SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 34 (Cánh diều): Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT KHTN 7 Bài 34.

1 1,046 18/10/2022
Tải về


Giải sách bài tập KHTN 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật - Cánh diều

Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 72

Bài 34.1 trang 72 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở thực vật. Cho ví dụ.

Lời giải:

- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh sản ở thực vật như: ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, chất dinh dưỡng, đặc điểm của loài, hormone sinh sản.

- Ví dụ:

+ Một số cây chỉ ra hoa trong điều kiện ánh sáng mạnh, ngày dài của mùa xuân hoặc mùa hè như hành, cà rốt,… trong khi có cây lại ra hoa trong điều kiện ánh sáng yếu, ngày ngắn cuối mùa thu, đầu mùa đông như đậu tương, bông,…

+ Cải bắp, rau cải chỉ ra hoa sau khi trải qua nhiệt độ thấp của mùa đông.

+ Sự ra hoa của nhiều loài cây bị giảm khi thiếu chất lân trong đất.

Bài 34.2 trang 72 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở động vật. Cho ví dụ.

Lời giải:

- Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở động vật như: ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, chất dinh dưỡng, đặc điểm của loài, hormone sinh sản.

- Ví dụ:

+ Cá chép chỉ đẻ trứng ở nhiệt độ lớn hơn 15oC.

+ Cá hồi thường đẻ trứng vào mùa thu. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh cường độ ánh sáng mùa xuân và hè giống mùa thu thì chúng vẫn có thể đẻ trứng.

+ Một số loài rùa ấp trứng có tỉ lệ con đực và con cái gần bằng nhau ở nhiệt độ 28,5oC; đa số là con đực nếu thấp hơn 25oC; đa số là con cái nếu trên 30oC.

Bài 34.3 trang 72 SBT Khoa học tự nhiên 7: Biện pháp nào sau đây thường được sử dụng để làm tăng số con của cá mè và cá trắm?

A. Thay đổi yếu tố môi trường.

B. Sử dụng hormone hoặc chất kích thích tổng hợp.

C. Nuôi cấy phôi.

D. Thụ tinh nhân tạo trong cơ thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Biện pháp thường được sử dụng để làm tăng số con của cá mè và cá trắm là sử dụng hormone hoặc chất kích thích tổng hợp. Trong đó, người ta sử dụng hormone hoặc chất kích thích tổng hợp để tiêm vào cá cái làm cho trứng chín hàng loạt, sau đó nặn trứng ra và cho thụ tinh nhân tạo bên ngoài cơ thể rồi đem ấp nở ra cá con.

Bài 34.4 trang 72 SBT Khoa học tự nhiên 7: Biện pháp nào thường không được sử dụng để làm tăng số con của trâu bò?

A. Thay đổi yếu tố môi trường.

B. Sử dụng hormone hoặc chất kích thích tổng hợp.

C. Nuôi cấy phôi.

D. Thụ tinh nhân tạo trong cơ thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

A. Sai. Thay đổi yếu tố môi trường thường không đem lại hiệu quả đối với việc làm tăng số con của trâu bò.

B. Đúng. Sử dụng hormone hoặc chất kích thích tổng hợp có thể làm tăng số lượng trứng được tạo ra nhờ đó có thể làm tăng số lượng con của trâu bò.

C. Đúng. Nuôi cấy phôi được tiến hành theo quy trình kích thích trứng rụng → thụ tinh nhân tạo → thu nhận phôi → cấy phôi vào tử cung của các con cái, nhờ đó có thể làm tăng nhanh số lượng cá thể của một loài nào đó.

D. Đúng. Thụ tinh nhân tạo trong cơ thể có thể làm tăng hiệu quả của quá trình thụ tinh.

Bài 34.5 trang 72 SBT Khoa học tự nhiên 7: Thụ tinh nhân tạo và nuôi cấy phôi giải quyết được vấn đề gì trong việc sinh đẻ ở người?

Lời giải:

Thụ tinh nhân tạo và nuôi cấy phôi giải quyết được vấn đề vô sinh ở người, giúp các cặp vợ chồng vô sinh có thể sinh con.

Bài 34.6 trang 72 SBT Khoa học tự nhiên 7: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời các câu hỏi.

Điều khiển cây trồng theo ý muốn

Hiểu rõ về đặc tính của từng loại cây, chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển cây trồng theo ý muốn bằng cách dùng ánh sáng, nhiệt độ, chế phẩm kích thích hoặc ức chế sinh trưởng,…

DÙNG ÁNH SÁNG

Đối với những loại như hoa li, lay ơn, huệ,… cần chiếu sáng dài (ít nhất 14 giờ/ngày), nhưng mùa đông điều kiện chiếu sáng ngắn nên phải kéo dài ngày cho hoa nở sớm. Hoa lay ơn được chiếu sáng trên 16 giờ/ ngày sẽ có chất lượng hoa tốt hơn, búp to hơn, bền hơn. Ngược lại, muốn kéo dài thời kì ra hoa với những cây chiếu sáng ngắn thì có thể làm cho hoa ra muộn hơn. Hoa cúc ra hoa vào cuối tháng 8, áp dụng chiếu sáng dài hoặc bật đèn ban đêm khoảng 2 – 3 giờ sẽ làm cho hoa cúc có thể ra muộn đến cuối năm, thậm chí là đến mùa xuân năm sau. Hoa li là cây ngày dài, chiều dài cây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nụ hoa. Vì thế với giống li thân ngắn có thể kéo dài đốt thân bằng chiếu sáng nhân tạo 5 – 6 giờ mỗi đêm.

ĐIỀU KHIỂN BẰNG NHIỆT ĐỘ

Một số loài hoa không nhạy cảm với ánh sáng, chỉ cần thỏa mãn điều kiện nhiệt độ là có thể ra nụ hoa sớm như hoa mai, đào. Nếu cuối thu đem cây vào nhà giữ ấm ở nhiệt độ 18 – 24oC, sau 10 – 15 ngày, cây sẽ ra nụ, sau đó lại chuyển vào điều kiện nhiệt độ 8 – 15oC là cây có thể nở vào đúng dịp Tết. Phương pháp điều khiển nhiệt độ chính là giải pháp để cây vào trạng thái ngủ.

Trung tâm hoa và cây cảnh cho biết, người ta thường áp dụng phương pháp tỉa cành để cây hoa phân bố đều chất dinh dưỡng, tạo dáng cây và khống chế mọc vống, xúc tiến cây ra hoa nhiều. Các cây bích đào, trúc đào trồng chậu, dâm bụt,… rất cần phải tỉa cành vào mùa xuân hằng năm. Các loại hoa, cây cảnh thuộc loại cây bụi sau khi ra nụ nếu gây vết thương đều có thể làm cho cây ra hoa sớm. Nguyên lí chung của phương pháp này là ngăn chặn dinh dưỡng quá nhiều trên lá vận chuyển đến bộ rễ để làm cho cây ra hoa sớm hơn.

(Nguồn https://khoahocdoisong.vn/dieu-khien-cay-trong-theo-y-muon-127551.html, truy cập ngày 21/4/2022.)

Câu hỏi:

1. Nêu cơ sở khoa học của việc điều khiển cây trồng theo ý muốn.

2. Người ta đã điều khiển ánh sáng để cây ra hoa đúng thời vụ như thế nào? Cho ví dụ.

3. Nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào đến sự ra hoa của một số loài cây? Cho ví dụ.

4. Nêu biện pháp các nhà làm vườn sử dụng để có thể làm cho hoa đào ra hoa đúng dịp Tết.

5. Vì sao người ta cần tỉa cành hằng năm đối với một số loài cây?

Lời giải:

1. Cơ sở khoa học của việc điều khiển cây trồng theo ý muốn: Ánh sáng, nhiệt độ, chế phẩm kích thích hoặc ức chế sinh trưởng,… có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và sinh sản của cây trồng → Có thể điều chỉnh các yếu tố này nhằm điều khiển cây trồng theo ý muốn.

2. Điều khiển ánh sáng để cây ra hoa đúng thời vụ

- Người ta đã điều khiển ánh sáng để cây ra hoa đúng thời vụ bằng cách điều chỉnh (tăng hoặc giảm) thời gian chiếu sáng/ ngày để hoa nở sớm hoặc nở muộn.

- Ví dụ:

+ Tăng thời gian chiếu sáng cho hoa lay ơn (chiếu sáng trên 16 giờ/ ngày) để hoa có chất lượng tốt hơn, búp to hơn, bền hơn.

+ Hoa cúc ra hoa vào cuối tháng 8, áp dụng chiếu sáng dài hoặc bật đèn ban đêm khoảng 2 – 3 giờ sẽ làm cho hoa cúc có thể ra muộn đến cuối năm, thậm chí là đến mùa xuân năm sau.

3. Sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự ra hoa của một số loài cây

- Sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự ra hoa của một số loài cây: Một số loài cây chỉ cần thỏa mãn điều kiện nhiệt độ là có thể ra nụ hoa sớm.

- Ví dụ: Nếu cuối thu đem cây đào vào nhà giữ ấm ở nhiệt độ 18 – 24oC, sau 10 – 15 ngày, cây sẽ ra nụ, sau đó lại chuyển vào điều kiện nhiệt độ 8 – 15oC là cây có thể nở vào đúng dịp Tết.

4. Biện pháp các nhà làm vườn sử dụng để có thể làm cho hoa đào ra hoa đúng dịp Tết: áp dụng phương pháp tỉa cành, tỉa lá vào thời gian thích hợp kết hợp với việc điều chỉnh nhiệt độ như phun nước ấm hoặc nước lạnh.

5. Người ta cần tỉa cành hằng năm đối với một số loài cây vì: Đối với một số loài cây như bích đào, trúc đào, phương pháp tỉa cành có thể giúp cây hoa phân bố đều chất dinh dưỡng, tạo dáng cây và khống chế mọc vống, xúc tiến cây ra hoa nhiều.

Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 73

Bài 34.7 trang 73 SBT Khoa học tự nhiên 7: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời các câu hỏi.

Ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng trong trồng trọt.

1. Kích thích sự hình thành rễ của cành giâm, cành chiết:

Trong giâm cành và chiết cành các loại cây như cây ăn quả, cây công nghiệp, cây cảnh, cây thuốc, người ta thường sử dụng các chất kích thích sinh trưởng. Việc sử dụng chất kích thích sinh trưởng đã nâng cao hiệu quả rõ rệt vì nó kích thích sự phân chia tế bào của mô phân sinh tượng tầng để hình thành mô sẹo (callus) rồi từ đó hình thành rễ mới.

2. Tăng sự đậu quả và tạo quả không hạt:

Sau quá trình thụ phấn, thụ tinh thì quả bắt đầu được hình thành và sinh trưởng nhanh chóng. Sự lớn lên của quả là do sự phân chia tế bào và đặc biệt là sự giãn nhanh của tế bào trong bầu. Sự tăng kích thước, thể tích của quả một cách nhanh chóng là đặc trưng sự sinh trưởng của quả. Sự sinh trưởng nhanh chóng như vậy là do được điều chỉnh bằng phytohormone, được sản sinh trong phôi hạt. Hạt được hình thành là do quá trình thụ phấn, thụ tinh xảy ra. Nếu chúng ta xử lí auxin và gibberellin (GA) ngoại sinh cho hoa trước khi thụ phấn, thụ tinh thay nguồn phytohormone nội sinh từ phôi thì quả sẽ được hình thành mà không cần thụ tinh, trong trường hợp này quả sẽ không có hạt.

Người ta thường dùng các chất kích thích như α – NAA, GA,… phun cho hoa mới nở thì có thể loại bỏ được sự thụ phấn, thụ tinh mà quả vẫn lớn được. Vì vậy làm cho quả lớn lên nhưng không có hạt hoặc ít hạt, năng suất cao và phẩm chất tốt.

Nồng độ sử dụng tùy thuộc vào các chất khác nhau và các loài khác nhau. Có thể tạo ra quả không hạt đối với nhiều đối tượng cây trồng như cà chua, nho, cam, quýt, ớt, dưa hấu, dưa chuột,…

Việc xử lí tạo quả không hạt có ý nghĩa quan trọng trong việc làm tăng phẩm chất của quả, đặc biệt là các loại quả chứa nhiều thịt quả.

3. Ngăn ngừa sự rụng nụ, hoa và quả:

Để tăng năng suất cây trồng, bên cạnh biện pháp xúc tiến hình thành quả, cần ngăn ngừa hiện tượng rụng nụ, hoa và quả non. Nguyên nhân của hiện tượng này là khi quả sinh trưởng nhanh thì hàm lượng auxin nội sinh từ hạt không đủ để cung cấp cho quả lớn. Người ta sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng như α – NAA, GA, ADHS cho cây. Nồng độ xử lí thích hợp phụ thuộc vào từng loại chất và loại cây trồng.

Để ngăn chặn giai đoạn rụng quả non, người ta phun lên hoa hoặc quả non của nho dung dịch GA với nồng độ 1 – 20 ppm. Đối với lê, phun α – NAA với nồng độ 10 ppm hoặc SADH 1000 ppm đều có hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn sự rụng của quả trước và trong lúc thu hoạch. Đối với táo, xử lí α – NAA nồng độ 20 ppm vào lúc quả có biểu hiện bắt đầu rụng thì kéo dài thời gian tồn tại của quả trên cây thêm một số ngày nữa.

4. Điều chỉnh sự ra hoa của cây:

Việc sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng để kích thích sự ra hoa sớm cũng là một trong những ứng dụng phổ biến và có hiệu quả trong trồng trọt.

Để cho dứa ra hoa trái vụ làm tăng thêm một vụ thu hoạch, người ta phun α-NAA với nồng độ 25 ppm hoặc bỏ 1 g đất đèn (CaC2) lên nõn dứa, khi gặp mưa hoặc tưới nước, đất đèn sẽ tác dụng với nước giải phóng acetylen kích thích dứa ra hoa.

Táo, lê, hồng khi xử lí ADHS có tác dụng kích thích ra hoa sớm và làm tăng năng suất quả. Xử lí GA3 cho cây hai năm có thể làm cho cây ra hoa vào năm đầu (xử lí cho su hào, bắp cải, xà lách).

5. Điều chỉnh giới tính của hoa:

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng auxin sẽ làm thay đổi tỉ lệ giữa hoa đực và hoa cái của một số loại cây. Nếu sử dụng gibberellin sẽ kích thích sự hình thành hoa đực, sự phát triển của bao phấn và hạt phấn. Còn nếu sử dụng cytokinin và ethrel sẽ kích thích hình thành hoa cái.

Ở cây họ Bầu bí và các cây đơn tính khác, sử dụng ethrel 50 – 250 ppm sẽ tạo ra 100% hoa cái nên đã làm tăng năng suất của các loại cây trồng.

(Nguồn: https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/2018/02/12/ung-dung-chat-dieu-hoa-sinh-truong-trong-trong-trot/, truy cập ngày 21/4/2022.)

Câu hỏi:

1. Nêu cơ sở khoa học của việc ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng nhằm kích thích sự hình thành rễ của cành giâm, cành chiết.

2. Người ta đã tạo quả không hạt bằng việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng như thế nào?

3. Nêu ý nghĩa của việc ngăn ngừa rụng nụ, hoa, quả và điều khiển cho ra hoa sớm.

4. Vì sao người ta điều chỉnh giới tính của hoa ở một số loài cây?

Lời giải:

1. Cơ sở khoa học của việc ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng nhằm kích thích sự hình thành rễ của cành giâm, cành chiết: Chất điều hòa sinh trưởng kích thích sự phân chia tế bào của mô phân sinh tượng tầng để hình thành mô sẹo (callus) rồi từ đó hình thành rễ mới.

2. Tạo quả không hạt bằng việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng bằng cách xử lí auxin và gibberellin (GA) ngoại sinh cho hoa trước khi thụ phấn, thụ tinh thay nguồn phytohormone nội sinh từ phôi thì quả sẽ được hình thành mà không cần thụ tinh, trong trường hợp này quả sẽ không có hạt.

3.

- Ý nghĩa của việc ngăn ngừa rụng nụ, hoa, quả: Việc ngăn ngừa rụng nụ, hoa, quả giúp tăng năng suất và sản lượng thu hoạch của cây trồng.

- Ý nghĩa của việc điều khiển cho ra hoa sớm: Việc điều khiển cho ra hoa sớm có thể giúp tạo quả trái vụ hoặc tăng số vụ thu hoạch / năm. Nhờ đó, tăng năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế.

4. Người ta điều chỉnh giới tính của hoa ở một số loài cây vì: Tỉ lệ hoa đực : hoa cái quyết định đến sản lượng thu hoạch. Bởi vậy, việc điều chỉnh giới tính của hoa có thể tạo ra tỉ lệ hoa đực : hoa cái phù hợp nhằm tạo ra sản lượng thu hoạch tối đa.

Xem thêm lời giải sách bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Bài 30: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật

Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật

Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật

Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

Xem thêm tài liệu Khoa học tự nhiên lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Lý thuyết Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật

1 1,046 18/10/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: