. Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, giúp các bên dễ dàng xác định trách nhiệm của mình trong các tình huống khác nhau.

Nhìn chung, bảo lãnh không chỉ là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng lòng tin giữa các bên trong các giao dịch dân sự và thương mại.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản hình thành trong tương lai