Sách bài tập Sinh học 10 Bài 16 (Chân trời sáng tạo): Phân giải các chất và giải phóng năng lượng

Với giải sách bài tập Sinh học 10 Bài 16: Phân giải các chất và giải phóng năng lượng sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Sinh học 10 Bài 16.

1 1,289 26/11/2022
Tải về


Giải sách bài tập Sinh học 10 Bài 16: Phân giải các chất và giải phóng năng lượng - Chân trời sáng tạo

Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 49

Bài 16.1 trang 49 sách bài tập Sinh học 10: Bản chất của quá trình hô hấp tế bào là một chuỗi các phản ứng

A. thủy phân.

B. oxi hóa – khử.

C. tổng hợp.

D. phân giải.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Bản chất của quá trình hô hấp tế bào là một chuỗi các phản ứng oxi hóa – khử. Thông qua chuỗi phản ứng oxi hóa – khử này, năng lượng trong các hợp chất hữu cơ được giải phóng từng phần.

Bài 16.2 trang 49 sách bài tập Sinh học 10: Kết thúc quá trình phân giải hiếu khí, tế bào thu được số phân tử ATP là

A. 32 ATP.

B. 28 ATP.

C. 34 ATP.

D. 2 ATP.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Kết thúc quá trình phân giải hiếu khí, tế bào thu được số phân tử ATP là 32 gồm 2 ATP ở giai đoạn đường phân, 2 ATP ở chu trình Krebs và 28 ATP trong chuỗi truyền electron hô hấp.

Bài 16.3 trang 49 sách bài tập Sinh học 10: Nhận định nào đúng trong các nhận định sau đây?

A. Chuỗi chuyền electron hô hấp diễn ra ở chất nền ti thể.

B. Sau khi hình thành từ quá trình đường phân, hai phân tử pyruvic acid sẽ được chuyển vào chất nền ti thể.

C. Acetyl – CoA là nguyên liệu trực tiếp tham gia vào chuỗi chuyền electron.

D. Trong quá trình hô hấp tế bào, năng lượng của phân tử glucose được giải phóng một cách ồ ạt trong các giai đoạn khác nhau.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

A. Sai. Chuỗi chuyền electron hô hấp diễn ra ở màng trong ti thể.

B. Đúng. Sau khi hình thành từ quá trình đường phân, hai phân tử pyruvic acid sẽ được chuyển vào chất nền ti thể.

C. Sai. Acetyl – CoA là nguyên liệu trực tiếp tham gia vào chu trình Krebs, nguyên liệu trực tiếp của chuỗi chuyền electron là NADH và FADH2.

D. Sai. Trong quá trình hô hấp tế bào, năng lượng của phân tử glucose được giải phóng từ từ, từng phần trong các giai đoạn khác nhau.

Bài 16.4 trang 49 sách bài tập Sinh học 10: Đâu là sự khác nhau cơ bản giữa quang hợp và hô hấp?

A. Đây là hai quá trình ngược chiều nhau.

B. Sản phẩm C6H12O6 được tạo ra từ quá trình quang hợp là nguyên liệu của quá trình hô hấp.

C. Quang hợp là quá trình tổng hợp, tích lũy năng lượng còn hô hấp là quá trình phân giải, giải phóng năng lượng.

D. Quang hợp chỉ xảy ra ở thực vật, còn hô hấp xảy ra ở mọi sinh vật.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Sự khác nhau cơ bản giữa quang hợp và hô hấp: Quang hợp là quá trình tổng hợp, tích lũy năng lượng còn hô hấp là quá trình phân giải, giải phóng năng lượng.

Bài 16.5 trang 49 sách bài tập Sinh học 10: Những đặc điểm nào sau đây là đúng khi nói về phân giải kị khí và phân giải hiếu khí?

Sách bài tập Sinh học 10 Bài 16 (Chân trời sáng tạo): Phân giải các chất và giải phóng năng lượng (ảnh 1)

Lời giải:

Đặc điểm đúng khi nói về phân giải kị khí và phân giải hiếu khí:

- Tất cả mọi tế bào đều có thể diễn ra cả hai hình thức hô hấp này.

- Hiệu suất chuyển hóa năng lượng của hô hấp hiếu khí cao hơn so với lên men.

Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 50

Bài 16.6 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Ở giai đoạn đường phân, tổng số phân tử ATP thu được khi phân giải 10 phân tử glucose là

A. 40.

B. 28.

C. 20.

D. 36.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Ở giai đoạn đường phân, mỗi phân tử glucose giải phóng 2 ATP (Thực tế đã tạo ra 4 ATP nhưng do 2 ATP đã được sử dụng để hoạt hóa glucose nên chỉ thu được 2 ATP) → Ở giai đoạn đường phân, tổng số phân tử ATP thu được khi phân giải 10 phân tử glucose là 2 × 10 = 20. 

Bài 16.7 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Kết thúc quá trình phân giải kị khí, tế bào thu được bao nhiêu phân tử ATP?

A. 2.

B. 4.

C. 6.

D. 8.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Quá trình phân giải kị khí gồm 2 giai đoạn là đường phân và lên men. Trong đó, ATP chỉ được tạo ra ở giai đoạn đường phân. Kết quả của quá trình phân giải kị khí, 1 phân tử glucose chỉ tạo ra 2 phân tử ATP, ít hơn rất nhiều so với hô hấp hiếu khí.

Bài 16.8 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Trong quá trình phân giải hiếu khí, một phần năng lượng bị mất đi dưới dạng

A. hóa năng.

B. nhiệt năng.

C. điện năng.

D. cơ năng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Trong quá trình phân giải hiếu khí, năng lượng được tích lũy trong các hợp chất hữu cơ phần lớn được chuyển thành năng lượng dễ sử dụng là ATP, còn một phần năng lượng bị mất đi dưới dạng nhiệt năng.

Bài 16.9 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Phân biệt đường phân, chu trình Krebs và chuỗi chuyền electron hô hấp về: vị trí xảy ra, nguyên liệu, sản phẩm và năng lượng.

Lời giải:

Tiêu chí

Đường phân

Chu trình Krebs

Chuỗi chuyền

electron

Vị trí xảy ra

Bào tương

Chất nền ti thể

Màng trong ti thể

Nguyên liệu

Glucose

Acetyl - CoA

NADH, FADH2

Sản phẩm

Pyruvic acid, NADH

CO2, NADH, FADH2

H2O, NAD+, FAD

Năng lượng

2 ATP

2 ATP

28 ATP

Bài 16.10 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Điều gì sẽ xảy ra khi tế bào bị thiếu oxygen? Tế bào sẽ đáp ứng với tình trạng bị thiếu oxygen bằng cách nào?

Lời giải:

- Khi tế bào không được cung cấp oxygen, chuỗi chuyền electron sẽ bị ngừng trệ, các phân tử NADH được tích trữ trong tế bào làm cho hàm lượng NAD+ dần cạn kiệt. Kết quả là quá trình đường phân không thể diễn ra.

- Trong trường hợp này, tế bào sẽ sử dụng pyruvic acid làm chất nhận electron từ NADH và biến đổi thành các sản phẩm cuối cùng nhờ quá trình lên men diễn ra trong tế bào chất. 

- Có hai hình thức lên men là lên men rượu và lên men lactic:

+ Lên men rượu (có ở đa số vi khuẩn, nấm men):

Pyruvic acid → C2H5OH (rượu ethanol) + 2 CO2

+ Lên men lactic (có ở một số vi khuẩn, nấm, động vật):

Pyruvic acid → C2H5OCOOH (lactic acid)

Bài 16.11 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: So sánh quá trình hô hấp tế bào với sự đốt cháy.

Lời giải:

Hô hấp tế bào

Sự đốt cháy

- Là một chuỗi gồm nhiều phản ứng.

- Chỉ có duy nhất một phản ứng.

- Phần lớn năng lượng được giải phóng sẽ tích lũy trong ATP được dùng cho các hoạt động sống, chỉ một phần nhỏ giải phóng dưới dạng nhiệt.

- Toàn bộ năng lượng đều được giải phóng dưới dạng nhiệt, không sử dụng được cho các hoạt động sống.

- Năng lượng được giải phóng một cách từ từ.

- Năng lượng được giải phóng một cách ồ ạt.

- Có sự tham gia của nhiều enzyme.

- Không có sự tham gia của enzyme.

Bài 16.12 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Trong tế bào có hai phân tử dự trữ phần lớn năng lượng từ các phản ứng oxi hóa – khử của chu trình Krebs, đó là hai phân tử nào? Bằng cách nào mà năng lượng trong các phân tử này có thể chuyển thành dạng được sử dụng để tổng hợp ATP?

Lời giải:

- Hai phân tử đó là NADH và FADH2

- Năng lượng trong các phân tử này có thể chuyển thành dạng được sử dụng để tổng hợp ATP bằng cách chúng chuyển electron cho chuỗi chuyền electron trên màng trong ti thể, năng lượng được sử dụng để thúc đẩy quá trình tổng hợp ATP. 

Bài 16.13 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Sau khi học xong quá trình phân giải các chất ở tế bào, một bạn đã phát biểu rằng: “Trong ba giai đoạn của phân giải hiếu khí, đường phân được xem là giai đoạn cổ nhất”. Em có đồng ý với bạn đó không? Tại sao?

Lời giải:

- Đồng ý với ý kiến trên. 

- Đường phân là giai đoạn cổ nhất vì quá trình này diễn ra ở tất cả các tế bào.

Bài 16.14 trang 50 sách bài tập Sinh học 10: Khi cho một ti thể tinh sạch vào dung dịch đệm có chứa ADP, Pi. Sau đó, lần lượt cho một chất X có thể bị oxi hóa và một phân tử Y vào trong dung dịch. Theo dõi quá trình hô hấp tế bào thông qua lượng O2 được tiêu thụ và lượng ATP được hình thành, người ta vẽ được đồ thị như Hình 16.1. Chất X và Y có thể là chất gì? Giải thích.

Sách bài tập Sinh học 10 Bài 16 (Chân trời sáng tạo): Phân giải các chất và giải phóng năng lượng (ảnh 1)

Lời giải:

- X có thể là cơ chất và Y có thể là cyanide.

- Giải thích: 

+ Khi cho chất X vào dung dịch thì sự tiêu thụ O2 và tổng hợp ATP đều tăng lên, chứng tỏ X là cơ chất có thể bị oxi hóa.

+ Khi cho chất Y vào dung dịch thì sự tiêu thụ O2 và tổng hợp ATP đều giảm, chứng tỏ chất Y có thể là chất gây ức chế quá trình vận chuyển electron đến O2 → không xảy ra chuỗi chuyền electron → oxygen không được sử dụng và ATP không được tạo ra.

Xem thêm lời giải sách bài tập Sinh học lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 17: Thông tin giữa các tế bào

Ôn tập chương 3

Bài 18: Chu kì tế bào

Bài 19: Quá trình phân bào

Bài 20: Thực hành: Quan sát tiêu bản các kì phân bào nguyên phân và giảm phân

1 1,289 26/11/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: