Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 46 (Cánh diều)

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 8,145 27/10/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống

1. Định hướng

- Nghị luận về một vấn đề trong đời sống là trình bày ý kiến của mình về một vấn đề nào đó của đời sống bằng cách đưa ra lí lẽ rõ ràng kết hợp với bằng chứng đa dạng để thuyết phục người đọc, người nghe.

-Vấn đề trong đời sống thường do đề bài nêu lên nhưng cũng có thể do người viết tự xác định từ những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, chẳng hạn: Thế nào là lòng yêu nước, Yêu tiếng mẹ đẻ có phải là yêu nước không,…

- Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống các em cần:

+ Xác định được vấn đề cần bàn luận.

+ Tìm hiểu các tư liệu liên quan đến vấn đề xã hội cần nghị luận đó

+ Giải thích vấn đề và làm sáng tỏ ý kiến của mình bằng cách nêu ra lí lẽ và bằng chứng.

2. Thực hành

Bài tập: Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ lại văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ ( Phạm Văn Đồng) và xem lại nội dung đọc hiểu của văn bản này.

- Xem mục Định hướng nêu trên để nắm vững các yêu cầu cảu bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống xã hội.

- Tập hợp những hiểu biết từ sách báo… và đời sống thực tế về những lời dạy và tấm gương có lối sống cao đẹp, giản dị.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý

+ Thế nào là giản dị?

+ Tính giản dị được biểu hiện qua những phương diện nào?

+ Tại sao cần sống giản dị?

+ Em biết những tấm gương nào về lối sống giản dị trong thực tế, sách báo.

+ Em có suy nghĩ như thê nào về việc rèn luyện cho mình lối sống giản dị

- Lập dàn ý

+ Mở bài: Dẫn dắt vấn đề nghị luận

+ Thân bài: Nêu quan niệm về lối sống giản dị, biểu hiện, ý nghĩa, lien hệ với bản thân.

+ Kết bài: Khẳng đinh vai trò, ý nghĩa của lối sống giản dị; nêu suy nghĩ về hướng rèn luyện của em.

Bài tham khảo

Trong cuộc sống, có rất nhiều người thường bị cuốn theo bởi những thứ xa hoa, cầu kì. Đối với họ, những thứ cầu kì, xa hoa ấy chính là biểu hiện của một đẳng cấp nào đó. Tuy nhiên, những thứ đó xét đến cùng cũng chỉ là hình thức bề ngoài và có phần phù phiếm. Sự giản dị có thể coi là một thái cực đối ngược với xa hoa, cầu kì. Sự giản dị rất dễ đi vào lòng bất cứ ai.

Giản dị là một tính từ chỉ trạng thái, tính chất đơn giản một cách tự nhiên, không có gì rắc rối. Khi nói đến giản dị, người ta thường ngầm nói đến lối sống của con người. Cũng có khi giản dị được dùng cho những vấn đề hay lĩnh vực khác. Lối sống giản dị là một lối sống không trọng vật chất, cầu kì, xa hoa hay phô trương lãng phí.

Tôi được biết đến sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách ăn mặc. Chúng ta vẫn thường quen thuộc với hinh ảnh Bác Hồ mặc bộ kaki trắng, bộ quần áo màu nâu hay đôi dép cao su. Tôi cũng được biết đến Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook thường mặc áo phông xám hàng ngày. Đó là những ví dụ điển hình về sự giản dị trong cách ăn mặc. Tuy nhiên, tôi không có ý nói bất cứ ai cũng chỉ nên mặc một kiểu đồ hay áo một màu. Vì như vậy khiến cho cuộc sống thật đơn điệu, nhàm tẻ. Sự giản dị trong lối sống chỉ nhằm để con người tránh sự xa xỉ, cầu kì, lãng phí.

Biểu hiện của một lối sống giản dị còn nằm trong cách nói, giao tiếp hay cách viết. Khi nói đến sự giản dị trong cách viết, tôi lại nhớ đến Nguyễn Khuyến với bài thơ Khóc Dương Khuê. Dương Khuê là một người bạn của Nguyễn Khuyến, là một tiến sĩ, vị quan nhà Nguyễn. Khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đã viết một bài thơ chữ Hán với nhan đề: Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư. Việc viết một bài thơ bằng chữ Hán khi xưa thể hiện sự trang trọng, điển chương. Thế nhưng, chính Nguyễn Khuyến đã tự dịch bài thơ chữ Hán của mình sang thơ Nôm thành bài thơ Khóc Dương Khuê. Tại sao Nguyễn Khuyến lại phải dịch sang thơ chữ Nôm? Đó phải chăng là vì thơ chữ Nôm dễ hiểu hơn thơ chữ Hán, biểu đạt được những tâm tình của người Việt hơn thơ chữ Hán? Chính Nguyễn Khuyến đã dịch một bài thơ mang tính điển chương thành một bài thơ giản dị, dễ đi vào lòng người.

Ngày nay, dù cuộc sống của con người có tốt đẹp hơn, hiện đại hơn, giàu sang hơn thì giản dị vẫn là một lối sống nên có. Nó giúp cho con người tránh được những thứ phù phiếm của cuộc đời, biết hướng tới chân, thiện, mĩ. Những thứ xa hoa chưa chắc đã là cái đẹp, tinh tế. Khi ai đó buồn, nếu giàu có, ta có thể dẫn họ đi đến những nơi mà tiền bạc có thể mua được. Nhưng ta cũng có thể lựa chọn cho họ một cái ôm thật chặt, chân thành, cảm thông, chia sẻ. Sự giản dị lúc này trở thành một sự an ủi hữu hiệu. Khi ai đó mệt, ta có thể để cho họ nghỉ ngơi chỉ bằng cách cho họ có không gian yên tĩnh. Ta sẽ nhẹ nhàng khép cánh cửa lại. Sự giản dị ấy thật tinh tế biết bao.

Như vậy, có thể thấy lối sống giản dị đã có từ xưa, và đến nay vẫn còn tồn tại, vẫn còn phát huy những giá trị của nó. Tôi không phải một người cả tuần đều mặc áo phông màu xám, không phải người sẽ sống theo phong cách tối giản của người Nhật, nhưng tôi biết rằng, tự bản thân tôi cũng có một lối sống giản dị, không chạy theo thị hiếu của tha nhân, ngay cả đó là thị hiếu về "lối sống giản dị".

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 36, 37

Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Soạn bài Thực hành tiếng việt trang 42

Soạn bài Tượng đài vĩ đại nhất

Soạn bài Thảo luận nhóm về một vấn đề trong đời sống

Soạn bài Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 52

1 8,145 27/10/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: